Bài 1
Đn 7,13-14; Ga 18,33b-37
Chủ đề: Vương quyền thần linh của Đấng Thiên Sai.
* Đn 7,14: Đấng Lão Thành trao cho Người… vương vị. Quyền thống trị của Người là vĩnh cửu.
* Ga 18,37: Nước tôi không thuộc về thế gian này!
Philatô hỏi: vậy ông là vua sao?
Đức Giêsu đáp: chính ngài nói rằng tôi là Vua.
Hôm nay là Chúa Nhật cuối của năm phụng vụ, Giáo Hội mừng lễ Đức Giêsu là VUA. Trong xã hội dân chủ ngày nay, khái niệm “vua” xem ra không phù hợp và mang nhiều ý nghĩa tiêu cực. Để hiểu tại sao Giáo Hội lại tôn vinh Đức Giêsu qua tước hiệu “vua”, cần nhìn lại vài nét tích cực về “vua” theo Kinh Thánh.
Theo Kinh Thánh, vua cũng chỉ là một phàm nhân như bao con người khác (x.Kn 7,1-6); nhưng là người được Thiên Chúa tuyển chọn, thánh hiến qua việc xức dầu (x.1Sm 10,1; 24,11;26,9); được Thiên Chúa nhận làm nghĩa tử (x.Tv 89,24-26), và ủy thác cho quyền năng của Thiên Chúa (x.Tv 2,6). Quyền năng được trao không nhằm vào lợi ích cá nhân, dòng tộc mà nhằm phục vụ dân Chúa theo đúng đường lối Chúa (x.1V 3,9); Vua phải là người thứ nhất trong dân nghiền ngẫm Luật Chúa đêm ngày và thi hành (x.Đnl 17,18-19) và sau đó Vua phải làm cho sự công chính ngự trị trong vương quốc mà Thiên Chúa trao cho vua (x.Tv 45,4-5.7b; Tv 72,2-4.7.12-14). Vua phải ý thức mình là người được Chúa chọn (x.1Sm 9,15-17) và phải toàn tâm toàn trí chu toàn luật, mệnh lệnh Chúa (x.1Sm 13,13-14). Và nhất là Vua phải biết rằng “vương quyền không phải là cơ chế căn bản nhất của dân Chúa, bởi vì dân Chúa là một liên bang gồm nhiều chi tộc được nối kết nhờ Giao Ước” (ĐN TH TK – “VUA” Cựu Ước), chính Thiên Chúa mới là Vua của dân. Chúa cai trị dân qua Vua và qua Giao Ước. Tiếc thay trong Dân Chúa, không có vị vua nào, kể cả Đavit, chu toàn trọn vẹn vai trò làm vua như Kinh Thánh đòi hỏi. Vậy khi Giáo Hội tuyên xưng Đức Giêsu là Vua, Giáo Hội muốn khẳng định rằng Đức Giêsu là vị vua mẫu mực theo như tinh thần của Kinh Thánh. Nơi Người toàn bộ ý định của Thiên Chúa được thể hiện và như thế có nghĩa là toàn bộ lịch sử cứu độ hoàn tất viên mãn trong và nhờ Đức Giêsu: trong Người “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện” (x.Mt 6,9b-10). Người đang diều khiển dòng lịch sử để quy tụ tất cả lại dâng cho Chúa Cha (x.1Cr 15,24-28). Người chính là THIÊN CHÚA.
Lời Chúa lễ Đức Giêsu Vua đương nhiên là đề cập tới quyền vua của Người. Năm B mời ta chiêm ngắm vương quyền Giêsu qua các khía cạnh: cội nguồn, nơi chốn cách thức biểu lộ và mục đích của vương quyền Người.
