Bài 1
Cv 1,1-11 (ABC); Lc 24,46-53 (C)
Chủ đề: Đức Giêsu thăng thiên tiến vào cảnh vực, vinh quang của Thiên Chúa.
* Cv 1,9: Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người.
* Ga 24,51: đang khi chúc lành cho các môn đệ, thì Đức Giêsu rời khỏi các ông và được đem lên trời.
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Đức Giêsu Thăng Thiên. Trong năm C, phụng vụ lời Chúa bài đọc 1, lẫn Tin Mừng đều nói trực tiếp đến biến cố thăng thiên. Cv 1,9 viết: “Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám nây quyện lấy Người khiến các ông không còn thấy Người nữa”. Còn Lc 24,51 thì nói “Người rời khỏi các ông và được đem lên trời”. Theo cách diễn tả trên của Luca, chúng ta có cảm giác Đức Giêsu đang “chuyển hộ khẩu”: rời bỏ nơi ở DƯỚI ĐẤT để đi đến một chốn nào đó ở TRÊN TRỜI. Thực ra, với biến cố lịch sử phục sinh, Đức Giêsu không còn bị “nhốt” trong phạm trù không gian, thời gian nữa. Người có thể hiện diện cùng một lúc ở khắp mọi nơi. “Trời” không phải là một khái niệm địa lý, mà là cách Kinh Thánh dùng để diễn tả nơi Thiên Chúa ngự trị, cảnh vực thần linh: “Lạy Cha chúng con, ở TRÊN TRỜI”. Đức Giêsu lên trời có nghĩa là Người đi vào cảnh vực của Thiên Chúa. Từ nay trong nhân loại xác phàm của chúng ta đã có được MỘT CON NGƯỜI được hội nhập mật thiết, bất khả phân ly vào mầu nhiệm thần linh Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong tương quan với vũ trụ, qua biến cố thăng thiên, Đức Giêsu công khai tuyên bố quyền LÀM CHÚA của Người trên toàn thể tạo thành.
Như vậy, qua Thăng Thiên, Đức Giêsu không rời bỏ thế gian, Người chỉ THAY ĐỔI TƯ CÁCH, CÁCH THỨC HIỆN DIỆN. Thật vậy, khi “rời bỏ” Cha để nhập thể, Ngôi Lời vào trần thế một mình; Thế nhưng giờ đây, khi thăng thiên, Ngôi Lời mang theo nhân tính Giêsu về với Cha. Điều đó muốn nói rằng, từ nay quyền năng thần linh của Giêsu bao trùm toàn vũ trụ. Qua nhân tính của mình, Đấng Phục Sinh quy tụ toàn thể tạo thành và dâng lên Cha tất cả. Vậy Thăng Thiên không chỉ là vinh quang cá nhân Giêsu mà là vinh quang cho toàn thể nhân loại: Đức Giêsu như là hoa quả đầu mùa dâng lên Cha… sau đó, theo thứ tự mỗi người chúng ta cũng lần lượt đi vào vinh quang đó cùng với Đức Kitô để chung cuộc “Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự” (x. 1Cr 15,22-24.28). Lúc đó chúng ta sẽ nên như Người “sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến” (x. 1Cr 15,49). Trong đức tin, Hội Thánh biết rằng mình đã dự phần vào sự hiển trị này rồi, mặc dù trong một thời gian, Hội Thánh còn phải tiếp tục chiến đấu.
Bài đọc 1 và Tin Mừng của lễ Thăng Thiên C đều cho thấy Đức Giêsu đi vào trong vinh quang Thiên Chúa. Với quyền năng thần linh ấy, từ nay Đấng Thăng Thiên không hề vắng mặt nhưng Người luôn đồng hành cách vô hình với đoàn môn đệ, bảo đảm cho sứ vụ của họ sẽ thành công.
Thật vậy cả hai bài đọc đều nói Đức Giêsu lên trời NGAY TRƯỚC MẮT đoàn môn đệ. Các ông tận mắt chứng kiến Người lên trời, “có đám mây quyện lấy Người” đưa vào cảnh vực thần linh (x. Lc 24,50-52; Cv 1,9). Chi tiết này gợi lại việc tiên tri Elisa được tận mắt nhìn thấy thầy mình là Elia được rước về trời, nên ông đã được nhận lãnh trọn vẹn Thần Khí của thầy mình như ông đã khao khát (x. 2V 2,9-15). Như vậy khi thấy Đức Giêsu lên trời NGAY TRƯỚC MẮT, đoàn môn đệ của Đức Giêsu có được một bảo chứng chắc chắn rằng họ sẽ được lãnh nhận TRÀN ĐẦY CHÚA THÁNH THẦN của Đấng Phục Sinh để tiếp tục cách hiệu quả sứ vụ mà Đấng Phục Sinh trao phó cho họ. Và đến lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần hiện xuống trên đoàn môn đệ.
