Bài 1
Br 5,1-9; Lc 3,1-6
Chủ đề: Hãy chuẩn bị tâm hồn, sẵn sàng đón ơn cứu độ.
* Br 5,1: Hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho ngươi.
* Lc 3,4.6: Hãy dọn sẵn con đường cho ĐỨC CHÚA, sửa lối cho thẳng để Người đi… Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Chúng ta bước vào Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng. Lời Chúa tuần I đã cho chúng ta thấy nguyên do cũng như đối tượng của việc mong đợi của nhân loại. Lời Chúa hứa trở thành nguồn sống, niềm hy vọng của con người trong cảnh khốn cực. Và Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối trung tín, đã từng bước một, thực thi lời hứa của Người trong dòng lịch sử nhân loại: Đấng “đạp đầu Rắn” đã xuất hiện, Vị Cứu Tinh nhân loại bao năm đợi trông đã tới. Người chính là Đức Giêsu, là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể đảm nhận nhân tính để phục hồi và đưa nhân tính tới mức độ hoàn hảo theo như Thánh Ý Thiên Chúa. Người đã mở ra lại cửa Nước Trời và chỉ ra một con đường chắc chắn dẫn nhân loại về lại Nhà Cha. Rồi Người đi trước dọn chỗ và HỨA sẽ trở lại đem chúng ta theo Người để Người ở đâu thì chúng ta cũng ở đó với Người (x. Ga14,1-3)
Tin vào LỜI HỨA của Đức Giêsu, Tin vào đường lối hành động của Thiên Chúa đã được tỏ bày rõ ràng trong dòng lịch sử nhân loại, Hội Thánh và các tín hữu sống NIỀM VUI, NIỀM HI VỌNG của Mùa Vọng. “Vui” vì đã có “Chúa – ở – cùng – chúng – ta” ngay tại thế trần còn lắm gian truân này; Đồng thời hi vọng, chờ lúc Đức Giêsu đến đưa tất cả chúng ta và từng người về lại Nhà Cha, tất cả nhân loại sum họp trong đại gia đình con cái Thiên Chúa.
Lời Chúa của Chúa Nhật II C Mùa Vọng nhấn mạnh đến khía cạnh CẬY TRÔNG và đề ra một số hướng dẫn cụ thể giúp tín hữu sống đúng tâm tình Mùa Vọng như Thiên Chúa mong đợi khi sai Đức Giêsu đến làm người cư ngụ giữa chúng ta, chỉ dạy cho chúng ta. Kinh nghiệm mong đợi Chúa của dân Israel luôn là một bài học hữu ích cho chúng ta. Vấn đề không phải là CHỜ CÁCH THỤ ĐỘNG mà là CHUẨN BỊ ĐỂ ĐÓN, sao cho ngày Chúa trở lại, chúng ta “ngẩng đầu lên”, hạnh phúc đón tiếp Người. Tuy nhiên cần phải xác tín cách rõ ràng rằng: Chúa đến là để giải cứu ta khỏi những ảo vọng, cuồng si, nô lệ trần thế, đem ta về lại với Thiên Chúa; Chúa không đến để mị dân, đẩy ta lún sâu hơn vào các thỏa mãn phù vân trần thế. Chúa đến như là chủ nhân đến chỉnh đốn nhà Người; chúng ta đừng biến Chúa thành một “thần đèn” ma thuật để thỏa mãn các dục vọng trước mắt, hủy hoại sự sống vĩnh hằng của chúng ta.
Bài đọc 1 trích từ Sách Baruc ngỏ lời cùng dân Chúa Israel. Mặc dù đã được cứu khỏi cảnh lưu đày, đã được hồi hương, nhưng trong thực tế còn một số lớn dân Chúa vẫn còn phải sống trong cảnh lưu lạc tha hương, xa Đất Hứa, không có Đền Thờ, không có dịp sống niềm vui, tâm tình thờ lạy ĐỨC CHÚA qua các lễ hội tôn giáo, tế tự. Họ khát khao ngày toàn thể dân Chúa được sum họp trong vùng đất linh thiêng mà Chúa đã ban cho tổ tiên họ. Ngỏ lời cùng họ, ngôn sứ Baruc mời họ hãy sống NIỀM VUI VÀ HI VỌNG và nhất là chuẩn bị tâm hồn luôn ở tình trạng sẵn sàng để một khi giờ Chúa can thiệp cứu giúp đến thì ngay tức khắc hân hoan đón nhận hồng ân. Bài đọc 1 mở đầu bằng một lời kêu mời Dân Chúa đổi mới tầm nhìn bằng một hình ảnh biểu tượng đổi thay y phục: hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục và mặc lấy áo vinh quang vĩnh cửu Chúa ban cho (5,1); Bởi vì Chúa sắp can thiệp làm đổi thay số phận: cảnh buồn phiền vì lưu lạc, tha phương lại trở thành phương thế Chúa dùng để làm cho “khắp cả hoàn cầu thấy hào quang rực rỡ của Dân Chúa (5,3). Niềm vui, hi vọng còn được minh họa bằng lời hứa Chúa sẽ đưa đám dân còn lưu lạc, phân tán về sum họp với tư cách như bậc vua Chúa (5,6). Chúa đoan hứa chắc chắn sẽ tạo mọi điều kiện tốt lành để đường về của Dân Chúa tràn ngập niềm vui: Chính Chúa sẽ san bằng gò nổng, lấp đầy lũng sâu… đường về đầy cây bóng mát, đượm ngát hương thơm của quế trầm dưới sự hướng dẫn của ánh sáng Chúa (5,7-9).
