Bài 1
Gr 33,14-16; Lc 21,25-28.34-36
Chủ đề: Hai lần Chúa đến.
NGÀY CỦA CHÚA:
Lời Chúa hứa và thái độ đáp trả phải có từ phía con người.
* Gr 33,15: Trong những ngày ấy, Ta sẽ cho mọc lên một Mầm Non… một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đavit.
* Lc 21,28.36: Khi các biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên… Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn.
Hôm nay chúng ta bắt đầu bước vào năm phụng vụ mới: Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng năm C. Mùa vọng là thời gian Hội Thánh sống lại niềm mong đợi Chúa đến lần thứ nhất, qua đó CANH TÂN LÒNG NHIỆT THÀNH MONG ĐỢI Chúa đến lần thứ hai (GLHTCG 524).
Trong tiếng Việt, Mùa mở đầu năm phụng vụ được gọi là MÙA VỌNG; Còng trong tiếng La Tinh, mùa này được gọi là ADVENTUS, có nghĩa là “sự đến”, vì thế một số tín hữu Việt Nam vẫn còn quen gọi mùa này là MÙA ÁP, là do chữ AD mà ra.
Ai “vọng”? Con người; Ai “đến”? Thiên Chúa đến. Như vậy chính tình yêu bao la của Thiên Chúa muốn tìm đến nơi con người để cứu, hồi phục con người nên nhân loại mới nảy sinh tâm tình chờ Chúa đến.
Thật vậy, sau khi sa ngã của hai nguyên tổ, nhân loại chỉ còn lại sự xấu hổ, sợ hãi trốn tránh Thiên Chúa (x. St 3,8) chứ làm gì có được tâm tình “đợi trông Chúa đến”. Chính nhờ tình yêu bao la của Thiên Chúa đi bước trước tìm đến với con người để tha thứ, hồi phục, hứa ban cho “Đấng Đạp Đầu Rắn” (x. St 3,15). Kể từ đó, nhân loại mới lóe lên niềm cậy trông hy vọng, sống Mùa Vọng, chờ đợi ngày Thiên Chúa hoàn tất Lời Hứa.
Nhưng điều bất ngờ, vượt sức tưởng tượng của loài người là HỒNG ÂN Cứu Độ Chúa tặng ban lại là chính Con Một Yêu Dấu của Thiên Chúa: Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể. Để chuẩn bị cho HỒNG ÂN TUYỆT VỜI này, Thiên Chúa đã tuyển chọn Abraham; rồi từ Abraham, Chúa chọn một dân, rồi một dòng tộc: nhà Đavit. Dung mạo của “Đấng Đạp Đầu Rắn” dần rõ nét: Người là hậu duệ của nhà Đavit. Và nhân loại tiếp tục đợi trông Chúa đến ngang qua Dân được Chúa chọn.
Và trong đức tin công giáo, Đấng đó tới rồi! Người chính là Đức Giêsu, được sinh ra bởi TRINH NỮ MARIA; được hội nhập vào dòng tộc Đavit được thừa kế là nhờ Lề Luật, truyền thống dân Chúa và nhất là nhờ Giuse là người đang nắm quyền thừa kế nhà Đavit (x. Mt1,1-17).
Như vậy, lời Thiên Chúa hứa cho nhân loại, cho Abraham, cho nhà Đavit (x. Mt 1,1) đã hoàn tất. Tuy nhiên đó là PHẦN CỦA THIÊN CHÚA, Người thực hiện cho NHÂN LOẠI, cho TUYỂN DÂN, cho HỘI THÁNH! Còn về phía con người, từng cá nhân vẫn còn nguyên tự do của mình có chấp nhận đón tiếp việc Chúa đến cho cá nhân mình hay không là quyền của từng người. Đức Giêsu đã mở lại lối về thiên đàng, ân huệ Thánh Thần cũng đã được trao ban, Đức Giêsu về trời dọn chỗ cho chúng ta và Người hứa sẽ trở lại đem chúng ta về với Người để Người ở đâu chúng ta cũng ở đó (x. Ga14,2-3). Lúc đó mọi sự mới hoàn tất trọn vẹn.
Trong lúc chờ đợi Đức Giêsu LẠI ĐẾN, tức QUANG LÂM, Hội Thánh tiếp tục sống Mùa Vọng của nhân loại, của Dân Chúa của chính Hội Thánh và của từng cá nhân tín hữu mọi thời để giúp từng người trong từng giây phút hiện tại sống và hưởng trọn niềm vui CHÚA ĐẾN khi Đức Giêsu đến với từng người trong cái chết và nhất là trong thời điểm Quang Lâm.
