CHÚA NHẬT CHÚA BA NGÔI

Bài 1

Đnl 4,32-34.39-40; Mt 28,16-20
Chủ đề: Thiên Chúa là duy nhất nhưng có ba NGÔI VỊ.

* Đnl 4,39b: trên trời cao cũng như dưới đất thấp, chính YAVÊ là Thiên Chúa chứ không có thần nào khác nữa.

* Mt 28,19: anh em hãy làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Hôm nay là Chúa Nhật lễ CHÚA BA NGÔI. Trong năm 2024 này đó cũng là Chúa Nhật thứ VIII Mùa Thường Niên năm B.

Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm lớn nhất, chóp đỉnh của đức tin Kitô giáo. Đó là mặc khải chung cuộc do chính Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người bày tỏ ra cho con người. Với thân phận hữu hạn kiếp phàm nhân, nhân loại không thể “nhốt” Thiên Chúa vào trong lý trí hạn hẹp của mình. Tuy nhiên, con người vẫn có thể thông hiệp vào sức sống thần linh của Ba Ngôi qua việc từng bước một đón nhận những mặc khải tiệm tiến, những lần Thiên Chúa tỏ mình qua dòng lịch sử cứu độ. Vì thế trong Cựu Ước, không có đoạn Kinh Thánh nào minh nhiên nói rõ rằng Thiên Chúa có Ba Ngôi. Công thức “MỘT CHÚA BA NGÔI” là mặc khải của Tân Ước. Tuy vậy, Cựu Ước cũng đưa dân Chúa tiếp cận một phần với mầu nhiệm: Chỉ có MỘT Thiên Chúa. Đó là mặc khải trọng tâm và chóp đỉnh của Cựu Ước về Thiên Chúa: “nghe đây hỡi Israel! YAVÊ, Thiên Chúa chúng ta là YAVÊ duy nhất” (Đnl 6,4); “ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Đnl 5,7). Và dân đón nhận được mặc khải của Chúa không phải bằng một nỗ lực suy lý mà là được Thiên Chúa đoái thương đến với họ ngay trong cảnh cùng khốn của họ mà giải cứu họ: “Ta là YAVÊ, Thiên Chúa của ngươi, Đấng đã đưa ngươi ra khỏi Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ” (Đnl 5,6). Phần thêm “BA NGÔI” là mặc khải của Tân Ước.

Do đó, qua lời Chúa của Chúa Nhật lễ Ba Ngôi năm B, Giáo Hội dẫn ta vào huyền nhiệm Ba Ngôi bằng cách mời chúng ta chiêm ngắm và sống những lần can thiệp của Thiên Chúa trong dòng lịch sử cứu độ để từng bước một nâng chúng ta lên hàng con cái Thiên Chúa, được thông hiệp vào quyền làm con của Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, đồng thừa tự với Đức Kitô (x.Ga 1,12; Rm 8,14-17: bài đọc 2).

Bài đọc 1 trích từ sách Đệ nhị luật, ca tụng sự vĩ đại của YAVÊ là Thiên Chúa duy nhất và siêu việt, Chúa Tể vũ hoàn. Bài đọc 1 mời Israel nhìn lại quá khứ, chất vấn họ, giúp họ xác tín vững chắc rằng chính YAVÊ là Thiên Chúa duy nhất chứ không còn Thiên Chúa nào khác nữa. Bằng lối nói hùng biện, sách Đệ nhị luật đã đặt vào miệng Môsê một lời thách thức cho dân Israel: hãy thử làm một cuộc tham vấn, điều tra xem có dân tộc nào trên trái đất này đã được Thiên Chúa ưu đãi như Chúa đã làm với Israel không? Cụ thể là nhắc lại hai biến cố tác tạo nên dân: * Đó là biến cố ban Lề Luật tại núi Sinai: “có dân nào đã được nghe tiếng Thiên Chúa phán từ trong đám lửa như anh em đã nghe mà vẫn còn sống không? (Đnl 4,33). * Rồi ngược về quá khứ thêm chút nữa, sách Đệ nhị luật nhắc lại những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện bên Ai Cập cứu dân khỏi nô lệ. Vậy trong Cựu Ước, Mầu Nhiệm Ba Ngôi được hé mở một phần: Thiên Chúa DUY NHẤT.

Còn bài đọc Tin Mừng trình bày một phương thức cụ thể do Đấng Phục Sinh tạo ra giúp đoàn môn đệ xác tín được rằng họ thực sự đã trở thành con Thiên Chúa ngay tại thế này: Đó chính là PHÉP RỬA NHÂN DANH BA NGÔI (x.Mt 28,19). Chính trong tư cách là Thiên Chúa, “được trao toàn quyền trên trời, dưới đất” (28,18) mà Đấng Phục Sinh đã trao ban lệnh truyền làm phép Rửa nhân danh Ba Ngôi. Vậy với lệnh truyền này, Mầu Nhiệm MỘT Thiên Chúa với ba NGÔI VỊ CHA – CON – THÁNH THẦN được mặc khải trọn vẹn.

Còn bài đọc 2: Rm 8,14-17 trình bày cho chúng ta thấy Mầu Nhiệm Ba Ngôi ngang qua việc chúng ta được Thiên Chúa nhận làm con. Chính Thần Khí hướng dẫn giúp chúng ta biết mình là con Thiên Chúa và dám THÂN MẬT gọi Chúa là ABBA! “Cha ơi”! Và với quyền làm con này, chúng ta được đồng thừa tự với Đức Kitô. Vậy cách thức tuyệt vời nhất BA NGÔI dùng để tỏ bày Mầu Nhiệm MỘT Thiên Chúa Ba Ngôi cho ta chính là việc nhận chúng ta làm con. Vậy khi chúng ta dần cảm nghiệm mình là con như Đức Giêsu thì càng ngày ta càng tiếp cận mật thiết hơn với Mầu Nhiệm MỘT CHÚA BA NGÔI. Chính khi sống trọn vẹn cái quyền và bổn phận làm con – chứ không bằng suy lý – chúng ta dần đi sâu vào Mầu Nhiệm Ba Ngôi.

Mầu nhiệm Ba Ngôi Một Chúa không phải là đối tượng của trí hiểu phàm nhân, nhưng đó là Thiên Chúa tự tỏ hiện chính mình Người cho nhân loại ngang qua những kỳ công Người đã thực hiện trong dòng lịch sử cứu độ, và Thiên Chúa kêu mời con người hiệp thông vào sự sống thần linh của Ba Ngôi. Vậy chính khi con người sống trọn vẹn tâm tình của người con hiếu thảo thì đã thực sự trở thành người loan báo và là chứng nhân tuyệt vời cho Mầu Nhiệm Ba Ngôi Một Chúa.

Bài 2

 “… Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” (Mt 28,19).

Mầu nhiệm “Thiên Chúa Ba Ngôi” là chóp đỉnh của đức tin Kitô giáo. Đó không phải là kết quả của những suy tư, khám phá từ phía con người. Đó là một mặc khải đến từ Thiên Chúa. Trong thân phận giới hạn của loài người, lý trí con người chỉ đạt tới mức độ là nhận biết có Thiên Chúa. Đó là một tín điều được Công Động Vatican I công bố:

“Ai nói rằng không thể dùng ánh sáng tự nhiên của lý trí để đi từ tạo vật mà nhận biết một cách chắc chắn có Đấng Thiên Chúa độc nhất, chân thật, là Tạo Hóa và là Chủ Tể, người đó sẽ bị vạ tuyệt thông”.

Thánh giáo hoàng Piô X khẳng định lại đức tin đó trong Thông Điệp Motu proprio, ngày 1-9-1910:

“Có thể nhận biết Thiên Chúa và do đó có thể chứng minh chắc chắn được về Thiên Chúa bằng ánh sáng tự nhiên của lý trí nhờ dựa vào các tạo vật mà Người đã dựng nên, tức là dựa vào các công trình hữu hình của việc Sáng Thế, tựa như có thể dựa vào kết quả mà nhận ra có nguyên nhân vậy”.

