CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG -năm A

Bài 1

Is 7, 10 – 14; Mt 1, 18 – 24
Chủ đề: Nét đặc thù dung mạo Đấng Thiên Sai: Con Trinh Nữ

Is 7, 14 và Mt 1, 22 – 23: Tất cả sự việc này đã xảy ra là để ứng nghiệm lời … ngôn sứ: Này đây Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là EMMANUEL.

   Hôm nay là Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng Năm A. Đấng Cứu Tinh sắp đến rồi! Thế nhưng bằng cách nào, dựa vào đâu, có dấu chỉ nào giúp nhận ra được Người khi Người xuất hiện. Lời Chúa hôm nay cho chúng ta vài dấu chỉ giúp nhận ra Đấng Thiên Sai trong thân phận phàm nhân hèn yếu. các dấu chỉ này đến từ trời vì chúng có tầm cỡ vũ trụ, kể cả trong lãnh vực thần thiêng, đời sau: “ngươi cứ xin ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi một dấu chỉ DƯỚI ĐÁY ÂM PHỦ hoặc TRÊN CHỐN CAO XANH” (Is 7, 11). Các dấu chỉ đó là:

  1. Theo nhãn giới tộc hệ nhân loại, Hài Nhi – Mêsia sẽ là người thừa kế vương triều Đavit.

  2. Nét đặc thù cho thấy có sự can thiệp thần linh đó là Mẹ của Hài Nhi là MỘT TRINH NỮ.

  3. Tên của HÀI NHI sẽ là EMMANUEL là “Thiên Chúa – ở – cùng – chúng – ta”.

   Bài đọc 1 trích từ sấm ngôn của Isaia nói cùng ông vua vô đạo Akhát thuộc dòng họ vua Đavit mời ông bỏ đi dự tính sai trái đi cầu viện đế quốc Assyri để chấp nhận đường lối của Thiên Chúa được tỏ lộ qua ngôn sứ Isaia. Rất tiếc là vua đã chối từ các đề nghị của ngôn sứ.

  Lúc ấy Akhát bị 2 lân quốc là Samari và Syri liên minh vây đánh để lật đổ ông thay bằng 1 người khác vì Akhát từ chối liên minh với họ chống lại Assyri. Ông muốn liên minh với đế quốc Assyri đang bành trướng. Thiên Chúa sai Isaia đến khuyên can Akhát đừng liên minh với đế quốc, vì chính Thiên Chúa sẽ bảo vệ khỏi Syri – Samari, đừng sợ “trước 2 cái đầu que củi chỉ còn khói đó” (Is 7, 4). Để thuyết phục vua tin vào lời mình, Isaia đề nghị vua hãy xin 1 dấu chỉ với tầm cỡ hoàn vũ bao trùm tất cả từ ÂM PHỦ cho tới CHỐN CAO XANH. Tiếc thay vua đã chai lì trong sai trái của mình, giảo hoạt viện dẫn chiêu bài đạo đức “tôi không dám thử thách ĐỨC CHÚA” để khước từ đề nghị của Isaia.

   Phần Thiên Chúa, Chúa vẫn tín trung: Chúa cho 1 dấu chỉ. Đó là “Này đây người trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai và đặt tên là EMMANUEL”.

   Bài Tin Mừng thuật lại cuộc truyền tin cho Giuse. Thấy hôn thê thụ thai mà không rõ vì đâu, Giuse định kín đáo bỏ vợ vì không muốn tố giác bà kẻo bà phải chết; ông cam nhận trách nhiệm tai tiếng về phần mình. Tuy nhiên Thiên Chúa có dự tính. Người sai thiên thần đến giải thích cho Giuse biết ý định của Thiên Chúa đối với ông và với người hôn thê của ông là Maria. Thai Nhi mà Maria đang cưu mang là hoa trái của quyền năng, tình yêu của Chúa Thánh Thần. Đó chính là ĐẤNG EMMUNUEL mà Thiên Chúa đã phán trước qua miệng ngôn sư Isaia; và người trinh nữ sẽ sinh con được nói trong bài 1 chính là ĐỨC MARIA. Như vậy qua sự kiện Maria thụ thai, Thiên Chúa đã hoàn tất DẤU CHỈ GIÚP NHẬN RA ĐẤNG EMMUNUEL. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn cần đến Giuse là CHỒNG MARIA, là CHA của ĐỨC GIÊSU, theo đúng tinh thần pháp luật. Ông là người duy nhất có đủ tư cách pháp nhân để đón Maria về làm vợ, nhận Hài Nhi Maria đang cưu mang làm con và đặt tên cho con trẻ theo đúng Luật; Và như vậy là có quyền truyền lại cho Hài Nhi quyền thừa kế những gì Thiên Chúa đã hứa cho Abraham và cho Đavit (x. Mt 1,1).

