CHÚA NHẬT II MÙA CHAY – năm C

Bài 1

St 15,5-12.17-18; Lc 9,28b-36

Chủ đề: Loan báo trước vinh quang PHỤC SINH tiềm ẩn trong Thập Giá. Củng cố đức tin cho người được tuyển chọn.

* St 15,12b.18b và 6: Một nỗi kinh hoàng, một bóng tối dày đặc ập xuống trên Abram. Hôm đó ĐỨC CHÚA phán: “Ta ban cho dòng dõi ngươi đất này. Abram TIN ĐỨC CHÚA.

* Lc 9,31.35: Môsê và Elia hiện ra… nói về cuộc xuất hành Đức Giêsu sắp hoàn thành tại Giêrusalem… Và từ đám mây có tiếng phán: “Đây là Con Ta… hãy vâng nghe Lời Người.

Mùa Chay là mùa chiến đấu! Chiến đấu trong tư cách là thành viên của cộng đoàn, theo đường lối Chúa để đón nhận được vinh quang phục sinh mà Đức Giêsu sẽ ban cho cộng đồng Dân Chúa, cho nhân loại. Được hưởng vinh quang phục sinh, được là con cái Chúa, ai cũng ước mơ và không dại gì từ chối khi được ban tặng. Nhưng để lãnh nhận được hồng ân thần linh nói trên và biến nó thành gia sản của mình thì phải đi lộ trình thập giá và bước qua ngưỡng cửa sự chết trong xác tín và tự nguyện: “vinh quang của ta là Thập Giá Đức Kitô”. Điều đó thì ai cũng sợ! Phêrô đã hăng hái tuyên tín “Thầy là Đức Kitô con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16); Ông đã hùng hổ thề sống chết theo Thầy (x. Ga 13,37 và song song); Thế nhưng khi đụng phải thập giá, ông đã ngăn cản Đức Giêsu (Mt 16,22), ông đã chối Thầy đến ba lần. Thập giá không phải là lời tuyên tín trên môi miệng, không là liều chết chiến đấu bằng gươm giáo, bạo lực; Nhưng thập giá của Đức Giêsu là Thập giá của Tình Yêu. Nếu không có sự tự nguyện phó thác, nếu không được thúc đẩy bởi tình yêu, bởi lòng khao khát thực thi Ý Cha (x. Ga 4,34; 17,4-5) thì thập giá chỉ là một thất bại và còn tệ hơn nữa, chỉ là một án phạt. Đối với Đức Giêsu, Thập giá là Ý Cha (x. Ga 18,11; Mt 26,39 và song song), và Cha không thay đổi ý định; Do đó trong dòng lịch sử cứu độ, để khích lệ những người được Chúa chọn, vào những thời điểm quan trọng, Chúa cho họ nếm cảm trước phần nào vinh quang phục sinh để nâng đỡ, củng cố họ theo đường thập giá: MỘT THẬP GIÁ yêu thương, tự nguyện trong tâm tình thờ lạy Ý Cha trên cuộc đời mình và cả trên toàn thể nhân loại; MỘT THẬP GIÁ loại trừ hận thù, cho tình yêu lên ngôi; MỘT THẬP GIÁ biến cái chết là án phạt, hủy diệt trở thành phương thế hữu hiệu giúp “cởi bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới trong Đức Kitô”. Đó là nét chính của ý nghĩa Lời Chúa hôm nay: Thiên Chúa hé lộ vinh quang thần linh cho những kẻ được chọn để củng cố họ trong đường lối của Chúa.

Bài đọc 1 trích từ sách Sáng Thế, thuật lại việc Thiên Chúa ký một giao ước với ông Abram (lúc này chưa đổi tên) để củng cố đức tin của ông vào lời hứa của Người hầu tiếp tục hành trình theo Chúa. Lúc đó Abram là một ông già khoảng 80 tuổi, không con… càng theo Chúa thì ông càng già đi mà con cái đâu chưa thấy, nên ông buồn và tỏ bày nỗi lòng cho Chúa: “Lạy Đức Chúa… Chúa sẽ ban cho con điều gì? Con ra đi (theo Chúa) không con cái… Chúa lại không ban cho con một dòng dõi” (x. St 15,2-3). Đáp lại, Chúa bảo ông hãy nhìn lên trời và đếm xem có bao nhiêu ngôi sao và nói “dòng dõi của ngươi sẽ đông đúc như thế” (St 15,5). Abram đã tin và Chúa coi ông là công chính. Vậy con người nên công chính là nhờ ĐỨC TIN, sau này Phaolô xác tín như thế (x. Gl 2,16). Để củng cố thêm đức tin cho ông, Thiên Chúa kết với ông một giao ước bằng cách hiển lộ vinh quang thần linh qua hình ảnh lò lửa rực cháy thiêu đốt lễ vật kết giao ước. Biến cố này đã nâng đỡ đức tin cho Abram, giúp ông theo Chúa đến cùng để chứng kiến được vinh quang phục sinh: sinh Isaac; Và còn hơn thế nữa: cặp vợ chồng tưởng là tuyệt tự lại trở thành cội nguồn một dân đông đúc… khai mở một giai đoạn mới của lịch sử cứu độ.