Và Công Đồng Vatican II cũng xác nhận lại trong Hiến Chế Dei Verbum 6: “Có thể nhờ ánh sáng tự nhiên của lý trí, qua những vật thụ tạo mà nhận biết có Thiên Chúa là nguyên thủy và cứu cánh của mọi tạo vật một cách chắc chắn (Rm1,20).

Tuy nhiên với nỗ lực của lý trí, con người chỉ biết mỗi một điều: CÓ THIÊN CHÚA! Còn tất cả những gì khác liên quan đến Thiên Chúa như bản tính, công trình, dự tính, đường lối hành động của Người… con người chỉ có thể biết được trong chừng mực được chính Thiên Chúa yêu thương mặc khải cho mà thôi. Và vì ích lợi của mọi loài thọ tạo hữu hạn, mặc khải của Thiên Chúa được thực hiện từng bước một qua suốt dòng lịch sử, qua mọi phương thức thích hợp để nhân loại có thể đón nhận đúng mức theo như ý định của Thiên Chúa.

Thực ra với bản chất là tình yêu và hiệp thông, Thiên Chúa không hề muốn dấu diếm con người thứ gì, Thiên Chúa muốn ban cho con người tất cả những gì Người có qua Đức Giêsu, Con Một Yêu Dấu của Người (x.Ga 15,15); Thiên Chúa muốn chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Con của Người (x.Rm8,29), được làm con, được thừa kế và là ĐỒNG THỪA KẾ với Đức Giêsu (Rm8,17).

Thiên Chúa đã khởi đầu mọi sự ngay từ trong công trình sáng tạo: dựng nên con người là hình ảnh Chúa (St 1,27), được linh hoạt bởi chính Thần Khí của Chúa (St 2,7), và khi con người sa ngã thì Thiên Chúa vẫn cứ trung tín thực thi dự tính của Người trong Đức Kitô (x.Ga 1,1-12). Chính khi hoàn thành dự tính yêu thương của mình cho nhân loại, Thiên Chúa đã tỏ mình cho nhân loại thấy Người là Thiên Chúa duy nhất nhưng có ba Ngôi Vị. Mặc khải này chỉ được tỏ hiện trọn vẹn vào thời Tân Ước, trong Đức Giêsu Kitô. Trong Cựu Ước, chân lý thần linh này vẫn còn là một ẩn số. Chính trong trong Đức Giêsu phục sinh, với việc ban Chúa Thánh Thần xuống cho đoàn môn đệ khai sinh ra Giáo Hội thì Mầu Nhiệm về Ba Ngôi Thiên Chúa mới được mặc khải trọn vẹn, rõ ràng: “anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh CHA, CON và THÁNH THẦN…” (Mt 28,19). Tuy nhiên công thức định tín “MỘT THIÊN CHÚA, BA NGÔI VỊ” chỉ chính thức được Giáo Hội sử dụng từ năm 200, còn lễ mừng Chúa Nhật Lễ Ba Ngôi chính thức đi vào lịch phụng vụ của Giáo Hội toàn cầu từ thời Đức Giáo Hoàng Gioan 22 (1316-1334) (Từ điển Công Giáo Phổ Thông “BA NGÔI, Chúa Nhật Lễ”; “Ba Ngôi, Thiên Chúa” trang 46).

Về mặt phụng vụ, ba bài đọc được chọn trong năm B, mỗi bài làm nổi bật một dung mạo của một trong Ba Ngôi:

1/ Bài đọc 1: Đnl 4,32-34.39-40 trích từ bài diễn từ thứ nhất của sách Đệ Nhị Luật (được trình bày như là một chúc thư của Môsê gồm 3 diễn từ). Bài đọc 1 nhắc lại cho Israel biết họ là một dân hồng phúc: được nghe tiếng Chúa, được Chúa chọn, được bảo vệ, được chứng kiến những kỳ công của Người (câu 32-34); Mỗi người trong dân đều đã đích thân cảm nhiệm những điều ấy (câu 35-38: phần này không đọc trong bản văn phụng vụ). Vậy dân phải tôn thờ Yavê là Thiên Chúa duy nhất và tuân giữ các mệnh lệnh của Người (câu 39-40).

Trong tương quan với lễ Chúa Ba Ngôi, bài đọc này mặc khải một phần của mầu nhiệm: Thiên Chúa là duy nhất. Trong thời điểm mà các dân chung quanh còn thờ ngẫu tượng và thờ đa thần thì Israel đã được Thiên Chúa tách riêng ra, tỏ mình cho họ biết Người là Thiên Chúa duy nhất.

Yavê là Thiên Chúa, không có thần nào khác: đây là phần được mặc khải trong Cựu Ước về Thiên Chúa Ba Ngôi: chỉ có Yavê là Thiên Chúa duy nhất, chỉ một mình Người là Thiên Chúa mà thôi. Phần tiếp theo là “Ba Ngôi”, đó là tương quan nội tại trong Thiên Chúa, chỉ có Ngôi Lời Thiên Chúa mới có thể biết và mặc khải cho ta. Đó sẽ là công trình của Đức Giêsu và Thánh Thần.

Anh em phải giữ các thánh chỉ, mệnh lệnh: Chúa tỏ mình không để thỏa mãn trí tò mò của con người; Chúa tỏ mình là để mời con người dấn thân toàn diện bằng cả kinh nghiệm sống thâm sâu, biệt vị của từng người với Thiên Chúa được biểu lộ qua việc tuân giữ các thánh chỉ, mệnh lệnh của Chúa, và bên trong nội tâm thì ĐỂ TÂM SUY NIỆM. Vậy Chúa tỏ mình và ban lề luật, Thánh Chỉ là để tạo điều kiện thuận lợi giúp dân Chúa đi vào mối hiệp thông thân tình với Chúa.

2/ Bài đọc Tin Mừng:

Mt 28,16-20 là đoạn văn kết thúc Tin Mừng Mathêu. Theo Matthêu, đây là lần hiện ra thứ hai của Đấng Phục Sinh dành riêng cho Nhóm Mười Một, diễn ra tại Galilê để thiết đặt các ông làm chứng nhân loan báo Tin Mừng Phục Sinh, đồng thời trao lệnh ra đi thu nạp môn đệ nhân danh BA NGÔI. Đoạn văn này được chọn lọc trong lễ Ba Ngôi năm B.

Trong các sách Tin Mừng khác, khi Đấng Phục Sinh hiện ra cho những người được chọn thì thần tính của Người được diễn tả bằng danh xưng “CHÚA” (Mc16,19; Lc 24,3.34.35; Ga 20,13.18.20.24.28). Riêng Matthêu, trong các trình thuật nói về phục sinh, danh xưng thần linh, được Thiên Chúa mặc khải riêng cho dân Do Thái – Kurios = “CHÚA” – lại không được sử dụng. Matthêu muốn nhấn mạnh đến tầm mức VŨ TRỤ của quyền là Chúa của Đấng Phục Sinh bằng một chi tiết độc đáo chỉ riêng của Matthêu: “đất chuyển rung” (ở đây Mt 28,2 và lúc Đức Giêsu tắt thở Mt 27,51-54). Chi tiết vay mượn từ thể văn khải huyền này gợi lên tầm mức vũ trụ của biến cố (CGKPV, “Kinh Thánh Tân Ước” năm 2008, Mt 28.2 nốt “d”). Vậy Đức Giêsu phục sinh không chỉ là chuyện riêng cho cá nhân Người mà là ơn giải thoát chung cho toàn nhân loại, qua Phục Sinh, Đức Giêsu đập tan xiềng xích Tử Thần, thông ban sự sống thần linh cho toàn vũ trụ.

Bản văn này được chọn đọc trong lễ Ba Ngôi là bổ sung cho bài đọc 1, hoàn thiện mặc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi:

  • Bài đọc 1 đã làm nổi bật lên tính ĐỘC THẦN của Thiên Chúa Israel: “Yavê là Thiên Chúa và ngoài Người ra không có thần nào khác nữa” (Đnl 4,35). Trước đây, trong Mười Điều Răn, chỉ có lời cấm “không được thờ thần nào khác” (x.Xh 20,3) vì trong một thời gian dài người ta lầm tưởng rằng các thần của dân ngoại là có thật, tuy đó là những thần ở cấp thấp, đáng khinh, bất lực thôi. Nhưng Đnl 4,35 thì khẳng định một cách minh bạch rằng KHÔNG có những thần đó, không có thần nào ngoài Yavê của Israel là Thiên Chúa độc nhất. Vậy đây là một bước ngoặc quan trọng trong thần học Do Thái giáo (x.CGKPV, “Ngũ Thư” 1999, Đnl 4,35 nốt “h”.)

