CHÚA NHẬT 33 MÙA THƯỜNG NIÊN – năm C

Bài 1

Ml 3, 19 – 20a; Lc 21, 5 – 19
Chủ đề: “Ngày của Chúa”: niềm vui hay nỗi sợ?
Lối sống hiện tại của mỗi người là lời đáp

* Ml 3, 19a. 20a: Này, “ngày ĐỨC CHÚA” đến! … đối với ai kính sợ Chúa, Mặt Trời Công Chính sẽ mọc lên

* Lc 21, 6a. 19: những gì anh em đang thấy đó sẽ bị tàn phá hết … có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.

    Chủ đề của Chúa Nhật trước Lễ Kitô – Vua, tức Chúa Nhật 33 Mùa Thường Niên, theo truyền thống phụng vụ, thường đề cập đến “Ngày Tận Thế”. Khi nghe nói tới ngày tận thế, người ta nghĩ ngay đến khía cạnh pháp lý của ngày đó: ngày Thiên Chúa xét xử, ngày hủy diệt thế giới vật chất này, ngày đáng sợ, ngày không ai thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Và thái độ chung của con người đối với ngày này là sợ hãi, tìm cách đối phó mang đậm nét cá nhân, mong sao cho phần riêng mình của mỗi người, được bình an, tai qua nạn khỏi là đủ; Chẳng mấy ai xem đó là ngày HỒNG ÂN, ngày Thiên Chúa ra tay can thiệp cách dứt khoát để đưa toàn thể vũ trụ này tiến vào thời điểm chung cuộc như ý Thiên Chúa đã muốn từ ngàn xưa. Đề đón nhận được Quang Lâm, ngày Chúa đến là HỒNG ÂN, cần phải thay đổi não trạng, đổi mới cái nhìn về Ngày đó.

     Trong Cựu Ước, dân Do Thái tự hào mình là dân được Chúa chọn, thế nhưng họ không chịu cố gắng đổi mới cuộc đời, sống xứng ơn gọi là dân riêng của Chúa mà cứ ứng xử như một đám nô lệ, phải có roi đòn thì mới sợ hãi chịu ép mình theo đường lối của Chúa … Và chính cái đầu óc nô lệ đó đã khiến họ suy nghĩ sai lầm là Chúa phải bảo vệ dân Chúa bằng mọi giá bất chấp lối sống bất xứng ỷ lại của họ. Do đó, đối với họ, “ngày của Chúa” là ngày Chúa ra tay tiêu diệt mọi địch thù của dân, ngày Chúa tôn vinh họ, ngày các thù địch của Israel sẽ bị báo oán (x. Gr 46, 10; Is 34, 1 – 2), ngày Chúa biện hộ cho Xion (x. Is 34, 8b).

     Còn trong Tân Ước, lối trình bày ngày tận thế theo thể văn khải huyền đã bị các tín hữu hiểu lầm tưởng rằng “ngày Chúa đến” là ngày hủy diệt (x. Mt 24, 29; Lc 21, 25; 2Pr 3, 12). Chúng ta quen gọi là “ngày Tận Thế” hay “Thế Mạt” tức là thời điểm mà thế giới hữu hình như chúng ta đang sống bây giờ sẽ không tồn tại nữa. Thực ra vũ trụ mà Thiên Chúa đã dựng nên vẫn tồn tại, nhưng vào lúc Đức Kitô quang lâm thì vinh quang phục sinh của Người bao trùm tất cả: mọi thọ tạo được nâng cao, được đi vào trong vinh quang của Thiên Chúa; Thế giới vật chất này không còn bị giới hạn bởi định luật không gian và thời gian nữa, không còn quá khứ vị lai, nhưng tất cả được tham dự vào cái hiện tại vĩnh cửu của Thiên Chúa. Nói cách khác, điều mà Thiên Chúa đã hoàn tất nơi nhân tính phục sinh của Đức Giêsu thì giờ đây, vào lúc quang lâm, Thiên Chúa cũng thông ban trọn vẹn cho toàn thể tạo thành.

     Lời Chúa hôm nay đưa chúng ta bước thêm 1 bước nữa vào việc mặc khải Ngày của Chúa. Chắc chắn là có Quang Lâm! Điều quan trọng là phải nhận ra ý nghĩa và trong hiện tại phải có lối sống như thế nào để ngày Tận Thế là ngày chúng ta ĐƯỢC CỨU (x. Lc 21,19).

     Bài đọc 1 trình bày cho ta một ý nghĩa của Quang Lâm: đó là tính lưỡng diện của Ngày của Chúa. Ngôn sứ Malaki đã dùng những hình ảnh đầy ấn tượng để diễn tả tính lưỡng diện này:

* Đối với kẻ gian ác: Ngày của Chúa được sánh ví như một HỎA LÒ rực lửa; còn kẻ ác được so sánh với RƠM RẠ KHÔ. Rơm khô mà bị rơi vào hỏa lò thì chút tro cũng chẳng còn!

