CHÚA NHẬT 7A MÙA THƯỜNG NIÊN

 Bài 1

Lv 19, 1-2; 17-18  ;  Mt 5, 38-48

Chủ đề: Hãy sống Luật cách vẹn toàn theo mẫu mực là chính Đức Chúa: hoàn thiện, nên thánh nhờ Thiên Chúa Cha.

  • Lv 19, 2-15: các ngươi phải thánh thiện vì … Ta là Đấng Thánh.
    Cụ thể: “ ngươi hãy yêu đồng loại như chính mình ”

  • Mt 5, 44-48: Hãy yêu kẻ thù và … nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng Hoàn Thiện.

Chúng ta bước vào Chúa Nhật 7A Mùa Thường Niên. Lời Chúa mời gọi con người phải nỗ lực để trở nên giống Chúa theo đúng ý định Thiên Chúa đã muốn khi dựng nên con người là HÌNH ẢNH CHÚA ( St 1,26-27 ).

Điểm giống Chúa mà bài đọc 1 nhấn mạnh tới là “ PHẢI NÊN THÁNH ”, và động lực, căn nguyên để phải NÊN THÁNH là chính Thiên Chúa: “ các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, YAVÊ, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là ĐẤNG THÁNH ”.

Còn điểm giống Chúa mà Tin Mừng quan tâm đến là “ NÊN HOÀN THIỆN ”, và mẫu mực của sự hoàn thiện đó cũng chính là Thiên Chúa: “ anh em hãy nên hoàn thiện NHƯ Cha anh em trên trời là ĐẤNG HOÀN THIỆN ”.

Chỉ có Thiên Chúa là Đấng Thánh ( x. Hs 11,9 ), chỉ có Thiên Chúa là Đấng Hoàn Thiện. Vậy “ nên thánh ” , “ nên hoàn thiện ” là hai cách nói của ơn gọi làm người “ con người là hình ảnh Thiên Chúa ”, con người phải GIỐNG NHƯ THIÊN CHÚA.

NHƯNG, Thiên Chúa là TẠO HÓA VÔ HÌNH còn chúng ta là THỌ TẠO HỮU HÌNH, Thiên Chúa là VÔ BIÊN, con người là HỮU HẠN, làm sao con người nên GIỐNG CHÚA được?

Đó là công trình yêu thương của Thiên Chúa, Người đã chuẩn bị mọi sự trong Đức Giêsu Kitô: “ Ai thấy Đức Giêsu là thấy Cha ” ( Ga 14,9 ), chúng ta giống Chúa bằng hồng ân thần linh “ được nên đồng hình đồng dạng, đồng thừa tự với Đức Kitô ” ( Rm 8,17.29 ).

Để đạt được tầm mức ấy, Thiên Chúa đề ra cho ta những giải pháp cụ thể phù hợp, đúng nơi đúng lúc; Tuy nhiên nét chung đó là ĐỨC ÁI, là YÊU NGƯỜI: “ yêu đồng loại NHƯ CHÍNH MÌNH ” ( bài 1 ) và “ hãy yêu KẺ THÙ ” ( Tin Mừng ).

Trong bài đọc 1, đối tượng mà Thiên Chúa đòi hỏi phải nên thánh là “ toàn thể cộng đồng con cái Israel ”. Đây là một đòi hỏi buộc và long trọng vì được nói lên nhân danh YAVÊ. Thiên Chúa của ISRAEL. Cụ thể, toàn thể cộng đồng dân Chúa phải thực hành những định hướng sau:

– Không được ĐỂ LÒNG ghét người anh em. Yếu tố được nhấn mạnh là “ ĐỂ LÒNG ”, có nghĩa là đừng nuôi dưỡng hận thù trong lòng; Không để chúng thống trị tâm trí, điều khiển mình. Đó là bước đầu để nên thánh.

– Nhưng phải “ quở trách người đồng bào”, nghĩa là phải tìm cách giúp đồng bào mình nhận biết và đi ra khỏi điều sai lỗi của họ. Nếu cứ để mặc họ trong sai trái thì “ ngươi sẽ mang tội vì nó ”. Như vậy, dám cùng anh em đảm nhận và khắc phục những điều xấu nơi họ cũng là một bước để nên thánh. Tuy nhiên cần chân tâm phân biệt:

    * Chỉ ra lỗi lầm để giúp tha nhân khắc phục và việc nói ra những tật xấu của người    khác để gây đau khổ cho người ta là hai việc hoàn toàn khác nhau.

 Hai đòi hỏi trên được khẳng định lại bằng cách nói tổng quát hơn:

– Hãy tha thứ: “ Không được trả thù, không được oán hận những người thuộc dân  ngươi”. Và cao hơn nữa thì

– Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình.

Toàn bộ đòi hỏi trên được niêm ấn của Chúa: “ TA LÀ YAVÊ ”.

Còn trong Tin Mừng đối tượng được nhắm tới là các môn đệ nghĩa là những người đã tin và theo Đức Giêsu. Giới luật yêu thương được mở rộng không biên giới: YÊU CẢ KẺ THÙ ”. Lập luận của Đức Giêsu là: Nếu chỉ yêu mến người thân, kẻ yêu mến mình thì ta có khác chi người thu thuế, người dân ngoại. Điều Chúa muốn là chúng ta phải hội nhập vào GIA ĐÌNH THẦN LINH, phải nên con cái Thiên Chúa. Đã nhận mình là con cái Thiên Chúa, thì tất cả mọi người đều phải là anh em.  Vậy khi nỗ lực yêu những người mà dưới cái nhìn trần gian ta gọi là “ KẺ THÙ ” thì chúng ta đang từng bước trở nên GIỐNG NHƯ CHÚA.

Chúng ta có hoàn thiện hay chưa thì CHÍNH CHÚA là Đấng đánh giá chứ không phải là chúng ta. Vì thế chúng ta chỉ cần nỗ lực hết mình đáp trả lại những đòi hỏi cụ thể của Chúa trong hiện tại rồi phó dâng cho Chúa, chính Người sẽ trợ giúp và đánh giá việc chúng ta làm.

Điều Chúa đòi hỏi trong Tin Mừng hôm nay đó là THA THỨ cho tất cả những ai xúc phạm đến mình ; là QUAN TÂM đến tha nhân sẵn sàng đáp trả những nhu cầu cấp thiết của họ ; và chóp đỉnh là YÊU KẺ THÙ, là CẦU NGUYỆN CHO NHỮNG KẺ NGƯỢC ĐÃI anh em.