  • Vị Thiên Chúa độc nhất của cả vũ hoàn đó, giờ đây được Đấng Phục Sinh là “Đấng được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 29,18), mặc khải cách tỏ tường hơn: Thiên Chúa đó có 3 ngôi vị là CHA – CON – và THÁNH THẦN. Và phương thế mà Ba Ngôi Thiên Chúa dùng để thể hiện quyền năng trên khắp vũ hoàn là hiệp nhất nhân loại trở nên môn đệ, được trở thành NHIỆM THỂ ĐỨC KITÔ, qua việc tin và lãnh nhận phép Rửa nhân danh Ba Ngôi. Vậy Ba Ngôi là cội nguồn hiệp thông và chỉ trong Ba Ngôi nhân loại mới thật sự hiệp nhất vững bền.

Vậy tin Đức Giêsu phục sinh đưa tới tin Thiên Chúa Ba Ngôi mới là sứ điệp trọng tâm: gọi Đức Giêsu là “lạy Chúa” mà thôi thì chưa đủ; nhân danh Chúa nói tiên tri, trừ quỷ, làm phép lạ cũng chưa đủ (x.Mt 7,21-23). Vấn đề là phải làm cho “Ý Cha thể hiện khắp nơi, dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6,9-10). Và để giúp đoàn môn đệ hoàn thành sứ mạng, Đấng Phục Sinh còn ban Thánh Thần: Chính Thánh Thần đưa mặc khải của Đấng Phục Sinh nơi môn đệ đến chỗ hoàn tất (x.Ga 16,13); Chính Thánh Thần hoàn tất nơi chúng ta điều Đức Giêsu dạy: gọi Thiên Chúa là Cha (Mt 6,9; Rm 8,15-16).

Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.

Tin Mừng Matthêu mở đầu bằng việc Thiên Chúa rất thánh đến hội nhập vào gia đình tội lỗi của nhân loại. Chúa đã chuẩn bị công cuộc này đến 2.000 năm:

  • Chuẩn bị xa: được diễn đạt qua bảng gia phả Mt 1,1-17.

  • Chuẩn bị gần: truyền tin cho Giuse, mời ông từ bỏ dự tính riêng tư để thực thi chương trình của Thiên Chúa. Mời ông cộng tác với Chúa để thay vì chăm sóc một gia đình theo xác phàm thì cùng với Chúa chăm lo cho một gia đình thần linh, một nhân loại mới (Giêsu – Maria là Ađam – Eva mới). Nhờ đó gia đình trần thế trở nên ngai tòa Thiên Chúa, nơi đó “Thiên Chúa – ở – cùng – chúng – ta” = Emmanuel (Mt 1,23)

Và Tin Mừng Matthêu kết thúc bằng việc “Adam mới” (là Đức Giêsu phục sinh) trong tư các là thành viên của Ba Ngôi Thên Chúa đã mở rộng cung lòng thần linh đón nhận nhân loại vào “gia đình Ba Ngôi” qua phép Rửa nhân danh Ba Ngôi do Đấng Phục Sinh thiết lập (Mt 28,19). Qua công trình tuyệt với đó Đấng Phục Sinh quả thực là “Thiên Chúa – ở – cùng – chúng – ta”

Mầu Nhiệm Ba Ngôi là đỉnh đến của dự tính “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

3/ Bài đọc 2:

Xem ý chính trong bài chủ đề.

4/ Mầu nhiệm Ba Ngôi trong cuộc đời tín hữu:

Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta là để tạo điều kiện thuận lợi để ta HIỆP THÔNG, GẮN BÓ với Ba Ngôi. Bằng cách nào chúng ta sống hiệp thông, gắn bó với “Thiên Chúa Ba Ngôi”? Thật sự chỉ cần chúng ta sống chân tâm, đơn sơ một số việc đạo đức thực hành của đức tin là chúng ta đã kết hợp mật thiết với Thiên Chúa Ba Ngôi NHIỀU LẦN TRONG MỖI NGÀY rồi:

1/ Làm DẤU THÁNH GIÁ: việc này chúng ta làm thường xuyên, nhiều lần mỗi ngày. Nếu làm sốt sắng, đúng cách, chúng ta tuyên xưng và sống ba chân lý đức tin:

  • Vẽ hình Thánh Giá trên mình: dùng tay mặt vạch một đường thẳng từ trán xuống ngực rồi từ vai trái qua vai phải: chúng ta tuyên xưng, Thánh Giá là phương thế tuyệt vời, duy nhất mà Thiên Chúa đã dùng để cứu chúng ta.

  • Đồng thời miệng đọc, hoặc đọc thầm “NHÂN DANH” – “CHA và CON và THÁNH THẦN” – “AMEN”. Đây là lời công khai tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta thử xét mình xem: khi làm dấu Thánh Giá, ta có tâm niệm, lòng tin, miêng đọc lời tuyên xưng Ba Ngôi không? Hay chỉ quẹt cho có hình thức còn lòng trí để ở đâu đâu?

  • Chứ “NHÂN DANH” hàm ý tuyên xưng mình thuộc về Chúa; có liên kết, hiệp thông mật thiết, nên một với Ba Ngôi thì ta mới có quyền NHÂN DANH Ba Ngôi để nói, làm, suy tư…mọi sự chứ!

Từ nay ta hãy làm dấu thánh giá cho sốt sắng, nghiêm túc; Đó là cách chúng ta biểu lộ lòng tin chúng ta vào Thiên Chúa Ba Ngôi và là cách đơn giản nhưng hiệu quả tuyệt vời ta loan truyền Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cho thế giới.

2/ Đọc kinh Sáng Danh một cách đầy ý thức cũng là cách dễ dàng hiệp thông với Ba Ngôi, đồng thời nói lên cùng đích, tâm nguyện của người Kitô hữu là làm mọi sự để sáng danh Chúa, nghĩa là để nhân loại được cứu vì “vinh quang Thiên Chúa là con người sống” (Irênê)

Thiên Chúa Ba Ngôi luôn đồng hành với ta từng giây phút, hãy ý thức và hiệp thông với Người bằng tâm tình tín thác mến yêu khi làm dấu Thánh Giá và đọc kinh sáng danh.

TÌM HIỂU 2 BÀI ĐỌC

Chủ điểm phụng vụ

     Việc tự ý tỏ mình ra cho nhân loại được Thiên Chúa thực hiện cách tiệm tiến và liên tục trong suốt dòng lịch sử, phù hợp với tâm thức con người từng thời đại, để con người có thể đón nhận, vì lợi ích cứu độ con người. Vì vậy Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi chưa được tỏ lộ trong Cựu Ước: Thiên Chúa chỉ mới biêu lộ Người là Thiên Chúa duy nhất, không có thần linh nào khác ngoại trừ Người. Mầu Nhiệm Thiên Chúa chỉ mới hé mở một phần là để tránh nguy cơ dân Chúa tưởng lầm là có ba Thiên Chúa trong một thế giới thờ đa thần. Đến khi chính Ngôi Lời nhập thể làm người thì sự viên mãn của Mầu Nhiệm Thiên Chúa mới được tỏ bảy trọn vẹn. Tuy nhiên để diễn tả thực tại Thiên Chúa Ba Ngôi thì ngôn ngữ giới hạn phàm nhân bất lực, con người chỉ có thể vay mượn vài hình ảnh nghèo nàn, bất toàn trong các kinh nghiệm tương giao của mình với hy vọng gợi lên phần nào thực tại huyền nhiệm Ba Ngôi: Thiên Chúa là Cha – Con – Thánh Thần. Đó chỉ là ngôn từ gợi ý; còn để đi vào sự hiệp thông, hiểu biết Thiên Chúa thì chính Người sẽ ban ơn cho những ai khao khát, đáp lại lời Người và liên kết với Người.