Tin Mừng thuật lại biến cố Hiển Dung theo Luca. Phêrô vừa tuyên xưng Đức Giêsu là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”, thì ngay sau đó Đức Giêsu loan báo biến cố thập giá. Vậy con đường Đức Giêsu chọn, và cũng là Ý Cha, để biểu lộ Người là Đấng Mêsia, là Con Thiên Chúa, chính là ĐƯỜNG THẬP GIÁ. Thực tế nghịch thường này là khó chấp nhận theo suy tư hạn hẹp của phàm nhân. May cho nhân loại là trong xác phàm, Đức Giêsu đã đón nhận Ý Cha (Mt 26,39). Nhưng còn đoàn môn đệ thì sao? Cần phải có một cái gì đó gây ấn tượng mạnh giúp các ông kiên vững khi biến cố Thập Giá đến. Đức Giêsu ĐÃ HIỂN DUNG.

Trong Luca, ba môn đệ chỉ tham dự chút xíu vào biến cố Hiển Dung lúc Môsê và Elia từ giã ra đi, vì trước đó các ông NGỦ. Nhưng chút xíu đó cũng quá đủ để các ông cảm thấy hạnh phúc và dám bỏ tất cả để được ở lâu trong hạnh phúc đó: “chúng con xin làm ba lều…”. Đó không phải là mục đích. Mục đích của biến cố là lời của CHA: con người Giêsu bình thường như bao con người khác đang ở với các môn đệ chính là CON CHA, là chính Thiên Chúa HÃY VÂNG NGHE Lời Người! Hãy can đảm theo Người đến cùng trên đường Thập Giá: chỉ có Thập giá Đức Giêsu mới đưa ta tới vinh quang thần linh bất diệt.

Bài 2

Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa (c.29) … Và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (c.35).

Năm phụng vụ bước vào Chúa Nhật II C Mùa Chay. Lời Chúa mời gọi tiếp tục suy niệm chủ đề “chiến đấu thiêng liêng” để nhận ra được con người thật, tội lỗi của mình; để vạch mặt mưu đồ, ác tâm của ma quỷ và nhất là nhận ra Tình Yêu của Thiên Chúa luôn quan phòng trên cuộc đời mình và thế giới hầu trở về với Người và được hưởng ơn cứu độ:

  • Chiến đấu để thật lòng trở về với Chúa: “xé lòng chứ không xé áo”; chiến đấu để thành thật với chính bản thân, làm chủ bản thân, chiến đấu để giao hòa lại với tha nhân: bố thí, bác ái, con người là “trợ tá tương xứng” của nhau theo ý Chúa (St 2,18); Chiến đấu để nối lại tình thân, cậy dựa vào Chúa: cầu nguyện (Lời Chúa Lễ Tro).

  • Chiến đấu để nhận ra và tôn thờ Yavê là Chủ Tể mọi loài; Tri ân Người vì bao ân huệ, vũ trụ này Người ban cho ta; Chiến đấu để nhìn ra cội nguồn dân tộc ta là nhờ Chúa gây dựng và ban cho Lề Luật nên biết ơn dâng lễ thờ phượng Người. Chiến đấu để chọn lựa: chọn sống theo Lời Chúa; chọn chỉ thờ phượng Chúa; chọn tín thác, không thử thách Chúa (Chúa Nhật I C Mùa Chay).

Lời Chúa hôm nay, Chúa Nhật II C Mùa Chay tiếp tục mời ta chiến đấu:

  • Chiến đấu để tin vào Lời Chúa hứa cho dù nghịch cảnh bủa vây, cho dù các thế lực địch thù chống phá: chiến đấu để đón nhận Giao Ước của Thiên Chúa, chiến đấu để nên công chính nhờ tin (bài đọc 1 – câu 6), chiến đấu để tin vào Lời Chúa dù trước mắt không còn gì để hy vọng (x. Rm 4,18), nghĩa là dám đặt vận mạng đời mình vào tay Chúa, để Chúa thể hiện dự tính của Chúa trong đời ta như ý Chúa.

