Bài 1
Is 62, 11 – 12; Lc 2, 15 – 20
Chủ đề: Cuộc đổi đời thăng hoa kỳ diệu, tuyệt vời do “ĐẤNG GIÁNG SINH LÀM NGƯỜI” mang lại cho nhân loại.
Is 62, 12: chúng sẽ được gọi là “Dân Thánh” là “cô gái đắt chồng”
Lc 2, 18. 20: các mục đồng trở thành chứng nhân đầu tiên của Tin Mừng Giáng Sinh: “Họ kể lại điều đã được nói với họ về HÀI NHI … Rồi ra về, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa”.
Chúa đã đến rồi! “Này tôi báo cho anh em một TIN MỪNG TRỌNG ĐẠI, cũng là Tin Mừng CHO TOÀN DÂN”. MỘT TIN MỪNG cả thể đã được thiên thần loan báo cho các mục đồng: “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavit, Người là ĐẤNG KITÔ ĐỨC CHÚA”. Đó là sứ điệp vui mừng của lễ Nửa Đêm.
Đáp lại Tin Vui ấy, các mục đồng đã lên đường tìm chiêm ngắm Đấng Cứu Tinh. Tin Mừng lễ Rạng Đông thuật lại cho chúng ta thái độ đáp trả mau mắn ấy của các mục đồng.
Phối hợp với bài đọc một, chúng ta thấy rằng Niềm Vui ấy không giới hạn trong số người chăn chiên ít ỏi nghèo nàn, mà đã mở rộng ra cho toàn cõi đất. Tin Mừng cho Xion, Dân Chúa bây giờ phải được loan báo cho mọi người trên toàn thế giới. Đó là sứ điệp mở đầu của bài đọc 1: “Đây là lời ĐỨC CHÚA loan truyền cho KHẮP CÙNG CÕI ĐẤT”. Sứ điệp vui mừng cho Thiếu Nữ Xion “ƠN CỨU ĐỘ của NGƯƠI đã tới” nay trở thành Niềm Vui cho “khắp cùng cõi đất”. Ơn cứu độ ấy sẽ được kèm theo một hồng ân ĐỔI MỚI CUỘC ĐỜI. Đó là PHẦN THƯỞNG cho những ai mở rộng lòng đón nhận tin mừng. Tất cả đều trở nên “DÂN THÁNH” của Chúa, được gia nhập vào hàng ngũ “những người được ĐỨC CHÚA cứu chuộc”.
Còn riêng đối với Israel vốn đã là Dân Thánh của Chúa, số phận cũng được thăng hoa, được tôn vinh dung nhan rạng rỡ bằng những cách nói truyền thống giàu tính biểu tượng: “Còn ngươi (tức Israel) sẽ được gọi là “CÔ GÁI ĐẮT CHỒNG”, là “THÀNH KHÔNG BỊ BỎ”. Hình ảnh niềm vui của một thiếu nữ được người yêu săn đón, hình ảnh niềm vui của một thành đầy dân cư ngụ với cuộc sống phú túc là những biểu tượng truyền thống diễn tả Niềm Vui Thiên Sai.
Những gì được tiên báo trong bài đọc một được nói rõ ra trong bài đọc Tin Mừng:
Các mục đồng, là một biểu tượng của SỐ SÓT lại của Israel đã vội vã lên đường đến Bêlem; Và hồng ân, phần thưởng họ nhận được là ĐÃ GẶP ĐƯỢC “Maria, Giuse và HÀI NHI đặt nằm trong máng cỏ”.
Ngay tức khắc, cuộc đời họ đổi thay: họ trở nên NGƯỜI LOAN BÁO TIN MỪNG ngang qua việc “họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này”. Điều họ đã nhận được từ các thiên thần.
Và lập tức, “Tin Mừng trọng đại ấy được loan đi khắp cùng cõi đất”. Vì lúc ấy, trong nhà trọ, người tứ xứ kéo về đang tạm trú ở đó để khai tên tuổi theo lệnh hoàng đế Augutto. Tất cả dân tứ phương thiên hạ có mặt ở đó đều thấy tận mắt Hài Nhi và gia đình, đều nghe tận tai lời loan báo, giải thích của các mục đồng.
Như vậy, Tin Mừng mà đầu tiên chỉ được thiên thần loan báo cho các mục đồng thì giờ đây đã được loan báo cho những người đến từ “khắp cùng cõi đất”. Vấn đề còn lại là thái độ đáp trả của mỗi người.
-
Các mục đồng đơn sơ đón nhận tin vui, trở thành người loan báo tin mừng và cuộc đời đổi mới: về lại với đời thường “vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa”.
-
Còn các lữ khách đến từ 4 phương trong khắp đế quốc? Họ chỉ ngạc nhiên. Tuy vậy họ đã nghe sứ điệp từ trời và cũng đã thấy Hài Nhi.
-
Còn Mẹ Maria? “Hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và SUY ĐI NGHĨ LẠI TRONG LÒNG”.
Thiên Chúa đã tỏ mình! Sự kiện Giáng Sinh đã diễn ra trong dòng lịch sử nhân loại! Biến cố ấy cũng đã loan đi “khắp cùng cõi đất”! Nhưng phần đáp trả từ phía con người thì sao?
Cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng mỗi tín hữu biết đáp trả lại như Mẹ Maria, như các mục đồng để biến cố Giáng Sinh, Mầu Nhiệm nhập thể thực sự là 1 TIN MỪNG CẢ THỂ, TRỌNG ĐẠI cho nhân loại, và cho từng người. Emmanuel có nghĩa là từ nay trần gian này, cũng như nơi mỗi con người, trong từng biến cố cuộc sống đều là nơi chốn để “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Xin Thánh Thần giúp mỗi tín hữu nhận ra Chúa luôn ngự trị lòng ta và nhất là biết “Thờ lạy Thánh Ý Chúa trong mọi sự đối với con” cũng như với thế giới (Gioan LaSan).
