CHÚA NHẬT  6A PHỤC SINH

Cv 8,5-8.14-17; Ga 14, 15-21
Chủ đề: Thánh Thần được trao ban cho kẻ tin.

* Cv 8,16-17: Dân Samaria chỉ mới chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô và Gioan đặt tay trên họ và họ nhận được Thánh Thần.

* Ga 14,16: Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho       anh em một Đấng Bảo Trợ khác.

            Chúng ta đang ở vào những tuần cuối cùng của Mùa Phục Sinh, Đức Giêsu SẮP RA ĐI (“Ra đi” được hiểu theo hai nghĩa là THẬP GIÁTHĂNG THIÊN) và Người hứa ban Thánh Thần xuống cho đoàn môn đệ.

            Bài đọc Tin Mừng lui lại dòng thời gian về giai đoạn Đức Giêsu còn sống ở trần gian, đang ngỏ lời giã từ các môn đệ trong BỮA TIỆC LY: Người biết GIỜ THẬP GIÁ của Người sắp tới, nên chuẩn bị cho các môn đệ đương đầu hiệu quả với biến cố ra đi ấy, đồng thời hứa ban Thánh Thần cho các ông, Đấng luôn ở với, ở giữa và ở trong môn đệ, tiếp tục công cuộc của Đức Giêsu nơi các ông.

            Còn trong bài đọc 1, Sách Công Vụ chương 8 đưa chúng ta về giai đoạn sau việc Đấng Phục Sinh thăng thiên, Thánh Thần đã được ban cho Nhóm Mười Hai và cho các tín hữu đã tin vào Đức Giêsu Phục Sinh. Tin Mừng tiếp tục được loan báo, lan rộng cho dù cộng đoàn tiên khởi vừa trải qua một thử thách: cái chết của Têphanô. Biến cố tưởng chừng là tai họa lại trở thành bước ngoặt, mở tung các giới hạn để Tin Mừng được loan báo luôn cho dân ngoại; Và hồng ân Thánh Thần của lời hứa cánh chung của Thiên Chúa cũng được ban cho họ.

            Vậy chủ đề chính của Chúa Nhật 6A Mùa Phục Sinh là THÁNH THẦN MÀ ĐỨC GIÊSU ĐÃ ĐOAN HỨA ĐƯỢC TRAO BAN RỘNG RÃI CHO KẺ TIN VÀO ĐẤNG PHỤC SINH:

            Trong bài Tin Mừng, hồng ân Thánh Thần còn là một lời hứa của Đức Giêsu trong bữa Tiệc Ly.

            Trong bài đọc một, hồng ân Thánh Thần được các tông đồ trao ban cho ai tin vào Đấng Phục Sinh.

            Lời hứa trao ban Thánh Thần của Đức Giêsu trước khi chịu khổ nạn đã trở thành sự thật, được trao ban rộng rãi cho mọi người, sau khi Đức Giêsu Phục Sinh, thăng thiên và Thánh Thần hiện xuống trên Nhóm Mười Hai.

            Chúng ta đi vào chi tiết hai bài đọc.

            Theo bài đọc Tin Mừng, Đức Giêsu đang cùng các môn đệ dùng chung với nhau bữa ăn cuối cùng. Người vừa rửa chân cho các môn đệ xong, và đang tâm tình với họ vì giờ ra đi, Thập gGiá của Người sắp tới. Tin Mừng hôm nay là trích phần cuối lời Đức Giêsu đáp lại câu hỏi của Philipphê: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha…”. Đức Giêsu đáp: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Qua câu đáp đó, Đức Giêsu mặc khải mối thân tình và hiệp nhất giữa Người với Cha (xem thêm Ga 10,30), và cả với Chúa Thánh Thần nữa đến độ có thể xin Cha tặng ban Chúa Thánh Thần cho môn đệ (Ga 14,16-17).

            Để có thể “thấy Thầy là thấy Cha” và đón nhận được hồng ân Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ đến, thì môn đệ “phải yêu mến Thầy” và biểu lộ lòng yêu mến ấy ra bằng “tuân giữ các điều răn của Thầy”. Và hoa trái là Đức Giêsu sẽ tỏ mình cho người ấy (14,21), Chúa Cha cũng yêu mến người ấy, rồi “Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (14,23). Vậy khi biết giờ ra đi đã tới, Đức Giêsu hứa ban cho môn đệ ĐẤNG BẢO TRỢ và giới răn YÊU THƯƠNG NHƯ THẦY (13,34;14,15b.21a) làm bảo chứng cho hạnh phúc đời đời cho môn đệ là được thấy Cha được Cha yêu mến và đến ở trong môn đệ.

            Những gì Đức Giêsu hứa cùng các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly đã trở thành hiện thực trong bài đọc 1. Các môn đệ đã thực hành giới răn yêu thương bằng cách theo gương Đức Giêsu ra đi loan báo Tin Mừng cho dân vùng Samaria; Nhờ đó, họ đã tin vào Đức Giêsu Phục Sinh, chịu phép rửa. Bài đọc 1 đã thuật lại công cuộc mà Philipphê (không phải là tông đồ, mà là một người được chọn trong Nhóm Bảy để phục vụ bàn ăn cộng đoàn: Cv 6,5-6) đã làm ở Samaria.

            Nhận được tin vui từ Samaria, các tông đồ đã cử Phêrô và Gioan đến với họ, rồi cầu nguyện trao ban Thánh Thần cho đoàn tín hữu mới.