   Như vậy, Hài Nhi do Maria sắp sinh ra và được Giuse đón nhận, đặt tên là Giêsu, chính là Vị Thiên Sai Emmanuel mà Thiên Chúa đã hứa cho dân Chúa và đã được Isaia loan báo cho vua Akhát nhà Đavit. Mọi sự đã sẵn sàng, để khi Đức Giêsu giáng sinh dù chỉ là 1 Hài Nhi nghèo nàn thì những ai thành tâm đều có thể nhận ra được Người là Đấng Cứu Tinh như các nhà chiêm tinh là 1 minh họa (Mt 2, 1 – 12).

    Hãy nài xin Chúa Thánh Thần mở lòng mở trí để một khi Đấng Cứu Tinh đến với mỗi người thì chúng ta có thể nhân ra Người và vui mừng đón tiếp nhờ những dấu Thiên Chúa đã chuẩn bị trước cho kẻ Thiện Tâm.

Bài 2

     Này ông Giuse, con cháu Đavit, đừng ngại đón Maria, vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu…Tất cả sự việc này đã xảy ra là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ (Mt 1,20b-22)

Chúng ta bước vào Chúa Nhật 4, Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng. Chỉ còn vài ngày nữa là Giáo Hội hân hoan tưởng niệm biến cố Giáng Sinh của Đức Giêsu vào trong dòng lịch sử nhân loại. Từ nay, trong thân phận của 1 con người giống chúng ta mọi đàng, Thiên Chúa “ở cùng” và “đồng hành” với nhân loại cho đến tận thế, để rồi cuối cùng là “Thầy ở đâu thì anh em cũng ở đó” (Ga 14, 3b)

          Như vậy là Thiên Chúa đã đến rồi trong thân phận của 1 Hài Nhi mang tên là Giêsu! Khát vọng từ bao đời của nhân loại (x. St 3,15), và cũng là của tuyển dân (x. St 15,4; 17,19; 2Sm 7, 12-16; Is 7, 14…), đã được Thiên Chúa thương đáp trả. Thiên Chúa đang ở giữa loài người, trong thân phận loài người. Đó là đức tin và là niềm vui trọn vẹn của mọi Kitô hữu. Vậy giờ đây, mỗi tín hữu phải là chứng nhân, là những tiền hô, những cầu nối trung gian để tất cả mọi người có điều kiện thuận lợi nhận ra Thiên Chúa đang ở giữa họ, trong từng người của họ và mở rộng lòng đón tiếp Người.

          Thế nhưng để hoàn tất được trách nhiệm, vai trò đó trong hiện tại, mỗi tín hữu phải nhận ra được Thiên Chúa đang vi hành giữa chợ đời như một con người, rồi phải tiếp đón Người như Người là, như Người muốn, mong đợi, sau đó mới có thể làm chứng nhân, làm tiền hô cho Người được.

      Lời Chúa hôm nay mời chúng ta suy niệm 2 chủ đề góp phần giúp chúng ta chu toàn được sứ mạng chứng nhân tiền hô giữa thế giới hôm nay:

  1. Chủ đề 1 đến từ phía Thiên Chúa: Người ban những dấu chỉ nằm trong tầm tay của chúng ta, giúp ta biện phân, nhận ra được Người khi Người đến. Đó là những dấu chỉ liên quan đến:

* Cội nguồn của Người: vừa là nhân loại (thuộc dòng dõi vua Đavit: tổ tiên là vua Akhat, người cha pháp lý đúng tinh thần luật Môsê là Giuse là người đang thừa kế lời Thiên Chúa hứa cho Đavit; Vừa là thần linh (được thụ thai do quyền năng Chúa Thánh Thần; do bởi dự tính của Thiên Chúa đã được Chúa báo trước qua miệng các ngôn sứ)

* Mẹ Người là một trinh nữ

* Người chính là Đấng Emmanuel mà Thiên Chúa đã hứa ban, tên của Người là Giêsu. Sứ mạng của Người là cứu dân Người khỏi tội lỗi.

  1. Chủ đề 2 là phần đáp trả từ phía con người, một khi đã được Thiên Chúa đến tỏ bày dự tính từ ngàn xưa của Người và mời con người cộng tác: Hãy từ bỏ dự tính riêng, đột xuất của bản thân (chỉ xuất hiện khi có 1 biến cố bất ngờ nào đó chợt tới) để đón nhận làm lẽ sống cả đời mình, dự tính từ muôn đời, vĩnh cửu của Thiên Chúa. Lời Chúa hôm nay cho thấy có 2 thái độ đáp trả khác nhau từ phía con người trước lời mời, đề nghị của Thiên Chúa:

– từ chối, ngụy biện của vua Akhat trong bài đọc 1

– tuân phục ý Chúa, làm theo như lời sứ thần Chúa dạy của Giuse trong bài đọc Tin Mừng.