* Đối với người lành, kính sợ Thiên Chúa thì Ngày của Chúa là ngày “Mặt Trời công chính mọc lên, mang theo các tia sáng chữa lành”. Cách nói trên có ý nghĩa gì?

      Theo Tv 84,12, “Mặt Trời” là chính Thiên Chúa; Và theo Gr 23, 6 thì “ĐỨC – CHÚA – SỰ- CÔNG – CHÍNH – CỦA – CHÚNG – TA” là tước hiệu của Đấng Mêsia, Đấng mà Thiên Chúa sẽ sai đến cứu thoát Giuđa và làm cho Israel được yên hàn. Và dấu chỉ giúp nhận ra thời đại Mêsia đã tới là bệnh tật được chữa lành, con người được hồi phục (x. Is 35,5-6; 61,1).

    Các lời tiên báo trên đã ứng nghiệm nơi Đức Giêsu: Người là “VẦNG ĐÔNG từ trời cao đến viếng thăm ta” (Lc 1,78), là ánh sáng cho dân Chúa và rạng soi dân ngoại (x. Lc 2,30-32); Người làm nhiều phép lạ giải cứu, loan Tin Mừng cho kẻ nghèo, và công bố đó là dấu cho thấy Triều Đại Nước Thiên Chúa đã đến (x. Mt 11,4). Tuy nhiên, đó chỉ mới là dấu chỉ, còn ơn cứu độ thật sự được Đức Giêsu thông ban qua Thập Giá và Phục Sinh nhờ Chúa Thánh Thần và bí tích.

   Đức Giê su đã đến rồi! Thời Thiên Sai đã khai mạc! Người đã phục sinh, đã thăng thiên. Nhưng Quang Lâm đâu vẫn chưa thấy? Kẻ ác vẫn nhỡn nhơ! Có nhiều kẻ tin đã chao đảo! Tin Mừng hôm nay đã đưa ra một câu đáp. Chúng ta đọc Lc 21,5-19:

* Những biến động, bất ổn chỉ nói lên 1 điều: một vũ trụ rêu rã như thế bắt buộc phải qua đi, phải được đổi mới. Chính Chúa đảm nhận việc này! Chắc chắn có Quang Lâm!

* Tín hữu đừng để bị lừa gạt về ngày giờ, nơi chốn xác định của Quang Lâm vì sẽ có nhiều kẻ mạo danh Đức Kitô phao đồn tin thất thiệt. Quang Lâm tới rồi, ở nơi đây này.

* Thời kỳ trước khi Quang Lâm đến là nhiễu nhương, xáo trộn; kẻ tin bị bắt bớ vì danh Đức Kitô. Tin Mừng khuyên: thái độ kẻ tin trong hiện tại phải là:

     –  Không sợ hãi, đừng tin cách đối phó cho qua chuyện trước các thử thách;

     –  Can đảm đương đấu với những thực tại đau đớn, bằng cách biến gian truân thành cơ hội tốt để làm chứng cho Đức Kitô

     –  Vững tin vào Lời Chúa, vào tình yêu quan phòng của Người: “dù 1 sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu; Có kiên trì anh em mới giữ được mạng sống mình” (Lc 21, 18-19).

    Lời loan báo về Quang Lâm không phải là một đe dọa mà là một cảnh tỉnh, một thúc giục sống ý Chúa trong hiện tại. Ước gì mỗi tín hữu sống trọn vẹn niềm tin của mình hôm nay để Quang Lâm, Tận Thế sẽ là ngày hội vui cho tín hữu.

Bài 2

     Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh danh Thầy đến nói rằng: “Chính ta đây” … anh em chớ có theo họ (c.8) …Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét (c.17) …Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình (c.18)

     Năm phụng vụ sắp kết thúc, Hội Thánh hướng tâm trí các tín hữu về các thực tại cánh chung, chuẩn bị mọi người đón ngày Chúa quang lâm. Theo đức tin Công Giáo, dòng lịch sử sẽ có lúc kết thúc, đó là lúc Thiên Chúa trực tiếp can thiệp cách dứt khoát để hoàn tất công trình sáng tạo và cứu độ của Người. Kinh Thánh gọi thời điểm đó là “Ngày của Chúa”, “Ngày của Yavê”. Sang thời Tân Ước, “ngày của Đức Chúa” được hiểu là “Ngày quang lâm” của Đức Giêsu Kitô, khi Người hoàn toàn chiến thắng sự dữ và trở lại để phán xét người tốt kẻ xấu (Từ điển Công Giáo – “Đức Chúa, Ngày của -). Đó cũng còn được gọi là “Ngày tận thế”. Từ này nhấn mạnh đến khía cạnh KẾT THÚC của thế giới – bao hàm vũ trụ vật chất, không gian và thời gian – vào ngày Chúa Kitô quang lâm (sđd “Tận thế”).

