Bài 1
St 22,1-2.9a.10-13.15-18; Mc 9,2-10
Chủ đề: DẤU CHỈ tiên báo Phục Sinh
* St 22,12: Thiên Chúa phán cùng Abraham: đừng giơ tay hại đứa bé … Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa.
* Mc 9,2.7: Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông … và có tiếng từ đám mây: “Đây là con Ta yêu dấu”.
Chúng ta bước vào Chúa Nhật II Mùa Chay. Lời Chúa hé mở cho chúng ta thấy trước phần nào vinh quang phục sinh nhằm khích lệ các tín hữu can đảm bước theo Chúa Giêsu trên con đường Thập Giá.
Hưởng vinh quang phục sinh thì ai cũng thích! Nhưng phải tiến bước trên con đường thập giá thì ai cũng sợ! Khổ thay, theo đức tin Kitô giáo thì thập giá của Đức Kitô là con đường duy nhất đưa tới Phục Sinh. Vinh quang phục sinh theo Kitô giáo không chỉ là sống lại về thể xác mà còn đưa nhân tính con người được thông phần thiên tính, được trở thành con cái Thiên Chúa. Để giúp con người vượt thắng được nỗi sợ hãi thập giá, Thiên Chúa bằng nhiều cách đã hé mở cho con người được cảm nghiệm trước phần nào hạnh phúc của vinh quang phục sinh; đồng thời giúp con người ý thức được rằng thập giá thật ra chỉ là một NGƯỠNG CỬA phải bước qua để bỏ lại sau lưng những gì là khổ đau, giới hạn của kiếp phàm nhân tội lỗi và bước vào vinh quang thần linh mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho nhân loại từ trong công trình sáng tạo.
Trong chiều hướng đó, Chúa Nhật II Mùa Chay cho cả ba năm ABC Tin Mừng luôn chọn đọc biến cố HIỂN DUNG. Biến cố này được trình bày ngay sau cú vấp ngã trầm trọng của Phêrô trước mặc khải thập giá (Mt 16,21-23; Mc 8,31-33); Và sau khi mắng Phêrô là SATAN, Đức Giêsu khẳng định lại một cách dứt khoát rằng phải kinh qua con đường thập giá: “ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24; Mc 8,24); Lc 9,23 còn đòi hỏi quyết liệt hơn: “… vác thập giá mình HẰNG NGÀY mà theo”.
Trong bài đọc một thập giá và phục sinh được ẩn tàng trong trình thuật Thiên Chúa đòi Abraham phải hiến tế đứa con thừa tự, đứa con của lời hứa, đứa con một yêu dấu cho Chúa. Lệnh truyền của Thiên Chúa đúng là một Thập giá kinh hoàng, quá nặng đè trên vai một ông cụ già đã hơn một trăm tuổi. Cuộc hành trình ba ngày đưa con yêu quí Isaac tới nơi hiến tế đúng là hành trình bóng đêm của Thập Giá (Phần này bản văn phụng vụ bài một không đọc). Tuy nhiên Abraham đã tin vào Lời Chúa một cách vô điều kiện, hơn mọi suy tính của lý trí phàm nhân, Abraham đã vác thập giá đến tận nơi hiến tế. Nhưng rồi cuối cùng, tuyệt vời thay đường lối của Thiên Chúa: cuối con đường Thập Giá, lúc Abraham đưa dao sát tế Isaac thì Thiên Chúa bày tỏ trọn vẹn ý định của Người: “Đừng giơ tay hại đứa trẻ”. Thiên Chúa tuyên dương đức tin của Abraham và ân thưởng cho ông: một ông cụ tưởng chừng là tuyệt tự giờ trở thành cội nguồn của cả một dòng dân đông đúc và còn hơn nữa, trở thành nguồn phúc cho chư dân (x.St 22,15-18). Kết quả tuyệt vời này là một hé mở trước vinh quang PHỤC SINH.
Tin mừng thuật lại biến cố HIỂN DUNG theo Marco. Cuộc thần hiện, biến hình diễn ra ngay trước mắt ba môn đệ Phêrô – Giacôbê – Gioan. “Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông … và ba môn đệ THẤY ông Elia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu”. Đứng trước vinh quang thần linh vừa được hé lộ, một lần nữa (lần trước là lúc tuyên tín), Phêrô lại rơi vào cơn cám dỗ lãng quên thập giá: ông muốn tận hưởng dài lâu ngay bây giờ, trên núi này cái vinh quang thoáng qua báo trước Phục Sinh (chứ chưa phải là vinh quang phục sinh) “Thưa Thầy chúng con ở đây thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, một cho ông Elia”. Phản ứng đó hợp với các câu 9,6.10 đã cho thấy rằng các môn đệ chưa hiểu gì về biến cố này. Vinh quang thần linh của Đức Giêsu chỉ được tỏ lộ trọn vẹn và vĩnh cửu sau phục sinh, nghĩa là phải trải qua Thập Giá. Bây giờ chỉ là chút ánh sáng lóe lên chuẩn bị cho các ông đương đầu với bóng tối thứ sáu thánh. Thiên Chúa phải can thiệp đưa các ông về lại với thực tại qua tiếng Chúa Cha tuyên phán: hãy vâng nghe lời Đức Giêsu đi cho trọn con đường thập giá. Bởi vì theo Marcô, chính Thập Giá mới là yếu tố đưa Đức Giêsu vào vinh quang phục sinh vĩnh cửu, tỏ lộ thần tính viên mãn của Người (x.Mc 15,39). Vậy BIẾN HÌNH chưa là điểm đến mà chỉ là trạm tạm dừng tiếp sức để có sức đi đến đỉnh Golgotha.
