Bài 1
Is 23 1 – 6a. 10; Mt 11, 2 – 11
Chủ đề: Niềm vui thời thiên sai: ơn giải cứu
* Is 35, 5 – 6: Vui lên nào … bấy giờ mắt người mù xem thấy, tai người điếc nghe được … miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.
* Mt 11, 4 – 5: Cứ về thuật lại cho ông Gioan: … người mù xem thấy … người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng.
Chúng ta bước vào Chúa Nhật 3 Mùa Vọng, chặng đường dọn lòng chuẩn bị đón Chúa đến, chúng ta đã đi được quá nửa. Ngày Chúa đến càng tới gần thì niềm vui của kẻ đang mong chờ càng dâng cao. Trong Chúa Nhật hôm nay, Giáo Hội mời gọi tín hữu đang khát khao Chúa đến “HÃY VUI LÊN”, hãy sống trước trong đức tin những niềm vui của thời đại Chúa đến.
Để diễn tả niềm vui ấy, bầu khí phụng vụ thay đổi: phẩm phục màu HỒNG thay cho màu TÍM, bàn thờ sáng tươi hơn lên với đèn nến, hoa được trưng bày; bầu khí tươi vui hơn với tiếng đàn nhịp nhàng theo tiếng hát. Chung vui với bầu khí bên ngoài, Lời Chúa cũng chất chứa đầy NIỀM VUI. Trong năm A, lý do của NIỀM VUI là vì cuộc sống được thăng hoa, cuộc đời được đổi thay theo chiều hướng tích cực: các yếu tố gây họa, cản trở, khổ đau đều được khắc phục.
Bài đọc 1 trích từ chương 35 sách Isaia, loan báo NIỀM VUI, sự phú túc do thời đại Mêsia đem tới. Niềm hạnh phúc, cuộc đổi đời tuyệt vời ấy được thực hiện ở 3 mức độ:
-
Thiên nhiên được mời vui lên vì sức sống được hồi phục: những vùng đất chết như hoang địa, sa mạc khô cằn thì vào thời Mêsia sẽ trở thành vườn hoa, rừng cây bạt ngàn như rừng Liban, thành vựa lúa như đồng bằng Saron.
-
Phần con người, những yếu tố gây đau khổ, bất hạnh sẽ được khắc phục tận căn: người mù thấy được, người điếc nghe được, người què nhảy nhót, người câm reo hò.
-
Và nhất là dân Chúa sẽ được qui tụ về lại Xion, nơi ấy Niềm Vui sẽ là vĩnh cửu vì khổ đau và than khóc sẽ biến mất.
Cội nguồn của Niềm Vui ấy chính là vì “ngày Thiên Chúa thưởng công phạt tội đã tới rồi. Chính Người sẽ đến cứu anh em”.
Những hình ảnh hạnh phúc được bài đọc 1 loan báo, chúng ta thấy chúng được thực hiện cách trọn hảo trong Tin Mừng nơi con người Đức Giêsu.
Bài đọc Tin Mừng không có từ NIỀM VUI; Trái lại còn trình bày cho chúng ta nỗi lo âu khắc khoải của Gioan Tẩy Giả, cả cuộc đời sống công chính, chờ đợi, giới thiệu Đấng Mêsia cho dân. Nay Đức Giêsu xuất hiện, nhưng nét thẩm phán nghiêm khắc thưởng phạt công minh đâu không thấy mà bản thân ông lại còn bị tù đày vì dám sống công chính, nói lên sự thật, ngăn cản hành vi sai trái đoạt vợ anh mình của vua Hêrôđê. Bị tống ngục, ông hoang mang, sai 2 môn đệ đến khắc khoải thưa cùng Đức Giêsu: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay chúng tôi phải chờ đợi ai khác?”
Đáp lại nỗi ưu tư, khắc khoải của Gioan, Đức Giêsu mời ông bình tĩnh nhìn lại những gì Người đã làm: dấu chỉ mà Cựu Ước loan báo đã được thực hiện và còn nhiều việc còn lớn lao hơn: mù thấy được, điếc nghe được … rồi kẻ chết được sống lại và nhất là kẻ nghèo được nghe loan báo Tin Mừng. Từ đó Đức Giêsu đưa ra lời mời gọi “đừng vấp ngã vì Người”.
Ngày nay, sau hơn 2000 năm Chúa giảng dạy, sự dữ vẫn tồn tại và dường như còn lộng hành, thách đố hơn bao giờ hết; Tuy nhiên Phaolô đã xác tín: nơi nào tội lỗi đầy tràn thì ân sủng càng chan chưa. Điều lớn nhất mà Đấng Mêsia – Giêsu mang đến là sự hồi phục linh hồn: kẻ nghèo được nghe loan báo Tin Mừng. Điều ấy Giáo Hội đang làm qua sứ mạng truyền giáo và các bí tích. Vấn đề là chúng ta hãy nhìn ra dấu chỉ chữa lành, tha thứ ấy để can đảm góp phần mình vào việc loan báo Tin Mừng, kêu gọi nhân loại sám hối để dự tính của Thiên Chúa mau hoàn tất.
Chúa luôn cần đến ĐỨC TIN của chúng ta, một đức tin được biểu lộ ra trong cuộc sống: sống ơn tha thứ, hồi phục, loan báo Tin Mừng.
