Chúa nhật 5 mùa Chay – năm A

Bài 1

Ed 37, 12 – 14  ; Ga 11, 1 – 45
Chủ đề: SỰ SỐNG VÀ SỰ SỐNG LẠI:  Hồng ân Thiên Chúa.

*Ed 37, 14a: Ta sẽ đặt Thần Khí của Ta vào lòng các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh.

*Ga 11,25. 43: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống”….Rồi Đức Giêsu kêu lớn: “Anh Ladarô hãy ra khỏi mồ” Người chết liền đi ra.

Chúng ta bước vào Chúa Nhật 5 Mùa Chay năm A. Dung mạo thần linh của Đức Giêsu tiếp tục được hé mở cho chúng ta ngang qua những hình ảnh, biểu tượng được truyền thống Cựu Ước sử dụng để ám chỉ Yavê là Thiên Chúa của Israel. Tất cả là để chuẩn bị giúp các tân tòng lãnh nhận phép Rửa vào đêm Vọng Phục Sinh.

HÌNH ẢNH tuần này là SỰ SỐNG LẠISỰ SỐNG.

Bất kỳ ai, kể cả người nghèo khổ, một cách bình thường đều SỢ CHẾTHAM SỐNG. Kẻ thù đáng sợ nhất của nhân loại là SỰ CHẾT ! Trước kẻ thù này, con người hoàn toàn bất lực, không ai thoát khỏi TỬ THẦN. Khi đến Nó buộc con người phải ra đi theo Nó với bàn tay trắng, bỏ lại mọi sự mình tích lũy cả đời lại cho kẻ khác ( Lc 12,16 – 21 )

Mọi nỗ lực tìm sống lâu, sống thêm đôi chút đều thất bại ! Duy chỉ Thiên Chúa là sự sống, là cội nguồn sự sống ! Nơi Người không hề có bóng dáng của Tử Thần. Ai kết hợp với Thiên Chúa thì sức sống thần linh của Chúa sẽ ngự trong người ấy và Tử Thần không chộp bắt người ấy được; Và rồi vì xác phàm phải chết thì Thiên Chúa cũng SẼ cho họ được SỐNG, được SỐNG LẠI, hiệp thông với Người trong sự sống vĩnh cửu.

          Lời Chúa hôm nay cho chúng ta  chiêm ngắm HAI DẤU LẠ, qua đó mời gọi chúng ta HÃY TIN VÀO Thiên Chúa LÀ SỰ SỐNG LẠILÀ SỰ SỐNG; Và một khi đã tin vào rồi thì “….SẼ không bao giờ phải chết” ( Ga 11, 26 )

Bài đọc 1 thuật lại lời Yavê hứa cho dân Israel được hồi sinh, trích ra từ một thị kiến Chúa ban cho Edêkien được thấy.

Dân đang trong tình trạng lưu đày, nỗi nhục nhã cơ hàn làm dân nhụt chí, họ mất hết hi vọng, họ than thở “ xương chúng tôi đã khô, hi vọng của chúng tôi đã tiêu tan, chúng tôi đã rồi đời” ( Ed 37, 11 )

          Đáp lại nỗi thất vọng ấy, Yavê đã ban cho Êdêkien một thị kiến. Thiên Chúa đưa Êdêkien đến trước một cánh đồng chỉ toàn xương khô ( đó là hình ảnh biểu tượng dân Israel đang lưu đày); rồi Yavê hỏi ông: “…..liệu các xương này có hồi sinh được không ?”  . Rồi Yavê truyền lệnh cho Êdêkien hãy tuyên sấm : “…Các xương khô kia ơi, hãy nghe lời Yavê . Yavê phán thế này với các xương ấy : Đây Ta sắp cho Thần khí nhập vào các ngươi và các ngươi sẽ được sống. Bấy giờ các ngươi sẽ được biết chính Ta là Yavê ”  ( 37, 4 – 6 ) . Êdêkien đã tuyên sấm và cả đám xương khô đã hồi sinh, trở thành một đạo quân đông vô kể ( 37, 7 – 10 )

Sau thị kiến đó, Yavê trả lời trực tiếp cho lời than thở của dân: Chúa hứa sẽ mở huyệt cho dân, đưa dân ra khỏi huyệt; Cụ thể là cứu khỏi lưu đày, đưa dân về lại Đất Hứa. Và tuyệt vời hơn nữa là Chúa ban THẦN KHÍ  CỦA CHÚA cho dân. ĐÓ LÀ THẦN KHÍ, HƠI THỞ của Chúa xưa đã làm Adam nên một sinh vật, nay được ban dồi dào để HỒI SINH Dân Chúa: Thiên Chúa quả thật là cội nguồn sự sống và sự sống lại.

Sang bài đọc Tin Mừng, việc ban lại sự sống được Đức Giêsu thực hiện cho một cá nhân, xác thân mục nát được hồi phục sự sống: Ladarô chết đã 4 ngày, đã an táng, bắt đầu thối rửa. Quyền lực Tử Thần đã vĩnh viễn khống chế Ladarô ; Nói theo kiểu Do thái là ông đã bị nhốt vào Shéol , nơi dành cho kẻ chết cư ngụ và chỉ có Thiên Chúa mới có thể đem kẻ đã chết ra khỏi đó được.

Thế nhưng, Đức Giêsu đã giựt Ladarô ra khỏi Tử Thần, kéo ông ra khỏi Shéol, đưa về lại sự sống với tất cả sự toàn vẹn của con người Laradô ( chứ không vá víu lộn xộn kiểu “Hồn trương Ba da hàng thịt”).

Nhưng đó chỉ mới là DẤU CHỈ, vì sau đó Ladarô cũng chết trở lại. Sứ điệp Tin Mừng là: Đức Giêsu Đấng thắng Tử Thần; Người là Thiên Chúa, là CỘI NGUỒN SỰ SỐNG SỰ SỐNG LẠI giống như Yavê. Ai tin vào Giêsu sẽ được sống đời đời, một sự sống vĩnh cửu. Cái chết chỉ là “ CỬA KHẨU ” phải bước qua để tiến vào một cuộc đời mới hạnh phúc trọn vẹn và bền vững, và hơn nữa còn được thông phần bản tính thần linh, được làm con Thiên Chúa.

Bài 2

Chính thầy là sự sống và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết … (11,25-26) … Nói xong, Người kêu lớn tiếng: “Anh Ladarô, hãy ra khỏi mồ!, Người chết liền ra … (11,43.44).

