CHÚA NHẬT 32 MÙA THƯỜNG NIÊN – năm C

Bài 1

2 Mcb 7, 1 -2.9 – 14; Lc 20. 27 – 38
Chủ đề: Ý định của Thiên Chúa là cội nguồn của niềm tin vào sự sống đời đời.

* 2 Mcb 7, 9c: Vua vũ trụ … sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời.

* Lc 20, 38: ĐỨC CHÚA không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống. Đối với Chúa, tất cả đều đang sống.

   Chúng ta bước vào những tuần cuối cùng của năm phụng vụ. Lời Chúa hướng chúng ta về những thực tại chung cuộc của kiếp nhân sinh và thế giới theo tầm nhìn của đức tin Công Giáo: ngày cánh chung, cuộc sống đời sau, sự sống lại, thưởng phạt, …

   Chúa Nhật 32 Mùa Thường Niên chú tâm đến chủ đề KẺ CHẾT SỐNG LẠI. Người Công Giáo tin có sự sống đời sau, sau khi cuộc sống trần thế này chấm dứt; Tin thân xác con người đã bị mục nát vì cái chết sẽ được sống lại, kết hợp với hồn để vĩnh viễn đi vào cõi hằng sống hạnh phúc thần linh của Thiên Chúa. Xác sống lại không phải là quay về với cuộc sống trần thế, với bao lo toan cơm áo gạo tiền … như Ladarô. Nhưng là cả xác lẫn hồn kết hợp trong 1 ngôi vị duy nhất được Thiên Chúa cho thông hiệp trọn vẹn vào sự sống thần linh vĩnh cửu. Cội nguồn của niềm tin đó chính là ý định của Thiên Chúa được biểu lộ ngang qua LỀ LUẬT Chúa ban và chóp đỉnh là ngang qua Đức Giêsu. Niềm tin ấy tác động trên cách ứng xử, hướng dẫn lối sống và sự chọn lựa của kẻ tin ngay trong cuộc sống hiện tại giúp họ can đảm vượt thắng được mọi cám dỗ, thử thách, những mất mát thua thiệt, kẻ cả dám hi sinh mạng sống để trung thành với Thiên Chúa, giữ Luật của Người.

   Bài đọc 1 trích từ Sách Macabê cuốn 2, thuật lại gương anh hùng tử đạo của một gia đình Do Thái đạo đức gồm 1 bà mẹ và 7 anh em trai đã can đảm lướt thắng mọi lời cám dỗ phù hoa, kiên trì đương đầu với bạo lực, cực hình kể cả cái chết để trung tín với đức tin, với Luật Chúa; Đồng thời tuyên xưng đức tin rằng có sự phục sinh thân xác, có sự sống đời sau vĩnh hằng, hạnh phúc trong Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa sẽ thực hiện kỳ công phục sinh mà cụ thể là cho xác kẻ tin sống lại. Đó như là phần thưởng cho lòng tín trung của họ. Bài đọc 1 cho thấy các thành viên của gia đình này không hề sợ hãi, chùn bước trước bạo quyền: vua quan cũng đành bất lực trước lòng tin của họ; Họ khẳng khái biểu lộ niềm tin và lòng trung tín vào Thiên Chúa, vào Lề Luật.

  • Tuân thủ Luật Chúa chính là lẽ sống của đời họ: “Chúng tôi sẵn sàng thà chết, chẳng thà vi phạm Luật pháp của cha ông chúng tôi” (2Mcb 7, 2b).

  • Lòng trung tín với Luật của họ được nâng đỡ bởi niềm tin: có sự sống lại, có sự sống đời sau; chính Thiên Chúa sẽ ban lại cho họ sự sống vĩnh cửu đời sau như là phần thưởng cho lòng trung tín của họ: “…bởi lẽ chúng tôi chết vì luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời” (7,9b).

    Cội nguồn của đức tin và lòng can đảm ấy chính là Lời Chúa hứa. Thật vậy, theo Đnl 5,32-33; 6,2, ai tuân giữ luật Chúa sẽ được sống lâu, hạnh phúc… thế nhưng thực tế trước mắt thì ngược lại hoàn toàn: tất cả những cực hình, cái chết mà các vị tử đạo đang chịu lại là vì họ kiên tâm trung thành giữ luật Chúa. Nghịch lý ấy đã giúp họ đi sâu hơn vào mặc khải của Thiên Chúa: PHẢI CÓ SỰ SỐNG ĐỜI SAU! Một sự sống tốt đẹp hơn mọi mặt so với cuộc sống hiện tại ở trần thế này. Sự sống ấy Chúa chỉ dành cho những ai trung tín với Chúa.