Bài 2
Các người chăn chiên hối hả ra đi. Đến nơi họ gặp bà Maria và ông Giuse, và cả Hài Nhi Giêsu được đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này (Lc 2, 16-17) (và xem thêm Lc 2, 10-14)
Chúa đã xuống trần! Từ nay xác phàm nhân và trần thế lưu đày tội lỗi lại trở thành nơi “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, ngự trị giữa chúng ta cho đến ngày tận thế. Đó là “Tin Mừng trọng đại” mà thiên thần đã loan báo cho các người chăn chiên trong bài đọc tin mừng đêm Giáng Sinh. Đó là Đấng Cứu Độ, Đấng muôn dân mong đợi và nhất là, Đấng đó cũng chính là Đức Chúa (Lc 2, 10-11).
“Kitô – Đức Chúa” trong tiếng Hipri là “Mêsia – Yavê”. Theo niềm tin của người Do Thái, đó là “Đấng – được – xức – dầu của Yavê” (x. Xh 30, 30; 1Sm 24,7…): Đấng ấy được Yavê trao cho 1 sứ vụ đặc biệt, được Yavê sủng ái, bảo vệ (Is 45, 1-7…). Tuy nhiên với cái nhìn Tân Ước, sau Đức Giêsu phục sinh, thì tước hiệu kép này được áp dụng cho Đức Giêsu hàm ý Người vừa là Đấng Mêsia, vừa là Thiên Chúa (Cha Thuấn “Kinh Thánh”, phần Tân Ước trang 128 nốt câu 11). Đó chính là Tin Mừng (Mc 1,1).
Điều bất ngờ là Vị “Mêsia – Yavê” đó, giờ đây xuất hiện trước những đôi mắt phàm nhân lại chỉ là một trẻ sơ sinh bọc trong tấm tã, được đặt trong máng cỏ (lc 2, 12). Từ đó phát sinh ra một biến đổi lạ lùng: chuồng giữ súc vật của nhà trọ, máng cỏ lại trở thành nơi mà toàn thể triều thần thiên quốc tụ họp ngợi ca Thiên Chúa (Lc 2, 13-14).
Thêm lạ nữa là những người chăn chiên bị mọi người coi rẻ lại là những người đầu tiên được nghe công bố “Tin Mừng trọng đại” ấy, với những chi tiết cụ thể để có thể tìm đến, gặp gỡ và nhận ra được Hài Nhi Mêsia – Yavê và sẵn sàng thờ lạy.
Họ đã lên đường, tạm bỏ lại đàn chiên đang ngủ ngoài đồng (Lc 2,8), tìm đến máng cỏ trong thành Bêlem (Lc 2, 15b) theo như lời thiên sứ chỉ dẫn và họ đã gặp được một GIA ĐÌNH: Maria, ông Giuse và Hài Nhi (Lc 2, 16). Đấng Mêsia – Yavê đang ở giữa và là con của 1 gia đình nhân loại bình thường. Đó là một gia đình mà tất cả các thành viên đều yêu thương đón nhận nhau và nhất là đều đã làm 1 cuộc hoán cải tận căn, bỏ đi dự tính riêng tư của mình để đón nhận Thánh Ý, dự tính từ muôn đời của Thiên Chúa làm lẽ sống, kim chỉ nam cho đời mình.
Phần các người chăn chiên, bỗng chốc họ trở nên những người tiên khởi loan báo “Tin Mừng trọng đại” cho đám người đang ở trọ là dân Chúa từ bốn phương trời qui tụ về lại Bêlem để làm việc khai báo kiểm tra dân số theo lệnh hoàng đế Rôma (x. Lc 2,2-4 so với Lc 2, 18).
Mầu nhiệm Giáng Sinh, tức Mầu Nhiệm Thiên Chúa làm người, vừa là một mặc khải về Thiên Chúa, vừa là một mặc khải về nhân loại.
Nhìn từ phía Thiên Chúa, mầu nhiệm Giáng Sinh là mầu nhiệm Emmanuel = “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” nghĩa là từ nay Thiên Chúa không là Đấng ngự ở đâu tận trời cao xa lắc, và con người phải ráng sức kêu gào năn nỉ “Xin Chúa xé trời ngự xuống” (Is 63, 19b); Từ nay, Thiên Chúa đã đến và ở giữa loài người, Thiên Chúa trở nên gần gũi đến độ Người là một con người như chúng ta, sống trọn kiếp người với tất cả bao thăng trầm của cuộc sống, chia sẻ hoàn toàn kiếp người như ta.
Nhìn từ phía con người, mầu nhiệm Giáng Sinh đồng thời cũng cho thấy sự cao cả của thân phận làm người: Hài Nhi bé nhỏ trong một gia đình nghèo Maria, Giuse, đang nằm trong máng cỏ chính là Thiên Chúa, là “Thiên Chúa – đang – ở – cùng – chúng – ta”. Ơn gọi làm người được Thiên Chúa tặng ban trong công trình sáng tạo, nay được hồi phục trọn vẹn và đạt mức hoàn thiện trong Hài Nhi này: “Con người là hình ảnh của Thiên Chúa” (St 1,26-27). Thật vậy, Hài Nhi đó chính là “Thánh Tử, là Thiên Chúa vô hình, là Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo…Thiên Chúa muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với Chúa” (Cl 1, 15-20).
Một cuộc trao đổi diệu kì: trong công trình Sáng Tạo, Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh Chúa để thông ban, gieo vào nhân tính hạt mầm sức sống thần linh của chính Chúa…Và rồi khi đến thời đến buổi, Thiên Chúa đã xin nhân tính (qua Maria) xin đời sống gia đình, xã hội (nhờ Giuse) để được làm người như chúng ta hầu ban cho ta ơn làm Con Thiên Chúa (Ga 1,12-13), để ta được nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, nên đàn em đông đúc của Người, nên Con Thiên Chúa, được hưởng trọn vẹn vinh quang Thiên Chúa (Rm 8, 28-30), đồng thừa kế với Đức Kitô (Rm 8,17).
Nơi Hài Nhi này, thiên tính và nhân tính kết hợp bất khả phân ly. Từ nay giữa lòng nhân loại thọ tạo đã có được một con người (con người đích thật giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ phạm tội) kết hợp mật thiết nên một với Ngôi Lời Thiên Chúa bất khả phân ly: Đó là Giêsu. Trong ngôi vị Giêsu, thần tính Ngôi Lời – nói theo kiểu ngôn ngữ di truyền học – đã trở nên “gene trội” tuyệt đối điều khiển, hướng dẫn toàn bộ nhân tính tư tưởng, lời nói, việc làm…của con người Giêsu trong ngôi vị thần linh duy nhất.