Xin Chúa Thánh Thần trợ lực chúng ta để đừng vấp ngã vì những gì đang xảy ra trước mắt, nhưng vững tin vào ơn cứu độ đã được Đức Giêsu mang tới, không vấp ngã, nhưng vững tin vào Người.
Bài 2
Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác? Đức Giêsu trả lời: các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan: người mù xem thấy…người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi (Mt 11, 3-6)
Chúng ta bước vào Chúa Nhật 3A Mùa Vọng, Lời Chúa mời tín hữu tiếp tục suy niệm về lần đến thường bị chúng ta lãng quên của Đức Giêsu trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Trong Tin Mừng tuần trước, Gioan Tiền Hô đã loan báo Đức Giêsu đến mang lại cho cuộc sống lầm than trần thế của nhân loại niềm hi vọng: Nước Trời đã đến gần; đồng thời thức tỉnh và hướng dẫn con người những điều cần làm để đón nhận hiệu quả hồng ân Nước Trời.
Tuần này, đích thân Đức Giêsu rao giảng, chủ đề chính của lời rao giảng của Đức Giêsu là chỉnh sửa lại những chi tiết còn sai sót trong sứ điệp của Gioan. Như vậy, chính vị tiền hô cũng cần phải được Đức Giêsu điều chỉnh, làm cho tỉnh thức. Thật vậy, dù thánh thiện, thiện chí đến đâu đi nữa, con người cũng không thể nào nắm bắt được ngay tức khắc tất cả những gì Thiên Chúa mặc khải. Cũng vậy Gioan loan báo rằng sắp xuất hiện một Đấng Mêsia với dung mạo là một Thẩm Phán nghiêm minh, Người đến để huỷ diệt kẻ ác và phục hồi, ân thưởng người lành. Thế nhưng trong thực tế cuộc sống, mọi sự dường như không phải thế: kẻ ác vẫn phởn phơ (Hêrôđê chẳng hạn), còn người lành lại bị bách hại vì sự công chính (Gioan); Phần Đức Giêsu, nơi Người, nét “Thẩm Phán nghiêm minh” mà Gioan loan báo và chờ đợi hầu như chẳng thấy: Người thường tiếp xúc với các hạng người tội lỗi, bản thân lại còn vi phạm luật Sabbat, luật sạch dơ. Niềm tin của ông vào Người bị chao đảo, thử thách…May thay, ông không tự quyết định theo suy lý của bản thân mình, ông đã tìm đến với Đức Giêsu xin được soi sáng. Và Đức Giêsu đã giúp ông chỉnh sửa lại.
Trong Mùa Vọng, một điều cực kì quan trọng mà chúng ta hay quên, đó là: chính Thiên Chúa cũng sống Mùa Vọng, Chúa cũng đang mong đợi, trông chờ chúng ta. Chúng ta thường chỉ nhấn mạnh con người mong đợi Chúa đến, kèm theo một khát vọng một chiều là thực hiên cho con người các khát vọng của họ. Trong khi đó, đúng hơn, Thiên Chúa đến là để cứu con người ra khỏi những ước vọng sai lầm đang ngự trị trong tâm hồn tội lỗi của họ, đang giam cầm các hi vọng, ước mơ của họ trong các lợi lộc phù du cõi tạm này; Chúa mời gọi con người từ bỏ các ước mơ phàm tục, chóng qua ấy để đón nhận dự tính thần linh, vĩnh tồn của Thiên Chúa. Thiên Chúa khát khao, chờ mong con người làm cuộc đổi đời đó; Cũng như Thiên Chúa nôn nóng chờ đợi tiếng đáp “xin vâng” của Maria và sự “đồng tình” của Giuse trước lời đề nghị của Thiên Chúa. Chỉ có dự tính từ muôn đời của Thiên Chúa mới cứu vớt nhân loại, còn những khát vọng thuần túy phàm nhân chỉ đưa tới diệt vong (sa ngã của Ađam- Eva).
Vậy Mùa Vọng hiện tại của chúng ta là (đừng quên là Chúa đã đến rồi trong biến cố Giáng Sinh và đã để lại cho nhân loại một gia sản quí giá là Lời Chúa, Thập Giá và Phục Sinh, lại còn ban Thánh Thần để hướng dẫn chúng ta) nỗ lực tìm xem Chúa muốn gì nơi ta và can đảm thay thế những khát vọng của chúng ta bằng những khát vọng của Thiên Chúa đang chờ đợi ta.
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu chỉnh sửa lại cái nhìn mang nặng tính pháp lý tức thời mà tuần trước Gioan đã công bố. Đức Giêsu vẫn đúng là Đấng Mêsia nghiêm minh, là Thẩm Phán công chính của thời cánh chung, là tiếng nói chung cuộc của Thiên Chúa. Nhưng Gioan quên rằng thời điểm, cách thức hoàn tất là quyền của Chúa, mục đích là ý Cha thể hiện, cụ thể là cứu vớt, thứ tha chứ không nhằm kết án hủy diệt. Gioan bị “cơn cám dỗ địa đàng” rình rập; đó là muốn điều ông khát vọng phải được thực hiện “ngay tức khắc”.