Cầu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết TỪNG BƯỚC MỘT, NGAY TRONG PHÚT GIÂY HIỆN TẠI luôn đáp lại các đòi hỏi của Đức Giêsu trong Tin Mừng, đó chính là chúng ta đang DẦN BƯỚC trên con đường HOÀN THIỆN để rồi chính Thiên Chúa, đến lúc Người sẽ can thiệp để đưa cái HOÀN THIỆN mà ta đã nỗ lực làm đạt đến mức NHƯ CHA. Đó là hoa trái của Tình Yêu bao la quảng đại của Thiên Chúa đã đưa cái HỮU HẠN của chúng ta thông hiệp vào cõi vô biên của Thiên Chúa.

Bài 2

    Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại…(Mt 5, 43)… Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù (c. 44)… Như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời (c. 45)… Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng Hoàn Thiện (c. 48)

Phụng vụ bước vào Chúa Nhật 7A Mùa Thường Niên. Lời Chúa hôm nay tiếp tục chủ đề tuần trước: mối tương quan giữaThiên Chúa và con người ngang qua yếu tố thứ ba là “Lề Luật”. Điểm nhấn của Chúa Nhật 6A là “ TỰ DO của con người”. “ Luật ” và “ tự do ” đều là ân huệ Thiên Chúa thương ban để con người được sống và hạnh phúc. Vậy con người phải biết sử dụng đúng đắn tự do Thiên Chúa trao ban  để chọn lựa làm theo ý Chúa, thực thi điều lành. Kết luận là chính con người nắm giữ vận mạng của mình. Thiên Chúa muốn như thế: “ ai thích gì thì được nấy ” (Hc 15,17). Đức Giêsu đến không để hủy bỏ Luật mà để kiện toàn.

Chúa Nhật 7A hôm nay chú trọng đến ý nghĩa của việc Thiên Chúa ban cho con người “ luật ” và “ tự do ”: không phải là để được điều này, ơn nọ ở trần thế  này mà là để hồi phục phẩm giá làm người mà Thiên Chúa đã ban trong công trình sáng tạo, “con người là hình ảnh Chúa”. Bài đọc một: “các ngươi phải thánh thiện vì Ta, Yavê, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Lv19, 2); Tin Mừng còn nâng cao hơn ân huệ Chúa ban: “ như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời ” (Mt 5, 45) và cùng đích không gì khác hơn là để hoàn thành dự tính nguyên thủy của Thiên Chúa về ơn gọi làm người: nên giống Chúa “ anh em hãy nên hoàn thiện NHƯ CHA ANH EM  trên trời là Đấng Hoàn Thiện ” (Mt 5, 48); “ đó chính là công trình ” Thầy đến để kiện toàn ” (Mt 5, 17) mà Thiên Chúa  đã và đang tiếp tục thực hiện trong Đức Giêsu. Việc Đức Giêsu kiện toàn không là  nhằm thay đổi các cơ chế xã hội, tổ chức hành chánh, quy luật, hiến chương… mà là hồi phục lại các mối tương giao tốt đẹp giữa con người với Thiên Chúa, con người với nhau và với vũ trụ mà Thiên Chúa đã dựng nên trước khi con người sa ngã. Đức Giêsu kiện toàn bằng cách trả lại cho luật, cho các cơ chế xã hội, cho các quy ước tổ chức ý nghĩa đích thực của chúng là canh phòng, gìn giữ ổn định trật tự ….đưa con người đến với Đức Giêsu, với Thiên Chúa; Đồng thời Người cũng mời gọi con người hãy nội tâm hóa các luật lệ đến từ bên ngoài trở thành những tâm tình, xác tín, phản xạ tự nhiên của đứa con hiếu thảo ứng xử với Cha mình.

      Trong lãnh vực ứng dụng. Tin Mừng đưa ra những trường hợp cụ thể cho thấy sự kiện toàn do Đức Giêsu mang đến qua công thức : 1/.“ Anh em đã nghe luật dạy rằng … 2/. “ Còn Thầy, Thầy bảo rằng …” Chúa Nhật 6A tuần trước vế 1 chỉ đưa ra những khoản luật “Cấm” : Chớ giết người ( c.21 ); chớ ngoại tình ( c. 27 ); chớ bội thề ( c. 33 ). Nghĩa là chỉ đưa ra những ngăn chặn, cấm cản chứ không đưa ra những cách thức để giúp khắc phục, tránh né, vi phạm.

Đức Giêsu đến ( vế 2 ), Người mời môn đệ “ nội tâm hóa ” các điều khoản cấm cản đó, đồng thời hướng dẫn cách phòng ngừa từ xa: “ Hãy ” (cc. 24.25.29. 30 ).

      Đến Chúa Nhật 7A, ngay cả những điều khoản mà luật cho phép làm như đòi công bình theo pháp lý: “ Mắt đền mắt, răng đền răng ” (c. 38 ), “ ghét kẻ thù ” ( c. 43) thì Đức Giêsu cũng kêu mời môn đệ của Người hãy có một tầm nhìn mới: Tha thứ, yêu thương cả kẻ thù.

      Tuy nhiên, động cơ, mục đích thúc đẩy người môn đệ Chúa có lối ứng xử lạ lùng đó không phát xuất từ phía con người và cũng không quy hướng về các quyền lợi trần thế, mà là bắt  nguồn từ ý định của Thiên Chúa đã đặt để sẵn trong công trình sáng tạo: Cho mặt trời mọc, cho mưa rơi đều trên kẻ dữ lẫn người lành…..Những đòi hỏi đó như những bài toán thử, những yếu tố sàng lọc để biện phân xem ai là môn đệ thật của Đức Giêsu, là con Thiên Chúa.

       Lời Chúa, Chúa Nhật 7A mời gọi khám phá ra lại vai trò, ý nghĩa, động cơ, cùng đích của Luật trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Tất cả đều bắt nguồn từ Thiên Chúa và quy hướng về Thiên Chúa: Phải thánh thiện vì Thiên Chúa là Đấng Thánh ( động lực); hãy nên hoàn thiện NHƯ Cha trên trời là Đấng Hoàn Thiện ( mẫu mực và là cùng đích ).