          Hôm nay phụng vụ bước vào Chúa Nhật 5A Mùa Chay. Các bài đọc đều quy hướng về chủ đề “sự sống lại” và “sự sống”. Chóp đỉnh của mặc khải này là lời công bố của Đức Giêsu: “ Chính Thầy là (êgô êimi) sự sống lại và là sự sống”. Và sự sống tuyệt vời đó, có nơi Đức Giêsu không là một gia sản chỉ dành riêng cho Người, mà là được chia sẻ rộng rãi cho tất cả những ai “TIN VÀO NGƯỜI”: “AI TIN VÀO THẦY thì dù đã chết, cũng sẽ được sống”; Còn “ai sống và TIN VÀO THẦY thì sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26). Thế nhưng, từ lúc Đức Giêsu công bố lời này cho đến nay thì:

  • Phần cá nhân Người, Người cũng đã chết! Nhưng đối với những ai đã tin vào Người thì họ xác tín “Người đã sống lại” và “đang sống”. Tuy nhiên Người đã về Trời không còn hiện diện hữu hình với ta nữa.

  • Về phần con người, số tín hữu tin vào Đức Giêsu đông vô kể, các thánh cũng nhiều, thế mà tất cả đều đã chết và xác thân mục nát trong lòng đất; Đâu có ai sống lại?

Vậy phải hiểu lời của Đức Giêsu như thế nào?

Để hiểu được lời của Đức Giêsu cần quay trở lại với Sách Sáng Thế để xem thế nào là “sống”, “chết” trong công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa.

Theo Sách Sáng Thế, tất cả mọi vật đều là thụ tạo của Thiên Chúa và tất cả đều có một thời điểm khởi đầu, đó là lúc Thiên Chúa lên tiếng phán: “Hãy có” và tất cả xuất hiện. Trước thời điểm đó, chỉ có một mình Thiên Chúa hiện hữu.

Vậy “SỐNG” là hồng ân Thiên Chúa thông ban cho mọi loài thọ tạo sự hiện hữu của Người. Mọi vật Chúa dựng nên đều tốt đẹp! Đặc biệt với con người, Chúa cũng cố ý tưởng ban sự sống bằng “ Cây Trường Sinh” ở giữa vườn. Và khi Thiên Chúa hoàn tất công trình sáng tạo (St 2,4a), không hề có bóng dáng của sự chết như chúng ta đang đối diện hiện nay.

Qua St 2,17, bản văn đề cập đến một yếu tố mới: sự chết. Tuy nhiên “sự chết” không xuất hiện như một thụ tạo cụ thể do Thiên Chúa sáng tạo giống như các tạo vật khác. Nó là một tình trạng xáo trộn, mất trật tự, chặn đứng tiến trình sự sống nội tại đột phát trong con người khi ăn Trái Cấm. Dung mạo của Nó như thế nào chưa xác định được.

Và khi hai nguyên tổ ăn Trái Cấm: Điều gì đã xảy ra? Đúng theo lời cảnh cáo của Chúa thì cả hai phải “chết”. Thế nhưng thực tế là mọi sự vẫn vận hành chứ không hề có “hai xác chết” bất động như chúng ta thấy diễn ra hằng ngày trước mắt. Hai nguyên tổ tiếp tục “sống” và sinh con. Cái đổi thay thấy rõ trước mắt là mọi tương quan tốt đẹp mà Thiên Chúa dựng nên cho con người sống hạnh phúc thì đều bị phá  vỡ. Và nặng nề nhất là con người bị đuổi xa nhan thánh Chúa: Không còn được sống dưới sự quan phòng chăm sóc của Thiên Chúa cách trọn vẹn nữa. Xa Chúa là nguồn sống, không còn được hưởng ân sủng “Trái cây trường sinh”, con người cạn dần sức sống và ngã gục trở về lại với bụi đất”.

Và cái chết như chúng ta thấy như hiện nay là do con người gây ra cho nhau. Và diễn tiến dẫn đến “cái chết” được Kinh Thánh mô tả là một vận hành đi ngược chiều với sáng tạo: Aben đang là một sinh vật sống động; bị Cain giết chết trở thành một đống thịt vô tri; và cuối cùng bị hủy diệt về lại bụi đất.

Vậy cái “chết” cụ thể bên ngoài mà mọi loài thụ tạo phải hứng chịu bây giờ chỉ là “ CÁI NGỌN”; Còn cái gốc “CHẾT” chính là xa lìa Thiên Chúa, chính là bị tách lìa ra khỏi tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, là vận hành trái chiều lại với đường lối công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Và cái đưa nhân loại đến hủy diệt là một khi đã sa ngã thì con người sợ hãi, trốn tránh Thiên Chúa; Mà càng đi xa, trốn tránh Thiên Chúa thì càng tiến nhanh vào ngõ cụt diệt vong. Tự sức mình, con người vô phương đảo ngược lại tình huống hủy diệt đó: đường dẫn đến “Cây Trường Sinh” đã bị ngăn chặn; Cửa Vườn Eđen đã khép lại với thiên thần canh giữ.

Vậy cứu thoát khỏi cái chết về thế lý như ta đang gánh chịu chỉ là “chữa ngọn” là an ủi tạm thời, đó không là sứ mạng của Đức Giêsu. Người đến trần gian này là để nối lại tương giao con người với Thiên Chúa và với nhau. Đó mới chính là “sự sống lại” và “sự sống” mà Đức Giêsu mang đến.

Thiên Chúa Cha sai Người đến trần gian trong tư cách là EMMANUEL nghĩa là từ nay, trần gian lưu đày đầy bóng tối đã trở thành nơi “Thiên Chúa ở cùng ta”, nơi ta nối lại tình thân với Thiên Chúa, nghĩa là nơi ta tìm lại được sự sống đã mất và hưởng được cuộc sống vĩnh cửu.

Bài đọc một trích từ sách Êdêkien là một lệnh của Yavê truyền ngôn sứ tuyên sấm cho Israel đang tình trạng tuyệt vọng như là một đám ruộng khô không còn chút hi vọng nào (37, 11). Yavê sẽ đến tận huyệt mộ để mở cửa và đưa dân ra khỏi huyệt. Qua hành động đó, Yavê biểu lộ uy quyền thần linh và dân nhận ra Yavê thật là Thiên Chúa. Công cuộc hồi sinh này được sách Êdêkien trình bày như là một công trình sáng tạo mới: Thiên Chúa ban Thần Khí của Người cho khối vật chất vô tri (cục đất Adam; đám xương khô) và tất cả thành sinh vật (Ed 37,5 . 9. 14).

Tin Mừng thuật lại dấu lạ gây chấn động: Đức Giêsu cho Ladarô chết và đã an táng bốn ngày được sống lại. Khác với các phép lạ cho sống lại trong Nhất Lãm (người chết vẫn còn trên dương thế, chưa chôn dù đã được khiêng đi an táng nhưng chưa tới nghĩa địa), dấu lạ hôm nay, Đức Giêsu đến tận huyệt mộ đưa Ladarô ra khỏi huyệt, trả ông về lại với cuộc sống của dân Chúa (giống hệt Ed 37, 12).