Thập giá luôn là nỗi sợ của con người! Nhưng đó là lộ trình duy nhất đưa tới phục sinh. Chút vinh quang hiển dung là để khích lệ môn đệ can đảm hoàn tất con đường thập giá trong HIỆN TẠI. Đó mới là chân phúc, là vinh quang vĩnh cửu, vì đó chính là THÁNH Ý CHÚA CHA.
Bài 2
St 22, 1-18 – Mc 9, 2-10
Đức Giêsu biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ trắng tinh (Mc 9, 2b-3a)… Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7).
Lời Chúa của Chúa Nhật 2 Mùa Chay luôn hướng về “Thập Gia cứu độ”, “Thập Giá vinh quang” của Đức Giêsu. Lời Chúa hé mở điểm đến của Thập Giá Đức Giêsu là vinh quang Phục Sinh. Đó là một khích lệ, một mời gọi những ai tin vào Đức Giêsu hãy noi gương Người, can đảm đương đầu với những thử thách, khổ đau, chiến đấu vất vả của phận con người tội lỗi, biến chúng nên như những bài tập thao luyện, những nấc thang đưa ta đến cùng đích mà Thiên Chúa mong đợi nơi ta: “Anh em hãy biết rằng khi anh em bị cám dỗ, thử thách, đó là dấu hiệu rõ nhất cho biết Thiên Chúa đặc biệt:
-
Chăm lo phần rỗi của anh em
-
Tạo cơ hội cho anh em chiến đấu
-
Thao luyện anh em thi hành nhân đức;
-
Và qua đó, củng cố anh em
(x.Gioan La San, Suy niệm thứ 4 Lễ Tro năm B)
Đức tin Kitô giáo xác tín rằng: vinh quang của ta là Thập Giá Đức Kitô (x. Gl 6, 14-18). Phải là “Thập Giá Đức Kitô” chứ không phải là bất cứ thập giá nào khác. Thật vậy:
* Trước tiên, trong ý định của Thiên Chúa, “Thập Giá” là một quy luật phát triển trong công trình sáng tạo mà sau này khi nhập thể, Đức Giêsu đã long trọng nhắc lại “nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24). Đó là điều Thiên Chúa đã ấn định trong ngày thứ ba của công trình sáng tạo (x.St 1, 11-13). Và Thiên Chúa quan phòng đã ban cho con người trí khôn, năng lực, sức lao động để khai triển quy luật Thập giá tình yêu trên để cùng Chúa đưa công trình sáng tạo đến chỗ hoàn thiện. “Hình ảnh của Thiên Chúa” và “bá chủ vũ trụ” là hai mặt của Tình Yêu Quan Phòng đó.
Vậy mầu nhiệm Thập Giá là ý định của Thiên Chúa đã được tàng ẩn trong quy luật “hạt lúa phải chết đi để sinh nhiều hoa trái” và trong ơn gọi, sứ mạng mà Thiên Chúa trao cho con người: lao động để làm chủ Vũ trụ. Chính khi tôn trong trật tự sáng tạo đó. Thập giá là nguồn phúc của con người, giúp con người hoàn tất ơn gọi “hình ảnh Thiên Chúa”
* Tiếc thay con người đã không tôn trọng trật tự “Thập Giá Tình Yêu” đó. Con người đã muốn lấy mình làm chuẩn mực và hành động theo ước muốn của mình: ăn trái cấm. Hậu quả là mọi mối tương giao tốt đẹp mà Thiên Chúa đã dựng nên và ban cho con người trong công trình Sáng tạo đều bị xáo trộn; “Thập giá tình yêu” trong công trình sáng tạo lại trở nên gánh nặng, nỗi sợ hãi và là án phạt cho con người. Mọi nỗ lực vươn lên của con người thay vì đưa con người và vạn vật lên tới Chúa, thì nay, vì con người đã chối Chúa, nên cuối cùng tất cả đều đổ sập xuống (như vụ tháp Babel) và cuối cùng là huỷ diệt, bụi đất sẽ trở về lại với bụi đất.