Bài đọc 1, trích từ Sách Đaniel, cho thấy cội nguồn thần linh của vương quyền của Đức Giêsu. Trong một thị kiến, Đaniel thấy Đấng Lão Thành an tọa trên những ngai. Đó là hình ảnh biểu tượng: Thiên Chúa ngự đến để xét xử (Đn 7,9). Các mãnh lực trần gian đều bị xét xử (7,11-12). Tiếp đến là trích đoạn của bài đọc 1 hôm nay. Đaniel thấy ai đó như một Con Người NGỰ GIÁ MÂY TRỜI mà đến. Con Người ấy được triệu đến và tiến về Đấng Lão Thành và được trao quyền thống trị, vinh quang và vương vị. Một vương quyền bao trùm cả vũ hoàn: mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Con Người; và là một vương quyền vĩnh cửu. Con Người đó là hình ảnh báo trước Đức Giêsu Vua. Thật vậy, khi đứng trước Thượng Tế và Hội Đồng đang ráo riết bày mưu vu cáo Người thì Đức Giêsu đã áp dụng lời sấm của Đaniel vào bản thân Người để bày tỏ vương quyền thần linh của Người, là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa (x.Mc 14,61-62); Mt 26,63-64). Tuy nhiên đọc kỹ bài Tin Mừng, ta thấy ngay một cảnh hoàn toàn trái ngược:
Con Người nhận vương quyền trên cả vũ hoàn từ Đấng Lão Thành trong bài đọc 1, giờ đây đang là một tội nhân đứng trước tòa án quan Phila tô, người Roma vì bị chính dân tộc mình tố cáo là phản loạn, tự xưng là Mêsia, là vua (x.Lc 23,2). Nơi chốn Người dùng để tỏ lộ vương quyền thần linh không phải là triều đình thiên quốc mà là một toà án thế trần đang xét xử Người. Người không hiện diện trước tòa như một viên chánh án mà là như một bị can đang bị một ông quan dân ngoại chất vấn: “ông có phải là vua dân Do Thái không?” Và câu đáp của “tội nhân” này thật đáng kinh ngạc, Người xác nhận lời của Philatô: “chính ngài nói rằng tôi là vua”. Nhưng là vị vua lạ thường: nước tôi không thuộc về thế gian này; Và Người đến trần gian này là để “làm chứng cho sự thật”. “Sự thật” đó là gì? Đó là: nhân loại đang sống trong trần gian này thật ra là con dân của Người; Do lầm lỗi, họ phải đến thế gian này (x.St 3,24), rồi dần dần họ lầm tưởng đây là quê hương đích thật của họ. Thật ra đó là xứ diệt vong như đất Ai Cập đối với dân Do Thái.
Người đến thức tỉnh thần dân Người bằng cách nói cho họ biết “Nước của Người – và cũng là quê hương đích thật của họ – không ở trần gian này.” Người sắp đi trước dọn chỗ cho họ trong quê hương thật vốn là NHÀ CHA (x.Ga 14,1b-3). Ai nghe và đón nhận sự thật Người mang tới, Người sẽ đón nhận người ấy vào Nước của Người (x.Lc 23,43). Chính trên Thập giá Đức Giêsu là vua của vương quốc sự thật.
Bài 2
Ông là vua sao?… Nước tôi không thuộc về thế gian này… Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật (Ga 18,36.37).
Hôm nay, Giáo Hội Công Giáo long trọng mừng kính lễ Đức Giêsu là VUA VŨ TRỤ. Chúng ta không hiểu “VUA” dưới chiều kích chính trị, vì Đức Giêsu không tranh giành, không lật đổ, không loại trừ ai: Người muốn cứu tất cả, sẵn sàng hy sinh mạng sống để qui tụ mọi chiên mất, chiên lạc vào một đàn chiên duy nhất (x.Ga 10,16). Người không chỉ là Vua của một quốc gia, của một nền văn hóa, thậm chí của cả trái đất… mà là VUA VŨ TRỤ nghĩa là vua tất vả mọi loại thọ tạo mà Thiên Chúa đã dựng nên; Thêm nữa, quyền Vua của Người không bị giới hạn trong dòng thời gian, trong lịch sử mà “quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một” (bài đọc 1, Đn 7,14).
Trong một thế giới hữu hạn, bị phân tán và khống chế bởi tội, dường như những gì giáo Hội tuyên xưng ở trên khó có thể thực hiện được! Đúng vậy! Chính vì thế mà Đức Giêsu đang khi bị Philatô xử án như một tội nhân thì Người lại khẳng định “Tôi là Vua” nhưng “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Tin Mừng, Ga 18,36).
“Thế gian này” là một thế gian đang ngụp lặn trong bạo tàn, dối trá, đố kỵ, Người không thể là Vua của một nước như vậy được. Tuy nhiên, “người nhà của Người” (x.Ga 1,11) lại đang bị quyền lực của thế gian này khống chế, khước từ Người; Người không thể bỏ mặc người thân của mình trong u tối. Người đến tận nơi bùn nhơ giải cứu người thân, ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa (x.Ga 1,12) bằng cách vạch mặt sự gian trá của thế gian, chỉ bảo cho người thân con đường sự thật và phương thức để thanh luyện đưa người thân của Người vào NƯỚC SỰ THẬT của Người.
Điều đó làm các thủ lãnh thế gian hoảng sợ, nên bằng mọi giá, chúng phải tìm cách tiêu diệt Người: chúng xúi những kẻ theo chúng vu oan và đóng đinh Người vào Thập giá. Tuy nhiên điều mà chúng không sao ngờ đến được: đó là chính trên cây Thập Giá, Đức Giêsu đã quy tụ thần dân của Người, phục hồi họ; Chính trên Thập giá Người đã tha tội cho thế gian (x.Lc 23,34); Chính trên Thập giá, Người đã thánh hóa tội nhân nhận vào Nước của Người (x.Lc 23,40-43). Chính trên Thập giá, Người hủy diệt nọc độc, quyền lực của tội, của dối trá hận thù, của sự dữ; Vô hiệu hóa mọi toan tính của Satan (x.1Cr 15,55-57) Chính trên Thập Giá, Đức Giêsu công bố “mọi sự đã hoàn tất” (x.Ga 19,30). Chính trên Thập Giá, Đức Giêsu đích thực là VUA VŨ TRỤ (biểu tượng tấm bảng viết bằng ba thứ tiếng: Ga 19,20).