Chính vì thế phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật I Mùa Vọng luôn đề cập đến hai lần đến của Đức Giêsu: lần đến thứ nhất trong con người Giêsu tại Đất Do Thái đã thực hiện rồi và lần thứ hai là Quang Lâm còn trong tương lai. Mùa Vọng của Hội Thánh là giúp ta sống tâm tình “ĐỢI TRÔNG KÉP” đó.
Bài trích từ sách ngôn sứ Giêrêmia, nhắc lại lời Thiên Chúa hứa sẽ ban Đấng Cứu Tinh cho dân Chúa. Thời điểm Đấng đó đến thì chưa có: “này sẽ đến những ngày”; nhưng dung mạo Đấng ấy thì dần rõ nét: Người là dòng dõi nhà Đavit, là Đấng Công Chính, là một minh quân trị dân theo lẽ công bình chính trực; Hoa trái là dân Chúa sẽ an cư lạc nghiệp, được giải cứu; số phận đổi thay qua việc Giêrusalem được đổi tên thành “ĐỨC – CHÚA – là – sự – công – chính – của – chúng ta”.
Tin mừng đề cập đến ngày Quang Lâm của Đức Giêsu. Luca không nói đến ngày giờ đến, điềm báo trước của Quang Lâm, mà chỉ hướng dẫn tín hữu về THÁI ĐỘ PHẢI CÓ TRONG HIỆN TẠI để đừng bị bất ngờ khi biến cố Quang Lâm xảy đến: tín hữu phải xác tín rằng Quang Lâm là ngày mình được cứu chuộc, do đó phải sống sao để ngày đó ta “đứng thẳng lên”, “ngẩng cao đầu”; Trong hiện tại đừng chè chén say sưa, lo lắng sự đời… nhưng phải luôn tỉnh thức và cầu nguyện.
Mùa Vọng mời và chỉ cách cho ta sống tốt giây phút hiện tại để Quang Lâm là niềm vui của ta, để ngày Chúa đến với từng người là lúc ta “đứng thẳng, ngẩng cao đầu” vui đón Chúa.
Bài 2
… Thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến (c.27) … anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên… (c.28). Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện (c.35)
Hôm nay tất cả những ai tin vào Đức Kitô bước vào một năm phụng vụ mới: năm C. Năm mới khởi đầu bằng Chúa Nhật I Mùa Vọng, khơi gợi lên trong lòng tín hữu một niềm hy vọng, cậy trông để sống và hiện tại hóa ngay trong giây phút hiện tại của đời mình hai chiều kích QUÁ KHỨ và TƯƠNG LAI mầu nhiệm Đức Giêsu đến. Giáo Hội dạy rằng “Mùa Vọng vừa là mùa chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, trong lễ này kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người (quá khứ); vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế (tương lai). Vì hai lý do này, Mùa Vọng được coi như mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi” (AC 39).
Theo cấu trúc của năm phụng vụ, Mùa Vọng là khoảng thời gian kéo dài từ Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng cho đến sau giờ kinh trưa của ngày 24 tháng 12. Tùy từng năm, Mùa Vọng bắt đầu sớm nhất vào ngày 27 tháng 11 (năm đó Mùa Vọng có 28 ngày), và trễ nhất là vào ngày 3 tháng 12 (năm đó Mùa Vọng chỉ có ba tuần thêm buổi sáng Chúa Nhật 24 tháng 12 là Chúa Nhật IV Mùa Vọng, còn chiều tối là lễ vọng Giáng Sinh rồi. Năm này Mùa Vọng chỉ có 22 ngày, không có tuần thứ IV Mùa Vọng).
Về mặt phụng vụ Lời Chúa, Chúa Nhật I Mùa Vọng, cả ba năm ABC đều cho chúng ta suy gẫm hai lần đến của Đức Giêsu. Cụ thể trong năm C:
-
Bài đọc 1 năm C trích Gr 33,14-16 hướng chúng ta về lần thứ nhất Đức Giêsu đến. Thiên Chúa hứa sẽ ban cho nhà Israel (Bắc quốc) và Giuđa (Nam quốc) một vị minh vương: “Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đavit…”. Người cai trị Nước theo lẽ công bình và hoa trái là dân sẽ an cư lạc nghiệp.
-
Còn bài đọc Tin Mừng thì hướng về tương lai – ngày Quang Lâm –: “bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến”.
Nét nổi bật của Lời Chúa năm C là NIỀM VUI vì được giải cứu:
-
… “Giuđa sẽ được cứu thoát, Giêrusalem sẽ an cư lạc nghiệp”. Vui vì vận mạng nên tươi sáng: đổi tên thành là “Yavê – sự – công – chính – của – chúng – ta”.
