“Ai yêu mến Thầy sẽ giữ Lời Thầy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23).
Chuỗi âm thanh của một lời nói sẽ qua mau; Nhưng nội dung sứ điệp của một lời nói sẽ tồn tại lâu bền trong tim của người nghe nếu nó được đón nhận bằng tình yêu. Chẳng những thế lời của người mình yêu có thể làm thay đổi cuộc đời mình. Nó trở nên mối dây ràng buộc, nối kết giữa mình với người mình yêu.
Đức Giêsu đã dạy, đã mặc khải và kể cả đã làm nhiều dấu lạ cả thể trước mắt người Do Thái, nhưng họ vẫn không để tâm, gìn giữ Lời Người. Những dấu chỉ thật lớn lao như chữa lành anh mù từ thuở mới sinh, như hồi sinh Lazarô chết chôn đã bốn ngày vẫn không tác động gì trên tâm trí họ, thậm chí còn có người trong họ còn muốn tìm cách hủy hoại, xóa đi những dấu vết tình yêu đó của Người: “họ quyết giết luôn Lazarô” (x. Ga 12, 10).
Khi không được đón nhận bằng tình yêu thì mọi lời mặc khải chỉ là một chuỗi âm thanh lọt vào màn nhĩ rồi qua đi chứ không tác động gì trên cuộc sống của người nghe. Chính vì thế mà dù đã được Đức Giêsu mặc khải nhiều lần về căn tính của Người, đám Do Thái vẫn cứ bám riết theo người dò hỏi: “Nếu ông là Đấng Kitô, thì xin nói công khai cho chúng tôi biết” (x. Ga 10, 24). Đức Giêsu phải nói thẳng ra cho họ một sự thật đáng buồn: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin…vì các ông không thuộc về đàn chiên của tôi” (10, 25-26). Và thực tế cho thấy lời Đức Giêsu là đúng: khi Người mặc khải cho họ “Tôi và Chúa Cha là một”, họ đã lượm đá ném Người (10, 30-31).
Mặc dù vậy, Đức Giêsu vẫn yêu thương tìm cách giúp họ đón nhận mặc khải: Người nhắc họ hãy nhìn vào những dấu lạ lớn lao người đã làm để dù rằng về mặt cảm tính họ không tin nhận Người thì cũng hãy bình tâm lại tự hỏi xem từ đâu, nhờ ai mà Người làm được những dấu lạ tuyệt vời như thế? Người gợi ý cho họ: “những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi” (10, 25); “nếu tôi làm những việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin vào các việc đó” rồi dần dần các ông sẽ nhận ra tôi và Cha tôi là một” Chúa cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha (x. Ga 10, 38). Thiện chí, tình yêu của Đức Giêsu đối với dân Do Thái bị họ từ khước. Với đám đông, nhìn chung Đức Giêsu đã thất bại (12, 37). Người chỉ còn lại chút hy vọng nơi nhóm nhỏ môn đệ thân tín (x. Ga 6, 67-69).
Chính vì thế, trong buổi Tiệc Ly, khi Giuđa-không phải là Giuđa Itcariốt kẻ bán Người-hỏi “Tại sao Thầy lại tỏ mình ra cho chúng con mà không tỏ mình ra cho thế gian? (14, 22) thì Đức Giêsu trả lời: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (14, 23). Đức Giêsu hy vọng các môn đệ sẽ yêu Người và lúc ấy Cha-Người-môn đệ sẽ nên một. Vì thế Đức Giêsu mặc khải tất cả cho môn đệ dù hiện tại các ông chưa đủ sức hiểu tất cả. Thánh Thần được Cha sai đến nhân danh Đức Giêsu sẽ giúp họ đi vào chỗ hoàn tất công trình yêu thương đó (14, 25). Và suốt thời gian còn lại ở giữa họ, Đức Giêsu dạy họ yêu thương: bằng hành vi Rửa Chân (13, 1-5), bằng ban điều răn mới: yêu NHƯ Thầy đã yêu (13, 34). Và trước khi về Trời, Đức Giêsu nhắc lại cho Phêrô, vị thủ lãnh Giáo Hội mà Người quyết chọn dù ông nhiều khiếm khuyết trầm trọng: “này Simon, con ông Gioan, anh có yêu Thầy hơn các anh em này không?” (21, 15. 16.17).
Mầu nhiệm Ba Ngôi đã được mặc khải ở đây! Thiên Chúa đã tỏ mình trọn vẹn là MỘT CỘNG ĐOÀN BA NGÔI HIỆP NHẤT TRONG YÊU THƯƠNG; và Đức Giêsu đã chỉ cho môn đệ bí quyết nên một với Ba Ngôi: YÊU MẾN THẦY và GIỮ LỜI THẦY.
Frères Đình Long FSC