            Như vậy, niềm tin vào Đức Giêsu phục sinh đã thúc đẩy các môn đệ, cho dù đang gặp nguy khốn, lên đường loan báo Tin Mừng; Và cũng nhờ Đấng Phục Sinh mà những người nghe loan báo Tin Mừng đã tin, đã được cả BA NGÔI THIÊN CHÚA yêu mến, đến ngự trong họ, biến họ thành con cái Thiên Chúa, mở mắt tâm hồn họ thấy, nhận được CHA và được nhận lãnh tràn đầy Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ, đúng như lời Đức Giêsu đã đoan hứa.

            Là những người đã tin vào Đức Giêsu, đã nhận biết Cha, đã tràn đầy Chúa Thánh Thần, mỗi tín hữu chúng ta hãy luôn là Đền Thờ của Ba Ngôi Thiên Chúa, là máng chuyển để mọi người nhận biết Tin Mừng Phục Sinh và vui hưởng dồi dào hồng ân có Ba Ngôi Thiên Chúa ở cùng.

Bài 2

Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy, Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một “ Đng Bảo trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (14,15-16). Ngày đó Anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em (14,20).

Lời Chúa của Chúa Nhật 6A Mùa Phục Sinh tiếp tục chủ đề hoa trái phong phú của mầu nhiệm Phục Sinh trong đời sống các tông đồ (Tin Mừng) và trong cộng đoàn của các tín hữu tiên khởi (bài đọc 1).

Trong bài đọc 1, sau những thành công rực rỡ ban đầu: chỉ một bài giảng của Phêrô đã có ngay 3000 người tin vào Đấng Phục Sinh (Chúa Nhật 4A); Tuy nhiên sự phát triển quá nhanh ấy khiến cơ cấu đơn giản của cộng đoàn sơ khởi không đáp ứng lại được các nhu cầu và đã phát sinh trong cộng đoàn những yếu tố tiêu cực của thân phận con người tội lỗi. Trước những thách đố ấy, thay vì bước lùi hay bị tan rã thì sức sống của Đấng Phục Sinh và Thánh Thần đã thúc Giáo Hội tìm ra những đối sách mới chuẩn bị cho cộng đoàn tiến vào tương lai rộng mở đang chờ đón (Chúa Nhật 5A).

Bài đọc 1 của Chúa Nhật 6A Mùa Phục Sinh cho thấy hoa trái của mầu nhiệm Phục Sinh tiếp tục nở rộ một cách rộng rãi hơn qua công việc của các thế hệ thời sau các tông đồ. Ở đây thuật lại công việc của Philipphê, thuộc Nhóm Bảy: ông này cũng làm được nhiều dấu lạ như các tông đồ và cũng thu hút được nhiều người tin vào Đấng Phục Sinh. Trước tin vui đó, Giáo Hội Mẹ ở Giêrusalem đã cử Phêrô và Gioan đến chuẩn nhận kết quả ấy và trao ban Thánh Thần cho các tín hữu mới gốc Samari. Thái độ trên cho thấy tình yêu thương và hiệp nhất với nhau của các kẻ tin vào Đấng Phục Sinh, không hề có kỳ thị phân biệt: Tất cả các kẻ tin vào Đấng Phục Sinh đều được đạt tới mức chóp đỉnh của hồng ân là chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu (c.16) và giờ đây lại nhận được ơn Chúa Thánh Thần (c.17). Mọi tín hữu đều được Ba Ngôi Thiên Chúa đến “ở trong” và họ cùng “ở trong” Ba Ngôi. Đó là nội dung Tin Mừng hôm nay.

Trong các bài đọc Tin Mừng, dưới ánh sáng của mầu nhiệm Phục Sinh, dung mạo thần linh của Đức Giêsu dần được hé lộ cho các tông đồ: điểm đến của Phục Sinh không dừng lại ở sự kiện xác Đức Giêsu sống lại mà là mở mắt cho các môn đệ nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa và nhất là nhận ra vai trò trung gian duy nhất của Người là đưa đoàn môn đệ đi vào trong mối tương giao thân tình với Thiên Chúa Ba Ngôi.

  • Trong Chúa Nhật 4 Mùa Phục Sinh, Đức Giêsu mặc khải người là “CỬA”, là “MỤC TỬ” và các môn đệ là “CHIÊN của người” được Chúa Cha giao phó; Và chính trong vai trò là “CỬA”, là “MỤC TỬ” đó mà CHIÊN nhận ra được tương quan LÀ MỘT giữa Cha và Đức Giêsu. Mặc khải này của Đức Giêsu được tỏ bày lúc Người sinh thời, nhưng phải sau Phục Sinh và hiện xuống thì môn đệ mới dần hiểu được.

  • Trong Chúa Nhật 5, phụng vụ bài đọc Tin Mừng tiếp tục đưa đoàn môn đệ để tiến sâu hơn vào mầu nhiệm thần linh nơi Đức Giêsu: Người là “đường, sự thật, sự sống”, “ai thấy Thầy là thấy Cha” (năm A); Thầy là “cây nho”, anh em là “cành nho”, Cha Thầy là “người trồng nho”; Và chính trong tương quan đó anh em sẽ sinh nhiều hoa trái và nên môn đệ Người (năm B); Năm C đưa môn đệ vào tham gia dự tính thần linh giữa Cha và Con: Thập Giá chính là “giờ” mà Cha và Con tôn vinh nhau; Các môn đệ được thông dự vào đó nhờ giới luật “Yêu nhau như Thầy đã yêu” do Đức Giêsu truyền lại: Với mầu nhiệm Phục Sinh, “giới luật yêu như Thầy” không còn là lời trối trăng nữa, nhưng là mối dây liên kết Cha – Con – môn đệ nên một.