   Tuy nhiên, do tính tiệm tiến của mặc khải, nên niềm tin về sự sống lại trong sách Macabê còn mang nhiều màu sắc vật chất thế trần và còn nhiều giới hạn: Chúa chỉ hồi phục lại cho các vị tử đạo những gì họ đã hi sinh chịu mất vì Chúa; Sau sống lại, cuộc sống vẫn như hiện tại, tuy có tốt đẹp hơn, hoàn hảo hơn. Có thể nói đó là khôi phục lại hạnh phúc của Vườn Địa Đàng trước khi nguyên tổ sa ngã. Còn phần kẻ ác sẽ không được sống lại: Các tử đạo nói với bạo vương “còn vua, vua sẽ không được sống lại để hưởng sự sống đâu” (x. 7,14). Tin Mừng sẽ bổ khuyết các thiếu sốt ấy.

     Trong cùng 1 chủ đề nói về việc thân xác sống lai, Tin Mừng thuật lại cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu và Bè Sađốc là bè phái không tin có đời sau, không tin có sự sống lại. Để chế giễu niềm tin về sự sống lại của thân xác trong sách Macabê, bè Sađốc đã bịa ra một câu chuyện dựa trên 2 yếu tố:

  • Dựa trên Đnl 25,5-6: anh hay em chồng phải cưới người đàn bà góa của anh hay em mình đã khuất để duy trì nòi giống cho người anh em mình.

  • Và dựa trên quan niệm còn sai lầm về sự sống lại – trở về lại với cuộc sống cũ – của sách Macabê

    Có 7 anh em theo đúng luật thế huynh trong Đnl 25,5-6 đã cùng cưới 1 người đàn bà, tất cả 7 đều chết không để lại đứa con nào. Vậy khi sống lại người đàn bà ấy sẽ là vợ của ai trong 7 người đó, vì cả 7 đều có 1 thời gian là chồng bà ta đúng luật Môsê.

     Đáp lại, trước tiên Đức Giêsu điều chỉnh lại cái nhìn về tình trạng cuộc sống của đời sau: không dựng vợ gả chồng nữa, nhưng sống như các thiên thần.

   Còn vấn đề kẻ chết sống lại, Đức Giêsu trích dẫn Xh 3, 6 “Chúa là Thiên Chúa của: Abraham, Isaac và Giacob”; Rồi người lập luận: “Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết mà là Thiên Chúa của kẻ sống”. Vậy trước mặt Chúa, các tổ phụ đang sống. Và xác họ sẽ sống lại để thọ hưởng hoa trái của Lời Chúa đã hứa với họ và Người đang từng bước hoàn tất nơi con cháu họ. Vậy đức tin về kẻ chết sống lại không phải là hoa trái của suy lý mà là hoa trái của việc Thiên Chúa bày tỏ ý định của Người từng bước một qua dòng lịch sử. Tin là đón nhận dự tính của Thiên Chúa làm của mình và dám để Chúa thực hiện dự tính của Người nơi ta.

Bài 2

    Những ai…sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng (c.35) … Họ là con cái của Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại (c.36) … Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống (c.38)

          Chúng ta bước vào những tuần cuối của năm phụng vụ. Năm phụng vụ có thể nói là một “lịch sử cứu độ bonsai”: mở đầu bằng việc chờ mong Chúa đến và kết thúc bằng việc Đức Giêsu hiển trị là vua vũ hoàn. Vì thế trong những tuần cuối của năm phụng vụ, Lời Chúa hướng chúng ta hướng về các chủ đề có liên quan tới ngày cùng tận chung cuộc của một đời người, hay ngày Cánh chung cho toàn thể nhân loại và vũ trụ. Lời Chúa của Chúa Nhật 32 C Mùa Thường Niên đề cập đến vấn đề “sự sống lại của thân xác con người”.

          Khi nói đến “sống lại”, chúng ta thường nghĩ ngay tới việc thân xác mục nát của loài người đã chôn trong mộ sẽ sống lại và trở về lại với cuộc sống trong tình trạng hữu hạn như trước khi chết. Nhưng thân xác loài người thì đổi thay từ lúc sơ sinh, tới lớn lên, già, rồi chết…cá nhân sẽ sống lại với cái thân xác nào? Đó là điều mà có người đã thắc mắc ngay từ thời của thánh Phaolô: “Kẻ chết trỗi dậy như thế nào? Họ lấy thân thể nào mà trở về?” (1Cr 15, 35). Thêm nữa, tình trạng sống sau khi xác sống lại sẽ như thế nào? Cách chung người ta chỉ nghĩ đơn giản là sống lại để được lên thiên đàng! Mà thế nào là thiên đàng? Một cái nhìn sai lạc (x. Lc 20, 33) thường đồng hóa tình trạng sống trong thiên đàng với tình trạng hạnh phúc của con người trong vườn Eden, trước khi bị sa ngã; Nghĩa là vẫn còn ăn uống, cưới vợ lấy chồng … (St 1, 28; 2, 15-16). Đức Giêsu đã phủ nhận cái nhìn nặng phần vật chất ấy (x. Lc 20, 35).