   Để diễn tả ngày chung cuộc đó, Lời Chúa mượn cách của thể văn khải huyền: những hình ảnh được sử dụng là những tai ương, địch họa, chiến tranh, tàn phá… (Tận thế mà! x. Mt 24, 29; Mc 13, 24; Lc 21, 25 – 26) khiến nhiều người hiểu lầm rằng đó là ngày Thiên Chúa “xóa sổ” mọi loài Chúa đã tạo nên theo kiểu “Lụt hồng thủy”, “Hỏa tai Sodoma”. Thật ra không có việc tận diệt, xóa sổ, vì Chúa là Đấng yêu sự sống, Người dựng mọi sự trong Tình Yêu và Người muốn mọi loài tồn tại và hạnh phúc (x. Kn 11, 22 – 26: Bài đọc I, Chúa Nhật 31C). Chúa đang dứt khoát can thiệp mạnh để ổn định lại trật tự thiện mỹ của Chúa đã dựng nên tốt đẹp (St 1) và đưa công trình ấy tới mức viên mãn đúng theo dự định yêu thương quan phòng của Chúa (St 2).

   Tiếc thay con người lại muốn thoát ra khỏi vòng tay yêu thương của Thiên Chúa, nên đã gây ra xáo trộn, đảo lộn trật tự tốt lành của Tình Yêu Sáng Tạo và Quan Phòng của Thiên Chúa. Đó chính là cội nguồn của tội và khổ đau cho nhân loại và vũ trụ.

   Nhưng Thiên Chúa không bỏ cuộc: Trong Đức Kitô, Thiên Chúa sẽ từng bước hồi phục lại tất cả trong Đức Giêsu: Trong phận một con người, Đức Giêsu đến giúp nhân loại, cùng với nhân loại dọn dẹp, ổn định lại trật tự hoàn mỹ và kiện toàn công trình Thiên Chúa đã khởi sự.

   Vậy cái phải hủy diệt, xóa sổ là những xáo trộn, bất ổn do bất tuân lệnh Chúa gây ra; còn những gì thiện hảo đã được Chúa dựng nên và quan phòng gìn giữ thì sẽ được hồi phục, được giải thoát khỏi tình trạng hư mất, vô thường, được đưa vào trời mới đất mới, vĩnh hẳng trong Tình Yêu Quan Phòng của Thiên Chúa.

   Tuy nhiên, trong thực tế hiện tại, nhân loại vẫn còn đang bị lệ thuộc trong tình trạng bất ổn và đang nỗ lực tiến về điều hoàn thiện dưới cờ Thánh Giá của Đức Giêsu và dưới sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Phần mỗi cá nhân phải góp phần mình vào công trình đó của Thiên Chúa, biến hồng ân Chúa ban tặng cho toàn vũ trụ thành gia sản vĩnh cửu cho bản thân mình trong sự hài hòa, liên kết, hiệp nhất với mọi loài thụ tạo.

   Cụ thể chúng ta phải làm gì trong hiện tại?

   Đó là những điều mà Lời Chúa hôm nay đề nghị cho chúng ta.

   Bài I trích từ sách Malakhi, thuật lại lời Đức Chúa loan báo “Ngày của Chúa” sẽ đến. Đó là ngày Thiên Chúa thực thi công lý: trừng trị kẻ ác, ân thưởng người lành. Các hình ảnh được vay mượn để mô tả: rơm rạ trong hỏa lò – mặt trời công chính bừng lên – tia sáng chữa lành.

      Tin Mừng không đề cập trực tiếp đến thời điểm cánh chung. Ngang qua việc loan báo Giêrusalem sẽ sụp đổ, Đức Giêsu loan báo những điều xảy ra trước Ngày của Chúa đến. Thực ra những điểm báo này chỉ là dấu cho thấy chắc chắn thế giới này sẽ qua đi và ngày Quang Lâm sẽ tới, nhưng không hề mặc khải thời điểm Thiên Chúa Quang Lâm. Điều Tin Mừng nhấn mạnh là thái độ tín hữu phải có trong lúc chờ đợi Quang Lâm, sao cho Ngày của Chúa là ngày vui mừng phấn khởi. Hình ảnh vay mượn từ văn Khải huyền: giặc giã, ôn dịch, động đất, điềm lạ từ trời (CGKPV “Tân Ước” 360 h).