BÀI ĐỌC I : Lv 19, 1 – 2 . 17 – 18

         Trong bộ sách thánh Hipri, sách Lêvi mang tên là “ WAYYiQRA ” có nghĩa là “ Và Người (Yavê ) gọi ”. Sách cốt yếu là một pháp chế về phụng tự, thuật lại những giáo huấn mà Yavê đã truyền cho Môsê phải thông đạt cho dân trong thời kỳ còn lưu lạc giữa sa mạc. Vì thế nội dung sách có tới 85% là các mệnh lệnh Yavê truyền cho Môsê, cho các tư tế hoặc cho toàn thể Israel.

       Thực ra, nội dung sách không đồng nhất: Người soạn thảo chung cuộc đã gom lại trong sách này tất cả những gì mang tính pháp lý cho dù được soạn thảo vào những thời kỳ khác nhau, rồi đặt chúng cạnh nhau, được sắp xếp theo chủ đề. Trong cái tổng thể văn chương mang đậm nét pháp luật này, các luật về “ SẠCH DƠ ” ( Lv 11 – 16 ) và luật về “ SỰ THÁNH THIỆN ” ( Lv 17 – 26 ) chiếm một vị trí quan trọng.

       Trong phụng vụ của Giáo Hội, sách các bài đọc ngày Chúa Nhật chỉ chọn vỏn vẹn 8 câu trong sách Lêvi và phân chia  như sau:

      *Lv 13, 1 – 2. 45 – 46 : MTN  6B
*Lv 19, 1 – 2. 17 – 17 :   MTN  7A

Nội dung bài đọc 1 hôm nay gồm 2 phần:

1.Lệnh truyền Yavê cho Môsê đòi hỏi dân phải nên thánh.
2.Phần ứng dụng lệnh đó vào cuộc sống cụ thể.

  1. 1. Lệnh truyền của Yavê cho Môsê ( 19, 1 – 2 )

* Các ngươi phải thánh thiện:

         “ Nên thánh ” theo Kinh Thánh trước tiên không phải là một đòi hỏi luân lý, vì “ THÁNH ”  là bản chất của Thiên Chúa (Is 6, 3 ) . Tất cả những gì được Chúa chọn làm sở hữu riêng, để dùng vào việc phụng sự Thiên Chúa mà thôi thì đều được gọi là thánh: Núi thánh,  thành thánh, Đền Thánh, Israel được Chúa tách riêng ra khỏi các dân khác chọn làm dân. “ Sở hữu riêng của Chúa ”( Xh 19, 5 ), được gọi là “ Dân thánh ” ( Xh 19, 6 ) dành riêng thuộc về Thiên Chúa.

       Vậy nguyên do, động cơ thúc đẩy dân sống “ thánh ” không phải là những đòi hỏi luân lý đến từ con người, đến từ các nhu cầu xã hội, nhưng phát xuất từ chính bản tính Thiên Chúa là Đấng Thánh.

 * Vì Ta là Đấng Thánh:

Vậy khi đòi hỏi dân sống thánh thiện, Yavê muốn cho dân được đặc ân thông hiệp vào bản tính “ Thánh ” của Người (Thiên Chúa sẽ hoàn tất điều đó cách trọn vẹn trong Mầu Nhiệm Nhập Thể của Đức Giêsu); Thiên Chúa muốn dân thọ hưởng phúc lộc vinh quang thần linh của Người, chứ không hề có ý chất gánh nặng cho dân qua những đòi hỏi luân lý chật hẹp, chết cứng trong những điều khoản pháp lý nặng nề.

         Đi xa hơn nữa đến tận cội nguồn của nhân loại (trong công trình sáng tạo theo P) thì cách nói “ nên thánh vì Ta là Thánh ” gợi lại ơn gọi nguyên thủy, nhân phẩm cao quý của con người: “ con người là hình ảnh, họa ảnh của Thiên Chúa ” (St 1, 26-27).

Như vậy khi truyền lệnh cho dân phải nên thánh theo mẫu mực là chính Người, thì Thiên Chúa đang tiếp tục đưa công trình sáng tạo của Người đến chỗ hoàn tất. Thật vậy, trong Đức Giêsu, lệnh truyền này đã được nhắc lại và nâng cao hơn: “ hãy nên hoàn thiện NHƯ CHA… ”; không còn là “ vì Ta là Yavê ” mà là “ NHƯ CHA ”, nghĩa là trong Đức Kitô, con người đã được nâng lên ngang tầm với Thiên Chúa. “ Muốn tự mình trở nên như những vị thần ”, muốn hiểu biết bằng Thiên Chúa (St 3,4). Đó là điều mà xưa kia, trong vườn Eđen, Adam và Eva đã muốn cướp của Thiên Chúa qua việc hái, ăn “ trái cấm ”, thì nay Thiên Chúa đã tặng ban và con người sẽ đạt được khi thi hành Lời của Đức Giêsu.

Còn về phía dân một khi đã trung tín thực thi những điều khoản của Giao Ước thì dân hoàn tất được ơn gọi , thể hiện được căn tính của mình. Thành quả đó không nằm tự trong bản thân của Luật, của các điều khoản, nhưng nằm trong tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, Người đã quảng đại dùng Luật như con đường đưa ta đến với Người.

Lúc đó, Luật được thăng hoa trở nên có giá trị tôn giáo vì Luật đã có Chúa ở cuối chặng đường để chờ đón ai can đảm giữ Luật theo ý Chúa; Hay nói theo lối Phaolô: Luật là người GIÁM HỘ (paidagogôs) được Chúa trao quyền để giúp con người đến với Đức Kitô (Gl 4, 2).

Do đó, trong đời sống luân lý, nếu việc giữ Luật không đưa ta đến được với Thiên Chúa, hiệp thông với anh em thì chẳng có giá trị cứu độ nào.

Sau khi xác định nền tảng và ý nghĩa của việc giữ Luật là để dân nên Thánh thuộc riêng về Chúa, thì sách Lêvi đưa ra những điều cụ thể phải làm để nói lên nét “ thánh ” của dân: Lv 19, 17-18

  1. Ứng dụng thực hành ( Lv 19,17 – 18 ):

Lúc bản văn này được soạn thảo, đối tượng cụ thể được Chúa nhắm tới chỉ dành cho Israel. Nhưng giờ đây, trong Đức Giêsu, tất cả nhân loại, những ai tin nhận Đức Giêsu thì đều được mời hiệp thông vào lối sống mới này.

