Bài 1
Kn 1, 22 – 12, 2; Lc 19, 1 – 10
Chủ đề: Lòng thương xót của Chúa: tìm thứ tha, cứu vớt những kẻ tội lỗi hư mất.
* Kn 12, 2: Chúa xót thương hết mọi người … Những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ, Chúa cảnh báo … để họ bỏ điều ác mà tin vào Chúa.
* Lc 19, 9. 10: Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này … Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã hư mất.
Lời Chúa của Chúa Nhật 31 C Mùa Thường Niên hướng về chủ đề LÒNG THƯƠNG XÓT VÔ BỜ của Thiên Chúa. Lòng thương xót ấy biểu lộ qua công trình sáng tạo và cứu chuộc hồi phục: dù lỗi phạm của loại thọ tạo có lớn lao đến đâu đi nữa, dù hình phạt trước mắt có nặng nề đến đâu đi nữa thì Thiên Chúa vẫn không hủy diệt, trái lại vẫn duy trì tạo vật, duy trì sự sống bằng Tình Yêu tha thứ của Chúa, kiên trì chờ thời điểm con người hối cải. Chúa có thể thương xót vô bờ mà không rơi vào tình trạng ủy mị là vì Thiên Chúa toàn năng, Người làm được mọi sự, vì mọi loài đều là tạo vật của Chúa, đều thuộc về Chúa. Vậy lòng thương xót vô bờ là một biểu lộ của lòng trung tín tuyệt đối của Thiên Chúa: Chúa đã trao ban sinh khí bất diệt của Người trong muôn loài muôn vật, thì không vì bất cứ lý do nào mà Người hủy diệt chúng; Người chỉ tu chỉnh, loại bỏ những sai trái, sửa dạy từ từ để chung cuộc mà Chúa muốn vẫn là sự sống.
Chính lòng thương xót ấy tạo điều kiện thuận lợi cho tội nhân có dịp hoán cải, nhận ra sai trái của mình, được đổi mới và được sống. Lòng thương xót của Thiên Chúa không ngồi một chỗ chờ con người hối cải mà CHÚA ĐI BƯỚC TRƯỚC, tìm đến với con người tận nơi đáy thẳm, bùn nhơ của họ, để gặp gỡ họ, tạo điều kiện thuận lợi cho con người hoán cải.
Bài đọc 1 là một suy tư khôn ngoan của các hiền nhân được Chúa Thánh Thần soi sáng, đọc được trong các công trình Chúa đã làm trong dòng lịch sử mà nhận ra Tình Yêu thương xót vô bờ của Thiên Chúa.
Bài đọc 1 mở đầu bằng 1 lời khẳng định về tính cách bọt bèo, chẳng đáng giá gì của toàn thể vũ trụ trong tương quan với Thiên Chúa: “Trước nhan Chúa, toàn thể vũ trụ ví tựa hạt cát trên bàn cân, tựa giọt sương mai rơi trên mặt đất” (Kn 11, 22). Ấy vậy mà Thiên Chúa vẫn trân trọng, xót thương tất cả. Lịch sử nhân loại được tác giả đọc dưới một viễn ảnh đầy khích lệ: Chúa cứu những ai ngay lành và trừng phạt kẻ ác; Tuy nhiên chỉ phạt một cách có chừng mực mà thôi, bởi vì Thiên Chúa thương xót, khoan dung, muốn mọi người ăn năn hối cải để được sống. Chúa luôn trung tín với bản chất của Người là “Đấng yêu mến sự sống”, đã dựng nên và bảo tồn sự sống. Trước những tội lỗi tày đình của nhân loại, như trường hợp Pharaô Ai Cập, muốn giết hết con trai người Do Thái, hủy diệt Dân Chúa (x. Xh1,16.22), “lẽ ra người Ai Cập có thể bị trừng phạt nặng nề bằng một tai họa hủy diệt, nếu Thiên Chúa muốn. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ hành động độc đoán, ăn miếng trả miếng, mà hành động theo qui luật sự sống là chính Chúa. Sự toàn năng có thể “làm được mọi sự” của Người bảo đảm tình yêu không thiên vị của Người đối với mọi vật. Chính việc sáng tạo là 1 biểu lộ của tình yêu ấy và loại trừ khả năng Người ghét bỏ bất kỳ loài nào mà Người đã sáng tạo. Do đó Thiên Chúa nhìn thấy con người đắm chìm trong tội mà xót thương, tha thiết mong chờ họ ăn năn hối cải; Và nếu như Người có phạt thì tiên vàn đó chỉ là biện pháp răn đe giáo dục mà thôi” (CGKPV “các sách Giáo Huấn” 576 u).
