CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG – năm A

Bài 1

Is 11, 1 – 10; Mt 3, 1 – 12
Chủ đề: Mêsia Đấng tràn đầy Thần Khí sẽ khai sinh thế giới mới

Is 11, 2. 9b: Trên Mầm Non này, Thần Khí Chúa sẽ ngự lại. Bấy giờ … sự hiểu biết Thiên Chúa sẽ tràn ngập cõi đất

Mt 3, 11b – 12: Đấng đang đến sau tôi … sẽ làm phép rửa … bằng Thánh Thần … Người sẽ rê sạch lúa trong sân:  thóc mẩy thì thu vào kho.

   Phụng vụ Lời Chúa hôm nay tập trung vào Đấng MÊSIA: bài đọc 1 lẫn Tin Mừng đều giới thiệu một vài nét về con người và sứ mạng của Người. Đấng đó là Đấng đầy Thần Khí của Thiên Chúa, Người đến để tái lập sự an lạc, thái bình bằng cách tinh luyện Dân Chúa cách công minh, chính trực. Dung mạo nổi bật của Đấng Mêsia trong Chúa Nhật 2 A Mùa Vọng là dung mạo THẨM PHÁN. Sứ vụ của Người là XÉT XỬ, THANH LUYỆN dân Người theo lẽ công minh và qua đó thiết lập ngay tại thế này vương triều thiên sai mà Dân Chúa lẫn chư dân đều mong ước.

   Mở đầu, bài đọc một trình bày Đấng Mêsia như là một vua Đavit mới vì cùng xuất thân từ một nguồn là gốc tổ Giêsê là cha của vua Đavit. Chi tiết này gợi lên niềm hi vọng triều đại huy hoàng của Vua Đavit sẽ được vị vua mới này, mà sấm ngôn Isaia gọi là “Màm Non” tái lập lại.

   Mầm Non này là Đấng tràn đầy Thần Khí của Thiên Chúa; động lực thúc đẩy Người hành động là “Lòng kính sợ Đức Chúa”. Nhờ đó Người là vị Thẩm Phán công minh; Phán quyết, xét xử của Người không sai lầm bởi vì Người thấu suốt tâm can mọi người, không gì che dấu được Người. Người cũng không cần nhân chứng bởi vì công lý nằm trong chính bản thân Người: Lời nói, hơi thở của Người là chuẩn mực để xét xử; trang phục chiến đấu của Người là đức công chính và tín thành.

   Với một thủ lãnh như vậy thì chắc chắn công lý và an bình sẽ ngự trị trong xứ sở và sự hài hòa sẽ lan tỏa trên toàn vũ trụ.

   Để nói lên cảnh phúc lộc an hòa của triều đại Mêsia Mầm Non, Isaia đã vay mượn hình ảnh của Vườn Địa Đàng nguyên thủy:

    Dã thú, gia cầm sống chung an bình, cùng ăn cỏ, được một em bé chăn dắt; Trẻ thơ đùa chơi, thọc tay vào hang rắn độc … Tất cả nói lên sự hài hòa của toàn thể tạo vật, mỗi vật đều về lại đúng vụ trí, trật tự của mình như trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

   Với triều đại Mêsia, kẻ ác, điều tà sẽ không tồn tại được, vì mọi người đều HIỂU BIẾT ĐỨC CHÚA.

   “Hiểu biết ĐỨC CHÚA” là cội nguồn an lạc, phúc lành. Chính Mê sia Mầm Non là Đấng mang lại cho con người sự hiểu biết đó.

  Tin Mừng thuật lại sứ vụ tiền hô của Gio an Tẩy Giả. Ông mời gọi dân chúng “hoán cải vì Nước Trời đã đến gần”. Qua sứ vụ của mình, Gioan bày tỏ vài nét dung mạo của Đấng Mêsia.

  Trước tiên ông mời dân sám hối, thay đổi cái nhìn, đừng tưởng mình là con cái Abraham thì chắc chắn sẽ được hưởng phúc lộc thời Mêsia, để rồi không chịu sám hối. Bởi vì theo Gioan, Đấng Mê sia là vị Thẩm Phán nghiêm minh: rìu đã để sẵn dưới gốc cây; Vậy hãy mau mau lo sám hối.

   Rồi Gioan dùng chính sứ vụ và con người của ông để mặc khải “Đấng sẽ đến sau ông”; “Tôi không đáng xách dép cho Người”; “Tôi làm phép rửa chỉ để giục lòng ăn năn sám hối”, còn Đấng Mêsia “sẽ làm phép rửa cho các anh bằng Thánh Thần và bằng lửa”. Câu nói bí hiểm này sẽ được sáng tỏ ra khi Đức Giêsu phục sinh gởi Chúa Thánh Thần xuống trên đoàn môn đệ dưới hình LỬA trong lễ Ngũ Tuần.

   Tuy nhiên, với cái nhìn còn hạn hẹp của thời Cựu Ước, Gioan nhấn mạnh đến vai trò THẨM PHÁN NGHIÊM KHẮC của Đấng Mêsia qua hình ảnh rê lúa và thiêu hủy thóc lép.

   Qua vài hình ảnh, nhất là hình ảnh Thẩm Phán nghiêm minh về Đấng Mêsia, Chúa Nhật 2 A Mùa Vọng mời chúng ta hãy sám hối, mở rộng lòng đón Chúa, hiểu biết ĐỨC CHÚA để được vui hưởng phúc lộc thiên sai khi Nước Trời đến.