* Không được để lòng ghét anh em:

Từ ngữ  “ để lòng ” hàm ý nuôi dưỡng hận thù, thù dai … Đừng vì những bất hòa đã xảy ra vì bất cứ lý do nào mà bẻ gãy, cắt đứt tình liên đới đã nối kết các thành viên trong cộng đoàn lại với nhau, đe dọa đến sự ổn định của cộng đoàn. Cũng đừng vì những bất hòa ấy mà làm phát sinh ra những vi phạm hoặc chuẩn y một điều bất công làm thiệt hại cho quyền lợi và nghĩa vụ của nhau.

* Phải mạnh dạn quở trách:

Chẳng những không được thù dai mà còn phải có trách nhiệm, liên đới với anh em trong vấn đề thi hành Luật Chúa. Đòi hỏi này gợi lại cho chúng ta vai trò “ làm tuần canh ” trên dân mà Chúa đã trao cho các ngôn sứ: những tội lỗi sai phạm của dân đôi khi cũng kéo theo án phạt trên vị ngôn sứ nào không chu toàn phận vụ cảnh báo, nhắc nhở dân ( Ed 3, 16-21 ).

* Không được trả thù / oán hận:

Trong c.17, “ để lòng ghét ” chỉ nói đến mới là một suy nghĩ trong lòng thôi, ở đây cái “ để lòng ” ấy đã biến thành một hành động bạo lực và thường là cái bạo lực mang tính bất công, chủ quan riêng tư vì sự tự ý trả thù luôn đi tới chỗ thái quá kiểu Lamek: ( x. St 4,23-24 ). Và nếu cứ thế thì oan oan tương báo, không bao giờ chấm dứt được hận thù.

Tuy nhiên trong quan niệm của người xưa thì “ trả thù ” là cách tái lập lại công bình mà kẻ mạnh đã gây cho nạn nhân. Do đó trong một số trường hợp, Cựu Ước giới hạn việc báo thù trong một chừng mực vừa phải mắt đền mắt ” ( Xh 21,23 ; Lv 24, 19 ; Đnl 19, 21 ). Rồi khi đời sống xã hội ngày càng văn minh hơn, việc báo thù được chuyển dần từ trả thù cá nhân qua việc trao cho luật xã hội vai trò giải quyết vấn đề “ báo oán công bình ”. Trong Do Thái có luật “ GÔEL ” kèm theo luật “ thành trú ẩn ” để tránh tình trạng báo thù lạm sát ( Ds 35,21 ).

Cuối cùng “ luật thánh thiện ”  cấm báo thù. Lý do khiến người công chính hoàn toàn khước từ việc báo thù chính là vì tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa ( x. Cn 20,22 ), dám phó thác tất cả cho Thiên Chúa quyền báo thù, đòi công bình ( x. Đnl 32,35 ) vì xác tín rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới tái lập được công bình đúng mức ( x. G 19,25 ). Thiên Chúa là Gôel của Israel ( Is 41,14 ).

  • Yêu đồng loại như chính mình

Theo văn mạch, đây là chóp đỉnh, điểm đến, tóm kết của các đòi hỏi trên. Cụ thể là những quyền lợi, đặc ân … mà ngươi đang hưởng hoặc mong muốn có thì ngươi hãy tôn trọng và nhìn nhận chúng nơi anh em ngươi. Về khía cạnh nghĩa vụ và bổn phận cũng vậy: ngươi phải đảm nhận lấy như là của ngươi việc giúp đỡ anh em vác lấy gánh nặng của họ … Đó chính là yêu đồng loại như yêu chính mình. Nói cách khác, tôi và mọi người đều bình đẳng về quyền lợi lẫn bổn phận trước Luật và trước Thiên Chúa. Đây là bước dọn đường cho luật “ yêu cả kẻ thù ”: hãy làm cho người khác, điều mà ngươi muốn người khác làm cho ngươi, do Đức Giêsu mang đến.

Thật vậy, đọc tiếp cho tới Lv 19,34 thì cái giới hạn hẹp hòi chỉ trong ranh giới Israel đã được phá vỡ. Tình yêu “ yêu đồng loại như chính mình ” cũng được mở rộng ra cho ngoại kiều, cho mọi người.

Một đầu của cây cầu “ yêu kẻ thù ” sẽ xuất hiện trong Tân Ước đã được chuẩn bị sẵn ở đây.

  • TA LÀ YAVÊ:

Công thức được lập lại nhiều lần trong chương 19 này, sau mỗi đoạn tuyên bố một điều khoản luật nào đó. Yavê Thiên Chúa đã đóng dấu ấn thánh thiện của Người trên các thể chế phàm nhân khiến chúng có được năng lực giúp con người nên thánh như Thiên Chúa muốn; Đồng thời buộc con người phải thi hành. Đó chính là “ ẤN KÝ ” của Chúa trên các lệnh của Người.

  1. Tóm kết :

Dưới nhãn giới P ( truyền thống tư tế) , một khi dám trung thành, kiên định thực thi các khoản luật ghi trong Torah thì họ thể hiện được chính mình, ơn gọi làm dân Chúa của mình, đạt tới được đỉnh cao của ơn gọi “ dân thánh, dân riêng của Chúa ”. Như vậy việc giữ luật của Israel không phải là một bó buộc, một gánh nặng khống chế tự do, nhưng là một cách thể hiện ơn gọi cách tuyệt hảo để đạt tới “ cái mình là ”( căn tính) của dân tộc ưu tuyển cũng như của mỗi cá nhân.

Qua đoạn văn bài đọc 1 này, phối hợp với St 1,26 – 27 “ con người là hình ảnh Thiên Chúa ” , truyền thống tư tế (P) đã làm nổi bật lên tính liên tục, thống nhất giữa công trình sáng tạo của Thiên Chúa với việc ban Luật Sinai và với cuộc sống hằng ngày của cộng đoàn dân Chúa.

