CHÚA NHẬT 3C PHỤC SINH

Cv 5,27b -32.40b-41; Ga 21,1-19

      Chủ đề: Vâng nghe Lời Chúa: cội nguồn mọi phúc lộc.

* Cv 5,29b.32b: Phải vâng nghe Lời Chúa hơn lời người phàm.
Thiên Chúa đã ban Thánh Thần cho những ai vâng nghe Lời Người.

*Ga 21,6: Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền thì sẽ bắt được cá. Các ông thả lưới xuống… và lưới đầy những cá.

 Chúa đã sống lại rồi! Đó là niềm vui lớn lao cho các tín hữu, là động lực, là sức sống tác động trên mọi sinh hoạt của họ. Từ nay họ làm mọi sự dưới ánh sáng của mầu nhiệm phục sinh. Trái lại đối với những kẻ cứng lòng, ráp tâm chối bỏ sự thật thì việc Chúa sống lại là nỗi kinh hoàng, âu lo làm họ mất ăn mắt ngủ. Họ tìm đủ mọi cách để dập tắt NIỀM TIN PHỤC SINH, họ chỉ thấy trong Thập Giá của Đức Giêsu một án phạt khủng khiếp và đổ lỗi cho các tông đồ cố ý tố cáo họ: “các ông còn muốn cho máu người ấy đổ trên đầu chúng tôi” (Cv 5,28).

  Các tông đò, nhờ được Đấng Phục Sinh củng cố đức tin đã can đảm nói lên lập trường dứt khoát của mình: “phải VÂNG LỜI THIÊN CHÚA hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29b). Trong chiều hướng đó, Lời Chúa của Chúa Nhật 3C Mùa Phục Sinh tiếp tục đề cập đến chủ đề: các lần hiện ra của Đấng Phục Sinh nhằm củng cố đức tin cho đoàn môn đệ và nhất là thiết đặt những yếu tố nền tảng để mầu nhiệm phục sinh tiếp tục được loan báo và nhân loại qua mọi thời, mọi nơi đều có thể đón nhận và tin vào Đức Giêsu phục sinh. Đáp lại ân tình đó của Đấng Phục Sinh, đoàn môn đệ – trong Lời Chúa 3C Mùa Phục Sinh – đã VÂNG NGHE LỜI CHÚA và đó chính là cội nguồn mọi phúc lộc của cộng đoàn.

   Bài đọc Tin Mừng hôm nay thuật lại lần hiện ra thứ ba của Đấng Phục Sinh cho đoàn môn đệ. Lần này nơi chốn là ở Galilê, các môn đệ giờ chỉ còn lại bảy người: ba người được kể rõ tên là Phêrô, Tôma và Nathanaen còn bốn người kia chỉ được đề cập thoáng qua: hai người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa. Họ quay về lại quê cũ ở Galilê và coi bộ muốn trở về nghề cũ. Hai lần hiện ra trước trong “căn phòng cửa đóng kín”, với các chứng từ thể lý cho thấy các dấu vết thương, kèm theo lời chúc phúc “phúc thay ai không thấy mà tin!” dường như chưa tẩy hết được nỗi sợ của họ. Họ đã biết rõ Chúa đã sống lại, Người đã sai họ đi, ban Thánh Thần, ban quyền… nhưng họ chưa đủ dũng khí để lên đường hành động THEO LỜI CHÚA. Họ muốn tạm an thân nên lánh về quê như hai môn đệ làng Emmau; Họ tránh xa “chảo lửa” Giêrusalem đang hừng hực vì thông tin nóng hổi: Đấng chịu đóng đinh đã sống lại và các thủ lãnh tôn giáo Do Thái phủ nhận quyết liệt (x. Mt 28, 11-15). Nhưng Đấng Phục Sinh quyết chiếm giữ họ đến cùng. Người đến với họ tận nơi họ ẩn lánh; và lần này, Người tỏ mình ra cho họ bằng MỘT DẤU LẠ, và để có dấu lạ này, Đấng Phục Sinh không làm một mình, Người mời các môn đệ Tin và VÂNG NGHE LỜI NGƯỜI. Dấu lạ ấy như là một mặc khải nhắc nhở, khích lệ các môn đệ: chạy trốn như các ông đang làm, không giải quyết được gì cả, chỉ chìm sâu trong phiền muộn và cuối cùng cộng đoàn sẽ tan rã; Người mời các ông VÂNG NGHE LỜI NGƯỜI và kết quả của vâng lời là một mẻ lưới bội thu vượt mọi tưởng tượng của con người.