Bài 2

   Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần (c.2) … Đấng đến sau tôi…sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa (c.11). Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm … (c.12a).

Chúng ta bước vào Chúa Nhật 2A Mùa Vọng. Chủ đề của Lời Chúa hôm nay tiếp tục hướng về việc CHÚA ĐẾN và từ đó nhân loại hồi sinh, hi vọng bừng lên, thao thức và chuẩn bị đón rước Chúa. Tuy nhiên trọng tâm của Lời Chúa hôm nay không hướng về 2 lần đến của Chúa mà truyền thống phụng vụ hay nhắc đến: Giáng Sinh và Quang Lâm, nhưng hướng về lần Chúa đến trong cuộc sống thường ngày, đồng hành với nhân loại trên mọi nẻo đường nhân thế, trong thân phận giới hạn, “giống chúng ta mọi đàng trừ tội lỗi”, của một con người. Lời Chúa của Chúa Nhật 2 A Mùa Vọng mời tín hữu đón tiếp Vị Cứu Tinh, gặp gỡ Đấng Mêsia qua những lời dạy, hành vi nhân loại của một con người mang tên Giêsu trong giai đoạn Người xuất hiện công khai thi hành sứ vụ tại Palestin. Người đang chuẩn bị cho nhân loại sẵn sàng để đón Chúa đến trong Quang Lâm với niềm vui, hạnh phúc của thần dân trung tín, người con hiếu thảo của Thiên Chúa. Nếu không có sự chuẩn bị này thì nhân loại, dù thiện chí đến đâu đi nữa, thì cũng khó lòng “ngẩng cao đầu” đón Chúa ngày Quang Lâm. Thật vậy:

  • Người đã đến lần thứ nhất trong thân phận một Hài Nhi, trong 1 gia đình Do Thái, là dân Chúa chọn, dân Israel, để hoàn tất lời đã hứa cho tổ tiên họ (x. Is 7, 14; 9, 5) và cho cả nhân loại nữa (x. St 3, 15).

Dân Chúa đã thành tâm, hết lòng mong đợi Đấng Cứu Thế đến, và họ cũng đã ráo riết chuẩn bị tiếp đón Người. Thế nhưng, tiếc thay, khi Người đến họ đã khước từ Người; Bởi vì trong tâm trí họ đã dựng nên một bàn thờ ngẫu tượng, tự đúc ra những con Con Bò Vàng, để nó chiếm ngự trọn trái tim và mơ ước của họ…; Cho nên khi Đức Giêsu đến rao giảng, mang lại những hình ảnh, thực tế khác xa điều họ mơ ước thì họ đã chối từ đến độ phải loại trừ Người.

  • Nếu các thực tại đáng buồn ấy trong Dân Chúa lại xảy đến nơi mỗi tín hữu chúng ta hôm nay thì sao? Nếu tình trạng ấy không được chỉnh sửa, tu bổ lại thì khi Chúa Quang Lâm điều gì sẽ xảy ra cho chúng ta?

  • Vậy thời gian hiện tại (giữa Giáng Sinh và Quang Lâm) là thời gian tín hữu phải mở rộng tấm lòng đón Đức Giêsu đến với chúng ta, TỪNG NGƯỜI, mỗi ngày trong từng biến cố, thời khắc của cuộc sống, luôn TỈNH THỨC, CANH THỨC để đón Chúa vào nhà, để Chúa hoán cải tâm trí, con người, cách ứng xử, hành động của chúng ta theo đường lối Chúa chuẩn bị cho ngày Chúa Quang Lâm sẽ là ngày vui, ngày hạnh phúc của chúng ta.

     Như vậy trong Mùa Vọng, Chúa cũng có một ước mơ, 1 chờ đợi (chứ không phải chỉ có con người chờ đợi), và Chúa đã ĐẾN, bày tỏ cho chúng ta thấy điều Chúa “VỌNG” nơi con người; Cho nên Chúa “VỌNG” thuần túy nhân loại sẽ đưa con người tới ngõ cụt. Cho nên Chúa “VỌNG” chúng ta tín thác vào Chúa để Chúa chỉnh sửa cái “vọng” của ta được hòa nhập với cái “VỌNG” của Chúa. Đó chính là con đường tuyệt vời để đón Chúa Quang Lâm.

   Nét chính của Chúa Nhật 2 và 3 Mùa Vọng là lời mời ĐÓN CHÚA ĐẾN TRONG CÁC BIẾN CỐ CUỘC ĐỜI HIỆN TẠI: Đức Giêsu, khoảng 30 tuổi (Lc 3, 23) đang ở giữa chúng ta trong thân phận 1 thanh niên của dân tộc Người; Chưa ai nhận ra được căn tính thiên sai của Người và Gioan Tẩy Giả đã làm tiền hô loan báo Tin Mừng Chúa đến rồi cho dân và chuẩn bị lòng dân đón tiếp Chúa.

    Để tưởng niệm trong niềm vui và tri ân vì Chúa đã đến trong biến cố Giáng Sinh; Để sống trong hi vọng, lạc quan chờ Chúa đến trong Quang Lâm, mỗi tín hữu hãy tỉnh thức, canh thức rước Chúa vào tâm hồn mình trong giây phút hiện tại, trong từng biến cố cuộc sống hôm nay: cùng với Chúa biến thế gian lưu đày thành nơi nghênh đón Chúa, thành nơi Chúa dùng để hoàn tất công trình Sáng Tạo, Cứu Độ của Người.