          Ngoài ra, người ta còn xem việc sống lại như là phần thưởng mà Thiên Chúa chỉ ban cho những ai công chính, tín trung, khi còn sống đã lập công đức với Chúa; Do đó kẻ gian ác sẽ không được hưởng ơn sống lại, như cái nhìn trong Cựu Ước của 2 Mcb 7, 14b. Đó là cái nhìn cục bộ, chưa hoàn thiện về “sự sống lại thân xác”, nhưng đang được dần hé mở ra từng bước một trong Cựu Ước.

          Bài 1 trích một phần trình thuật về cuộc tử đạo của 7 anh em thời Macabê. Họ đã anh dũng chống lại luật ăn thịt heo của Vua Antiôkhô, thà chết để giữ lòng tín trung với Thiên Chúa, với Lề Luật tổ tiên trong niềm trông cậy xác tín Chúa sẽ hoàn trả lại cho họ những mất mát mà họ đã chịu vì Danh Người, kể cả sự sống. Niềm tin rằng Thiên Chúa sẽ cho họ sống lại để hưởng sự sống đời đời, đã giúp họ vượt qua mọi cực hình thử thách, can đảm chọn cái chết trung thành làm chứng cho Thiên Chúa.

          Tin Mừng thuật lại cuộc tranh luận giữa bè Xađốc với Đức Giêsu về vấn đề sống lại. Để mỉa mai và bác bỏ niềm tin về sự sống lại và sự sống đời sau, bè Xađốc đã bịa ra một câu chuyện dựa trên tục thế huynh được ghi trong Luật Môsê: gia đình kia có người anh cả cưới vợ nhưng rồi chết không có con; Người em kế phải cưới chị dâu, rồi lại chết không con…Lần lượt 7 anh em theo lượt thế huynh đều cưới bà ấy nhưng đều chết không con. Vậy khi sống lại, bà là vợ của ai trong 7 anh em đó? Đáp lời, Đức Giêsu xác nhận có sự sống lại và còn mặc khải về tình trạng của con người khi sống lại: không còn cưới vợ lấy chồng, không chết nữa, ngang hàng với thiên thần. Từ đó Đức Giêsu nhắc lại mặc khải về Thiên Chúa: Người là Thiên Chúa của kẻ sống, đối với Người tất cả đều đang sống.

BÀI ĐỌC I: 2 Mcb 7, 1-2.9-14

          Vào những thập niên giữa thế kỷ II TCN, người Do Thái đã phải trải qua một cơn bách hại khốc liệt, nhất là dưới triều Antiôkhô IV Epiphani. Vua này có tham vọng hi lạp hóa toàn đế quốc (1Mcb 1, 41-43). Vào năm 167 tcn, ông hủy bỏ các quy chế ưu đãi mà người Do Thái được hưởng trong các triều vua trước (2Mcb 3, 1-3) và ra sắc chỉ cấm đạo (1Mcb 1, 41-50). Ông cho quân chiếm Giêrusalem, san bằng tường thành, xây pháo đài Akra để kiểm soát Đền Thờ (1Mcb 1, 31-35) và biến nơi thánh thành nơi cúng thần Zeus. Sách Luật bị thiêu hủy, ai giữ đạo Do Thái đều bị bách hại tàn tệ (1Mcb 1, 54-64).

          Đã vậy, giới lãnh đạo Do Thái còn tranh địa vị, tàn hại nhau, tiếp tay cho giặc. Ham danh vọng, Giaxon đã đoạt chức thượng tế của Onia, anh mình; rồi để làm vừa lòng Antiôkhô, ông cưỡng ép đồng bào mình sống theo lối hi lạp (2Mcb 4, 7-20), nghênh đón kẻ thù của dân tộc là Antiôkhô vinh quang tiến vào Giêrusalem (4, 21-22). Thế nhưng rồi Mênêlaô-em của Simon viên quản lý Đền Thờ có lập trường chống Onia – đã dùng tiền nhiều hơn mua chuộc vua và đạt được chức thượng tế từ tay Giaxon (4, 23-29). Người ta cứ dùng tiền bẻ cong công lý, kẻ ác Mênêlaô vẫn ở ngai cao (4, 43-50). Nhưng sau đó Giaxon lại quay về, muốn cướp lại ngôi thượng tế bằng bạo lực nhưng thất bại (5, 5-10).

          Tình thế ấy khiến Antiôkhô cho rằng người Do Thái muốn tạo phản nên đã tàn sát dân chúng, cướp phá làm ô uế Đền Thờ (5, 11-27), cấm cách tôn giáo, giết những ai giữ luật Môsê mà 2 vụ điển hình là chuyện của Elada và 7 anh em cùng mẹ tử đạo (ch 6-7).

          Bài đọc 1 trích 1 phần của ch 7 kể lại cuộc tử đạo của 4 trong 7 anh em và bà mẹ của một gia đình đạo đức quyết trung thành với Thiên Chúa và Lề Luật tổ tiên. Bảy anh em, mỗi người khẳng định một xác tín. Xác tín của anh cả “thà chết chẳng thà vi phạm luật (2); Các xác tín của 3 người tiếp theo có liên quan đến chủ đề của sự sống lại (9.11.14); 3 xác tín chót nói tới những hình phạt Chúa dành cho vua, con cái kèm theo ý nghĩa của cái khổ, chết mà dân Chúa đặc biệt – 7 anh em – đang phải chịu. Bốn xác tín đầu có liên hệ đến chủ đề hôm nay, nên được trích làm bài 1.