BÀI ĐỌC I: Ml 3, 19 – 20a

   Theo truyền thống Do Thái, Malakhi là cuốn cuối cùng của Loạt các sách Ngôn sứ. Sau đó, Thiên Chúa dường như hoàn toàn im lặng với dân Người cho tới thời Gioan Tẩy Giả. Malakhi là vị Ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước; Chúa không nói qua Ngôn sứ nữa (x. 1Mcb 9,27; 14, 41). Dân Chúa khao khát tiếng nói của Ngôn sứ (x. 1Mcb 4, 46; Ed 7, 26; Tv 77, 9; Ac 2, 9…). Và khi nào tiếng nói ấy tái hiện thì đó là dấu chỉ “Ngày của Giavê” đã tới gần (Ml 3, 23), thời cánh chung khởi sự.

   Bối cảnh lịch sử của Malakhi là thời hậu lưu đày: Đền thờ đã được tái thiết, các hy lễ đã được dâng tiến đều đặn; Nhưng dường như lòng nhiệt thành với Luật, với bổn phận đối với Thiên Chúa không còn nữa (x. Ml 1, 7 – 14); vinh quang của Thiên Chúa mà Ed 43,4 đã loan báo sao chẳng thấy. Sách Ml phản ánh 1 hoàn cảnh không được tốt đẹp lắm trong đời sống đức tin và tôn giáo của cộng đoàn hồi hương, khoảng sau 515… (x. CGKPV “các sách NS” 873 và 882 nốt i).

   Với những người đương thời đang thất vọng và bi quan ấy, Malakhi lên tiếng cảnh tỉnh, chỉ cho thấy con đường canh tân đức tin. Sau khi vạch cho dân thấy các sai sót của họ (1, 1 – 2, 16); trong phần cuối sách (2, 17 – 3, 24), Malakhi khích lệ dân, củng cố đức tin của họ bằng một lời loan báo về “Ngày của Đức Chúa”: đó là ngày phán xét, ngày khắc nghiệt đối với kẻ vô đạo; nhưng là ngày cứu độ cho các tín hữu trung thành, trên họ “mặt trời công chính sẽ bừng lên chiếu dọi”.

   Bài đọc I chính là 2 câu 3, 19 – 20a diễn tả ý lực trên. Hai câu này là phần cuối của lời Thiên Chúa đáp lại các kẻ tin trách móc Chúa khi phải đối đầu với một thực tế gây hoang mang đang diễn ra sờ sờ trước mắt họ: kẻ làm điều ác cứ phây phây sung sướng (2, 17). Điều ấy đã khiến tâm trí của một số tín hữu bị chao đảo, phát sinh ra những suy tư lệch lạc: phải chăng Chúa yêu thích ở giữa kẻ bạo ác? (2, 17). Phải chăng phụng thờ Chúa, sống ngay chính theo Luật là điều viễn vông, vô ích? (3, 14). Chúa đáp Người sẽ giải quyết mọi sự vào Ngày của Người.

   Về cách chia số các câu, đoạn 3, 19 – 24 trong một số ấn bản Kinh Thánh, được đánh số là 4, 1 – 6.

  1. Ngày của ĐỨC CHÚA (3, 19a)

*  Loan báo Ngày ấy đến: “Vì này Ngày ấy đến”

    Câu 18 cho thấy mục đích của “Ngày ấy đến”: phân biệt chính tà rõ ràng. “Ngày ấy” tức là “ngày của Chúa Thượng” (3, 1 – 2a), “Ngày của Đức Chúa”. Đối với dân Chúa “ngày ấy” có tính lưỡng diện:

  • Ngày chúc lành, ngày hạnh phúc, ánh sáng, ngày Đức Chúa tỏ mình như “Thiên Chúa – cứu – độ” (Am 5, 18 – 20); Ngày Đức Chúa ra tay bảo vệ dân, chống lại tất cả những ai áp bức Giêrusalem (Ôv 15; Ge 4, 9 – 14; Dcr 12, 1 – 2).

  • Ngày xét xử: trong chiều hướng nói trên, tuyển dân tưởng rằng mình có thể ỷ lại vô điều kiện vào “Ngày ấy”. Họ lầm! Là tuyển dân, họ phải giữ Luật Giao Ước, bằng không thì chính việc được chọn ấy sẽ là nguyên nhân đẩy họ đến án phạt hư mất (Am 3, 1 – 2. 12). Dưới nhãn giới ấy thì “Ngày của Đức Chúa” chỉ có thể là ngày xét xử, trừng phạt (Am 5, 18 – 20; 2, 13 – 16; 8, 9 – 10; Ed 7, 7 – 27; Xp 1, 7.14; Ge 1,5…). Vào ngày phán xét ấy, người ta chỉ thoát nạn được nhờ hoán cải và thống hối (Ge 2, 12 – 17).

   Vậy “Ngày ấy đến” có nghĩa là Đức Chúa sẽ can thiệp mạnh mẽ để tái lập kỷ cương, chính nghĩa vào lúc Người ấn định.