Tuy nhiên sứ điệp chính không nằm ở hai dấu lạ mà ở hai lời tuyên phán thần linh: “các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Yavê” (Ed 37,13a. 14b) và “Ta là sự sống lại và là sự sống” (Ga 11, 25). Các dấu lạ nhãn tiền, tức thời chỉ là dấu chỉ, là hình ảnh gợi ý, minh họa. Sứ điệp chính của “sự sống lại” và “sự sống” là sự nối kết lại mối tương giao thân tình với Thiên Chúa. Mối tương giao đó được Đức Giêsu mang đến nối kết lại cho chúng ta. Và chỉ có Người là Trung Gian Duy nhất đưa con người, vũ trụ về hiệp nhất mật thiết lại với Thiên Chúa. Người đúng là “sự sống lại và là sự sống”.

BÀI ĐỌC I : Ed 37, 12- 14

Dân Chúa đang bị lưu đày tại Babylon. Họ chỉ còn là một nhóm nhỏ, tan tác, bất lực nơi đất khách quê người, không ai lãnh đạo chỉ huy trước một đế quốc hùng mạnh. Đây là cuộc lưu đày bi thảm nhất từ trước đến giờ đối với họ: không còn đất đai, dân tộc, Đền Thờ, tế tự, vua quan, tập tục, Hòm Bia…mất tất cả. Không còn gì để bám víu, hy vọng vương triều Đavit hoàn toàn bị xóa bỏ, không còn ai kế vị.

Thực tế ấy khiến dân bi quan, niềm tin vào Thiên Chúa Yavê bị bào mòn. Có hy vọng gì phục hồi dân Chúa chăng ? Phải chăng Chúa bất lực hay đã từ bỏ dân rồi ? Êdêkien được Chúa trao cho sứ mạng đến vực dậy lòng tin cạy của dân. Êdêkien 37 là đỉnh cao của lời đáp của Chúa:

  • Xác nhận tình trạng của dân là như đám xương khô, với sức người vô phương hồi phục (1-3)

  • Nhưng Thiên Chúa đã có cách, sẽ can thiệp vực dậy (4-10)

  • Thiên Chúa giải thích thị kiến: Israel là đống xương khô, nhưng sẽ được hồi phục (11). Đây cũng là lời đáp trả khích lệ Israel tưởng rằng tình trạng của mình là tuyệt vọng.

  • Thiên Chúa ra lệnh cho Êdêkien phải loan báo cho dân niềm hy vọng sẽ được hồi sinh (12-14)

Bài đọc 1 chính là phần lệnh truyền của Yavê cho Êdêkien: Chúa sắp ra tay cứu dân, hãy vững lòng hy vọng: Thiên Chúa sắp cho dân về lại quê hương như Chúa đã làm cho đống xương khô nên đạo quân hùng mạnh. Vấn đề là phải đón nhận thần khí Chúa và tin vào Đức Chúa.

  1. Lời Đức Chúa hứa sẽ giải cứu và hồi sinh Israel (c.12 và c.14ab)

  • Đối tượng là Israel: “ Hỡi dân Ta”

  • Nội dung 1: giải cứu và đưa về lại đất hứa

“ Chính Ta mở huyệt … sẽ đưa … lên khỏi huyệt … đem … về đất Israel” (12)

  • Nội dung 2: ban Thần Khí, làm hồi sinh, tái định cư trên đất hứa

“ Ta sẽ đặt thần khí của Ta … các ngươi sẽ được hồi sinh … định cư trên đất …” (14ab)

“ Chính Ta”: Nhắc lại cho Israel chân lý căn bản mà họ đã lãng quên nên mới bị rơi vào cõi chết như hiên nay: chính Yavê là cội nguồn của sự sống, của hiện hữu, của tồn tại và của mọi phúc lộc của dân. Mọi ân huệ dân được hưởng đều đến từ Yavê.

“ mở huyệt …”: bản văn không nói đến phục sinh, nhất là sự sống lại thân xác cá nhân. Vì sao thời điểm bản văn được soạn thảo, chân lý này chưa được mặc khải cho Israel. Cả lời sấm ở câu 12b chỉ diễn tả 1 ý: Chúa sẽ đưa dân lưu đày về lại Đất Hứa. Đất lưu đày như là huyệt mồ chôn vùi dân tộc, danh dự, hy vọng của Israel . Giờ đây, Chúa sắp phá huyệt mộ ấy, kéo họ ra khỏi đó và đưa họ vào Đất Hứa, được coi là vùng đất phúc lạc, chan hòa sức sống mà Chúa đã đặc biệt ân ban cho dân Người.

“Ban thần khí’’ Ruakh = thần khí, hơi thở, gió.

Ở đây “thần khí” chưa có thể hiểu được là một ám chỉ đến Chúa Thánh Thần, nhưng chỉ mới được hiểu là sức mạnh của Thiên Chúa, được thông ban cho những ai Chúa chọn nhằm giúp họ hoàn thành sứ mạng theo như Chúa mong muốn. Tuy nhiên theo văn mạch của Ed 37, 9 : Từ bốn phương trời, hỡi thần khí hãy đến THỔI vào những người đã chết này cho chúng được hồi sinh ” , thì ở đây phải hiểu “thần khí” là hơi thở ban sự sống. Cách hiểu này làm liên tưởng tới St 2, 7 : Yavê là Thiên Chúa đã THỔIhơi thở của sự sống” vào tượng đất Adam biến nó thành con người sống động; rồi vạn vật tồn tại được là nhờ “ruakh của sự sống”( St 6, 17:7.15 ), đến khi cái “hơi thở của ruakh của sự sống” mất đi thì tất cả đều chết ( St 7, 22 ). Cũng vậy, ở đây nhờ ruakh của Thiên Chúa mà các bộ xương được hồi sinh thành người sống. Vậy “ thần khí” ở đây là hơi thở của Thiên Chúa được Người dùng để tạo nên sinh vật và khi chết thu hồi lại ( Tv 104, 29 – 30 ; G 27, 3; 33, 4 )

          Israel trong đất lưu đày chỉ như là bộ xương khô, không còn được hiện hữu trong thế giới người sống, nhưng nay Thiên Chúa sắp cho hồi sinh bằng cách ban cho họ “ thần khí” Người. “Hồi sinh” ở đây chưa có thể hiểu là phục sinh thân xác cá nhân, nhưng chỉ áp dụng cho việc hồi phục tập thể Israel, nghĩa là cứu họ khỏi diệt vong, khỏi bị xóa tên trên bản đồ thế giới. Tuy nhiên, những khái niệm “mở huyệt”, “ thần khí”, “ hồi sinh” là những dọn đường tuyệt vời cho mặc khải về Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa cho thân xác chúng ta sống lại cùng với Đức Giêsu, để rồi tất cả vạn vật sẽ sống mãi trong tình yêu của Thiên Chúa.