Tuy nhiên giữa hai bài đọc cũng có những nét khác biệt rõ ràng. Chi tiết dễ thấy nhất, đó là THỜI ĐIỂM Chúa lên trời: bốn mươi ngày sau biến cố Đấng Phục Sinh hiện ra (bài đọc 1), hoặc là ngay trong ngày Người hiện ra cho môn đệ (Tin Mừng)?
Thật ra khi Đức Giêsu đã phục sinh và được tôn vinh là CHÚA thì mọi giới hạn về thời gian lẫn không gian đều không thể cầm giữ được Người: Người đã lên trời cả hồn lẫn xác ngay khi phục sinh. Chúng ta đừng quên rằng Mt 27,54b và Mc 15,39 đã tuyên xưng Đức Giêsu là CON THIÊN CHÚA ngay khi Người gục đầu tắt thở. Thêm nữa, biến cố phục sinh không ai chứng kiến được, người phàm chỉ biết được là nhờ những lần Người hiện ra cho thấy. Do đó bốn mươi ngày mang ý nghĩa biểu tượng: đó là thời gian cuối cùng Người còn hiện diện hữu hình dành riêng cho các tông đồ (x. Cv 1,2b) nhằm củng cố đức tin của các ông vào biến cố phục sinh, đồng thời căn dặn, bổ sung những điều cần thiết để chuẩn vị các ông đón nhận Thánh Thần và thi hành sứ vụ như những con người trưởng thành, tự đảm nhận trách nhiệm sau khi Người thăng thiên (x. Cv 1,2b-5).
Còn Tin Mừng thì nhấn tới khía cạnh khác: Đấng Phục Sinh đang lúc thăng thiên đã đưa tay CHÚC LÀNH cho đoàn môn đệ gồm nhóm Mười Một, các bạn hữu và hai môn đệ làng Emmau (x. Lc 24,33). Chi tiết này gợi lại việc Dacaria ở đầu Tin Mừng Luca, sau khi tế lễ trong Cung Thánh đi ra đã không chúc lành được cho dân chúng vì đã bị câm (x. Lc 1,19-22). Điều mà tư tế Cựu Ước, Dacaria không làm được thì nay Đức Giêsu, TƯ TẾ MỚI với hy lễ thập giá, phục sinh, Thăng Thiên đã hoàn tất. Từ nay mọi nguồn mạch phúc lành của dân và cho dân Chúa đều phát xuất từ Đấng Phục Sinh thăng thiên.
Với thăng thiên, Đức Giêsu đã long trọng khai mạc quyền làm CHÚA của Người trên toàn vũ trụ (x. Pl 2,10-11); Người đi về Nhà Cha để dọn chỗ cho chúng ta (x. Ga 14,2); Người mở đường đưa nhân tính vào sự hiệp thông mật thiết với thiên tính Thiên Chúa (1Cr 15,23.24.28). Đó là Tin Mừng mà mọi tín hữu phải xác tín và công bố cho toàn thế giới theo lệnh Đấng Phục Sinh thăng thiên.
Bài 2
Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần… anh em sẽ là chứng nhân của Thầy… cho đến tận cùng trái đất (Cv 1,8). Nói xong Người được cất lên ngay trước mắt các ông và có đám mây quyện lấy Người (Cv 1,9) … Bấy giờ các ông bái lạy Người (Lc 24,52).
Hôm nay Giáo Hội mừng biến cố Đức Giêsu Thăng Thiên. Đức Giêsu Thập giá, sau khi từ cõi chết trỗi dậy, hiện ra cho một số người, đặc biệt là cho Nhóm Mười Một để chuẩn bị cho các ông tiếp nối sứ vụ của Người tại trần thế, giờ này Người “rời khỏi các ông và được đem lên trời” (Lc 24,51b); Còn sách Công Vụ Tông Đồ thì nói Người còn “phụ đạo” thêm cho các ông bốn mươi ngày về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, căn dặn các ông phải ở lại Giêrusalem để chờ đón ngày “chịu phép rửa trong Thánh Thần” (Cv 1,5), rồi “Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người khiến các ông không còn thấy Người nữa” (Cv 1,9).
Cùng một biến cố: Đức Giêsu phục sinh rời khỏi đoàn môn đệ để đi vào vinh quang thần linh của Thiên Chúa được diễn tả bằng hai cách nói ẩn dụ “được đem lên trời” (Luca) và “có đám mây quyện lấy Người” (Cv) khác nhau; Và được diễn ra vào hai thời điểm khác nhau: ngay vào chiều ngày Người hiện ra vào ngày thứ nhất trong tuần (Luca), và bốn mươi ngày sau tức là vào một ngày thứ năm của tuần thứ sáu sau phục sinh (Công Vụ).
Thực ra, Luca muốn trình bày tách biệt hai khía cạnh bổ sung nhau của cùng một biến cố. “Thăng Thiên” được coi như biến cố bản lề nối kết hai giai đoạn tiếp nối nhau của dòng lịch sử cứu độ:
– Giai đoạn Đức Giêsu đảm nhận sứ vụ Cha trao trong xác phàm nhân loại. Sứ vụ đã hoàn tất với Thập Giá (Ga 19,30; Mc 15,39). Thăng Thiên là thời điểm Đức Giêsu chấm dứt sự hiện diện hữu hình của Người qua xác phàm nhân nơi trần thế, Cha tôn vinh Người “đem lên trời” nghĩa là đi vào trong vinh quang Thiên Chúa và các môn đệ “bái lạy Người”, còn Người thì “chúc lành” cho các ông.