Sứ điệp Lời Chúa của 3 tuần trước hướng tới đối tượng là cộng đoàn nhân loại hoặc cộng đoàn dân Chúa; Còn trong Chúa Nhật 4, Chúa mong đợi lời đáp trả biệt vị của cá nhân:

  • Đối với những nhân vật đặc biệt được Chúa chọn cách đặc biệt để cộng tác với Chúa vào những thời điểm quyết liệt, với những vai trò duy nhất, không ai thay thế được như Maria – Giuse thì lời đáp của họ ảnh hưởng trên toàn thể công trình của Thiên Chúa.

  • Còn đối với mỗi tín hữu chúng ta, với tầm mức cá nhân bé nhỏ thì lời đáp của mỗi người quyết định vận mạng của chính mình. Với dự tính cứu độ, yêu thương dành riêng, duy nhất cho từng cá nhân mỗi người, Chúa luôn hồi hộp chờ đợi lời đáp ĐÍCH THÂN của từng người, để Chúa thực hiện và hoàn tất ơn cứu độ cho từng người chúng ta.

Lời Chúa hôm nay tập trung tất cả vào con người của Giuse: ông đích thật là con cái Abraham, thuộc dòng tộc vua Đavit, đang nắm giữ trong tay quyền thừa kế lời Thiên Chúa hứa cho Abraham, cho Đavit (Mt 1,1-17). Giữa lòng nhân loại tội lỗi, ông là “người công chính”, cũng đang mỏi mòn chờ Đấng Cứu Tinh đến – Và thực sự là Người đã đến rồi, đang ngự trong cung lòng Trinh Nữ Maria, vợ đã đính hôn với ông. Mọi sự Thiên Chúa chuẩn bị từ bao đời đã đạt tới thành quả mỹ mãn: Đấng Emmamuel đang là một mầm sống ngự trong lòng vợ của Giuse.

          Điều đó thật quá sức tưởng tượng của Giuse. Nên khi biết được vợ có thai nhưng chưa rõ nguồn cơn thì một cách đột ngột và ngay lập tức nảy sinh nơi ông 1 dự tính tức thời: định tâm bỏ vợ cách kín đáo.

          Thế nhưng Thiên Chúa đã có 1 ý định, dự tính vĩnh cửu, từ muôn đời đối với Giuse, và đúng thời buổi Chúa tỏ cho ông biết dự tính đó của Người, mời ông bỏ đi cái ý tưởng vừa bộc phát tức thời nơi ông để đón nhận ý định thần linh từ muôn đời của Thiên Chúa, bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, tạo nên 1 gia đình mới, mở đầu cho 1 nhân loại mới. Giuse là người đại diện cho nhân loại cũ, tội lỗi, đón nhận Ađam mới (Giêsu) và Eva mới (Maria) vào nhà mình.

          Điều mà Chúa mong đợi nơi con người đã được Maria và Giuse đón nhận trọng vẹn, bỏ đi dự tính riêng tư, để Thiên Chúa hoàn tất nơi 2 Đấng dự tính từ muôn đời của Thiên Chúa. Tin Mừng năm A hướng tới con người của Giuse.

                                       BÀI ĐỌC I: Is 7, 10 -14

Văn mạch

Xem Chúa Nhật 2A Mùa Vọng

Đây là sấm ngôn thứ nhất nói về Đấng Emmanuel trong tuyển tập (Sách về Đấng Emmanuel” (Is 6-12). Sấm ngôn này được công bố cho Akhát, vua nước Giuđa, lúc đó đang bị liên quân Syro – Ephraim vây đánh định lật đổ ông và đặt người khác lên thay thế (Is 7, 1-8), vì ông không chịu gia nhập liên minh các tiểu quốc để chống lại Assyri đang có ý đồ xâm lăng họ. Còn Akhát là ông vua vô đạo, chạy theo thần ngoại bang, hiến tế cả con trai của mình (2V 16,3), không chịu nghe lời can ngăn của Ngôn sứ.

          Chính trong bối cảnh ấy, một lần nữa Chúa muốn cứu nhà Đavit ra khỏi lầm lạc, nên đã sai Isaia đến gặp Akhát và thách thức vua hãy xin một dấu chỉ. Mục đích là khi dấu chỉ được ứng nghiệm thì vua phải hoán cải và tin vào lời ngôn sứ. Tiếc thay Akhát đã giảo hoạt nhân danh Lời Chúa “tôi không dám thử thách Đức Chúa” (Xh 17,2; Đnl 6, 16) để khước từ lời đề nghị, trốn tránh hoán cải. Mặc dù vậy, Thiên Chúa vẫn tự ý ban một dấu chỉ, cho thấy Chúa luôn trung tín bất chấp sự cứng lòng của loài người. Dấu chỉ đó là Trinh Nữ sinh con và tên Hài Nhi sẽ là Emmanuel. Và đó là bài đọc 1 của Chúa Nhật này.