     Phụng vụ năm B nhấn mạnh đến sự nhất quán và kế thừa của 2 giai đoạn mặc khải về Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: Thiên Chúa duy nhất trong Cựu Ước cũng chính là Thiên Chúa Ba Ngôi trong Tân Ước. Đồng thời Lời Chúa cũng mời con người phải có thái độ đáp trả tương ứng trước thực tại diệu kỳ ấy về Thiên Chúa; lời mời gọi ấy được bảy tỏ qua lệnh truyền của 2 nhân vật tiêu biểu: Môsê trong Cựu Ước và Đức Giêsu trong Tân Ước, kèm theo những phúc lộc khi tuân giữ lệnh truyền.

     Bài đọc 1 mở đầu bằng lời Môsê nhắc nhở Israel: Thiên Chúa đã ưu ái tuyển chọn dân, đối xử với dân cách đặc biệt, bảo vệ, giải cứu dân bằng cánh tay mạnh mẽ uy quyền; vậy dân phải đáp trả lại bằng sự thần phục tôn thờ Thiên Chúa là thần linh duy nhất, ngoài Người ra không có thần nào khác. Từ đó kéo theo hệ lụy: giữ các chỉ thị, mệnh lệnh mà Thiên Chúa đã truyền. Đó sẽ là điều bảo đảm cho hạnh phúc vĩnh viễn của dân trong Đất Hứa.

     Bài đọc Tin Mừng là những câu cuối của Tin Mừng Mattheu. Đấng Phục Sinh tại điểm hẹn trên núi đã truyền lệnh cho Nhóm Mười Một đi khắp thế gian thâu nạp môn đệ và bạn phép rửa cho họ nhân danh Ba Ngôi. Chính nơi đoạn văn này. Thực tại về Ba Ngôi được bày tỏ rõ ràng nhất trong Tân Ước. Kết quả của lệnh truyền được bảo đảm nhờ lời hứa đồng hành với đoàn môn đệ của Đấng Phục Sinh cho đến tận thế.

BÀI ĐỌC I: Đnl 4,32-34.39-40

Văn mạch

Sách Đệ -nhị-luật được trình bày như là những diễn từ của Môsê được nói bên kia sông Giođan, lướt qua những biến cố chính trong hành trình sa mạc từ Sinai cho đến ranh đất hứa, và xen vào đó những bài huẩn dụ nhắc dân trung tín với Luật Chúa:

– Bài diễn từ 1 (1,1-4,43);

– Bài 2 được cắt làm 2 mảng (4,44-11,32 và 26,16-28,68) và được xen vào giữa bằng nội dung Bộ Đnl (12,1-26,15);

– Bài 3 (28,69-30,20); và sách kết thúc với vài việc làm cuối cùng và cái chết của Môsê (ch. 31- 34).

Bài đọc 1 trích từ diễn từ 1. “Sau khi ôn lại lịch sử hành trình của Israel trong sa mạc (ch. 1-3), Môsê mở đầu phần giảng thuyết của ông. Đây là những lời khuyến dụ thiết tha nồng nhiệt, để nói với lương tri và con tim của từng người dân, thuyết phục họ gắn bó với Giao Ước đã ký kết với Thiên Chúa của họ, nghĩa là tuân giữ mệnh lệnh của Người” (CGKPV-Ngũ Thư 1999 trang 469 nốt “r’) Phần khuyến dụ ở ch. 4 có thể chia làm 3 phần:

* Nhắc lại Giao Ước (4,1-20): Khuyên Israel phải tuân giữ lệnh truyền của Chúa: Luật là dấu Chúa ưu đãi dân, làm cho dân trở thành dân khôn ngoan, có Thiên Chúa ở gần (1-8). Đáp lại, dân phải tuân giữ các lệnh truyền ấy và dạy cho con cháu; đó là 10 Lời đã được ghi trong Bia Đá (9-20).

* Lời cảnh báo (4,21-31): Môsê lấy trường hợp không được vào Đất Hứa của mình làm lời răn đe (21-24), cảnh báo trước những hậu quả nếu dân vi phạm giao ước; đồng thời cũng cho thấy lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa: nếu dân trở lại, Chúa sẽ nhớ lời hứa với tổ phụ mà hồi phục dân (25-31).

* Khích lệ (4,32-40) nhắc lại Israel là dân hồng phúc: được nghe tiếng Chúa, được chọn, được bảo vệ, được thấy những kỳ công của Chúa (32-34); mỗi người trong dân đều đã đích thân cảm nghiệm những điều ấy (35-38: phần này bản văn phụng vụ không sử dụng): vậy dân phải tôn thờ Thiên Chúa duy nhất và tuân giữ lệnh người (39-40).

     Bài đọc 1 trích từ phần khích lệ: nhấn mạnh đến hồng ân được Thiên Chúa tỏ mình là Thiên CHúa duy nhất và thái độ đáp trả tương ứng phải có.

CẤU TRÚC và CHÚ THÍCH

  1. Mời Israel sống lại hồng ân được chọn làm dân riêng (Đnl 4,32-34)

  • Cách thức mời: thách dân làm 1 cuộc tham vấn: anh em CỨ HỎI.. CÓ BAO GIỜ ĐÃ XẢY RA… HAY CÓ AI ĐÃ NGHE…? (32).

  • Nội dung cuộc tham vấn: những hồng ân Chúa đã dành riêng cho Israel:

– được nghe tiếng Thiên Chúa … mà vẫn sống (33).

– được Thiên Chúa chọn và thực hiện cho những kỳ công trong cuộc xuất hành và tiến về Đất Hứa (34).

Bằng lối nói hùng biện, Đệ nhị luật đã đặt vào miệng Môsê một lời thách thức Israel hãy thử làm một cuộc tham vấn xem có dân tộc nào trên trái đất này đã được Thiên Chúa ưu đãi như Israel chăng? Bằng thể văn anh hùng ca, tác giả nhắc lại những biến cố trong thời xuất hành như là những kỳ công vĩ đại, độc nhất được Thiên Chúa thực hiện lần đầu tiên từ lúc sáng thể chọ đến xuất hành: chọn Israel làm dân riêng và can thiệp cách đặc biệt để thực hiện cho kỳ được việc tuyển chọn ấy. Những chi tiết được nhắc lại cho bản văn không theo thứ tự lịch sử:

– Mở đầu bằng nhắc lại biến cố chính yếu Thiên Chúa tỏ mình tại Sinai: toàn dân đã nghe tiếng Người qua cuộc thần hiện mà không phải chết.

– Kế đó tác giả đi ngược dòng thời gian kể lại các chi tiết trong biến cố xuất Ai Cập:

+ Thiên Chúa chọn cho mình một dân là Israel từ giữa các dân.

+ Các thử thách ám chỉ những cực khổ gian truân trong hành trình sa mạc: đói, khát, mệt mỏi, lang thang…; điểm thiêng dầu lạ: manna rơi từ trời, chim cút, nước vọt ra từ tảng đá…; “chinh chiến” gọi những chiến thắng kỳ diệu nhờ ơn Chúa: thắng Amalek nhờ Môsê dang tay trên núi, buộc Bilơam phải chúc lành cho dân… và “chinh chiến” cũng gợi lại các cuộc chiến đấu với những thói xấu của dân. những lần vi phạm, sa ngã… được Thiên Chúa sửa dạy, phục hồi…

– Cuối cùng, Đệ-nhị-luật đi ngược thêm dòng lịch sử (ở cuối c. 34) gợi lại 10 tai ương trong Ai Cập. Trước các ân huệ lớn lao ấy, dân phải đáp trả ra sao, đó là phần tiếp theo của bài đọc 1.

Tóm lại vị Thiên Chúa thánh thiêng, siêu việt đã hạ cố trở nên gần gũi với Israel bằng những can thiệp cụ thể thấy được – “dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền” (lối nói như nhân) – để biến đổi đám nô lệ thành dân riêng của Chúa.