Vương quyền Người bắt đầu tỏ lộ: thâu nạp thần dân (tên trộm lành), thiết đặt tương quan mới: tất cả là anh em với Người: “đây là con của Bà”, “đây là Mẹ của anh” (Ga 19,26-27).
Thập giá trở thành vương trượng, quốc huy, hiến chương của Nước của Đức Giêsu.
Vậy ai tôn nhận Đức Giêsu là Vua, thì phải nghiêm túc chấp hành chính sách Thập giá như Người “yêu đến cùng” (x.Ga 13,1), sẵn sàng phục vụ “Rửa chân cho nhau” (Ga 13,14-15).
Nước mà Đức Giêsu mang đến trần gian này thực ra là một GIA ĐÌNH, thần dân là con của cùng một CHA là Thiên Chúa. Tất cả là anh chị em, nên một với nhau, hiệp thông trong một sự sống của “CÂY NHO THẬT” (Ga 15,1-8). Trong mầu nhiệm hiệp thông này thì sự dữ ghê sợ nhất là cái chết trở thành NIỀM VUI VỀ NHÀ CHA: từ bỏ thế gian nô lệ Ai Cập về TẾT sum họp Nhà Cha.
Về mặt niên lịch phụng vụ, lễ Kitô Vua được đức giáo hoàng Piô XI thiết lập vào năm 1925 nhằm tuyên xưng đức tin của Giáo Hội vào vương quyền tối thượng của Đức Giêsu trên vũ trụ, trên con người, gia đình, xã hội, nhân loại. Ban đầu lễ được cử hành vào Chúa Nhật cuối tháng 10, trước lễ các thánh nam nữ; Sau cuộc canh tân phụng vụ của công đồng Vatican II, lễ được dời vào Chúa Nhật cuối cùng của năm phụng vụ. Việc thay đổi này làm nổi bật lên một khía cạnh khác của vương quyền tối thượng của Đức Giêsu: Người là Chúa Tể thời gian, Chúa tể lịch sử; Người là Anpha, là Ômêga (x.Kh 1,17; 22,13, so với Kh 1,8, cho thấy Đức Giêsu là Thiên Chúa), Người là Đấng điều khiển dòng lịch sử, là điểm đến của dòng lịch sử, làm cho dòng lịch sử có định hướng, có ý nghĩa: là Đấng “mở cuốn sách và tháo ấn niêm phong” (Kh 5,2.9). Cho dù thế sự có đảo điên, thăng trầm thế nào đi nữa thì rồi cuối cùng ra, tất cả mọi sự, vào thời điểm chung cuộc đều phải quy phục dưới vương quyền của Đức Giêsu, để rồi Người sẽ dâng tất cả lên Chúa Cha, chấm dứt dòng lịch sử, hoàn tất công trình của Thiên Chúa.
Vì thế chắc chắn phụng vụ lời Chúa của ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngắm vương quyền của Đức Giêsu. Người thật sự là Vua, và phụng vụ năm B nhấn mạnh đến nguồn gốc thần linh của vương quyền của Đức Giêsu: vương quyền đó không thuộc về phạm trù thế trần mà là đến từ Thiên Chúa để phục vụ làm chứng cho công trình của Thiên Chúa.
Phần chúng ta khi mừng lễ Chúa Kitô Vua, là đã nói lên lòng thần phục của ta đối với Chúa. Do đó việc tuân giữ lệnh truyền, thi hành những gì Người đã dạy phải trở thành lý tưởng, lẽ sống cuộc đời chúng ta. Hôm nay thế giới còn nhiều người chưa biết Chúa, vậy cuộc sống của tín hữu phải là chứng từ để người ta biết Chúa đồng thời tin nhận vào vương quyền tình yêu của Người.
BÀI ĐỌC 1: Đn 7,13-14
Tổng quát về Sách Đaniel: xem ở Mùa Thường Niên XXXIII B (tuần trước). Phần thứ hai của Sách Đaniel nói về các thị kiến của Đaniel liên quan đến bốn con thú, đến Đấng Lão Thành và Con Người (Đn 7,1-28). Đoạn ngắn được chọn trích đọc trong Lễ Kitô Vua năm B, thuộc thể văn khải huyền, trình bày quang cảnh lãnh nhận vương quyền của một nhân vật bí nhiệm được gọi là Con Người. Sau khi bốn con thú bị Đấng Lão Thành (biểu tượng Thiên Chúa) ngự đến xét xử (7,9-12), thị kiến đề cập đến Con Người: Vị này “ngự giữa mây trời mà đến”, được đưa tới trước Đấng Lão Thành và được Đấng này trao cho vương quyền thống trị toàn thể vũ trụ và tồn tại đến muôn đời, bao trùm toàn thể dòng lịch sử.