Niềm xác tín căn bản của chính nhân trước cơn bách hại (7, 1 – 2)

* Sự kiện: – 7 anh em và bà mẹ bị bắt – bị đánh đòn

                  – Bị ép vi phạm Luật: “ăn thịt heo mà luật cấm” (c.1)

  1. Lời xác tín 1: Anh cả nói thay tất cả: “chúng tôi sẵn sàng thà chết chẳng thà phạm vi phạm Luật pháp của cha ông chúng tôi” (7,2)

     Điểm đầu tiên nổi bật trong 2 sách Macabê là sự thiết yếu phải trung thành với Luật. Torah không phải là một mớ các điều khoản mà là một nhắc nhở thường xuyên về giao ước đã kí kết giữa Thiên Chúa và dân. Sau lưu đầy lòng trung tín với Luật được cụ thể hóa ra trong cuộc sống hằng ngày qua 3 điểm: Luật sạch dơ đặc biệt là cấm ăn những vật ô uế; Luật giữ ngày Sabat; Luật cắt bì. Đó là nét đặc thù của Do Thái giáo, giúp người Do Thái giữ vững căn tính dân tộc và tôn giáo của mình, giúp phân biệt họ với chư dân đang sống chung nhau trong đế quốc. Tất cả những điều này đã bị Antiôkhô ra lệnh cấm (1Mcb 1, 41 – 50). Ai trái lệnh: tử hình. Do Thái giáo có nguy cơ bị diệt vong. Nhưng rồi chính máu của các vị tử đạo, trung tín với Lề Luật đã đền tội thay dân, và Chúa thôi phạt, hồi phục dân (xác tín của cậu con út: 2Mcb 7, 37 – 38).

  1. Lời xác tín 2: “sẽ được sống lại để hưởng sự sống đời đời” (7,9).

* Kết án nhà vua: “tên hung thần” vì đã giết người ngay.

* Tuyên xưng niềm tin: “…chết vì luật pháp của Vua vũ trụ”

* Niềm hi vọng, xác tín: “Người sẽ cho chúng tôi sống lại để hưởng sự sống đời đời”.

   Nền tảng của lời xác tín này dựa trên sự thật là cái chết của các vị tử đạo không phải là do tội lỗi của họ mà do họ trung tín giữ Luật Chúa, vốn là Luật mang lại sự sống dài lâu cho những ai tuân giữ (x. Đnl 6, 2; 5, 32 – 33). Vì thế Thiên Chúa sẽ đảm nhận trách nhiệm của cái chết ấy bằng cách cho những người tử đạo được phục sinh. Đây được coi là phần thưởng hay đúng hơn là sự đền bù cho 1 cái chết trước kỳ hạn trong đức tin (Đn 12, 2 – 3), và sự sống lại do Chúa đền bù là vĩnh viễn.

  1. Lời xác tín 3: Tin rằng khi sống lại sẽ được thu hồi những chi thể đã mất vì Chúa (7, 10 – 12)

* Can đảm sẵn sàng đối đầu với cực hình không sợ hãi: “vừa được yêu cầu, anh liền thè lưỡi …đưa tay ra” (c.10).

* Tuyên xưng đức tin (7,11)

– Lưỡi, tay là do Chúa ban

– Vì luật Chúa, sẵn dàng hy sinh các chi thể đó

– Trong hy vọng, xác tín rằng “nhờ Chúa, tôi sẽ lấy lại được”

* Phản ứng vua quan: sửng sốt trước sự can đảm của chàng thanh niên… (7, 12).

   Cực hình phải chịu được mô tả ở c.4: cắt lưỡi, lột da đầu, cắt tứ chi. Tin vào Chúa và vào Luật của Người chẳng những giúp các kẻ tin vượt thắng mọi thử thách, tăng thêm dũng khí, mà còn tác dụng lên trên cả những kẻ bách hại, cường bạo. Niềm tin cậy ấy gây ra cho bọn chúng sự khiếp đảm; chúng cảm thấy bất lực, uy quyền của chúng là vô nghĩa đối với kẻ tin. Càng sợ hãi, chúng càng sai lầm, hung tợn. Nhưng những cái đó chỉ làm kẻ tin xác tín hơn và khám phá ra những chân lý đức tin: Chúa sẽ hồi phục những gì kẻ tin dám để mất đi vì Chúa. Tuy nhiên mặc khải chưa được tỏ lộ trọn vẹn: niềm tin vào sự sống lại còn nhiều màu sắc vật chất thế trần, Chúa chỉ hồi phục những gì đã mất, sau sống lại cuộc sống vẫn như trong hiện tại, tuy có tốt hơn, hoàn chỉnh hơn. Tạm gọi là hồi phục lại hạnh phúc vườn Eđen trước khi nguyên tổ phạm tội.