* May thay Thiên Chúa là Đấng Công Chính luôn trung tín với dự tính của Người: Thiên Chúa hứa lời hứa cứu độ (St 3,15), Đức Giêsu đã nhập thể, đảm nhận phận làm người với mọi hệ quả kể cả đến chết trên Thập Giá như một tử tội. Và tình yêu vâng phục của Giêsu đã hồi phục nhân loại và vũ trụ: thay vì chết đi rồi trở về với bụi đất thì Đức Giêsu đã phục sinh (x. Pl 2,6-11). Cuối con đường của Thập Giá án phạt, giờ đây trong Đức Giêsu là Thập Giá vinh quang. Khía cạnh hung tàn của Thập Giá án phạt vẫn còn đó, nhưng điểm đến không còn là huỷ diệt nữa, mà là hồi sinh. Đức Giêsu mời nhân loại đừng trốn chạy thực tại đáng buồn của phận người tội lỗi nữa, nhưng hãy cùng Người vác Thập Giá mình mỗi ngày mà theo Người (x. Lc 9,13), để cuối cùng sẽ được lại sự sống (Lc 9.24).
1/ Lời Chúa của Chúa Nhật 2B Mùa Chay mời suy niệm Thập Giá là lộ trình phải đi qua để đạt tới vinh quang. Lộ trình ấy đang được Thiên Chúa thực hiện nơi chúng ta, nhưng cũng đã được thể hiện trọn vẹn rồi nơi: “Người con Một yêu dấu”. Cụm từ này có cả trong 3 bài đọc:
-
Trong bài đọc 1, St 22,2 “Người con Một yêu dấu” đó là Isaac, đứa con thừa tự mọi lời Thiên Chúa hứa với Abraham.
-
Trong bài đọc Tin Mừng Mc 9,7, “Người con yêu dấu” đó là Đức Giêsu, là “Con Một” của Thiên Chúa (Ga 3, 16); Mầu nhiệm được mặc khải trong biến cố Hiển Dung.
-
Trong bài đọc 2, Rm 8, 32 nhấn mạnh đến Tình Yêu tha thứ của Thiên Chúa đối với chúng ta biểu lộ qua việc trao nộp “Con Một”.
2/ “Lộ trình Thập Giá – Phục Sinh” đó được tỏ lộ”:
-
Trong bài đọc 1, qua thái độ vâng phục vô điều kiện của Abraham trước lệnh truyền của Thiên Chúa đem sát tế Isaac.
-
Trong bài đọc Tin Mừng, lộ trình Thập Giá tàng ẩn trong lời mặc khải bí nhiệm của Đức Giêsu đối với ba môn đệ “không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy trước khi Con Người từ cõi chết sống lại (Mc 9,9).
-
Trong bài đọc 2, Thập Giá là con đường Đức Giêsu đã hoàn tất để trở thành người chuyển cầu cho ta bên cạnh Thiên Chúa (Rm 8,34).
3/ Và hoa trái của lộ trình Thập Giá đó là:
-
Trong bài đọc 1, Isaac được khỏi chết và Abraham, ông lão lẽ ra là tuyệt tự lại trở nên tổ phụ một dân đông đúc và là nguồn phúc lành cho muôn dân (St 22, 15-18)
-
Trong bài đọc Tin Mừng, mầu nhiệm phục sinh được hé mở trước qua biến cố Hiển Dung (Mc 9, 2b-4) và Thần hiện ( 9,7) và lời bí nhiệm của Đức Giêsu (9,9).
-
Trong bài đọc 2, Rm 8, 34 nói rõ Đức Giêsu đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa để chuyển cầu cho chúng ta.
4/ Phần đáp trả của con người để được thông phần lộ trình đó:
-
Bài 1: vâng lệnh Thiên Chúa
-
Tin Mừng: vâng nghe lời Đức Giêsu
-
Bài 2: tin vào điều Thiên Chúa đã thực hiện trong Đức Giêsu.
Chủ điểm phụng vụ:
Đường lối cứu độ của Thiên Chúa ngang qua việc “hiến dâng người con một yêu dấu” là chủ điểm chính của Lời Chúa hôm nay. Nói cách khác, Lời Chúa báo trước mầu nhiệm thập giá và phục sinh, dọn đường cho chúng ta sống chính mầu nhiệm vào thứ sau tuần thánh và Chúa nhật Phục sinh.
Bài đọc 1 thuật lại việc Thiên Chúa thử lòng Abraham bằng lệnh tai ác: hiến tế Isaac, “đứa con một yêu dấu” cho Thiên Chúa. Abraham đã mau mắn thực thi lệnh Chúa truyền. Kết quả: Chúa đã nhận tấm lòng tín thành, phó thác của Abraham và tha chết cho Isaac. Chúa đã chúc lành cho Abraham, cho dòng dõi và cho cả mọi dân tộc vì sự vâng phục của Abraham.
Tin mừng thuật lại việc Đức Giêsu biến hình trên một ngọn núi cao trước mặt ba môn đệ: Phêrô, Giacôbê và Gioan. Vinh quang thiên tính của Đức Giêsu được tỏ lộ qua tiếng nói từ đám mây “đây là Con Ta yêu dấu”. Khía cạnh thập giá và phục sinh được biểu lộ qua lệnh truyền của Đức Giêsu cho ba môn đệ đang lúc thầy trò xuống núi: “không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy trước khi Con Người từ CÕI CHẾT SỐNG LẠI.