  1. Thái độ đáp trả phải có: đi vào tương quan tôn thờ đối với Thiên Chúa (Đnl 4, 39-40)

* Cách thức: dấn thân hết mình “anh em phải BIẾT và để TÂM SUY NIỆM” (39a).

* Nội dung: niềm tin độc thần “ YAVÊ là Thiên Chúa duy nhất …” (39b)

* Hệ quả: giữ mệnh lệnh, thánh chỉ của Người mà hôm nay Môsê truyền (40a)

* Phần thưởng: anh em và hậu duệ sẽ được hạnh phúc; được sống lâu trên đất mà Yavê… vĩnh viễn ban cho anh em (40b)

Câu 39ª dịch sát: anh em phải biết và suy niệm điều này trong CON TIM.

   TIM biểu thị cả con người, nhân cách (x. CN 2B PS trong bài đọc 1, Cv 4,32 – xem DNTHTK “ТІМ”).

   NIỀM TIN độc thần không chỉ là 1 nhìn nhận 1 sự kiện bằng lý trí, nhưng là 1 dấn thân toàn diện con người bằng cả kinh nghiệm sống, thâm sâu, đích thân, biệt vị (BIẾT theo Kinh Thánh) (xem CN 4B PS trang 9-10) và phải nội tâm hóa bằng suy niệm trong con tim biển niềm tin cộng đoàn ấy thành xác tín cá nhân biệt vị.

   “BIẾT và suy niệm trong con tim” là lời cổ võ khích lệ đậm nét Đệ-nhị-luật. Đó phải là nền tảng động lực và đích điểm cho tất cả việc thi hành Luật. Câu 40a không phải là một bó buộc phải giữ các điều khoản Luật cách vô hồn, nhưng đó phải là hoa trái, sự biểu lộ ra bên ngoài của đức tin, của lòng tôn thờ Yavê là Thiên Chúa duy nhất của cộng đồng dân Chúa và của từng cá nhân biệt vị.

Yavê là Thiên Chúa, không có thần nào khác: đây là phần được mạc khải trong Cựu Ước về Thiên Chúa Ba Ngôi: chỉ có Yavê là Thiên Chúa duy nhất, chỉ một mình Người là Thiên Chúa mà thôi. Phần tiếp theo, BA NGÔI là tương quan nội tại trong Thiên Chúa, chỉ có NGÔI LỜI Thiên Chúa mới có thể biết và mạc khải cho ta. Đó là công trình của Đức Giêsu, hoàn tất mạc khải Cựu Ước.

Phần thưởng: trường thọ, an cư trong đất Chúa là hạnh phúc hằng mơ của dân Cựu Ước(c. 40). Phần thưởng này không dừng lại ở những phúc lộc thế trần mà còn gợi nhớ và hướng họ về địa đàng đã mất vì phạm tội: Trường thọ là được ăn trái Cây Trường Sinh ở giữa Vườn; An cư là sống mãi trong Eđen; Hạnh phúc là sự an nhàn hài hòa tuyệt đối giữa Thiên Chúa – con người – vạn vật. Đó mới là phần thưởng Chúa hứa ban cho những ai, ngay giữa trần thế đầy cám dỗ này vẫn sống tốt tương quan thờ lạy “Yavê là Thiên Chúa duy nhất” của tôi và của dân tôi. Còn trong hiện tại, đang khi chờ được hồi phục phúc lộc Eđen, Thiên Chúa đã đến cho con người tin nếm cảm trước phần nào phúc lộc ấy: cái an cư, sống lâu chỉ là một biểu lộ nhỏ điều mà Thiên Chúa hứa cho tổ phụ họ. Tất cả mọi sự đều là của Chúa, do đó cái an cư, trường thọ giữa cuộc đời giới hạn này chính là được sống dưới sự bảo bọc chở che của chính Chúa cho dù thực tế trước mắt có là gì đi nữa, hay nói cách khác tổng quát hơn: phần thưởng đó là CÓ CHÚA LUÔN Ở CÙNG, điều sẽ nên viên mãn trong Đấng Emmanuel.

TÓM KẾT:

Bằng giọng văn thách thức (mời tham vấn điều tra), mời dân Chúa hãy nhìn lại quá khứ hình thành dân tộc để nhận ra hồng ân lớn lao, độc nhất mà Thiên Chúa đã dành cho dân để rồi từ đó khẳng định lại bổn phận phải có đối với Thiên Chúa: thờ lạy Người là Thiên Chúa duy nhất, từ đó kéo theo cách sống đạo đức phù hợp là “tuân giữ Thánh chỉ và mệnh lệnh của Người”.

Trong nhãn giới phụng vụ, sứ điệp “Yavê là Thiên Chúa duy nhất” là 1 dọn đường tuyệt vời cho Mầu Nhiệm Ba Ngôi. Thật vậy Thiên Chúa của Cựu Ước chính là cộng đoàn Ba Ngôi đã được Đức Giêsu vốn là Ngôi Lời trong cung lòng Ba Ngôi, nhập thể mặc khải cho dân mới của Thiên Chúa. Mặc khải ấy cũng là lời mời mỗi tín hữu hãy cảm nhận hồng ân được Thiên Chúa tuyển chọn để đáp trả lại phần nào xứng đáng trước ân tình bao la đó. Và phúc lộc lớn lao nhất mà tín hữu có được trọn vẹn ngay đời này là trong Đức Giêsu từ nay Thiên Chúa vĩnh viễn ở cùng chúng ta và ai mở lòng đón Đức Giêsu sẽ vĩnh viễn ở trong Thiên Chúa, hưởng chân phúc vĩnh hằng ngay nơi thế này.

TIN MỪNG: Mt 28, 16-20

Văn mạch

     Đây là đoạn văn kết thúc Tin mừng Mattheu, nằm trong khối văn chương nói về những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh. Mattheu chỉ thuật lại 2 lần Đấng Phục Sinh hiện ra kèm theo những trích đoạn khác mang nét đặc thù của Mattheu, đó là:

  • Việc tảng đá lăn ra một bên được Mattheu nói rõ là hành động thần linh do Thiên Thần từ trời xuống thực hiện trong khung cảnh một cuộc thần hiện. Vậy đối với Mattheu, việc tảng đá được lăn ra là một sự kiện mang tính mặc khải do chính Thiên Chúa cố ý làm đề khai mở vào mầu nhiệm phục sinh (28, 1-3).

  • Những kẻ được chứng kiến trước tiên và tận mặt lại là bọn lính canh mộ (28.4).

  • Như vậy bọn này cũng được nghe sứ điệp phục sinh mà thiên thần truyền cho các bà (28, 5-7).

  • Các bà tin sứ điệp của thiên thần nên vui mừng thi hành (28.8).

  • Như để khích lệ, Đấng Phục Sinh hiện ra và cho các bà được “ôm lấy chân” (các Tin Mừng khác, các bà không hề được đụng đến Chúa) đồng thời nhắc lại sứ điệp của thiên thần (28,9-10).

  • Trước sự kiện hiển nhiên như thế, nhóm lính canh lại ham tiền, nghe lời các thượng tế và kỳ mục nói dối xuyên tạc sự kiện phục sinh thành cướp xác (28, 11-15).

  • Và khối văn chương Phục Sinh kết thúc bằng lần hiện ra thứ hai của Đấng Phục Sinh, lần này diễn ra tại Galilê đành riêng cho Nhóm Mười Một để thiết đặt các ông làm người loan báo Tin Mừng Phục Sinh và thu nạp môn đệ nhần danh Ba Ngôi (28,16-20). Đây là đoạn văn được chọn đọc trong lễ BA NGÔI.