– Giai đoạn đoàn môn đệ đích thân tiếp tục công cuộc của Đức Giêsu: Thăng Thiên là thời điểm bắt đầu. Thăng Thiên được trình bày như là điểm xuất phát hướng về một tương lai mới: đón chờ Chúa Thánh Thần để làm chứng nhân cho Đấng Phục Sinh và hướng tất cả về ngày Quang Lâm.
Về phần các bài đọc phụng vụ:
Bài đọc 1: Cv 1,1-11 được dùng chung cho cả ba năm ABC.
Còn các bài đọc Tin Mừng là ba trích đoạn cuối cùng của ba sách Tin Mừng Nhất Lãm. Cả ba trích đoạn này đều cho thấy quyền năng tối thượng trên toàn vũ trụ đã được trao ban cho Đấng Phục Sinh. Và với quyền thần linh tối thượng ấy, Đấng Phục Sinh đã truyền cho các môn đệ hãy tiếp tục công cuộc của Người loan Tin Mừng cho muôn dân khắp cùng thế giới.
Trong năm C, cả hai bài Công vụ và Tin Mừng đều đề cập trực tiếp đến biến cố Thăng Thiên. Cả hai đều nói Đức Giêsu lên trời ngay trước mắt các môn đệ. Giai đoạn Đức Giêsu hiện diện hữu hình trong xác phàm nhân hữu hạn đã chấm dứt. Thời của Giáo Hội và Chúa Thánh Thần bắt đầu. Với Chúa Thánh Thần, các tông đồ – và về sau là Giáo Hội – trở thành chứng nhân cho mầu nhiệm thập giá, Phục Sinh, lên trời và thiên tính của Đức Giêsu.
Bài đọc 1 là phần mở đầu sách Công vụ gồm:
Lời tựa: Luca nhắc lại cho Thêôphilô trong một câu ngắn những gì ông đã viết về Đức Giêsu từ lúc Người rao giảng cho đến khi lên trời. Những nét chính mà Đấng Phục Sinh muốn hoàn tất trước khi lên trời là tìm cách chứng tỏ cho môn đệ thấy Người đã thực sự sống lại; nói về Nước Thiên Chúa; và bảo các ông ở lại Giêrusalem chờ đón Chúa Thánh Thần.
Với Chúa Thánh Thần, sứ mạng chính của môn đệ được Luca nhắc tới là làm “chứng nhân của Đức Giêsu” khởi từ Giêrusalem cho đến tận cùng trái đất.
Bản văn phụng vụ kết thúc bằng câu mô tả việc Đấng Phục Sinh lên trời ngay trước mắt môn đệ, và sứ điệp thần linh do thiên thần mang lại hướng về ngày quang lâm của Đấng vừa thăng thiên.
Tin Mừng là đoạn chót của Tin Mừng Luca, thuật lại việc Đấng Phục Sinh hiện ra cho Nhóm Mười Một, dùng Kinh Thánh thuyết phục họ tin nhận Người đã Phục Sinh, trao cho họ sứ mạng rao giảng sám hối và làm chứng nhân cho Người. Sau khi hứa ban Thánh Thần và nhắc họ ở lại Giêrusalem chờ đón nhận, Đức Giêsu lên trời trước mắt họ.
BÀI ĐỌC I: Cv 1,1-11
Sách Công vụ tông đồ là cuốn thứ hai của bộ sách Luca gồm Tin Mừng thứ ba là cuốn 1 và Công vụ tông đồ là cuốn 2. Có thể nói:
Sách Công vụ là sách lịch sử về Hội Thánh thời sơ khai. Từ ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn, tác động các tông đồ loan báo Tin Mừng. Mỗi biến cố làm cho Hội Thánh được lớn lên. Càng gặp khó khăn, thử thách, Hội Thánh càng có sức phát triển. Hội Thánh có một sức sống mãnh liệt nhờ Chúa Thánh Thần. Sách Công Vụ đã ghi lại tất cả sinh hoạt của anh em tín hữu ở Giêrusalem, ở Antiokia, ở Tiểu Á, ở Hi Lạp. Cuối cùng Tin Mừng lan đến Rôma, trung tâm văn minh thời ấy. Hội Thánh bén rễ sâu vào dân ngoại (x. CGKPV “Tân Ước” 1995 trang 488-9).