  • Hôm nay Chúa Nhật 6, Mùa Phục Sinh. Hoa trái lớn lao mà bài đọc Tin Mừng năm A nhấn mạnh là môn đệ được trao ban Thánh Thần. Với Thánh Thần, đoàn môn đệ được đưa vào tương quan thâm sâu nội tại với Ba Ngôi được diễn tả bằng “mênêin ên” = “ở lại trong” (Ga 14,17.20) hoặc “iênai ên” = “ở trong” (inf, prés “êimi”), chứ không chỉ là “tôn vinh” nhau (bày tỏ vinh quang ra cho người khác nhận thấy).

Với mầu nhiệm Phục Sinh, nhân tính Đức Giêsu được tôn vinh là kuriôs = Chúa, Và Người là ĐẦU của NHIỆM THỂ GIÁO HỘI nên toàn nhân loại, trong dự tính của Chua, qua mầu nhiệm “Đức Kitô toàn thể” đều được “ở lại trong”, “ở trong” Ba Ngôi Thiên Chúa (Ga 14,20). Phần môn đệ, điều cần thiết là “yêu mến Thầy”, “giữ giới răn của Thầy” (Ga 14,15).

Điểm nhấn của Lời Chúa 6A Mùa Phục Sinh là việc TRAO BAN THÁNH THẦN cho những ai đã tin nhận Đấng Phục Sinh. Phụng vụ chuẩn bị tín hữu mừng lễ Hiện Xuống. Tuần sau (Thứ Năm hoặc Chúa Nhật tùy nơi) là lễ Thăng Thiên. Đức Giêsu chấm dứt sứ mạng trần thế trong thân xác hữu hình. Ba Ngôi sẽ “ở trong” và “hoạt động trong môn đệ”.

BÀI ĐỌC I: Cv 8,5-8.14-17

Ngay sau sự kiện Nhóm Bảy được thành lập (6,1-7), Sách Công Vụ tiếp tục đưa chúng ta đi chiêm ngắm những thời điểm quan trọng tiếp theo của Giáo Hội Giêrusalem. Sóng gió bách hại bắt đầu úp chụp xuống trên cộng đoàn (6,8-15). Điển hình là vụ Stêphanô đã can đảm rao giảng Tin Mừng Đấng Phục Sinh trước mặt Thượng Hội Đồng (7,1-53); Những lời này đã làm cho họ giận điên lên (7,54) và họ đã ném đá ông (7,55-60). Cuộc bách hại lan tràn! Nhiều môn đệ, nhất là những người hi hóa bị nhắm tới cách đặc biệt, đã phải trốn chạy khỏi Giêrusalem để có thể sống và biểu lộ niềm tin của mình dễ dàng hơn (8,1-4). Tuy nhiên, Đấng Phục Sinh đã dùng biến cố tiêu cực này để thúc đẩy các môn đệ lên đường làm thừa sai, loan Tin Mừng cho mọi người: công trình này khởi sự với Philipphê tại Samaria (8,5-40).

Bài đọc 1 trích một phần từ chương 8 gồm hai ý: những điềm thiêng dấu lạ Philipphê đã làm với kết quả khả quan, và sự chuẩn nhận của Giáo Hội Mẹ qua việc cử Phêrô và Gioan đến Samaria trao ban Chúa Thánh Thần cho đoàn tín hữu vừa nhập đạo.

  1. 1. Sứ vụ của Philipphê tại Samari (Cv 8,5-8)

  • Rao giảng Đức Kitô (c.5) kèm theo những dấu lạ (c.7)

  • Phản ứng của dân Samari:

  • Chú ý nghe giảng vì thấy các dấu lạ (c.6)

  • Vui mừng (c.8)

  Việc làm của Philipphê góp phần hoàn tất lệnh truyền truyền giáo của Đấng Phục Sinh trong Công Vụ 1,8. Sứ mạng của Nhóm Bảy được nâng lên: họ cũng tham gia vào sứ vụ rao giảng chứ không chỉ lo phục vụ bàn ăn; và Đấng Phục Sinh cũng hoạt động trong họ như các tông đồ qua các dấu lạ. Từng bước một, Giáo Hội khám phá ra rằng sứ mạng rao giảng là của tất cả mọi kẻ tin vào Đấng Phục Sinh không trừ ai.

Rao giảng Đức Kitô là để đáp trả lại niềm đợi trông của dân Samari. Họ cũng mong chờ Đấng Mêsia của Thiên Chúa. Khi rao giảng Đức Kitô cho dân Samari, Philipphê ngầm bảo rằng từ nay mọi ngăn cách chủng tộc, địa dư, đã được xóa bỏ. Mọi người đều được cứu độ trong Đấng Phục Sinh. Đừng quên là niềm tin này đã được Đức Giêsu chuẩn bị lúc còn sinh tiền: Ga 4,25-26,42.

Có dấu lạ kèm theo Đấng Phục Sinh đang thực hiện điều Người đã hứa trong Maccô 16,17-19 ngang qua công cuộc của các môn đệ. Chính Đấng Phục Sinh đồng hành hoạt động với môn đệ trên đường truyền giáo: Maccô 16,20.

Tin và niềm vui: đám đông chú ý lắng nghe và tin vào Đấng Phục Sinh, dấu chỉ là họ đã chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu (c. 16). Và họ rất đỗi vui mừng: vì người Samari bị người Do Thái coi thường, xem như dân ngoại, không được hưởng ơn cứu độ, không được thuộc về cộng đoàn thiên sai của Đấng Mêsia. Vậy mà, giờ đây, trong Đức Giêsu họ đã trở nên anh em với các tín hữu, được các đại diện tối cao của cộng đoàn thiên sai nhìn nhận và nhất là được nhận lãnh ân huệ tối cao thời cảnh chung là Chúa Thánh Thần. Đó là điều được mô tả trong phần tiếp theo.

