“ Xin để nó lại năm nữa. Tôi sẽ vun xới….bón phân…May ra sang năm nó có trái..” ( Lc13, 8-9).
“ Hắn bị trời phạt!”, “ Tên ấy bị quả báo!”. Đó là những lối nói ít nhiều tai ác mà ta thường nghe người đời xầm xì, kháo láo với nhau về một ai đó đang rơi vào một tình cảnh bất hạnh. Cái nhìn thiếu cảm thông, mang nét kết án chỉ làm cho tình trạng tồi tệ thêm và nạn nhân thêm khổ đau, suy sụp. Chuyện quả báo, thường phạt theo công, tội chắc chắn là có! Nhưng việc ấy sẽ diễn ra lúc nào? Cách thức ra sao? Và nhất là AI là Đấng có đủ thẩm quyền công bố kết quả công minh của việc quả báo ấy? Người phàm chúng ta khó lòng trả lời chính xác các câu hỏi trên! Chúng ta chỉ có thể nói cách chung là có Vị Thẩm Phán Tối cao định thời điểm, cách thức và án phạt tương xứng. Tuy nhiên chúng ta nói CHẮC được một điều: Vị Thẩm Phán chung cuộc đó không phải là chúng ta là những con người hữu hạn đang sống trên trần gian này và cũng là những tội nhân đầy khiếm khuyết. Chúng ta không được lấy cái tầm nhìn, cái chuẩn mực lệch lạc, đầy giới hạn của mình để gán cho Thiên Chúa. Thật vậy, làm cách nào và dựa vào đâu mà ta dám khẳng định rằng sự bất hạnh mà một tha nhân đang gánh chịu là án phạt của Trời? là hậu quả của tội cá nhân của người đó? Chuyện ông Gióp trong Kinh thánh là một minh họa đầy thuyết phục.
Vậy, đứng trước những bất hạnh của tha nhân, chúng ta- các môn đệ của Đức Kitô – phải làm gì? Cách giải quyết chắc là đa dạng, phong phú! Tuy nhiên trong một đoạn văn ngắn như bài đọc Tin Mừng hôm nay, Lời Chúa gợi lên cho ta vài định hướng:
1/. Trước tiên là đừng tự phong cho mình làm “ ông trời” để tuyên án cho người bất hạnh là “ trời phạt”.
Đừng tự cho mình quyền bính của thần linh, nắm giữ luật nhân quả trong tay để rồi huênh hoang phán quyết rằng kẻ này người kia là bị quả báo.
Đừng ảo tượng cho mình là thẩm phán nắm giữ chân lý trong tay để rồi hàm hồ kết án các người bất hạnh là trọng phạm hạng nhất ( x. Lc 13, 2.4).
2/. Điều Đức Giêsu dạy là “ nhìn người mà gẫm đến ta” : tất cả chúng ta đều là tội nhân trước Thiên Chúa; Mà Thiên Chúa là Đấng không hề dung dưỡng một tội ác nào. Hiện giờ Chúa chưa xét xử chúng ta chỉ vì Người là Thiên Chúa đầy lòng thương xót, Người đang kiên trì chờ ta thức tỉnh, hoán cải để rồi sinh hoa trái tốt lành như Chúa mong đợi.
Dụ ngôn “ cây vả không sinh trái” là một minh họa. Dụ ngôn cũng cảnh báo, nhắc nhở: lòng thương xót của Chúa thì vô biên, nhưng cuộc đời ta thì giới hạn. Bất hạnh, tai họa thì luôn luôn có. Hãy lợi dụng điều tiêu cực đó, với ơn Chúa, môn đệ Đức Giêsu sống tình huynh đệ cảm thông nhau, biến nỗi đau thành sợi dây liên kết TÌNH NGƯỜI TRONG CHÚA. Đối với cá nhân, bất hạnh của tha nhân là lời cảnh báo giúp ta nhìn lại mình, chỉnh sửa, sinh trái.
Hãy mở lòng mình ra để tình thương xót Chúa ngự trị và sinh trái trong ta, rồi tới phiên mình, ta hãy gieo hạt mầm của tình thương xót Chúa vào lòng mọi người; Và như thế, những bất hạnh là hậu quả của tội, được tình thương xót của Chúa biến thành lộ trình Thập giá đưa nhân loại tới PHỤC SINH.
Frère Đình Long FSC