Bài đọc 1 là phần mở đầu Sách Công vụ, nhắc lại một số chi tiết đã được đề cập đến trong phần kết thúc của Sách Tin Mừng Luca, nhằm làm bản lề nối kết sách Tin Mừng Luca với Sách Công vụ, đồng thời cũng đưa ta vào chủ đề của Sách Công vụ là sứ mạng của các tông đồ. Trong tương quan với biến cố Thăng Thiên, bài đọc 1 đề cập đến hai chủ đề chính:
1/ Những hoạt động hữu hình cuối cùng của Đức Giêsu (Cv 1,2b-8)
*Đối tượng được Đấng Phục Sinh nhắm đến là các tông đồ đã được Người tuyển chọn nhờ Thánh Thần. Người huấn luyện bổ sung cho các ông 40 ngày với nội dung của lời giảng dạy là:
– Làm cho các ông xác tín Người VẪN SỐNG: tin Đức Giêsu phục sinh không có nghĩa chỉ là lý trí chấp nhận một sự kiện khách quan diễn ra vào một thời điểm, một nơi nào đó trong dòng lịch sử. Tin là thiết đặt một tương quan vĩnh viễn với Đức Giêsu: Người ĐANG SỐNG, VẪN SỐNG, HẰNG SỐNG, và Người đang điều khiển vũ trụ, lịch sử, cuộc đời từng người với quyền năng của một vị Thiên Chúa. Đó là xác tín nền của đức tin kitô giáo.
– Nói chuyện về Nước Thiên Chúa
“Nước Thiên Chúa”, vương quyền của Thiên Chúa và những gì nói ở câu 8 sẽ là chủ đề chính của sách Công Vụ. Nước Thiên Chúa đã được khai mạc với Đức Giêsu. Người đã thiết lập nền tảng là các tông đồ, đã ban hiến chương Nước Trời và giờ đây sắp ban Thánh Thần để kiện toàn Nước Thiên Chúa tại thế. Đã tới lúc các tông đồ phải tiếp tục công việc làm phát triển Nước Thiên Chúa cùng với Chúa Thánh Thần và quyền năng của Đấng Phục Sinh (xem thêm CGKPV “Tân Ước” 1995 trang 497 các nốt “d” – “đ” – “e”).
– Lệnh truyền cho các tông đồ phải ở lại Giêrusalem chờ đón nhận Thánh Thần: xưa với sự can thiệp của Thánh Thần, Ngôi Lời đã nhập thể, mang xác phàm công khai bước vào dòng lịch sử nhân loại như một con người trọn vẹn; Giờ đây để Giáo Hội được sinh ra công khai như một hữu thể xã hội nhân loại, Chúa Thánh Thần cũng can thiệp giúp các môn đệ tiếp tục công cuộc rao giảng Tin Mừng mà Đấng Phục Sinh đã khởi sự (x. Sđd 498 nốt “g” và “h”).
*Phản ứng của các tông đồ: (c.6)
Nhãn giới thế tục nơi các môn đệ về Đấng Mêsia, về Nước Thiên Chúa, về hồng ân Thánh Thần vẫn còn nguyên. Họ hỏi Người: “Lạy Chúa (Kuriê) có phải bây giờ là lúc Ngài khôi phục vương quốc Israel không?”
*Đấng Phục Sinh điều chỉnh lại:
– Bổn phận của người môn đệ không phải là tìm nắm bắt cho được dự tính của Thiên Chúa. Điều đó hàm ý là môn đệ phải luôn ở tư thế sẵn sàng tuân phục, thờ lạy Ý Cha.
– Điều phải làm trong hiện tại là dọn lòng đón nhận Thánh Thần và nhập cuộc vào trần gian làm chứng nhân cho Đấng Phục Sinh đến tận cùng trái đất.
Trước khi nhận lãnh Thánh Thần, các tông đồ không sao hiểu nổi sứ điệp của Đấng Phục Sinh. Thật vậy, việc Đức Giêsu sống lại vinh quang, việc nói về Nước Thiên Chúa kèm theo ân huệ Thánh Thần, ngay lập tức gợi dậy trong lòng các môn đệ tham vọng thế quyền, chính trị. Đấng Phục Sinh phải điều chỉnh lại, đưa các môn đệ về lại sứ mạng hiện tại mà Người muốn trao phó cho họ: Đó là chuẩn bị tâm hồn đón nhận Chúa Thánh Thần để ra đi rao giảng, làm chứng về Đấng Phục Sinh và loan Tin Mừng cho đến tận cùng thế giới.
Câu 8 được xem như chương trình hành động của các tông đồ: khởi sự tại Giêrusalem, tỏa lan dần ra các vùng phụ cận, rồi đến tận cùng cõi đất.
Việc trao ban trọn vẹn Thánh Thần cho môn đệ và thời điểm NướcThiên Chúa tỏ hiện trọn vẹn vẫn còn một khoảng cách. Đó là bí ẩn của Cha. Giai đoạn ở giữa hai biến cố đó là thời đại sứ mạng của Giáo Hội với sự hỗ trợ của Chúa Thánh Thần.