Để giúp Gioan vượt qua cơn khủng hoảng, Đức Giêsu mặc khải rõ hiện tại chưa phải là thời điểm phán xét, mà là thời điểm hồi phục, thứ tha, chỉnh sửa: “các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: mù, xem thấy…chết, trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,5) và Đức Giêsu cảnh báo: “phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (11,6).
Sống Mùa Vọng hiện tại là cùng với Chúa hồi phục lại công trình sáng tạo và đưa tới chỗ hoàn thiện (bài đọc 1). Các cản trở đã được Đức Giêsu làm người khắc phục rồi, giờ đây chúng ta phải cộng tác với Người (đang đến trong từng giây phút trong suốt cuộc đời ta) để thực hiện ước mơ của Thiên Chúa trong công trình sáng tạo, theo cách thức của Thiên Chúa: từng bước xây dựng thế giới này theo dự tính của Chúa. Đừng rơi vào cơn cám dỗ của tổ tông: đòi mọi sự toàn hảo phải có ngay tức khắc (trong St 3,5 diễn tả bằng “ăn trái cấm” là ngay tức khắc bằng Thiên Chúa). Đừng tưởng rằng Đấng Mêsia tới là ngay tức khắc trái đất này thành thiên đàng. Không đâu! Con người phải từng bước một góp công xây dựng Trời Mới Đất Mới ngay tại thế này. Đó chính là điều Thiên Chúa mong đợi nơi con người khi Người đến.
Theo cấu trúc của Năm Phụng Vụ, Chúa Nhật 3 Mùa Vọng được gọi là Chúa Nhật “GAUDETE” = “anh chị em hãy vui lên”, tức là Chúa Nhật MỪNG VUI. Tuy nhiên đó là niềm vui nào? Lời Chúa sẽ đưa chúng ta chiêm ngắm niềm vui của Mùa Vọng:
BÀI ĐỌC I: Is 35, 1-6a.10
* Bài đọc 1 là trích đoạn Is 35, 1-6a.10 được viết theo thể văn Khải Huyền diễn tả sự hồi phục, hài hòa, hạnh phúc của toàn thể vạn vật vào thời Thiên Chúa can thiệp để cứu dân, đưa tất cả vào kỷ nguyên mới chan hòa phúc lộc:
-
Thiên nhiên được hồi sinh: các vùng đất khô cằn, nóng cháy trở nên mầu mỡ tươi tốt đầy sức sống (cc 1-2)
-
Phần con người: thân phận được cải thiện vì Chúa can thiệp để cứu dân Người (cc. 3-4)
-
Và cuối cùng, những gì gây khổ đau, bất hạnh cho con người không còn nữa: bệnh tật, khổ đau (c. 6a), lưu đày (c. 10a) không còn nữa; Tất cả qui tụ về Xion lòng đầy niềm vui (c.10)
Phúc lộc của công trình sáng tạo nguyên thủy “mọi sự đều tốt lành” được tái lập. Ý định của Thiên Chúa được thể hiện trọn vẹn nơi các thụ tạo. Đó chính là niềm vui Mùa Vọng: niềm vui có Chúa ở cùng vạn vật được phục hồi, niềm vui ý Cha thể hiện trên nhân loại và trên toàn thể tạo vật.
-
Niềm vui cho đất đai: cuộc hồi phục diệu kỳ (cc. 1-2)
*Kêu mời: “hãy vui lên”, “hãy mừng rỡ”, “hãy tưng bừng”
*Đối tượng: “sa mạc và đồng khô”, “đất hoang”
*Đổi đời: “trổ bông”, “nở hoa như khóm huệ”: hồi phục nâng cao bằng nhân cách hóa: “múa nhảy reo hò”.
– Mệnh lệnh, kêu mời: “Vui lên”: Trong Kinh Thánh, một giai đoạn mới của lich sử cứu độ thường được khởi đầu bằng một mệnh lệnh đột xuất của Thiên Chúa, kéo tâm trí của những người được chọn ra khỏi cảnh ngộ cụ thể trước mắt để đưa họ vào một viễn cảnh tương lai tốt đẹp. Nếu con người tin và chấp nhận mệnh lệnh ấy thì mọi sự sẽ diễn ra hài hòa tốt đẹp và con người cùng vũ trụ sẽ trọn hưởng ân huệ mà Thiên Chúa muốn tặng ban qua những can thiệp mà Chúa sắp thực hiện (x. St 1,3: “hãy có…”; St 12,1: “hãy đi khỏi xứ sở …”; Xh 3,10: “ngươi hãy đi…”; Gs 1,2; Mc 1,15…). Cũng thế, ở đây, cuộc hồi phục diệu kỳ được mở đầu cho dân lưu đày bằng mệnh lệnh HÃY VUI LÊN ngay khi còn trong cảnh khốn cùng (được biểu lộ qua các hình ảnh “sa mạc và đồng khô”, “đất hoang”). Cách diễn tả này biểu lộ niềm xác tín là những điều sắp nói sau đây chắc chắn sẽ được thực hiện.