  1. Sự tiếp nhận, hiệp thông của Giáo Hội Mẹ: trao ban Chúa Thánh Thần (Cv 8,14-17):

Các tông đồ nghe biết (c.14a)

*  Cử Phêrô và Gioan đến với họ (c.14b) và biết họ chỉ mới chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu (c.16b)

* Trao ban Chúa Thánh Thần:

–  Cầu nguyện cho họ để họ nhận được Chúa Thánh Thần (c.15)

 Đặt tay trao ban Chúa Thánh Thần (c.17)

Mặc dù bị bách hại phải ra đi, nhưng mối hiệp thông giữa các tín hữu không bị cắt dứt: những việc làm của các vị thừa sai đều được các tông đồ hay biết và quan tâm. Và ngay lập tức họ đã có những thái độ đáp ứng thích đáng, hợp lý:

   Các tông đồ ở Giêrusalem…. cuộc bách hại dường như không gay gắt lắm đối với các tín hữu bản xứ: các tông đồ không ai phải ra đi cả.

  …Cử ông Phêrô và ông Gioan..: các tông đồ không làm việc với tư cách cá nhân, nhưng là đại diện của Giáo Hội để hoàn tất những chức năng tông đồ. Chi tiết này cho thấy tính tông truyền, duy nhất của Đức Tin của Giáo Hội: đức tin duy nhất vào Đấng Phục Sinh phải được bảo chứng bởi các tông đồ. Sau này Phaolô mặc dù tài ba, vẫn tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc này (x. Gl 2,2).

Cầu nguyên để họ nhận được Thánh Thần: mục đích chính của hai tông đồ đi Samari là trao ban Thánh Thần cho những ai đã tin vào Đức Giêsu. Theo mô tả đây, hành vi đầu tiên là CẦU NGUYỆN vì ơn Thánh Thần là hồng ân chứ không do quyền năng của các tông đồ, họ chỉ là thừa tác viên chứ không phải là chủ nhân. Chi tiết này buộc ta phải hiểu là Philipphê không có quyền trao ban Thánh Thần, đó là quyền của các tông đồ. Tuy nhiên ở 9,17 thì một môn đệ tầm thường lại đặt tay ban Thánh Thần cho Saolê theo lệnh Đấng Phục Sinh, rồi sau đó Saolê mới chịu phép rửa (9,18). Điều này cho thấy Giáo Hội  ban đầu còn sống theo đặc sủng, cơ chế còn rất lỏng lẻo, ơn Chúa tác động từng người, từng cộng đoàn, tùy nơi.

Phép rửa nhân danh Đức Giêsu xem Chúa Nhật Phục Sinh 4A.

Hai ông đặt tay:đặt tay” là trao quyền, là chúc lành, là thánh hiến (x. 5A PS). Ở đây “đặt tay” đã trở thành nghi thức ban ơn Thánh Thần. Sau này Giáo Hội đã dùng cử chỉ này làm yếu tố chính yếu trong việc ban bí tích Thêm Sức. Trong đoạn này, việc trao ban Thánh Thần được trình bày như là việc hoàn chỉnh phép rửa nhân danh Đức Giêsu. Trong khi đó thì ở 9,17-18 thì ban Thánh Thần trước rồi chịu phép rửa sau.

Cơ chế có thể thay đổi tùy nơi tùy lúc, còn ân sủng luôn là bất biến: để trở nên môn đệ đích thực, đầy đủ của Đấng Phục Sinh phải tin, chịu phép rửa do Đức Giêsu thiết lập và lãnh nhận Chúa Thánh Thần từ những thừa tác viên chính thức do Đấng Phục Sinh thiết đặt.

  1. Tóm kết

Trước tình yêu và quyền năng của Đấng Phục Sinh, cùng với lòng mến và đức tin của các tín hữu thì ngay cả những bách hại cũng được biến thành phương tiện để Tin Mừng được rộng lan. Cuộc bách hại trở thành như lời nhắc nhở cần thiết, kịp thời của Đấng Phục Sinh thúc đẩy Giáo Hội sơ khai phải rời khỏi Giêrusalem, nơi mà cuộc sống hiện tại của cộng đoàn khá lý tưởng, an bình khiến họ dễ có khuynh hướng khép mình lại, thụ động, thỏa mãn với hiện tại mà quên đi sứ mạng thiết yếu đã nhận lãnh từ Đấng Phục Sinh: loan Tin Mừng và làm chứng cho Người đến tận cùng trái đất. Chính trong tình thế khó khăn như thế, Giáo Hội mới dần khám phá ra và nhất là sống cái thực tại này: việc rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng, cho Đức Giêsu không phải là chuyện riêng của các tông đồ; tuy nhiên khi rao giảng, kẻ tin phải luôn quy chiếu về đức tin của các tông đồ nghĩa là không được quên khía cạnh tông truyền của đức tin của Giáo Hội. Chỉ trong sự liên kết với đức tin tông truyền mà đức tin của tín hữu mới đạt được tới mức trưởng thành nhờ nhận được hồng ân tối hảo của Đấng Phục Sinh là Chúa Thánh Thần được ban tặng cho ta qua trung gian các tông đồ.

Với biến cố trao ban ơn Thánh Thần cho dân Samari, Giáo Hội bước vào giai đoạn mới, bộc lộ nét phổ quát của mình không còn bị gò bó trong Do Thái giáo nữa, xuất hiện ra trước mặt muôn dân dung mạo đích thực của mình đúng như Đức Giêsu mong muốn.