-
Ngày Quang Lâm vẫn có những nét đáng sợ theo lối diễn đạt của thể văn khải huyền: trời, đất, biển rung chuyển… Tuy nhiên đối với kẻ tin thì đó là NIỀM VUI vì “khi những biến cố ấy bắt đầu, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên vì anh em sắp được cứu chuộc”.
Và để giúp các tín hữu thực sự sẽ hưởng được niềm vui cánh chung ấy, Tin Mừng đưa ra những chỉ dẫn sống, những chuẩn bị cần phải có trong cuộc sống hiện tại: phải đề phòng, đừng để lòng ra nặng nề, đừng chè chén say sưa, quá lo lắng sự đời, phải tỉnh thức, cầu nguyện; Vì một đặc nét của ngày Quang Lâm là tính bất ngờ và chớp nhoáng của biến cố. Mọi mưu toan đối phó, đợi nước tới chân rồi mới nhảy đều vô ích. Phải tỉnh thức, sẵn sàng và Luca còn thêm cầu nguyện.
BÀI ĐỌC 1: Gr 33,14-16
Gr 30-33 loan báo một tương lai tươi sáng cho toàn dân Chúa. Gr 30-31 được gọi là “Sách An Ủi” (x. Chúa Nhật XXX B), Gr 32-33 là “phần phụ thêm vào Sách An Ủi” cũng tiếp tục ý tưởng hồi phục dân đã được nói trong hai chương trước.
Trong Gr 32, Chúa bảo ngôn sứ làm một hành động ngược đời mang tính biểu tượng: bỏ tiền ra mua đất tại Giêrusalem đang trong tình trạng bị kẻ thù vây hãm ngặt nghèo (32,2) và chính Giêrêmi cũng loan báo là thành sắp bị phá hủy (32,3). Nhưng Chúa đã muốn dùng cử chỉ của Giêrêmi làm điềm báo là Người sẽ hồi phục Giêrusalem (x. Gr 32,36-44) sau khi đánh phạt.
Gr 33 nhắc lại một lần nữa lời hứa Thiên Chúa sẽ khôi phục toàn dân. Người sẽ đưa dân về lại quê hương, chữa lành sau khi đánh phạt và đặc biệt hứa ban một vị thủ lãnh để cai trị, chăn dắt dân trong công bình chính trực.
Bài đọc 1 trích từ chương 33, đoạn nói về lời hứa của Thiên Chúa liên quan đến vị thủ lãnh, vị cứu tinh tương lai của toàn thể Israel.
1/ Lời hứa trao ban ơn cứu độ
*Thời điểm: “sẽ đến những ngày” (c.14a); “Trong những ngày ấy” (câu 15a.16a), đó là cách nói của các ngôn sứ thường dùng ám chỉ một thời điểm tương lai nào đó chưa xác định mà Thiên Chúa sẽ ra tay can thiệp mạnh mẽ để thực hiện dự tính của Người. Cách nói đó hàm ý rằng những gì được kể ra ngay sau đó chắc chắn sẽ được Thiên Chúa hoàn tất.
Tuy nhiên cần lưu ý: cách nói đó mang tính lưỡng diện: đó là thời điểm Chúa thi hành án phạt cho bọn gian ác (Am 8,9.11), nhưng lại là lúc ân thưởng đối với người thiện hảo (Am 9,11.13). Ở đây đối với Israel đó là thời điểm may mắn. Đó là thời điểm:
*Yavê sẽ thực hiện những điều tốt lành mà Người đã phán về nhà Israel và nhà Giuđa (c.14): đó là sẽ ban cho dân một vị vua công minh và dân Chúa sẽ được hưởng thái bình thịnh trị (Is 33,17-24; Am 9,13-15; Gr 23,4-6…). Hai nét trên cũng được mô tả ở đây trong hai câu 15-16.
*Cụ thể là “cho mọc lên một mầm non” (c.15b) ý tưởng trên gợi lên hình ảnh một cây bị chặt sát gốc bởi vì toàn thân cây đã hoàn toàn bị sâu đục mục nát, để rồi từ gốc cây đó sẽ đâm ra một chồi mới: một cái gì đó hoàn toàn mới mẻ xuất hiện; “Chồi mới đó ám chỉ Đấng Mêsia (x. Is 11,1, CGKPV “các sách ngôn sứ” nốt “s”). Thiên Chúa sẽ làm một sự tái thiết canh tân toàn diện, một sự đổi mới tận căn.