  • Chiến đấu để tin vào mầu nhiệm “nhập thể làm người”, “mầu nhiệm Thập Giá, Phục Sinh” của Đức Giêsu. Chiến đấu để xác tín rằng vâng nghe lời của con người Giêsu là con đường đưa tới vinh quang phục sinh. Từ đó chiến đấu chống lại những khuynh hướng thụ hưởng dễ dãi những khoái lạc trần thế chóng qua trước mắt (Lc 9,33). Chiến đấu để dám rời bỏ chốn hoan lạc “thật hay” trên núi (chỉ có ba người được hưởng) để xuống núi cùng với Giêsu lên Giêrusalem hoàn tất mầu nhiệm vượt qua là niềm vui cho toàn vũ trụ, mọi nơi, mọi thời.

BÀI ĐỌC I: St 15,5-12.17-18

Sách Sáng Thế có thể chia làm hai phần chính: 

  • Lịch sử tiên khởi (St 1-11) là suy tư khôn ngoan về “Nguồn gốc vũ trụ và nhân loại” bắt đầu từ sáng tạo cho đến một nhân vật lịch sử là Tera, cha của ông Abram (11,32).

  • Lịch sử các tổ phụ dân Israel (St 12-50). Phần này mở đầu bằng những tích truyện về ông Abram, tiếp theo là Isaac, rồi Giacop, rồi bộ tộc nhỏ bé của Giacop qua Ai Cập tránh nạn đói và kết thúc với cái chết của Giuse bên Ai Cập (50,26).

Trước tiên, Thiên Chúa đến với Abram, mời ông rời bỏ xứ sở, họ hàng để đi đến vùng đất xa lạ mà Chúa sẽ chỉ cho kèm theo một lời hứa về đất, dòng dõi và phúc lành (12,1-3). Dù đã 75 tuổi và không có con, Abram vẫn ra đi (12,4): Trải qua nhiều thăng trầm, thử thách lẫn vinh quang: suýt mất vợ, mất cháu; nhưng nhờ Thiên Chúa can thiệp, ông có lại tất cả, lại còn được nhiều hơn gấp bội (12,10 – 14,16) và nhất là được lời chúc lành của Menkisêđê như là bước đầu Thiên Chúa thực hiện lời hứa (14,17-24). Mặc dù vậy, điều mà Abram mong đợi nhất và là nền tảng cho mọi lời hứa thì hy vọng ngày càng tắt lụi dần: đứa con; hai ông bà đã quá già để có thể có con, tuổi càng cao hy vọng càng tàn lụi.

Dường như ý thức được thân phận của mình, Abram không hề than trách, đòi hỏi Chúa. Nhưng phần Chúa, Chúa không quên lời hứa của Người. Thiên Chúa luôn trung tín: Người đã chủ động đi bước trước đến gặp Abram, nhắc lại lời Người đã hứa, khơi lại hy vọng (15,1). Phần Abram, đây là dịp để ông bộc lộ nỗi niềm với Chúa (15,2-3) rồi được nghe Chúa giải thích, hé mở tương lai, cho thấy điều Người sẽ thực hiện cho ông (15,5); Ông đã tin (15 ,6) và Chúa kết giao ước với ông (15,7-21). Như một khẳng định chắc chắn lời hứa sẽ được thực hiện.

Trong khung cảnh ấy, bài đọc một thuật lại trích đoạn nói về việc Chúa hiện ra tỏ cho Abram thấy vinh quang của Người để củng cố đức tin cho ông bằng cách nhắc nhở lại lời Người đã hứa và nhất là biểu lộ quyết tâm và lòng trung tín của Người qua một giao ước đơn phương: trong nghi thức kết giao ước, Abram đã ngủ, chỉ một mình Thiên Chúa đơn phương, dưới dạng ngọn lửa đến đốt thiêu các hi lễ hiến tế, một mình đảm nhận việc thực thi giao ước. Giao ước ấy bảo đảm cho tương lai tươi sáng của Abram dù hiện tại vẫn còn phủ đầy bóng tối: son sẻ, tuổi già, vô sinh. Abram phải chiến đấu để ngay trong nghịch cảnh của mình, không còn hy vọng dưới cặp mắt phàm nhân, vẫn tin rằng Chúa thực hiện được điều Người đã hứa (Rm 4,18; Lc 1,37).

Để làm nổi bật chủ đề của Chúa Nhật II C Mùa Chay: Thiên Chúa biểu lộ vinh quang để củng cố đức tin cho con người đang trong cơn cùng khốn hiện tại, đang bị nghịch cảnh làm cho tuyệt vọng; Bản văn bài đọc một bỏ đi phần tiên báo về số phận tương lai hậu duệ Abram (St 15,13-16)

1/ Tình trạng tuyệt vọng của Abram (St 15, 2-3)

Đoạn văn này không được trích đọc trong phụng vụ, nhưng cũng nên suy niệm để làm nổi bật chủ đề: Chúa tỏ vinh quang và lòng tin của Abram.