TIN MỪNG: Ga 14,15-21

Sau khi báo cho môn đệ cuộc ra đi của mình và ý nghĩa của nó, Đức Giêsu mời các môn đệ tiến sâu hơn vào huyền nhiệm của Người qua lời đáp cho ba câu hỏi của 3 môn đệ. Tuần trước chúng ta đã phân tích câu đáp của Đức Giêsu cho Tôma (14,5-7), và nửa câu đáp cho Philipphê (14,8-12); Trong phần này Đức Giêsu mời môn đệ TIN vào Người. Nửa sau của câu đáp thứ hai đưa môn đệ tiến sâu vào huyền nhiệm Giêsu bằng một con đường khác: lòng MẾN (14,15-21). Tiếp theo là câu hỏi của Giuđa và lời đáp (14,22-31).

Tin Mừng hôm nay là phần hai của câu đáp cho Philipphê. Trích đoạn mở và kết bằng cặp ý tưởng “yêu mến Thầy” và “giữ các điều răn của Thầy” (cc.15 và 21ab). Điều đó sẽ đưa người môn đệ vào lòng mến của Cha và của Đức Giêsu (c.21cdđe). Phần giữa của hai cặp bao hàm là lời hứa trước khi ra đi: Đức Giêsu sẽ phải ra đi, nhưng Người không để các môn đệ mồ côi; Người tiếp tục hiện diện giữa họ ngang qua “Đấng Bảo Trợ khác” mà Người sẽ xin Cha ban xuống cho họ; đồng thời Người hứa cho họ “sẽ được thấy Người”; “cũng sẽ được sống” như Người sống; và nhất là được Người đưa vào trong quỹ đạo thân tình thần linh “ở trong” với “Thầy” và “Cha”.

  1. 1. Yêu mến Đức Giêsu: nền tảng mọi giới răn (Ga 14,15).

* “Nếu… yêu mến… sẽ giữ các giới răn

  • Về từ ngữ:

  • Yêu mếnagapatê động từ ở thì hiện tại hàm ý đó phải là tình yêu bền vững, chứ không là một tình cảm nhất thời chóng qua. Đây là Tình Yêu của chính Thiên Chúa được thông ban cho môn đệ: yêu như Thầy đã yêu (Ga 13,34). Nó có giá trị truyền giáo, cứu độ (Ga 13,15).

  • “Giữ”= teresêtê: thì tương lai, lối trình bày (ind) hàm ý việc làm chắc chắn sẽ được thực hiện.

  • Ý Nghĩa:

Cách nói trên có hai cách hiểu:

  • Tình yêu phải biểu lộ ra bên ngoài bằng hành động cụ thể. Cách hiểu này gây ra cảm giác : giữ Luật là một đòi buộc của tình yêu; Mà đã là đòi buộc thì tương quan liên chủ thể chưa đạt mức tự do hoàn hảo. Cách hiểu nặng về luân lý.

  • Động từ “GIỮ” ở đây thuộc dạng indicatif tương lai. Chi tiết đó cho phép nghĩ rằng những gì đã đặt ra ở phần mệnh đề điều kiện “NẾU” – mà có rồi, thì đương nhiên những gì nói ở mệnh đề chính đi theo sau cũng phải có như một hệ quả tất yếu. Như vậy tình yêu đối với Đức Giêsu là động lực thôi thúc kẻ tin giữ giới răn của Người. Tất cả chỉ vì yêu: yêu Đức Giêsu là cội nguồn, nền tảng, động lực của việc giữ giới răn; Không có tình yêu này thì giữ Luật sẽ mất đi ý nghĩa, dễ rơi vào vụ Luật như người biệt phái giả hình. Tình yêu đối với Người còn là sức mạnh giúp hoàn thành sứ mạng Người trao (x. Ga 21,15.16.17).

 Giới răn của Thầy. trong bối cảnh của bữa ăn cuối cùng với các môn đệ và theo cách hiểu vừa giải thích trên thì “giới răn” ở đây là “điều răn mới” mà Đức Giêsu vừa đưa ra trước đó (x. 13,34-35). Điều răn này phải được thực hiện theo gương Đức Giêsu và lấy Người làm chuẩn mực.

Trong tương quan với lời cầu xin của Philipphê, đây là điều kiện ắt có và đủ để “thấy Cha”. “Thấy” không bằng xác phàm, mà bằng đức tin ngang qua hai dấu chỉ sẽ diễn ra trong dòng lịch sử: Thánh Thần được trao ban và Đức Giêsu sẽ trở lại (tức Phục Sinh). Và về phía môn đệ, dấu chỉ giúp mình nhận ra là đã “thấy Cha”: yêu mến Đức Giêsu và giữ giới răn Người.

  1. Lời hứa ban Chúa Thánh Thần (Ga 14,16-17)

*  Lời hứa: sẽ xin Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần (c.16a)

*  Chúa Thánh Thần là ai ? : “Đấng Bảo Trợ khác” – “Thần Khí sự thật” (cc.16b-17a)

*  Chúa Thánh Thần trong tương quan với môn đệ:

 Đến ở với (c.16c); ở giữa (c.17đ) và ở trong (c.17e) môn đệ

 Nhờ đó môn đệ BIẾT Chúa Thánh Thần (c.17d)

 Còn thế gian không thể đón nhận Người vì không thấy, không biết Người (c.17 bc).