“Hồi phục” vẫn còn là một sự kiện trong tương lai, nhưng với lòng tín thác cậy trông thì kẻ tin đã bắt đầu thọ hưởng niềm vui ấy ngay trong hiện tại. Đây là nét độc đáo của đức tin Kitô giáo và là chân phúc của người Kitô hữu: nếm cảm trước ngay trong hiện tại này những phúc lộc cánh chung bằng cách vui vẻ sống thực tại trước mắt trong niềm xác tín rằng Thiên Chúa sẽ hoàn tất mọi việc cách tốt đẹp đúng như lời Người đã hứa. Do đó những tâm tình tiêu cực, chán chường, sợ hãi…phải dần biến đi khỏi cuộc sống của kẻ tin (cc. 3-4) nhường chỗ cho niềm vui.
-
“Sa mạc và đồng khô”: không có nước, thiếu nước nghĩa là thiếu ơn trời. “Đất hoang” không có người canh tác.
-
“Trổ bông”, “nở hoa”: hình ảnh hồi phục. Hình ảnh này được khai triển qua biểu tượng sa mạc được đổi thay thành những nơi trù phú.
*Sa mạc được tặng ban:
– ánh huy hoàng của núi Liban (c.2c)
– vẻ rực rỡ của núi Carmel và đồng bằng Saron (c.2d)
“Liban” trước đây là cánh rừng vĩ đại phủ đầy cây cối xanh tươi: Tv 04, 16; 1V 5, 20 – 24; Is 40, 16…Sa mạc nên huy hoàng như Liban: một sự thay đổi tận căn tuyệt vời.
“Carmel” = “vườn cây ăn trái”. Cùng ý nghĩa như trên. Thêm nữa, về địa lý, Carmel là một dãy núi chạy dài khoảng 20km dọc theo hướng tây – bắc ra đến tận Địa trung hải, tạo thành một khối hình tam giác với đỉnh cao nhất khoảng 550m, nằm chắn giữa 3 đồng bằng Saron, Yizroel và Akko (Ptolémais). Trong dãy này có những hẻm núi tạo nên 3 con đường huyets mạch đi ngang qua Yoqneam, Megiddo, Yibleam nối liền các đồng bằng với nhau. Vậy sa mạc nay trở thành những giao lộ huyết mạch.
Đồng bằng “Saron” là vựa lương thực của cả vùng duyên hải và miền Trung Palestin.
Tất cả đều nói lên sự biến đổi tuyệt vời, tận căn; hồi phục vượt mọi chờ mong. Sự biến đổi kì diệu ấy là công trình của Thiên Chúa nhằm tạo dễ dàng cho dân Chúa lên đường hồi hương, thực hiện cuộc “xuất hành” mới băng qua hoang địa Syri để từ Babylon lưu đày về lại Giêrusalem.
* Kết quả: Mọi người sẽ nhận ra quyền năng và vinh quang của Thiên Chúa: “Thiên hạ sẽ… (c.2 de)”
Tầm ảnh hưởng phổ quát của cuộc hồi phục: Thiên hạ nhận ra vinh quang Thiên Chúa.
-
Niềm vui cho con người: ơn tha thứ (cc. 3 – 6 ab) được biểu lộ qua:
* Lệnh truyền củng cố những người yếu nhược (cc. 3 – 4 ab): “hãy làm cho…can đảm lên đừng sợ!”
* Lý do có lệnh truyền này:
– Thiên Chúa đang hiện diện (c. 4c), sắp đến cứu anh em (c.4e)
– Sắp đến ngày báo phục, Thiên Chúa can thiệp thưởng phạt (c.4dđ)
“Bàn tay rã rời”, “đầu gối bủn rủn” là những hình ảnh gợi lên sự thất vọng, thiếu niềm tin, muốn buông xuôi khi phải đối diện với những thực tại khó khắn tưởng chừng không thể vượt qua được trong cuộc sống. Cụ thể ở đây là cảnh lưu đày.
Tâm trạng này không thể tồn tại được nơi những ai đáng sống niềm hy vọng thiên sai. Đây là lời nhắc nhở về trách nhiệm cho những người đã thụ thác lời hứa của Thiên Chúa: Phải luôn sống vững mạnh, kiên trì tin tưởng dù hoàn cảnh có là gì đi nữa. Lối sống với “bàn tay mạnh mẽ”, “đầu gối vững vàng” là cách chuẩn bị tuyệt hảo để đến khi Yavê “mở đường trong sa mạc” thì đã sẵn sàng và đủ sức lên đường.
Thế nhưng làm cách nào để giữa cảnh khốn cùng vẫn sống mạnh mẽ, vững vàng? Vì Thiên Chúa đã biểu lộ những dấu chỉ thứ tha (cc. 5 – 6) và hứa can thiệp giải cứu. Thiếu tin tưởng vào Thiên Chúa là nguyên nhân dẫn tới sợ hãi, rủn chí, buông xuôi trước các cám dỗ, hoặc trước những “thử thách tôi luyện”. Sấm ngôn loan báo lại một chân lý thường bị con người lãng quyên nên bị rơi vào sự thất vọng, sợ hãi: “Thiên Chúa của anh em đây rồi”, Người luôn hiện diện với ta trong mọi tình huống của cuộc sống con người. Câu 4d “Ngày báo phục” cho thấy Thiên Chúa hiện diện như một GOEL đảm nhận trách nhiệm cứu vớt người thân của mình khỏi nô lệ và tái lập công bình (về chữ GOEL: xem ĐNTHTK “Báo thù” số 1 và số 3).