  1. Lời xác tín 4: Chỉ người công chính mới sống lại còn kẻ ác thì không (7, 13 – 14)

* Người thứ 4 cùng chịu một cực hình

* Tuyên tín: Tin vào lời Chúa hứa, sẵn sàng chết

   Trông cậy Chúa cho sống lại để hưởng sự sống đời đời. Vua thì không được.

      Sự hung tàn gia tăng là dấu bất lực của sự dữ, kẻ ác trước lòng tin của người công chính. Có được niềm tin ấy là vì tin vào lời Chúa hứa.

      Niềm tin còn giới hạn theo lối thưởng phạt trần gian: kẻ ác không được sống lại. Cùng một cái chết, cũng chính Chúa là nguyên nhân, nhưng có 2 hậu quả khác nhau:

   – Các tử đạo chết vì Chúa, vì Luật Người. Hoa trái: được sống lại, sự sống đời đời.

   – Kẻ ác cũng phải chết nhưng vì chống Chúa, vì chết là án phạt của tội. Hậu quả: không được sống lại.

  1. Tóm kết

   Bài đọc 1 kể lại cuộc tử đạo dũng cảm của 4 anh em trong cùng một gia đình thời Macabê. Ngang qua cái chết thể xác của mình, các tử đạo tuyên xưng lòng trung tín của mình đối với Luật, lòng tin vào Thiên Chúa sự sống. Người sẽ hồi phục dồi dào mọi sự mà họ đã mất vì Chúa, họ sẽ sống lại để hưởng được lâu dài, sung mãn sự sống mà họ dám hy sinh để trung thành với Chúa. Niềm tin vào sự sống lại đã thực sự giải thoát con người khỏi ách của tội, của ma quỷ là những thế lực đã dùng cái chết và các cực hình, đau khổ để khống chế con người. Qua bài 1, mặc khải về sự sống lại, sự sống đời sau, về thưởng phạt đã tiến thêm một bước: người ta đã đón nhận và bắt đầu tin vào sự sống lại cá nhân của con người đặc biệt là của người công chính. Tóm lại: xác tín có sự phục sinh thân xác.

   Tuy nhiên về tình trạng của những người sẽ được sống lại như thế nào thì vẫn còn bị giới hạn trong cái nhìn vật chất. Theo đó, khi sống lại, người ta được Thiên Chúa hoàn trả lại cho thân xác những ơn ngoại nhiên (dons préternaturels), nghĩa là trở lại tình trạng của Adam, Eva trước khi phạm tội. Như vậy xác sống lại đã có sự biến đổi, thăng hoa, nhưng chưa đạt tới mức độ như Tân Ước mặc khải: khi phục sinh, cả xác hồn con người sẽ đi luôn vào cảnh vực thần linh của Thiên Chúa nghĩa là được nâng lên bậc siêu nhiên, được thông phần làm con Thiên Chúa cách sung mãn và vĩnh viễn. Tất cả là chuẩn bị cho mặc khải chung cuộc của Đức Giêsu.

TIN MỪNG: Lc 20, 27 – 38

      Đức Giêsu tới Giêrusalem! Một cách long trọng, Người công khai vào thành thánh như Đấng Mêsia, như vị vua khải hoàn trở về kinh đô của mình và được thần dân tưng bừng đón rước (19,29-40). Trước tiên Người đã tỏ lộ chủ quyền qua việc thanh tẩy Đền Thờ (19,45-46), trả lại cho nó chức năng phụng tự đích thực mà bấy lâu nay đã bị bọn mại thánh làm hủ hóa. Kế đó, Người tiếp tục công cuộc giảng dạy, mời gọi hoán cải ngay trung tâm Do Thái giáo (19,47). Do đó, việc đụng độ với các Người Do Thái vụ Luật là chuyện không thể tránh, nhất là với các nhóm lãnh đạo vốn coi Giêrusalem như là đất dụng võ riêng của họ. Trong ch.20 này, Lc cho thấy liên tiếp xảy ra những cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu và các nhóm tôn giáo tại Giêrusalem, lúc thì họ tấn công Người (20,2.21-22.27-33), khi thì Người tấn công họ (20,9.19; 20,41-47).

   Tin Mừng hôm nay thuật lại chuyện nhóm Xađốc tấn công Đức Giêsu về niềm tin vào sự phục sinh thân xác. Họ bịa ra 1 câu chuyện dựa trên Luật thế huynh – Đnl 25,5-6 – để nhạo cười và phi bác việc kẻ chết sống lại. Lợi dụng dịp tốt, Đức Giêsu điều chỉnh lại quan niệm sai lạc, quá vật chất về sự sống lại của người Do Thái; đồng thời cũng dựa vào một lời trong Ngũ Thư để trả lời cho bè Xađốc: Thiên Chúa luôn trung tín và Thiên Chúa là Chúa của người sống, vậy phải có sự sống lại.