   Mùa Vọng nhắc chúng ta hãy từng bước, cùng với Chúa đem “vườn Địa Đàng” xuống trần gian này, biến nơi lưu đày thành nơi Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, biến tâm hồn từng tín hữu thành Đền Thờ của Thiên Chúa: “Chúa Giêsu ngự trị lòng ta”, luôn luôn! (Tâm niệm và là lời chào chúc Lasan)

Chủ điểm phụng vụ

   Phụng vụ Lời Chúa hôm nay tập trung vào Đấng Mêsia: giới thiệu một vài nét về con người và sứ mạng của Người. Đó là Đấng tràn đầy Thần Khí nên cũng là Thẩm phán công minh đến xét xử, thanh lọc dân Người và thiết lập vương triều thiên sai.

  Bài đọc 1 là lời giới thiệu của Isaia về Đấng Mêsia thời cánh chung. Người là Đavít mới phát xuất từ gốc Giêsê – Thần Khí Chúa sẽ ngự trên Người, thúc đẩy Người thực thi công lý, xét xử công minh, bênh vực kẻ thấp cổ bé miệng nghèo hèn. Kết quả là sự hài hòa của công trình sáng tạo được hồi phục, triều đại thiên sai thái bình thịnh vượng sẽ ngự trị và trên toàn trái đất mọi người sẽ hiều biết Đức Chúa.

   Tin Mừng trích thuật lại sứ vụ tiền hô của Gioan: Chuẩn bị lòng dân cho thời thiên sai và giới thiệu Đấng Mêsia. Dân đến với ông, thú tội và nhận phép rửa; Với nhóm biệt phái và Xa-đốc, ông nghiêm khắc cảnh báo phải sám hối và tỏ lộ ra bằng những việc lành, đừng ảo tưởng về dòng tộc Abraham của mình bằng không thì “rìu đã đặt dưới gốc cây…”. Sau đó ông giới thiệu Đấng Mêsia: đến sau ông, nhưng đầy quyền thế, Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần và Lửa và là Đấng thực thi việc thanh lọc cuối cùng, thóc mẩy cho vào kho, thóc lép đem thiêu đốt.

   Trong tinh thần phụng vụ, thơ Rôma cũng xác nhận Đức Giêsu Kitô chính là Đấng Mêsia được Thiên Chúa sai đến để cứu mọi người: Đức Kitô phục vụ dân cắt bì là do lòng trung tín của Thiên Chúa đối với lời hứa với cha ông họ, còn dân ngoại cũng được Đức Kitô cứu là do lòng thương xót của Thiên Chúa.

Bài đọc I: Is 11, 1 – 10

    Isaia 7 – 12 được gọi là “Sách Đức Emmanuel” vì nội dung phần này chủ yếu đề cập đến một Hài Nhi được gọi tên là Emmanuel, và các sấm ngôn này là điểm quy tụ nhiều sấm ngôn khác liên quan đến nhiều thời điểm lịch sử khác nhau của Israel có liên quan tới Người. Qua sách này, ta có thể nhận ra tình trạng bất ổn của Giuđa lúc đó, luôn bị đe dọa bởi các thế lực ngoại bang: của liên quân Syro – Ephraim (ch. 7- 9), rồi của Assur (ch.11). Chính trong cảnh tối tăm ấy, 3 lời sấm về Đấng Emmanuel đã được công bố như là ánh sáng hy vọng cho Giuđa.

   Ba lời này phác họa dung mạo của một hài nhi thuộc dòng họ Đavít:

  • Được sinh ra do một trinh nữ và được đặt tên là Emmanuel (ch.7).

  • Người sẽ giải phóng dân Người khỏi cảnh tối tăm áp bức, tiêu diệt chiến tranh và tái lập công lý hòa bình (ch.9).

  • Người là Đấng tràn đầy Thần Khí của Thiên Chúa nên sẽ thực hiện vai trò lãnh đạo, thẩm phán công minh, biến trái đất này nên địa đàng và nhất là mọi người đều hiều biết Thánh Ý Thiên Chúa (ch.11)

   Bài đọc 1 là trích phần đầu của sấm ngôn thứ 3 nói về Đấng Emmanuel.

  1. Cội nguồn nhân loại của Đấng Mêsia

     * Từ gốc tổ Gie-sê …từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non”

   Giê-sê là cha của Đavít: 1Sm 17, 12.58 gốc vùng Belem. “Mầm non mọc lên trực tiếp từ gốc tổ Giê – sê, tức ngang hàng với Đavit, là Đavit mới” (CGKPV). Khía cạnh vương đế của Đấng Mêsia được nhấn mạnh ở đây. Tuy nhiên đây là một triều đại hoàn toàn mới mẻ, được đổi mới tận căn. Thiên Chúa sẽ hủy bỏ hậu duệ Đavit đến tận gốc vì tội của nó và làm lại từ đầu. Chúa vẫn trung thành với ý định nguyên thủy của Người về vương triều (1Sm 16,1) vì “Mầm Non”, cũng chính là con của Gie-sê. Tên Gie-sê nối kết với làng quê an bình Bêlem, còn tên Đavit thì với Giêrusalem huy hoàng nhưng chinh chiến; chính Bêlem là nơi yếu tố được Kinh Thánh chọn để làm chi tiết nhận diện “Giêsu – Mêsia”: (x. Mt 2, 5 – 6). Qua nhân vật Gie-sê và vùng quê Bêlem sấm ngôn nhấn mạnh tới tính cách mục tử, khiêm tốn, bình đẳng của “Chồi Non”, của triều đại mới khác hẳn với những cơ chế, triều nghi phô trương theo thế tục.