*Abram hoàn toàn tuyệt vọng về tình trạng vô sinh của ông; nhưng ông biết rõ điều đó, ngay trước khi nghe tiếng Chúa gọi. Vì thế ông không hề than trách hay đòi hỏi gì nơi Chúa. Tuy nhiên ông không thể che dấu được nỗi thất vọng, kể cả tuyệt vọng của ông được lộ rõ qua lời ông thân thưa với Chúa: “Chúa coi, Chúa không ban cho con một dòng dõi, và một gia nhân của con sẽ thừa kế con”. Trong cơn tuyệt vọng, ông đưa ra giải pháp chấp vá mà ông không hề mong đợi: một gia nhân của ông sẽ thừa kế.

*Nhưng Thiên Chúa đã đến giải cứu ông khỏi tâm trạng tuyệt vọng bằng cách nhắc lại lời hứa của Người. Và Abram đã tin vào lời hứa đó, và có được kết quả tốt đẹp. Kinh nghiệm xương máu này đã đưa Abram đến xác tín thẳm sâu rằng tất cả đều là hồng ân của Chúa, mọi sự ông có đều là ân huệ Chúa ban. Do đó ông sẵn sàng dâng tất cả lại cho Chúa dù lý trí hoàn toàn tăm tối (hiến tế Isaac). Điều Chúa cần nơi con người là lòng tín thác, tin tưởng tuyệt đối vào Tình Yêu, đường lối của Chúa.

2/ Vực dậy lòng tin: Thiên Chúa nhắc lại lời hứa về dòng dõi (15,5-6)

*Thiên Chúa đi bước trước đến với Abram tự ý nhắc lại lời hứa dù Abram không kêu nài: Người mời ông đếm sao trên trời và HỨA ban cho ông dòng dõi đông như thế. Và Abram đã TIN vào Lời Chúa.

*TIN: điều Thiên Chúa cần nơi con người là TIN vào Lời Chúa. Trong vườn Eden, Adam mất tất cả chỉ vì không tin vào Lời Thiên Chúa. Để tái thiết cần phải có những con người đức tin dám tín thác tuyệt đối vào Lời Thiên Chúa. Thiên Chúa tìm chọn người và huấn luyện, đào tạo đức tin. Mọi thử thách, nghịch cảnh là để tôi luyện đức tin. Abram đã đáp lại được kỳ vọng của Thiên Chúa.

*“Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó”: Abram chỉ mong có được một mụn con, Thiên Chúa hứa ban cho cả một dòng dõi. Và dòng dõi ấy không bị giới hạn bởi huyết nhục, bởi không gian, thời gian, quốc gia, chủng tộc…. mà bao trùm cả thế giới và toàn thể dòng lịch sử: ông là CHA CÁC KẺ TIN.

3/ Củng cố đức tin: nhắc lại lời hứa về “đất” (15 ,7-8) 

Trong tư cách là Yavê, Đấng đã đưa Abram ra khỏi thành Ur của người Canđê, Thiên Chúa đã nhắc lại điều Người đã hứa liên quan tới vùng đất “Ta sẽ chỉ cho”. Giờ đây Abram đang đứng trên vùng đất đó và Chúa nhắc lại sẽ “ban đất này cho Abram làm sở hữu”.

Từng bước một, Thiên Chúa dẫn Abram vào giao ước, một tương giao thân tình sâu xa, bền vững hơn, có ý thức hơn với Thiên Chúa.

*Ta là Yavê (ĐỨC CHÚA): đây là công thức kiểu mẫu dùng làm nhập đề cho một giao ước thường thấy trong các bản văn vùng Cận Đông vào giữa thiên niên kỷ thứ hai trước công nguyên.

Các nước mạnh khi muốn thông giao kết ước với nước nhỏ hoặc chư hầu thường mở đầu văn bản khế ước bằng việc nhắc lại các ân huệ, các giúp đỡ đã làm cho đối tác trong quá khứ. Điều đó hàm ý nếu đối tác nhận kết ước và tuân giữ thì hiện tại và tương lai sẽ được bảo đảm tốt đẹp nhờ minh chủ ưu ái chở che (Monique Piettre – “Comprendre la Parote” năm C tập 2 trang 36). Giao ước Sinai cũng được làm theo cách thức như thế: Yavê nhắc lại các kỳ công đã làm cho dân (Xh 19,4), rồi tỏ mình là “Ta là Yavê” để kết ước (Xh 20,2; Đnl 5,6). Điều Chúa sắp ban trong hiện tại cho Abram và trong tương ai cho hậu duệ là mảnh đất mà Abram đang đứng trên đó. Điều gì bảo đảm cho lời hứa đó?