1/ Sự xuất hiện của nhân vật “Con Người” trong thị kiến (c.13) của Đaniel
* “Trong những thị kiến ban đêm, tôi mãi nhìn”:
Công thức trên được lập lại ba lần:
-
7,2 dẫn vào lời giới thiệu bốn con thú (7,2-6), nhưng đoạn này chỉ mô tả chi tiết về ba con thú đầu.
-
7,7 lập lại công thức rồi sau đó mô tả chi tiết về con thú thứ tư: nói về sức mạnh, sự hung tàn của nó, cũng như việc nó bị Đấng Lão Thành xét xử và tiêu diệt (7,7-12).
Riêng về ba con thú trước thì còn được cho tồn tại một ít lâu (7,12)
-
7,13 lập lại lần thứ ba, được kèm theo việc mô tả Con Người đến với mây trời, nhận uy quyền từ Đấng Lão Thành.
Ý nghĩa:
Về mặt lịch sử: ba con thú đầu tượng trưng cho ba đế quốc Babylon – Mêđi – Ba Tư. Chúng đã bị suy tàn, không còn nữa.
Rồi những gì nói về con thú thứ tư (đế quốc Hi lạp) cũng được ứng nghiệm với cái chết của bạo vương Antiôkô IV (“cái sừng thứ 11”: xem CGKPV “Các Sách Ngôn Sứ” 1996 trang 621 nốt “e”).
Như thế hai “thị kiến ban đêm” mà Đaniel nhìn thấy đã ứng nghiệm. Theo cái nhìn ngôn sứ, điều đó là một bảo chứng hùng hồn, đáng tin cậy để dân đang bị bách hại tin vào “thị kiến ban đêm” thứ ba dù chưa xảy tới: đó là sẽ có một nhân vật bí nhiệm xuất hiện, nhận vương quyền bao la vĩnh cửu từ Đấng Lão Thành để tiêu diệt vĩnh viễn quyền của các con thú. Đó là sứ điệp vui tươi và hi vọng cho Đaniel và cho dân Israel. Vậy nhân vật đó là ai?
*Giống như một Con Người: một nhân vật mới xuất hiện, không phải là Thiên Chúa, không là thiên thần, cũng không như các con thú. “Giống như” có nghĩa là bản chất rõ ràng của nhân vật ấy là gì, tác giả cũng chưa xác định được một trăm phần trăm, chỉ thấy là “giống như Con Người”.
“Con Người” = bar ’enash (tiếng Aram) = bên ’adam (tiếng Hipri), dịch sát là “con trai của loài người”. Vậy với dáng vẻ mà Đaniel thấy được, nhân vật này dường như là thành viên của nhân loại, thuộc về thế giới loài người. Cũng như Đaniel trong Đn 8,17 và Edêkiel trong Ed 2,1; 3,1-3, …) cũng được gọi là “con người”. Tuy nhiên “Con Người” ở đây có nét đặc biệt là:
“Đám mây”: là biểu tượng sự hiện diện của Thiên Chúa giữa loài người, dấu chỉ Thiên Chúa đồng hành với dân người (x.Xh 13,21; 19,9; 2Sb 5,13; Mt 17,5…). “Mây” cũng là vật cản trở con người tiếp xúc trực tiếp, thấy Thiên Chúa để khỏi phải chết.
Vậy “với mây trời mà đến” hàm ý nhân vật thuộc về nhân giới này (Con Người) được bao bọc bởi quyền năng Thiên Chúa, được trang bị năng lực thần linh để có thể đến gặp Thiên Chúa, nhìn thấy Người trực diện. Có nghĩa là được liên kết, thông hiệp mật thiết vào cảnh vực thần linh, khác với bốn con thú đến từ biển là sào huyệt của thế lực chống đối Thiên Chúa (x.G 7,12; 26,12; Tv 74,13,-14; Is 27,1; 51,9-10).
-
Con người được triệu đến và tiến về Đấng Lão Thành: cách nói “được dẫn đưa tới trình diện” ở thể thụ động hàm ý Con Người được Thiên Chúa triệu đến để trao ban vương quyền thống trị. Thiên Chúa được biểu tượng bằng hình ảnh Đấng Lão Thành (x.Sđd trang 621, Đn 7,9 nốt “i” và “k”).