  1. Lời đề nghị nhằm thức tỉnh nhà Đavit (cc. 10-11)

*Một lần nữa Đức Chúa phán với Akhát:

Yavê bảo Isaia đến gặp Akhát lần thứ hai ít lâu sau lần 1 (Is 7,3) vì Akhát không tin vào lời sấm loan sự tàn lụi của Đamas và Israel (7,7-9) và muốn cầu viện Assur cứu giúp. Isaia được sai đến nhắc vua rằng: hãy tin vào Yavê, vào lời ngôn sứ hơn là vào sự trợ lực của đế quốc.

* Nội dung của lần can thiệp thứ 2 này: mục đích là mời hoán cải.

   – “Ngươi cứ xin Yavê là Thiên Chúa của ngươi”.

   Vừa là lời đề nghị, vừa là lời thách thức Akhát: hãy xin một dấu chỉ đi để có thể dựa vào đó mà kiểm chứng tính trung thực của lời Isaia, rồi hãy nhìn vào đó mà hoán cải.

   Cách nói “Yavê là Thiên Chúa của ngươi” kín đáo mời nối lại tương giao giữa nhà Đavit với Thiên Chúa. Bởi vì Akhát đã sống theo lối dân ngoại đến độ hiến tế con của mình (2V 16, 3).

   Việc hoán cải này sẽ được biểu lộ bằng cách nghe lời ngôn sứ, xin Chúa một dấu chỉ. Đề nghị này cho thấy lòng kiên nhẫn, độ lượng của Thiên Chúa trước các trọng tôi của Akhát, Người muốn mở đường để ông trở lại. Khốn thay đó lại trở nên bằng chứng tố cáo sự cứng lòng của vua.

     – “ban cho ngươi một dấu chỉ dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh”.

   Trong Isaia, dấu chỉ không nhất thiết là phép lạ (8, 18; 37,30; 38, 7 – 8) nhưng là một sự kiện mà người xin có thể có được ngay tức thời trước mắt hoặc chỉ một ít lâu sau đó. Sự ứng nghiệm đó nhằm giúp người xin vững tin vào sấm ngôn liên quan đến một biến cố xa còn trong tương lai. Cụ thể ở đây, biến cố xa đó là Giêrusalem sẽ được giải vây khỏi tay Đamas và Israel, hàm ý mời Akhát đừng cầu viện Assur.

   Dấu chỉ được đề nghị đây bao trùm cả âm phủ lẫn trời xanh, mang tầm cỡ vũ trụ, kể cả lãnh vực thần thiêng, đời sau. Rõ ràng đây là một lời thách thức nhằm cảnh cáo: hãy tin.

  1. Sự cứng lòng của Akhát (c.12)

   * Khước từ lời đề nghị: “Tôi sẽ không xin”.

   Đáng sợ thay cái tự do bị lạm dụng của con người. Lời khước từ thẳng thừng cho thấy Akhát không thiết gì đến việc đi tìm sự thật, ông hoàn toàn khép lòng lại trước mọi đề nghị của Thiên Chúa nhằm giúp ông tỉnh ngộ, hoán cải. Không cần tìm hiểu, tranh luận. Chỉ làm theo ý ông, thế thôi!

   * Ngụy biện bằng chiêu bài: “Tôi không dám thử thách Yavê”

   Dùng Kinh Thánh: Đnl 6, 16; Xh 17, 2 để ngụy biện che đậy sự cứng lòng của mình. Xh 17, 2 bảo đừng thử thách Chúa là nhằm kêu mời dân hãy tin Chúa vô điều kiện, phó thác tất cả cho Thiên Chúa; còn ở đây, Akhát dựa vào lời ấy để lẩn tránh sự thật, chôn chặt mình hơn trong sự cứng lòng. Thực tế ông đã làm theo ý riêng, chạy đi cầu cứu Assur. Việc ấy kéo theo không biết bao nhiêu tệ hại về chính trị lẫn tôn giáo cho Giuđa. Ông đã xuyên tạc, bẻ cong Lời Chúa để phục vụ cho ý đồ cá nhân mình bất chấp thiệt hại cho dân Chúa.

   Đây là mưu mô tinh vi của ma quỷ: đánh lừa con người bằng những đoạn Lời Chúa đặt sai vị trí, bị y bóp méo ý nghĩa và nhắm đến mục đích sai quấy như trường hợp Ađam, Eva trong Êđen, Đức Giêsu trong hoang địa, biệt phái nhân danh Cựu Ước lên án Đức Giêsu.