Tóm lại, cội nguồn của tình yêu tha thứ, kiên nhẫn của Chúa là vì Chúa toàn năng làm được mọi điều Chúa muốn; Vì Chúa là “Đấng Yêu Sự Sống”; Vì mọi loài đều là của Chúa; Vì khi tạo dựng Chúa đã đặt “sinh khí bất diệt của Người trong muôn loài muôn vật” (Kn 12,1). Như vậy, dù con người có trốn tránh, xa né Thiên Chúa (x. St 3,8) thì sinh khí bất diệt của Thiên Chúa vẫn còn trong con người. “Vì thế, những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ, Chúa cảnh báo họ, nhắc cho họ biết họ đã phạm tội gì (x. St 3,11) rồi tạo điều kiện (x. St 3,15) để họ bỏ điều ác mà tin vào Thiên Chúa” (Kn 12,1-2). Cuối cùng, sự sống được hồi phục, nhân loại sẽ phục sinh (x. Mt 25,32), ai tin vào Đức Giêsu sẽ được hưởng trọn vẹn hồng ân làm con Thiên Chúa (x. Ga 1,12).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, tình yêu kiên nhẫn chờ hoán cải, tình yêu tha thứ, tình yêu hồi phục, nâng cao đã trở thành 1 sự thật cụ thể trong câu chuyện Đức Giêsu gặp gỡ ông trùm thuế vụ tên là Dakêu. Một cuộc gặp gỡ ĐỔI ĐỜI!
Từ một con người bị loại trừ, Dakêu đã được Đức Giêsu giúp chỗi dậy, hồi phục quyền được làm “con cái Abraham” và nhất là được hội nhập vào ơn cứu độ của cộng đoàn thiên sai (19,9). Phần Dakêu, từ kẻ thờ tiền, bóc lột tha hân, đã hoán cải thành người rộng rãi hồi phục lẽ công bình, biết mở lòng chia sẻ với người nghèo (19,8).
Ban đầu, Dakêu với nhiều mặc cảm: bản thân lùn; bị xã hội lẫn tôn giáo Israel loại trừ, coi là tội nhân, là tay sai của ngoại bang, phản quốc; và nhất là thấy mình bất xứng vì Đức Giêsu là vị ngôn sứ lớn và toàn dân đang kỳ vọng vào Người; Nên Dakêu chỉ dám lén lút leo lên một cây cao trộm nhìn Đức Giêsu từ xa. Nhưng thật bất ngờ: lòng thương xót Chúa đã đi bước trước đến chộp bắt ông; Đức Giêsu ngước mắt lên nhìn ông, gọi ông xuống và ngỏ lời muốn đến thăm nhà ông. Thế là mọi cản trở trong quá khứ, mọi “xầm xì” trong hiện tại đều được Đức Giêsu tháo cởi. Ông vui mừng đón tiếp Đức Giêsu và cuộc đời đổi thay nhanh chóng, tận căn. Ông tự nguyện hoán cải: đền bù gấp 4 cho những ai ông đã gây thiệt hại; chia nửa gia tài cho kẻ nghèo. Và Đức Giêsu đã công bố lòng thương xót của Thiên Chúa hồi phục ông: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này, vì người này cũng là con cháu Abraham”
Với sứ mạng “đến để tìm và cứu những gì đã mất” và với quyền năng phục sinh, Đức Giêsu vẫn tiếp tục tuôn đổ tình yêu tha thứ của Thiên Chúa cho nhân loại hôm nay. Và Đức Giêsu mong đợi mỗi tín hữu phải là một “Đức kitô nối dài” để lòng thương xót của Thiên Chúa luôn là 1 thực tại sống động giữa thế giới còn nhiều so đo, thù hận hôm nay. Mỗi tín hữu hãy là máng chuyển lòng thương xót, tình yêu tha thứ của Chúa cho tha nhân, mỗi ngày trong cuộc sống chúng ta.
Bài 2
“Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay Tôi phải ở lại nhà ông”. Ông vội vàng tụt xuống và mừng rỡ đón rước Đức Giêsu. … Đức Giêsu nói … “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này … Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (19, 5.6.9.10)
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đưa tâm trí chúng ta hướng về lòng thương xót bao la của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại, tất cả mọi người, đặc biệt đối với các tội nhân. Thiên Chúa sẵn sàng thứ tha, tạo cơ hội để con người tỉnh thức, quay về cùng Thiên Chúa. Thiên Chúa kiên trì trong xót thương, tha thứ.
Nhưng thương xót không có nghĩa là nhu nhược, buông thả theo tính khí hời hợt, cảm tính ủy mị, nhẹ dạ dung dưỡng cho tôi phạm. Thiên Chúa khoan dung, thương xót cũng là Thiên Chúa công minh, chính trực. Vì thế Người vẫn nghiêm minh sửa phạt các sai trái của tội nhân cách thích hợp.
Tuy nhiên sự trừng phạt của Thiên Chúa là có chừng mực, mọi việc Người làm đều đã tính toán cân nhắc cả rồi (Kh 11, 20c). Người sửa phạt với mục đích là để phục hồi cứu độ chứ không phải là để trừng trị, hủy diệt kẻ cả gan dám xúc phạm đến Người. Điều mà Chúa muốn hủy diệt là tội và các hậu quả tại hại của tội. Còn đối với tội nhân, Chúa luôn kiên trì chờ giây phút họ quay về để thứ tha.
Thiên Chúa là Tình Yêu! “Thương xót, thứ tha” và “công chính, nghiêm minh” là 2 mặt không thể tách rời được của Tình Yêu Thiên Chúa. Với cặp mắt phàm ta chỉ thấy được 1 trong 2 khía cạnh của Tình Yêu tùy mối tương quan chúng ta đang có trong hiện tại với Thiên Chúa. Thật vậy, cái mà chúng ta gọi là sự sự công chính, nghiêm minh, công thẳng của Thiên Chúa thực ra chính là dự tính yêu thương của Người và sự quyết tâm hoàn tất cho kỳ được dự tính đó.