2/ Thăng Thiên (Cv 1,9-11)
*Sau khi sắp xếp xong mọi sự, “Đức Giêsu được cất lên ngay trước mắt các tông đồ, có đám mây rước Người lên khuất mắt các ông” (c.9). Biến cố vĩ đại ấy chỉ được mô tả gọn bằng một câu ngắn nhưng chứa đầy các điển tích Cựu Ước:
– Người được cất lên” = “Người được đem lên trời” (Lc 24,51): “Trời” ở đây không phải là một nơi chốn. Theo quan niệm xưa, vũ trụ có ba tầng: – “Trời” là nơi ở của các thần linh; – “Đất” là nơi con người sinh sống; – Và “hỏa ngục” là nơi của tối tăm, sự dữ (xem GLHTCG số 326; TOB N. T Pl 2,10 nốt “w”; Kh 5,3.13). Vậy “lên trời” là được đi vào cảnh vực thần linh. Từ nay, một con người của trái đất này đã được hoàn toàn thông phần trọn vẹn vào vinh quang Thiên Chúa. Cửa Trời xưa đóng lại vì tội Adam, nay được mở ra cho nhân loại nhờ Adam mới.
– “Ngay trước mắt các ông”: cách nói này gợi lại việc Elisa thấy tận mắt cảnh Elia lên trời, nhờ vậy ông ta nhận được dồi dào thần khí của thầy mình và trở về Israel hoạt động đầy quyền năng như thầy (x.2V 2,9-15). Vậy khi nói các tông đồ thấy Đức Giêsu lên trời ngay trước mắt các ông, Luca muốn khẳng định rằng các tông đồ cũng sẽ được đầy Chúa Thánh Thần của Đấng Phục Sinh và thi hành sứ vụ hiệu quả như Đấng Phục Sinh.
– Và có đám mây rước Người lên…: trong Cựu Ước, “mây” là dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện, nhưng đồng thời cũng là vật cản để mắt phàm không thấy được trực tiếp vinh quang của Thiên Chúa kẻo phải chết. Câu 9b mô tả Đức Giêsu được đám mây rước lên hàm ý Đức Giêsu chính là Thiên Chúa; Nhưng đám mây ấy cũng lại che khuất không cho các ông thấy Người được nữa: từ nay Đức Giêsu không còn hiện diện hữu hình với đoàn môn đệ nữa. Người đã chính thức mặc khải thần tính và đi vào vinh quang Thiên Chúa, đi vào thế giới thần linh. Tuy nhiên, đây chưa phải là lúc môn đệ chiêm ngắm vinh quang Thiên Chúa cách trọn vẹn vốn chỉ được tỏ lộ viên mãn vào ngày quang lâm.
Hai ý nghĩa có vẻ trái ngược nhau đó của “đám mây” nhắc các môn đệ rằng hiện tại là thời họ phải ra tay hành động dưới sự bảo trợ của Đấng Phục Sinh là Thiên Chúa, chờ ngày Người quang lâm, và đó cũng là cách họ góp phần thúc đẩy cho ngày quang lâm mau đến. Từ nay Đấng Phục Sinh hiện diện với đoàn môn đệ bằng một cách thức huyền nhiệm: vừa đầy quyền năng của một Vị Thiên Chúa, vừa ẩn dấu khỏi mắt phàm của các ông trong giai đoạn chờ đợi quang lâm.
*Phản ứng của môn đệ và chỉnh sửa của Thiên Chúa:
– Đăm đăm nhìn trời: Bị cuốn hút, quên mất thực tại là phải về Giêrusalem chuẩn bị nhận lãnh Chúa Thánh Thần để dấn thân vào cái hiện tại trần thế đang cần các ông. Đó là làm chứng nhân cho Đấng Phục Sinh chứ không làm “vọng phu hóa đá” ngước mắt nhìn trời.
– Thiên Chúa đánh thức đưa về lại thực tại: hình ảnh hai thanh niên mặc áo trắng gợi lại Lc 24,4-9 trong trình thuật ngôi mộ trống. Qua câu hỏi TẠI SAO, hai chàng đã giải thích việc Đức Giêsu vắng mặt với giọng điệu có vẻ trách móc: yếu tin, tầm nhìn còn bị nhốt trong quá khứ, cái nhìn trần tục; Nhưng ngay sau đó đã mặc khải sứ mạng hiện tại phải làm: trở về với cuộc sống đi để làm chứng nhân. Bởi vì từ nay cuộc sống đã có ý nghĩa, dòng lịch sử đã có điểm tới rõ ràng: mọi sự là để dọn đường cho ngày quang lâm của Đấng vừa mới lên trời; Đó là lúc Đấng Thăng Thiên hiển lộ vinh quang thần linh trọn vẹn cho toàn thế giới mà Thăng Thiên chỉ là khúc dạo đầu.
Trong khi chờ đợi quang lâm, giờ đây là thời môn đệ chính thức nhập cuộc, đích thân đảm nhận trách nhiệm loan báo Tin Mừng, trực diện đối đầu cùng bao thử thách với sự đồng hành vô hình nhưng đầy hiệu năng của Đấng Phục Sinh và sự trợ lực của Thánh Thần Thiên Chúa.