  1. Vài nét dung mạo của Đấng Mêsia (cc. 2 -5)

* Đấng đầy Thần Khí: “Thần Khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này… kính sợ Đức Chúa” (c.2)

   Trong Cựu Ước, Thần Khí được mặc khải như là một cường lực tác sinh (St 1, 1 – 2; 2 – 7); cường lực soi dẫn trợ lực cho các thủ lãnh: Môsê, Đavit, Saul, các thủ lãnh, các kỳ mục (Ds 11, 16 – 17) hoàn tất vai trò lãnh đạo của họ, trợ lức cho các ngôn sứ nhận ra ý Chúa và tuyên sấm trung thực; cường lực tái tạo: Thanh luyện, đổi mới, hồi sinh (x. Ed 36, 26 – 28; 37, 1 – 16…)

   7 ơn Thần Khí: Thần khí linh hoạt trong Cựu Ước, nay hiện diện cách sung mãn nơi “Mầm Non” của gốc Giê-sê. Bản Hipri kể ra các ơn huệ Thần Khí thành 3 cặp theo lối viết văn Sêmít. Nhưng bản LXX lại thêm vào ơn đạo đức. Đây là nguồn gốc 7 ơn Chúa Thánh Thần.

    Câu 2 cho thấy “Mầm Non” là người đầy Thần Khí Yavê, là Đấng hội tụ lại nơi mình mọi thiện hảo của các tiền nhân được chọn, là Đấng mà mọi dự tính của Thiên Chúa về vũ trụ sẽ được Đấng ấy đưa tới mức viên mãn.

   Qua việc Thiên Chúa thương ban cho dân Đấng Mêsia tràn đầy Thần Khí, Thiên Chúa đã hồi phục phẩm giá nhân loại (x. St 2, 7), từ nay thân phận loài người tội lỗi đã trở nên đối tượng Thiên Chúa thông ban ơn Thánh Thần, trở thành môi trường hoạt động của Chúa Thánh Thần, trở thành nơi để Thiên Chúa và Thánh Thần ngự giữa nhân loại: xác phàm nhân nên Đền Thờ Thiên Chúa (1Cr 3, 16), Đền Thờ của Chúa Thánh Thần (1Cr 6, 19).

   * Vị Vua lý tưởng (cc. 3 – 5)

– Hành động được thúc đẩy bởi “lòng kính sợ Yavê”: “…làm cho Người hứng thú” (c. 3a).

 – Trở nên vị Thẩm phán lý tưởng:

* Công minh: “Không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài” (c.3b)
* Theo sự thật: “Không phán quyết theo lời kẻ khác nói” (c.3c)
* Bênh vực kẻ nghèo thế cô: “…công minh…vô tư bênh người nghèo trong xứ sở” (c. 4ab)

– Chuẩn mực để xét xử: là chính Người (nhờ đầy Thần Khí và có động lực là lòng kính sợ Đức Chúa) được diễn tả: “Lời Người…Hơi thở…Đai Thắt ngang lưng…Giải buộc bên sườn…” (c.5)

   Nhờ đầy Thần Khí Yavê, Người xét xử không sai lầm bởi Người thấu suốt tâm can: không ai có thể đóng kịch che giấu được Người và Người cũng không cần tới nhân chứng (c.3).

   Người sẽ không thiên vị ai, bởi vì công lý nằm trong chính bản thân Người; Lời nói, hơi thở của Người là chuẩn mực để xét xử; sức mạnh của Người (biểu tượng: đai lưng, giải buộc: đây là trang phục của chiến binh đang lâm trận) là đức công chính và lòng thành tín. Đó là hệ quả của việc được tràn đầy Thần Khí và việc có “lòng kính sợ Yavê”.

   Với một thủ lãnh như vậy thì chắc chắn công lý và an bình sẽ ngự trị trong xứ sở và sự hài hòa sẽ lan ra cho toàn vũ trụ.

  1. Hoa trái triều đại Mêsia: thái hòa cho toàn vũ trụ (cc. 6 – 9)

* Hồi phục, tái lập lại địa đàng nguyên thủy (cc. 6 – 8).

– Thú dữ, gia cầm sống chung, cùng ăn cỏ, được một em bé chăn dắt.
– Trẻ chơi đùa bên, thọc tay vào hang rắn lục.