 *“Làm sao mà biết là con sẽ được đất này làm sở hữu?” (c. 8)

Yavê hứa đất này cho Abram (c. 7) và cho cả con cháu của ông nữa (c.18). Abram tin, nhưng ông muốn rõ thêm “bằng cách nào?”. Chúa đáp bằng kết giao ước để bảo đảm cho lời Người hứa chắc chắn sẻ được thực hiện. Trong cuộc sống nhân loại, các loại giao ước chính là phương thế tạo nên tính khả tín của các thể chế xã hội tôn giáo: hôn ước, lời khấn dòng, các giao kèo…

Vậy giao ước trở thành dấu chỉ bền vững muôn đời cho mọi kẻ tin. Họ có thể an tâm dựa vào đó mà dấn thân theo Thiên Chúa bất chấp mọi thử thách, yếu đuối, phản bội có thể có. Và nét đặc biệt của giao ước này với Abram là giao ước một chiều, đơn phương: lúc kết giao ước Abram ngủ (c.12). Chính vì thế mà sau này Israel can đảm xin Chúa thứ tha cho dù tội có lớn đến đâu đi nữa; vẫn kiên trì hy vọng dù trước mắt chỉ thấy bóng đen. Giao ước này báo trước giao ước chung cuộc trong máu Đức Giêsu.

4/ Kết giao ước:

  *Sáng kiến kết giao ước là của Thiên Chúa; Nhưng con người cũng phải góp phần tích cực cho công cuộc kết ước:

  –  Abram đã tuân lệnh Chúa đi chuẩn bị lễ vật: tìm đủ lễ vật rồi sát tế chúng theo đúng lệnh truyền của Chúa (câu 9. 10)

– Ngay sau đó Abram phải chiến đấu chống lại sự phá hoại của sự dữ: có những mãnh cầm sà xuống định tha đi các lễ vật, Abram phải chiến đấu đuổi chúng đi (c. 11).

“Mãnh cầm” là biểu tượng quyền lực sự dữ, quyền lực Satan ma quỷ. Chúng muốn cản phá việc kết ước. Các câu 13-16 (không đọc trong bài 1) là một minh họa cụ thể việc cản phá của chúng trong dòng lịch sử: dân Do Thái suýt bị diệt chủng bên Ai Cập. Chúng điên cuồng cản phá và rồi cuối cùng vẫn thua cuộc với Thập Giá của Đức Giêsu. Phần nhân loại phải liên tục chiến đấu với chúng để giữ giao ước với Chúa.

*Nghi thức kết giao ước

Theo nghi thức kết giao ước thời đó, hai bên đối tác phải đi ngang qua giữa những con vật hiến tế đã bị xẻ đôi, vừa đi vừa đọc một lời nguyền. Ai vi phạm điều đã cam kết thì số phận sẽ ra như các con vật bị sát tế (x. Gr 34,18-20). Riêng các con chim thì bị xẻ ra làm hai ở giữa hai cánh, nhưng không tách hẳn ra theo quy định trong Lv 1,17. Thế nhưng khi kết ước thì Abram NGỦ.

* Abram NGỦ: trước một thời điểm long trọng như vậy làm sao ngủ được? Đây chỉ có thể là tác động của một quyền năng thần linh (x. St 2,21). “Giấc ngủ” chỉ tình trạng bỏ ngõ của con người cho Thiên Chúa tự do hành động: hàm ý rằng con người không thể chứng kiến trực tiếp hành động của Thiên Chúa, nhưng chỉ có thể biết được Chúa có hành động nhờ thấy được kết quả, hoa trái của hành động ấy (x. St 2,21-23).

Ngoài ra trong Kinh Thánh, “giấc ngủ” còn ám chỉ đến cái chết (G 14,10 -12; Gr 51,39.57; Đn 12,2; Ga 11,11-13). Tóm lại các yếu tố: “mãnh cầm”, “lúc mặt trời lặng”, “giấc ngủ” đều gợi lên, tiên báo Thập Giá.

*Thiên Chúa đơn phương kết giao ước:

“Lửa, Khói” là dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện. Chỉ có một mình Thiên Chúa băng qua giữa các tế vật. Đây là kết ước đơn phương, đúng hơn đây là một lời thề hứa: Thiên Chúa đơn phương đảm nhận vận mạng của Abram và hậu duệ (x. CGKPV “NGŨ THƯ” Trang 66 nốt “m”). Thiên Chúa chỉ cần lòng tín thác vào Chúa từ phía con người. Đây chỉ mới là hình ảnh báo trước điều mà Thiên Chúa sẽ thực hiên một cách quyết liệt và dứt khoát trong Đức Giêsu: Thập Giá là sáng kiến đơn phương từ phía Thiên Chúa; Phần con người chỉ mở lòng đón nhận đề sáng kiến ấy của Thiên Chúa sinh hoa kết trái nơi mình: TIN (Gl 2,16).