Vậy sấm ngôn kêu mời dân Chúa tin tưởng phó thác tất cả cho Thiên Chúa nhân ái và công bình. Chính với niềm tin ấy, dân Chúa hãy sống can đảm, vững mạnh trong mọi tình huống đang khi chờ ngày Chúa ra tay giải cứu.
* Những dấu hiệu Thiên Chúa thứ tha: hồi phục bệnh nhân (cc. 5 – 6ab) “mù thấy được…điếc nghe được…què nhảy nhót…câm sẽ reo hò”
Sự hồi phục thể lý là dấu chỉ Thiên Chúa đã thứ tha. Bởi vì trong Cựu Ước và thời Đức Giêsu, bệnh tật bị coi là hình phạt của tội. Được chữa lành chắc chắn là cách thức diễn tả niềm vui của những người lưu đày sắp được hồi hương; Nhưng sâu xa hơn, họ vui là vì cái nguyên cớ gây ra bao đau thương cho họ đã được khắc phục: Tội lỗi đã được tha thứ.
-
Niềm vui trở về của “những người được Đức Chúa giải thoát” (c.10).
* Vui được hồi hương: “tiến đến Xion giữa tiếng hò reo”.
* Niềm vui vĩnh cửu: “mặt rạng rỡ niềm vui vĩnh cửu”.
“Trở về” cụ thể là hồi hương từ đất lưu đày. Cũng có thể hiểu theo nghĩa biểu tượng: hoán cải. Đây là điều tiên quyết và cần để ơn cứu độ thành sự nơi con người tội lỗi.
Trước sự can thiệp đầy yêu thương của Chúa, dân Chúa đã được cứu chuộc sẽ hân hoan tiến về Giêrusalem trong niềm vui tở mở. Niềm vui sa mạc nở hoa giờ thêm chan chứa nhờ được hòa điệu với niềm vui của con người được giải cứu. Vũ trụ, con người giao hòa: xưa đất đai nên cằn cỗi vì tội lỗi của con người, đã gây khổ não cho con người thì giờ đây mọi sự đã đổi mới: đó là niềm vui, sự hài hòa của địa đàng nguyên thủy đã được Thiên Chúa khôi phục. Niềm vui trọn vẹn và vĩnh cửu.
-
Tóm kết
Bằng một số hình ảnh biểu tượng quen thuộc, Isaia loan báo ơn giải thoát mà Thiên Chúa sắp thực hiện cho dân đang bị lưu đày. Ngày báo phục đã tới, Thiên Chúa như GOEL đến can thiệp cứu chuộc dân. Người hồi phục, đổi thay vận mạng cách diệu kỳ: sa mạc trở thành xanh tươi như rừng Liban, núi Carmel, đồng bằng Saron. Chúa đã tỏ vinh quang Người qua việc tha thứ, chữa lành. Để giúp họ đáp lại hồng ân đó, Chúa mời gọi dân sống niềm vui ngay khi còn lưu đày, mời họ củng cố niềm tin vào Chúa, luôn ở trong tư thế sẵn sàng để lên đường trở về Đất Hứa ngay khi Chúa vừa can thiệp.
Cuộc giải phóng khỏi Babylon, bệnh tật… chỉ là tiền ảnh cho một cuộc giải cứu tận căn, dứt khoát: cứu khỏi tội. Chính Đức Giêsu sẽ thực hiện công cuộc này. Trong niềm xác tín ấy, dù còn là phận lữ hành, Giáo hội mời gọi con cái “HÃY VUI LÊN”.
TIN MỪNG: Mt 11, 2 – 11
Hôm nay là Chúa Nhật VUI MỪNG, thế nhưng nội dung của bài đọc Tin Mừng lại đượm nét buồn vì một chuyện bất công trong cuộc sống; Gioan là người công chính lại phải gánh chịu một số phận tối tăm vì việc làm công chính của mình: ông bị cầm tù vì đã dám ngăn cản việc vua Hêrôđê giựt vợ của anh mình. Sự việc không chỉ ngừng lại ở đó mà nó còn tác động đến cả niềm xác tín của Gioan về con người của Đức Giêsu và về sứ mạng mà ông đã tin rằng đến từ Thiên Chúa: từ trong tù, ông đã sai 2 môn đệ của mình đến gặp Đức Giêsu, hỏi xem Người có phải là Đấng Mêsia hay không, hay là dân phải chờ một ai khác.
Điều may mắn là Gioan đã không vội phản ứng theo những bức xúc, theo cái tầm nhìn giới hạn của mình. Ông tín thác vào Đức Giêsu, ông đã sai môn đệ đến thỉnh ý Người và đã tin vào lời soi dẫn của Người. Cuối cùng ông đã phải chịu một cái chết bất công, oan khuất. Thế nhưng ông vẫn bình an vì đã xác tín được, nhờ lời đáp của Đức Giêsu cho 2 môn đệ, rằng Đấng Mêsia thật sự đã đến; Thiên Chúa đã viếng thăm và ở giữa dân Người.