Vậy “sự công chính, nghiêm minh” (tức sửa dạy con người) chính là cách Thiên Chúa biểu lộ lòng trung tín đến cùng của Chúa đối với dự tính ban đầu của Mình trong công trình sáng tạo. Trong công trình sáng tạo đó, Thiên Chúa rất công bình: Tất cả mọi sự Chúa dựng nên đều tốt đẹp, mọi vật đều có vị trí thích hợp trong công trình của Thiên Chúa; Đặc biệt tất cả mọi con người đều là “hình ảnh của Thiên Chúa” được linh hoạt nhờ “hơi thở, Thần Khí của Thiên Chúa”. Tất cả đều bình đẳng trước Thiên Chúa.
Tiếc thay, dự tính đó đã bị trục trặc, xáo trộn do con người lạm dụng tự do gây nên. Và vì Thiên Chúa “công chính, nghiêm minh”, luôn trung tín đến cùng với những gì Người đã dựng nên. Cho nên bằng mọi giá Chúa phải phục hồi lại cho kỳ được công trình tốt đẹp thuở ban đầu ấy, và Thiên Chúa đã phải mạnh tay chỉnh sửa, chặn đứng cái đã suy thoái do tội gây ra. Việc sửa dạy nghiêm minh đó, ta quen gọi là “CHÚA PHẠT”. Thực ra Thiên Chúa đang chỉnh sửa mọi sự theo chuẩn mực và cách thức của Người. Và Thiên Chúa không bao giờ “đánh phạt” quá tay vì Thiên Chúa là Tình Yêu.
Để hồi phục con người nếu cứ lý đúng lẽ công bình mà xét, tính toán sòng phẳng “nợ” và “công” phải tương xứng thì chắc chắn không ai được cứu. Vì thế khía cạnh “công chính, nghiêm minh” chỉ là lời Thiên Chúa cảnh tỉnh con người, giúp hồi tâm quay về cùng Thiên Chúa; Công việc hồi phục, chữa lành là do lòng thương xót, thứ tha của Thiên Chúa. Thật vậy chỉ cần con người hé lộ ra một chút hồi tâm, bất cứ vì động lực nào, là Thiên Chúa chộp bắt ngay để ủi an, nâng đỡ, thứ tha, hồi phục (Lc 15; 18, 4 – 10; 23, 40 – 43)
Chính lòng thương xót, thứ tha của Thiên Chúa hồi phục con người, tuy nhiên bản thân của tội nhân cũng cần được thanh luyện để có thể hiện diện bền lâu trước nhan Chúa; Bởi vì Thiên Chúa là chí thánh nên không chút vết nhơ tội khiên nào có thể tồn tại trước nhan Người. Vì thế Thiên Chúa công minh đòi con người phải hoán cải để hạt giống của tình yêu thương xót, thứ tha của Thiên Chúa có thể bám rễ, nảy mầm trong tâm hồn tội nhân hoán cải. Thiên Chúa không chấp nhận thái độ ỷ lại, ở lì trong sai trái của kẻ cứng lòng. Thiên Chúa công minh đòi tội nhân phải ý thức và có trách nhiệm về phẩm giá cao quý của mình hầu thực tâm mở lòng đón nhận tình yêu thương xót và thứ tha của Thiên Chúa, để tình yêu ấy thực sự trổ sinh hoa trái trong hồn ta.
Nơi Thiên Chúa, lòng thương xót và sự công minh là một, là 2 cách biểu lộ của cùng một tình yêu cứu độ. Thực tại ấy chỉ khi nào mỗi người ra trình diện trước nhan Chúa (khi cá nhân chết), và trong ngày cánh chung (cho toàn thể nhân loại và vũ trụ) thì mọi sự mới được mặc khải tỏ tường. Còn giờ đây, đang ở trong xác phàm hữu hạn, chúng ta còn tách biệt lòng thương xót với sự công minh.
Lời Chúa hôm nay chú tâm hơn đến khía cạnh “thương xót, thứ tha” của Tình Yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót luôn muốn sự sống chứ không phải sự chết cho dù tạo vật có sai trái, lỗi lầm. Trước thân phận yếu đuối mỏng dòn của con người, Thiên Chúa đã biểu lộ lòng thương xót qua việc không chấp tội, đối xử khoan dung với mục đích là tạo điều kiện để con người có cơ hội hoán cải, được sống và được tồn tại. Chúa xót thương là vì mọi sự đều do Chúa làm nên và Người muốn cứu độ tất cả. Thiên Chúa muốn từng bước một cảm hóa con người vì ích lợi cho ơn cứu độ của họ.
Bài đọc 1, trích sách Khôn Ngoan, mời chúng ta chiêm ngắm lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tất cả mọi loài Chúa đã dựng nên. Nhờ tình yêu ấy mà nhân loại đã được tạo dựng, được tồn tại và nếu có phạm tội thì cũng được Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi, làm ngơ để con người có dịp hoán cải và nếu cần thì sửa dạy, nhưng phạt chỉ là đường lối sư phạm để giáo dục chứ không là mục đích. Tóm lại Thiên Chúa thương xót tất cả là vì tất cả đều do Thiên Chúa tạo ra, đều thuộc về người, Người muốn tất cả được sống.