  1. Lòng trung tín của Thiên Chúa: ban dấu chỉ Emmanuel (cc.13 – 14)

* Vạch mặt kẻ ngụy biện gian trá:

 – “Nghe đây hỡi nhà Đavit”

    Không còn nói chuyện phải trái được nữa với một kẻ vô đạo như thế, Isaia tuyên sấm chung cho nhà Đavit hàm ý Thiên Chúa vẫn trung thành với lời hứa cùng Đavit. Điều này nhắc lại một điểm trọng yếu của lịch sử cứu độ ngang qua những người đại diện Ađam, Abraham, Đavit…, Thiên Chúa hứa cho và hứa với toàn nhân loại, toàn thể Israel chứ không hứa riêng với bất kỳ một cá nhân nào. Phần mỗi cá nhân, Thiên Chúa cho toàn quyền tự do chọn có hay không hội nhập vào cộng đoàn lời hứa, tin hay không tin vào Lời Chúa. Cá nhân nào khước từ hoặc bất tín sẽ bị loại trừ khỏi cộng đoàn lời hứa. Phần Chúa, Người vẫn trung tín hoàn tất lời hứa cho cộng đoàn, cho dân Chúa, cho nhân loại. Trong trường hợp Akhát, bất chấp sự vô đạo, tráo trở của vua, Chúa vẫn trung tín với nhà Đavít, không bỏ rơi dân Người: Người tự nguyện ban một dấu chỉ cứu độ.

– “các ngươi… làm phiền cả Thiên Chúa tôi nữa”

   Vạch mặt ngụy biện của Akhát: sự khước từ dưới chiêu bài KT đã làm phiền lòng Chúa. Hậu quả là cắt đứt tương quan với Thiên Chúa: Không còn là “Thiên Chúa của Akhat” nữa, mà là “Thiên Chúa của Isaia”. Lẽ ra là phải bị tiêu diệt, nhưng Chúa vẫn tín nghĩa với Đavit, Người tự ban dấu chỉ.

* Trung tín, Thiên Chúa đơn phương ban dấu chỉ:

  • “Người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai”.

   Dấu chỉ Thiên Chúa ban là “trinh nữ sinh con trai”. Trong tiếng Do Thái almah ám chỉ một cô gái trẻ hay một người đàn bà trẻ chưa sinh con. Dựa vào bối cảnh thời Akhát, vua này đang khộng có con nối dõi, nên các nhà chú giải chọn hiểu theo nghĩa thứ 2 và áp dụng lời sấm này vào Abiyah vợ vua, và “con trai” chính là vua Khitkigia (Ezekia)

    Nhưng trong bản LXX, ’almah lại được dịch thành parthenos có nghĩa là “trinh nữ”. Tầm nhìn đã hướng về một tương lai xa hơn vì vào lúc dịch Kinh Thánh Hipri ra tiếng Hi Lạp (250-150 tcn) thì dòng Đavít đã mất ngai vàng từ lâu. Đến thời Tân Ước, Mt 1, 23 và Lc 1, 26-35 đã trích dẫn từ bản LXX để áp dụng lời sấm vào Đức Maria và Đức Giêsu.

– “và đặt tên là Emmanuel” tên hài nhi có nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Trong suốt dòng lịch sử cứu độ, Thiên Chúa ỏ cùng” là một bảo đảm chắc chắn để những tuyển nhân đặc biệt có thể hoàn tất được sứ mạng Thiên Chúa trao ban. Từ nay đặc ân “Thiên Chúa ở cùng” không là dành riêng cho một số nhân vật đặc biệt nữa nhưng được ban chung cho toàn thể nhân loại, ngay trong bản tính nhân loại. Đó là bảo đảm chắc chắn cho ơn cứu độ loài người, là dấu chứng tuyệt vời của lòng trung thành tuyệt đối của Thiên Chúa. Từ nay nhân tính và thiên tính kết hiệp với nhau cách hoàn hảo, bất khả phân ly trong Đấng Emmanuel, nhờ vậy mọi kẻ tin vào Người đều có thể tham gia tích cực vào công trình cứu độ như các nhân vật kiệt xuất trong Cựu Ước. Đó là lý do của việc “Người nhỏ nhất trong Nước Trời cũng cao cả hơn Gioan Tẩy Giả”.