  1. Mục đích của việc hồi sinh dân Chúa ( c.13 và c 14c )

*     Để Thiên Chúa biểu lộ vinh quang, giúp dân nhận ra vinh quang và đưa họ vào trong đó nghĩa là để họ sống mãi trong Thiên Chúa: “ Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Yavê.

*      Khi Ta mở huyệt… đưa các ngươi..” (c. 13 ). “ Ta đã phán là Ta làm” (c. 14c )

“…Ta là YHWH” : Yavê, là tên của Thiên Chúa, được Người đích thân mặc khải cho Môsê và cho dân khi ra tay cứu họ khỏi ách Ai cập. Từ nay, dân sẽ kêu cầu Thiên Chúa với danh ấy cho tới muôn đời ( Xh 3, 13 – 15 : Eh¶yeh asher Eh¶yeh).

Vậy “biết chính Ta là YHWH” nghĩa là đi vào một tương giao thân tình với Thiên Chúa như Người muốn, như đã được mặc khải; là biết đúng tên Người để có thể kêu cầu, tụng niệm nghĩa là nói lên rằng mình thuộc về Thiên Chúa, đặt vận mạng của mình trong tay Chúa, ẩn mình dưới sự che chở bảo vệ của Người. Nói cách khác “ biết Thiên Chúa YHWH”cũng có nghĩa là tôn thờ, ca ngợi Chúa như Người đã mặc khải, là làm cho tên YHWH được mọi người biết đến là nhận lấy danh dự, vinh quang của YHWH làm gia phần, lẽ sống của mình, là sống ơn cứu độ Chúa thương ban đúng như Người mong muốn.

Như vậy khi hồi sinh dân để dân nhận ra Người là YHWH, Thiên Chúa muốn dân được sống, sống dồi dào hạnh phúc dưới sự bao bọc yêu thương của Chúa trong tâm tình tri ân cảm tạ. Đây là một cách Thiên Chúa nhắc lại điều Người đã dạy bảo dân khi mặc khải Thánh Danh và đưa họ khỏi Ai cập: Chúa cứu họ, đưa họ vào sa mạc là để tế lễ phụng thờ Chúa ( Xh 3, 18b ), là để nhận lấy lề luật, trở thành dân riêng của Chúa ở giữa chư dân, là một dân tư tế, thánh thiện ( Xh 19, 5 – 6 ), chứ không phải là để sống phóng túng tùy tiện. Bởi vì hạnh phúc đích thực của con người chỉ có được và bền vững khi họ nhận ra rằng Thiên Chúa là YHWH và sống tốt mối tương quan YHWH – Dân đúng như Chúa dạy bảo.

  1. Tóm kết:

     Giữa chốn lưu đày đau thương tưởng như tuyệt vọng, ngôn sứ đã lên tiếng loan báo cho dân Tin Mừng giải thoát được hồi hương. Tuy nhiên hình ảnh được sử dụng để loan báo Tin Mừng quả thật là lạ lùng, ấn tượng và táo bạo với não trạng thời đó: Đưa ra khỏi huyệt, hồi sinh đám xương khô. Với mực độ mặc khải thời đó, những cụm từ trên không thể hiểu về sự phục sinh thân xác cá nhân. Tuy nhiên đối với những ai đã tin nhận mặc khải của Đức Kitô thì không có gì ngăn cản họ hiểu như thế. Chắc chắn phụng vụ đã muốn hiểu như vậy khi chọn đoạn này đi đôi với trích đoạn Tin Mừng nói về việc phục sinh Ladarô.

Qua lời loan báo giải thoát,với cách diễn tả mới mẻ này, Yavê đã tự tỏ mình cho dân rằng Người là Thiên Chúa của sự sống, của phục sinh: Và tất cả những ai nhận biết Người như thế và sống trung tín với Người thì cũng sẽ được thông phần sự sống và hạnh phúc ấy. Tin Mừng hôm nay sẽ khai triển ý tưởng trên.

TIN MỪNG : Ga 11,1-45

Đây là phép lạ cuối và lớn nhất mà Đức Giêsu thực hiện cho dân theo Tin Mừng 4. Tiếp theo là tuần thương khó (12,1) hoàn tất sứ vụ trần thế.

Phép lạ này được Tin Mừng 4 đặt vào khung cảnh của lễ Cung Hiến. Trong dịp lễ này, Đức Giêsu đã mặc khải rõ Người là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa: “Tôi và Chúa Cha là một” (10,22-30).

Vì hiểu đúng ý của Đức Giêsu nên người Do Thái đã lấy đá ném Người , cho rằng Người phạm thượng (10,31-33). Đáp lại họ, Đức Giêsu tiếp tục nhấn mạnh Người là Con: “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha”, trước đó Người mời họ hãy tin: nếu chưa tin được vào căn tính của Người thì ít ra hãy tin vào các việc Người làm công khai (10,34-38). Nhưng người Do Thái vẫn không tin, họ tìm cách bắt Người (10,39) và Người đành lánh đi. Chính trong khung cảnh đó phép lạ Phục Sinh Ladarô được đặt vào.

Mặc khải trọng tâm của Gioan 11,1-45 là việc Đức Giêsu tỏ mình “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết” (11,25-26).

Vào lúc đó, mặc khải ấy chưa được đón nhận, kể cả hai người rất tin vào Đức Giêsu là chị em Macta và Maria. Họ không tin là Đức Giêsu có thể cho Ladarô sống lại ngay lập tức trong hiện tại (x.11,24.39-40).

Và dấu lạ cho Ladarô chết đã chôn đến ngày thứ tư, được sống lại nguyên vẹn, là một sự can thiệp thần linh của Chúa Cha để cho tất cả ai có mặt đều thấy và tin vào những lời mặc khải trước đó của Đức Giêsu.

Hơn nữa dấu lạ được thực hiện rất nhanh, mọi sự hoàn tất ngay tức khắc: chỉ một lệnh truyền của Đức Giêsu là Ladarô tức khắc thoát khỏi xiềng xích của Tử Thần. Tin Mừng kín đáo cho thấy Đức Giêsu là Thiên Chúa.

  1. Giới thiệu các nhân vật, sự kiện, bối cảnh (Ga 11,1-6).

  • Ba nhân vật trong gia đình Bêthani, Ladarô đang bệnh nặng (cc.1-2).