Tin Mừng thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và ông Dakêu, thủ lĩnh các người thu thuế tội lỗi. Ban đầu vì tò mò Dakêu chỉ muốn nhìn cho biết mặt Đức Giêsu, ngờ đâu vị Thiên Chúa làm người này lại muốn ghé nhà ông. Lòng ưu ái ấy đã cứu vớt ông, thay đổi đời ông: ông hoán cải, tự nguyện đền bù tội lỗi cách quảng đại, chia sẻ cho kẻ nghèo và Đức Giêsu đã công bố hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này vì người này cũng là con cháu Abraham.
BÀI ĐỌC I: Kn 11, 22 – 12, 2
Bài đọc 1 hôm nay nằm trong phần cuối của sách Kn, chương 10 – 19. Phần này tán dương hoạt động của Đức Khôn Ngoan và của Thiên Chúa trong lịch sử của dân được tuyển chọn, đáng chú ý nhất là cuộc giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập. Lịch sử được tác giả đọc dưới một viễn ảnh đầy khích lê: Chúa cứu những ai thuộc về Người và trừng phạt kẻ ác, tuy nhiên chỉ phạt một cách có chừng mực mà thôi, bởi vì Thiên Chúa thương xót khoan dung, muốn mọi người ăn năn hối cải để được sống. Chúa luôn trung tín với bản chất của Người là “Đấng yêu mến sự sống”, đã dựng nên và bảo tồn sự sống.
Là một áp dụng nhãn giới trên vào biến cố lịch sử xuất Ai Cập, Kn 11, 15-12,2 trả lời cho thắc mắc “tại sao Chuá lại nhẹ tay với Ai Cập? không tiêu diệt kẻ đã muốn tiêu diệt dân Chúa?”. Câu đáp được tóm: “người Ai Cập lẽ ra có thể bị trừng phạt thật nặng nề bằng một tai họa ghê gớm, nếu Thiên Chúa muốn. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ hành động độc đoán, mà theo quy luật là chính Người. Sự toàn năng của Người bảo đảm tình yêu không thiên vị của Người đối với vạn vật. Chính việc sáng tạo là một biểu lộ tình yêu ấy và loại trừ khả năng Người ghét bỏ tất cả loài nào Người đã sáng tạo. Do đó, Thiên Chúa nhìn tội lỗi con người mà xót thương, tha thiết mong chờ họ ăn năn hối cải, và nếu như Người có phạt thì tiên vàn đó chỉ là biện pháp răn đe giáo dục mà thôi (CGKPV “Các sách Giáo Huấn” 576 u). Phụng vụ trích phần sau của đoạn này.
Khi bỏ đi phần nói về việc lẽ ra Chúa có thể phạt Ai Cập nặng hơn, câu đáp đã được trích làm bài đọc 1, đã mạng lấy một ý nghĩa tổng quát chứ không chỉ áp dụng riêng cho trường hợp Ai Cập nữa; viễn ảnh được mở rộng ra cho toàn thể nhân loại và thế giới: lòng thương xót của Chúa không giới hạn, không phải chỉ là chuyện thuộc quá khứ mà thôi; Người muốn cho tất cả mọi thọ tạo của Người hoán cải để nhận được hồng ân kỳ diệu, lớn lao hơn nữa của Người là ơn cứu độ cho toàn nhân loại.
-
Sự bé bỏng, mong manh của vũ trụ trước Thiên Chúa (Kn 11,22)
“Trước Thánh Nhan, toàn thể vũ trụ ví tựa
*hạt cát trên bàn cân
*giọt sương mai rơi trên mặt đất”
Sự bé nhỏ, mong manh của vũ trụ được tác giả diễn tả bằng hai hình ảnh trên. Thật vậy, không ai đi cân một hạt cát: điều này cho thấy sự nhỏ bé, vô nghĩa của tạo vật trước Thiên Chúa cao cả; còn hạt sương sẽ tan mất ngay bởi đất và ánh mặt trời: điều này cho thấy tính phù du, mỏng manh…cả vũ trụ chẳng là gì đối với Chúa.
Trong tương quan với con người (23): cả vũ trụ chẳng đáng gì trước mặt Chúa, thế nhưng Chúa lại thương xót trước con người tội lỗi, bội phản. Chính quyền năng như thế đã khiến Chúa dễ dàng nhẫn nại, chịu đựng những bội phản, tội lỗi của con người. Vì dù gì đi nữa, tất cả đều nằm trong vòng tay yêu thương của Người. Và lòng thương xót ấy được biểu lộ qua việc Người kiên trì chờ con người hối cải, tạo điều kiện để con người quay trở lại với Người (x. CGKPV Sđd 577 b).