Về phần đáp trả của con người, chủ đề vâng phục được nhấn mạnh: Abraham đã vâng lệnh Chúa và Chúa chúc lành cho nhân loại mọi thời vì sự vâng phục của Abram; Trong Tin mừng, tiếng nói từ đám mây truyền các môn đệ “hãy vâng nghe lời Đức Giêsu” và các ông đã tuân lệnh Đức Giêsu dù chưa hiểu “từ cõi chết sống lại nghĩa là gì”.
BÀI ĐỌC I: St 22, 1-2. 9a. 10-13. 15-18
Văn mạch
Ađam không tin vào Lời Chúa, nhân loại rơi vào bóng đêm tội lỗi. Để tái tạo, Thiên Chúa cần một con người của lòng tin, phó thác tất cả cho Thiên Chúa. Abram đã được Chúa chọn và đáp trả lại bằng một tình yêu phó thác trọn vẹn. Nghe lời Chúa ông ra đi; phần Thiên Chúa, từng bước một, Người thực hiện cho ông điều Người đã hứa: bảo vệ ông (12, 10-20 rồi lập lại ở ch.20); giúp ông thắng kẻ thù và hưởng lời chúc lành của Melkisêđê (ch.14); kết giao ước với ông (ch.15); và dù ông hiểu lầm ý Chúa, Chúa vẫn ban cho ông Ismael (ch.16); đưa ông vào mối thân tình với Chúa qua đổi tên, cắt bì (ch.17); phần Abraham, ông đơn sơ sống thân tình với Chúa, dám lên tiếng cầu bầu cho dân Sôđôma tội lỗi (ch.18), và chóp đỉnh của ân huệ chính là Isaac (21, 1-7); Chúa tiếp tục bảo vệ Abraham giúp ông giải quyết chuyện gia đình (21, 8-21); bảo vệ quyền lợi Abraham trước vua Avimêlec (21, 22-34). Mối tin tưởng song phương thật tuyệt vời. Rồi Thiên Chúa muốn thử luyện Abraham lần chót xem ông có thực sự tín trung, phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa hay không? Đây là điều Thiên Chúa đang cần từ phía con người để tái thiết. Người đòi ông hiến tế Isaac….và ông đã vâng lời. Ông đã dám phó thác trọn vẹn cho Thiên Chúa. Ông được Chúa chúc phúc, trở thành nguồn phúc cho gia tộc và cho cả nhân loại nữa (ch.22).
Bài đọc 1 là một số câu trích không liên tục từ chương 22. Dẹp bỏ các tình tiết lâm ly của truyện kể, bản văn phụng vụ nhấn mạnh đến lệnh truyền tai ác của Thiên Chúa, sự vâng phục vô điều kiện của Abraham, và lời chúc lành của Thiên Chúa cho ông.
CẤU TRÚC và SUY NIỆM
-
Lệnh truyền tai ác của Thiên Chúa (St 22, 1-2)
* Mục đích: thử lòng Abraham
* Phương thức truyền lệnh: đối thoại: Chúa gọi, Abraham thưa lại
* Nội dung: hiến tế Isaac làm lễ toàn thiêu
Nhấn mạnh: con của ngươi – đứa con một – đứa con yêu dấu
Nơi chốn: xứ Môrigia, trên một ngọn núi Chúa sẽ chỉ cho.
Thử lòng: mở đầu bản văn cho thấy ngay mục đích của lệnh truyền. Thiên Chúa không có ác ý, Thiên Chúa không muốn sát tế con người như các tôn giáo ở Canaan vẫn làm. Sau Hồng thủy, Thiên Chúa dứt khoát tỏ lộ Người là Thiên Chúa tôn trọng sự sống. “thử lòng”, “thử thách” trong tiếng Do Thái là nissah diễn tả một nghi thức kết nạp, một thử thách phải vượt qua, một cơn cám dỗ phải chiến thắng. Nó được dịch ra tiếng Hylạp là peirazein dùng để chỉ cơn cám dỗ Đức Giêsu trong sa mạc. Trong ý nghĩa này, cơn thử thách mang tính tích cực dùng để thăm dò xem 1 người có đạt tới được trình độ lẽ ra người ấy phải có chưa. Đối với Abraham, thử thách là một chọn lựa: vâng hay không vâng lệnh truyền của Thiên Chúa hiến tế đứa con một dấu yêu mà ông có được sau thời gian dài âu lo chờ đợi với tuổi già không còn chút hy vọng sinh con. Điều đang có quá quý giá và không hy vọng có lại được nếu cái đang có mất đi. Cơn thử thách lại càng nặng nề hơn nữa khi đứa con ấy lại mang trong mình toàn bộ lời đoan hứa của Thiên Chúa: khi đòi hiến tế Isaac, phải chăng “Thiên Chúa nói ngược lại Thiên Chúa, đức tin nói ngược lại đức tin, mệnh lệnh mâu thuẫn với lời hứa” như thánh Gioan Kim Khẩu đã thảng thốt kêu lên (x. Ý định của Thiên Chúa bản dịch của Trần Văn Ánh, trang 37). Dễ bị cám dỗ làm, chọn theo hướng mà lý trí nhân loại cho là hợp lý hơn là làm theo lệnh truyền tai ác của Thiên Chúa. Cơn cám dỗ địa đàng được lập lại: chọn theo lệnh Chúa hay theo các lý luận ngọt ngào của Rắn của lý trí nhân loại? May cho nhân loại, ở đây đã có một con người chọn theo lệnh Chúa, dám đặt toàn bộ vận mạng của mình vào lời hứa của Thiên Chúa, để Thiên Chúa thực thi lời hứa theo cách của Người, bất chấp nỗi đau của một người cha đã hơn 100 tuổi phải hy sinh “đứa con một, đứa con yêu dấu” của mình, đứa con trong đó mình đặt toàn bộ hoài bão, tương lai của mình.