CẤU TRÚC VÀ CHÚ THÍCH

  1. Lên đường, đến điểm hẹn, gặp Đấng Phục Sinh (Mt 28,16-17)

* Vâng lệnh, lên đường tới nơi Thầy hẹn (16)

* Phản ứng của các ông khi thấy Đức Giêsu Phục Sinh: bái lạy/nghi ngờ (17)

           “Mười một môn đệ đi tới Galilê”:  trong bốn tác giả sách Tin Mừng, Mattheu là người duy nhất ba lần nói đến việc Đấng Phục Sinh hẹn gặp các môn đệ tại Galilê (26,32; 28,7,10). Khác với Luca, trong phần Tin Mừng nói về phục sinh, Mattheu không hề nói tới Giêrusalem. Đối với Mattheu, Giêrusalem không còn là trung tâm của ơn cứu độ nữa vì thành đã phản bội lại với sứ mạng của mình khi giết các ngôn sứ, chống đối Đức Giêsu (x. 2,3; 15,1; 23,27). Ân huệ ấy của Giêrusalem được Mattheu chuyển sang cho Bêlem trong Tin mừng thơ ấu, và giờ đây cho Galilê: Mattheu dành cho vùng đất mang tiếng là hiệp chủng, ngoại lai này cái vinh dự được làm nơi mặc khải sứ điệp tối hậu của Đấng Phục Sinh lẫn của Giáo Hội. Là biểu tượng của thế giới dân ngoại, giờ đây Galilê trở thành vùng đất tiêu biểu cho việc rao giảng Tin Mừng (x.4,12-17).

          “Đến ngọn núi”: trong Tin Mừng, “núi” mang ý nghĩa biểu tượng: tiếp nối truyền thống Cựu Ước, núi là nơi Thiên Chúa mặc khải, cũng là nơi con người được tiếp xúc với Thiên Chúa đón nhận mặc khải của người. Chúng ta dễ dàng gặp lại những ý nghĩa biểu tượng này của núi trong Mattheu:

            – Đức Giêsu mở đầu sứ vụ bằng cuộc chiến thắng ma quỉ trên núi (Mt 4,8 so Lc 4,5: “lên cao”): đối với Mattheu đây là chiến thắng chung cuộc, quỉ phải xéo đi.

            – Công bố Hiến chương Nước Trời trên núi (5,1): Môsê mới, Luật mới, vị Thầy dạy của thời Cánh chung nói cho dân ý định chung cuộc của Thiên Chúa.

             – Hóa bánh ra nhiều trên núi (15,29 xem CGKPV Tân Ước trang 112 nốt “v”): Môsê mới, Manna mới nuôi dân mới. Ở đây phép lạ đang thực hiện, ở bờ đông hồ Tibêria thuộc dân ngoại, cho dân ngoại: ân huệ dành cho Israel được mở rộng ra cho mọi người.

             – Sau phép lạ nhân bánh lần 1, Đức Giêsu lên núi cầu nguyện (14,23). Tiếp đó, Người tỏ quyền năng thắng thiên nhiên qua đó tự mặc khải “êgô êimi”= “Chính Thầy đây” kèm theo lời trấn an “Đừng sợ”. Tất cả mặc khải Người là Con Thiên Chúa (14,32). Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã tỏ mình như một vị Thiên Chúa cho mọi người được thấy; nhưng sự tỏ mình này không đem lại sợ hãi, chết chóc cho ai thấy Thiên Chúa, mà đem lại bình an, sự sống.

             – Biến hình trên núi: hé mở vinh quang phục sinh và thần tính.

             – Và lần mặc khải chung cuộc này cũng ở trên núi mà lại là núi ở Galilê.

          Như vậy qua hai hình ảnh Galilê và núi, Mattheu đã trình bày sự liên tục giữa Cựu Ước và Tân Ước (so Mt 4,15-16 với İs 8,23-9,1); giữa Đức Giêsu lịch sử với Đấng Phục Sinh và với sứ mạng của Giáo Hội. Lời hứa về tính phổ quát của ơn cứu độ đã được hé mở trong Cựu Ước, giờ bắt đầu thành sự nơi Đấng Phục Sinh và sẽ được khai triển trong sứ mạng của Giáo Hội.

         “Khi thấy Người”: Mattheu không chú trọng lắm đến các kinh nghiệm thể lý của các tông đồ về Đấng Phục Sinh, ông chú trọng hơn đến thái độ nội tâm. Những kinh nghiệm thể lý gặp gỡ Đấng Phục Sinh – các Tin Mừng khác mô tả dài dòng – được Mattheu tóm gọn trong một động từ “THẤY” mà lại ở dạng động tính từ aorist 2. Đối với Mattheu, việc Đức Giêsu sống lại được coi như chuyện hiển nhiên, là một mặc khải thần linh đã diễn ra trước mắt nhiều người (chính thiên thần từ trời xuống lật tảng đá lấp của mộ ra, lính tráng đều thấy), không cần gì phải mô tả nữa; Vấn đề quan trọng hơn chính là phản ứng của con người trước sự kiện đó.

          Họ bái lạy: Mattheu chỉ sử dụng động từ này cho những ai đã nhận biết phẩm vị của Đức Giêsu và nhìn nhận địa vị phẩm tính ấy, như các nhà chiêm tinh (2,2.8.11), người phong cùi được sạch (8,2), các môn đệ trước phép lạ gió biển im lặng (14,33), người đàn bà xứ Canaan (15,25), và trong trình thuật phục sinh: thái độ các bà khi được gặp Đấng Phục Sinh (28,9). Vậy qua cử chỉ này, Mattheu muốn nói lên thái độ tôn thờ, vừa mang tính tôn giáo lẫn phụng vụ, của các tông đồ nhìn nhận địa vị và phẩm tính tối cao của Đấng Phục Sinh. Lần gặp gỡ hôm nay là một cuộc triều yết để nghe tuyên bố về vương quyền tối cao của Đức Giêsu trên vũ trụ, lẫn thể giới thần thiêng và nhận sứ vụ.

          Để đạt được thái độ “bái lạy”, các môn đệ phải trải qua một cuộc hành trình đức tin: phải nhận ra ý nghĩa của ngôi mộ trống; tin vào lời các phụ nữ (thực ra lời các bà phù hợp với lời loan báo của Đức Giêsu trước khi Người bị bắt: 26,32 nên đã khơi dậy lại lòng tin của các ông) phải lên đường rời khỏi Giêrusalem sai lầm, cũ kỹ. Đoạn đường từ Giêrusalem đến Galilê cũng cho các tông đồ thời giờ suy niệm về mầu nhiệm Đức Giêsu qua các dấu chỉ trên để khi đến nơi và thấy Người, các ông mới có thể biểu lộ ra được đức tin ở mực độ cao nhất.

Nhưng có mấy ông lại hoài nghi: thái độ nghi ngờ xuất hiện ở dây thật khó hiểu! Lẽ nào các tông đồ, những người vừa biểu lộ đức tin ở mực độ cao nhất lại nghi ngờ? Phải hiểu “nghi ngờ” như thế nào? (x. CGKPV 168 nốt “x”) .Để có thêm cơ sở giải thích, chúng ta cần đặt câu này vào văn mạch của cuộc triệu tập. Đọc tiếp cc. 18-20, ta có thể nhận ra là các câu này được nói không chỉ riêng cho Nhóm Mười Một, nhưng là cho tất cả mọi môn đệ mọi thời. Vậy thái độ nghi ngờ có lẽ nên liên kết với những thế hệ môn đệ sau này hơn là với Nhóm Mười Một; nghĩa là Matthêu đã đem vào đây, lúc ông soạn Tin Mừng, một thực trạng đang nổi cộm trong cộng đoàn của ông: trước những chứng từ, lời giảng dạy, kèm điềm thiêng dấu lạ (biểu lộ sự đồng hành của Đấng Phục Sinh) do cộng đoàn thực hiện như thế, mà một số người trong cộng đoàn vẫn nghi ngờ, họ vẫn bị cám dỗ muốn thấy Đấng Phục Sinh xác phàm trong khi Người vẫn hiện diện 1 cách đầy quyền năng giữa họ. Matthêu nhắc lại cho họ rằng: Nhóm Mười Một lên đường đi gặp Đức Giêsu không phải vì họ đã thấy Người, nhưng vì họ đã nghe và khám phá ra ý nghĩa của lời Đức Giêsu ngang qua sứ điệp mà Người chuyển tới các ông qua các phụ nữ. Rồi mục đích đến gặp Đức Giêsu cũng không phải là để “thấy” Người nhưng là để NGHE một lệnh truyền mới. Vậy yếu tố mà Matthêu nhấn mạnh ở đây là NGHE rồi LÊN ĐƯỜNG. Chính với thái độ đó mà người môn đệ mọi thời sẽ gặp, tin và bái lạy Đấng Phục Sinh đang luôn hiện diện giữa họ mọi ngày cho đến tận thế.