   *  Đó là Ngày của Lửa: “đốt cháy như hỏa lò”

“Lửa” là một hình ảnh cổ điển trong Cựu Ước gợi lên ngày Phán Xét (Is 66,15.16), là một trong những dấu tiền trạm dọn đường cho Đức Chúa đến (Xh 19,18; 1 V 19,12; Ge 3,3-4)

  “Lửa” cũng mang tính lưỡng diện: thiêu hủy ác nhân, tinh luyện chính nhân.

  Vậy qua câu 19a, Malaki loan báo ngày Đức Chúa tinh lọc vũ hoàn bằng lửa. Lửa sẽ làm lộ diện bộ mặt thật cũng như hành vi của mỗi người: x.c. 18. Lửa bụi gai: can thiệp Cứu – Lửa sodome: phạt

  1. Số phận của ác nhân (3, 19b)

*  Hình ảnh minh họa: rơm rạ trong hỏa lò

* Hậu quả: sẽ bị thiêu rụi, không còn chút cành rễ nào.

   Số phận của ác nhân được so sánh với rơm rạ ở giữa lò lửa. Một sự thiêu hủy tận căn không còn vết tích. Thiên Chúa không khoan nhượng đối với tội lỗi. Sự can thiệp mang tính dứt khoát.

*  Đức Chúa các đạo binh phán

   Ban đầu tước hiệu này ám chỉ Đức Chúa là Thiên Chúa của binh lực Israel và bắt nguồn từ những cuộc chiến của Đức Chúa thời tiền Đavit (x. 1 Sm 1,3-11; 4,4): Đức Chúa là “trang chiến sĩ” (Xh 15,3); Người hiện diện trên Hòm Bia, đồng hành với binh đội Israel (Ds 10,35; Gs 3-4); là Thiên Chúa của bầy đàn Israel (1 Sm 17,45) để chống lại kẻ thù của dân.

   Nhưng trong lối sử dụng của các ngôn ngữ, tước hiệu này dường như mất đi âm hưởng của quốc gia chủ nghĩa, nó nói lên quyền tối thượng của Đức Chúa trên toàn vũ trụ, và vương quyền Người bao trùm mọi quyền lực trên trời dưới đất ( Is 2, 12-21; 6,3; Gr 25,27-19; Nk 2,14; 3,5-7…)

    Vậy Thiên Chúa can thiệp trong “ngày ấy” không như Thiên Chúa riêng của Israel mà là Thiên Chúa của hoàn vũ, chủ tể của thời gian và lịch sử, thẩm phán tối thượng. Sự can thiệp của Người là tất yếu và không ác nhân nào có thể trốn thoát, dù Do Thái hay dân ngoại.

  1. Số phận của chính nhân (3,20a)

Hai hình ảnh gợi lên hạnh phúc của người công chính trong “ngày ấy”

* “Mặt trời công chính sẽ mọc lên”

      Thành ngữ này được dùng 1 lần duy nhất trong Cựu Ước. “Mặt trời mọc” luôn gợi lên sức sống, sự sáng, niềm vui; bóng tối sự chết âm u đã qua rồi. Mặt trời ở đây lại là “Mặt trời công chính”. Hình ảnh gợi lên 1 nhân vật sẽ được sai đến cứu dân mà Gr 23,6 gọi bằng tước hiệu “Đức Chúa, sự công chính của chúng tôi”. Đây là tên biểu tượng dành cho Đấng Mêsia. Vậy thành ngữ trên ngụ ý nói đến một thời kỳ hoàn toàn tốt đẹp, Israel thống nhất dưới vương quyền Mêsia.

* “Mang theo những tia nắng chữa lành bệnh”

     Dịch sát: “mang theo trong cánh của nó sự chữa lành bệnh tật”. “Cánh” là một hình ảnh quen thuộc của Cựu Ước gợi lên quyền năng của Đức Chúa, là biểu tượng cho sự phù hộ của Đức Chúa trên dân Người: cứu thoát (Xh 19,4), bảo vệ (Đnl 32, 10-11), che chở, nơi ẩn núp an toàn (Tv 17,8; 36,6; 57,2; 61,5;91,4…) “chữa lành” gợi lên ơn cứu độ thời Mêsia (Is 26,19; 29,18;35,5-6…). Qua từ “chữa lành”, Đức Chúa loan báo cuộc phục hưng tương lai của dân Người (x. Mt 11,4-5). Nếu nối kết “chữa lành” với hình ảnh chính nhân “nhảy chồm lên như bê đang được vỗ béo” (c. 20b: phụng vụ không sử dụng), ta có thể thấy hình ảnh “Đưc Chúa – Mục Tử” của thời cánh chung trong Ed 34,16.