Và trong mầu nhiệm “nhiệm thể của Giêsu – Kitô”, nhân loại được trở nên nhiệm thể của Đức Giêsu là Đầu, nên cũng được hưởng trọn nguồn sống thần linh từ Đầu chuyển sang: Tất cả mọi chi thể nào kết hợp mật thiết với “Đầu – Giêsu” đều được thông phần thiên tính; “Gene thần linh” được cấy vào nhân tính (nghĩa là cả xác lẫn hồn) của người ấy, thành “mầm sống thần linh” cư ngụ trong người ấy (Mầu Nhiệm Giáng Sinh cho toàn nhân loại là Emmanuel; Và cho từng cá nhân, tập thể là “Chúa Giêsu ngự trị lòng ta”) ngày càng lớn lên nhờ ân sủng và bí tích, Lời Chúa chờ ngày thu hoạch là thân xác sống lại (nhờ gene thần linh đã được gieo vào xác) và kết hợp với hồn (vốn bất tử vì là hình ảnh Thiên Chúa) trở thành một con người mới hoàn hảo cả xác lẫn hồn mà ca khen Thiên Chúa.
Trong hiện tại, mầu nhiệm Giáng Sinh Emmanuel là cuộc trao đổi kỳ diệu đó: Chúa đảm nhận nhân tính của nhân loại để thông phần thiên tính của Người cho chúng ta. Lời Chúa hôm nay cho thấy sự thay đổi kỳ diệu nơi những ai mở lòng đón nhận mầu nhiệm Giáng Sinh, dám để Thiên Chúa mượn con người cả xác lẫn hồn của mình để Chúa hoàn tất công trình của Chúa.
BÀI ĐỌC I: Is 62, 11-12
Bài đọc I công bố sấm ngôn của Yavê truyền cho “người lính canh” (có thể hiểu là chính ngôn sứ) phải thi hành nhiệm vụ mà Yavê đã giao phó (Is 62, 6-7); Cụ thể ở bài đọc I là: hãy nói cho “thiếu nữ Sion” biết tin vui rằng ơn (Đấng) cứu độ đang tới và đem theo phần thưởng cùng với thành tích.
Hoa trái là số phận chư dân được đổi mới, thăng hoa: được gọi là “Dân Thánh”, là “những người được Yavê cứu chuộc”; “Thiếu nữ Sion” đang phiền muộn vì bị bỏ rơi, ruồng rẫy giờ đổi đời thành “cô gái đắc chồng”, “thành không bị bỏ rơi”.
Bài đọc I là tin vui đổi đời mà ngôn sứ phải công bố cho dân và thế giới: “Kìa ơn cứu đọ ngươi đang tới”.
-
Nội dung sấm ngôn Đức Chúa (c.11)
* Tính phổ quát của sấm ngôn: “Loan truyền cho khắp cùng cõi đất”
* Đối tượng trực tiếp loan báo: “Thiếu nữ Sion”
* Nội dung: – Ơn cứu độ của Sion đã tới
– Chúa đến mang theo phần thưởng và thành tích
“Cho khắp cùng cõi đất”: 2 cách hiểu:
-
Nói lên tính phổ quát của sấm ngôn (x. Is 11,10-12)
-
Với lưu đày và sau đó, tuyển dân bị phân tán khắp nơi trên trái đất.
Vậy sấm ngôn được “loan truyền cho khắp cùng cõi đất” là để dân Chúa ở bất kỳ nơi nào cũng có thể được nghe lời sấm cứu độ. Đó là tin vui cho toàn thể tuyển dân (x. Lc 2,10) và cho toàn thế giới chứ không riêng gì cho cư dân Giêrusalem.
“Thiếu nữ Sion”: Thoạt tiên, “Sion” là một pháo đài của dân Giơvút (Yợbusi); Đavit đã đánh chiếm nơi này và biến nó thành kinh đô chính trị lẫn tôn giáo của Israel và gọi nó là “thành của vua Đavit” (2Sm 5,7; 1Sb 11,50.60,14)
Rồi ông rước Hòm Bia về đó 92Sm 6,10-12). Sự hiện diện của Hòm Bia (Thiên Chúa ở giữa dân Người) biến Sion nên Thành Thánh.
Đến thời Salomon, thành được mở rộng lên phía bắc, và trên phần đất được mở rộng này, Vua đã xây Đền Thờ Giêrusalem. Theo 2Sb 3,1, núi Đền Thờ là ngọn Morigia (x. St 22,2); Đó là nơi Đavit đã chuẩn bị trước, vốn là sân lúa của 1 người Giơvút tên là Ornan (1Sb 21,18, còn trong 2Sm 24,18 tên là Arauna). Rồi Salomon rước Hòm Bia từ “thành của Đavit” về Đền Thờ mới xây (1V 8,1; 2Sb 5,2).
Có thể vì đó mà về sau “Sion” được dùng để ám chỉ toàn bộ Giêrusalem, hoặc quốc gia Do Thái (Tv 48; 69,36; 129,5; Is 4,5; 10,24; 52,1.7.8;)
Dần dần xuất hiện cách nói “Thiếu nữ Sion”. Dường như thuật ngữ ám chỉ trước tiên 1 khu dân cư mới thời vua Edêkia (khitkigia: 716-687) dành cho dân miền bắc di cư vào sau 721 (x. Is 1,8) DEB. Sion p. 1212) … rồi sau thuật ngữ này dùng chỉ dân cư Giêrusalem (2V 19,21; Is 3,16; 52,2; Xp 3,14-18; Dcr 9,9; Tv 48; 69,36; 129,5…)
Đến thời Tân Ước, trong cuộc truyền tin, thiên thần Gabrien đã chào Maria “Mừng vui lên” (Lc 1,28). Lời này gợi lại sấm ngôn của ngôn sứ đã từng ngỏ với “thiếu nữ Sion” (x. Xp 3,14; Dcr 9,9). Điều này giúp ta ứng dụng tước “thiếu nữ Sion” vào Maria.