  • Hai người chị đưa tin cho Đức Giêsu “người Thầy thương mến (philêis) đang đau nặng” (c.3).

  • Phản ứng của Đức Giêsu:

  • Nhận xét về căn bệnh: “bệnh này không đến nỗi chết đâu”.

  • Ý nghĩa cơn bệnh này trong dự tính Đức Giêsu: nơi Thiên Chúa bày tỏ vinh quang và Con Thiên Chúa được tôn vinh (c.4).

  • Cụ thể Đức Giêsu nán lại thêm hai ngày dù rất thương gia đình Bêthani (cc.5-6).

Nhắn tin với hi vọng Đức Giêsu sẽ đến chữa lành kịp thời. “Người Thầy thương mến”, nhằm đánh động tình cảm thân thương của Đức Giêsu với Ladarô. Tuy nhiên, đối với Đức Giêsu, tình cảm nhân loại không phải là yếu tố thúc đẩy Người hành động. Yếu tố hướng dẫn toàn bộ sứ vụ của Người là vinh quang Thiên Chúa và ơn cứu độ cho cả nhân loại.

Lưu ý: Trong tiếng Hi Lạp có ba động từ khác nhau để nói về “tình yêu”:

  • Agapao: tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại, hoặc tình yêu các tín hữu đối với nhau.

  • Êramai: tình yêu đam mê, thường dùng cho tình yêu phái tính.

  • Philêo: tình bạn hữu diễn tả nghĩa khí của những người bạn tốt, thân thiết đối với nhau.

Phản ứng của Đức Giêsu đặt trọng tâm ở câu 4. Cách chung, qua câu 4, Đức Giêsu điều chỉnh lại động cơ thúc đẩy Đức Giêsu hành động. Ở 9,3 hai bà chị đưa ra lý do “tình bạn”, sự thân tình theo lối nghĩa khí nhân loại (bạn bè thân thiết thì không thể bỏ nhau nhất là khi nguy khốn). Đức Giêsu sửa lại: không phải vì con người có nghĩa với Chúa mà Chúa cứu (thực ra con người bội phản Chúa) : Đức Giêsu khẳng định rằng động lực của mọi hành động của Người là để làm vinh danh Thiên Chúa và biến mọi sự, nhất là những người đã tin Chúa như Ladarô, các tông đồ, trở thành chứng nhân, cộng tác viên cho vinh quang ấy (cc. 14-15). Mọi hành vi, phản ứng của Đức Giêsu đều thấm nhuần và được hướng dẫn bởi tư tưởng chủ yếu này trong câu 4 (x. CGKPV “Tân Ước” 441 p).

Đức Giêsu nán lại thêm hai ngày nữa và khi đến nơi thì Ladarô chôn đã đến ngày thứ 4 rồi. Người làm vậy là có chủ ý:

  • Trước tiên, điều đó cho thấy Đức Giêsu không hành động theo cảm tính cá nhân nhân loại, không theo ước muốn phàm nhân cho dù là chính đáng theo cảm quan con người. Người chỉ làm theo Ý Cha, tôn trọng “GIỜ”, không đốt giai đoạn.

  • Mục đích là biến biến cố này thành “dịp để bày tỏ vinh quang Thiên Chúa… Con Thiên Chúa được tôn vinh”. Thật vậy, việc Đức Giêsu Phục Sinh Ladarô đã là nguyên nhân trực tiếp đưa đến cái chết của Người (11,46.53), đồng thời cũng báo trước Phục Sinh. Mà Thập Giá và Phục Sinh là thời điểm và cách thức Thiên Chúa đã chọn để tỏ lộ vinh quang và tôn vinh Con của Người. Không ai có thể thay đổi “GIỜ” “CÁCH THỨC” của Chúa. Đức Giêsu còn ở lại hai ngày nữa và ngày thứ ba sẽ lên đường, như Người đã sống lại vào ngày thứ ba trong vinh quang Chúa Cha vậy.

  • Trong tương quan với hai bà chị của Ladarô:

Việc Đức Giêsu không chịu về ngay đã khiến hai bà rơi vào cảnh tuyệt vọng, khổ đau cùng cực. Và không dằn được lòng, hai bà phải bộc lộ qua lời than trách Đức Giêsu, khi vừa gặp lại Người: “phải chi Thầy ở đây thì em con không chết”. Và thực tại tuyệt vọng ấy đã làm lộ rõ ra niềm tin của hai bà đối với Đức Giêsu còn yếu kém, chưa trọn vẹn: Hai bà không quan tâm đến lời trấn an của Đức Giêsu: “em chị sẽ sống lại!” (c.23). Lời mời gọi “hãy tin tưởng vào Người” đó bị Macta đẩy lùi cho đến ngày tận thế theo Ý Cha đã định, chứ không diễn ra ngay giờ này, tại đây do con người Giêsu thực hiện (cc.22-24; 39-40). Nếu Đức Giêsu về sớm, chữa bệnh sớm thì “lỗ hổng” trầm trọng này của đức tin hai bà chị sẽ không bị vạch mặt. Và nếu như vậy, phần xác được vui một chút, còn phần đức tin vào Đức Giêsu vẫn còn ẩn khuất trong bóng tối của tâm hồn hai bà.

Điều Đức Giêsu muốn tặng ban không là một phép lạ, cho dù vĩ đại đến đâu đi nữa, cho xác thân một cá nhân (trong một ngày có cả khối người chết, cứu sống chỉ một người thì có ý nghĩa gì?) mà là Đức Giêsu đang chiến thắng Tử Thần giải cứu toàn thể nhân loại (mà Ladarô là biểu tượng) khỏi “huyệt mộ” vĩ đại là trái đất, là thế giới thụ tạo này để hưởng sự sống đời đời (c.26) của Thiên Chúa.

Lời tuyên xưng của Macta trong Gioan 11,26 thực ra chưa đạt được tầm vóc viên mãn: bà chưa thể nào tin được rằng Đức Giêsu ngay trong hiện tại, ngay tại nhà hiếu này đang NẮM TRONG TAY QUYỀN LỰC THẦN LINH CỦA THIÊN CHÚA. Chính vì thế, họ đã ngăn cản Đức Giêsu khi Người ra lệnh mở cửa mộ.