TIN MỪNG : Mt 5, 38 – 48

Tin Mừng Chúa Nhật 7A Mùa Thường Niên tiếp tục minh họa dung mạo “ nhà rao giảng Tin Mừng Nước Trời ” của Đức Giêsu. Trong tư cách là Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa, Đấng tràn đầy Thần Khí ( Đức Giêsu chịu phép rửa) , là Đấng chiến thắng ma quỷ, đạp đầu Rắn ( cám dỗ sa mạc ). Đức Giêsu công bố Nước Trời đã đến gần, kêu mời người ta sám hối. Để xây dựng nền tảng Nước Trời tại thế, Đức Giêsu đã kêu gọi, thiết lập cộng đoàn thiên sai, các tông đồ ( 3A MTN ), làm phép lạ và rao giảng ( Mt 4, 23 – 25). Người đang xây dựng nền tảng Nước Trời ngay tại thế bằng việc khai mạc đưa ra bảng Hiến Chương Nước Trời ( Bát phúc : 4A MTN ). Đó là nền để đổi mới nhóm môn đệ theo Đức Giêsu trở thành muối và ÁNH SÁNG cho đời ( 5A MTN ). Tiếp đó Đức Giêsu công bố thái độ sống mới mẻ mà người thần dân Nước Trời phải làm lan tỏa khắp thế gian.

Để làm nổi bật giáo huấn của Đức Giêsu, 6 điều được Mt 5, 21 – 48 đề cập đến được trình bày dưới dạng 6 phản đề theo một công thức chung gồm hai vế:

  • Vế 1: Luật dạy rằng.

  • Vế 2 đối lại: Thầy bảo rằng.

Tin Mừng tuần trước đã đề cập đến 4 phản đề đầu với đặc nét là vế 1 của cả 4 đều hướng về khía cạnh “ cấm cản ”  của luật : CHỚ giết người (c.21) ; CHỚ ngoại tình (c.27); Đừng li dị ( c.32); CHỚ bội thề (c.33).

Luật xưa chỉ đưa ra những lệnh cấm nhằm ngăn cản HÀNH VI phạm tội, nghĩa là nếu hành vi phạm tội chưa xảy ra cụ thể thì coi như chưa phạm tội. Đức Giêsu đến để kiện toàn không phải bằng cách bỏ đi các lệnh cấm ấy; trái lại Người đẩy chúng lên một mức độ thâm sâu hơn : tư tưởng, suy nghĩ của con người mới là cội nguồn, căn nguyên của mọi tội phạm, mọi hành vi gian ác. Vì thế vấn đề không những chỉ là phải tránh làm những điều phạm pháp mà còn đừng nghĩ tới, đừng thốt ra bằng lời. Nghĩa là Đức Giêsu đòi hỏi con người phải trong sạch từ TÂM, NGÔN , HÀNH : bụng dạ nghĩ gì, lời nói thốt ra, và hành động thực thi phải nhất quán. Phải nên công chính toàn thể con người chứ không chỉ giữ luật bề ngoài, né tránh những hành vi phạm pháp mà thôi.

Vì thế trong vế 2 của 4 phản đề đầu, Đức Giêsu tiếp tục những đòi buộc “ CẤM ” của người xưa và đẩy yêu sách của Người vào tận đáy sâu thăm thẳm của lòng người :

  • Chẳng những cấm giết người mà còn cấm GIẬN ( trạng thái nội tâm ), cấm MẮNG, cấm CHỬI ( diễn đạt bằng ngôn ngữ)… Vì tất cả những điều đó là cội nguồn đưa tội giết người : chuyện Cain – Aben.

  • Chẳng những cấm tội ngoại tình mà còn cấm NGHĨ TỚI, THÈM MUỐN ( tâm ), cấm biểu lộ ra cái nhìn dục vọng ( vị trí “ ngôn ” ở đây được thế bằng “ MẮT ” )

  • Chuyện “ li dị ” mặc dù không nói rõ, nhưng tiến trình “ TÂM ” muốn rẫy vợ rồi mới đi tới hành động là “ viết thư ” và cuối cùng là biến thành hành vi pháp lý “ trao li thư ”.

  • Chuyện “ thề thốt ” cũng vậy : TÂM phải ngay thẳng, rồi tỏ lộ ra bằng LỜI KHẲNG ĐỊNH dứt khoát : có thì nói có, không thì nói không, chẳng việc gì buộc phải thề thốt cả.

Còn tuần 7A Mùa Thường Niên hôm nay đề cập đến 2 phản đề chót. Hai phản đề này không nhấn mạnh tới khía cạnh “CẤM” mà lưu tâm, thúc đẩy đến việc phải làm “ PHẢI ”.

1/ Phải giúp đỡ ( 5, 38 – 42 )

  • Không trả thù ( 5, 38 – 41) phản đề này được diễn tả bằng một lối nói cường điệu trình bày 3 ý:

  • Vế 1: Luật dạy “ mắt đền mắt ” ( c.38 )

  • Vế 2 : Đức Giêsu đưa ra một nguyên tắc : “ đừng chống lại kẻ ác ” ( c.39a).

  • Tiếp đó Người đưa ra 3 trường hợp cụ thể với mệnh đề giả định “ NẾU ” : nếu bị vả má ( c,39b ); nếu ai muốn kiện ( c.40 ); nếu có người bắt anh đi ( c.41 ). Đó là những tình huống thực tế mà người tín hữu có thể gặp phải trong cuộc sống. Trong bất kỳ tình thế nào, người tin Đức Giêsu không được gây thiệt hại khổ đau cho kẻ thù.

Một ý tưởng được lặp lại ba lần với ba mức độ, hình thức khác nhau. Điều đó hàm ý đây là một đòi hỏi nghiêm trọng PHẢI được nỗ lực thực thi chứ không chỉ là lời khuyên gợi ý.

  • Phải giúp đỡ ( 5,42 )

Điều Đức Giêsu đòi buộc các môn đệ ở đây không nằm ở trong phạm trù “ CẤM ” nữa, người môn đệ Chúa không chỉ lo tránh khỏi phạm tội, mà buộc phải làm cho những điều Chúa hứa trở thành “ có ”. Vì thế đối với người môn đệ Chúa, chẳng những không được trả thù mà nếu kẻ đã xúc phạm đến mình cần phải được trợ giúp thì phải ra tay nâng đỡ. Như vậy mới xứng đáng là môn đệ Đức Giêsu, Đấng mà “ nơi Người chỉ toàn là CÓ ” và nơi Người mọi lời Thiên Chúa hứa đều trở thành CÓ ( 2Cr 1,19-20).