Dưới nhãn giới cánh chung, “Sion” được đồng nhất với Giêrusalem trên trời, là “thành đô Thiên Chúa hằng sống” (Dt 12,22); “Núi Sion” là nơi Con Chiên tập họp những ai mang danh Người để cùng nhau ngợi ca Thiên Chúa muôn đời (Kh 14,1-5).
Vậy “Núi Sion” là tượng trưng của cả Hội Thánh (CGKPV – Lời Chúa cho mọi người Cựu – Tân Ước trang 2182; Kh 14,1 và 21,23; Dt 12,22).
Truyền thống các Kitô hữu của các thế kỷ đầu đã cho rằng ngọn đồi ở phía tây-nam Giêrusa lem là núi Sion, nơi đó diễn ra bữa Tiệc Ly và Chúa Thánh Thần hiện xuống. Các Tv ca ngợi Sion, đối với Kitô hữu thành lời ca khen Hội Thánh, thiếu nữ Sion đích thực đảm nhận mọi lời hứa của Thiên Chúa.
“ơn cứu độ của ngươi đã tới”: bản Hipri dung từ “ơn cứu độ”. Đó là một ân huệ thần linh: Thiên Chúa trực tiếp can thiệp vào dòng lịch sử để giải cứu khỏi 1 nguy hiểm, gìn giữ bảo vệ tình trạng tốt đẹp đang có, nâng cao lên đến mức viên mãn. Tình trạng thực tế của dân mà bản văn đề cập tới là hậu lưu đày: Chúa đã đưa dân ra khỏi Babylon, cứu khỏi lưu đày…Đền Thờ đã được tái thiết…nhưng dân vẫn còn tản mác khắp nơi trên mặt đất. Hậu quả của tội vẫn còn vương đọng dù tội đã được Chúa thứ tha. Vì vậy dân Chúa ngày đêm mong chờ sự hoàn tất trọn vẹn ơn cứu độ: “Lạy Chúa, xin dẫn chúng con về, đừng hận chúng con nữa” (Tv 86,5); “Xin Chúa thương cứu độ, quy tụ chúng con về từ giữa muôn dân nước” (Tv 106,47).
Bản văn Hipri dường như dừng lại ở nhãn giới phàm tục thế trần.
“Đấng cứu độ” đến khi bản LXX xuất hiện, “ơn cứu độ” được dịch thành “Đấng cứu độ”. Có lẽ do thực tế, hy vọng quy tụ dân Chúa bốn phương trở về không có dấu hiệu khả quan nào, rồi tình hình càng xấu đi khi Antiokhô Epiphanie lên ngôi, nên bản LXX hướng về cái nhìn cánh chung: “cứu độ” không là một sự kiện mà là một con người: “Đấng cứu độ”. Với đáp số của Tân Ước, ta biết đó là Đức Giêsu: “Thiên Chúa cứu”, nơi Người, Thiên Chúa hoàn tất ở mức cao nhất ơn cứu độ Thiên Chúa hứa.
Dấu chỉ giúp dân nhận ra “Đấng cứu độ” là “Trinh nữ” sinh con (Is 7, 14).
Trong bản Hipri “alemâh” = “cô gái” (đến tuổi lấy chồng) hoặc “người đàn bà trẻ, vừa mới lấy chồng”. Thế nhưng bản LXX lại dịch là “trinh nữ”. Cái nhìn cánh chung ấy đã tìm được câu đáp nơi Đức Maria; và Đấng Cứu Độ chính là Đức Giêsu.
Chúa đến mang theo PHẦN THƯỞNG… Việc Thiên Chúa giải cứu dân thực ra đó là hồng ân tha thứ của Thiên Chúa tín trung. Tuy nhiên với lòng nhân ái, quảng đại bao la của Thiên Chúa, nếu đám dân đang bị đánh phạt ấy biết nhận ra tội lỗi của mình, thành tâm đón nhận sự sửa dạy của Chúa trong tâm tình hoán cải thì Thiên Chúa lại xem thái độ sám hối ấy như một công nghiệp, vì thế cuộc giải cứu được trình bày như một phần thưởng mà Đấng Cứu Độ khi Người tới sẽ mang theo cho dân.
Thành tích đi ngay trước mặt Người: “Thành tích” ở đây là những kỳ công Chúa hứa thực hiện để cứu dân, Trước khi Đấng Cứu Độ đến, các kỳ công này phải được hoàn tất. Thế nhưng trong thực tế: cho đến nay, dân Do Thái vẫn còn phân tán; Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ đã tới, họ vẫn chưa tôn nhận Người, vì thế họ vẫn đợi đấng cứu độ của họ. Trong bối cảnh cụ thể đó, câu trên vẫn còn nguyên tính thời sự và đối tượng được đức tin Kitô hướng tới ngày chung cuộc: Ngày Đức Giêsu quang lâm. Và điềm đi trước quang lâm chính là “Thành tích” quy tụ Israel trong niềm tin vào Đức Giêsu, đó là ý tưởng của Phaolô (Rm 11, 11- 32); và theo Mt 24, 14 thì “Thành tích” ấy chính là Tin Mừng được loan báo khắp cùng cõi đất. Lúc đó quang lâm tới, Đức Giêsu quy tụ tất cả và dâng lên Chua để Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự (1Cr 15, 28).
-
Hoa trái của ơn (Đấng) Cứu độ: được mang tên mới (c.12)
* Chúng được gọi là “dân Thánh”
là những người được Đức Chúa cứu chuộc
* Thiếu nữ Sion được gọi là “cô gái đắc chồng”
là “thành không bị bỏ”
Chính tình yêu Thiên Chúa làm thay đổi vận mạng của dân: Người gọi dân bằng tên mới “chính là tên miệng Chúa đặt cho” (Is 62, 2). Điều này hàm ý qua việc ban “ơn (Đấng) Cứu độ”, Thiên Chúa đã tha thứ cho dân, đưa dân vào trong một tương quan mới.