Trong tương quan với mọi loài thụ tạo khác (26): Thiên Chúa tỏ lộ như là Đấng yêu sự sống. Đó là điều bảo đảm rằng sự sống của vũ trụ chắc chắn sẽ tồn tại cho dù lắm khi thọ tạo muốn vùng vẫy thoát khỏi vòng tay yêu thương của Người. Vì Chúa là Đấng xét xử khoan dung, là Đấng yêu sự sống, mọi loài đều là của Chúa. Đó là cội nguồn của sự sống, của hiện hữu và của sự tồn tại vững bền của vũ trụ)
-
Dấu chứng của tình yêu (Kn 11, 24,25 và 12, 1-2)
Tình yêu thương xót của Thiên Chúa đã được biểu lộ trong quá khứ qua công trình sáng tạo và bảo tồn: 11, 24.25; đồng thời vẫn tiếp tục mãi qua việc sửa phạt từ từ để tội nhân có cơ hội hoán cải mà tin vào Chúa. Chủ đề này được biểu lộ qua 2 cặp: 11, 24.25 và 12, 1-2 đối xứng nhau:
Vậy sự có mặt và tồn tại của loài người và vũ trụ là một dấu chứng cảu tình yêu thương xót của Thiên Chúa; và điều Thiên Chúa sẽ mãi làm để tỏ lộ Người là sự sống chính là sửa dạy, tha thứ cách kiên nhẫn nhằm phục hồi con người bỏ ác, tin Chúa.
Thực ra với Thiên Chúa, chỉ có một công trình duy nhất: sáng tạo, quan phòng, hồi phục, cứu chuộc chỉ là một. Nhưng với con người vốn bị giới hạn bởi thời gian, không gian nên cái nhìn của ta lệ thuộc vào từng giai đoạn của lịch sử. Và bản văn cũng cho ta thấy sự nhất quán đó trong công cuộc của Chúa khi trình bày việc sửa dạy, cảnh cáo…như là hệ quả của việc Chúa đặt sinh khí bất diệt của Chúa trong mọi loài, với mục đích để tội nhân hoán cải và tin vào Chúa, nghĩa là nhận ra tình yêu Thiên Chúa trong tạo vật, trong sự hiện hữu và tồn tại của bản thân mình. Vậy sự sửa phạt của Thiên Chúa chỉ là đường lối sư phạm trong một giai đoạn, còn cùng đích vẫn là sự sống, là tình yêu.
-
Tóm kết
Bài đọc 1 nhằm trả lời vấn nạn: tại sao Chúa nhẹ tay với Ai Cập, kẻ đã làm hại dân Chúa? Lời đáp của tác giả là bài suy niệm tuyệt vời về tình yêu bao la, không lay chuyển của Thiên Chúa. Tình yêu này được Thiên Chúa thể hiện trong dòng lịch sử ngang qua các công trình sáng tạo, quan phòng, bảo tồn, thứ tha, cứu độ. Nơi Chúa không có gì khác hơn là tình yêu, và mọi hoạt động của Thiên Chúa đều có động lực là tình yêu. Tình yêu tạo nên, duy trì sự sống; Và một khi sự sống bị tội làm suy thoái, biến chất, đi lệch hướng (đó là nguyên nhân của mọi đau khổ, bất hạnh), thì Tình Yêu đã can thiệp phục hồi và đưa sự sống tới mức viên mãn, vĩnh hằng của nó trong Thiên Chúa.
Phối hợp với Tin Mừng, phụng vụ nhấn mạnh hơn đến khía cạnh thứ tha và hồi phục của lòng thương xót của Thiên Chúa. Nhờ đó con người đã “bỏ ác mà tin Chúa”. Điều mà bài 1 chỉ mới đưa ra đường hướng thì Tin Mừng cho thấy hoa trái trọn vẹn trong chuyện Dakêu (“bỏ ác”: đền gấp 4…; “tin Chúa”: vui mừng đón tiếp Đức Giêsu.
TIN MỪNG: Lc 19, 1-10
Chúng ta đang ở giai đoạn cuối của cuộc hành trình lên Giêrusalem của Đức Giêsu để hoàn tất sứ mạng cứu độ. Đức Giêsu đang mở con đường vào Nước Trời cho chúng ta. Đó là chủ đề chính của giai đoạn 3 này: *phải chạy đến với Đức Giêsu để được chữa lành, rồi khám phá dung mạo thần linh của Người và tin vào Người (17, 11-19), *phải cầu nguyện trong kiên trì và khiêm tốn (18, 18-30), *phải thông hiểu con đường thập giá của Đức Giêsu (18,31-34), *để được vậy, cần được Đức Giêsu mở mắt cho (18, 35-43), * Một khi mắt được mở, gặp gỡ Đức Giêsu, phải hoán cải tận căn, đổi đời trọn vẹn (19, 1- 10). Và nhất là phải làm sinh lợi ân huệ đã lãnh nhận được từ Đức Giêsu.