2/ Vương quyền của Con Người (c.14)
Khi Đấng Lão Thành xuất hiện như Đấng Thẩm Phán Tối Cao xét xử (x.Sđd) 621 “i”) thì các con thú bị kết án và bị tước mất quyền thống trị của chúng. Trái lại Con Người được triệu đến trước mặt Đấng Lão Thành là để được lãnh nhận vương quyền do chính Đấng Lão Thành trao cho, nghĩa là vương quyền đó của Con người có nguồn gốc thần linh, khác với quyền của bốn con thú đến từ “biển”. Quyền của bốn con thú thì hạn hẹp và nhất thời: chỉ ảnh hưởng trên vài quốc gia và chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn; Còn vương quyền của Con Người bao trùm mọi dân, mọi nước, mọi ngôn ngữ và vĩnh tồn. Vương quốc của Người vượt không gian và thời gian.
* Muôn người … phải PHỤNG SỰ Người: trong Sách Đaniel, “Phụng Sự” là động từ được dùng để diễn tả thái độ thờ phượng, thần phục của nhân loại đối với thần linh (Đn 3,12.14.17.18.28; 6,17-21; 7,14.27). Vậy một khi đã lãnh nhận quyền do Đấng Lão Thành trao, Con Người được toàn thể vũ trụ suy phục như một thần linh, nghĩa là được thông dự vào vinh quang của chính Thiên Chúa. Nhờ lần can thiệp quyết liệt này của Đấng Lão Thành, từ nay trong thế giới loài người đã có một nhân vật được dự phần vinh quang thần linh vĩnh viễn, bao trùm cả hoàn vũ.
* Con Người đó là ai? Giữa Đn 7 và công cuộc sáng tạo trong St 1 có những nét song song:
Trong St 1: – Ban đầu nước bao phủ tất cả
-
Rồi với sự can thiệp của Thiên Chúa, mọi sự bắt đầu xuất hiện.
-
Và cuối cùng, thiên Chúa dựng nên con người và trao quyền bá chủ
Trong Đn 7: – mở đầu cũng là biển cả (Đn 7,2)
-
Kế đó là các mãnh lực trần thế xuất hiện: bốn con thú (7,3-8)
-
Và cuối cùng, Đấng Lão Thành triệu Con Người đến trao quyền thống trị (7,13-14).
Rồi Tv 8,5-9 cũng cho thấy rằng con người vốn là tạo vật yếu đuối nhưng lại được Thiên Chúa trao quyền thống trị trên mọi loài thọ tạo của Người. Từ những sự kiện trên, “Con Người” có thể được xem như là “Adam mới” (Paroles sun le chemin năm B p.474).
Ngoài ra trong Thánh Kinh, “Adam” có lúc là danh từ chung chỉ “loài người”, có lúc là danh từ riêng chỉ vị thủy tổ nhân loại mang tên Adam (xem Từ điển Công Giáo – “Adam”). Do đó “Con Người” cũng có thể hiểu là một Tập thể tức là “dân thánh” hoặc “chư thánh” của Đấng Tối Cao; hoặc có thể hiểu là một cá nhân tức là “thủ lãnh”, “đại diện” điển hình của Đấng Tối Cao (x.CGKPV Sđd trang 622 nốt “m”).
*Con Người “đang ngự giá mây trời mà đến” (c.13): ở trên chúng ta đã nói “ngự đến trên mây trời” là đặc nét của Thiên Chúa (x.Tv 18,10). Tuy nhiên vào thời Cựu Ước, chắc chắn Đaniel không dám nói “Con Người” là Thiên Chúa vì chỉ có Yavê là Thiên Chúa duy nhất. Nhưng khi Đức Giêsu xuất hiện, vào cuối đời, khi nói về Ngày Tận Thế, Đức Giêsu nói rõ người là “Con Người”, là Đấng phải đến để hoàn tất, để khép lại dòng lịch sử qua việc Người tập họp lại tất cả những ai Người đã tuyển chọn (x.Mc 13,26-27; Mt 24,30-31). Chính Người cũng là Đấng khai mở dòng lịch sử, khai sáng vũ trụ (Ga 1,1-4). Người là Thiên Chúa (Ga1,1), tỏ mình là Thiên Chúa cách lạ lùng trên Thập Giá và được nhân loại nhìn nhận (Mc 15,39; Mt 27,54b).