Dân Thánh là dân dành riêng cho Thiên Chúa, thuộc về Thiên Chúa. Đó là ơn gọi nguyên thủy của Israel khi được Thiên Chúa chọn kết giao ước (Xh 19, 6). Trong Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ, “dân Thánh” đích thực chính là Giáo Hội (1Pr 2, 9-10) mà sự thánh thiện tinh tuyền dù “gần bùn mà chẳng vương mùi bùn” đã được thể hiện trước nơi Đức Maria “đầy ơn phúc” luôn có Thiên Chúa ở cùng (Lc 1, 28), hoàn toàn thuộc về Thánh Thần, xứng đáng cho Ngôi Lời nhập thể vào cung lòng (Lc1, 35).
Những người được Đức Chúa cứu chuộc: “Thiên Chúa cứu chuộc” là một từ chủ yếu trong Is 40 – 66 (xem Concordance de la Bible TOB 796). Người là goel = “Đấng Cứu Chuộc” của tuyển dân, nghĩa là Thiên Chúa coi mình như là người bà con của dân có bổn phận phải cứu chuộc dân, đưa dân trở về tình trạng nguyên tuyền là THÁNH, hoàn toàn thuộc về Chúa (x. CGKPV Is 41, 14 nốt “s”).
“Cô gái đắc chồng” được chồng yêu thương săn đón và “thành không bị bỏ” tức là thành thị đông dân cư phú túc đều là những biểu tượng Kinh Thánh nói lên lòng sủng ái, quan hoài của Thiên Chúa đối với Israrel.
Dân Chúa bất trung, bội phản bị Chúa phạt lưu đày, phân tán giữa chư dân; Số phận bi thảm như bị chồng bỏ rơi, ruồng rẫy; Giờ đây được Chúa thứ tha, hồi phục ơn gọi là dân thánh, tức ơn gọi nguyên thủy mà Chúa đã ban cho khi gọi dân (Xh 19, 5 -6).
Được Yavê đoái thương cứu chuộc, “cô gái bị ruồng bỏ” nay trở nên “cô gái đắc chồng”; Thành phố bị tiêu điều phá hủy giờ không còn bị bỏ hoang, nhưng trở thành đông dân cư, trù phú.
Tuy nhiên theo Is 62, 12 thì đối tượng “sẽ được gọi là Dân Thánh” sẽ là ai? Đó là “CHÚNG”. Đối tượng mà lời sấm nhắm đến là “cho khắp cùng cõi đất”. Như vậy câu 12 ab này nói lên tính phổ quát của ơn cứu độ do Chúa mang đến: chư dân cũng được thông phần làm “dân thánh” của Chúa, trở thành “những người được Yave cứu chuộc.
Thật vậy ngay khi Đức Giêsu vừa sinh ra trong “máng cỏ” thì tin mừng Giáng Sinh đã loan đi khắp nơi, qua lời chứng kể lại của các người chăn chiên cho những “AI” từ 4 phương qui tụ về Bêlem để làm sổ kiểm tra dân số. “Tin Mừng trọng đại” mà thiên sứ đã công bố cho các người chăn chiên giờ đã đến tai họ và họ cũng đã thấy GIA ĐÌNH HÀI NHI tận mắt trong nơi họ đang ở trọ (Kataluma Lc 2, 7)
-
Tóm kết
Sấm ngôn loan báo cho Israel đang phân tán khắp nơi, đặc biệt cho Thiếu Nữ Sion rằng ơn (Đấng) cứu độ sắp đến, dân sắp qui tụ về Đất Hứa, số phận của dân lẫn của đất nước sẽ nên tốt đẹp. Những khổ cực dân đã và đang chịu như là án phạt của tội sẽ được Thiên Chúa biến thành công nghiệp đáng được ân thưởng, đó là thành tích Chúa ban tặng trước cho dân giúp dân dọn đường cho Đấng Cứu Độ đến.
Ở đây, những phúc lộc này cũng được mở rộng ra cho chư dân, khắp cùng cõi đất. Tính phổ quát của ơn cứu độ được lưu tâm: chư dân lẫn tuyển dân đều nên “Dân Thánh” của Chúa, trở nên “những người được Yave cứu chuộc”.
Được chọn đọc trong lễ Giáng Sinh Rạng Đông, lời sấm nay được ứng nghiệm vào 2 lần đến của Đức Giêsu: – trong mầu nhiệm nhập thể biến cố Giáng Sinh, Đấng Cứu Độ chính là Đức Giêsu, “thành tích” được Thiên Chúa thực hiện trước để dọn đường chính là Đức Nữ Trinh Vô Nhiễm Maria: đó chính là kỳ công cánh chung được Thiên Chúa thực hiện trọn vẹn trước nơi Mẹ, biến Mẹ nên Hòm Bia xứng đáng cho Ngôi Lời đến. – Và một khi Đức Giêsu đã tới, thành tích ấy được Thiên Chúa tiếp tục thực hiện từng ngày trong dân Chúa lẫn nhân loại: trước tiên là nơi Gioan Tẩy Giả và gia đình ông nhờ Đấng Cứu Độ đến viếng thăm (Lc 1, 43) và sau đó là cho toàn nhân loại qua Giáo Hội, bí tích và nhất là Lời Chúa. Đó chính là những thành tích tuyệt vời thời cánh chung được Chúa cho đi trước chuẩn bị cho ngày Đức Giêsu đến lần thứ 2, Quang Lâm hoàn tất công trình sáng tạo – cứu độ. Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự.
TIN MỪNG: Lc 2, 15 – 20
Tin Mừng lễ rạng đông là trích đoạn tiếp sau ngay Tin Mừng lễ đêm Giáng Sinh sau khi được sứ thần loan Tin Mừng cứu độ, các mục đồng đã tin và vui mừng lên đường – dám để lại đoàn gia súc giữa đồng hoang – đến Bêlem để chiêm ngắm ơn cứu độ. Cuộc đời họ biến đổi trở thành chứng nhân đầu tiên cho sứ điệp thần linh, thành người ca rao tụng ca Thiên Chúa dù bên ngoài vẫn là mục đồng.