*Mầm non đó là Đấng Công Chính, hậu duệ Đavit (c.15c)
– “Đấng Công Chính”: một cách nói khác ám chỉ Đấng Mêsia, cho thấy cách làm việc lạ lùng của Chúa: đó là một dọn đường cho dung mạo Mêsia – Thập Giá của Đức Giêsu (x. Lc 23,47b). Thật vậy:
-
“Công chính” là một thuộc tính của Thiên Chúa (2 Mcb 1,24.25; Tv 11,7; 116,5; Er 9,15. Xem thêm Chúa Nhật XXXIII B bài đọc 1). Sự công chính của Thiên Chúa được tỏ lộ cho con người qua hành động của Người: “vì Thiên Chúa công chính nên Người giữ lời hứa” (Nkm 9,8); Thiên Chúa Đấng Công Chính, mọi việc Người làm đều chính trực (Tb 3,2; Đn 3,27; 9,14 …). Như vậy khi ám chỉ Đấng Mêsia (Mầm Non) là Đấng Công Chính, ngôn sứ Giêrêmia ngầm bảo rằng: Đấng Mêsia là chóp đỉnh lời hứa của Thiên Chúa, là tuyệt tác siêu việt nhất trong mọi việc Chúa làm, là lẽ công minh lý tưởng mà Thiên Chúa gởi đến cho nhân loại.
-
Trong tương quan với Đấng Mêsia – Mầm Non thì “công chính” là bản sắc của Người, là đặc nét ngự trị trong vương quốc Người, là đường lối cai trị của Người (Is 9,6; 11,5: dikaiosunei = Gr 33,15c). Như vậy Người được thông phần thuộc tính của Thiên Chúa; và “Một Mầm Non, một Đấng Công Chính” = anatolen dikaian mà Chúa cho mọc lên trở thành kiểu mẫu của “con người là hình ảnh Thiên Chúa”.
Và như vậy thì Mêsia là Đấng thực thi sự công chính trọn hảo cho dân Chúa lẫn cho chư dân đúng như lòng Thiên Chúa mong ước.
Vậy “cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính” nghĩa là Thiên Chúa đích thân can thiệp trong và qua con người của Đấng ấy để hoàn tất chung cuộc ở mức cao nhất công trình cứu độ của Người. Tuy nhiên có một điều mà Cựu Ước không sao tưởng tượng nổi đó là “Mầm Non Công Chính” đó lại là chính Thiên Chúa: Đức Giêsu.
– “Để nối nghiệp Đavit”: một trong những nét giúp cho dân Chúa nhận ra được Đấng Mêsia khi Người đến, đó là nét dung mạo hoàng vương, con vua Đavit. Tuy nhiên Đavit cũng là một con người có điểm tốt cũng có điểm xấu. Điều mà Chúa chờ nơi người kế nghiệp Đavit đó là “cai trị nước theo lẽ công bình chính trực”. Trong tương quan với dân, Đavit là Đấng giải cứu dân, thống nhất sơn hà và dân chờ đợi nơi Đavit:
– Coi dân như cốt nhục của vua
– Là người chiến đấu bảo vệ dân, đi đầu trong các cuộc chiến
– Là mục tử chăn dắt, nuôi dân (x. 2Sm 5,1-2)
Vậy Mêsia chính là “Vua – Mục – Tử – Đấng phục vụ” dân. Hình ảnh báo trước dung mạo Đức Giêsu.
2/ Hoa trái của hồng ân cứu độ (c.16)
*Tự do, an bình, hạnh phúc: “Giuđa sẽ được cứu thoát, Giêrusalem sẽ an cư lạc nghiệp”: trên bình diện lịch sử, lời sấm được ứng nghiệm bước đầu: đó là cuộc hồi hương; rồi được tái thiết Đền Thờ; được đế quốc Ba Tư cho tự trị được tự do sống theo Luật riêng tức Luật Môsê. Nhưng dù gì đi nữa thì Đất Hứa vẫn ở trong tình trạng là thuộc địa của Ba Tư. Điều dân mơ ước là được sống lại thời hoàng kim Đavit – Salomon. Tuy nhiên cho đến nay, đế quốc tí tẹo của Đavit – Salomon cũng còn chưa tái lập được. Niềm hy vọng vào một đế quốc trần thế trở nên mây khói. Lời Thiên Chúa hứa được hiểu là hướng về một nhãn giới cánh chung.
*Tên mới: người ta sẽ đặt cho thành một tên gọi mới “Yavê – sự – công – chính – của – chúng – ta”. Đổi tên là đổi đời, có vận mạng mới. Theo Nouveau dictionnaire biblique 1992 thì:
– Cái tên Giêrusalem đã có từ xa xưa (x. St 14,18).
– Đến thời quân chủ trước khi Đavit thống nhất sơn hà thì Giêrusalem vẫn còn thuộc về dân ngoại là dân Giơvusi và thành trì của họ cũng được gọi tên Giơvusi (1Sb 11,4).