Như vậy Niềm Vui Mùa Vọng không là niềm vui thụ hưởng, ngồi đó chờ Chúa đến dẹp hết mọi bất công, oan ức trần thế bằng một uy quyền thần linh kiểu như Lụt Hồng Thủy; Nhưng là niềm vui biết chắc được rằng Chúa đã có mặt và đang ở giữa chúng ta ngay trong những khổ đau, bất công của kiếp người tội lỗi, đang đồng hành với từng người chúng ta trên mọi nẻo đường bất chấp những thao túng của ác thần, tội lỗi…
Đó là Niềm Vui “có Chúa ở cùng”, EMMANUEL, cùng chúng ta đảm nhận thân phận làm người còn lắm truân chuyên trong tâm tình thờ lạy đường lối của Chúa trên đời ta và trên vận mạng thế giới. Niềm Vui đọc ra được dấu chỉ của Chúa trong mọi biến cố, không vấp ngã vì những chướng ngại, cám dỗ, thử thách vẫn còn giăng mắc để mãi trung tín với Đức Giêsu (Mt 11, 6). Niềm Vui biết mình được Chúa trao sứ mạng làm sứ giả đi trước dọn đường cho Chúa ngự đến (Mt 11, 10).
Văn mạch của Mt 11,2-11
Sau 1 thời gian ngắn nhiệt tình rao giảng như 1 tiền hô của Đấng Mêsia với tất cả sự ngay thẳng và niềm hy vọng theo đúng tinh thần của Lề Luật, Gioan đã bị Hêrôđê tống ngục vì lòng chính trực của mình: ông thẳng thừng chỉ trích vua đã phạm tội cướp vợ anh mình.
Lúc ấy Đức Giêsu đã thi hành sứ vụ công khai. Sau bài giảng trên núi (ch 5-7), uy tín Người tăng nhanh, lời giảng dạy đầy uy quyền vượt xa các kinh sư, biệt phái (7,29) và nhất là Người đã thực hiện những phép lạ lớn lao (ch 8-9). Thế nhưng dường như chưa có dấu lạ nào cho thấy Người là vị thẩm phán nghiêm khắc của thời sau hết. Trái lại, Người có vẻ gì đó bất thường: thi ân cho dân ngoại lại còn chê bai dân Chúa (8,5-13); Ăn nói cỏ vẻ phạm thượng (9,3); La cà với bọn thu thuế và nhận 1 tên làm môn đệ nữa chứ (9,9-10); Người có dáng vẻ không đạo đức, thờ ơ trong việc ngóng chờ Đấng Mêsia: không ăn chay (9,14-17), đến nỗi các biệt phái nói rằng Người bởi Beelzebul mà đến (9,34;10, 24-25); Và rồi còn công khai tuyên bố Người đến đem chia rẽ, chiến tranh (10, 34-36). Thêm nữa, nơi bản thân, Gioan bị tù vì sự ngay chính của mình, trong khi kẻ phạm tội lại cứ nhởn nhơ. Tất cả làm Gioan hoang mang không biết Đức Giêsu có phải là Đấng Mêsia không? Vì thế ông sai môn đệ đến thỉnh ý Đức Giêsu. Lời đáp của Đức Giêsu cho thấy lời ngôn sứ xưa (bài 1) nay đã thực hiện nơi Người; Vậy Người chính là Mêsia. Và với tư cách là Mêsia vừa mới mặc khải, Đức Giêsu đã khen ngợi Gioan và công b sự cao cả của công dân Nước Trời (11, 1-11). Phần cuối này chính là Tin Mừng hôm nay.
1 Nỗi khắc khoải hoang mang của Gioan (cc 2-3)
* Thực trạng:
– Gioan đang ngồi tù
Vì dám can ngăn lên án Hêrôđê đã cưới bà Hêrôđia là chị dâu mình.
-
“nghe biết những việc Đức Kitô làm”
“Đức kitô” hàm ý nói Đức Giêsu là Đấng Mêsia. Thế nhưng những việc Người làm khác xa với hình ảnh Mêsia mà Gioan đã loan báo: xem “văn mạch”
* Ưu tư khắc khoải: sai 2 môn đệ đi hỏi “Thầy là ki tô? Phải chờ ai khác?”
Dù lo âu, Gioan không làm theo ý riêng, ông xin thỉnh ý Đức Giêsu. “Sai 2 môn đệ”: đúng luật, cần 2 người chứng. Thái độ này cho thấy sự ngay chính, khiêm tốn và sẵn sàng từ bỏ của ông trong tương quan với Đức Giêsu. Chao đảo là vì một mặt ông vẫn còn tin vào Đức Giêsu, mắt khác ông cũng tin rằng sứ mạng và nội dung ông rao giảng là đến từ Thiên Chúa. Chính trong cảnh giằng co tối tăm như vậy ta mới thấy được sự công chính của Gioan: ông không tuyệt vọng, cũng không tự quyết đoán, ông muốn đặt mình vào đúng vị trí Thiên Chúa muốn, nên đã sai người đến gặp Đức Giêsu nhờ Người soi dẫn. Trong tương quan với Đức Giêsu, thay vì lấy mình làm chuẩn mực để quyết đinh, Gioan đã chọn con đường của người môn đệ.