-
Thiên Chúa tỏ mình qua Hài Nhi (cc. 15- 17)
* Mục đồng rủ nhau HỐI HẢ đi Bêlem (cc. 15.16a)
* Chứng kiến tận mắt dấu chỉ đã được Thiên Sứ loan báo
“…Họ gặp… Hài Nhi nằm trong máng cỏ” (c.16b)
* Trở thành chứng nhân: Công bố sứ điệp thần linh họ đã đón nhận:
“Họ liền kể lại… về Hài Nhi” (17 so với 2,11)
HỐI HẢ = Spêusantês (Ptc ao. Spêudo). Sau khi được truyền tin:
Được mặc khải sứ điệp thần linh, được ban cho dấu chỉ, các mục đồng đã tin nên hối hả lên đường và khi đến nơi họ đã đem Tin Mừng thần linh mà họ là chứng nhân, đến cho những ai có mặt nơi Hài Nhi giáng sinh. Trình thuật giống hệt cuộc truyền tin cho Maria: Sau khi được truyền tin, Mẹ cũng vội vã (mêta spoudes: danh từ giống cái của Spêudo) đi thăm bà Ysave đem tin mừng Mẹ vừa đón nhận vào lòng cho 2 mẹ con Gioan.
Kết quả là Maria, Gioan, Ysave, mục đồng đều tôn vinh ca khen Thiên Chúa, mỗi người theo cung cách, ơn gọi của mình.
Vậy “hối hả” diễn tả niềm vui không thể kiềm chế giữ cho riêng mình: Phải lên đường chiêm ngưỡng và công bố, làm chứng nhân. Như qua cuộc viếng thăm của Mẹ. Tin Mừng đã biến đổi Gioan và Ysave ngay tức khắc trở thành ngôn sứ, thì Tin Mừng do thần sứ truyền ban đã khiến các mục đồng thành những chứng nhân, người loan báo sứ điệp thần linh. Còn theo cách nói của Gilles Bequet thì “hối hả”… diễn tả sự mau mắn vâng phục thần khí Thiên Chúa trong việc thông chuyển lời Người. Đây là sự hối hả có tính cách truyền giáo (Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật Năm B, Các Mùa, trang 124)
Đi Bêlem: Chi tiết này phối hợp với 2,11 cho thấy Đức Giêsu không sinh ra giữa đồng hoang mà sinh ra trong làng Bêlem, thành của Đavit.
Khi tới nơi, các mục đồng đã thấy dấu chỉ mà thiên sứ đã loan báo được ứng nghiệm, thế là các mục đồng loan báo sứ điệp thần linh mà họ đã nhận được bất chấp thực tại nghèo hèn của Hài Nhi đang nằm trong máng cỏ: Hài Nhi đang nằm trong máng cỏ ấy chính là Kitô – Đức Chúa, là đấng Cứu độ, là Tin Mừng trọng đại, Tin Mừng cho toàn dân (2,10-11)
Trước lời kể lại của mục đồng (thực sự là một mặc khải từ TC qua trung gian mục đồng. Họ trở thành công cụ được Thiên Chúa dùng để bày tỏ ý định của Người cho khách trọ ở Bêlem) đã có các phản ứng sau:
Câu 16b: đến nơi họ gặp VÀ bà Maria VÀ ông Giuse VÀ Hài Nhi…: dịch sát từng chữ theo bản tư lạp là như thế. Cách nói “tê” = và … “kai” = và… “kai” … của tiếng hi lạp muốn nói rằng đối tượng mà các mục đồng gặp thấy không chỉ là Maria mà còn là Giuse nữa cùng với Hài Nhi Giêsu… Cách diễn tả đó nhằm vào cả một tổng thể chứ không dừng lại nơi 1 cá nhân nào trong đó.
Như vậy Luca nhấn mạnh: cái mà các mục đồng gặp ở đây không phải là một hay những cá nhân riêng rẽ mà là 1 cộng đoàn gồm 3 cá nhân liên kết chặt chẽ với nhau, đó là 1 GIA ĐÌNH!
Vậy qua c.16b với lối hành văn hi lạp: tê (và)…kai (và)…kai (và)…Luca muốn nhấn mạnh đến vai trò lớn lao, quan trọng, tuyệt đối cần thiết của một gia đình sống theo đúng ý Chúa, trong công cuộc nhập thể.
Không có một cá nhân riêng rẽ nào có thể tạo nên được mầu nhiệm nhập thể giáng sinh, kể cả Đức Giêsu: Người không thể dùng quyền năng Thiên Chúa của Người để mang lấy thân phận của 1 con người mà không cần đến 1 người cha, 1 người mẹ trần gian, không cần đến 1 cộng đoàn, 1 xã hội cưu mang, nghĩa là Người cần có 1 GIA ĐÌNH.
Thiên Chúa đã nhờ đến 1 GIA ĐÌNH nhân loại đích thật (Maria và Giuse đã thực sự là vợ chồng theo đúng lề luật Chúa, trước khi được “Truyền Tin”) để nhập thế và nhập thể đúng phận 1 con người.
Thiên Chúa đến với nhân loại trong 1 gia đình, rồi tỏ mình ra cho nhân loại cũng trong tư cách là 1 thành viên trong 1 gia đình. Khía cạnh cộng đoàn nền tảng này của mầu nhiệm giáng sinh thường bị lãng quên!
Mỗi cá nhân phải chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng để đón Chúa. Đúng! Nhưng đừng quên phải chuẩn bị cả cộng đoàn, cả gia đình nữa, vì trước tiên Thiên Chúa đã dựng nên nhân loại là 1 gia đình. Đó là chuẩn bị đầu tiên của Thiên Chúa cho Ngôi Lời giáng thế.
-
Phản ứng phàm nhân trước sứ điệp mặc khải (cc. 18-20)
* “Ai” cũng ngạc nhiên (18)
* Còn Maria: “ghi nhớ … suy đi nghĩ lại… (19)
* Mục đồng: “… vừa đi vừa ca tụng tôn vinh TC vì…” (20)
“Ai” trong bản văn Hy Lạp là” tất cả những ai nghe các mục đồng” ở số nhiều.