TIN MỪNG: Lc 9,28b-36

Sau khi tỏ cho môn đệ biết Người là Đấng Mêsia (9,18-21), Đức Giêsu bắt đầu mặc khải trực tiếp mầu nhiệm Thập Giá (9,22) đồng thời mời gọi các môn đệ bước theo, đón nhận Thập giá làm gia sản của mình (9,23-26). Luca bỏ đi những phản ứng tiêu cực của Phêrô trước mặc khải Thập giá và lời trách mắng của Đức Giêsu. Lời mời gọi vác Thập giá mình mỗi ngày theo Đức Giêsu được kèm theo lời hứa cho một số người được thấy Nước Thiên Chúa trước khi chết (x. 9,27 và nốt g CGKPV). Ngay sau đó là cuộc Hiển Dung cho ba môn đệ như là một minh họa phần nào cho lời hứa trên. Đây là ba chứng nhân sẽ chứng kiến cảnh hấp hối của Đức Giêsu trong vườn Cây Dầu (Luca không có chi tiết này, nhưng thay vào đó là tất cả môn đệ: 22,39-46). Họ được chuẩn bị để đương đầu với sự hung tàn của Thập giá với hy vọng là vẫn giữ được niềm tin để vượt qua bóng đêm đạt tới vinh quang phục sinh.

Trong tinh thần phụng vụ Chúa Nhật II Mùa Chay, Tin Mừng của cả ba năm ABC đều chọn trình thuật Hiển Dung như là chuẩn bị xa để đón nhận Thứ Sáu Tuần Thánh trong niềm tin hầu hưởng trọn được niềm vui ngày Phục Sinh vinh hiển.

1/ Khung cảnh của biến cố (28b)

* Đức Giêsu đưa ba môn đệ lên núi với Người để cầu nguyện

“NÚI”: đặt trong văn mạch của trình thuật, Núi là nơi Thiên Chúa tỏ mình ra cho tuyển nhân và trao cho họ sứ mạng, đặc biệt là hai trường hợp của Môsê (x.Xh 3,1-12) và Êlia (x. 1V 19,8-18). Theo chiều hướng đó, sự có mặt của Môsê và Êlia trong trình thuật này là để “nói về cuộc xuất hành Đức Giêsu sắp hoàn thành tại Giêrusalem”.

“…lên núi để cầu nguyện”: đó là chủ đích khi Đức Giêsu mang ba môn đệ theo mình. Qua cầu nguyện Đức Giêsu nhận ra sứ mạng thật của Người tại Giêrusalem. Người muốn các tuyển nhân cầu nguyện để thông hiệp với Người trong sứ mạng. Tiếc thay họ ngủ. Cũng như sau này trong vườn Ôliu (x. 22,39-40). Rốt cuộc khi Thập giá đến, họ bỏ chạy tất cả.

Thế nhưng khi vừa tỉnh dậy, nhìn thấy chút vinh quang của Đức Giêsu thì các ông lại muốn bám víu luôn vào đó; Tuy nhiên ước muốn đó (hưởng vinh quang mà không qua thập giá) đã không được đáp ứng. Chỉ đến khi các ông BIẾT CẦU NGUYỆN (x. Lc 24,53; Cv 1,14) và nhận được Thánh Thần thì ân huệ phục sinh mới luôn ở mãi với các ông dù vai vẫn còn mang Thập giá.

2/ Cuộc Hiển Dung (29,32)

*Thời điểm: “đang lúc Người cầu nguyện”
*Diễn tiến: – Dung mạo Người đổi khác

– Y phục trở nên trắng tinh chói lòa
– Có Môsê và Êlia hiện ra rạng ngời vinh hiển đàm đạo với Người.

*Nội dung: “nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem”
*Tình trạng các môn đệ: 

– Các ông ngủ mê mệt: không chứng kiến được diễn tiến, không nghe cuộc đàm đạo.
– Tỉnh dậy chỉ thấy vinh quang của Đức Giêsu và thấy Môsê, Êlia đứng cạnh Đức Giêsu.

Các câu 29 và 32a: trong lúc Đức Giêsu cầu nguyện, dung mạo Người đổi khác… thì ba môn đệ đang ngủ: Trong khi đó Mt 17,2a và Mc 9,2b lại viết “Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Đối với Luca, Hiển Dung là một kinh nghiệm riêng biệt của Đức Giêsu (CGKPV “Tân Ước” 300, h). Việc Hiển Dung là một đáp trả, chuẩn nhận của Cha trước lời cầu nguyện của Đức Giêsu (hai lần khác, lúc Đức Giêsu cầu nguyện có nội dung liên quan trực tiếp đến sứ mạng của Người đều có sự can thiệp chuẩn nhận từ thiên giới: chịu phép rửa tại sông Giodan và trong Vườn Cây Dầu): Trong thân phận phàm nhân, Đức Giêsu cũng cần được nâng đỡ, khích lệ để có thể chiến thắng nỗi sợ Thập Giá.