   Tất cả nói lên sự hài hòa của toàn thể tạo vật và con người là bá chủ. Hình ảnh trữ tình trong đoạn này gợi lại hạnh phúc Eden. Vậy ơn cứu độ do “Mầm Non” mang lại không chỉ dành cho con người, nhưng cho toàn vũ trụ vì vạn vật đều liên đới với con người nên cùng chung vận mạng với con người (x. Rm 8, 20 – 21). Hình ảnh đẹp nhất để diễn tả sự hài hòa trọn hảo của công trình sáng tạo được tìm lại và được đưa đến chỗ viên mãn là: Trẻ thơ chơi đùa cùng rắn độc. Cuộc chiến sống mái giữa người và rắn đã bùng nổ ngay từ buồi khởi đầu công trình sáng tạo (St 3, 15) đã khai mào cho mọi cuộc chinh chiến khác, nay đã hoàn toàn chấm dứt. Sự ác hoàn toàn biến mất trong vương quốc của “Mầm Non”.

   * Nguyên do của cuộc hồi phục tuyệt vời ấy (c.9)

– Sự ác không tồn tại: “sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh…”
– Nguyên do: vì mọi người đều “HIỂU BIẾT YAVÊ”

   (X. CGKPV Các sách ngôn sứ 64 y). “Hiểu biết Yavê” sễ là nét đặc thù của thời Mêsia. Chính “Mầm Non”, Đấng đầy Thần Khí Yavê thực hiện công trình kỳ diệu này nơi thần dân của mình. Chi tiết này ứng dụng trực tiếp vào Đức Giêsu trong việc Người mặc khải Cha cho chúng ta: “…Không ai biết Cha trừ phi Con và những ai được Con mặc khải cho (Mt 11, 27). Theo lối hiểu này, các Kitô hữu là hậu duệ của Mầm Non. Vậy sứ mạng chính yếu của kẻ tin là làm cho nhân loại hiểu biết Cha và Con. Đó phương thế duy nhất để cứu thế giới và kiến tạo an bình hài hòa chân thật và vĩnh cửu).

* Kết luận: Mầm Non từ gốc Gie-sê là trung tâm quy tụ chư dân (10).

  • Thời điểm: “đến ngày đó”

  • Thiên Chúa can thiệp: “Cội rễ Giêsê sẽ đứng lên làm kỳ hiệu cho các dân”

  • Đáp trả: “Các dân tộc sẽ tìm kiếm Người”

  • Kết quả: “nơi Người sẽ rực rỡ vinh quang”.

 Trong văn mạch, câu này thuộc đoạn sau 11, 10-16, nhưng được phụng vụ móc vào phần trước là vì có nói đến vai trò quy tụ của “Cội rễ Giêsê” phù hợp để làm câu kết cho đoạn trên. Theo dòng lịch sử người ta có thể nhận ra ở c.10 này một ám chỉ đến hậu duệ của nhà Đavit sẽ hướng dẫn cuộc hồi hương đầu tiên sau lưu đày (x. Er 1-3). Trong Tân Ước, câu 10 được áp dụng cho Đức Giêsu: Người giương cao hiệu kỳ thập giá để quy tụ tất cả dưới trướng của Người (x. Rm 15,12; Kh 5,5; 22,16). Ở đây tính phổ quát của sứ vụ “Mầm Non” được nhấn mạnh.

  1. Tóm kết

          Bài đọc 1 mô tả vài nét cơ bản liên hệ đến con người và sứ mạng của Đấng Mêsia: Người là Đavit mới, tràn đầy thần khí để thực thi hoàn hảo sứ mạng Vua trên tuyển dân. Trong triều đại Người, an bình, công lý, hài hòa sẽ ngự trị, hạnh phúc địa đàng được tái lập. Tất cả là vì mọi người đều hiểu biết Thiên Chúa. Hơn thế nữa, “cội rễ” còn là trung tâm quy tụ chư dân: ơn cứu độ phổ quát do Người mang đến đã được tiên báo.

          Trong tâm tình phụng vụ, chúng ta biết “Mầm Non” là chính Đức Giêsu, và hiệu kỳ quy tụ Người đã giơ lên chính là Thập Giá, cớ vấp phạm cho tuyển dân Cựu Ước. Vậy vấn đề còn lại cho chúng ta là tuyển dân đích thực của Mầm Non, chúng ta có tin vào vũ khí tình yêu của Người và dấn thân như Người để thúc đẩy công trình Người đã khởi xướng mau tới chỗ hoàn tất?

TIN MỪNG: Mt 3, 1-12

Tin Mừng thứ nhất mở đầu bằng 2 chương nói về thời thơ ấu của Đức Giêsu. Qua gia phả và truyền tin cho Giuse, Đức Giêsu được giới thiệu là ân huệ thừa tự lời Thiên Chúa hứa với Abraham và Đavit. Trình thuật các nhà chiêm tinh đến bái lạy ngầm bảo Người chính là trung tâm quy tụ chư dân, vương quyền Người bao quát toàn cầu. Hai trình thuật cuối: bị Hêrôđê lùng giết phải trốn qua Ai Cập, và sau đó trở lại quê hương, nhằm ám chỉ Người là Môsê mới nơi Người Thiên Chúa hoàn tất lời hứa trong Kinh Thánh.

Tiếp sau là sứ vụ công khai của Gioan. Ông xuất hiện kêu mời dân hoán cải vì Nước Trời đã đến gần, rìu đã để sẵn dưới gốc cây, Đấng sẽ thanh tẩy trong Thánh Thần và Lửa đang cầm nia chuẩn bị rê lúa (3, 1-12) và sứ vụ ông kết thúc bằng việc ông làm phép rửa cho Đức Giêsu (3, 13-17). Chương 4 mở đầu cuộc chiến của Đức Giêsu bằng cơn cám dỗ sa mạc: Người vào tận sào huyệt ma quỷ, đập tan quyền lực dụ dỗ lừa đảo của chúng trước khi công khai rao giảng Tin Mừng cho dân Chúa. Tin Mừng hôm nay là phần đầu của sứ vụ công khai của Gioan: bằng những lời lẽ nghiêm khắc, ông mời dân chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với Đấng Thiên Sai được trình bày như 1 Thẩm phán công minh qua các hình ảnh “rửa trong Thánh Thần và Lửa”, mùa gặt: rê lúa.