Đại danh từ “ AI ” cho thấy đối tượng được Đức Giêsu kêu mời, mở rộng ra cho tất cả mọi người.

2/ Phải yêu  kẻ thù (5,43-47)

Đây mới là đỉnh cao của luật luân lý Kitô hữu. Đối với môn đệ của Đức Giêsu :

  • “ Không trả thù ” mà thôi thì chưa đủ!

  • Đạt tới mức “ giúp đỡ kẻ thù ” cũng chưa đủ!

Điều Đức Giêsu mang đến cho nhân loại là hồi phục nhân phẩm “ hình ảnh Thiên Chúa ”, ban quyền làm con. Vì thế đỉnh cao mà Đức Giêsu mong đợi nơi tín hữu là nhận ra nhau là anh em và đối xử với nhau theo tâm tình huynh đệ Kitô giáo. Tất cả tín hữu phải yêu mọi người vì họ là anh em với mình.

  • Nhưng ai là “ kẻ thù ” mà Chúa dạy “ phải yêu ” : xem lại Kinh Thánh : Adam – Eva ; Cain – Aben ; Esau – Giacop ; Giuse và 11 anh em ; Laban – Giacop ; Đavit – Saolê ….

Vậy khi dạy “ yêu kẻ thù ” thực ra Đức Giêsu hồi phục tương quan gia đình mà nhân loại đã đánh mất từ khi hai nguyên tổ sa ngã. Do đó “ yêu kẻ thù ” không chỉ là phương thức nhân bản để hòa giải những khúc mắc, xáo trộn giữa con người với nhau, mà đó là tình yêu Thiên Chúa ban giúp con người hồi phục nhân phẩm, từ đó đổi cái nhìn và không coi nhau là kẻ thù nữa, mà là anh em. Do đó điểm tới là mọi người “ trở nên con cái của Cha. Đấng ngự trên trời ” (5,45). Đó là cùng đích chung cuộc !

Còn trong hiện tại, mặc dù đã có Đức Giêsu nhập thể, dạy dỗ, hồi phục bằng Thập Giá và Phục Sinh… nhưng ở trần thế trong dòng lịch sử này vàng thau còn lẫn lộn : “ kẻ thù ” và “ anh em ” còn trà trộn lẫn trong nhau… thì yếu tố giúp nhận ra “ anh em ” là “ yêu kẻ thù ” và cụ thể trong tầm nhìn giới hạn trước mắt ; các kẻ tin vào Đức Giêsu phải hiệp nhất và yêu nhau, đó là dấu chỉ khẳng định căn tính môn đồ Đức Giêsu (x.Ga 13,35;17,21)

  • Dấu biểu lộ tình yêu : cầu nguyện (5,44b).

Hình thức cao nhất biểu lộ tình yêu đối với kẻ thù được Đức Giêsu yêu thích và dạy rõ ràng cho các môn đệ phải thực hành : CẦU NGUYỆN .

Cầu nguyện tức là mình đóng vai trò người chuyển cầu, bênh đỡ , biện hộ , nài xin Thiên Chúa thương đến kẻ thù ghét mình. Xin Thiên Chúa thực hiện điều thiện hảo, tốt nhất cho kẻ ấy. Làm như vậy là môn đệ  đã noi gương Đức Giêsu, đã bắt chước người môn đệ chứng nhân mẫu mực Têphanô (so sánh Lc 23,43 với Cv 7,60 : xin Cha tha cho chúng).

Cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em tức là trao phó người đó cho tình yêu dung thứ, hồi phục của Thiên Chúa để Người thực hiện nơi người đó điều mà Thiên Chúa muốn cho người đó; Điều mà sức phàm nhân không thể làm được biến đổi kẻ nghịch thù thành anh em chúng ta.

3/ Cùng đích của luật “ yêu kẻ thù ” (5,45-47)

* Để cho anh em nên con cái Cha (c.45)

  Đức Giêsu đặt môn đệ trước một chọn lựa:

  • Hoặc tiếp tục nuôi lòng hận thù, tìm mọi cách trả đũa kẻ hại mình để rồi oán thù chồng chất và Thiên Chúa không tìm được chỗ nào vào cư ngụ trong lòng mình.

  • Hoặc là nghe lời Đức Giêsu : yêu kẻ thù, đổi tương quan thù nghịch thành tương quan huynh đệ nhờ nhận ra Thiên Chúa là Cha. Và kết quả sẽ là: bản thân mình cũng như kẻ thù nghịch đều trở nên con Thiên Chúa, anh em với nhau.

Vậy có thể nói “ yêu thương kẻ thù ” thật là một “ cây trái cấm ” mà Đức Giêsu mời mỗi tín hữu biện phân, quyết định: theo lời Đức Giêsu hay theo khuynh hướng hận thù mà quỷ dữ đã gieo vào lòng con người khi sa ngã.

* Dấu hiệu nhận ra môn đệ Chúa ngay trong hiện tại ( 5,46-47 )

Một lý do khác phải “ yêu kẻ thù ” là người môn đệ phải sống vượt hơn những tiêu chuẩn công bình, vay trả sòng phẳng của nhân loại. Nếu chỉ dừng lại ở mức độ nhân bản “ hòn đất ném đi, hòn chì ném lại ” thì lòng đạo của người môn đệ chỉ ngang bằng một thu thuế, một dân ngoại nghĩa là không đủ phẩm cách, tiêu chuẩn để thuộc về đoàn môn đệ Chúa ngay ở dưới đất nay, đừng nói chi là được vào Nước Trời.

Tính toán hơn thua là đặc điểm của thế gian hữu hạn, bất toàn. Còn đến với Nước Trời vĩnh cửu thì “ tình yêu cho đi cách vô vụ lợi ” mới là Luật chân chính. “ Yêu kẻ thù ” là thẻ căn cước của công dân Nước Trời, là cái gène thần linh ( ADN ) được Chúa cấy vào nhân tính chúng ta để xác nhận dòng tộc của Thiên Chúa.