Nếu Đức Giêsu về sớm, hai bà không rơi vào thảm cảnh, và như thế, việc Ladarô được cứu khỏi chết chẳng tác động bao nhiêu đến đức tin của hai bà vào quyền năng Đức Giêsu, vì hai bà đã tin vào điều đó nên mới cho mời Đức Giêsu về sớm. Nếu mọi sự đều diễn ra theo như ý hai bà muốn thì Đức Giêsu vẫn chỉ là một con người thân quen đặc biệt đối với gia đình và dễ dàng được các bà “nhờ vả” khi cần thế thôi.Tuy nhiên điều mà Đức Giêsu muốn khi cho Ladarô sống lại, là đưa hai bà vượt qua được giới hạn tình cảm để tiến sâu hơn vào mầu nhiệm đức tin. Phải trải qua cơn khủng hoảng này tận đáy thẳm của tâm hồn mình thì Macta, lẫn Maria, mới có thể bắt đầu tiếp cận, hiểu được lời mặc khải của Đức Giêsu: “Thầy là sự sống lại và là sự sống…” (cc.25-26).

Nói cách khác, hai bà phải trải qua con đường Thập Giá (là đi cho hết, đến cùng cực thân phận con người tội lỗi với tất cả những hệ quả kèm theo) thì mới thật sự bắt đầu hiểu thế nào là Phục Sinh.

“Chết” và “sống lại” không là chuyện riêng của thân xác mà thôi đâu; Mà là bao gồm toàn thể nhân vị của một con người. Chủ yếu là mối tương quan phải có với Đức Giêsu:

Vắng bóng Đức Giêsu là bệnh rồi chết cuối cùng bị Tử Thần giam giữ.

Và khi có mặt Đức Giêsu, sự sống quay trở lại, con người được hồi sinh. Tử Thần phải mở cửa Âm Ty để thả ra những ai bị cầm giữ.

Vậy cái chết bốn ngày của Lazarô, sự khổ đau cùng cực của hai bà chị … là những hình ảnh báo trước Thập Giá của Đức Giêsu: Người cũng phải đi tới tận cùng thân phận con người tội lỗi; Lúc đó, Người mới có thế nói “mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30), rồi sau đó là bước vào vinh quang Phục Sinh.

Đức Giêsu còn đảm nhận mọi hệ quả của phận làm người đến cùng khi “xuống ngục tổ tông” để giải thoát toàn thể nhân loại mọi thời ra khỏi quyền  thống trị của Tử Thần. Từ nay vì xác phàm giới hạn, con người vẫn phải chết thể xác, nhưng Tử Thần không giam giữ được sự sống của nhân loại nữa.

Và những gì diễn ra cho hai bà chị của Ladarô thì cũng là điều là Đức Giêsu muốn các tông đồ cùng phải hiểu và đón nhận (11,15). Và Đức Giêsu cũng muốn bày tỏ cho cả đám đông có mặt lúc đó, hàm ý là cho tất cả mọi người, mọi lúc, mọi nơi (11,42).

Và cuối cùng, Đức Giêsu cũng muốn con người góp phần vào công cuộc giải phóng của Người. Người bảo đám đông hãy cởi vải liệm ra cho Ladarô. Đó là những biểu tượng quyền lực của Tử Thần còn vướng lại, bám víu kẻ đã được Chúa Phục Sinh. Phải có chút đóng góp đó của con người, Ladarô mới thật sự hội nhập lại với cuộc sống cách trọn vẹn.

  1. 2. Cuộc đối thoại với các môn đệ (Ga 11,7-16).

  • Đức Giêsu quyết định trở lại Giuđê (c.7)

  • Phản ứng của môn đệ: “… người Do Thái tìm cách ném đá Thầy, mà …?” (c.8)

  • Giải thích của Đức Giêsu:

  • Người phải tận dụng thời gian “ban ngày” còn lại để hoàn tất những việc cần phải làm (cụ thể là cứu sống Ladarô) trước khi đêm tối Thập Giá ập tới (cc.9-10)

  • Báo cho môn đệ: Ladarô đã chết qua hình ảnh “giấc ngủ” (c.11).

  • Môn đệ hiểu lầm và Đức Giêsu phải giải thích là Ladarô đã chết đồng thời bày tỏ dự tính đối với các môn đệ qua sự cố đó: “…để anh em tin…” (cc.12-15).

  • Phản ứng môn đệ qua lời Tôma: “… cũng đi để cùng chết với Người” (c.16)

Bày tỏ vinh quang Thập Giá và Phục Sinh qua ngôn ngữ biểu tượng “ngủ”, “đánh thức”. Sau hai ngày ở nán lại, Đức Giêsu quyết định về lại Giuđê để thăm Ladarô. Tại sao không nói “về Bêthania” mà lại nói “về Giuđê”?. Giuđê dễ gợi lên Giêrusalem nơi Đức Giêsu chịu chết. Vậy Thập Giá của Đức Giêsu đã ẩn hiện nơi cái chết của Ladarô.

Thật vậy, cả phần này, nhất là câu 8 và câu 16, cho thấy Thập Giá: khi biết quyết định của Đức Giêsu, các môn đệ đã thắc mắc (c.8 so với 10,39). Câu đáp của Đức Giêsu (cc.9-10) có ý nghĩa tượng trưng khi áp dụng vào câu 9,4: “còn ban ngày” có nghĩa là thời gian thi hành sứ vụ mà Chúa trao cho Người còn, thì Người cứ làm việc, tận dụng; “Giờ” chưa tới thì chẳng ai làm gì được Người. (10,18). Đêm tối sẽ chỉ đến vào thời điểm Cha ấn định: đó là giờ mà Satan và bầy tôi của nó là Thượng Hội Đồng, bề ngoài xem ra đã chiến thắng, nhưng thực tế hoàn toàn khác hẳn (x. 13,2; 14,30-31), vì Đức Giêsu là ánh sáng trần gian; ánh sáng chỉ rực sáng sau thời điểm Thập Giá và tối tăm không thể triệt hạ được (1,5).

Vậy qua lời đối đáp này, Đức Giêsu mặc khải rằng sứ vụ, cái chết của Người là kết quả vừa là của Ý Cha, vừa là của sự tự nguyện của chính Người, kể cả ác ý của con người cũng không nằm ngoài dự liệu của Người; và trong tình yêu, Người đã tận dụng ngay cái ác ý ấy biến chúng thành công cụ để Cha sử dụng hoàn tất công trình cứu độ. Qua đó Đức Giêsu cho thấy Người là ánh sáng mà đôi khi dường như bị tối tăm lấn lướt (Thập Giá); nhưng thực tế tối tăm không làm chi được Người và cuối cùng đành phải bị tiêu diệt bởi ánh sáng Phục Sinh xuất ra từ Thập Giá.

  1. 3. Đối thoại với Macta: tỏ lộ căn tính thần linh (Ga 11,17-27)

  • Bối cảnh: Ladarô chết, đã chốn đến ngày thứ 4. Một số người Do Thái vẫn còn ở lại chia buồn với hai chị em Macta – Maria. (18-19)

  • Cuộc đối thoại:

  • Xác tín tiên khởi của Macta: “nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết” (c.21).

