Hc 27, 4-7; Lc 6,39-45
Chủ đề: Tiêu chuẩn phân biệt lành giữ xem quả biết cây.
– Hc 27,6: Xem quả thì biết cây vườn,
Nghe lời miệng nói biết ngay lòng người.
– Lc 6, 44-45: Xem quả thì biết cây…Người hiền bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát sinh sự thiện.
Lời Chúa của Chúa Nhật 8C MTN dạy chúng ta cách ứng xử khôn ngoan theo tinh thần kitô giáo trong cuộc sống để bản thân mình khỏi rơi vào cạm bẫy của sự dữ, đồng thời cũng giúp kẻ khác được như thế. Ở đây đề cập đến 2 chiều kích của việc ứng xử: với bản thân và tha nhân.
1/ Phần cá nhân: Mình đừng để bị kẻ xấu đánh lừa. Nhưng làm cách nào để phân biệt được kẻ xấu, người tốt? Làm sao đừng để rơi vào cạm bẫy của những kẻ muốn hại ta? Đó là phải quan sát, nhìn, nghe, biện phân, rồi phán đoán dựa trên “ túi khôn nhân loại” và nhất là dựa trên Lời Chúa : “ xem quả biết cây”.
2/ Trong tương quan với tha nhân: phải dùng cái khôn ngoan được Chúa trao ban ấy để phục vụ, hướng dân tha nhân, nhằm làm giảm bớt điều ác trong cộng đoàn nhân loại, ngăn cản cái ác lộng hành. Khôn ngoan không chỉ dùng hưởng lộc cho cá nhân hay bè nhóm. Tuy nhiên, Chúa cảnh cáo: coi chừng rơi cơn cám dỗ là lấy cái khôn trước mắt đó của mình làm chuẩn mực để rồi phán xét, kết án tha nhân. Để thực hiện tốt 2 bước, tương quan với tha nhân, Chúa dạy trước tiên phải xét mình: xem mình có phải là kẻ “ ngụy quân tử”, là “ bọn giả hình” hay không ( x.Lc 6,42b). Qua lời dạy này ĐGS không có ý bảo cho chúng ta phải nên trọn hảo tuyệt đối ( điều không có được trong phận người tại thế) rồi mới hướng dẫn anh em mình. ĐGS chỉ đòi chúng ta trong khi hướng dẫn kẻ khác thì đừng có tự cao, lên án, xét xử kẻ khác, nhưng phải luôn khiêm tốn tự xét mình để tránh cái thảm họa “ mù dắt mù để rồi cả hai cùng rơi xuống hố” ( x.Lc 6,39). Điều quan trọng khi hướng dẫn, góp ý với tha nhân là chúng ta làm với động cơ, mục đích nào? Phải làm vì đức ái: “ người tốt thì lấy cái tốt, từ kho tàng tốt của mình” (x.Lc 6,45a) để biện phân, khuyên răn hướng dẫn kẻ khác.
Bài đọc 1 nhấn mạnh điểm số 1: làm cách nào để đừng bị kẻ xấu đánh lừa? văn mạch của bài đọc cho thấy đây là lời dạy khôn được nhắm trước tiên vào lãnh vực thương mại: “ làm thương mại khó tránh khỏi tham lam, đi buôn bán không thoát được tội lỗi” ( Hc 26,29) trong lãnh buôn bán “ mua rẻ bán đắt” luôn là cơn cám dỗ ngọt ngào, rình rập các thương nhân: họ có thể sống thỏa hiệp, bình an với việc “ ăn gian nói dối”. Trong bối cảnh đó, bài đọc 1 khuyên: khi giao dịch, chớ vội vả quyết định chọn mua hay bán ngay, nhưng phải làm sao kích động để đối tượng của mình phải nói ra thật nhiều lời và mình chủ động lắng nghe; vì nhiều lời ắt sẽ cơ lỡ lời, lộ nhiều thông tin, nhờ đó ta nắm bắt được các dự liệu cần thiết để biện phân sai/ đúng, thật/ giả. Sách Huấn Ca nói rõ như thế : một khi đã nói ra thành lời thì cái dỡ rõ ràng thấy được ngay” (x. Hc 27,4b); “ phải nghe người ta chuyện trò thì mới biết được ai rờm ai hay” (c.5b); “ nghe lời miệng nói thì biết ngay lòng người” (c.6b). Nghe được những gì kẻ khác nói thì ta phải BIỆN PHÂN. Việc biện phân được sách Hc diễn tả ra bằng các hình ảnh: sàng lúa để lộ ra đâu là thóc, đâu là rác trấu ( c. 4a); phải bỏ các bình gốm vào lò nung để lọc ra bình tốt/ bình xấu ( c. 5a). Rồi sách Hc kết luận: “ chớ vội khen (chê) ai khi người chưa lên tiếng” ( c. 7a); và tổng quát hóa vấn đề: “ xem quả ( nghe người nói ) biết cây ( sẽ biết người)” ( cc. 6a và 7b). Trong Tin Mừng, ĐGS lấy lại câu 6a và giải thích thêm: “ vì lòng có đầy thì miệng mới nói ra” ( Lc 6,45c).
Trong Tin Mừng, ĐGS mở rộng tầm nhìn của chủ đề biện phân để nhận ra sự thật cho toàn cuộc sống. Nhưng khi đã nhận ra “ cái rác trong mắt anh em” rồi thì đừng lên mặt đòi làm quan án xét xử anh em, nhưng hãy khiêm tốn nhận ra mình cũng có “ cái xà trong mắt mình”. Như vậy khi biện phân giúp anh em sửa lỗi thì bản thân mình cũng phải được sửa sai. Tiếp đó, ĐGS lấy lại ý tưởng “ xem quả biết cây”. Nhưng Người nhấn mạnh ĐỘNG CƠ thúc đẩy làm việc đó hơn là chỉ nói đến sự kiện: Mọi việc người môn đệ ĐGS làm đều phải được xuất phát từ ĐỨC ÁI: “ người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình” ( Lc 6, 45a). Như vậy ĐGS mời gọi các môn đệ ( x. câu 30) bắt chước Người: Người đến trần gian chỉ cho các tội nhân biết có “ cái rác” trong mắt họ, nhưng không lên án mà để cứu (x. Ga 3,17). Vậy môn đệ ĐGS phải luôn tỉnh táo biện phân rồi giúp tha nhân nhận ra đâu là tốt/ xấu, thật/ giả; nhưng chỉ làm tất cả vì tình yêu, vì ơn cứu độ cho tha nhân và cho cả bản thân mình.
Frère Đình Long FSC