Tin Mừng hôm nay trích đoạn việc Đức Giêsu đi bước trước tạo dịp gặp gỡ Dakêu, mở mắt tâm hồn cho ông, giúp ông hoán cải tận căn, được phục hồi phẩm giá là con cái Abraham, được hưởng đầy đủ ơn cứu độ. Chắc chắn chuyện Dakêu là một tiên trưng dọn đường cho những gì Đức Giêsu sắp làm trên thập giá và sẽ còn tiếp tục làm qua muôn thế hệ dưới hình thức nhiệm tích. Thật vậy, trích đoạn này dạy ta cách rõ ràng về lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, về việc người tội lỗi vẫn có một chỗ đứng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa và về việc Chúa đến viếng thăm, hồi phục mà bất cứ nhà nào mở cửa đón Đức Giêsu đều sẽ nhận được. Quả thế, khi thầy Đức Giêsu chết như một tên tội phạm nguy hiểm (chứ không phải chỉ vào nhà 1 tội nhân), khi thấy Đức Giêsu nài xin tha thứ cho tất cả mọi người vì họ không biết (chứ không phải chỉ tha cho một mình Dakêu), và rồi ơn tha thứ ấy được cụ thể hóa qua việc đón nhận tên gian phi bị đóng đinh bên phải vào Nước Trời, và khi thấy dấu lạ xảy ra cho đất trời lúc Đức Giêsu tắt thở (như là dấu xác nhận lời Đức Giêsu là chân thật), thì “tất cả đám người tụ tập đông đảo để xem đã cúi đầu đấm ngực lui về” (Lc 23, 48). Ơn cứu độ ấy vẫn tiếp tục mãi đến tận thế cho những ai sám hối, cởi mở trước lòng thương xót của Thiên Chúa
-
Được Đức Giêsu lôi cuốn – Tình trạng ban đầu của Dakêu. (Lc 19, 1- 4)
* Thời điểm: Lúc “Đức Giêsu đi ngang qua Giêrikhô”.
* Giới thiệu nhân vật: tên Dakêu, trùm thuế vụ, giàu, lùn.
* Tò mò muốn nhìn cho biết Đức Giêsu nhưng không được.
Lý do: vì đám đông và bản thân lại lùn.
* Đối phó: tiên đoán hướng đi của Đức Giêsu, chạy trước, leo cây đợi sẵn.
“Dakêu”: tiếng Do Thái là “Zakkay” có thể là chữ viết tắt của zơkaryah có nghĩa là “Giavê nhớ đến”, phiên âm qua Hy Lạp là zakkhaios gồm “za” = rất, mạnh và “khaios” = tốt, đáng kính, thanh cao, cao quý. Có thể hiểu “Dakêu” là “người trong sạch”. Ông trùm thu thuế thời Đức Giêsu mà “trong sạch?” Mỉa mai? Qua cái tên này, Luca giới thiệu cái nhìn của Thiên Chúa: Người đánh giá một con người ở điểm tới, ở thái độ chung cuộc dứt khoát của mỗi nguời. Kết thúc văn bản, Dakêu đã thể hiện được con người đích thực của mình như cái tên đã nói lên, trước tiên là nhờ hồng ân đi bước trước của Đức Giêsu và kế đó là lòng hoán cải của chính ông.
Vì tò mò, ông muốn tìm cách nhìn cho biết mặt Đức Giêsu. Chắc ông không hy vọng gì được tiếp xúc với Người, vì cho tới lúc ấy Đức Giêsu đã nổi danh như một ngôn sứ lớn, còn ông thì tội ngập đầu. Thành kiến xã hội và tôn giáo tạo nên một bức tường vô hình bất khả vượt qua giữa hai hạng người này.
Thêm nữa, dự tính của ông còn gặp phải một cản trở cụ thể ngay trước mắt: người vây quanh Đức Giêsu quá đông, ông lại lùn. Bất chấp dư luận, địa vị xã hội đang có, ông tìm cách thực thi ý muốn của mình. Ông không chịu bỏ cuộc! Chính cái quyết tâm ấy, cho dù chỉ vì tò mò, đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi để Đức Giêsu có thể dễ dàng đi bước trước mà đến với ông.
-
Được gặp gỡ đối thoại với Đức Giêsu (Lc 19, 5 – 7)
Đổi vai: trong đoạn trước. Dakêu ở vai trò chủ động. Ở đây là Đức Giêsu: Người đã biến cái nhìn lén, hiếu kỳ, một chiều khép kín trong mặc cảm tội lỗi, trở thành một cuộc gặp gỡ giữa hai chủ thể đối thoại tự do bình đẳng cởi mở dẫn ông tới chỗ hội nhập lại cộng đoàn, đổi đời, được cứu độ, hồi phục tương quan con cái Abraham.
* Đức Giêsu chủ động đi bước trước tạo dịp cho Dakêu tiếp xúc đối thoại với Người (5)
– đi bước trước: “tới chỗ ấy Đức Giêsu nhìn lên”
– kêu đích danh: “này ông Dakêu”
– mời xuống và ngỏ lời muốn ở lại nhà ông: “xuống mau, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”.
Theo cách trình bày của Luca, dường như toàn bộ cuộc gặp gỡ Dakêu đã nằm sẵn trong dự tính của Đức Giêsu. Chắc là Người cố thấy Dakêu leo cây, nên khi vừa tới chỗ ông ẩn náu, Đức Giêsu liền ngước mắt lên và kêu đích danh như đã từng quen biết ông từ trước, rồi mời ông xuống và nhất là ngỏ ý muốn ở lại nhà ông. Thật vậy, việc Đức Giêsu muốn ở lại nhả Dakêu như là một điều đã được lên chương trình từ trước (hôm nay) và là việc phải làm(“đêi”), như là đích phải tới (“mêno” ở aorist. inf) của chương trình hành động hôm ấy.