Thầy sẽ xin… và Cha sẽ ban cho anh em…”. “xin” và biết rằng chắc chắn sẽ được (11,41-42) nói lên sự gắn bó nên một giữa Đức Giêsu và Cha (10,30), Người không tự ý mình làm điều gì, chỉ muốn làm ý Cha (5,30) vì lợi ích kẻ tin. Vậy câu này hé cho thấy mầu nhiệm Ba Ngôi trong tương quan với kẻ tin: Cha là cội nguồn tất cả; Đức Giêsu và Cha là một; Cả hai đồng lòng sai Thánh Thần đến cho kẻ tin. “Xin” cũng cho thấy vai trò đích thực của Đức Giêsu khi đến trần gian là cầu bầu, bảo trợ hơn là xét xử (x. 3,17)

Một Đấng Bảo Trợ khác: Đức Giêsu là Đấng Bảo Trợ thứ nhất ngang qua sứ vụ trần thế của Người. Giai đoạn Thiên Chúa hiện diện hữu hình giới hạn trong xác phàm Giêsu đã qua, giờ đây Thiên Chúa hiện diện qua Thần Khí của Người. Vậy Chúa Thánh Thần tiếp tục công việc “bảo trợ” của Đức Giêsu.

Về từ ngữ, Đấng Bảo Trợ = parakletôs (para = ở gần, bên cạnh; kalêô = gọi) là tự vựng vay mượn từ luật pháp, ám chỉ người được mời tới bên cạnh bị cáo để giúp đỡ và bênh vực cho đương sự. Do đó nghĩa đầu tiên là “trạng sư”, “người biện hộ”. Về sau xuất hiện thêm nghĩa “Đấng an ủi” hay “Đấng chuyển cầu”. Nơi Tin Mừng thứ tư, nghĩa pháp lý mạnh hơn (16,8-11): Thánh Thần giúp đỡ các môn đệ trong vụ án vĩ đại mà thế gian ngoan cố theo đuổi chống lại Đức Giêsu và môn đệ; Tuy nhiên, tùy trường hợp cũng có thể được áp dụng để hiểu theo nghĩa khác. Ở đây rõ ràng là theo nghĩa chuyển cầu: “xin Cha”, vì thế Đức Giêsu mới nói rằng Chúa Thánh Thần là “Đấng Bảo Trợ KHÁC”. Vậy chúng ta chỉ có một TRUNG GIAN là Đức Giêsu (1Tm 2,5) nhưng có đến HAI Đấng Bảo Trợ bên cạnh Cha.

Thần Khí sự thật: theo nghĩa “sự thật” đã nói trong tuần trước, Thần Khí là Đấng làm cho những gì Đức Giêsu đã hứa và khai mở được hoàn tất và đạt tới mức hoàn thiện tuyệt hảo của chúng. Còn đối với thế gian dối trá, Thần Khí sẽ vạch mặt cái sai và làm chúng phải nhận rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa (16,7-11).

Thế gian không thể đón nhận…: trong Tin Mừng thứ tư, “thế gian” có ba nghĩa (x. CGKPV. Tân Ước 396 nốt i). “Thế gian” ở đây không ám chỉ nhân loại mà “Thiên Chúa đã sai Con của Người đến để… giải cứu” (3,17; x. 1,29; 4,42; 6,33.51; 12,47), nhưng ám chỉ toàn thể những kẻ từ khước “Vị Cứu Thế thần linh” đó (x. 1,10c; 15,18-19..). “Thế gian” đó đã cố ý khước từ Thiên Chúa, chẳng thừa nhận Đức Giêsu và sứ điệp của Người, lại còn thù ghét Người (15,18) thì làm sao có thể “thấy”, “biết” rồi “đón nhận” Đấng mà Đức Giêsu sai Cha gởi tới ?)

  1. Đức Giêsu sẽ trở lại (Ga18-20): con đường giúp “thấy” Cha:

* Thập Giá:Thầy không để anh em mồ côi” (c.18a); 

                      “Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy” (c.19ab)

         * Phục Sinh: “Thầy đến cùng anh em” (c.18b)

                             “Anh em sẽ được thấy Thầy” (c.19c)

* Hoa trái: thấy Cha biểu lộ qua hai hình ảnh:

  SỐNG: “Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống” (c.19d)

–   Ở TRONG: tất cả môn đệ được “ở trong” Cha nhờ họ ở trong Đức GiêsuĐức Giêsu ở trong họ (c.20)

Thầy không để anh em mồ côi: đây là lời hứa tích cực nhưng hàm ý Đức Giêsu phải ra đi, vắng mặt một thời gian ngắn, các môn đệ tạm rơi vào tình cảnh “mồ côi”. Đó là thời gian Thập Giá.

Thế gian sẽ không còn thấy Thầy: Đức Giêsu sắp ra đi và dưới cặp mắt phàm nhân, quả thực, Người sẽ trở thành một nhân vật quá khứ: vì không tin nên thế gian xem Đức Giêsu như không còn hiện diện nữa. Khốn thay cái nhìn ấy lại trở thành bản án cho chính nó: thế gian và những kẻ thuộc về nó sẽ chết trong tội của chúng (8,21), vì chúng không có Đấng chuyển cầu, tha thứ, bảo trợ giữa chúng nữa.

Chẳng bao lâu nữa… anh em sẽ được thấy Thầy: còn đối với các môn đệ, cụm từ “chẳng bao lâu nữa” hàm chứa một lời hứa Đức Giêsu sẽ mau chóng trở lại với họ trong một thời gian gần chứ không phải trong giờ Quang Lâm (x.14,3; 16,16-22). Thật vậy, các môn đệ đã gặp được Đấng Phục Sinh, trong khi đó thì “thế gian” vốn gian dối đã tự đâm mù mắt mình khi phao tin các môn đệ đang đêm đã đến trộm xác Đức Giêsu (x. Mt 28,11-15).

Vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống: cái thấy nhất thời bằng giác quan mà thôi chưa đủ. Cái thấy ấy phải đưa tới TIN, xác tín và cảm nghiệm tận bản thể rằng Thầy vẫn sống mãi với họ, đang điều khiển lịch sử và vũ trụ cho dù họ không thấy Người nữa. Thiết thân hơn, cái thấy ấy còn phải đưa họ tới xác tín là chính họ cũng được sống như Thầy: so với câu 3 “để Thầy ở đâu thì anh em cũng ở đó”. Thật vậy, để anh em thấy được Thầy thì cả hai – Thầy và anh em – phải cùng sống. Vậy việc Đức Giêsu trở lại là bảo chứng cho sự thật và sự sống (x. 14,1-12).

Trong ngày đó...”: thành ngữ quen dùng trong Cựu Ước (Is 2,17 4,1…) ám chỉ thời kỳ YAVÊ can thiệp dứt khoát giải cứu dân Người. Ở đây thành ngữ hàm ý thời kỳ cứu độ nói trên nay tới rồi, khởi đầu với việc xuất hiện của Đức Giêsu, đặc biệt là biến cố Phục Sinh và sẽ kéo dài suốt thời kỳ của Giáo Hội. Đối với môn đệ, “Ngày đó” khởi sự từ lúc họ được Đấng Phục Sinh hiện ra cho gặp.

Anh em sẽ biết rằng: không phải cái biết bằng giác quan, trí khôn đến từ những sự kiện bên ngoài, mà là cả một kinh nghiệm sống gắn liền với hiện hữu của người môn đệ và định hướng cho cả cuộc đời họ. Thật vậy, một khi đã gặp được Đấng Phục Sinh, con người các môn đệ biến đổi hẳn và chính cuộc gặp ấy giúp các ông dần thực sự “biết” Người; Và nội lực của cái “biết” ấy mãnh liệt đến độ, suốt dòng lịch sử cho đến tận thế, mọi người mọi thời vẫn còn được hưởng nhờ năng lực và sức sống của cái “biết” ấy; Bộ mặt thế giới thay đổi nhờ cái “biết” ấy, và nó còn tiếp tục điều khiển hướng dẫn thế giới.

Đức GiêsuCha – môn đệ Ở TRONG nhau: sự hiệp nhất nên một giữa Cha – Con được mặc khải ở 14,10 nay được mở rộng thông chia cho các môn đệ.

Tóm lại, các câu 18-20 gợi lên cùng lúc ba thực tại:

–  Các lần Đức Giêsu hiện ra sau khi Người sống lại

–  Kinh nghiệm sống của chính Gioan cũng như của Giáo Hội tiên khởi sau biến cố Phục Sinh.

–  Một sứ điệp cho hậu thế: Đấng Phục Sinh và “Đấng Bảo Trợ khác” vẫn còn tiếp tục thực hiện lời của Đức Giêsu trong Giáo Hội, suốt dòng lịch sử cho đến tận thế.

  1. Lời nhắn nhủ cho các tông đồ được mở ra cho mọi người            (Ga 14,21)

* Nhân vị hóa các lệnh truyền ở câu 15: “người có và giữ” các điều răn của Thầy là “người yêu mến” Thầy (c.21ab)

* Hoa trái: Cha và Đức Giêsu sẽ yêu mến “người yêu mến” Đức Giêsu và Đức Giêsu sẽ tỏ mình ra cho người ấy (c.21cdđc).

Câu 21ab cùng với câu 15 tạo nên một bao hàm với các yếu tố “giữ các điều răn”, “yêu mến”. Nhưng ở đây nhãn giới được mở rộng ra cho mọi người qua việc nhân vị hóa các động từ lệnh truyền: “”, “giữ”, “yêu” là động từ được biến thành những danh động từ chỉ người tập thể: “người có và giữ”, “người yêu mến”. Vậy việc “”, “giữ”, “yêu” ở đây không ám chỉ những hành động cụ thể đơn lẽ, nhất thời, pháp lý nữa nhưng đã biến thành bản chất, thuộc tính nhân linh, thành như một nhân vị. Đến mức độ này thì “yêu Đức Giêsu” và “giữ Luật” chỉ là một nơi bản thân người môn đệ Đức Giêsu.

“Người yêu mến” Thầy sẽ được yêu mến bởi Cha của Thầy: Câu này không có nghĩa là tình yêu của con người đi bước trước và rồi Thiên Chúa phải trả công. Đây là đường lối của Thiên Chúa: Người muốn tạo điều kiện dễ dàng và phù hợp để nhân loại được hội nhập vào quỹ đạo yêu thương của Thiên Chúa một cách ý thức, chủ động và tự do chỉ bằng cách bắt chước Đức Giêsu trong lòng mến và trong việc giữ điều răn (x. 15,10) đường lối yêu thương ấy được mặc khải qua Đức Giêsu, thế nên khi tuân giữ lệnh truyền của Người do lòng mến thì kẻ tin đã đi vào con đường tình yêu dẫn đến cung lòng Ba Ngôi đã được dọn sẵn từ muôn đời.

“Thầy sẽ yêu mến…” diễn tả tình yêu của Đức Giêsu đối với tín hữu, nhờ đó tín hữu được đưa vào sự hiệp thông ngày càng sâu xa thắm thiết hơn với Người.

“Thầy sẽ tỏ mình” cho thấy sáng kiến luôn là của Thiên Chúa. Chính nhờ Đức Giêsu tỏ mình mà kẻ tin mới biết Người, tin Người và dần đi sâu vào tương quan yêu mến với Người.