  1. Sứ điệp tối hậu của Đấng Phục Sinh (Mt 28,18-20)

* Mặc khải quyền năng thần linh :(18)

* Mệnh lệnh truyền giáo:(19-20″)

* Lời hứa “ở cùng… cho đến tận thế” (20)

      “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất”: câu này gợi lên hình ảnh Con Người trong Đn 7,14 được “Đấng Lão Thành trao cho quyền thống trị, vinh quang và vương vị: muôn người thuộc mọi dân nước, ngôn ngữ phải phụng sự Người”. Trong xác phàm, Người đã chiến thắng Xatan khi khước từ quyền này từ tay ma qui (x. Mt 4.8-10), và khi giờ đã đến. Người công bố quyền này trước Công Nghị (26.63-64): Rồi giờ đây. Người long trọng khai mở tỏ tường quyền bính của Người qua biển cố phục sinh. Vậy với mầu nhiệm vượt qua, Đức Giêsu hoàn tất Cựu Ước lẫn Tân Ước. Và khi Giáo Hội nhìn nhận vương quyền đó của Người thì đã dần khám phá ra đó chính là quyền của một vị Thiên Chúa (x. Pl 2,6-11).

           Vậy anh em hãy đi… sau khi công bố vương quyền, Đấng Phục Sinh khai mạc vương quyền bằng một lệnh truyền. Lệnh này không mang tính xét xử, nhưng là ban bố một hồng ân: vương quốc Người mở rộng ra đón nhận tất cả mọi người. Mối dây liên kết Người với thần dân không là liên hệ pháp lý mà là mối tương giao “Thầy – trò”; “làm muôn dân trở nên môn đệ”. Nơi họ chỉ có một luật: YÊU (Ga 14,15; 13,34).

           Thần dân Người được nối kết vào tình yêu huynh đệ ấy ngang qua lòng tin và phép rửa; Rồi một khi đã trở nên môn đệ, thì phần mình, thần dân của Nước này phải tiếp nối sứ mạng “làm muốn dẫn nên môn đệ”, đưa mọi người vào tương giao mật thiết biệt vị với Đức Giêsu.

             Lệnh truyền gồm ba động từ: “làm thành môn đệ” (hiện tại); “làm phép rửa” và “dạy bảo” (động tính từ hiện tại). “Làm phép rửa” và “dạy bảo” là phương tiện để đạt tới cái đích là “làm muôn dân trở nên môn đệ”.

             Và thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế: trong Cựu Ước, Thiên Chúa ở cùng” là ân huệ tối cao, là bảo đảm chắc chắn rằng sử mạng được trao phó sẽ thành công, bất chấp gian nan, trắc trở; Vì Thiên Chúa luôn có bên cạnh kẻ được chọn để trợ giúp, phù trì. Đấng Phục Sinh cũng bảo đảm với môn đệ mình như thế: Người chính là Thiên Chúa.

           Mở đầu Tin Mừng, Mattheu đã trình bày Đức Giêsu là Emmanuel (1,23) trong xác phàm nhân; giờ đây Người tiếp tục là Emmanuel trong tư cách là Đấng Phục Sinh, là Đấng nắm quyền trên trời dưới đất, là Thiên Chúa. Mở đầu trong xác phàm, kết thúc trong thần tính, nhân tính được thần linh hóa, Đức Giêsu mở rộng con đường cho nhân loại tiến vào vinh quang thần linh của Thiên Chúa.

           TÓM KẾT:

            Trong đoạn văn ngắn ngủi thuật lại lần gặp gỡ duy nhất của Đấng Phục Sinh với các môn đệ, Mattheu không nhằm minh chứng Đức Giêsu đã sống lại cho bằng là ông đã khắc họa những nét chính yếu về dung mạo Giáo Hội trong tương quan với Đấng Phục Sinh và với thế giới,

            Trước tiên, Giáo Hội là tập hợp, cộng đoàn của những người được triệu tập, qui tụ lại chung quanh Đấng Phục Sinh là CHÚA của mình. Một vị CHÚA đã chịu đóng đinh, nhưng nay vẫn đang sống và được nhìn nhận, tôn thờ ngang hàng với Thiên Chúa Yavê trong Cựu Ước, tay nắm trọn quyền năng trên trời dưới đất.

Kế đến Giáo Hội ý thức rõ rằng mình được triệu tập không phải để khép kín lại trên chính mình, nhưng là để được sai đi đến với muôn dân để làm cho họ thành môn đệ của Đấng Phục Sinh, của CHÚA mình qua phép rửa và lời rao giảng.

Cuối cùng Giáo Hội biết chắc rằng mình luôn có CHÚA đồng hành trên mọi nẻo đường thực thi sứ mạng để hướng tới sự hoàn tất trọn vẹn là Nước Trời.

Từ nay, Đấng Phục Sinh không còn hiện diện hữu hình với Giáo Hội nữa, nhưng cũng chính từ nay, Đấng Phục Sinh mới thực sự thể hiện trọn vẹn điều Thiên Chúa hứa tự ngàn xưa: Emmanuel, với quyền năng của một vị Thiên Chúa.

ĐỌC THÊM VỀ MẦU NHIỆM BA NGÔI:

  1. Mầu Nhiệm Ba Ngôi chưa được mặc khải trong Cựu Ước. Tuy nhiên khía cạnh Thiên Chúa duy nhất thì đã được tỏ hiện rồi. Đó là nền tảng đức tin và luân lý Cựu Ước.

  2. Tuy nhiên để chuẩn bị cho mặc khải về Ba Ngôi, Cựu Ước cũng có vài dấu:

  • Tính cộng đoàn của Thiên Chúa “chúng ta hãy dựng nên con người…” (St 1,26).

  • Thần Khí Thiên Chúa, Lời Thiên Chúa, Đức Khôn ngoan Thiên Chúa được nhân cách hóa, kể cả được Thần Hóa, được dự vào công cuộc sáng Tạo, hồi sinh của Thiên Chúa…

  • Tuy nhiên để đi tới mặc khải rằng Thần Khi, Đức Khôn ngoan của Thiên Chúa cũng là những NGÔI VỊ thì phải đợi Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể. Chính Đấng ở trong cung lòng của Ba Ngôi mới có thể biết và bày tỏ trung thực cho ta về Ba Ngôi.

     Thiên Chúa, là một cộng đoàn gồm ba ngôi vị nên một với nhau trong tình hiệp thông yêu thương. Bản tính Thiên Chúa là một quà tặng liên tục, hỗ tương, trọn vẹn giữa Ba Ngôi với nhau, đến độ Ba Ngôi nên một trong bản tính thần linh. Và vì yếu tính thần linh (bản tính Thiên Chúa) tự tại vốn là quà tặng nhưng không (x. Ga 16,13-15) nên Cha cũng đem quà tặng ấy trao ban cho nhân loại qua việc dựng nên con người giống hình ảnh Chúa, nhờ tình yêu tự nguyện tế hiến của Con, và qua việc thông ban Thánh Thần. Quà tặng này làm cho nhân loại được thông hiệp, tham dự vào sự sống, bản tính thần linh của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Vậy mặc khải về Ba Ngôi là nét đặc thù, duy nhất của Kitô giáo, giúp phân biệt rõ ràng Kitô giáo với các tôn giáo độc thần khác như Do thái giáo, Hồi giáo…

  1. Về lịch sử, thuật ngũ BA NGÔI (La Trinité) được văn sĩ Théophile d Antioche dùng lần đầu vào thế kỷ II công nguyên. Việc cử hành phụng vụ Lễ Ba Ngôi đã được xếp vào Chúa Nhật ngay sau Lễ Hiện Xuống được thực hành khá sớm. Thánh lễ với ý chỉ tôn vinh Ba ngôi được hình thành vào thế kỷ VII, rồi dần trở thành một lễ đặc biệt; và đến thế kỷ X, nhiều nơi đã cử hành lễ này cách trọng thể. Vào năm 1334, Đức giáo hoàng Gioan XXII đã đồng ý cử hành lễ này ở Rôma rồi mở rộng ra cho Giáo Hội toàn cầu.