Đức Giêsu cứu và đánh tan mặc cảm của Dakêu bằng cách thực hiện việc “muốn ở lại nhà ông” một cách tế nhị hết sức, tôn trọng con người dù đó là tội nhân: Người làm cho Dakêu cảm thấy việc ở lại nhà ông là điều cần thiết đối với Người. Người đi bước trước đến với Dakêu như một người thọ ân. Người muốn khởi đầu với một cái gì đang có nơi chúng ta (xin nước uống trong chuyện người phụ nữ Samaria; xin bánh và cá của em bé/ các tông đồ…) Người tạo nên một tương giao 2 chiều cho dù là bất tương xứng, một tương quan liên chủ thể giữa 2 nhân vị tự do: cùng trao ban, cùng đón nhận nhau không so đo hay mặc cảm. Như vậy vị Thiên Chúa làm người muốn biểu lộ một tình yêu chứ không phải là một sự thương hại. Tình yêu sáng tạo và cứu độ, trước hết chấp nhận đường lối đơn giản và thân tình của tình bạn là đón nhận ngay cả trước khi trao ban. Và chắc chắn đó là một trong những biểu lộ cao cả nhất của lòng thương xót của Thiên Chúa đối với những ai mà Người muốn thi ân.
* Những phản ứng trước thái độ của Đức Giêsu (6 – 7)
– Đáp trả tích cực của Dakêu: “vội vàng tụt xuống và mừng rỡ đón tiếp Người”.
– Phản ứng tiêu cực của đám đông: “xầm xì: nhà quân tội lỗi mà ông ấy vào trọ”.
Thái độ đầy nhân bản, tôn trọng của Đức Giêsu đã đánh tan ngay tức khắc mọi mặc cảm của Dakêu trong tương quan với Đức Giêsu. Mặc dù đầy bất ngờ, nhưng ông đã đơn sơ đáp lại lời ngỏ của Đức Giêsu.
“Vội vàng”, Tin Mừng Luca dùng từ này 4 lần: 1, 39: sau truyền tin, Đức Maria đã lên đường với sự “vội vàng” đi thăm Bà Isave; 1, 26: được Thiên Thần báo tin mừng, các mục đồng “vội vàng” tới Bêlem…; và 2 lần trong chuyện Dakêu: Đức Giêsu gọi ông “hãy xuống vội vàng” và ông đã “vội vàng tụt xuống”. Từ này diễn tả phản ứng của người môn đệ – kẻ nghèo hèn nhỏ bé được Chúa thương – trước một mặc khải bất ngờ của Thiên Chúa. Nó nói lên một sự đáp trả tức khắc, không tính toán như đang luôn ở trong tình trạng sẵn sàng dù bên ngoài có vẻ như không chuẩn bị gì, hàm ý mở ngỏ, mở rộng cõi lòng phó thác hoàn toàn trước mặc khải của Thiên Chúa.
“Mừng rỡ”: Tình trạng hoan lạc trào dâng của những người được đón nhận ơn cứu độ chung cuộc của thời Mêsia (x. Lc 1, 14c; 1, 28y CGKPV).
Còn đám đông? Trước khi thuật chuyển Dakêu, Luca đã cho thấy thái độ tích cực của đám đông đối với Đức Giêsu khi thấy Người chữa lành anh mù: họ tôn vinh Thiên Chúa (8, 43b). Như vậy, lẽ ra họ phải có thể nhận ra rằng những hành động của Đức Giêsu là phát xuất từ Thiên Chúa (x. Ga 9, 32 – 33) để rồi đón nhận những cái mới mà Người đem đến. Tiếc thay phép lạ đi trước đó, đối với họ, đã chưa đủ mạnh để có thể làm bong ra khỏi mắt họ cái màn che của lề luật, thành kiến. Họ chỉ dừng lại ở dấu chỉ bề ngoài mà không nhận ra căn tính của Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ, Đấng chữa lành tâm linh, giải phóng con người khỏi những giới hạn phàm nhân và đưa họ vào quỹ đạo đầy yêu thương của Thiên Chúa. Vì thế họ đã chỉ trích Đức Giêsu dựa theo quan điểm sai lạc của họ (x. CGKPV 348d). Đây không chỉ là câu chuyện quá khứ của “người ta”, vì Luca sẽ cho chúng ra gặp lại những phản ứng này ngay trong các Kitô hữu tại Giêrusalem: họ đã chống lại Phêrô khi ông vào nhà “những người không cắt bì” và ăn uống với họ (Cv 11, 2 – 3). Chi tiết dó cho thấy sứ điệp Tin Mừng không mất đi tính thời sự trong đời sống Giáo Hội.
-
Hoán cải và được cứu độ (Lc 19, 8 – 10)
* Nhận ra Chúa: “Dakêu thưa với Chúa rằng: LẠY CHÚA”.
* Hoán cải: “…Phân nửa tài sản cho người nghèo”.
Chiếm đoạt của ai…đền gấp 4” (8)
Lời tuyên bố công khai của Dakêu nhằm 2 chủ đích: – Một đàng muốn nói lên sự thành tâm ăn năn hoán cải của ông – Đằng khác, một cách nào đó ông có ý khẳng định trước mặt mọi người rằng Đức Giêsu đã làm đúng khi chọn trọ tại nhà ông, một người không đến nỗi “hết thuốc chữa” như người ta tưởng.
Nhờ Chúa ghé nhà và lòng hoán cải, Dakêu đã đích thực trở nên “người trong sạch”.