Đối với các độc giả của Tin Mừng thứ tư, cũng như chúng ta hôm nay là những người không gặp Đức Giêsu bằng xác thịt, con đường Chúa tỏ mình có khác với các tông đồ: các ông gặp và theo Đức Giêsu rồi dần dần mới nghe các lệnh truyền và điều răn; còn chúng ta, do qui luật lịch sử và thời gian, chúng ta sẽ gặp cuốn Tin Mừng, Giáo Hội, điều răn rồi mới từ đó dần khám phá ra dung mạo Đức Giêsu và yêu Người. Vậy câu 21, có hai vế được sắp xếp ngược lại so với câu 15, và thêm vào chữ “”, là được viết cho chúng ta, vạch cho chúng ta lộ trình đi vào lòng mến của Thiên Chúa: Đức Giêsu tỏ mình cho chúng ta qua các điều răn – tiếp đến là qua chính con người của Người – cuối cùng dẫn ta vào lòng mến của Cha.

  1. Tóm kết:

Trong Tin Mừng hôm nay, tương quan “Cha – Con – tín hữu” được nhắc lại nhưng lần này sợi dây liên kết là “lòng mến”, là “ở trong” (đoạn trước là “lòng tin”). Chính vì lòng mến mà kẻ tin giữ các điều răn; Chính vì lòng mến mà Đức Giêsu ban điều răn, ban Thánh Thần và sẽ trở lại để tỏ mình trọn vẹn cho môn đệ; Chính vì lòng mến mà Cha đón nhận Con và những ai giữ điều răn của Con, đưa họ vào quỹ đạo tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Về phần môn đệ, một khi đã yêu Đức Giêsu, giữ các điều răn thì chắc chắc họ “thấy” được Cha, ngay tại thế này qua việc họ được gặp, tin Đấng Phục Sinh và được nhận lãnh Thánh Thần. Tuy nhiên trong bầu khí chuẩn bị cho lễ Chúa Thánh Thần, phụng vụ sẽ nhấn mạnh hơn tới khía cạnh ban Thánh Thần trong phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay.

Như vậy Tin Mừng hôm nay, đưa những kẻ tin tiến sâu hơn vào việc chiêm ngắm, khám phá hoa trái của Mầu Nhiệm Phục Sinh, đồng thời được mời gọi thông hiệp vào hoa trái đó nhờ lòng tin (Ga 14,1.10.11: Tin Mừng tuần trước) và lòng mến (hôm nay Ga 14,15.21).

Hoa trái của Mầu Nhiệm Phục Sinh không dành riêng cho cá nhân Đức Giêsu, mà là qua Đức Giêsu được trao ban cho toàn thể nhân loại. Thật vậy:

  • Nhờ phục sinh, nhân tính Đức Giêsu được tôn vinh là CHÚA, ngự bên hữu Chúa Cha, đồng hiển trị với Cha và Thánh Thần…

  • Trong tương quan với loài thọ tạo, Người là ĐẦU của NHIỆM THỂ Hội Thánh và nhân loại. Nghĩa là TRONG Phục Sinh, Đức Giêsu đã kết nối nên một bất khả phân ly với các kẻ tin Người như ĐẦU liên kết với THÂN THỂ, nghĩa là giữa Đức Giêsu Phục Sinh và Hội Thánh (bao hàm cả nhân loại) đã là một NHIỆM THỂ rồi. Phần còn lại về phía nhân loại là cá nhân từng người đừng tự mình cắt đứt mối tương giao đó.

Vậy những gì mà nhân tính Đức Giêsu được tôn vinh, thì tất cả những ai tin, mến nên một với Đức Giêsu trong Thánh Thần đều được thừa hưởng trọn vẹn ngay lúc này, tại thế. Trích đoạn Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy các tín hữu yêu mến Đức Giêsu và giữ luật Người thì đều đang dự “bàn tiệc” hoa trái của Mầu Nhiệm Phục Sinh: đó là NÊN MỘT VỚI BA NGỒI THIÊN CHÚA. Thật vậy trích đoạn Tin Mừng hôm nay khẳng định:

  • Câu 16: Người (Thánh Thần) Ở VỚI anh em = hei mêth’humon.

  • Câu 17: Người Ở LẠI GIỮA anh em = mênei par’humiv

             Và Người Ở TRONG anh em = êstai ên humin.

  • Câu 20: Thầy TRONG Cha Thầy = êgo ên toi patri mou

             Và anh em TRONG Thầy = kai humêis ên êmoi

             Và Thầy TRONG  anh em = kago ên humin.

Vậy Ba Ngôi hiện diện trong tín hữu: đồng hành với, liên kết sống GIỮA,HỒN sống linh động, thúc đẩy, điều khiển một sự TRONG tín hữu. Thật vậy, ngay khi chịu Phép Rửa, tín hữu trở nên con Thiên Chúa. Với bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa ở trong, ở cùng, cùng hoạt động nơi kẻ tin. Và nhờ thánh thần và các bí tích khác cùng ân sủng càng ngày tín hữu càng nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu.

Cánh đồng hoa trái đã được Chúa gieo cấy rồi; Hoa quả đầu mùa là Đức Giêsu Phục Sinh đã được tôn vinh rồi; Ba Ngôi đã đến ngự trong tín hữu với các ân huệ thánh linh, bí tích… Mọi sự đã sẵn sàng, chờ “Ngày đó”, Thiên Chúa sẽ gặt về hoa trái của cả vụ mùa. Hoa trái Phục Sinh, được tôn vinh nơi Đức Giêsu đã khởi sự nơi tín hữu ngay trong hiện tại qua hồng ân Ba Ngôi Thiên Chúa đến Ở VỚI, Ở GIỮA, Ở TRONG tín hữu.

Nói theo kiểu Phaolô: “tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 1,20).

Nói theo kiểu La San:“Chúa Giêsu ngự trị lòng ta ” – “luôn luôn”.

Frère Pierre Đình Long FSC