Tin Cha luôn nhận lời Đức Giêsu (c.22)

Tin Ladarô sẽ sống lại trong ngày sau hết (cc.23-24)

  • Mặc khải của Đức Giêsu: Người là “sự sống lại và là sự sống” ; Hoa trái: “ai tin… sẽ không bao giờ phải chết” (cc.25-26).

  • Lời tuyên xưng chung cuộc của Macta: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến…” (c.27).

Qua cuộc đối thoại này, Đức Giêsu từng bước đưa đức tin của Macta đến gần với căn tính đích thực của Người:

Nếu có thầy ở đây …”: Bước đầu, qua một lời như trách móc, tiếc nuối, Macta đã biểu lộ niềm tin của bà vào Đức Giêsu. Bà tin vào sứ mạng, vào quyền năng chữa lành của Người. Bà tin rằng Đức Giêsu thắng được Tử Thần, nhưng chỉ trong chừng mực là chặn được bàn tay Tử Thần không cho y chụp bắt bệnh nhân, chứ bà chưa tin được là Đức Giêsu có thể giựt được một người đã chết chôn 4 ngày ra khỏi tay Tử Thần, nghĩa là Người phá được luôn cả Shéol, nơi một khi người chết đã vào thì vĩnh viễn không ra được nữa.

Do đó câu 22 không thể hiểu là bà kín đáo xin Đức Giêsu cứu sống Ladarô (x. c.39) mà chỉ có thể hiểu rằng: mặc dù em bà đã chết thì việc bà tin rằng Đức Giêsu có thể ngăn chặn được bàn tay Tử Thần, luôn được Cha nhận lời trong việc chữa lành bệnh tật, là không hề lay chuyển. Khi thốt ra câu này, có thể Macta cũng đã nghỉ tới hai trường hợp hồi sinh kẻ chết của Elia và Elise (x. 1V17,17-24; 2V 4,18-37). Nhưng đó là hai trường hợp vừa mới chết, chưa chôn, xác chưa phân hủy, nghĩa là theo niềm tin bình dân của Người Do Thái, hồn vía người chết còn lởn vởn quanh xác, chưa vào Shéol nên còn có thể níu kéo lại được. Còn ở đây, xác của Ladarô bắt đầu hư hoại rồi; việc làm cho sống lại chỉ duy Thiên Chúa thực hiện được mà thôi. Cho tới lúc này, Macta không thể có được đức tin Đức Giêsu là Thiên Chúa. Tuy nhiên theo văn mạch, đó lại là điều mà Đức Giêsu muốn mặc khải.

Em chị sẽ sống lại”: Bước khởi đầu của mặc khải, Đức Giêsu gợi lên niềm tin về sự sống lại. Và Macta, với tất cả niềm xác tín của một người Do Thái ngoan đạo đã bày tỏ niềm tin của mình vào việc Phục Sinh thân xác trong ngày sau hết.

Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống”: được sống lại vào ngày cánh chung không phải là điều Đức Giêsu muốn mặc khải ở đây. “Sống lại” không phải là chuyện tương lai, mà là hiện tại. Cuộc sống mới đang hiện diện nơi Đức Giêsu, ngay lúc này. Sự sống ấy được ban tặng ngay lúc này cho những ai tin vào Người.  Mặc dù chút nữa, Đức Giêsu sẽ cho Ladarô Phục Sinh, nhưng “làm phép lạ” không phải là sứ mạng của Đức Giêsu và phần Ladarô sau một thời gian cũng phải chết lại; Do đó, ta phải hiểu lời mặc khải của Đức Giêsu trên bình diện thiêng liêng của ơn cứu độ: Đức Giêsu chính là Thiên Chúa, Người có đủ quyền lực giựt chúng ta khỏi tay thần chết, cứu ta ra khỏi Shéol và gìn giữ kẻ mãi tin trong sự sống sung mãn và vĩnh cửu của Người cho dù trước mắt xác thân còn phải chịu hư nát vì hậu quả của tội.

Con vẫn tin Thầy là”: như vậy trên giáo thuyết, Macta đã được đưa tới chóp đỉnh của đức tin trong tương quan với huyền nhiệm con người Đức Giêsu. Tuy nhiên để biến giáo thuyết thành đức tin, Macta cần được thử thách tinh luyện (x. c.39 kiểu như Phêrô tuyên tín rất tốt nhưng đã vội rút lui khi nghe mặc khải Thập Giá). Phép lạ phục sinh cho Ladarô sẽ là một minh họa sống động, đầy thuyết phục cho mặc khải của Người ở Gioan 11,25-26.

  1. 4. Dấu lạ minh họa cho mặc khải của Đức Giêsu (Ga 11,28-44)

  • Gặp Maria, Maria nhắc lại lời Macta “nếu có Thầy ở đây…” (c.32)

  • Không có đối thoại, nhưng bản văn cho thấy tình cảm của Đức Giêsu, rất con người, nhất là khi nghe câu nói có dáng vẻ thách thức “ông ta đã … anh ấy khỏi chết ư?” (cc.33-38).

  • Dấu lạ (cc.39-44)

  • Lệnh truyền mở cửa mộ: “đem phiến đá này đi”.

  • Phản ứng của Macta: “đã nặng mùi, chôn 4 ngày rồi” (c.39)

  • Lời khích lệ củng cố đức tin: “nào thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin…” (c.40)

  • Thi hành lệnh

  • Lời khẩn cầu của Đức Giêsu cùng Cha: tin Cha luôn nhận lời (cc.41-42a). Xin cha biểu lộ quyền năng vì lợi ích những người chung quanh (c.42b).

  • Lệnh cho Ladarô – Phục Sinh (cc.43-44)

  • Kết quả: trong số … có nhiều kẻ đã tin vào Người (c.45).

Xúc cảm của Đức Giêsu khởi phát từ cái khóc của Maria và của những người đi theo cô. Tình trạng tinh thần của Maria không khá gì hơn Macta: “nếu có Thầy ở đây…”

Tại sao Đức Giêsu lại bộc lộ ra những xúc cảm: khóc, thổn thức trong lòng, xao xuyến ? Người đến với chủ đích rõ ràng là để cứu sống Ladarô mà!.