Luca không nói Đức Giêsu “biển đổi hình dạng” như trong Matthêu và Marcô. Vì độc giả của ông theo văn hóa Hi Lạp. Cách nói ấy khiến họ có thể hiểu lầm Đức Giêsu thay đổi hình dạng, mượn một thân xác giả để hành động tạm một thời gian thôi. Thực ra Đức Giêsu hé cho thấy một chút thiên tính của Người hiện còn đang tạm ẩn dấu trong nhân tính.

“Y phục trắng chói lòa”: hình ảnh biểu tượng được dùng diễn tả một thực tại thuộc thế giới thần thiêng (x. Đn 7,9; 10,5.6; Lc 24,4; Kh 1,13).

Hai nhân vật đại diện Cựu Ước đàm đạo với Đức Giêsu: nơi Người lịch sử cứu độ đạt tới mức chung cuộc và có sự liên tục thống nhất của dòng lịch sử cứu độ. Vinh quang của hai vị cho thấy họ đã thuộc về thế giới thần thiêng, thế giới của Thiên Chúa (x. CGKPV Tân Ước trang 300 nốt m). Nội dung đàm đạo là Thập Giá (nốt n).

Trong khi đó các môn đệ ngủ. Vậy theo Luca, cuộc Hiển Dung là dành riêng cho Đức Giêsu giúp Người xác tín hơn vào con đường Thập giá. Thực ra khi Môsê và Êlia nói về “cuộc xuất hành của Đức Giêsu” không có nghĩa là các ông mặc khải con đường Thập giá cho Người vì Người đã quá biết và đã loan báo cho các môn đệ. Các chi tiết trong các câu 29-31 nhằm nói lên rằng vinh quang Thập giá và phục sinh của Đức Giêsu là một dự tính của Thiên Chúa đã được Luật và Ngôn Sứ chuẩn bị từ trước. Vậy những gì Đức Giêsu biết và loan báo là hoàn toàn phù hợp thánh ý Thiên Chúa. Xác tín ấy nâng đỡ nhân tính Đức Giêsu khi phải cụ thể đối đầu với thập giá. Đừng quên là trong Luca, tại vườn Ôliu Đức Giêsu đã chiến đấu đến “đổ mồ hôi máu”, cần có sự hiện diện của thiên thần để chọn theo ý Cha.

3/ Phản ứng của Phêrô (33)

*Thời điểm: “lúc hai vị này từ biệt Đức Giêsu”.
*Ước nguyện muốn bám víu ở lại trong tình trạng này: 

“chúng con ở đây thật là hay chúng con xin làm ba lều…”

*Và quá phấn khích đến độ “ông không biết mình nói gì”

Thời điểm Phêrô lên tiếng: trong Matthêu và Marcô, ba tông đồ chứng kiến sự kiện Hiển Dung ngay từ đầu và ngay tức khắc Phêrô “xin dựng lều”; Còn ở Luca, khi biến cố xảy ra, các ông ngủ và chỉ thức dậy vào phút chót, lúc Môsê và Êlia sắp ra đi. Lời Phêrô như là một níu kéo lại cái cảnh huy hoàng mà các ông chỉ thấy được trong một khoảng thời gian quá ngắn. Thái độ bám víu này sẽ còn gặp lại ở hai môn đệ làng Emmau: họ nài xin muốn giữ Người lại, muốn tận hưởng thêm niềm an ủi được nghe Đức Giêsu giảng giải Kinh Thánh mong lấp đi nỗi buồn thập giá (24,29). Quả là một bám víu hão huyền khi muốn tận hưởng vĩnh viễn vinh quang phục sinh mà trong hiện tại lại không muốn đi con đường thập giá.

Các môn đệ không hiểu ý nghĩa của biến cố: còn muốn níu kéo cái vinh quang trước mắt. Luca xem đó là một khát vọng của vô thức: đó là cơn cám dỗ muôn đời muốn giữ riêng Đức Giêsu vinh hiển cho riêng mình (x. Lc 4,42; 9,49.54); khuynh hướng tự nhiên của con người là muốn trốn Thập giá, trốn thực tại phải chiến đấu, phải “xuất hành”, muốn ở lì trong thụ hưởng, muốn “ăn trái cấm” để hưởng lạc cho mau cách dễ dãi. Cần Thiên Chúa can thiệp giải cứu khỏi nguy cơ ấy: cuộc thần hiện tiếp sau là cho môn đệ.