   * Hãy hoàn thin NHƯ CHA ( 5,48 )

Đây là nguyên nhân và là cùng đích tối hậu của lệnh truyền “ yêu kẻ thù ”. “ NHƯ ” ở đây không có nghĩa “ bằng nhau ” theo kiểu so sánh vật chất, theo các tiêu chuẩn hữu hạn chóng qua của trần thế. Nhưng đây là một thực tại siêu nhiên đến từ Thiên Chúa, một hồng ân nhưng không Thiên Chúa ban gắn liền với bản tính nhân loại khi Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ từ nguyên thủy : “ con người là hình ảnh của Thiên Chúa ”. Và Đức Giêsu chính là mẫu mực của ơn huệ đó “ Người là hình ảnh Thiên Chúa vô hình ” (Cl 1,15), nên “ ai thấy Thầy là thấy Cha ” (Ga 14,9). Con người xác phàm sẽ thực sự là một phản ảnh của Thiên Chúa siêu linh khi họ thực hiện những gì Đức Giêsu dạy bảo, nhất là “ yêu kẻ thù ”.

Đây không là một pháp chế phàm nhân mà là bản tính của “Thiên Chúa là Tình Yêu” được Thiên Chúa yêu thương thông ban trọn vẹn cho nhân loại trong Đức Giêsu  Kitô. Mỗi lần trong cuộc sống hữu hạn của mình , chúng ta thực hiện được một chút nào đó lời dạy “yêu kẻ thù” của Đức Giêsu là mỗi lần chúng ta làm cho mầm sống ấy lớn lên một chút thấm nhập dần vào nhân tính chúng ta. Để rồi khi đến thời đến lúc, Thiên Chúa can thiệp làm cho những nỗ lực nhỏ bé hữu hạn đó của chúng ta được hoàn tất. Chúng ta là con Thiên Chúa, tất cả là anh em của nhau.

TÓM KẾT

Ngang qua những đòi hỏi triệt để , Đức Giêsu đã canh tân luật, thổi vào luật một thần khí mới : thần khí nghĩa tử nhờ đó tất cả những ai thi hành lệnh của Người đều được đặc cách trở nên con Thiên Chúa. Ngang qua những pháp chế đã được Ngôi Lời Nhập Thể đảm nhận và làm nên hoàn thiện, Đức Giêsu đã phá tan bức tường ngăn cách giữa siêu nhiên và tự nhiên, biến những cái khung hạn hẹp pháp chế gò bó phàm trần thành con đường rộng thênh thang dẫn con người đến với Thiên Chúa là CHA.

Người tín hữu làm mọi sự vì tình yêu, vì Cha, lúc đó mọi sự đều trở nên phương thế đưa tín hữu đến ơn cứu độ, đến sự hoàn thiện như CHA.

BỔ SUNG SUY NIỆM MÙA THƯỜNG NIÊN 7A 

Phần : 1 /  PHẢI GIÚP ĐỠ ( 15,38 – 48 ).

1.Phải giúp đỡ (5, 38 – 42)

* mắt đền mắt … (5, 38)

  Đây là vế đầu của phản đề 5 (Lv 24, 19- 20) còn được gọi là Luật “TALION”. Đây không phải là một luật về công bình, nhưng là một nguyên tắc báo thù có chừng mực: phạm nhân sẽ bị bồi thường tương xứng với thiệt hại đã gây nên cho tha nhân. Nguyên tắc này nhằm ngăn cản sự báo thù quá đáng của một xã hội mà nền luân lý còn quá thô thiển, chỉ giải quyết bằng bạo lực (x. St 4, 23- 24). Vì có mục đích là báo thù (cho dù là có chừng mực) nên nguyên tắc này không hề mang lại sự công bình.

* Đừng chống cự kẻ ác (5, 39a)

Đức Giêsu không có ý dạy sống thụ động, cầu an để mặc cho sự ác hoành hành. Nên hiểu là “đừng ăn miếng trả miếng” ngay tức khắc bằng một hành vi tức thời theo nộ khí cá nhân, hoặc ghim lấy sự việc rồi kiện nhau ra tòa khiến tình người bị đổ vỡ (TOB, Mt 5, 38, “h”). Đức Giêsu dạy đừng lấy ác báo ác, phải cắt đứt mạch truyền của bạo lực hận thù bằng tha thứ, tình yêu, chấp nhận một chút thua thiệt về mặt quyền lợi trần thế để Tình Yêu Thiên Chúa lên ngôi.

 Một khi dám sống như vậy theo lời dạy của Đức Giêsu thì kẻ tin đã góp phần xây dựng nên một trật tự mới, một bậc thang giá trị mới cho trần gian theo tinh thần Bát Phúc. Chuẩn mực mới đưa tới Tình Yêu và sự sống.

Thật vậy điều mà kẻ xấu gây ra cho ta vốn đã là điều ác, nếu ta lại dùng điều ác để đáp trả lại tương ứng theo luật Talion thì sự ác lại được dịp bành trướng, hoành hành hơn nữa. Hậu quả chỉ có con người vốn là anh em với nhau chịu thua thiệt. Vậy nhẫn nhịn, thứ tha theo gương Đức Giêsu, là cách tuyệt vời để cắt đứt vòng luẩn quẩn do sự ác gây ra.

Tóm lại, dù có Luật Talion, luật công bằng xã hội có ủng hộ ta đi nữa, người môn đệ Đức Giêsu cũng không cậy dựa vào đó để gây bất kỳ một thiệt hại nào đó cho anh em, cho tha nhân. Đức bác ái Kitô giáo đòi buộc kẻ tin không được làm điều gì thiệt hại cho tha nhân dù rằng điều ấy được phép làm theo luật pháp và được xã hội, nhiều người ủng hộ. Các cách nói ở 5,40-41 mang tính cường điệu, chỉ hàm ý là “chẳng thà mình chịu thiệt thòi thêm một chút” ( x. 1Cr 6, 7b ) để cho tình huynh đệ và ơn cứu độ được viên mãn. Bù lại cái thiệt thòi trước mắt của mình đó, sau này, lại trở thành vinh quang, uy quyền xét xử được cả thiên thần sa đọa lẫn thế giới ( 1Cr 6,3 ).

  * Các hình ảnh minh họa (5, 39b – 42):

Đây không phải là các lệnh truyền mang tính pháp lý, nhưng là những cách nói cường điệu nhằm kích thích sự chú ý của thính giả và buộc họ phải phản ứng, đi ra khỏi cái ù lì thường nhật, phá vỡ những vỏ bọc sai trái mà từ trước giờ họ vẫn cho là đúng, bẻ gãy cái độc quyền của bạo lực từ lâu vẫn thống trị thế giới này.