-
Sự vâng phục của Abraham (St 22,9a-10)
-
Lên đường tới nơi Chúa đã chỉ
-
Dựng bàn thờ
-
Cầm dao sát tế con mình
Dẹp mọi tình tiết hấp dẫn của tích truyện, bản văn phụng vụ chỉ giữ lại 3 động tác dứt khoát của Abraham nói lên sự tuân phục nhanh chóng, vô điều kiện, quyết liệt của ông. Cuồng tín? Không ! Hơn ¼ thế kỷ từng bước theo Chúa, Abraham đã có một trải nghiệm về Thiên Chúa. Đây là một Thiên Chúa trung tín, đầy yêu thương, chỉ muốn điều tốt cho kẻ theo Người, một Thiên Chúa đầy sáng kiến, đầy bất ngờ mới mẻ trong cách hành động luôn vượt xa những gì Abraham có thể suy tính và tưởng tưởng. Những điều Abraham không hề dám nghĩ đến, Thiên Chúa đã thực hiện dễ dàng: sinh Isaac; những gì quý giá nhất ông đang có là do Chúa ban vì lời hứa. Vậy giờ đây lý trí ông đang chống lại lệnh truyền: nếu giết Isaac thì lấy gì thực hiện lời hứa? Cơn cám dỗ bám víu vào cái an toàn đang có dằn vặt Abraham. Thế nhưng kinh nghiệm thiết thân và biệt vị suốt hơn 25 năm đã dạy cho Abraham nên nghe lời Chúa. Việc thực hiện và cách thực hiện lời hứa là của Chúa. Kinh nghiệm về Thiên Chúa đã giúp Abraham xác tín như vậy và ông đã phó thác tất cả cho Thiên Chúa.
-
Lời đáp của Thiên Chúa cho sự vâng phục (St 22,11-13.15-18)
3.1. Hiện tại:
-
Tha chết cho Isaac và khen ngời lòng kính sợ Thiên Chúa của Abraham (11-12)
-
Ban cho Abraham con cừu để hiến tế thay Isaac (13)
3.2. Tương lai: Ân thưởng chúc lành, “Ta lấy chính danh Ta mà thề rằng” (16)
-
Thi ân giáng phúc cho Abraham (17a)
-
Cho dòng dõi nên đông đúc (17b)
Chiếm được thành địch quân (17c)
-
Mọi dân tộc cầu chúc nhau được như hậu duệ Abraham (18a)
3.3. Nguyên nhân mọi phúc lộc: vì Abraham đã vâng lời Chúa (18b)
Cuối cùng, Thiên Chúa bày tỏ ý định đích thực của Người: Người can thiệp cứu Isaac khỏi chết, tuy nhiên lễ toàn thiêu vẫn được Abraham cử hành nhờ một lễ vật khác do Thiên Chúa an bài gửi tới. Đối với Abraham việc Isaac được khỏi chết có thể xem như thể một sự phục sinh (x. Dt 11, 19). Con ông được ban lại cho một lần thứ hai: lần đầu, lời hứa của Chúa kéo nó ra khỏi hư vô được sinh vào đời; Lần này lời Chúa bảo tồn sự sống cho nó, và nó trờ thành đứa con của đức tin; chính trong đức tin Abraham được lại con mình và hơn nữa, qua nó, được trọn vẹn lời hứa của Thiên Chúa.
Điều Chúa đã không làm cho Abraham và Isaac thì Chúa đã làm cho chính Người và cho Đức Giêsu: đây là hình ảnh báo trước thập giá và Phục Sinh của Đức Giêsu.
Phần thưởng: lập lại những điều Chúa đã hứa khi mời Abraham ra đi và khi kết giao ước đơn phương ở ch. 15. Nhưng giờ đây, tính bảo đảm và long trọng tăng bội phần vì Chúa THỀ nhân danh Chúa, nghĩa là bằng mọi giá Chúa phải thực hiện điều Chúa đã nói ra đây, bất chấp hạnh kiểm, sự đáp trả từ phía con người, nếu không Chúa không còn là Thiên Chúa nữa: Ta lấy chính DANH TA mà THỀ. Phần thưởng không cho riêng Abraham, Israel, mà còn cho toàn thế giới. Vì ông đã dám từ bỏ quá khứ (12, 1.4), giờ đây lại dám hủy diệt cả tương lai để chỉ sống cho cái hiện tại theo lời phán truyền của Thiên Chúa thôi.