4/ Cuộc thần hiện (34-36)

*Dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện: “có một đám mây bao phủ các ông” (34a)
*Phản ứng phàm nhân: “hoảng sợ khi thấy mình vào trong đám mây” (34b)
*Sứ điệp thần linh được mặc khải: “từ đám mây có tiếng phán”

Nội dung: “Đây là Con Ta, Người được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (35)

*Kết thúc: tiếng phán vừa dứt, chỉ còn lại một mình Đức Giêsu (36a)
*Sự thinh lặng của ba môn đệ trước những điều đã thấy, không kể lại cho ai (36)

(Xem chú thích CGKPV Tân Ước trang 117 nốt x, y, a)

“Hoảng sợ” ở đây mang tính linh thánh: đó là phản ứng của con người đứng trước Thiên Chúa uy linh, thánh thiện. Lẽ ra họ phải chết. Việc họ còn sống hàm ý họ được trao cho một sứ mạng liên quan tới điều họ đang được thấy: làm chứng nhân.

“Người Ta tuyển chọn” gợi Is 49,7: Người Tôi Tớ Giavê cứu thế bằng sự đau khổ và cái chết của mình.

“Hãy vâng nghe Lời Người” gợi Đnl 18,15.18: Vị ngôn sứ thời cánh chung mà Thiên Chúa hứa ban cho Dân Người.

Vậy nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã hoàn tất mọi lời hứa. Vinh quang cánh chung đã tới rồi nơi Thập giá và phục sinh của Đức Giêsu.

Cuộc thần hiện này là dành cho môn đệ nhằm khích lệ các ông tin vững vào Đức Giêsu, luôn vâng phục Người cho dù sau này chứng kiến Thập giá. Chính vị bị đóng đinh ấy chính là Con Thiên Chúa mà hôm nay các ông đã thoáng thấy vinh quang.

Sự thinh lặng của các môn đệ: khác với Matthêu và Marcô. Luca không nói tới lệnh Đức Giêsu cấm không thuật lại điều đã thấy, nhưng Luca nói các ông môn đệ tự động nín thinh. Các ông phải nín thôi vì có biết gì mà nói. Theo Luca, rõ ràng biến cố biến hình là dành riêng cho Đức Giêsu: lúc diễn ra những nét trọng yếu thì các ông đều ngủ, khi tỉnh dậy thì chỉ còn thấy chút còn sót lại của hồi kết thúc; Còn việc thần hiện thì đâu có gì lạ vì đám đông cũng đã được chứng kiến một lần rồi lúc Đức Giêsu chịu phép rửa.

Tuy nhiên cũng có thể nhìn sự thinh lặng này dưới một góc cạnh khác: theo cách trình bày riêng của mình, Luca phân biệt rõ ràng thời của Đức Giêsu thi hành sứ mạng với thời các tông đồ loan báo mầu nhiệm, Tin Mừng Đức Giêsu Kitô. Bây giờ các ông cứ im vì chưa tới lúc các ông – Phải chờ giờ của Chúa.

Mặt khác Luca (Matthêu, Marcô không có) muốn lưu ý đến nội dung của cuộc đàm đạo giữa Đức Giêsu – Môsê – Êlia về cuộc Xuất Hành của Đức Giêsu. Về điểm này các môn đệ không nghe, không thấy; Và dù có nghe, có thấy thì cũng chẳng hiểu gì (xem 9,45; 18,34: chỉ riêng Luca nói là các môn đệ không hiểu), do đó “im lặng” là phải thôi. Chỉ đến khi Đức Giêsu chết, phục sinh và trao ban Thánh Thần lúc ấy các ông mới sáng ra, mới nhớ lại Lời Chúa, phối hợp lại các dữ kiện quá khứ, hiểu ra và lúc ấy mới loan báo.

TÓM KẾT

Với Đức Giêsu, Hiển Dung là một xác nhận của Cha về con đường thập giá mà Đức Giêsu đã chọn. Cha cho nhân tính Đức Giêsu được thấm nhuần, bộc lộ trọn vẹn vinh quang thiên tính ngay đang khi còn phải đối đầu với “cuộc xuất hành tại Giêrusalem”. Điều này khẳng định dứt khoát Thập giá là con đường duy nhất đưa tới vinh quang, vinh quang trọn vẹn vĩnh cửu, mang tính thần linh.

Cũng trong ý tưởng củng cố đức tin, các môn đệ – dù còn “mê ngủ” – cũng được thông phần chiêm ngắm vinh quang thiên quốc nơi nhân tính của Thầy họ. Đối với các ông, Hiển Dung xác nhận lời tuyên tín của Phêrô trước đây là đúng, đồng thời khẳng định lời loan báo thập giá của Đức Giêsu là không thể đổi thay. Vậy Hiển Dung là chuẩn bị các ông đối đầu với thập giá TIN và VÂNG NGHE Đức Giêsu là tuyệt đối cần thiết.

Frère Pierre Đình Long FSC