  2. Bổ sung vài nét chú giải về những lần hiện ra theo Mattheu:

4.1. Theo Mattheu, Đấng Phục Sinh chỉ hiện ra một lần duy nhất cho các tông đồ và nơi chốn lại là Galilê: với Mattheu, Giêrusalem đã thất sủng và Israel đã đánh mất quyền ưu tiên của mình, nên Tin Mừng từ nay được mở ra cho toàn thế giới: những nét phổ quát trong Tin Mừng Mattheu:

* Sự thờ ơ, khước từ Đức Giêsu giáng sinh của vua quan dân thành Giêrusalem rồi truy sát đã khiến Hài Nhi không thể cư ngụ và lớn lên tại Giuđa. Vì thế, Người phải trốn qua Ai Cập, rồi về cư ngụ tại Nadarét; rồi khởi đầu sứ vụ tại Galilê; vốn bị coi rẻ là vùng đất dân ngoại (Mt 4,15-16; x. Is 8,23; 9,1).

* Cuối Tin Mừng, Thành Thánh qua đội quân canh mồ, thượng tế, tư tế, kỳ mục đã giết Đức Giêsu, rồi khước từ mặc khải về dấu chỉ phục sinh (28,11-15), nên Tin Mừng Phục Sinh phải được tỏ lộ ở Galilê dân ngoại.

*Trong Tin Mừng thơ ấu, sau khi tỏ mình cho số còn sót lại của Israel (Maria – Giuse – mục đồng…) thì ngay sau đó, đối tượng được Hài Nhi hiển linh là các nhà chiêm tinh dân ngoại.

*Cũng vậy, trong trình thuật Phục Sinh, sau các bà và Nhóm Mười Một thì đối tượng mà Đấng Phục Sinh muốn tỏ mình là “MUÔN DÂN”; và để dọn đường cho ý định chung cuộc ấy, chỉ một mình Mattheu đã ba lần nhắc tới việc Đức Giêsu muốn gặp các môn đệ tại Galilê (26,32; 28,7.10)

* ĐGS đã mặc khải Hiến Chương Nước Trời cho dân Chúa tại một ngọn núi ở Galilê (5,1), thì sứ điệp cho toàn thế giới cũng được trao ban trên một núi ở Galilê.

* Lệnh truyền loan Tin Mừng cho chiên lạc Israel ở giữa Tin Mừng (10,5-6) nay lại được trải rộng cho toàn thế giới (28,19)

4.2. Mattheu nhấn mạnh đến LỜI DẠY của Đức Giêsu hơn đến sự kiện:

Trong lần hiện ra này, các sự kiện được đề cập đến cũng rất ngắn: các môn đệ đến nơi hẹn như Đấng Phục Sinh đã truyền (16). Gặp Người họ bái lạy, nhưng có vài ông lại nghi ngờ (17): Đức Giêsu đến gần các ông (18b)). Phần còn lại là lời nói của Đức Giê-su 18-20). Dù ngắn và súc tích. Lời này chứa đựng toàn bộ sự điệp chính của Đức Giê-su cho Giáo Hội và sứ mạng của Giáo Hội:

  1. Lời đầu tiên của Đức Giê-su là lời khẳng định chủ quyền tối thượng của Người trên toàn thể tạo thành: “mọi quyền năng trên trời, dưới đất đã được trao cho Thầy”.  Trong Kinh Thánh, “quyền năng” ám chỉ chủ quyền của Thiên Chúa trên toàn vũ trụ và lịch sử. Khi nói quyền năng được trao cho loài người nghĩa là con người được thông phần cách giới hạn và tuỳ thuộc vào Thiên Chúa, vào quyền năng của Người. Nhưng trong trường hợp của Đức Giê-su, nhờ Phục Sinh, Người được chia sẽ quyền năng của Thiên Chúa không giới hạn. Cách nói “mọi”. “trên trời dưới đất”  cho thấy chủ quyền phổ quát vô biên mà Đức Giê-su đã nhận được. Nói cách khác, với Phục Sinh, Đức Giê-su được suy tôn là CHÚA cả trời đất. Thiên Chúa đã biểu lộ quyền năng của Người bằng cách can thiệp vào suốt dòng lịch sử để cứu độ nhân loại; Và chóp đỉnh là trao quyền CHÚA trọn vẹn cho một con người, thành viên đích thật cả nhân loại, là Đức Giê-su. Nói cách khác, Đức Giê-su là CỨU CHÚA cho tất cả.

  2. Những lời liên quan đến các môn đệ:

 Chính trong tư cách là Thiên Chúa đầy quyền năng, Đấng Phục Sinh đã sai các môn đệ đi làm sứ mạng. Điều Đấng Phục Sinh trao ban không phải là quyền năng theo đúng nghĩa mà lại là là TRÁCH NHIỆM, sứ mạng mặc khải Người cho thế giới. Việc thực thi gồm ba nhịp:

  • Làm họ nên môn đệ:  rao giảng, giúp đỡ họ nghe Tin Mừng về Đấng Phục Sinh, tin nhận Người là Chúa và chịu bước theo Người làm môn đệ, rồi chứng nhân như các tông đồ. Dạy Đức Tin.

  • Rửa tội cho họ: Một khi họ đã tự nguyện chấp nhận làm môn đệ rồi thì mới đưa họ đi sâu vào tương quan kết ước với Đức Giê-su. Sống Bí Tích, phụng vụ, hiệp thông với Giáo Hội sau khi đã hiệp thông với Đức Ki-tô (Tin).

  • Dạy họ tuân giữa…:  việc gắn bó với Đức Giê-su  và Giáo Hội đòi buộc người Môn đệ phải đem vào cuộc đời thường ngày của mình các lối sống mới mà mình đã được tái sinh vào trong đó, họ phải sống trong mọi phút giây đời thường như là CON CÁI của Thiên Chúa, luân lý và đạo đức

Tóm lại:  Tín hữu phải sống như Đức Giêsu, để rồi tới phiên mình họ lại tiếp tục sứ vụ tông đồ “làm kẻ khác thành môn đệ…”. Đó là sứ mạng mà Đấng Phục Sinh trao lại cho Giáo Hội.

  1. Điểm tựa, phương tiện giúp môn đệ hoàn thành sứ mạng: một sứ mạng lớn lao bao trùm toàn thể vũ trụ và lịch sử như thế, làm sao môn đệ làm được? Dựa vào đâu, sức mạnh nào giúp họ thành công? THIÊN CHÚA Ở CÙNG!  Đó là ân huệ Thiên Chúa ban cho những ai được chọn trong Cựu Ước để đảm bảo cho việc họ sẽ thành công trong sứ vụ. Ơn ấy được trao ban cho từng dịp tùy nhu cầu cho từng cá nhân được chọn, thì nay đã được trao ban rộng rãi, dạt dào cho mọi môn đệ đến tận thế, Đức Giêsu xưa đã vượt qua mọi giới hạn phàm nhân, thắng tử thần rồi Phục Sinh được tôn là Chúa là nhờ TIN  và KẾT HỢP  với Cha và Thánh Thần. Nay Người trong tư cách là Thiên Chúa, Người hứa sẽ đồng hành với môn đệ, Giáo Hội cho đến tận thế. Lời hứa, này sẽ đồng hành với từng môn đệ, Giáo Hội cho đến tận thế. Lời hứa này là quyền năng giúp môn đệ cũng hoàn thành được sứ mạng trên lộ trình làm người bất chấp thử thách, thần chết; điều ấy hàm ý rằng ở cuối con đường làm người, vinh quang Thần Linh đã được  Đấng Phục Sinh, Ba Ngôi dọn sẵn cho môn đệ.

    Frère Pierre Đình Long FSC