  1. Con người và sứ vụ của Gioan (cc. 1-4)

    • Con người

* Tên: Gioan Tẩy Giả (c.1)

  Biệt danh “tẩy giả” cho phép ta nghĩ rằng Gioan thuộc phong trào các nhóm Tẩy Giả. Phong trào này xuất hiện tại Palestin khoảng thế kỷ thứ 1, phát triển trong giới bình dân đại chúng. Họ không để lại sách vở gì. Họ muốn cống hiến ơn cứu độ cho tất cả mọi người kể cả tội nhân lẫn dân ngoại (Lc 3, 7-14). Nghi lễ thanh tẩy – nhận chìm xuống nước – chỉ cử hành một lần duy nhất với mục đích là xin Chúa thứ tha tội lỗi.

          *Y phục, lương thực (c.4)

          Cách ăn mặc ám chỉ ông thuộc hàng ngôn sứ và nhất là hiện thân của Elia (x.2V 1, 18). Theo truyền thống Do Thai, Elia đã được đưa lên trời và sẽ trở lại làm tiền hô cho Ngày Cánh Chung (Ml 3,23). Khi mô tả Gioan giống Elia, Mt có ý bảo rằng Gioan chính là Elia trở lại (Mt11, 14; 17,13) để hoàn tất lời Kinh Thánh.

  • Sứ vụ

* Nơi thi hành: “trong hoang địa miền Giuđê” (c.1)

       Hoang địa: nơi gặp gỡ, sống ân tình với Chúa, nơi nhận những lời hứa của Giao Ước, nơi sống những kinh nghiệm tôn giáo và những thử thách. Vậy việc Gioan khởi đầu sứ vụ nơi hoang địa hàm ý mời dân về lại cái nôi khai sinh dân tộc, sám hối quay về cùng Thiên Chúa, sống lại mối tình đầu (Hs 2,16), thời đính hôn mới lại bắt đầu (Hs 2,21t). Điều ấy được biểu lộ qua lời mời “hãy hối cải”.

          * Sứ vụ rao giảng: “Anh em hãy hối cải, vì Nước Trời đã đến gần” (c.2)

     “hối cải”: mêtanôêo = “thay đổi ý kiến, não trạng”         “ăn năn”, “hối cải”, nói lên việc đi từ tình trạng này sang tình trạng khác, hàm ý một sự thay đổi toàn diện, được biểu lộ ra trong toàn thể thái độ sống. Việc thay đổi ấy bao hàm một khía cạnh tiêu cực: bỏ đàng xấu xa tội lỗi: và 1 khía cạnh tích cực: hướng cả con người về với Chúa.

       Lý do hối cải là vì “Nước Trời đã đến gần”: thời điểm Thiên Chúa ra tay can thiệp mạnh mẽ đã tới, Đấng Mêsia sắp xuất hiện đưa kế đồ cứu độ của Thiên Chúa vào giai đoạn chung cuộc. Tính lưỡng diện của “ngày Yavê” đòi buộc phải chuẩn bị kỹ để ngày đó đừng là án phạt mà là niềm vui.

    * Ý nghĩa sứ vụ Gioan: hoàn tất lời Kinh Thánh: Is 40,3 (c.3)

     Khi minh nhiên tham chiếu Is 40, 3, Matthêu muốn nói rằng lời rao giảng của Gioan dựa trên quyền bính, dự tính từ ngàn đời của ông Thiên Chúa hoàn tất lời hứa Cựu Ước.

    Trong Is 40,3: “Thiên Chúa đi”; Mt 3,3 đổi thành “Người đi”, sự thay đổi chi tiết này cho ta áp dụng câu này vào Đức Giêsu: Người chính là Thiên Chúa sắp đến và Gioan là tiền hô.

  1. Những phản hồi trước sứ vụ của Gioan

    • Dân chúng: (c.6)

         * Lắng nghe và hoán cải: “…người ta…kéo đến với ông. Họ thú tội”

    Qua cách ăn mặc, lời rao giảng, Gioan xuất hiện như một ngôn sứ. Đây là dấu chỉ thời Mêsia đã đến. Chính vì vậy dân nô nức kéo đến với Gioan, có người còn cho ông là chính Đấng Mêsia (Lc 3,15) và điều trước tiên họ làm là THÚ TỘI. Sám hối đích thật phải được khởi đầu bằng việc nhìn nhận mình là tội nhân cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì nếu tự coi mình là công chính thì ơn cứu độ không có chỗ để đến cư ngụ trong chúng ta (Mt 9,13) và tệ hơn nữa, khi không thú nhận mình là tội nhân thì đồng nghĩa với việc mình tố cáo Thiên Chúa là nói dối, như vậy sự thật không thể tồn tại nơi ta (1Ga 1,8-10).