4.TÓM KẾT;
Bài đọc 1 cho thấy vinh quang Phục Sinh ẩn tàng ngay sau thập giá do Chúa gửi tới: Isaac được tha chết, kéo theo phần thưởng lớn lao cho cả nhân loại. Vậy hãy can đảm phó thác tin vào lời Chúa hơn tin vào mọi dự tính khôn ngoan phàm nhân. Bản văn cho thấy sự vâng lời tuyệt đối, anh hùng, phó thác của Abraham đối với Thiên Chúa chính là cội nguồn phúc lộc chẳng những cho cá nhân ông, cho hậu duệ Israel mà còn cho cả nhân loại. Điều cơ bản Thiên Chúa chờ đợi nơi con người là phó thác trọn vẹn cho Chúa rồi từ đó Người tái thiết tất cả.
Đây cũng chính là tinh thần của Chúa Nhật 2 Mùa Chay: hé mở mầu nhiệm Phục Sinh nhằm củng cố lòng tin tín hữu, chuẩn bị đối đầu với Thập Giá trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh và đi tới Chúa Nhật Phục Sinh. Lệnh hiến tế và rồi việc Isaac được tha chết là hình ảnh tiên trưng thập giá và Phục Sinh của Đức Giêsu. Việc Giáo Hội trích đọc bản văn này là một lời mời gọi tín hữu phải vâng phục phó thác cho Thiên Chúa, sẵn sàng dâng Chúa điều quý giá, an toàn, lẽ sống của mình trong tâm tình tín thác tuyệt đối vào Chúa. Đó là cách thức tốt nhất để chuẩn bị và sống viên mãn mầu nhiệm thập giá, Phục Sinh trong Mùa Chay này.
TIN MỪNG: Mc 9, 2-10
Văn mạch
Sứ điệp chính của sách Tin Mừng Maccô là minh chứng rằng: con người Giêsu chính là Đấng Mêsia và là Con Thiên Chúa (1,1). Phần Maccô 1,2-8,30 đã giới thiệu Đức Giêsu là Kitô; phần tiếp theo: Maccô 8, 31-15,47 minh chứng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Phần thứ hai này mở đầu bằng một khối văn chương được kết cấu theo một công thức nhịp 3 xoay quanh 3 lần loan báo thập giá và Phục Sinh: – loan báo thập giá, Phục Sinh – một giáo huấn riêng cho các môn đệ – các biến cố, phép lạ kèm theo:
-
Báo Thập Giá và Phục Sinh lần 1 (8,31- 33); giáo huấn kèm theo là đòi môn đệ phải vác thập giá mình mà theo (8,34 – 9,2). Để củng cố cho điều nói trên, Đức Giêsu đã biểu lộ thoáng vinh quang thần linh của Người qua cuộc Hiển Dung (9,2 – 13), và chữa lành một bé trai bị động kinh (9,14 – 29).
-
Báo thập giá và Phục Sinh lần 2 (9,30 – 32); giáo huấn kèm theo là phải phục vụ, đừng có óc bè phái ganh tỵ, đừng làm cớ vấp ngã cho kẻ bé mọn (9,33 – 50); biến cố xảy ra lần này là một loạt ba câu đáp Đức Giêsu cho các vấn đề người ta đưa tới: ly dị, thái độ đối với trẻ nhỏ, điều kiện để có sự sống đời đời (10, 1-22); từ đó Người đưa ra một bài học cho môn đệ (10,23 – 31).
-
Báo thập giá và Phục Sinh lần 3 (10,32 – 34); giáo huấn kèm theo là phải vác thập giá, uống chén với Đức Giêsu và làm đầu là phục vụ (10,35 – 45: tổng hợp hai giáo huấn lần 1 và 2); phép lạ kèm theo: chữa người mù ở Giêrikhô (10,46 – 52). Tiếp theo là Đức Giêsu vào Giêrusalem.
Tin Mừng hôm nay là phần trích từ trình thuật Hiển Dung.
CẤU TRÚC và SUY NIỆM
-
Cuộc biến hình (Mc 9, 1-4)
-
Thời điểm: “sáu ngày sau”
-
Nhân vật: Phêrô- Giacôbê và Gioan được Đức Giêsu tách riêng ra một chổ
-
Nơi chốn: một ngọn núi cao
-
Cuộc biến hình: “Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông”:
-
Y phục Đức Giêsu trở nên rực rỡ, trắng tinh…
-
Ba môn đệ thấy Êlia và Môsê hiện ra đàm đạo cùng Đức Giêsu.