Tóm lại: ý nghĩa hàm chứa trong từ ngữ “Con Người” thì tìm được đáp số nơi Đức Giêsu: Người vừa là con người, là Adam mới, vừa là “Con Người” thống trị vũ hoàn trời lẫn đất (Mt 28,18: được Thiên Chúa trao toàn quyền), và Người cũng chính là Thiên Chúa được mọi người nhìn nhận, vinh quang cho Cha (Mc 15,39; Ga 20,28; Pl 2,6-11…)
TIN MỪNG: Ga 18,33b-37
Đoạn Tin Mừng này được trích từ cuộc thương khó của Đức Giêsu. Người bị bắt, bị điệu đến trước các thượng tế và bị tra hỏi (Ga 18,19). Theo Tin Mừng Gioan, Tòa án Do Thái không kết án được Đức Giêsu về một tội nào cả, nhưng họ vẫn điệu Người qua dinh Philatô để xin kết án tử hình Người. Vì đối với Tin Mừng Gioan, án tử của Người họ đã quyết định ngay sau dấu lạ cứu sống Ladarô (so 18,14 với 11,53). Họ phải điệu Người qua tòa án Philatô là vì dân thuộc địa không có quyền kết án tử hình ai cả (18,31b). Tội danh đầu tiên họ tố cáo Người là Đức Giêsu đã làm điều gian ác (18,28-32). Trong dinh tổng trấn, Philatô đối thoại với Đức Giêsu về vương quyền của Người (18,33-38), nhận thấy Người vô tội (18,38b-39) nên tìm cách tha Người (19,4.6-12). Nhưng Người Do Thái lại bịa ra tội danh khác: tố “Đức Giêsu tự xưng là con Thiên Chúa” (19,7); Philatô vẫn giữ vững lập trường (19,12a); Họ lại đổ tội danh của Người là Đức Giêsu phản động “chống lại César”. Thế là Philatô buông tay, trao Người cho họ đem đi đóng đinh (19,12b-16).
Tin Mừng hôm nay là trích đoạn cuộc đối thoại ngắn giữa Đức Giêsu và Philatô, đúng hơn là cuộc hỏi cung của một tổng trấn đối với một “tội phạm” liên quan đến vương triều đích thực của Đức Giêsu. Đoạn văn dùng trong phụng vụ mở đầu bằng câu hỏi của Philatô (18,33b) và kết thúc cùng bằng một câu hỏi tương tự (18,37a) và Tin Mừng Gioan đã cho câu hỏi đó một ý nghĩa xác định qua lời đáp kết thúc của Đức Giêsu (18,37b). Với lối văn lưỡng nghĩa, mỉa mai, đoạn Ga 18,33-37 đã công khai xác nhận “tội nhân Giêsu” chính thực là Vua và đang phán xét những kẻ đang tố cáo, kết án Người (câu 37b). Sự thật ấy sẽ được thấy rõ qua ba câu hỏi và ba lời đáp của Tin Mừng hôm nay.
-
Đối thoại 1 (18,33b – 35ab): vạch trần âm mưu người Do Thái.
*“Ông là vua dân Do Thái sao?” (18,33b): lời chất vấn mang tính mỉa mai vì lúc đó Đức Giêsu là một bị cáo: Vua một nước mà lại bị chính thần dân của mình tố cáo trước một ông quan “tỉnh lẻ” ngoại bang. Mỉa mai! Đau đớn! Mất gốc! Nhưng đối với tác giả Tin Mừng thứ tư, đây là một cách thức mặc khải: Đức Giêsu quả thật là “vua” qua lời nói mỉa mai của ông quan cướp nước. Vấn đề là phải hiểu “quyền vua” như thế nào?
*Câu hỏi lại của Đức Giêsu là một yêu cầu đòi xác minh: nếu là Philatô tự ý diễn đạt ra câu hỏi đó thì chữ “vua” hoàn toàn mang ý nghĩa trần tục hàm ý Đức Giêsu là một nhà chính trị muốn lật đổ đế quốc Rôma giành độc lập cho đất nước Do Thái. Philatô không nghĩ tới điều đó vì bản văn nói rõ ông biết Người vô tội và tìm cách tha. Còn nếu là do “người khác” nói thì sao? “Người khác” ở đây chính là dân Do Thái và các thượng tế. Thế thì “vua” chỉ là cái cớ để tố cáo, để đòi giết Đức Giêsu. Đó là sự tráo trở của một ước muốn bất chính bị khước từ: chính họ đã muốn tôn Người làm vua, Người từ chối, họ bỏ Người (Ga 6) rồi dẫn đi đến chỗ muốn giết Người. Thay vì con người là hình ảnh Thiên Chúa thì họ đòi biến Thiên Chúa ra ngẫu tượng theo ý mình.
Đọc Ga 18 – 19 về cuộc Thương khó của Đức Giêsu, ta sẽ nhận ra hình ảnh méo mó về tước hiệu “vua” mà người Do Thái gán cho Đức Giêsu.
-
“Vua” là một tội phạm làm điều ác phải hiểu đó là tên cầm đầu những kẻ chống đối chính quyền: phản loạn, ám sát, gây rối trật tự đế quốc (18,30)
-
Với lời tố cáo thứ hai, “vua” mang sắc thái tôn giáo: “vua” đây là vua mêsia sẽ xuất hiện hủy diệt các đế quốc bách hại dân Chúa (19,7)
-
Với lời tố cáo thứ ba, “vua” là nhân vật chính trị có tham vọng lớn: không chỉ muốn giành lại độc lập cho tiểu quốc của mình mà còn muốn lật đổ cả César (19,12c).