Họ là những ai đây? Maria được kể riêng ra: “còn Maria”… (c.19); các mục đồng không được tính vì họ là người kể chứ không phải là người nghe; còn lại Giuse (c.16). Thế tại sao Luca lại dùng chủ từ lẫn động từ “Ai (thì) cũng ngạc nhiên” đều ở số nhiều? Bản văn không nói đích xác là “ai” là những người nào, nhưng văn mạch 2,1-14 cho phép nghĩ rằng “ai” chính là những lữ khách đang trọ trong nhà trọ chờ đăng kí nhân khẩu theo lệnh hoàng đế Augustô. Thật vậy theo Gilles Becquet “nhà trọ” (2,7 là Kataluma) là “căn phòng chung của một ngôi nhà … Giuse là người gốc Bêlem và có họ hàng ở đó. Vì đây là dịp kiểm tra toàn quốc nên số người quay về Bêlem rất đông. Ông không tìm được chỗ trong nhà (và nhất là tình trạng tế nhị của Maria sắp sinh con không thể ở chung với đám lữ hành phần lớn là đàn ông trong căn phòng chung) nên phải lui ra sau chuồng súc vật. Đó là việc thường tình vào thời ấy” (x. Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt (Chú giải phúc âm Chúa Nhật năm B, các Mùa, trang 127).
Và theo cha Charles Perrot thì chuồng súc vật thường là những hang động (grotte) mà ngôi nhà dân Bêlem – thường chỉ có 1 gian – được xây liền vào đó (CE 18 p. 53 cột 1), (xem thêm CGKPV Tân Ước 1994 trang 256 r).
Từ những tìm hiểu trên, ta có thể kết luận Đức Giêsu có thể được sinh ra trong một nơi giữ các con vật thổ của lữ khách, còn máng cỏ là nơi để cỏ rơm khô cho chúng ăn qua đêm; Maria đặt Hài Nhi vào đó để tránh bị thú dẫm đạp (Chú giải năm B trang 96: Augustin George). Do đó việc các mục đồng bỗng dưng từ đâu đang đêm kéo đến đông đảo đã lôi kéo sự tờ mò của các lữ khách tạm trú khiến họ bu đến xem và nghe được lời chứng về Hài Nhi do các mục đồng kể lại. Vậy “AI” chính là các lữ khách từ bốn phương trời trên khắp đế quốc tụ về để kiểm tra nhân khẩu (giống trường hợp lễ Ngũ Tuần, dân Chúa phân tán từ bốn phương cũng tụ về và nghe được dấu chỉ là tiếng động lạ từ trời nhờ đó đón nhận chứng từ mặc khải của các Tông Đồ về Đấng Phục Sinh), và thấy dấu chỉ, nghe lời loan Tin Mừng của các mục đồng. vậy mặc dầu chỉ ở một chỗ, nhưng các tông đồ trong lễ Ngũ Tuần và các mục đồng trong đoạn văn này đã loan Tin Mừng đến tận cùng cõi đất, dân được nghe là “dân Chúa” từ khắp nơi trong đế quốc tụ về. Rồi đến cuốn sách Công Vụ, Phaolô trong tình cảnh khốn cùng tù đày ở một chỗ vẫn lôi cuốn dân Chúa đến và loan Tin Mừng cho họ ngay nơi tận cùng cõi đất (Cv 28, 30 – 31). Vậy cũng như trường hợp lễ Ngũ Tuần và Phaolô ở Rôma, trình thuật giáng sinh cũng là cách Luca trình bày thần học truyền giáo, khía cạnh truyền giáo của Giáng Sinh. Thật vậy ngay khi vừa đầu thai trong lòng Maria, Đức Giêsu đã tỏ mình cho các người đạo đức những mong chờ ơn cứu độ và giải cứu họ (gia đình Gioan – Ysave – Dacaria): Giờ đây qua xác phàm Hài Nhi, Đức Giêsu tỏ mình cho các mục đồng, cho tuyển dân bị lưu lạc nay được quy tụ về kinh thành Đavit: Chúa dùng 1 nguyên nhân đệ nhị quy tụ dân Chúa lưu lạc tập họp về để mặc khải dung mạo thần linh của Người cho họ. Vấn đề là trước cách mặc khải lạ lùng của Chúa (Kitô – Đức Chúa lại chỉ là một Hài Nhi nghèo hèn quấn tã đặt nằm trong máng cỏ), thái độ đáp trả của con người là gì. Vấn đề là mỗi người sẽ phản ứng thế nào trước sự thật ngỡ ngàng: “Kitô – Đức Chúa” là một Hài Nhi bất lực nghèo hèn; Kitô – Đức Chúa là một cô thôn nữ, các mục đồng, một tội nhân bị điệu về cho hoàng đế xét xử?
Ngạc nhiên là xúc động mạnh đột ngột của con người trước một sự kiện hiển nhiên nhưng bất ngờ, vượt quá trí tưởng tượng phàm nhân, không sao giải thích, nắm bắt ngay được ý nghĩa. Xúc động này trong Luca còn mang tính tôn giáo. Vì qua các biến cố, dung mạo, sự hiện diện của Chúa, ý định thần linh ẩn tàng thoáng được hé mở đủ để con người có thể cảm nghiệm để dấn thân hơn nhưng chưa nắm bắt ngay được. Nhờ cái thoáng thấy đó lẽ ra con người phải lên đường tìm kiếm, thì trong Luca, con người chỉ dừng lại ở thái độ ngạc nhiên (Lc 1, 21.63; 2, 18.33; 4, 22; 8, 25; 9, 43; 11, 14. 38; 20, 26; 24, 12. 21). Nếu chỉ có ngạc nhiên mà thôi thì chưa đủ để con người có thể đi vào ý Chúa, tương quan thâm sâu với Chúa.
Ghi nhớ … suy gẫm trong lòng: Đây là đáp trả của người môn đệ chân chsinh.
-
Thái độ đức tin: chấp nhận giới hạn phàm nhân dù đã được Thiên Chúa ưu ái mời cộng tác đặc biệt vào chương trình cứu độ: chấp nhận định luật thời gian trong thân phận làm người trong phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa, trí khôn tùng phục đức tin. Thái độ này ngược lại thái độ Ađam, Eva muốn NGAY TỨC KHẮC (chỉ ăn trái cấm là có ngay). Đó là thái độ thờ lạy Thánh Ý Chúa trong mọi sự.