“Sáu ngày sau”: Trong văn mạch Marco, các trình thuật “tuyên tín” (8,27-30); “báo thập giá và phục sinh lần 1” (8,31-33); “giáo huấn phải vác thập giá theo Đức Giêsu” (8, 34-9,1) được nối với nhau bởi từ “rồi”. Các sự việc ấy diễn ra trong vòng một ngày. Một ngày mà Đức Giêsu và môn đệ phải đối đầu với thực tế đáng sợ: Đấng Mêsia mà Phêrô vừa tuyên tín là Đấng Mêsia thập giá; Phêrô đã cản trở Đức Giêsu đi con đường này, nhưng Người đã xác định dứt khoát: đó cũng là con đường của môn đệ. Vậy để giúp cho các ông vững tin vào con đường thập giá, Đức Giêsu đã hé mở cho các ông vinh quang phục sinh qua cuộc Hiển Dung; và biến cố này xảy ra vào ngày thứ bảy sau ngày tuyên tín và loan báo thập giá phục sinh lần thứ nhất. “Sáu ngày” gợi lại thời gian mà Môsê đã trải qua trên núi Sinai trước khi đi vào đám mây để đón nhận Bia Lề Luật (Xh 24,16.18a). Thành thử đây là khoảng thời gian chuẩn bị cho một mặc khải quan trọng là chính Đức Giêsu: Người chính là LỜI đích thực của Thiên Chúa mà chúng ta phải lắng nghe; Người là Đấng thay thế cho các bảng đá Lề Luật. Vì Lề Luật được ban cho vào một ngày thứ 7 nên rõ ràng là mặc khải quan trọng về Đức Giêsu cũng phải xảy ra vào ngày thứ bảy. Hiểu theo cánh chung luận, thì cách nói “sáu ngày sau” cũng có thể là một cách ám chỉ thời gian đi trước ngày viên mãn, ngày “sau cùng”. (Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật- các mùa năm B)
Phêrô- Giacôbê- Gioan là ba môn đệ được Đức Giêsu đem theo để cầu nguyện trong giây phút đối đầu với thập giá. Tiếc thay cả ba đều ngủ, bỏ Đức Giêsu một mình. Người chuẩn bị xa giúp ba ông đương đầu với thập giá, và trước xa nữa Đức Giêsu đã cho ba ông thấy quyền năng thắng tử thần của Người (5,35-42). Con số 3 cũng gợi nhớ tới việc Môsê có đem theo 3 người hiện diện trong cuộc thần hiện tại Sinai trước khi ông đi vào đám mây nhận bia Lề Luật (Xh 24,9-10.15-18)
Y phục Người trở nên rực rỡ trắng tinh: ngoài việc che thân, y phục còn là dấu chỉ phân biệt: phái tính, địa vị xã hội; vui buồn, tang lễ, hôn nhân; y phục thường ngày khác với y phục trong nghi lễ. Đổi y phục là đổi số phận. Thay đổi có thể có nghĩa là từ chốn phàm tục bước vào nơi linh thánh: thay y phục để ra trước nhan Chúa (St 35,2; Xh 19,10); tư tế phải đổi y phục vào Đền Thờ cử hành phụng vụ (Xh 28,1-5; Lv 16,3-4; Ed44,17-19) (ĐNTHTK. Y phục)
Màu trắng trong thế giới Kinh Thánh luôn đi đôi với các cuộc lễ và những cuộc vui biểu lộ niềm hân hoan của con người…Màu trắng là biểu hiện của những hữu thể được liên kết vào vinh quang Thiên Chúa gồm những hữu thể thuộc cõi trời hoặc những hữu thể được biến hình: vị kỳ lão mặc áo trắng (Đn 7,9); những người được tha thứ biến đổi sẽ nên trắng như tuyết (Is 1,18; Tv51,9); vào ngày chung cuộc, đoàn người chiến thắng giặt áo trắng mình trong máu Con Chiên (Kh 7,14)
Môsê và Êlia, hai nhân vật biểu tượng cho Cựu Ước: Lề Luật và Ngôn Sứ. Truyền thuyết Do Thái cho rằng họ thoát khỏi cái chết huỷ diệt: không tìm thấy mộ (Đnl 34,6); được rước về trời (2V 2,11); và việc hai vị tái xuất hiện là dấu hiệu thời thiên sai cánh chung đã tới (Đnl 18, 18; Ml 3, 32). Ở đây các môn đệ đã THẤY hai vị đàm đạo với Đức Giêsu đang biến hình sáng láng.
Tất cả các mô tả trong 2c-4 đều quy về một ý: Đức Giêsu đang biểu lộ hình dạng (Morphe) vốn có từ đời đời của Người lâu nay tạm ẩn dấu dạng phạm nhân, Người “biến đổi hình dạng” (Mêtêmôrphothe) trước 3 môn đệ, có nghĩa là Thiên Chúa cho các ông thấy trước được ở đây trong chốc lát cái vinh quang thần linh của Đức Giêsu vốn sẽ được tỏ hiện công khai cho nhiều người vào dịp phục sinh. Hàm ý con người Giêsu ấy là một hữu thể thần linh, là Thiên Chúa.