-
Nửa tài sản…cho người nghèo: mặc dù chưa đạt mức lý tưởng của một môn đệ trọn hảo (18,22) nhưng hành động ấy cũng đủ cho thấy lòng hoán cải, quảng đại của ông. Sự tách rời dần khỏi những ràng buộc của tiền tài là dấu chỉ của sự đổi đời, là khởi đầu của bước chọn lựa theo Chúa. Và giúp người nghèo vô điều kiện là hành vi đức ái.
-
Đền gấp 4: đi xa hơn đòi hỏi của Luật, biểu lộ lòng rộng rãi (x. CGKPV “Tân Ước” 348 đ hoặc “bốn sách Tin Mừng” 281 x)
hai hành động trên là dấu chỉ rõ ràng của một sự hoán cải tận căn. Như vậy Dakêu đã ở trong tình trạng sẵn sàng để đón nhận ơn cứu độ.
* Đức Giêsu công bố ơn cứu độ (9)
– “Đức Giêsu nới VỚI (?)/ VỀ (?) ông rằng:”
Lời của Đức Giêsu nhắm vào ai? Về văn phạm có thể dịch: “VỚI”, nhưng theo văn mạch và nội dung câu nói – Dakêu = người này: ngôi ba số ít – thì đối tượng được nhắm tới là đám đông. Vì họ cũng cần được Chúa hoán cải và cứu.
-
“Hôm nay”, ơn cứu độ đã đến cho nhà này”
Từ “hôm nay” được lập lại 2 lần (5 và 9). Ơn cứu độ luôn là hiện tại, tùy thuộc vào thái độ của con người đối với Đức Giêsu: tin vào Người. “Hôm nay” là một nét độc đáo của Lc: 2,11; 3,22; 5,26; 13,32; 19,9; 23,43).
-
“Bởi người này cũng là con cháu ông Abraham”
Là con cháu Abraham không phải chỉ vì theo huyết thống nhưng vì ông thuộc đoàn dân tin vào Thiên Chúa. Mặc dù bị coi là người tội lỗi vì làm nghề thu thuế (c.7), ông Dakêu thực sự là con cái Abraham nhờ lòng tin vào Đức Giêsu, lòng hối cải và lòng quảng đại của ông (“Bốn sách Tin Mừng” 281 a)
Như vậy khi nhắm vào đối tượng là các thính giả thì Đức Giêsu muốn:
-
Hòa giải Dakêu với cộng đoàn, tái hội nhập ông vào đoàn dân Chúa, trả lại cho ông các đặc quyền của tuyển dân, nhất là quyền thừa tự lời hứa.
-
Công khai bác bỏ luận điều sai lầm cho rằng người tội lỗi công khai không thể có hy vọng được cứu rỗi, hàm ý muốn cứu đám đông khỏi lầm lạc ấy, mời họ đón nhận Dakêu.
* Mặc khải căn tính và sứ mạng của Đức Giêsu (10)
“vì Con Người đến để tìm và cứu cái gì đã mất”
Đức Giêsu là “Con Người” tức vị thẩm phán thời cánh chung trong Dn7,13, nhưng sứ vụ của Người giờ đây là “tìm và cứu những gì đã hư mất” (Lc 15,6-9.24.32). Trong tư cách người tìm cứu và thẩm phán chung cuộc, tối cao ấy, Đức Giêsu tuyên bố hôm nay Dakêu được cứu, hồi phục quyền làm con dân của Chúa, dòng tộc của Abraham.
4 Tóm kết
Qua câu chuyện Dakêu, Tin Mừng cho ta thấy lòng nhân hậu bao la của Thiên Chúa đối với người tội lỗi, được thể hiện trọn vẹn nơi con người Đức Giêsu. Người đã đi bước trước tìm đến với các tội nhân, tạo điều kiện thuận lợi đê họ có thể bình an đến gặp Người cách tin tưởng thân ái và từng bước đưa họ đến chỗ hoán cải, lãnh nhận ơn cứu độ, hồi phục phẩm giá và quyền thừa tự của người thần dân Chúa. Đám đông cũng được mời gọi hoán cải qua việc mở rộng lòng đón nhận tội nhân và nhận ra dung mạo thần linh của Đức Giêsu ngang qua sứ vụ “tìm và cứu cái gì hư mất của Người”.
Trong câu chuyện này ta thấy có mặt hầu như tất cả các từ cũng như ý tưởng đặc trưng của Lc: Hôm nay, ơn cứu độ, cứu vớt những gì lạc mất, người nhỏ bé, tội lỗi, thu thuế, ý định cứu độ của Thiên Chúa là cần thiết, sự vội vàng, vui mừng. Nơi Đức Giêsu, ân sủng dồi dào của Thiên Chúa và thiện ý của con người đã gặp nhau và trổ sinh hoa trái. Nhưng bên canh sự thành công ấy, bóng thập giá cũng ẩn hiện qua lời xầm xì của đám đông.
Vậy, thập giá, phục sinh và hoa trái của phục sinh đã được Luca giới thiệu trước ở đây; và Đức Giêsu đang trên chặng chót của cuộc hành trình cứu độ, đã hé mở việc phục hồi cộng đoàn đức tin, gồm những người con của “cha các kẻ tin” Abraham.
Frère Pierre Đình Long FSC