1/ Dung mạo đối thủ của Đức Giêsu (Lc 20,27)

* “Mấy người thuộc nhóm Xađốc…chủ trương không có sự sống lại”

     Đây là lần duy nhất trong Tin Mừng Luca, bè này xuất hiện và tấn công Đức Giêsu. Theo Ed 40,46; 44,15, so với 1V 1-2, bè này hậu duệ của chi Lêvi, con cái Xađốc, thuộc giai cấp tư tế, thành phần có địa vị cao. Về chính trị, họ là nhóm xu thời, ngã theo kẻ mạnh, ngoại bang đẻ giữ vững địa vị và được an ổn hưởng lợi lộc từ các dich vụ liên quan đến Đền Thờ. Về tôn giáo, họ quý trọng Ngũ Thư hơn các sách khác trong truyền thống tôn giáo của Do Thái giáo. Họ hiểu Luật theo sát mặt chữ, không chấp nhận bất cứ lối giải thích nào, vì thế họ chỉ nói chuyện dựa trên văn bản Luật, cái gì không được ghi trong Sách Luật thì họ không tin. Niềm tin vào sự phục sinh thân xác của cá nhân là một trong những điều họ phủ nhận. Bởi vì niềm tin này chỉ rõ nét dần từ thời Macabê và được đề cập đến trong sách Daniel.

    Mặt khác, việc tin nhận có phục sinh cá nhân buộc họ phải thay đổi lối sống như hiện nay: nặng thụ hưởng vật chất, bám víu địa vị, chạy theo kẻ quyền thế, ngoại bang, nếu họ muốn hưởng ân huệ phục sinh ấy. Còn nếu phủ nhận niềm tin này thì sự sung túc, an nhàn họ đang có, có thể được lý giải rằng đó là phúc lành của Thiên Chúa dành cho những ai giữ đúng Luật… Và như vậy là họ cứ an tâm ở lì trong lối sống hời hợt, thụ hưởng của họ

2/ Vấn nạn của bè Xađốc (20,28-32)

Câu chuyện họ bịa ra nhằm phủ nhận sự sống lại. Lập luận của họ:

* Nền tảng để lý luận: Đnl 25,5-6

* Đặt vấn đề bằng cách bịa ra câu chuyện: có 7 anh em ruột, lần lượt người sau thay thế người trước đã có vợ, chết không con, lấy người đàn bà ấy làm vợ; cả 7 người không ai có con với bà ấy. Vậy lúc sống lại, bà ấy là vợ của ai?

    Lc 20, 28b trích Đnl 25,5-6 rất tự do. Đọc hết Đnl 25,5-10, ta thấy đây không phải là Luật buộc tuyệt đối, người ta có thể khước từ Luật thế huynh. Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt, việc từ khước bổn phận có thể dẫn đến án phạt chết (x. St 38,9.10), còn trong trường hợp chung thì kẻ trốn trách nhiệm sẽ bị dân chúng khinh dể.

   Nhóm Xađốc ở đây đã bỏ cc 7-10 là phần nói về việc có thể từ khước thi hành Luật thế huynh này nhằm tặng lên tính bó buộc của khoản Luật, và 7 anh em kia là công chính vì đã tuyệt đối giữ Luật dù không buộc. Vì là công chính nên mới khó xử khi cả 8 người cùng sống lại.

   Yếu tố thứ 2 mà nhóm Xađốc dựa vào để bắt bẻ Đức Giêsu là cái quan niệm về sống lại còn quá nặng nề vật chất như đã trình bày trong phần tóm kết của bài đọc 

    Dựa vào 2 yếu tố trên, họ đã bịa ra 1 câu chuyện khó có thể xảy ra trong thực tế. Điều đó, và nhất là sự hiện diện của con số 7, nhằm khẳng định một cách tuyệt đối rằng KHÔNG THỂ có sự sống lại thân xác cá nhân được. Những nét cực đoan, đầy vẻ khiêu khích là để chế giễu niềm tin thân xác sống lại).

  1. Giải đáp của Đức Giêsu (20, 34 – 38) gồm 2 phần:

3.1. Điều chỉnh cái nhìn về sự sống lại (20, 34 – 36)

    Trước tiên Đức Giêsu bác bỏ cái nhìn sai lầm về sự sống lại của người đương thời, bằng cách đưa ra lập trường của Người về tình trạng của kẻ được sống lại.