*Mưu mô của người Do Thái quả là tinh vi, thâm độc: họ đã gài Đức Giêsu vào thế phải coi Đức Giêsu là kẻ đối đầu, muốn tranh quyền César. Điều đó với cặp mắt của nhà chính trị lão luyện đã nhận ra ngay là không thể có nơi Đức Giêsu nên ông đã tìm cách tha cho Người (19, 12 a). Và với câu đáp của Philatô (18,35a) rõ ràng việc nói “ Đức Giêsu là vua” chính là lời tố cáo của dân Do Thái với ác ý là gài Philatô phải ra lệnh tử hình Đức Giêsu bằng mọi giá. Bản văn cho thấy rõ điều đó: 3 lần tố cáo Đức Giêsu với 3 tội danh khác nhau – 3 lần Philatô xác nhận Đức Giêsu vô tội (18,38b; 19,4.6c) và muốn tha Người (18,39; 19,12) nhưng cuối cùng ông quan bầy tôi của César đã không dám tha cho Đức Giêsu vì tội danh cuối cùng mà dân Do Thái tố Đức Giêsu là tội phản động muốn hạ bệ César. Để ép giết cho bằng được Đức Giêsu, các thượng tế đã phạm một tội đưa đến diệt vong “chúng tôi không có vua nào cả ngoài César” (19,15b). Đấng Cứu Tinh, Vua của dân tộc mình được Thiên Chúa sai phái tới để ban ơn cứu độ thì lại đòi giết đi bằng mọi giá; Còn kẻ thù bóc lột, hủy diệt dân tộc mình thì tôn nhận đó là vua duy nhất của mình.
Thực ra họ đã vu khống cho Đức Giêsu: vì họ tố cáo Người điều mà không bao giờ Người muốn, họ đã gán cho Người chính tham vọng của họ (Ga 6,15). Do đó khi mà họ đòi làm nô lệ cho César để loại trừ Người thì họ đã tuyên án tử cho chính họ. Thật vậy, vì họ muốn dùng bạo lực lật đổ ách của Rôma vào năm 70 và 135. Năm 135 người Do Thái bị đuổi khỏi Giêrusalem, ai bén mảng tới sẽ bị xử tử. Đền thánh bị hủy diệt hoàn toàn và Rôma xây lại trên nền đó một ngôi đền thờ thần ngoại. Tên Giêrusalem của thành bị xóa sổ, đổi thành tên là Colonia Aelia Capitolina. Thành và ngôi đền mới được cung hiến cho thần Jupiter Capitolin (Nouveau dictionnau biblique revisé et augmenté 1992 p.661 cột 1)
-
Đối thoại 2 (18,35c-36): Đức Giêsu mặc nhiên xác nhận mình là vua ngang qua cách nói “ nước tôi không thuộc về thế gian này” để trả lời cho câu hỏi “ông đã làm gì” (18,35c) của Philatô. Đó cũng là lời giải thích cho câu hỏi mỉa mai: “Ông, ông là vua dân Do Thái sao?”. Là vua mà lại để cho thần dân của mình làm phản bắt nộp ông cho tôi à? Trong lời đáp ở 18,36 của Đức Giêsu, ý tưởng “nước tôi không thộc về thế gian này” được lập lại 2 lần. Và lần 2 có thêm 1 từ Hi Lạp quan trọng “NUN” = “giờ đây”. Chi tiết đó có nghĩa là TRONG HIỆN TẠI, việc thống trị trái đất này theo kiểu chính trị trần thế không phải là nhiệm vụ, đối tượng của vương quyền Đức Giêsu. Điều Ngài muốn làm trong hiện tại là biểu lộ “chính sách của Nước Trời” để cứu thế giới chứ không để áp đặt thống trị. Hiện giờ trong xác phàm Người đang chuẩn bị để được “giương cao” hầu cứu những ai tôn thờ Người (Ga 3,13-15) hầu lôi cuốn mọi người đến với Người (12,32) và chỉ khi được “giương cao” rồi thì mọi người mới nhận ra quyền uy đích thực của Người: TA LÀ (8,28).
Vậy qua lời khẳng định “Giờ đây, Nước Tôi không thuộc chốn này”, Đức Giêsu kín đáo nói rằng Người là Vua, nhưng quyền năng chưa được biểu lộ ra giờ này, tại đây theo nhãn giới phàm nhân của Philatô và dân Do Thái. Điều ấy ngầm bảo rằng đến một thời điểm Chúa định, Đức Giêsu sẽ biểu lộ vương quyền – bằng một cách thức không ai dám nghĩ tới (Thập Giá) – chẳng những trên “thế gian này”, “nơi đây”, “bây giờ” nào đó mà còn bao trùm cả hoàn vũ, và vĩnh tồn (Đn 7,11; Kh 1,5.13-16.17b.18; 5,5.12.13; 22,16b). Còn điều Người phải làm bây giờ là giải cứu chứ không là thống trị.