        * Đáp trả của Gioan: “Ông làm phép rửa cho họ…”

     Phép rửa của Gioan đòi buộc người ta phải hối cải trước, như thế họ nhằm đến một tẩy rửa tam hồn chứ không phải là 1 nghi thức tẩy uế bề ngoài (3,2.6.8.11). Phép rửa này có tính đại đồng: người tội lỗi, dân ngoại đều có thể chịu lấy (Lc 3, 10-14). Như thế người Do Thái cũng bị coi đồng hàng với Dân ngoại, cũng cần sám hối để được tha tội. Họ phải nhận là họ bất xứng, không còn đáng gọi là dân Chúa nữa, cần phải đổi mới. Phép rửa này chỉ làm 1 lần nên nó mang tính chất 1 việc khai tâm gia nhập giáo phái và có giá trị cánh chung, tức là sát nhập thụ nhân vào nhóm người dọn mình đón chờ Đấng Mêsia sắp đến, và lập thành một cộng đoàn sẵn cho Người: x. 3,2.11; Ga 1,19-34.

2.2.  Nhóm biệt phái và nhóm Xađốc

* Cũng đến chịu phép rửa (c.7a)

    Họ thật lòng sám hối? Bản văn không nói họ có thú tội. Thực tế là hàng lãnh đạo có thái độ khinh thường đối với phép rửa và lời kêu mời hối cải của Gioan (x. Mt 21,32; Mc 9,13; Lc 7,29-30; Mc 13,27-33). Họ có mặt ở đây chắc là để dò xét Gioan (x. Ga 1,19-28). Phản ứng nguyền rủa của Gioan củng cố lập luận này. Tuy nhiên trung tín với sứ vụ, ông kêu mời họ sám hối.

* Phản ứng của Gioan

–  Vạch mặt: “Nòi rắn độc kia”

    “nghĩa là mắng họ là con cái Xatan, kẻ dối trá: St 3 trình bày rắn là biểu tượng của tính xảo trá lọc lừa; Kh 12,9 nói rắn là Xatan. Qua lời mắng này, Gioan vạch trần bộ mặt dối trá của họ, đập thẳng vào tính kiêu ngạo của họ vẫn tự cho mình là con cái Abraham với tất cả những đặc quyền nhưng lại trốn chạy trách nhiệm.

  • Cảnh cáo: “ai đã chỉ cho các anh trốn cơn thịnh nộ của Chúa?” (c. 7b)

     Đây là cơn thịnh nộ trong “Ngày Yavê”, nó sẽ giáng xuống trên tất cả tội nhân (Am 3,2); nhưng người Do Thái cho rằng nó chỉ dành cho dân ngoại. Quan niệm độc đoán ấy bắt nguồn từ cuộc bách hại thời Macabê: niềm khao khát được giải phóng đã khiến người Do Thái biến Đấng Mêsia thành 1 vị vua chính trị có sứ mạng tiêu diệt dân ngoại và nâng cao Israel. Gioan đưa dân – đặc biệt là nhóm biệt phái, Xađốc cứ tự cho mình là công chính – về lại với nghĩa đích thực của từ theo tinh thần ngôn sứ: cơn thinh nộ Thiên Chúa sẽ giáng xuống trên tất cả mọi tội nhân, bất luận họ là ai. Vậy phải lo hối cải.

  • Chỉ đường “… hãy sinh hoa quả xứng với lòng hối cải” (c.8)

     Sau khi trách mắng, người của Chúa vẫn yêu thương vạch ra đường hướng giúp các thủ lánh trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa: nội tâm phải hối cải và biểu lộ ra bên ngoài bằng những hành vi bác ái tương xứng (so sánh với Mt 7,16-19; Lc 13,6-9), cụ thể là phải thú tội, nhận phép rửa sám hối để có thể tái hội nhập vào cộng đoàn cánh chung của Đấng Mêsia nhờ sự che chở của Người mới hy vọng thoát cơn thịnh nộ của Thiên Chúa (1 Tx 1, 10; Rm 5,9))

  • Đập tan ảo tưởng: “đừng tưởng… có tổ phụ là Abraham. Qủa thế…Thiên Chúa có thể làm những hòn đá này trở nên con cháu Abraham”. (c.9)

      Chúng tôi có tổ phụ Abraham: cụm từ này nói tới 1 lý do làm cho người Do Thái ỷ lại (như xưa kia cha ông họ đã ỷ lại vào Đền Thờ, cho rằng Giêrusalem không thể bị hủy diệt bất chấp lời cảnh cáo của Giêrêmia và Edêkien) cho rằng bằng mọi giá bất chấp hạnh kiểm của họ, Thiên Chúa phải cứu họ vào thời Mêsia và họ hiểu “hậu duệ” theo nghĩa xác thịt. Nếu Chúa tru diệt họ cho dù vì tội của họ thì Chúa vi phạm lời hứa với Abraham. Như Giêrêmia xưa, giờ đây Matthêu điều chỉnh lại cái nhìn sai lệch ấy: Chúa tự do và quyền năng, Người có nhiều cách thực thi lời hứa cho Abraham chứ không nhất thiết là phải dung dưỡng những hậu duệ gian ác, lệch lạc: có thể bằng con đường giao ước như trong St 17,27 chẳng hạn. Nhưng ở đây, Matthêu muốn nói quá đi để cảnh cáo: nếu Chúa tru diệt dân Do Thái thì Người vẫn giữ trọn lời hứa với Abraham bằng cách biến những hòn đá thành con cái Israel thế vào. Cách nói như tát vào mặt này nhằm cảnh tỉnh nhớm thủ lãnh ra khỏi cái tự phụ, ảo tưởng của họ. Trong khía cạnh này, Gioan cũng đã là tiền hô của Đức Giêsu. Thực vậy, khi xuất hiện rao giảng công khai, Đức Giêsu cũng tuyên bố: Israel bị khai trừ, vì không sám hối, nhường chỗ cho lương dân (Mt 8,11-12; 21,43 so với Rm 9,6-8.). Về từ ngữ có chơi chữ:

  • Tiếng Aram: abenyya = “viên đá” và benayya = “con cái”

  • Tiếng Do Thái: a-ba-nim = “đá” và ba-nim = “con cháu”

  • Công bố thời xét xử chung cuộc đã tới: “Cái rìu…quăng vào lửa” (c.10)

    Câu 10 là lời mời gọi hãy tỉnh mộng, đừng ảo tưởng nữa, hãy trở về với thực tế vì Đấng Phán xét chung cuộc đến rồi. Thật vậy hình ảnh “cái rìu đã đặt sát gốc cây” là vay mượn từ Cựu Ước (Is 6,13; Ed 31,10-13; Đn 4,7-12) biểu tượng sự can thiệp công thẳng của Thiên Chúa; Thiên Chúa sẽ can thiệp tiêu diệt những kẻ tự kiêu và tái thiết lại từ gốc. Hình ảnh trên cũng bao hàm lời kêu mời sám hối và thực thi bác ái để có hy vọng thoát khỏi án phạt (so Đn 4,16-24 với Mt 3,8a.10b)

   Như vậy, mặc dù trách mắng, Gioan vẫn mở đường sống cho Nhóm Biệt Phái và Bè Xađốc: hãy sám hối, thú tội và làm việc lành, sinh trái tốt.

  1. Giới thiệu vài nét về Đâng Mêsia (cc 11-12)

* Xác đinh rõ giới hạn của sứ vụ mình: “Phần tôi…làm phép rửa…để giục lòng…hoán cải” (c.11a)

* Xác định vị thế khiêm tốn của mình trong tương quan với Đấng Mêsia:

  • “Đấng đến sau tôi, quyền thế hơn tôi”

  • Hình ảnh minh họa: “tôi không đáng xách dép cho Người” (c.11b)

    Gioan xác nhận phép rửa của ông chỉ để giục lòng sám hối, không có giá trị tha tội. So với Đấng Mêsia, ông chỉ là tôi tớ, được minh họa qua hình ảnh “xách dép”.

   “Cởi giày cho chủ” vào thời Đức Giêsu là 1 công việc rất hèn hạ đến nỗi không 1 người nô lệ Do Thái nào, theo sách Mishna, bị ép buộc phải làm” (J. M. Lagrange)

* Giới thiệu dung mạo Đấng Mêsia (cc.11c-12)

  • Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần và Lửa

    “Rửa trong Thánh Thần”: đây là cách nói của Matthêu, ám chỉ việc trao ban Thần Khí mà Luca loan báo (Lc 24,29; Cv 1,5; 11,16; 19,1-7). Phép rửa trong Thần Khí đã hoàn tất lời Gioen 3,1 mà Is 44,3; Ed 11,19; 18,31; 36,25-26 đã từng loan báo.

    “Lửa”: vừa là biểu tượng của hình phạt phán xét, “lửa thịnh nộ”; nhưng nó cũng là yếu tố cần thiết để tẩy luyện (Rm 1, 16-18) để giúp con người có thể thông dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa.

    Như vậy Đấng Mêsia có thẩm quyền về 2 mặt: tiêu diệt kẻ ác bằng lửa thịnh nộ và thánh hóa người lành bằng lửa thần khí.

  • Thẩm phán nghiêm khắc qua hình ảnh rê lúa: “thóc mẩy cho vào kho; thóc lép bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”.

     Kinh Thánh thường mượn hình ảnh mùa gặt để nói về ngày phán xét cánh chung. Ở đây, “Đấng đến sau tôi” được trình bày như 1 thẩm phán nghiêm khắc, sẽ thẳng tay thi hành công lý của Thiên Chúa để khử trừ hết mọi kẻ bất trị.

  1. Tóm kết

    Tin Mừng hôm nay trình bày vài nét về dung mạo và sứ mạng của Gioan, nhưng qua đó thật ra dung mạo và sứ vụ của Đấng Mêsia cũng được minh họa.

    Gioan được trình bày như vị tiền hô của Đấng Mêsia. Sứ vụ ông đã được ngôn sứ loan báo từ xưa, giờ đây ông xuất hiện mời gọi dân Chúa sám hối thú tội để chuẩn bị đón Nước Trời đến ngang qua “Đấng đến sau ông nhưng quyền thế hơn ông”. Và Đấng ấy được miêu tả như 1 thẩm phán nghiêm khắc, đến để thanh luyện, sàng lọc.

   Để ngày Đấng ấy đến là ngày vui cần chuẩn bị: thú tội, sám hối, sinh hoa trái tốt. Đó cũng là tâm tình phải có trong Mùa Vọng chuẩn bị chờ Chúa đến.

Frère Pierre Đình Long