     Từ rất sớm, người Do Thái đã tin là có sự hồi sinh cả dân tộc Israel vào thời của Đấng Mêsia (x. Ed 37: Cách đồng xương khô được hồi sinh), và họ cũng tin là sẽ có ngày phán xét chung cuộc. Còn niềm tin rằng có sự phục sinh thân xác cá nhân thì đến thời Macabê mới xuất hiện. Quan niệm này, còn quá nặng về vật chất, thường đặt việc kẻ chết sống lại sẽ xảy ra trước khi triều đại Mêsia đến và đương nhiên là trước khi diễn ra cuộc thẩm phán cuối cùng. Khi đó sự trở về với cuộc sống trần thế sẽ cho phép những người đã chết trong các thế hệ trước được tham dự vào triều đại Mêsia rồi sau đó tất cả sẽ cùng chịu phán xét chung. Trong chiều hướng đó, các kẻ tin vào sự sống lại thân xác cá nhân tưởng rằng nhân loại khi sống lại vẫn tiếp tục sinh con đẻ cái và sẽ sinh rất nhiều, vì đó là phúc lộc Chúa ban. Tóm lại là trở về hạnh phúc của Eden trước phạm tội với lời chúc phúc sinh đầy mặt đất của Chúa.

   Chính cái nhìn sai lạc ấy đã bị Nhóm Xađốc diễu cợt: nếu có sống lại thì người đàn bà trong dụ ngôn sẽ sinh con với ai trong 7 anh em? Với cả 7?

   Đức Giêsu phải điều chỉnh lại:

* Việc lấy vợ lấy chồng, sinh hạ con cái là chuyện ở đời này

* Những ai được xét là xứng đáng …

      Sự sống lại là một ân huệ nhưng không, một tặng ân của Thiên Chúa. Theo đức tin công giáo, ân huệ này được Thiên Chúa thông ban cho mọi loài thọ tạo, tội lỗi cũng như công chính, chứ không riêng gì cho những kẻ được xét là xứng đáng. Luca cũng nhận biết niềm hy vọng này: sẽ có một sự sống lại của những người công chính lẫn bất chính (x. Cv 24,15). Tuy nhiên chỉ những người công chính mới được hưởng trọn vẹn phúc lộc của ơn sống lại (x. Lc 14,14 và chú thích g, CGKPV). Vậy tất cả đều sống lại nhưng chỉ người công chính mới “xứng đáng hưởng phúc đời sau”.

* Đức Giêsu hé mở tình trạng của người được sống lại:

  • Không cưới vợ lấy chồng nữa

  • Họ không thể chết nữa

   (Vì thân xác con người phải chết nên việc sinh con cái là cách để duy trì sự sống của mình nơi con cái. Thêm nữa, đó là giai đoạn chuyển tiếp trong công trình sáng tạo, qua đó Thiên Chúa mời gọi con người cộng tác đưa công trình sáng tạo tới chỗ hoàn tất ( St 1,28a). Mục đích của hôn nhân là truyền sinh. Vậy, một khi công trình sáng tạo đã đạt tới chỗ hoàn hảo và khi sống lại, con người không chết nữa thì hôn nhân không còn cần thiết nữa)

  • “Vì họ được ngang hàng với thiên thần”

   (không có nghĩa là con người sẽ không còn thân xác nữa, nhưng khi phục sinh, thân xác được biến đổi nên sáng láng, trong suốt như các thiên thần, nghĩa là sẽ không còn phải lệ thuộc vào các định luật của vũ trụ vật chất này nữa. Xác được thăng hoa được thông dự vào lãnh vực thần linh. Qua sống lại, công trình Thiên Chúa thông ban sự sống cho chúng ta được đưa tới mức trọn hảo. Con người phàm nhân, xác hồn hiệp nhất, khi sống lại, đúng là “hình ảnh của Thiên Chúa” ở mức trọn vẹn.)

  • “Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống”

   (đây là cách nói Sêmit hàm nghĩa các người sống lại không còn lệ thuộc về thế giới này nữa, nhưng thuộc về thế giới mới, thế giới thần linh. Câu trên cũng cho thấy “sống lại” là một tương quan với Thiên Chúa hơn là hiện trạng của cá nhân độc lập: tất cả đều sống lại nhưng chỉ những ai đi vào trong tương quan “Cha -Con” với Thiên Chúa thì mới thực sự là sống lại. Họ chính là những người “được xét là xứng đáng” đã nói ở trên.)

3.2 – Câu đáp trực tiếp cho vấn nạn (Lc 20, 37-38), dựa vào việc Thiên Chúa mặc khải cho Môsê ở Bụi Gai

* Đức Chúa là Thiên Chúa của các tổ phụ

* Mà Người không là … mà là Thiên Chúa của kẻ sống

(hàm ý là các tổ phụ vẫn còn đang sống khi Chúa tỏ mình cho Môsê ở Bụi Gai)

* Vì đối với Người, tất cả đều đang sống

    Niềm tin vào sự sống lại đã có trong Israel trước Đức Giêsu gần 2 thế kỷ với sách Đn 12, 2 – 3 và sách Macabê. Nhưng Nhóm Xađốc không nhận 2 sách trên là Kinh Thánh, nên Đức Giêsu đã trích Xh 3, 6 để trả lời cho họ:

   Thiên Chúa tự xưng là Thiên Chúa của Abraham, Isaac, Giacob. Lời này được đem đối chiếu với 1 tiền đề do Đức Giêsu đưa ra: “Thiên Chúa là Thiên Chúa của người sống, vì đối với Thiên Chúa, tất cả đều đang sống”. Theo lập luận trên thì câu đáp của Đức Giêsu nhắm vào sự bất tử của linh hồn hơn là sự sống lại. Tuy nhiên Xh 3, 6 gợi lại ý Thiên Chúa là Thiên Chúa của giao ước (x. Xh 2, 24). Người sắp thực thi những gì đã hứa với Abraham (St 15, 13 – 14) và cả với Isaac và Giacob nữa: Mà theo quan điểm của các kinh sư thời đó thì lời hứa phải được thực hiện cho chính những kẻ đã được hứa; Và khi ban lời hứa cho các tổ phụ, Thiên Chúa hứa với những người có xác đang sống chứ không phải với những linh hồn thuần thiêng liêng. Vậy Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối trung tín sẽ phải hoàn tất lời đã hứa với các tổ phụ là những con người có cả hồn lẫn xác. Điều này hàm ý Người phải cho xác họ sống lại để thọ hưởng hoa trái của lời Thiên Chúa hứa.

  Như vậy họ có chết là chỉ chết dưới cái nhìn phàm nhân: khuất mắt con người, còn đối với Thiên Chúa, họ vẫn sống. “Sống lại” chẳng qua chỉ là Thiên Chúa cho họ, cả xác hồn, tái xuất hiện trước mắt phàm nhân trong tư thế hoàn thiện của những người được hưởng trọn vẹn hoa trái của lời hứa thần linh. Thực vậy, cái chết của thể xác phàm nhân không là hiện hữu như là một thọ tạo – Nhưng như một thực tại ảo, nó tạm xuất hiện và chỉ tồn tại trong dòng thời gian do sự đố kỵ của ma quỷ (x. Kn 2, 23 – 23), tạm làm xáo trộn trật tự sáng tạo, đánh lừa mắt phàm với hy vọng phá loại ơn cứu độ con người. Tóm lại, vì không phải là thọ tạo của Thiên Chúa, nên cái chết không thể tồn tại; Nó chỉ là một thực tại ảo và tạm có đó là do con người, đã bi ma quỷ mê hoặc, tự tạo ra cho chính mình. Vậy Thiên Chúa nhân từ và quyền năng, không thể để cho ý định tốt đẹp nguyên thủy của Người bị ma quỷ cản phá mãi, bằng cách can thiệp giúp con người ra khỏi cơn mê và tìm lại được thực tại bất tử của mình. Điều này được diễn tả là “sự sống lại”.

     Vậy cách nói “Thiên Chúa của Abraham, Isaac, Giacob” quy chiếu về thực tại nền này: Thiên Chúa luôn trung tín với công trình sáng tạo và giao ước của Người, không một thế lực nào cản trở được công trình cứu độ của Thiên Chúa. Vậy đương nhiên, con người phải sống lại, vì Thiên Chúa là “Thiên Chúa của kẻ sống vì đối với Người tất cả đều đang sống”.

* Kết quả: – Nhóm kinh sư khen ngợi, “Thầy nói hay lắm”

– “Không ai dám chất vấn Người điều gì nữa”

(Lời khen: x. CGKPV Tân Ước 358 m.

    Với 1 lý chứng chặt chẽ như trên dựa vào thế giá của Ngũ Thư và nhất là dựa vào lòng trung thành của Thiên Chúa đối với công cuộc sáng tạo và giao ước của Người thì Nhóm Xađốc không còn chỗ để bắt bẻ và chống đỡ được. Còn nhóm kinh sư khen ngợi Đức Giêsu vì lời đáp của Người đã soi sáng thêm cho lòng tin của họ vào sự sống lại. Kết quả là không còn ai dám chất vấn Đức Giêsu nữa).

  1. Tóm kết

     Tin Mừng hôm nay cho chúng ta câu đáp về một vấn đề cốt lõi của kiếp người: chết – sống, rõ hơn là xác con người sẽ sống lại, dù hiện tại trước mắt phàm nhân tất cả đều phải chết.

   Chết thuần túy về thể xác thực ra chỉ là một hiện tượng tạm thời khuất mắt phàm nhân, còn kẻ bị gọi là chết thực ra vẫn đang sống trong Chúa chờ ngày Chúa cho tái xuất hiện trước mắt mọi người cho dù tình trạng thể xác lúc ấy đã được thăng hoa hoàn toàn: giống thiên thần, không chết nữa. Chết hoặc sống thực sự là tương quan với Thiên Chúa: chỉ những ai sống thân tình với Thiên Chúa như con với Cha mới thực là người được hưởng trọn vẹn hồng ân sống lại. Nền tảng của sống lại chính là tình yêu trung thành của Thiên Chúa đối với nhân loại đã được khởi đầu trong công trình sáng tạo và trong giao ước với các tổ phụ “Sống lại” chính là con người được, vĩnh viễn hưởng cách viên mãn hồng ân mà Thiên Chúa đã muốn ban tặng cho nhân loại từ lúc sáng tạo: làm con Thiên Chúa.

Frère Pierre Đình Long FSC