3/ Sứ điệp
Sau câu giới thiệu cho Thêôphilô về sách Công vụ như là phần tiếp nối cuốn Tin Mừng thứ ba, bài đọc 1 thuật lại những hoạt động hữu hình cuối cùng của Đức Giêsu với tư cách là Đấng Phục Sinh để chuẩn bị cho các tông đồ bước vào giai đoạn cánh chung của lịch sử cứu độ mà không có sự hiện diện hữu hình của Đức Giêsu. Đó là giai đoạn Giáo Hội trực tiếp lãnh nhận trách nhiệm rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Chúa Thánh Thần sắp được trao ban là ân huệ lớn nhất bảo đảm cho sự thành công của Giáo Hội trong sứ mạng được trao phó. Sau cùng Đức Giêsu tỏ lộ vinh quang thần linh qua thăng thiên và loan báo quang lâm.
Vậy biến cố thăng thiên để lại nơi các tông đồ một sự trông chờ kép: trong hiện tại chờ Chúa Thánh Thần; trong tương lai, hướng về quang lâm. Ở giữa hai sự trông chờ ấy là sứ mạng loan Tin Mừng mà Đấng Phục Sinh đã trao phó.
TIN MỪNG: Lc 24,46-53
Theo Nhất Lãm, Đấng Phục Sinh hiện ra cho nhóm tông đồ chỉ có một lần: Mattheu tại Galilê trên núi, còn Luca tại Giêrusalem rồi sau đó là thăng thiên.
Theo Lc 24, trong trình thuật Ngôi mộ trống, các phụ nữ ra mộ chỉ gặp “hai người đàn ông y phục sáng chói” gợi lại cho các bà lời Đức Giêsu lúc sinh tiền đã từng phán Người sẽ Phục Sinh sau thập giá và trong Lc không có chuyện Đấng Phục Sinh hiện ra cho các bà. Tiếp đến là trình thuật hiện ra cho hai môn đệ trên đường Emmau, cùng lúc hiện ra riêng cho Simon tại Giêrusalem (c.34). Và trong khi nhóm Mười Một các bạn hữu và hai môn đệ Emmau còn đang bàn tán thì Đấng Phục Sinh lại hiện ra cho cả nhóm (c.36). Trong lần hiện ra cuối cùng này Đấng Phục Sinh dạy họ nhiều điều và trao sứ mạng làm chứng nhân. Sau đó là Người lên trời trước mắt các ông.
Tin Mừng hôm nay trích những lời dạy cuối cùng của Đấng Phục Sinh và thăng thiên.
1/ Những chỉ dạy cuối cùng của Đấng Phục Sinh (Lc 24,46-49)
*Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đức Giêsu đã dùng lời Kinh Thánh thuyết phục các môn đệ xác tín rằng Người thực sự phục sinh từ cõi chết (c.46).
Luca cho thấy Đức Giêsu là vị tôn sư đích thật trong việc chú giải Kinh Thánh: Lc 24 đều lấy Kinh Thánh làm chứng về sự phục sinh của Đức Giêsu, cũng như đã lấy sự phục sinh của Người để minh chứng rằng lời Kinh Thánh đã được thể hiện trọn vẹn. Như vậy để có thể tiếp cận được với mầu nhiệm phục sinh, việc hiểu biết Kinh Thánh là tuyệt đối cần thiết.
*Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân (c.47)
“Rao giảng” còn được gọi là “loan báo Tin Mừng” (x. 1Tx 2,9). Đó là sứ mạng của chính Đức Giêsu (Mt 4,17). Lúc còn sinh tiền (x. Mt 10,7.27) cũng như sau khi phục sinh (x. Lc 24,47; Mc 16,15-16…) Người đã trao cho các tông đồ.
Điều đó, Gioan Tẩy Giả (x. Lc 3,3) và Đức Giêsu (x. Lc 4,44; 8,1) đã làm cho người Do Thái, thì giờ đây, Đấng Phục Sinh truyền cho môn đệ phải mở rộng ra cho muôn dân.
Luca làm nổi bật lên sự liên tục và nhất quán của dòng lịch sử cứu độ: Cựu Ước – Đức Giêsu – Giáo Hội có cùng một sứ vụ.
– “Bắt đầu từ Giê rusalem”
Đây là nét đặc biệt của thần học Luca: giai đoạn Đức Giêsu tại thế được hướng về Giêrusalem như là đích đến, nơi hoàn tất mọi lời Kinh Thánh, nơi Người hoàn tất việc huấn luyện môn đệ và sai họ đi, ban Chúa Thánh Thần cho họ, nơi Người được siêu thăng; Bước qua thời các tông đồ, thời Giáo Hội, Giêrusalem là điểm xuất phát, từ đó Tin Mừng được loan cho toàn thế giới. Giêrusalem là “bản lề” nối kết thời Đức Giêsu với thời Giáo Hội.