Nỗi đau của Gioan là chung cho mọi môn đệ thiện chí, nhiệt thành nhưng chưa khám phá ra, chưa đi vào được đường lối hành động của Thiên Chúa. Cần Chúa can thiệp soi sáng, giải cứu khỏi cái “thiện chí nhiệt thành còn u mê” của mình.
2 Câu đáp của Đức Giêsu: giải cứu Gioan
* Người quả thật là Mêsia vì nơi Người lời Kinh Thánh đã ứng nghiệm:
– “Các anh cứ về và thuật lại cho ông Gioan…” (c-4)
– “người mù xem thấy…được nghe loan Tin Mừng” (c.5)
Đức Giêsu không trả lời trực tiếp. Vì trong 1 tình huống như vậy, câu trả lời thẳng, cộc lốc “phải” hay “không” đều chẳng mang lại ý nghĩa tích cực nào. Đức Giêsu biết Gioan ngay thẳng, trung thành với Lời Chúa, nên Người dùng Kinh Thánh dẫn ông đén chân lý
“Người mù xem thấy…”: qua lời đáp này Đức Giêsu đã kín đáo khẳng định căn tính của Người và mời Gioan suy nghĩ để thấy đáp số: Lời Kinh Thánh đã ứng nghiệm nơi con người và hành động của Người; Nhưng còn những nét mà theo nhãn giới của Gioan là tiêu cực thì sao? Cần hoán cải. Vậy 1 mặt Đức Giêsu ngầm bảo Người là Mêsia, mặt khác Người kín đáo kêu mời Gioan hoán cải cái nhìn của ông về Đấng Mêsia: Đấng thi ân giáng phúc đến tìm cứu chuộc tội nhân chứ không phải là 1 thẩm phán rôbô khắc nghiệt làm theo Lề Luật.
Ý cuối: “kẻ nghèo được nghe loan báo Tin Mừng”, không có trong bài đọc 1, trích từ Is 61,1, hàm ý Đức Giêsu là Đấng tràn đây thần khí Thiên Chúa, được Yavê xức dầu sai đi loan Tin Mừng cho người nghèo: Người là Mêsia!
* Cảnh cáo bằng lời công bố 1 mối phúc: “phúc thay người nào không vấp ngã vì Tôi” (c.6)
Đức Giêsu tuyên bố thêm 1 mối phúc khi mặc khải Người là Mêsia: phúc cho ai dám từ bỏ tất cả để chọn Người, kể cả những gì mà trước khi gặp Người, kẻ ấy đã từng xác tín.
Thật vậy, tất cả những ai theo Chúa đều phải có lúc làm 1 quyết định từ bỏ tận căn, làm 1 chọn lựa xương máu trong đức tin: từ bỏ 1 lý tưởng mà mình vẫn hằng cho là đúng và đã đem cả sinh mệnh ra bền tâm theo đuổi…, để chọn lấy CHÍNH CHÚA. Đây là sự từ bỏ rốt ráo trong bóng tối của đức tin, của phó thác: Abraham hiến tế Isaac; Đức mẹ nhận cưu mang Ngôi – Lời – nhập – thể; Giuse nhận Maria về nhà mình; Gioan Lasan nhận từ bỏ, bị bóc lột trần trụi kể cả thừa tác vụ linh mục để “thờ lạy trong mọi sự Thánh ý Chúa đối với tôi”; Hồng Y Nguyễn Văn Thuận “chúng ta đã chọn mỗi 1 mình Thiên Chúa mà thôi, chứ không phải những sứ vụ do Thiên Chúa trao phó cho chúng ta” (x. Dân Chúa số 107 trang 17).
Đối với Gioan, ông phải từ bỏ 1 lý tưởng mà ông dám đem cả mạng sống ra để theo đuổi và bảo vệ nó. Gioan đã rao giảng “hoán cải” thì giờ đây Đức Giêsu mời gọi ông thể hiện nơi chính bản thân ông sự “hoán cải” đó. Đòi hỏi ở đây triệt để hơn, vì hoán cải không còn là bỏ điều xấu nữa mà là bỏ cả lý tưởng tốt đẹp từng là lẽ sống của đời mình: lẽ sống của Gioan giờ đây không còn là bất kỳ 1 lý tưởng nào nữa, kể cả lý tưởng Mêsia, nhưng là CHÍNH Đức Giêsu.
-
Đức Giê su khen ngợi Gioan (cc. 7-10)
* “Đức Giêsu bắt đầu nói với đám đông dân chúng về ông Gioan” (c. 7a)
Qua 3 câu hỏi tự đặt ra và tự trả lời, Đức Giêsu khẳng đinh Gioan là công chính, là ngôn sứ và là tiền hô của Mêsia. Như vậy Đức Giêsu nhằm mặc khải cho dân Người là Mêsia.
* Các ngươi đi xem gì trong hoang địa?
Câu hỏi tổng quát ám chỉ sứ vụ của Gioan trong 3, 1.5-6. Đức Giêsu muốn hỏi đám dân là có nhận ra Gioan là ai không. Qua 3 câu hỏi với 2 câu đầu có lời đáp “không”, câu 3 “có”, Đức Giêsu xác nhận Gioan là Elia, là tiền hô của Mêsia.
-
Một cây sậy phất phơ trước gió?
-
Một người mặc gấm vóc lụa là?