    Vậy đối với chính nhân, đây là ngày giải thoát khỏi đêm dài tối tăm u buồn vây phủ bấy lâu nay; là ngày hồi sinh, tươi sáng, vui mừng dưới sự che chở của “Mặt Trời công chính”.

  1. Tóm kết

     Để vực dậy lòng tin đang chao đảo của dân Chúa, Malaki khẳng đinh Thiên Chúa sẽ can thiệp cách dứt khoát vào ngày của Người để tái lập trật tự, kỷ cương. Bằng những hình ảnh truyền thống quen thuộc: rơm rạ, lửa, cánh, chữa lành, ngôn sứ mô tả số phận kẻ ác, người lành trong “ngày ấy”. Ông khích lệ dân Chúa cứ kiên vững trung tín phụng sự Chúa. Lòng kiên trung ấy sẽ làm cho chứng nhân được ngẩng cao đầu trong “ngày của Đức Chúa” và sẽ được tự sự sống.

TIN MỪNG: Lc 21, 5-19

          Chúa Nhật này phụng vụ Lời Chúa tiếp tục mời chúng ta ngắm nhìn hoạt động của Đức Giêsu tại Giêrusalem. Trong chương 20, qua các lần dạy dỗ Đức Giêsu đã đụng độ với các thủ lãnh Do Thái về nhiều vấn đề quan trọng. Sang chương 21, bằng giọng văn Khải Huyền, Đức Giêsu loan báo sự sụp đổ của Giêrusalem (5-6); từ biến cố đó, Đức Giêsu loan báo sẽ có ngày cùng tận ngang qua những hình ảnh cho thấy trái đất, vũ trụ này không thể tồn tại mãi trong tình trạng bất ổn như hiện tại (cc 7-19). Tuy nhiên ngày cùng tận không biết chừng nào sẽ đến. Đó là bí mật của Cha (Mc 33,32). Do đó cần phải có những dấu chỉ cụ thể thuyết phục để làm tin. Như vậy biến cố trong tương lai gần, cụ thể là Giêrusalem sẽ bị vây hàm và bị dân ngoại dày xéo (cc. 20-24) chính là lời báo họa báo trước sẽ có ngày quang lâm (cc. 25-28).

          Môt khi đã tin là có Quang Lâm, các môn đệ Chúa phải biết sáng suốt biện phân các điềm báo mang tính dấu chỉ (chứ đừng lầm đó là những điềm báo xác định thời điểm các biến cố) để rồi ngay trong hiện tại qua lối sống thực tế hằng ngày của mình, chuẩn bị cho biến cố ấy: cho dù Nó đến bất kì lúc nào ta vẫn luôn ở thế chủ động. Đó là luôn tỉnh thức, cầu nguyện (cc. 34-36).

          Tin Mừng hôm nay là trích đoạn loan báo sự sụp đổ của Giêrusalem, đồng thời cũng hé mở 1 số biến cố giúp biện phân và có thái độ đáp ứng thích hợp. Điểm được Luca lưu ý là các tín hữu đừng để bị lừa bởi kẻ mạo danh Thiên Chúa “chính Ta đây” (c. 8) và hãy can đảm làm chứng nhân cho Chúa (c.13).

  1. Loan báo Đền Thờ sẽ bị tàn phá (21, 5-7)

*Vẻ lộng lẫy của Đền Thờ: “trang hoàng bằng những tảng đá đẹp…”

          Đây là Đền Thờ được tái thiết sau lưu đày, khánh thành khoảng 515. Đến năm 20/19 tcn, Hêrôđê cho trùng tu để lấy lòng dân Do Thái: mở rộng sân trước tiền đình rộng gấp đôi, cho xây tường thành mới, uy nghiêm chung quanh Đền Thờ. Công trình này mãi đến năm 64 mới xong.

* Đức Giêsu loan báo Đền Thờ sẽ bị hủy diệt:” … sẽ có ngày không còn tảng đá nào trên tảng đá nào…”

          Chắc là ám chỉ cuộc phá hủy của Titus vào năm 70

*Phản ứng của thính giả: hỏi về thời điểm và điềm báo của biến cố này.

          Luca không có ý đề cập đến biến cố tận thế. Ông chỉ nói về biến cố lịch sử.