-
Phản ứng của Phêrô (Mc 9, 5-6)
-
Muốn ở lại lâu trong tình trạng đang thấy “thưa Thầy…”(5)
-
Tình trạng thực của các ông: “thật ra ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng”(6)
Có lẽ cuộc Biến Hình diễn ra vào Lễ Lều. Và trong niềm phấn kích hạnh phúc Phêrô xin dựng lều để có thể mừng 8 ngày lễ trong lều cùng với 3 Đấng. Tuy nhiên phản ứng này cho thấy các ông chưa hiểu gì về biến cố này. Qua 9,6.10, tác giả sách Tin Mừng cho ta biết như thế. Vinh quang thần tính của Đức Giêsu chỉ được tỏ lộ trọn vẹn và vĩnh viễn sau phục sinh. Bây giờ chỉ là chút ánh sáng lóe lên để chỉ đường, tăng sức hầu vượt qua được đêm dài của thứ sáu tuần thánh. Đối với Maccô, yếu tố chính mặc khải thần tính Đức Giêsu là thập giá (15,39). Mà thập giá lại là điều mà các ông không muốn (8,31 – 33). Vậy Biến Hình chưa là điểm dừng mà chỉ là trạm tiếp sức để có thể đi đến đỉnh Golgotha.
Các ông sợ hãi: cái sợ hãi thần linh, ý thức mình đang ở trước mặt Thiên Chúa.
-
Cuộc thần hiện (Mc 9, 7-8)
-
Có đám mây bao phủ các ông
-
Có tiếng nói từ đám mây
-
Nội dung: – Đây là Con Ta yêu dấu
– Hãy vâng nghe lời Người.
-
Kết thúc: Biến đi tất cả, chỉ còn Đức Giêsu và các ông.
Đám mây vừa là dấu hiệu cho thấy Thiên Chúa hiện diện, vừa là ngăn cách con người khỏi thấy Thiên Chúa kẻo phải chết. Ở đây ba môn đệ được đi vào vinh quang Thiên Chúa: “đám mây bao phủ các ông”; các ông nghe được tiếng nói từ đám mây. Cuộc thần hiện hôm nay giống như cuộc thần hiện trong lúc Đức Giêsu chịu phép rửa; tuy nhiên nội dung mặc khải là nhắm vào ba môn đệ: mời gọi họ hãy chấp nhận rằng con người mà họ đang đi theo làm môn đệ, với tất cả giới hạn của kiếp phàm trần chính là con Thiên Chúa. Điều ấy hàm ý mời môn đệ cũng phải chịu chấp nhận cùng chung một số phận như Người. Đó là điều môn đệ phải bắt đầu nhận ra từ giây phút này: Hãy vâng nghe lời Người. “Người” đây không còn là Đấng vừa hiển dung nữa mà là Giêsu thường ngày. Đó là sứ điệp chính mà cuộc thần hiện gởi tới cho ba môn đệ.
-
Lệnh giữ kín (Mc 9, 9-10).
-
Không được nói cho ai điều vừa thấy trước khi Con Người từ cõi chết sống lại.
-
Tuân lệnh nhưng không hiểu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì?
Điều các ông vừa được thấy là một đặc ân mà chính các ông trong hiện tại cũng chẳng hiểu được ý nghĩa; điều ấy được Macco tỏ rõ trong phần phân tích “2”. Và bí mật thiên sai cũng là một chủ đề chính của Macco: Tác nhân mạc khải chung cuộc là thập giá, và chỉ những ai hiểu được thập giá thì mới đi vào được vinh quang thần linh của Đức Giêsu.
-
TÓM KẾT
Đức Giêsu cho ba môn đệ được thoáng “chiêm ngưỡng vinh quang thần linh của Người. Đây là một chuẩn bị xa cho ba chứng nhân của cơn hấp hối của Đức Giêsu trong Vườn Cây Dầu. Thấy trước một chút vinh quang phục sinh để hy vọng lướt thắng được đêm đen thập giá. Thật vậy, vừa mới tuyên xưng Đức Giêsu là Kitô, thì ngay sau đó, Phêrô vấp ngã ngay tức thời trước mặc khải thập giá.
Mọi chi tiết đều được Maccô sắp xếp để làm nổi bật ý thần học của ông: con người đang cùng đi chung với ba môn đệ, con người vừa mặc khải con đường thập giá và mời gọi mọi người bước theo, chính Thiên Chúa. Và sứ điệp Maccô gởi tới mọi tín hữu: hãy vâng nghe lời Người nghĩa là hãy đi trọn con đường thập giá mà người vừa mặc khải. Đó là thánh ý của Thiên Chúa.
Mùa Chay là thời gian chuẩn bị để đón mừng Phục Sinh, nhưng thập giá luôn là đường dài chông gai và làm con người sợ hãi; thoáng thấy trước chút vinh quang phục sinh là đường lối sư phạm (chưa là cùng đích) của Thiên Chúa nhằm giúp con người vượt thắng thập giá; vì vậy ngay đầu Mùa Chay, Giáo Hội mời ta can đảm theo chân Đấng chiến thắng ma quỷ (x. Lời Chúa CNI MC) bằng cách cho ta nhận ra vinh quang thần linh của Người.
Frère Pierre Đình Long FSC