  1. Tóm kết

      Bài đọc 1 cho thấy lòng thương xót bao la của Thiên Chúa đối với nhà Đavit và qua đó là đối với Israel và toàn thể nhân loại, qua việc Chúa đơn phương trao ban một dấu chỉ cứu độ bất chấp những cứng lòng từ phía Akhát. Đây là một dấu chỉ vượt mọi giới hạn không gian lẫn thời gian; bao trùm toàn bộ công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa. Đó là Trinh Nữ sinh con và người con ấy là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Không trí phàm nhân nào có thể tưởng tượng được người con ấy là Con Một của Thiên Chúa, là Ngôi Lời Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa. Qua cuộc can thiệp diệu kỳ này, Thiên Chúa vừa thực hiện lời hứa với nhà Đavit, vừa vượt xa hơn nhà Đavit để nâng công cuộc cứu độ lên tầm mức vũ trụ và có giá trị vĩnh viễn. Đó là ơn cứu độ do Đức Giêsu mang lại. Người vừa là hậu duệ nhà Đavit, vừa là Chúa của Đavit lẫn vũ trụ. Với Đức Giêsu, “con-người-Chúa”, một kỷ nguyên mới được khai sinh, một tạo thành mới được hình thành đưa nhân loại vào cung lòng Ba Ngôi Thiên Chúa.

TIN MỪNG: Mt 1, 18 – 24

Văn mạch:

    Tin Mừng Matthêu mở đầu bằng 5 trình thuật có liên quan đến cội nguồn và thời thơ ấu của Đức Giêsu: – Gia phả của Đức Giêsu (1, 1-17); – Truyền tin cho Giuse (1, 18-25); – Các nhà chiêm tinh đến bái thờ Hài Nhi Giêsu (2,1-12); – Bị Hêrôđê truy sát, Đức Giêsu trốn sang Ai Cập và các anh hài Belem bị giết (2,13-18); – Đức Giêsu về lại Israel và cư ngụ tại Nagiarét (2,19-23).

     Tin Mừng hôm nay là trích đoạn “Truyền tin cho Giuse”; nhưng vì được dùng trong Mùa Vọng, nên việc Đức Giêsu được sinh ra và đặt tên không được bản văn phụng vụ sử dụng. Phối hợp với bản gia phả, trích đoạn này cho thấy bằng cách nào Đức Giêsu trở thành người thừa tự lời hứa của Chúa với Abraham và Đavit.

  1. Giới thiệu nguồn gốc thần linh của Đức Giêsu (c. 19)

* Mẹ Người là bà Maria, đã đính hôn với ông Giuse

     Theo luật Do Thái, đôi trai gái sau đính hôn đã là vợ chồng chính thức với tất cả các quyền lợi và bổn phận kèm theo của đời hôn nhân. Thiếu nữ Do Thái được đính hôn vào tuổi 12. Lúc ấy cô thoát khỏi quyền giám hộ của người cha để rồi sẽ ở dưới quyền giám hộ của người chồng lức 13 hay 14 tuổi qua lễ cưới, rước dâu. Trong thời gian chuyển tiếp, cô dâu vẫn có thể còn ở nhà cha mẹ và thường giữa 2 người chưa có tương giao vợ chồng, nhưng giả như có con với nhau trong giai đoạn này thì vẫn là hợp pháp. Qua chi tiết này, Mattheu nhấn mạnh 3 tương quan:

  • Đức Giêsu là người thật vì được thành hình từ 1 nguời mẹ là Maria

  • Maria và Giuse thật sự là vợ chồng trước Thiên Chúa và Lề Luật

  • Nhưng Giuse lại không phải là cha đẻ của Đức Giêsu

* Nguồn gốc thần linh: “nhưng…do quyền năng Chúa Thánh Thần”

    “Rõ ràng thai nhi không là con ruột của Giuse. Người có nguồn gốc thần linh do Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên về điểm này Mattheu chỉ nói thoáng qua chứ không mô tả chi tiết như trong Luca. Bận tâm của Mattheu là: bằng cách nào mà nhân vật “người – Chúa” Giêsu lại trở thành con Giuse để thừa kế lời Thiên Chúa hứa cùng vua Đavit. Trình thuật tiếp theo là để trả lời vấn nạn đó.

  1. Phản ứng của Giuse trước sự kiện trên (c. 19)

* Nhấn mạnh về con người Giuse: “là CHỒNG của Maria”, “là người công chính”.

    Matthêu nói rõ: Giuse là CHỒNG của Maria. Điều này dọn đường tuyệt vời cho dự tính của Thiên Chúa: nhờ Giuse bảo hộ hợp pháp cho mẹ con Maria, Giuse như là chồng, cha và có thể trao quyền thừa kế hợp pháp cho Giêsu nếu ông muốn. Vậy cốt lõi của vấn đề là ở chỗ này: làm sao thuyết phục Giuse chịu đảm nhận quyền làm cha của Đức Giêsu trong tư cách là CHỒNG của Maria.