  1. Những lời khuyến cáo (21, 8-11)

* “Hãy đề phòng kẻo bị lường gạt”

*Lý do là phải đề phòng hay là nội dung điều lường gạt:

Nhiều kẻ mạo danh Đức Kitô tự xưng “chính Ta đây” mạo danh Thiên Chúa

– Loan báo điều sai lạc “Thời kỳ đã đến gần”

   (“Chính Ta đây” là tên Thiên Chúa mặc khải cho Môsê trong trình thuật về bụi gai bốc cháy Xh 3,14. Thời Tân Ước. Các Kitô hữu đã dùng tước này bằng tiếng hy lạp “Kurios” để tuyên xưng thần tính của Đức Giêsu thập giá, phục sinh. Khi thăng thiên, Đức Giêsu hẹn sẽ trở lại. Và các tín hữu đã háo hức chờ ngày ấy. Bầu khí ấy đã khiến dậy lên những tiếng đồn này nọ về ngày quang lâm. Đó là chuyện thời sự nóng bỏng của các cộng đoàn Kitô tiên khởi. Nhiều kẻ đã lợi dụng nước đục thả câu bày chuyện đánh lừa kẻ nhẹ dạ: tự xưng mình là Kitô, là “Chính ta là”, rồi loan tin vịt ngày quang lâm sắp tới. Các điều lường gạt ấy là một hiểm họa, chúng sẽ gây thất vọng và khủng hoảng đức tin.

          Luca cảnh báo đừng để bị lường gạt. Vậy đối với kẻ tin, điều quan trọng không phải là lo tìm biết về ngày giờ và điềm báo về quang lâm. Vấn đề là phải sống sao cho khi quang lâm đến thì chúng ta sẽ “đứng thẳng và ngẩng đầu lên” (21,28)

*Đừng sợ hãi khi thấy chiến tranh loạn lạc, vì…không là tận cùng ngay đâu

          Cánh chung là một biến cố vượt tầm kiểm soát của lý trí và ngôn ngữ nhân loại không thể diễn đạt trực tiếp được. Vì thế những điều liên quan tới ngày ấy thường được diễn tả bằng lối nói biểu tượng, với những hình ảnh vay mượn từ văn chương Khải huyền như chiến tranh, thiên tai, đất trời rung chuyển, lửa…Do đó khi trong dòng lịch sử xảy ra các hiện tượng ấy thì nhiều người dễ lầm tưởng rằng ngày thế mạt đã tới. Từ đó đâm ra sợ hãi, đức tin chao đảo kéo theo lối sống lệch lạc. Luca xác định đó chỉ là những biến cố lich sử; chưa tới tận cùng đâu: Đừng sợ!

*Tuy nhiên, Quang Lâm chắc chắn có: cc 10-11

          (Đây là những câu thuộc văn thể Khải huyền. Cựu Ước thường dùng nhằm diễn tả sự can thiệp mạnh mẽ, quyết liệt của Thiên Chúa để trừng phạt những phường vô đạo (x. Is 19,2; 2 Sb 15, 5-6; Is 13,13; Am 8,8; Dcr 14,4; G 9,6; Tv 18,8; Gr 21, 7-9.13…), loan báo ngày của Đức Chúa (Is 24, 19; Ge 2, 10 …). Các dấu chỉ này rất mơ hồ vì bất kỳ thời đại nào cũng cảm thấy bị chúng ảnh hưởng. Chúng không cho biết gì về ngày thế mạt ngoài việc xác định rằng một thế giới đảo điên như thế không thể tồn tại mãi được, nghĩa là chắc chắn là có tận thế. Vậy điều quan trọng là phải sống thế nào trong khi chờ ngày ấy đến)

  • Số phận của môn đệ và thái độ họ phải có trong khi chờ ngày Quang Lâm (21, 12-16)

*Sẽ bị bách hại bởi người ngoài: “người ta sẽ tra tay hại và ngược đãi…NỘP…bỏ tù…điệu anh em đến…”

*Lý do bách hại: “Vì danh Thầy” (c.12)

          Để diễn tả sự bắt bớ mà các môn đệ phải chịu bởi người ngoài (12) lẫn người thân (16), Luca dùng động từ NỘP và nguyên nhân là VÌ DANH THẦY. Đức Giêsu cũng bị người thân nộp (22,21), bị người ngoài nộp (24, 7.20). Môn đệ không hơn Thầy (Lc 6, 40; Ga 15, 20), cùng chung số phận với Thầy: phải qua khổ hình mới tới vinh quang (Lc 24,26).

* Thái độ phải có: lợi dụng biến những đau thương thành cơ hội LÀM CHỨNG (c.13)

          Đối với Luca LÀM CHỨNG là chức năng của nhóm 12 (Lc 24, 28; Cv 1,8.22; 2,32; 3,15…) của Stêphanô (Cv 22,20); của Phaolô (Cv 22, 15; 26, 16). Họ dùng lời rao giảng và cả mạng sống mà làm chứng. Trong tiếng hi lạp, “làm chứng” cũng có nghĩa là “tử đạo”. Như vậy ơn gọi làm tông đồ, chứng nhân vào lúc còn sinh thời, Đức Giêsu chỉ trao riêng cho Nhóm 12, thì nay được Người trao rộng rãi cho mọi tín hữu ngang qua những thử thách, bị bách hại vì Danh Người. Những bách hại lại trở thành cơ may để tín hữu biểu lộ cho mọi người thấy họ là TÔNG ĐỒ, là CHỨNG NHÂN chân truyền của Đức Giêsu.