– Nội dung lời rao giảng: “kêu gọi sám hối để được ơn tha thội” (c.47)
Cùng sứ vụ như Gioan (Lc 3,3) và Đức Giêsu (Lc 5,32). “Sám hối” là thay đổi não trạng. Cụ thể ở đây là tin nhận Đức Giêsu đã phục sinh và tuyên xưng Người là Chúa (x. Rm 10,9). Và các tông đồ đã thi hành (Cv 3,19…)
*Chẳng những rao giảng mà còn phải là CHỨNG NHÂN (C.48)
Nói cách khác cuộc đời mỗi Kitô hữu phải là dấu hữu hiệu giúp người khác nhận ra Đức Giêsu, Đấng Phục Sinh thực sự vẫn đang hiện diện trong thế giới này tiếp tục thi ân cứu độ nhân loại: Đấng Phục Sinh đang sống trong tôi (x. Gl 2,20), người ta nhận ra tôi là môn đệ Người (x. Ga 13,35), nhận ra Cha đã sai Con (x. Ga 17,21), và cuối cùng nếu cần thì cũng sẵn sàng hy sinh cả mạng sống.
*Để giúp các môn đệ hoàn tất được sứ mạng làm chứng nhân, Đấng Phục Sinh hứa ban Thánh Thần và căn dặn môn đệ phải ở lại Giêrusalem đón nhận hồng ân ấy đã rồi mới tính chuyện làm sứ mạng (c.49).
– Chúa Thánh Thần được trình bày như ân huệ của Cha hứa ban và sắp được Đấng Phục Sinh gởi đến cho đoàn môn đệ.
– Lệnh truyền cuối cùng của Đấng Phục Sinh: bằng mọi giá phải chờ nhận Chúa Thánh Thần.
Các môn đệ chỉ hoàn thành được sứ vụ Đấng Phục Sinh trao phó, chỉ tiếp tục công việc của Đấng Phục Sinh giữa mọi dân tộc trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. Thật vậy các tông đồ đã làm chứng nhân nhờ “quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban” (Cv 4,33); các vị làm việc cùng với Chúa Thánh Thần (Cv 14,27); quyết định cùng với Chúa Thánh Thần (Cv 15,28) … với Chúa Thánh Thần mỗi Kitô hữu thật sự là một “ALTER CHRISTUS, là một Đức Kitô thứ hai ở đây và bây giờ trên mọi nẻo đường của nhân loại” (Dân Chúa 94 trang 15).
2/ Thăng Thiên (Lc 24,50-51)
*Sau đó: tức là ngay sau lần hiện ra duy nhất cho cả nhóm môn đệ ngay sau phục sinh. Vậy theo Tin Mừng thứ ba thì Đấng Phục Sinh hiện ra và lên trời cùng một ngày; Còn Công vụ thì nói 40 ngày sau.
*Nơi chốn: “gần Bethania”: đông Giêrusalem, 3 km hướng Giêricô. Trong khi Cv 1,12 lại nói là tại núi Ôliu cách Giêrusalem chỉ non 1 km. Làng Bethania nằm bên sườn đông – bắc của núi Ôliu. (CGKPV “Tân Ước” 1995 trang 500 nốt “q”).
*Người giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, Người rời khỏi các ông và được rước lên trời (cc. 50-51).
Trước khi từ giã các môn đệ, Đấng Phục Sinh giơ tay chúc lành cho họ. Đấng chưa bao giờ chúc lành cho các tông đồ của mình, giờ đây chúc lành cho họ cách trọng thể. “Giơ hai bàn tay” để chúc lành là một cử chỉ không gặp chỗ nào khác trong Tin Mừng Luca cũng như trong Tân Ước. Cử chỉ này ám chỉ hành động của vị tư tế truyền đạt phúc lành của Thiên Chúa cho dân. Bản văn sáng sủa nhất, và có lẽ cũng là bản văn mà Luca đã cảm hứng theo, là Hc 50, 20-23: thượng tế Simon khi chấm dứt lễ nghi phụng vụ đã “giơ hai bàn tay” để “chúc lành” cho dân đang “phủ phục” (“bái lạy”: 24,52a); ông đặc biệt xin Chúa ban cho dân niềm “hoan hỉ” và bình an (23) và mời gọi dân “chúc tụng Thiên Chúa” (22). Hơn nữa, cử chỉ này còn mang ý nghĩa hoàn tất lời chúc lành cho muôn dân mà Chúa đã hứa với Abraham (St 12,1-3 so với Cv 3,25-26).
Luca đã trình bày Đức Giêsu như vị thượng tế đích thực, trọn hảo, sau khi hoàn tất hi lễ trên thập giá, đưa nhân tính bước vào vinh quang thần linh nhờ phục sinh, đã ban một phúc lành có năng lực mang lại ơn cứu độ vĩnh cửu chẳng những cho Israel mà còn cho toàn thể vũ trụ nữa. (Xem thêm sđd 381a).
3/ Phản ứng của môn đệ (52-53)
Tôn thờ Đấng Phục Sinh như một vị Thiên Chúa qua các cử chỉ mang tính phụng vụ dành cho Giavê:
– Các ông BÁI LẠY, về lại Giêrusalem lòng đầy hoan hỷ.
– Hằng ở lại trong ĐỀN THỜ mà CHÚC TỤNG THIÊN CHÚA.