      Giuse cũng được giới thiệu là “người công chính” nghĩa là người chỉ biết tìm thực thi ý Chúa, biết đặt mình vào vị trí Chúa muốn trong công trình cứu độ của Người.

* Ý định của Giuse: âm thầm rút lui khỏi vai trò làm CHỒNG của Maria.

  • “và không muốn tố giác bà”; “định tâm bỏ bà cách kín đáo”

    Theo bản văn, dự tính “định tâm bỏ bà cách kín đáo” là hệ quả của “Giuse là người công chính” “và không muốn tố giác bà”. Làm sao giải thích? Rồi theo mạch văn của trích đoạn, dường như trước khi được sứ thần mộng báo thì Giuse chưa biết thai nhi là do bới Chúa Thánh Thần; Trong khi đó, một số nhà chú giải lại suy luận rằng, Đức Maria phải cho Giuse biết mọi sự có liên can tới thai nhi (CGKPV “Bốn Sách Tin Mừng” trang 28 nốt c). Sau đó tùy quan điểm mà tìm hiểu ý nghĩa thái độ của Giuse. Xin chia sẻ theo 1 hướng khác không bận tâm tìm cách cắt nghĩa ý nghĩa thái độ của Giuse. Dựa theo bản văn những điều ta có thể chắc chắn được là: Giuse có một dự tính là kín đáo bỏ Maria; Dự tính đó phát xuất từ 1 nguyên do kép: “Giuse là người công chính VÀ không muốn tố giác Maria” và ông cho đó là ý Chúa nên âm thầm thực hiện.

  1. 3. Can thiệp của Thiên Chúa: Sứ thần Thiên Chúa đến báo mộng cho Giuse và trao sứ mạng (cc. 20-23)

* Mời gọi đích danh ngưởi thừa kế dòng Đavit

  “Này Giuse, con cháu Đavit”

    Matthêu nhấn mạnh chi tiết này để dọn đường cho sứ mạng Giuse là đưa Đức Giêsu vào dòng tộc Đavit cách hợp pháp. Giuse chính là người thụ thác lời hứa của nhà Đavit.

* Trấn an: “Đừng sợ đón Maria vợ ông về”

   Điều mà Giuse định khước từ thì Thiên Chúa lại mời ông lãnh nhận. Chúa mời Giuse hoán cải bằng cách bỏ đi dự tính riêng tư chỉ vừa đột xuất nảy sinh trong ông mà làm theo ý Chúa vốn đã có từ thuở đời đời. Nhấn mạnh Maria là VỢ Giuse.

* Giải thích ý định của Thiên Chúa: “vì người con…là do quyền năng Thánh Thần.”

* Dấu chỉ: “Bà sẽ sinh con trai”

     Theo bản văn, tới giờ này Giuse mới biết hài nhi thành hình nơi lờng Maria là do Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên điều gì bảo đảm cho Giuse điều ông nghe trong mộng là ý Thiên Chúa? Cần một dấu chỉ. Đó là cấu trúc của một trình thuật truyền tin. Và dấu chỉ ứng nghiệm thì người được chọn sẽ an tâm thực thi lời đề nghị, vì đó thực là ý Chúa: c. 25: phụng vụ không dùng vì còn là Mùa Vọng.

* Trao sứ mạng: “ông phải đặt tên con trẻ là Giêsu”

     Đây là sứ điệp trung tâm của trình thuật. Đặt tên con trẻ là quyền năng dành riêng cho người cha (Lc 1, 62-63), qua đó ông nhìn nhận hài nhi là con của mình. Ở xã hội Do Thái xưa, quyền làm cha là một hành động công nhận con theo đúng luật và mọi lời công nhận đều đem lại cho người con đầy đủ mọi quyền lợi. vậy qua các chi tiết dọn đường: Gia phả nhấn mạnh gốc gác Đavit của Giuse, rồi Maria và Giuse là vợ chồng và giờ đây nếu Giuse chịu nhận đặt tên cho hài nhi thì hài nhi này thực thụ là người kế thừa mọi lời Thiên Chúa đoan hứa với Đavit, Abraham và cả nhân loại. Sau tiếng “xin vâng” của Maria, giờ đây Thiên Chúa lại hồi hộp chờ đợi cái gật đầu của Giuse.

* Ý nghĩa tên Giêsu: “vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”

       Giêsu, tiếng Do Thái là Yêhôshua hoặc Yêshua có nghĩa là “Yavê cứu”. Và sứ thần nói rõ là “cứu khỏi tội lỗi”. Thật quá rõ, hài nhi này đến không phải vì những động lực chính trị, kinh tế hay vì bất cứ động lực thế tục nào giống như người Do Thái mong đợi. Người đến là để cứu dân Người khỏi tội lỗi. Cứu chữa tận căn. Vì tội lỗi là cội nguồn mọi sự dữ. Cứu khỏi tội là phục hồi tất cả.