“Cây sậy…”: gió chiều nào ngả theo chiều đó. Gioan không phải như vậy. Ông là người kiên định, lập trường dứt khoát. Một con người bất khuất, không nhượng bộ, thỏa hiệp với sự ác nhờ luôn ý thức về sứ mạng thần linh của mình và nhờ được sức mạnh Thần Khí Thiên Chúa nâng đỡ. Con nguời Gioan gợi lại hình ảnh Elia dám 1 mình chống lại vua Israel để bênh vực đạo Giavê.
Với câu đáp ngầm hiểu là “không”.
Câu hỏi 2 gợi lại y phục Gioan giống như Elia (xem tuần trước).
-
Một vị ngôn sứ chăng? (c 9a)
* Lời đáp của Đức Giêsu:
-
“Đúng vậy… đây còn hơn là ngôn sứ nữa!” (c 9b)
-
Ông là vị tiền hô của Đấng Mêsia như lời Kinh Thánh đã loan báo (c.10)
Đức Giêsu xác nhận Gioan là ngôn sứ. Tiếng nói ngôn sứ tái xuất hiện, thời Mêsia tới rồi! Đức Giêsu còn đi xa hơn nữa: Gioan là tiền hô sứ giả của Thiên Chúa. Mt đã trích Ml 3,1: “này Ta sai sứ giả của Ta để dọn đường trước TA”, nhưng đã đổi “trước TA” thành “cho Con đến”. Điều đó hàm ý Đức Giêsu chính là Mêsia – Thiên – Chúa còn Gioan là tiền hô của Người. Triều đại Nước Thiên Chúa đã đến! Đó là mặc khải của Đức Giê su qua 3 câu hỏi đáp.
-
4. Sự trổi vượt của thần dân triều đại Nước Thiên Chúa (c.11)
* “Tôi bảo thật”: Amen
Hàm ý những lời theo sau là chân lý phải tin
* Sự trổi vượt của Gioan giữa phàm nhân, ông cao trọng hơn tất cả
* “những kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông”
Với 1 sứ mạng cao cả, với lòng nhiệt thành và sự thánh thiện, Gioan được Đức Giêsu khen là người cao trọng nhất “trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ”; nhưng rồi Người lại tiếp “kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời lại cao trọng hơn ông”.
Câu 11 không nhằm nói lên sự thánh thiện cá nhân, cũng không có ý so sánh Gioan với các Kitô hữu về nhân cách đạo đức. Đây chỉ là cách so sánh để diễn tả thực taị này: sự công chính theo Luật, mà Gioan là biểu tượng cho dù có cao cả đến đâu đi nữa, cho dù có đạt được mức chóp đỉnh đi nữa, thì cũng không thể nào sánh được với sự công chính của Nước Trời do Đức Giêsu mang lại. Sứ vụ của Gioan là chóp đỉnh của giai đoạn dọn đường của lịch sử cứu độ; nhân loại được mời bước qua 1 giai đoạn mới cao hơn hẳn và là giai đoạn chung cuộc. Sự so sánh này chỉ nhằm nói lên tính ưu việt tuyệt đối của ơn cứu độ do Đức Giêsu mang lại so với sự công chính của Luật chứ không nhằm xếp hạng cá nhân theo luân lý.
Thật vậy, trong tương quan với sứ mạng giới thiệu Đức Giêsu cho nhân loại thì Gioan quả là người cao trọng nhất trong Cựu Ước vì ông là người duy nhất chỉ cho thiên hạ nhận biết Đức Giêsu khi Người xuất hiện. Tuy nhiên, Tin Mừng hôm nay cũng đã cho thấy sự hiểu biết giới hạn của Gioan về con người lẫn sứ vụ của Đức Giê su đến độ hoang mang về căn tính của Người; trong khi đó, người nhỏ bé nhất trong Nước Trời cũng có được sự hiểu biết về Đức Giêsu cao hơn hẳn so với Gioan: ông đâu biết Thập giá và phục sinh, cũng như Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Được biết Đức Giê su Kitô Con Thiên Chúa quả là niềm vui lớn lao mà Đức Giêsu mang tới cho nhân loại và mời thọ hưởng bằng cách đón tiếp và tin vào Người.
-
Tóm kết
Qua lời đáp trả cho mối ưu tư của Gioan, Đức Giêsu khẳng định mình là Đấng Mêsia mà dân Chúa hằng mong đợi. Nơi Người, mọi lời Thiên Chúa hứa xưa được hoàn tất nhân loại được hồi phục, mọi người kể cả kẻ nghèo hèn đều được nghe loan báo Tin Mừng rằng Triều đại Nước Thiên Chúa đã đến rồi. Đồng thời, Người cũng công bố sự cao cả của thần dân nước Người trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Đây là một ơn nhưng không được tặng bạn, không tuỳ thuộc vào sự thánh thiện, công đức cá nhân nhưng là vào lòng nhân lành của Thiên Chúa, và vào sự hiểu biết, gắn bó của mỗi người với Đức Giêsu.
Đây chính là Niềm Vui trọn vẹn của thời Cánh Chung mà phụng vụ mời mọi tín hữu bắt đầu nếm cảm ngay trong hiện tại vì đã có Emmanuel ở giữa chúng ta.
Frère Pierre Đình Long FSC