“bái lạy”: đây là hành vi tôn thờ đầu tiên mà Giáo Hội dành cho Đấng Phục Sinh. Điều này cho thấy con người chỉ thật sự bước vào huyền nhiệm của Thiên Chúa bằng đức tin và Giáo Hội, qua phụng vụ, đã diễn đạt và truyền lại đức tin ấy cho con cái mình. Trong phụng vụ, Thiên Chúa cho ta nếm cảm trước vinh quang cánh chung nhờ đức tin.
4/ Sứ điệp
Thăng thiên được Tin Mừng trình bày như là điểm kết thúc sứ mạng trần thế của Đức Giêsu, đồng thời mở ra một giai đoạn mới của lịch sử cứu độ, thời của Giáo Hội. Thăng thiên là bảo chứng cho việc thành công trong sứ mạng sắp tới mà Đấng Lên Trời đã trao ban cho Giáo Hội. Phúc lành cánh chung được hứa từ đầu dòng lịch sử đã được “Đấng Phục Sinh lên trời” trao ban cho Giáo Hội qua các cử chỉ phụng vụ. Chính vì thế mà cuộc chia tay – thăng thiên – lại nhuốm đầy mầu sắc vui tươi của ngày gặp gỡ (được diễn tả bằng “mừng”, “nhảy mừng”, “chúc phúc”, “chúc tụng”: Lc 1,28; 1,39-45.64.68; 2,28.30…). Niềm vui được thấy bằng giác quan giới hạn xưa kia của Dacaria, Anna, Simêon… nay được nâng lên thành niềm vui của đức tin, của sự hiệp thông vào vinh quang vĩnh cửu được Đấng Lên Trời thông chia cho Giáo Hội. Từ đó lời của Giáo Hội ca khen Thiên Chúa được vang lên thay thế cho nền phụng tự cũ. Từ nay, Giáo Hội là Israel mới sẽ đảm nhận, tiếp nối và đưa đến hoàn tất, tất cả những gì mà nơi Israel cũ chỉ mới là lời hứa, mong đợi.
Qua phụng vụ, Lời Chúa và cuộc đời tín hữu, Đấng Phục Sinh, Chúa Thánh Thần và Giáo Hội cùng nhau hoàn tất dòng lịch sử theo ý Cha.
BÀI ĐỌC THÊM
Biến cố thăng thiên để lại nơi các tông đồ một sự trông chờ kép: trong hiện tại chờ Chúa Thánh Thần; trong tương lai, hướng về quang lâm. Ở giữa hai sự trông chờ ấy là sứ mạng loan Tin Mừng mà Đấng Phục Sinh đã trao phó. Xem thêm sđd 497a.
Con số 40:
*Luca muốn rập khuôn sứ vụ của Giáo Hội với sứ vụ của Đức Giêsu nên ông đặt song song những sự kiện xảy ra lúc Người chuyển giao sứ vụ cho các tông đồ: Trước khi Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai, Người đã TỎ MÌNH ra cho Israel đang sám hối, là Đấng Mêsia qua phép rửa và sau đó là 40 ngày chuẩn bị trong sa mạc; Cũng vậy, trước khi thời Giáo Hội bắt đầu, Đấng Phục Sinh cũng tỏ mình cho dân mới qua những lần hiện ra và dùng 40 ngày chuẩn bị giúp họ đi vào sứ vụ.
Như vậy, chỉ có một sứ vụ là sứ vụ của Đức Giêsu; và có sự liên tục kế thừa cách trọn vẹn, hợp pháp giữa hai giai đoạn thi hành sứ vụ; và cũng chỉ có một phương thế là con đường thập giá, chứ không bằng con đường chính trị “khôi phục vương quốc Israel” (1,6).
*Con số 40 cũng gợi lại nhiều hình ảnh trong Cựu Ước, đặc biệt là Môsê với sứ mạng của ông. Trước khi nhờ Môsê dẫn dân khỏi Ai Cập, Đức Chúa đã chuẩn bị ông bằng 40 năm học hỏi ở triều đình Ai Cập và sau đó là 40 năm kinh nghiệm sa mạc; Và nhất là tại Sinai, ông được sống thân mật với Chúa trong vinh quang của cuộc thần hiện suốt 40 đêm ngày. Đây là thời gian đủ để cho ân tình, vinh quang của Đức Chúa thấm sâu vào con người Môsê, gắn liền với hiện sinh của ông (x. Xh 34,29-35), nhờ vậy ông thêm xác tín vào ơn gọi và tăng thêm uy tín đối với dân giúp ông can đảm hoàn tất sứ mạng. Sau 40 ngày đó ông nhận được Bia Đá Luật và Israel được khai sinh.
Giờ đây, các tông đồ cũng có được 40 ngày sống thân tình với Đấng Phục Sinh là Thầy và là Chúa của họ. Đây là thời gian cần thiết để các ông thấm nhuần tinh thần, giáo lý của Người để rồi sau đó được nhận Thần Khí là luật mới: dân mới của Thiên Chúa được khai sinh.
Vậy 40 ngày này – nên hiểu nghĩa biểu tượng – rất cần cho các tông đồ và là để chuẩn bị cho cuộc ra mắt công khai của Giáo Hội trước mặt chư dân.
Frère Pierre Đình Long FSC