– Khi chiếm được Giơvusi, Đavit lấy đó làm thủ đô của đất nước thống nhất luôn nên được gọi là “Thành vua Đavit” và Đavit lấy lại tên gọi cũ xa xưa là Giêrusalem.
Tên của thành có nghĩa là “bình an”, nhưng thành chỉ thực sự an bình trong một thời gian ngắn ngủi là cuối đời Đavit, đầu đời Salomon; Thời gian còn lại là chiến tranh, tranh chấp, bất ổn. Sở dĩ như vậy là vì người ta đặt tên trên nền móng những mơ ước phàm nhân, chính vì thế “nền móng của bình an” đó không được bền vững (ý nghĩa chính xác của Giêrusalem là “nền móng của bình an”. Và trong dòng lịch sử cho đến giây phút này 2021, Giêrusalem không hề là thành bình an, nền móng của bình an.
Khi Giêrusalem loan báo thành sẽ được đổi tên “Yavê – sự – công – chính – của chúng ta” là muốn gởi đến mọi thính giả một sứ điệp thần linh: chỉ trong sự công chính của Thiên Chúa, chỉ khi con người thần phục “lẽ công bình chính trực” của Thiên Chúa thì lúc đó nhân loại mới thực sự hưởng bình an.
Đọc Gr 23,6 thì “Yavê – sự – công – chính – của – chúng tôi” là tên của Đấng Mêsia, của “Chồi Non Công Chính”. Vậy vận mạng của thành cũng như số phận của dân thành là tùy thuộc vào thái độ của họ đối với Đấng Mêsia và với dự tính của Thiên Chúa: “những ai đón nhận, tức là tin vào Danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12).
Như vậy Đấng Mêsia sẽ đảm nhận lấy số phận của thành Giêrusalem, vận mạng của dân làm của Người để cứu, để công chính hóa, và dân Người thực sự được hưởng ơn công chính nhờ tin vào Người, thần phục Người trong đức tin (x. Gl 2,16). Công trình này đã được khởi sự nơi Đức Giêsu và hoàn tất vào ngày cánh chung.
Trong hiện tại, khi tin và đón nhận “Đức Giêsu – sự – công – chính – của – tôi” thì tôi được công chính hóa, được đổi tên, được gia nhập vương quốc của những người bạn hữu của Đức Kitô: Kitô hữu. Mùa vọng nhắc cho tín hữu sự đổi đời (đổi tên) kỳ diệu này, thúc đẩy chúng ta củng cố hồng ân đó, càng ngày càng trở nên bạn hữu nghĩa thiết hơn với Đức Kitô.
Giai đoạn hiện tại đang sống trong Giáo Hội giữa trần gian của nhân loại và của từng người chúng ta là một Mùa Vọng liên tục, đón nhận “Mầm Non Công Chính” mà Chúa tặng ban, vào lòng đồng thời để Người (Mầm Non ấy) lớn lên thành vị quân vương cai trị lòng chúng ta theo đường công minh chính trực của Chúa, để cuối cùng khi thời gian đã mãn, chúng ta được hưởng ân huệ cánh chung “Yavê – sự – công – chính – của – tôi” cách viên mãn trong Giêrusalem mới, Trời mới Đất mới.
TIN MỪNG: Lc 21,25-28.34-36
Bài đọc Tin Mừng của Chúa Nhật I Mùa Vọng luôn hướng về ngày cánh chung, ngày Đức Giêsu đến lần thứ hai vào lúc quang lâm. Như vậy Tin Mừng của Chúa Nhật đầu và cuối của năm phụng vụ đều nói về biến cố quang lâm (rất tiếc, tại Việt Nam, có thể nói là bị mất Chúa Nhật XXXIII vì phải mừng kính lễ các Thánh Tử đạo Việt Nam); Để rồi sau hai lần quang lâm như thế, quyền vua của Đức Giêsu thể hiện trọn vẹn (lễ Kitô Vua), chấm dứt dòng lịch sử, hoàn tất ơn cứu độ cách vĩnh viễn.