3/ Đối Thoại 3 (18,37): hé mở một nét dung mạo “Vua đích thực” của Đức Giêsu. Câu hỏi thứ ba không còn nét mỉa mai, không còn Ý nghĩa hạn hẹp là vua của một thuộc địa nhỏ bé nữa: “Ông là Vua?”. Chi tiết này kết hợp với chi tiết “tất cả ai thuộc về sự thật thì…” trong câu đáp của Đức Giêsu cho phép ta nghĩ rằng “VUA” ở đây bao trùm hoàn vũ, mặc dù Philatô chắc chắn không nghĩ như thế.
*“Chính ngài nói…” ban đầu Philatô hỏi là do dân Do Thái tố cao rằng Đức Giêsu tự xưng là vua (19,21); Nhưng giờ đây chính quan tổng trấn phải đối diện trực tiếp với vấn đề của dân Do Thái, biến nó thành vấn đề của chính ông, khi ông nhận ra rằng ý tưởng muốn làm một ông vua hoàn toàn không có nơi Đức Giêsu. Vậy câu hỏi “vậy ông là vua sao?” (18,37) đã trở thành một thắc mắc thật sự cho chính bản thân ông, vốn là một nhà chính trị chuyên nghiệp: Tại sao Đức Giêsu không muốn làm vua mà dân Do Thái lại tố cáo Người về tham vọng ấy? Rồi trong cuộc đối thoại 2, Đức Giêsu lại úp mở rằng Người đúng thật là vua, nhưng không phải ở đây, bây giờ. Vì thế Philatô muốn truy vấn ý nghĩa thật vương quyền của Đức Giêsu. Thực ra Philatô không bận tâm đến vương quyền của Đức Giêsu vì tình trạng thảm hại trước mắt của Người, bị chính dân của mình hất hủi như thế thì làm vua sao được? Còn về chiều sâu tâm linh để tìm hiểu quyền vua của Đức Giêsu thì chắc ông cũng không thể có.
Vậy câu hỏi này là thâm ý của tác giả Tin Mừng thứ tư muốn đưa độc giả của mình đi sâu vào trong huyền nhiệm “Giêsu Vua” giúp kẻ tin nhận ra bản chất và cách thức biểu lộ vương quyền của Đức Giêsu.
*Chính ngài đã nói: Tôi là Vua… Nếu tách lời này ra khỏi văn mạch thì có thể hiểu đó là lời đáp dè dặt, nước đôi: đó là lời ngài (Philatô) nói chứ Tôi (Đức Giêsu) không nói. Nhưng với cách hành văn của Tin Mừng thứ tư, ta có thể hiểu đó là câu khẳng định: tác giả Tin Mừng thứ tư kín đáo nói rằng Đức Giêsu đích thực là vua, vua vũ trụ và Philatô cũng đã đồng xác quyết như thế. Tuy Nhiên bản chất quyền vua của Đức Giêsu là gì? Và cách thức biểu lộ ra sao?
– Đức Giêsu là vua của sự thật và cách thức biểu lộ là LÀM CHỨNG chứ không phải là dụ dỗ, áp đặt buộc người khác phải miễn cưỡng chấp nhận sự thật mà mình đã đề ra.
Sự thật là gì? Đó là điều mà Đức Giêsu nghe được nơi Chúa Cha, giờ Người đến trần gian để nói lại cho nhân loại (Ga 3,11-12). Đó là cho ta thấy tình yêu của Thiên Chúa đối với thế gian (3,16-21). Sự thật đó cũng là CÁCH THỨC mà Thiên Chúa dùng để cứu thế gian: “giương cao Con Một”. Và chiều kích thứ ba của sự thật là đối tượng được cứu: họ là những ai? Họ là “bất kỳ ai” (= “tất cả” = “pas”: hi lạp) thuộc về hoặc ở trong sự thật nghĩa là những người sống ngay thẳng, thành tâm thiện chí muốn tìm Thánh Ý Thiên Chúa bằng cách NGHE TIẾNG Đức Giêsu không phân biệt, kỳ thị loại trừ ai.
Tất cả những gì nói trên được Đức Giêsu hoàn tất trên Thập Giá (Ga 19,30). Thật vậy chính trên Thập Giá, Đức Giêsu đã nói lên tất cả sự thật về Thiên Chúa, về con người, về con đường cứu độ. Thập Giá của Đức Giêsu là bằng chứng của sự thật yêu thương của Thiên Chúa, là ngai vàng Người dùng để khai mở và dẫn toàn thể nhân loại vào Trời mới Đất mới.
Chúng ta là thần dân của Người: hãy đi theo con đường sự thật của Thập Giá yêu thương.
Frère Pierre Đình Long FSC