* Ý nghĩa của biến cố trinh thai: ứng nghiệm sấm ngôn Is 7,14

     Lời Thiên Chúa hứa trong bài 1, với Akhát nay ứng nghiệm. Sứ thần Chúa khẳng định với Giuse rằng hài nhi mà ông sẽ đặt tên là Giêsu chính là Đấng Emmanuel mà Isaia đã loan báo. Lời hứa với nhà Đavit đã hoàn tất. Nhưng còn hơn thế nữa, nơi hài nhi Giêsu, Thiên Chúa đã trở nên hữu hình và vĩnh viễn “ở cùng chúng ta”. Lời khẳng định này của sứ thần được Đức Giêsu tái xác nhận với quyền uy phục sinh của một vị Thiên Chúa: “Thầy ở CÙNG ANH EM mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28, 20).

   Như thế, Tin Mừng Mattheu được mở đầu và kết thúc với ý tưởng này: Thiên Chúa đã vĩnh viễn ở cùng con người trong Đức Giêsu. Và việc Giuse đón nhận Người, thay mặt nhân loại tội lỗi đã làm cho sự hiện diện đó trở thành ơn giải cứu con người khỏi tội lỗi mang lại phúc thật cho nhân loại.

  1. Đáp trả của Giuse (c. 24)

* Khi tỉnh giấc

   Động từ ở dạng thủ động, động tính từ: hàm ý Thiên Chúa đánh thức Giuse dậy. Nghĩa đen là ra khỏi giấc ngủ. Nghĩa bóng là được Chúa thức tỉnh ra khỏi cơn ngủ mê là dự tính riêng của mình, nhờ đó Giuse hoán cải, bỏ ý riêng, làm theo ý Chúa.

* Giuse làm như thiên sứ của Chúa dạy

    Cũng như Maria “xin Thiên Chúa thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói”, Giuse đáp lời nhưng bằng 1 hành động “làm như sứ thần của Chúa dạy”. Một khi đã nhận ra thiên ý đối với mình, Giuse bỏ hoàn toàn ý riêng để hoàn toàn thực thi ý Chúa. Giuse đã đặt mình vào đúng vị trí mà Thiên Chúa muốn cho ông. Và chỉ với thái độ vâng phục này, Giuse mới thực sự công chính trọn vẹn.

* Và đón vợ mình về nhà

   Trước mắt phàm nhân, đây chỉ là cuộc rước dâu theo tập tục sau khi đã đính hôn. Nhưng với cặp mắt đức tin nhìn vào lịch sử cứu độ, Giuse đã đại diện cho nhân loại cũ đón nhận Adam mới (Đức Giêsu) và Eva mới (Maria) vào nhà mình. Nhờ đó vị Trưởng Tử của nhân loại mới trở thành hậu duệ với quyền thừa kế của nhân loại cũ, hồi phục và thông ban cho nhân loại cũ, tội lỗi quyền làm con Thiên Chúa (Ga 1, 12). Sứ mạng của Giuse thật cao cả, vĩ đại! Tuy nhiên ông hoàn thành nó không bằng sức riêng mình mà bằng lòng tin yêu phó thác vâng phục Thiên Chúa, để Người thực hiện nơi ông điều Người muốn. Và phần ông, Giuse làm như Thiên Chúa dạy.

  1. Tóm kết

    Tất cả những gì Mattheu ghi lại trong chương 1 đều nhằm trả lời cho vấn nạn cốt yếu này: Làm cách nào mà Đức Giêsu là con của một Trinh nữ thụ thai do bởi quyền năng Chúa Thánh Thần lại có thể là hậu duệ của nhà Đavit, có đủ tư cách pháp nhân để đảm nhận mọi lời Thiên Chúa đã hứa cho các tổ phụ trong Cựu Ước được? Trình thuật truyền tin cho Giuse là câu đáp. Toàn bộ chương 1 được rút lại ở điểm này: với tư cách là hậu duệ thừa kế, chính thức thụ thác lời hứa của nhà Đavit, Giuse đã đón Maria, vợ mình về nhà và lãnh trách nhiệm đặt tên cho Hài Nhi mà Maria đang cưu mang. Như vậy trước pháp lý, về mặt xã hội, Đức Giêsu thực sự là con thừa kế hợp pháp của Giuse, thực sự thuộc về dòng tộc Đavit theo luật định. Do đó Người có đầy đủ tư cách pháp nhân để đảm nhận toàn bộ lời hứa mà Thiên Chúa đã đoan thệ với Đavit, với Abraham và với toàn thể nhân loại.

Frère Pierre Đình Long FSC