Hai lần nói đến quang lâm! Nhưng lần nói đến trong Chúa Nhật I Mùa Vọng, được đọc dưới ánh sáng của Mầu Nhiệm Giáng Sinh: cái “Con Người” ngự đến trong mây trời để hoàn tất chung cuộc chương trình của Thiên Chúa, chính là Hài Nhi Giêsu mà Mùa Vọng chúng ta đang hướng tới, đang sắp tưởng niệm ngày sinh vào 25 tháng 12. Còn trong Chúa Nhật XXXIII Mùa Thường Niên thì vai trò Thẩm Phán, xét xử của “Con Người” được biểu lộ qua việc trả lại lẽ công bình cho những kẻ được chọn: Người đến “tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về”; Còn bài đọc Tin Mừng Chúa Nhật XXXIII C. Luca nhấn mạnh đến tiếng nói chung cuộc của “Thầy” tức là Đức Giêsu về cánh chung: vị “Thầy” của các môn đệ chính là người bảo vệ tín hữu trong ngày quang lâm (x. Lc 21,18); Còn các bài đọc 1 của Chúa Nhật XXXIII Mùa Thường Niên đều nói về vai trò Thẩm phán, xét xử chung cuộc của Đấng quang lâm.
Như vậy qua việc cố ý sắp xếp Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Vọng và Chúa Nhật XXXIII Mùa Thường Niên đều nói về quang lâm, Giáo Hội muốn nhắn nhủ con cái mình đang sống trong giai đoạn giữa Giáng Sinh (đã tới) và Quang Lâm (chưa tới) phải xác tín cách dứt khoát rằng:
-
Đấng Giáng Sinh trong cảnh khó nghèo cách đây hai ngàn năm và Đấng Thẩm Phán xét xử toàn thể vũ trụ trong ngày cánh chung LÀ MỘT.
-
Đấng đó chính là “Vị Thầy” mà các môn đệ Nhóm Mười Hai đã từng theo. Đấng đó chính là Đấng Quang Lâm hoàn tất công trình cứu độ.
-
Đấng đó chính là Đấng nói tiếng nói chung cuộc về số phận của toàn thể vũ trụ cũng như của từng cá nhân.
-
Vậy Đấng mà chúng ta mong đợi là Đấng đã đến rồi, đã gặp gỡ chúng ta rồi, đã dạy dỗ, đào tạo chúng ta rồi…
-
Một khi đã xác tín điều đó thì chúng ta phải lo sống thế nào để khi gặp lại Đấng đó trong ngày cánh chung, chúng ta nhận ra được đó là “người quen” và vui mừng đón nhận quyết định của Người trên chúng ta.
Đó là điều chúng ta phải nỗ lực sống trong Mùa Vọng. Tuy nhiên “cánh chung”, “quang lâm” là biến cố trong tương lai. Do đó Đức Giêsu không mô tả cánh chung như những sự kiện khách quan trần tục. Những gì Đức Giêsu nói ra là những hình ảnh gợi ý mang tính biểu tượng theo văn thể khải huyền, nghĩa là qua những hình ảnh gợi ý đó, Đức Giêsu mời Giáo Hội và tín hữu bước vào một tương quan mới, thiết lập một tầm nhìn mới, một chuẩn mực, một lối đánh giá mới … đối với những thực tại trần thế mà chúng ta đang sống. Làm sao để cho những thực tại đó dù tốt hay xấu, dù tích cực hay tiêu cực … đừng là những bức tường, những chướng ngại cản bước tiến chúng ta đến với Thiên Chúa; Nhưng sẽ là những cầu nối, những nấc thang, những chất xúc tác liên kết chúng ta với Thập Giá và Phục Sinh của Người.
1/ Những mặc khải liên quan tới biến cố Quang Lâm (21,25-28).
*Trời đất đảo điên: một biến cố bao trùm hoàn vũ:
– Trời: có điềm lạ trên mặt trời, trăng sao (c.25a)
– Dưới đất: biển gào, sóng thét (25b.d)
– Các quyền lực trên trời bị lay chuyển (26c)
Các cách nói trên đồng nghĩa với Mc 13,24b.25 (xem Mùa Thường Niên XXXIIIB): vũ trụ này mà con người tưởng rằng vĩnh tồn rồi sẽ qua đi. Số phận mọi sự nằm trong tay Chúa, Chúa có tiếng nói cuối cùng.
*Phản ứng của con người (câu 25c.26a.28b)
Hai đoạn song song Mt 24,29-30 và Mc 13,24-27 chỉ nói đến mục đích của quang lâm là tập họp những kẻ được tuyển chọn mà không nói gì đến phản ứng từ phía con người trước biến cố. Trong Luca, bản văn nhấn mạnh đến phản ứng từ phía con người
Các điềm xảy ra trên trời, đất, biển gây nên những phản ứng tiêu cực nơi những kẻ gian ác: lo lắng, hoang mang (25c), sợ hãi đến hồn xiêu phách lạc… (26a). Trái lại đối với những người tin thì khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, kẻ tin “đứng thẳng và ngẩng đầu lên” vì họ biết rằng giờ cứu chuộc họ đã đến.