-
Thái độ cơ bản để truyền giáo, lưu truyền mặc khải: nguồn dữ liệu để soạn Tin Mừng thơ ấu nằm nơi thái độ “ghi nhớ … suy niệm” của Mẹ. Nhờ đi sâu vào huyền nhiệm Thiên Chúa bằng suy niệm, sống suốt đời nên Mẹ có thể thông đạt lại cho hậu thế những gì là sâu xa nhất về mầu nhiệm Giêsu, nhất là về những dữ kiện thời thơ ấu có lẽ Mẹ là nguồn chính yếu. Nhờ Mẹ chúng ta có được Tin Mừng thời thơ ấu với tất cả chiều sâu của mặc khải đủ để đưa kẻ tin đi tới đỉnh cao của huyền nhiệm thần linh nơi Hài Nnhi Giêsu, dọn đường cho Thập Giá và phục sinh.
-
Thái độ mẫu mực của người môn đệ mọi thời: thái độ “gìn giữ Lời mặc khải và suy niệm trong lòng luôn mang tính thời sự và hiện tại, làm gương mẫu cho tất cả những ai muốn làm môn đệ Đức Giêsu.
Để thi hành được sứ mạng gìn giữ và lưu truyền mặc khải do Chúa trao. Giáo Hội và mỗi tín hữu phải noi gương Mẹ cách đặc biệt về điểm này: luôn tiếp xúc, chiêm ngắm Lời Chúa, gìn giữ và suy niệm trong lòng; và một khi đã được soi sáng hiểu được thì sẽ truyền đạt cho thế hệ tương lai.
Ca tụng tôn vinh Thiên Chúa là hành vi thờ phượng khi con người chứng kiến những việc diệu kỳ đến từ Thiên Cháu, là thái độ thán phục nhận ra vinh quang uy quyền tối thượng, sự thánh thiện của Thiên Chúa đang hiện diện tác động giữa loài người qua các dấu lạ vừa được chiêm ngưỡng. Theo thứ tự trong Luca, “tôn vinh” trước tiên là việc của Thiên Thần (động từ đôxazo) tiếp đến là các mục đồng sau khi chiêm ngưỡng dấu chỉ “Hài Nhi quấn tã nằm trong máng cỏ” và công bố Tin Mừng; Sau đó là thái độ của những kẻ chứng kiến những sự lạ từ Đức Giêsu (5, 25 – 26; 16, 13.13; 17, 15; 18, 43; 23, 47; 24, 53; Cv 2, 47; 4, 21 …)
Vậy lời TÔN VINH của các mục đồng tiếp nối việc thờ phượng của các thiên thần trên trời và mở màn cho việc phụng tự Giáo Hội. Vì thờ phượng (tôn vinh) là cách tạo vật đáp trả hồng ân Thiên Chúa ban (chú giải PA năm A – Các Mùa trang 104).
Cuộc đời đổi mới: sau biến cố, các mục đồng trở về lại cuộc sống bình thường, nhưng ý nghĩa cuộc đời đã biến đổi vì họ đã khám phá ra được dung mạo Thiên Chúa ngay trong những thực tại đơn sơ nhất của kiếp người: Hài Nhi bọc tã nằm trong máng cỏ chính là Kito – Đức Chúa. Họ nhìn ra Chúa trong mọi thực tại cuộc đời, họ nhìn đời bằng cặp mắt đức tin vì thế đời họ từ nay là lời ca khen Thiên Chúa không ngừng.
-
3. Tóm kết
Tin Mừng lễ Rạng đông Giáng Sinh nhấn mạnh đến thái độ đáp trả của con người trước nội dung và cách thức mặc khải quá lạ lùng của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tỏ mình qua một Hài Nhi được quấn tã và được đặt nằm trong máng cỏ. Thiên thần đã mặc khải cho mục đồng đó là Kitô – Đức Chúa. Rồi qua các chứng từ của mục đồng, nhân loại (đại diện là dân Chúa từ 4 phương thiên hạ kéo về Bêlem) đã chứng kiến tận mắt các dấu chỉ và cũng đã nghe biết được ý nghĩa thần linh của dấu chỉ ấy. Ơn cứu độ đã được bày tỏ ngay trước mắt, đã được đặt trong tầm tay của mọi người. Vấn đề còn lại là con người phải đáp trả như thế nào.
Đối với đám đông, tâm hồn họ đã được Thiên Chúa đánh động bởi 1 xúc động mạnh mẽ vừa thần linh vừa thánh thiêng: ngạc nhiên, 1 ngạc nhiên vì đã được chứng kiến 1 can thiệp thần linh vào nhân thế. Tiếc thay phần lớn chỉ dừng lại ở tình cảm nhân linh mà không chịu đầu tư hơn để đi vào ngưỡng cửa thần linh.
Chỉ có Mẹ Maria là môn đệ đích thực của Chúa: Mẹ không coi đó là một biến cố chóng qua mà Mẹ đã gìn giữ, suy đi nghĩ lại trong lòng mong tìm được Ý Chúa trong đó. Nhờ vậy ta mới có được mặc khải thần linh về thời thơ ấu Đức Giêsu (Mt 1-2; Lc1-2)
Phần các mục đồng, cuộc đời họ từ nay hoàn toàn đổi mới. Nhờ Thiên Chúa mặc khải họ khám phá ra giá trị cứu độ của kiếp người: Hài Nhi quấn tã nằm trong máng là Kitô – Đức Chúa. Nên từ nay mọi sinh hoạt thường ngày của họ đều là lời ca khen, tôn vinh Thiên Chúa.
Cuộc đời tín hữu đã có biết bao dấu chỉ được Thiên Chúa gửi tới. Chúng ta có nhận ra được dung mạo Thiên Chúa qua các dấu chỉ đó không? (Tinh thần đức tin); rồi có chịu đầu tư suy gẫm để loan báo, làm chứng biến đổi cuộc đời mình thành lời ca khen Thiên Chúa? (Nhiệt thành).
Frère Pierre Đình Long FSC