CHÚA HIỂN DUNG (MC 9,1-9)
Ngày xưa người ta gọi việc Chúa tỏ hiện vinh quang trên núi Tabor là Chúa biến hình. Từ này có lẽ gần với nguyên ngữ Transfiguration. Nhưng nghe không thanh mấy, có khi lại khiến người ta liên tưởng tới các nhân vật trong phim chưởng hay những sinh vật ảo. Chưa kể ngôn ngữ của tuổi teen ngày nay: Biến là cút. Biến! (Cút). Biến đi ! (Cút xéo đi.). Có lẽ vì thế mà người ta sửa lại là Chúa Hiển Dung. Nghe nho nhã và thanh lịch hơn.
Chúa hiển dung, Chúa tỏ hiện dung mạo của Người ra trên núi Tabor. Núi này cao 575m, thuộc Galilê, phía bắc nước Do Thái. Những thế kỷ đầu sau Công nguyên, người ta phải leo 4340 bậc mới lên tới đỉnh núi. Ngày nay có đường trải nhựa, quanh co khúc khuỷu, dài khoảng 2 km. Khi lên núi này, nhiều người tự hỏi không biết ngày xưa Chúa và các tông đồ lên núi bằng cách nào, theo đường nào.
*Các Tin Mừng Nhất Lãm (Mc 9,1-9;Mt 17,1-8;Lc 9,28-36)và cả thư thứ 2 của thánh Phê rô (2 Pr 1,16-18) chỉ nói Chúa lên “núi cao”. Trên đó Chúa tỏ hiện dung mạo sáng láng của Người, đồng thời có Mô sê và Êlia đến đàm đạo với Người, nhưng không trình thuật nào xác định “núi cao”đó tên gì. Sự xác nhận núi Tabor là nơi chúa Giêsu biến hình là do Origen ở thế kỷ thứ 3. Và cũng được thánh Cyril thành Jerusalem và thánh Jêrôme nói đến trong thế kỷ thứ 4.
*Núi cao được nhiều tôn giáo, nhiều quốc gia coi như là nơi đất trời giao hòa, gặp gỡ, nên cũng được coi là nơi linh thiêng. Mô sê gặp Thiên Chúa trên núi Khô rép khi ông thấy ngọn lửa cháy trong bụi gai. (Xh 3,1) . Đức Chúa ngự xuống trên núi Sinai (Xh 19,11) và ban 10 giới răn (Xh 20, 1-17).Tiên tri Êlia thách thức tư tế của Baal và dâng lễ tế Thiên Chúa trên núi Các Men (1V 18, 20-40). Rồi ông chạy trốn và găp Thiên Chúa trên núi Khô rép (1 V 19,9).Các lễ tế dâng lên Thiên Chúa đều được cử hành trên “nơi cao”. Tổ phụ Abraham chuẩn bị hiến tế con trên núi Moriah (St 22,2). Lễ tế của Gêđêon (Tl 6,26) của Samuel (1Sm 9,12), của Salomon (1V 3,4) hay của Êlia trên núi Các Men (1 V 18,31), tất cả đều được dâng tiến trên “nơi cao”.
*Sang Tân ước ta lại càng thấy “núi cao” rất gần với Chúa Giê su trong cuộc đời công khai, trong lúc Ngài đi rao giảng. Ngay sau khi ăn chay 40 ngày, Ngài được đưa lên núi cao và chịu cám dỗ (Lc 4,5).Ngài lên núi, ban bố Hiến chương nước trời (Mt 5,1-12). Nhiều lần Ngài lên núi cầu nguyện. Đặc biệt, trước khi chọn các tông đồ (Lc 6,12). Trước khi chịu tử nạn, Ngài đã cầu nguyện trên núi cây dầu (Mt 26,30). Ngài chịu đóng đinh trên Núi Sọ (Lc 23,33).Trước khi về trời, Ngài cũng gặp gỡ, trao sứ mệnh cho các tông đồ trên núi,(Mt 28,16).
Xem như thế ta có thể hiểu được phần nào tại sao Chúa không tỏ hiện dung mạo của Ngài tại thung lũng, tại bờ hồ hay bờ sông mà lại phải vất vả lặn lội dẫn các môn đệ thân tín lên tận đỉnh núi Tabor.
*…Ông Elia cùng ông Mô sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê su. (Mc 8,4). Ông Mô sê đại diện cho Lề luật, còn ông Elia đại diện cho các ngôn sứ. Hai nhân vật VIP này là phát ngôn của Cựu ước, giới thiệu Đức Kitô của Tin Mừng cho 3 tông đồ thân tín. Hai vị đã từng được dẫn lên núi thánh để chứng kiến vinh quang Thiên Chúa. Môsê(Xh 33,18-23), Êlia ( 1 V 19,9-13). Tương tự như vậy , 3 tông đồ cũng được dẫn lên núi Tabor để chứng kiến vinh quang của thày mình. Tin mừng Mt và Mc chỉ nói là 2 vị xuất hiện và đàm đạo với Chúa, Lc cho biết thêm chi tiết: Hai vị nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê ru sa lem. (Lc 9,31).
* Đức Giêsu đem các ông Phê rô, Gia cô bê và Gio an đi theo mình…tới một ngọn núi cao (Mc 9,2).
Phêrô, Giacôbê và Gioan là 3 tông đồ thân tín của Chúa, là cột trụ của Giáo Hội tương lai (Gl 2,9). Chắc hẳn, cũng như đại đa số dân chúng thời đó, các tông đồ cũng mong đợi một đấng Messia đến giải phóng dân, cụ thể là thoát ách thống trị của Rôma, lập nội các. Chả thế mà đã có lúc các ông tranh giành bên phải bên trái trong nước Chúa. Rồi các ông lại thấy các bậc thông thái, đạo đức trong dân như tư tế, luật sĩ, biệt phái, không những không ủng hộ mà còn xét nét, chống đối, đả phá thày mình. Nên, dẫu theo thày đã lâu, chứng kiến những phép lạ, những lần thày chữa bệnh hay cho người chết sống lại… nhưng chẳng thấy thầy đề cập gì đến giải phóng, có khi còn nhấn mạnh Con Người phải chịu khinh bỉ, nhục mạ và bị giết. Các ông bán tín bán nghi , đã có lúc thắc mắc, chúng con bỏ mọi sự mà theo thày, chúng con được gì?
Thì đây chính là lúc Thiên Chúa đánh tan mối nghi ngờ, củng cố niềm tin cho các ông, cho các ông nếm trước vinh quang phục sinh của Người. Y phục của Người trở nên rực rỡ trắng tinh. Không những Người được cả Cựu ước (qua Môse và Êlia) giới thiệu mà còn được chính Chúa Cha xác nhận: Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây có tiếng phán rằng:Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người(Mc 9,7). Chính vinh quang Thiên Chúa xuất hiện trong đám mây (Xh 16,10).
Sự việc thật bất ngờ và vinh quang Chúa quá chói lòa đến độ Phê rô tưởng như mơ. Thật ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.(Mc 9,6).
Xin cho chúng con vững tin vào mầu nhiệm Tử Nạn Phục Sinh của Chúa.
Nguyễn Đức Lân