Các kẻ vô đạo sợ hãi đến rụng rời là vì các thần lực mà họ tôn thờ sắp bị tiêu diệt tận căn. Thật vậy theo ngôn ngữ của thể văn Khải huyền thì cách diễn tả “trời, đất, biển bị lung lay tận gốc hàm ý rằng giờ Thiên Chúa can thiệp cách dứt khoát đã đến. Vũ trụ hoàn toàn bị mất ổn định; trời trăng tinh tú mất hết ánh sáng… nghĩa là vũ trụ rơi về lại tình trạng tối tăm, hỗn mang nguyên thủy. Sự trở về hỗn mang nguyên thủy này như là một sự tẩy luyện tận căn và lần này là dứt khoát, vĩnh viễn (giống như Hồng Thủy trùm phủ nước trở lại khắp địa cầu) chuẩn bị cho Trời mới Đất mới, một tạo thành mới sắp xuất hiện (Chú giải Phúc Âm B Mùa Thường Niên 601).
Cái nền đen đó làm nổi bật thái độ hiên ngang trông cậy của kẻ tin, bởi vì họ nhìn ra trong các biến cố ấy dấu chỉ của ơn cứu độ đã gần tới rồi.
Vậy điểm mà Luca chú tâm không phải là chính biến cố mà là thái độ phải có của con người trước biến cố, đặc biệt thái độ của kẻ tin: vui mừng vì ơn cứu độ gần đến.
*Về ngày Quang Lâm: các chi tiết về “Thời điểm”, “Thiên hạ sẽ thấy”, “Con Người đến”, “Mây”: x. Tin Mừng Chúa Nhật XXXIII B và bài đọc 1 của Chúa Nhật XXXIV B.
2/ Thái độ phải có trong hiện tại đang khi chờ Quang Lâm (34-36)
*Tính bất ngờ của Quang Lâm: cả ba tác giả Nhất Lãm đều khẳng định chắc chắn có Quang Lâm qua dụ ngôn “Cây Vả” (bản văn phụng vụ không trích đọc đoạn Lc 21,29-33 này); và các trình thuật kế tiếp đều nói về tính cách bất ngờ của Quang Lâm và về thái độ phải có trong khi chờ Quang Lâm mặc dù về chi tiết có nhiều điểm dị biệt.
Matthêu nhắc tới điển tích Hồng Thủy và dùng dụ ngôn “trộm đến ban đêm”.
Maccô dùng dụ ngôn chủ đi xa không biết về lúc nào.
Còn Luca dùng dụ ngôn “chiếc lưới bất thần chụp xuống”.
Hình ảnh “chiếc lưới” có lẽ vay mượn từ Is 24,17: vào ngày của Yavê, một chiếc lưới sẽ chụp bắt chư dân và kẻ vô đạo không ai trốn thoát được. Qua hình ảnh này, Luca nhấn mạnh hơn tới tính cách cộng đoàn, xảy ra “ĐỒNG LOẠT, CÙNG MỘT LÚC”: biến cố bất thần ụp xuống “chớp nhoáng” trên toàn thể vũ trụ không ai kịp đối phó hoặc trốn tránh.
Tính chớp nhoáng và đồng loạt không nhắm vào thời điểm quang lâm, mà vào hiệu năng cứu độ của quang lâm, nghĩa là khi Quang Lâm đến thì quyền năng Thiên Chúa thống trị NGAY TỨC KHẮC, ơn cứu độ được hoàn tất tức thời không còn lệ thuộc vào không gian, thời gian như lần đến thứ nhất nữa; Và quyền thống trị của Chúa bao trùm TOÀN THỂ TẠO VẬT từ sáng tạo cho đến tận thế. Đây là nền tảng cho sự lạc quan hy vọng của Kitô giáo cho dù thực tại trước mắt tưởng chừng như sự ác đang nuốt chửng thế giới này. Nói cách khác, khi Quang Lâm đến, Sự Ác bị khuất phục ngay tức khắc và kẻ lành sẽ ngẩng cao đầu.
*Thái độ phải có của kẻ tin
– Đối tượng Đức Giêsu nhắm tới là mọi người, là đám đông (x. Lc 20,45; 21,37.38); Rồi trong trình thuật về gương bà góa, Lc 21,1-4 không có chi tiết Đức Giêsu gọi các môn đệ lại, nên chữ “anh em” ở đây của Luca nhắm vào đám đông: Lời khuyên phổ quát cho MỌI NGƯỜI.