  Trong lãnh vực đức tin, các tính toán theo khôn ngoan, kinh nghiệm của con người, các thuận lợi về phương tiện, thời buổi…không phải là yếu tố chính để có được “mẻ cá” thành công: các ngư phụ chuyên nghiệp, vào thời điểm thuận lợi để bắt cá, phương tiện lưới thuyền có sẵn trong tay thế nhưng “đêm ấy họ không bắt được gì cả” (21,3c). Vậy mà trong giây phút tưởng chừng là tuyệt vọng, thì một lệnh truyền đột ngột vang lên “cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”. Các ông VÂNG LỜI và kết quả vượt sức tưởng tượng. Tin mừng không giải thích vì sao họ vâng lời! Sứ điệp là CHÍNH VÌ VÂNG LỜI mà họ thu được kết quả và nhận ra được “CHÚA ĐÓ!”.

  Ngay sau đó, Đấng Phục Sinh đã thiết đặt nền tảng cho sự vâng lời đức tin. Đấng Phục Sinh đã chọn Phêrô làm thủ lãnh cộng đoàn các kẻ tin và trao cho ông quyền thay mặt Người, chăn dắt cả chiên con lẫn chiên lớn của Chúa. Yết tố Đấng Phục Sinh đòi nơi người thủ lãnh khi trao cho người ấy ĐÀN CHIÊN CỦA CHÚA là Tình Yêu: Yêu Người trên hết. Nhờ mối dây hiệp nhất này mà chiên dù có phân tán đến đâu cũng không bị tan rã. Niềm tin vào Đấng Phục Sinh là chất keo hiệp nhất.

  Qua bài đọc 1, đi vào cuộc sống cụ thể. Những kẻ cứng lòng, đầy quyền bính trong tay đã ra sức cản trở công trình của Chúa. Nhưng họ đã thất bại vì Đấng Phục Sinh đã tiếp tục đồng hành với đoàn môn đệ qua các dấu lạ; còn các môn đệ đã góp công thực hiện dấu lạ bằng VÂNG LỜI CHÚA. Các thủ lãnh tôn giáo Do Thái đã phải dùng bạo lực để ngăn cấm các tông đồ loan báo và làm chứng cho Tin Mừng Phục Sinh. Họ đe dọa, họ đánh đòn… Nhưng lập trường của các tông đồ là DỨT KHOÁT “phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm”. Và thật tuyệt vời, những cấm cách, bắt bớ lại trở thành cơ hội thuận lợi để các tông đồ TRỰC TIẾP LOAN BÁO Tin Mừng Phục Sinh cho cả các thủ lãnh Do Thái giáo. Còn đối với các kẻ tin, các tông đồ thì các khổ nhục mà trước kia các ông sợ hãi trốn tránh, nay trở thành NIỀM VUI khi các ông đón nhận chúng trong tinh thần VÂNG LỜI Đấng Phục Sinh (x. Cv 5,41).

  Mọi sự Đấng Phục Sinh đã chuẩn bị, dọn sẵn. Thánh Thần, phương tiện, quyền bính Chúa cũng đã trao ban. Vấn đề còn lại nơi các môn đệ: YÊU THẦY, VÂNG LỜI THẦY trên hết, và lưới của Phêrô sẽ gom thu nhiều cá.

Frères Đinh Long FSC