Thật vậy thay vì đốp chát lại theo luật Talion, Đức Giêsu mời gọi những ai theo tinh thần Bát Phúc hãy đi con đường mới: dùng sự dịu hiền, nhẫn nại của tình yêu để hòa giải bạo lực, hơn thua của hận thù. Nhẫn nhục không vì nhu nhược, khiếp sợ, bất lực nhưng vì đã gặp được “mối lợi tuyệt vời là biết Đức Giêsu” (Pl 3,8).

Bốn hình ảnh minh họa được cường điệu hóa, cho thấy lập trường dứt khoát của Đức Giêsu, muốn môn đệ của Người phải sống triệt để đức ái Kitô giáo ngang qua việc thể hiện sự hiền lành nhẫn nhục, chịu thiệt vì phần rỗi của anh em ( x. 1Cr 8 , 7 -13 ); cho dù địa vị xã hội của mình là gì đi nữa.

  • Vả má phải, đưa luôn má trái (5, 39)

Không nên hiểu theo nghĩa đen ! Nhưng đây là cách nói biểu tượng diễn tả thực tại này là hai kẻ xích mích với nhau, là hai người bình đẳng với nhau về mọi mặt : địa vị, tư cách , quyền lực… Và “ TÁT TAI ” phải được hiểu là một hành động xúc phạm, nhục mạ công khai, khiêu khích thách đố ăn thua đủ. Trong trường hợp này, dù bản thân là công dân tự do và có đủ tư cách để kháng cự bảo vệ quyền lợi, danh dự, thì người Kitô hữu vẫn nhẫn nhục vì lý tưởng Nước Trời.

Minh họa : Người Tôi Trung của Yavê trong Is 50,6 đã “ đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu…” hầu hoàn tất sứ mạng Yavê trao là “ lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức” .

Đây là lời mời gọi sống chữ NHẪN KITÔ GIÁO, khi bản thân là một người tự do, có đủ tư cách, phương tiện, quyền lực để ăn thua đủ, ăn miếng trả miếng sòng phẳng với đối thủ.

  • Để nó lấy cả áo choàng ( 5,40 )

Đây là một bối cảnh của một vụ kiện nơi tòa án. Ở đây, không rõ vì lý do nào mà người tín hữu bị rơi vào vị thế của một bị can, và theo luật có thể bị xiết nợ, tịch thu tài sản ( x.Mt 18,25 ). Trong trường hợp này, người tín hữu bị cáo chắc chắn thua kiện. Như vậy cú thua này là do sai phạm của mình , do luật xã hội, chứ không hề là do chữ NHẪN Kitô giáo.

Trái lại khi đụng đến luật về “ cái áo choàng ” thì con nợ lại được luật bảo vệ : chỉ được cầm giữ ban ngày thôi, đến đem thì phải trả lại cái áo choàng để con nợ lấy đó làm mền đắp ấm ngủ đêm ( x. Xh 22,25; Đnl 24,12 ).

Do đó cách nói “ để cho chủ nợ lấy luôn cả áo choàng ” là cách nói biểu tượng diễn tả lối sống chữ NHẪN KITÔ GIÁO , sẵn sàng nhường nhịn ngay cả khi bản thân bị thất thế, bị bóc lột.

  • Hãy đi với họ 2 dặm ( 5,41 )

  “ Dặm” La Mã khoảng 1.500m . Ở đây ám chỉ đến thói áp bức quấy nhiễu của bọn lính hay viên chức La Mã thường trưng dụng, xung công đột xuất con dân của xứ bị trị để phục vụ một ý đồ nào đó của bọn chúng. Ví dụ trường hợp ông Simon Kyrênê đang đi làm ruộng về bị bắt xung công vác đỡ Thập Giá Đức Giêsu. Hoặc bị ép đi theo bọn họ để làm con tin hay dọn đường.

Như vậy, cũng tương tự như trường hợp “ để chúng lấy luôn áo ngoài” nói trên, việc bị xung công là một nô dịch, chứ không là một sự tình nguyện làm nổi bật chữ NHẪN KITÔ GIÁO. Tuy nhiên Lời Chúa khuyên người tín hữu hãy tận dụng ngay cả những việc bất công như thế để làm tỏ lộ tình yêu khoan dung tha thứ Kitô giáo.

  • Ai xin thì hãy cho ( 5,42 )

Đây là trường hợp người tín hữu có địa vị cao sang giàu có; Và việc làm cụ thể được Lời Chúa đề nghị giúp tín hữu nên giống Chúa là chia sẻ, “cho vay mượn”. Đối tượng được mở ra cho tất cả mọi người: “AI”, chứ không chỉ dành riêng cho người cùng tộc hệ theo luật Do Thái (x. Xh 22,24 ; Lv 25,25 ; Đnl 15,7.11 … ) và với văn mạch ( đang dùng lối nói cường điệu ), ta có thể hiểu ngầm rằng việc cho xin, cho mượn sẽ diễn ra nhiều lần, cho dù những lần vay mượn trước đối tượng có trả lại hay chưa, nghĩa là cho vay bất kỳ lúc nào người ta cần và vô điều kiện.

Người tín hữu vui lòng nhẫn nại chia sẻ gánh nặng của cái nghèo, của cái chai mặt của người đồng loại bất hạnh hơn mình, không khinh chê, hất hủi. Đó là cái NHẪN KITÔ GIÁO được Lời Chúa gởi đến cho các tín hữu giàu sang, có địa vị trong xã hội.

Tóm lại:

Sứ điệp chung của bốn hình ảnh minh họa trên là: cho dù ở trong hoàn cảnh nào đi nữa, người môn đệ của Đức Giêsu luôn tìm thấy phương thức, hoàn cảnh, dịp thích hợp để sống chữ NHẪN KITÔ GIÁO; Và như thế thì mỗi tín hữu đã góp phần đem Luật mới của Nước Trời vào trần thế. Nhờ vậy, bộ mặt thế gian sẽ dần đổi mới, chuẩn bị cho Trời Đất Mới, nơi Ý Cha hoàn toàn thể hiện, nơi mọi người đều sống tình con thảo hiếu đối với Cha và nên hoàn thiện NHƯ CHA.

   Frère Pierre Đình Long FSC