Đức Giêsu khóc”: trong Tin Mừng 4 chỉ có hai lần nói “ Đức Giêsu khóc” (Ga 11,35 và Lc 19,41). Ở Luca 19,41, Đức Giêsu khóc vì thành Giêrusalem đã cứng tin không nhận ra sứ điệp bình an do Người mang đến (Lc 19,42). Từ gợi ý của Luca, ta có thể nhận ra hình như trong Gioan 11 nguyên nhân khiến Đức Giêsu khóc là do lòng bất tín của người Do Thái ẩn chứa trong câu hỏi như thách thức (11,37 so với Mt 27,42 //), là do niềm tin nữa vời của Macta (11,39) và do thái độ đau khổ của Maria ngập chìm trong đau khổ tuyệt vọng đến độ không nhận ra Đức Giêsu đã đến (11,28.32). Lý giải này được củng cố thêm qua vài xúc cảm khác của Đức Giêsu được Tin Mừng ghi lại.

Đức Giêsu thổn thức trong lòng” (11,33.38): lý do cũng như trên. Câu 33 liên kết với câu 32 (nhắc lại câu 21 của Macta). Câu 32 cho thấy lòng yếu tin của cả hai chị em : chỉ tin Đức Giêsu ngăn cản bàn tay của Tử Thần chứ không tin Người phá được Shéol ( so câu 32 với Mc 5,23.35). Rồi câu 38 liên kết câu 37 (như lời thách thức). Rõ ràng tất cả những người hiện diện không ai tin đủ vào Người. Chẳng những thế lại còn trách móc, thách thức. Bóng Thập Giá thật đáng sợ. Sự cứng tin thật đáng “nổi giận” (dịch sát: Đức Giêsu nổi giận, bực dọc trong tinh thần).

Đức Giêsu xao xuyến” (11,33): động từ Tarassô chỉ gặp trong văn mạch cuộc tử nạn (12,27; 13,21). Sự xao xuyến và nỗi ghê sợ của Đức Giêsu trong cuộc hấp hối tại vườn Cây Dầu được ghi trong Nhất Lãm, dường như được Tin Mừng 4 đưa vào cảnh này và vào cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với nhóm Hi Lạp (12,27).

Vậy, đối với Đức Giêsu, cái chết của Ladarô là dấu tiên báo về Thập Giá và về cuộc chiến thắng tạm thời của quyền lực tối tăm. Đó là nguyên nhân chính của những xúc cảm của Đức Giêsu, mặc dù không loại trừ tình cảm nhân loại nơi Người.

Dấu lạ: trong trình thuật này, dấu lạ được thuật lại sau cùng như là một minh họa đầy thuyết phục cho những gì đã được nói ở phần trên. Dấu lạ được thực hiện bằng một lời tạ ơn lớn tiếng nhắm vào đám đông đang đứng ở đó. Đức Giêsu chắc chắn Thiên Chúa nhận lời của Người nên lời xin biến thành lời tạ ơn, xem như phép lạ chắc chắn sẽ xảy ra. Người nói lớn để mọi người nghe hầu tin vào Người, tin vào sự hiệp nhất giữa Người với Cha, và chuẩn bị đức tin cho các tông đồ (x. c.15) đón nhận Thập Giá cách can đảm để đi đến Phục Sinh.

Tiếp theo là một lệnh truyền cho người chết “hãy ra khỏi mồ”. Dấu lạ được mô tả cực ngắn. Chỉ với một lời của Đức Giêsu, Tử Thần đành phải thả con mồi, cánh cửa Shéol giam cầm bao người bị phá tung: Đức Giêsu quả là Thiên Chúa.

Ở trong mồ đã đến ngày thứ tư” : khoảng thời gian bốn ngày chẳng phải là một lựa chọn ngẫu nhiên, nó liên hệ đến niềm tin bình dân của người Do Thái: Người Do Thái thời Đức Giêsu tin rằng trong ba ngày đầu tiên sau khi tắt thở, hồn vía người chết hãy còn lảng vảng bên thây ma, chỉ từ ngày thứ tư khi xác bắt đầu thối rữa, chúng mới bỏ đi. Ngày thứ tư mới là thời điểm xác định chết thật sự. Và như vậy thì chiến thắng của Đức Giêsu trước tử thần mới rực rỡ, thuyết phục.

Kết thúc: có nhiều người tin (c.45): bản văn Kinh Thánh còn tiếp tục từ câu 46 trở đi với những nét tiêu cực mà chóp đỉnh là câu 53, các địch thủ quyết định giết Đức Giêsu. Nhưng bản văn phụng vụ kết ở câu 45: có nhiều người trong họ tin vào Đức Giêsu. Trong tinh thần phụng vụ, Giáo Hội mời chúng ta, nhất là các tân tòng, qua phép lạ này, tin nhận Đức Giêsu là sự sống lại và là sự sống. Tất cả là để dọn đường cho các dự tòng đón nhận phép rửa, tuyên xưng Đức Giêsu Thập Giá chính là Thiên Chúa vào đêm Vọng Phục Sinh.

  1. 5. Tóm kết

Toàn bộ giáo huấn của Gioan 11 tập trung vào các câu 25,26 : Đức Giêsu tỏ mình ra cho ta Người là sự Phục Sinh và là sự sống, bất kì ai tin vào Người dù đã chết cũng sẽ được sống. Tuy nhiên câu hỏi quyết liệt và đáng sợ được đặt ra cho mỗi người chúng ta là : bạn có tin vào điều đó không?, đang khi trước mắt bạn người thân đang vừa an táng trong nấm mồ ?.

Vậy mỗi người chúng ta được thúc đẩy phải tuyên xưng niềm tin ấy. Sứ điệp Phục Sinh không đề xuất ra cho ta những xác tín dễ dãi, an toàn được đặt nền trên những kinh nghiệm lạ kỳ, rõ nét. Sứ điệp ấy đề xuất ra cho ta một lời mặc khải và một lời hứa.

Lời mặc khải đó là Đức Giêsu đã chiến thắng tử thần.

Và lời hứa đó là Người có thể liên kết ta vào trong chiến thắng đó.

Đức tin không miễn trừ cho ta phải cảm nghiệm cách khắc nghiệt những thời gian tang chế, những trần trụi của cuộc sống hằng ngày và sự sợ hãi cái chết; nhưng đức tin là hiểu và chấp nhận sống những biến cố hiện tại được ánh sáng của sự sống siêu đẳng mà Đức Giêsu loan báo cho ta và Người là cội nguồn sự sống ấy.

Tin vào biến cố Phục Sinh không chỉ là công việc thuần túy của trí khôn, nhìn nhận Đức Giêsu đã thực sự sống lại nhưng còn là đón nhận và sống sự phong phú của biến cố đó (bao gồm Thập Giá và Phục Sinh) nơi chính bản thân mình; Rồi sau đó, trở thành cánh tay nối dài của Đức Giêsu chuyển thông sức sống Phục Sinh cho toàn thế giới.

Frère Pierre Đình Long FSC