* Lời khích lệ, trấn an cho các môn đệ:

– Khi bị bách hại đừng bận tâm suy tính phải bào chữa cách nào (14)

– Lý do: chính Đức Giêsu hoạt động trong môn đệ: “Thầy sẽ cho anh em …” (15)

   Các môn đệ thời Tân Ước có lẽ phần lớn là ít ăn học, thường có mối lo là sẽ phải nói gì, làm gì để làm chứng cho Thầy khi bị điệu ra trước hội đường, vua quan. Lời đoan hứa của Đức Giêsu (15) đã khích lệ, trấn an tín hữu. Lời này hẳn là 1 dội lại chứng từ của Stêphanô (Cv 6, 10; 7, 1 – 60), của Phê rô và các tông đồ (Cv 5, 21b. 42).

 * Môn đệ còn sẽ bị bách hại bởi gia đình. Chính họ sẽ làm 1 số môn đệ phải chết (16)

2.3 Điều được mất của môn đệ khi làm chứng “vì danh Thầy” (21, 17 – 19)

* “Sẽ bị mọi người thù ghét”

* Trấn an: Chúa gìn giữ “1 sợi tóc … cũng không bị mất đâu”

* Thái độ phải có: “bền chí”

* Phần thưởng: sự sống

     BỀN CHÍ là từ riêng của Luca, chỉ xuất hiện 2 lần trong 4 Tin Mừng: Lc 8, 15 và ở đây. Đối với Luca, quang lâm chưa tới ngay, nên BỀN CHÍ là một thái độ trong hiện tại của tín hữu: vẫn kiên trì cậy trông phó thác vào Thiên Chúa, vào Đức Giêsu cho dù việc tin vào Người khiến tín hữu phải lao đao, khốn khổ trải qua kinh nghiệm chua xót của Giêrêmi “… mỗi ngày tôi biến thành trò cười, mọi người ai cũng chế nhạo tôi” (10, 7b). đó là sự kiên tâm, bền chí giúp tín hữu can đảm tin tưởng đương đầu với những vô vị của cuộc sống thường ngày, cũng như với những hoàn cảnh đặc biệt của thời bách hại. Đó là thái độ cần phải có để ngay trong hiện tại. Lời Chúa được đào sâu và mang lại nhiều hoa trái (Lc 8, 15) cho kẻ tin. Người tín hữu dám kiên trì là vì tin vào lời Chúa hứa “một sợi tóc trên đầu anh em cũng sẽ không bị mất đâu”, nghĩa là tin vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa (Lc 12, 7 và các câu song song). Tuy nhiên lời hứa này và lời “giữ được mạng sống” (19b) phải được hiểu là một thực tại tương lai; còn trong hiện tại, Luca nói thẳng “… một số trong anh em sẽ phải chết”.

   Từ một câu hỏi có tính tò mò về số phận tương lai của Đền Thờ, Đức Giêsu đã từng bước dẫn các môn đệ về lại với số phận của họ trong hiện tại và tương lai. Có một sự đảo ngược số phận giữa Đền Thờ và các môn đệ: Đền Thờ hiện tại lộng lẫy, tương lai sẽ điêu tàn; môn đệ bây giờ lâm cơn thử thách, tương lai sẽ đầy vinh quang. Yếu tố làm xoay chuyển cục diện chính là niềm tin phó thác vào Đức Giêsu: Đền Thờ sẽ nên điêu tàn vì những kẻ cậy dựa vào nó khước từ Giêsu: Tín hữu huy hoàng vì tin cậy Giêsu.

  1. Tóm kết

   Thay vì trả lời thẳng câu hỏi của các môn đệ, Đức Giêsu đã chuyển vấn đề sang một hướng khác. Thay vì tò mò tìm hiểu ngày giờ, điềm báo, … các tín hữu được mời gọi hãy sẵn sàng sống cái thực tế hiện tại trong dòng lịch sử: đừng để bị rơi vào các ảo tưởng về Đấng Mêsia, đừng để bị các tai ương che mắt đánh lừa; nhưng hãy bền chí sống đức cậy, tin Kitô giáo trong cơn quẫn bách, biết lợi dụng cơ hội để trở thành chứng nhân của Đức Giêsu thập giá; hãy vững tin vào tình yêu quan phòng của Đấng hằng lo đến từng sợi tóc trên đầu kẻ tin.

    Chính khi sống trọn vẹn niềm cậy tin ấy trong hiện tại người tín hữu đã có đầy đủ yếu tố để đối phó và đứng vững khi ngày thế mạt đến. Việc biết ngày giờ, điềm báo trở nên không cần thiết đối với những ai tin vào Đức Giêsu.

Frẻre Pierre Đình Long FSC