– Vậy… phải đề phòng: chữ “VẬY” nối với trình thuật “cây vả”: phải đề phòng vì chắc chắn Quang Lâm đến hơn là để đối phó với sự bất ngờ của Quang Lâm, vì đối với Luca, Quang Lâm là thời điểm kẻ tin ngẩng cao đầu hưởng ơn cứu độ nên chẳng có gì phải tìm mưu đối phó cả. Và do tính “chớp nhoáng” của Quang Lâm nên muốn đối phó cũng không kịp. Vấn đề là phải đề phòng ngay trong hiện tại.
-
Chớ để lòng ra nặng nề vì: dịch sát: “đề phòng kẻo các con tim của anh em rơi vào trong” hàm ý lòng trí tràn đầy ham muốn, rơi vào các đam mê khiến ra nặng nề không sao dứt ra được.
-
Chè chén say sưa, lo lắng sự đời: hình ảnh gợi lại cách sống tội lỗi của nhân loại trước Hồng Thủy (x. Mt 24,38) bất chấp điềm báo Nôê.
Vậy thái độ thứ nhất mang tính ngăn ngừa cảnh báo: đề phòng đừng để những đam mê, khoái lạc trần tục chiếm hết tâm can mình làm con tim ra nặng nề u tối mà quên đi ngày Quang Lâm sẽ tới, ngày mình sẽ phải đối diện trả lẽ về cuộc sống của mình. Xác tín Quang Lâm chắc chắn tới.
-
Tỉnh thức… đứng vững trước mặt Con Người: một khi “chiếc lưới” đã chụp xuống trùm hết vũ trụ thì dù có biết rõ ngày Quang Lâm, con người cũng chẳng tránh khỏi ngày ấy. Chỉ có một cách để thoát nạn (mà còn được ân thưởng nữa) là ngay bây giờ phải tỉnh thức, nghĩa là phải chuyên tâm thực hiện tốt việc đã được Thiên Chúa trao phó (Lc 12,35-48) và phải cầu nguyện luôn.
-
Cầu nguyện luôn là riêng của Luca. Cầu nguyện ở đây là cầu nguyện tập trung vào biến cố Quang Lâm (x. Lc 18,1-8 và các nốt q, x “KT Tân Ước” trang 344 – CGKPV), cầu nguyện là để kiên trì trong lòng tin vào thời sau hết (18,8b), để “đứng vững trước mặt Con Người”.
Vậy Quang Lâm không phải là một vấn đề tương lai để chúng ta phải ngóng chờ. Đó là vấn đề hiện tại chúng ta phải nỗ lực thực hiện: phải tích cực chuẩn bị con người mình để nghênh tiếp Chúa như Người phải đến ngay hôm nay; Còn thực sự Chúa đến lúc nào, đó không phải là mối bận tâm của kẻ tin.
Vì là chuyện hiện tại nên cũng phải để ý đến cách Chúa đến cũng đầy bất ngờ (x. Mt 25,31-46) bằng không đến ngày Quang Lâm ta sẽ phải ngỡ ngàng (c.44). Hãy tỉnh thức, cầu nguyện để mọi hoạt động của ta đều được Đức Vua chúc phúc (c.40).
*Bài học từ dân Do Thái
Họ đã mong đợi ngày Đấng Mêsia đến suốt cả ngàn năm lịch sử của họ. Họ mong đợi thật tình, họ chuẩn bị cẩn thận, họ khao khát đến mỏi mòn ngày Người đến. Thế nhưng khi Đức Giêsu đến, chỉ sau ba năm Người rao giảng, họ đã đóng đinh Người. Tại sao?
-
Thay vì mở lòng ra đón Chúa, hoán cải để người làm Chúa, làm Vua con người mình, thì họ đã muốn nhốt Chúa trong những tham vọng ích kỷ của họ.
-
Họ không tìm Ý Chúa, họ đi tìm bản thân họ.
-
Họ không tỉnh thức, họ không cầu nguyện.
-
Các ngôn sứ và Đức Giêsu cũng đã trách họ: “tôn kính Chúa bằng môi miệng, còn lòng thì xa Chúa” (x. Is 29,13; Mc 7,6-7).
-
Họ chuẩn bị nhưng không để đón Chúa mà để “đòi quà” của Chúa theo ý họ. Mà Chúa có “quà” nào đâu ngoài Chính Chúa.
-
Không có “quà”, Chúa vẫn đến! Chúa là quà tặng quý nhất. Nhưng họ không thích Chúa, họ vứt bỏ Chúa.
Kinh nghiệm mấy ngàn năm chờ Chúa để rồi giết Chúa của người Do Thái là bài học quý giá, đau thương giúp ta sống tốt tinh thần Mùa Vọng.
Hãy tỉnh thức và cầu nguyện LUÔN. Mỗi giây phút của cuộc đời tín hữu đều là Mùa Vọng: Tỉnh thức và cầu nguyện.
Frère Pierre Đình Long FSC