Phần Chúa, Chúa làm mọi sự để qui tụ dân; Phần dân, trong hiện tại là Giêrusalem phải “cởi bỏ áo tang chế” để khi niềm vui tới, Dân đang mặc “ánh vinh quang” của Chúa.
Việc Thiên Chúa đã làm để đón Dân Israel hồi hương qui tụ, thì trong Tin Mừng đó là phần Thiên Chúa qua lời Gioan Tẩy Giả, mời tín hữu bắt chước Chúa đổi mới tâm hồn, dọn dẹp con đường nội tâm của hồn mình cho sạch để đón Chúa đến “hãy dọn sẵn con đường cho ĐỨC CHÚA, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Lc 3,4b). Thực ra, Chúa không bắt chúng ta CHỜ nữa, bởi vì Chúa đã đến trong Đức Giêsu, nơi Người “Thiên – Chúa – ở – cùng – chúng – ta” đã là một sự thật. Trái lại Thiên Chúa đang đợi chờ sự đáp trả của ta. Chúa đã dọn đường cho Dân Chúa trở về thì nay Chúa mong ta lấp đầy hố sâu, bạt bằng đồi núi, chỉnh sửa con đường tâm linh cho ngay thẳng… để ĐÓN RƯỚC CHÚA – đang chờ chúng ta – vào nhà mình.
Chúa đang chờ mỗi người mở rộng cõi lòng, để những gì Chúa đã thực hiện cho Dân Chúa sẽ ngay tức khắc thành sự trọn vẹn nơi kẻ tin. Lúc ấy, mọi người, từng người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa NGAY TRONG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI.
Chúa đến để dẫn chúng ta “đi trong hoan lạc… và sự công chính của Thiên Chúa” (Br 5,9, bài đọc 1), Chúa đến để ngay trong trần thế này, chúng ta được “thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,6).
Mùa Vọng, chờ mong Chúa đến! Chúa đến để làm chủ cuộc đời chúng ta. Chúa đến để từ nay “tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đấng Giáng Sinh sống trong Tôi” (x. Gl 2,20).
Bài 2
Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi (c.4b) … Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa (c.6)
Chúng ta bước vào Chúa Nhật II Mùa Vọng. Tâm tình chờ mong Chúa đến và việc sẵn sàng chuẩn bị đón Chúa chắc là đang có trong chúng ta, kẻ ít người nhiều, kẻ hời hợt, người sốt sắng. Tuy nhiên điều quan trọng hơn, thì lắm khi chúng ta quên lãng:
-
Chúa đến với ta trong hiện tại, trong tư cách nào? Chúa đến với ta trong những người bất hạnh, người nghèo… những câu chuyện kiểu đó thì đầy dẫy, nhưng thực sự chúng có tác động gì trên chúng ta chăng? Trong hoàn cảnh dịch bệnh hôm nay, biết bao nhu cầu, biết bao con người đang cần đến những người “Samaritanô nhân hậu”, đang cần đến “hai đồng tiền kẽm” của bà góa, đang cần đến một nhúm bột của bà góa dân ngoại Sarepta, đang cần đến “năm cái bánh và hai con cá” của chúng ta … Chúa đang đến với chúng ta trong tư cách những con người đang cần đến sự nâng đỡ, quan tâm của chúng ta. Vấn đề là ta có nhạy cảm đủ để nhận ra nhu cầu của tha nhân và nhận ra tiếng Chúa đang van nài ta qua họ. Bất kỳ việc gì mà ta làm qua tay Chúa đều có giá trị lớn lao. “Lớn lao” ở đây là góp phần vào công trình của Chúa.
-
Chúng ta cũng ít khi nghĩ đến ĐỘNG CƠ nào thúc đẩy Chúa đến với chúng ta. Khi nói đến Mùa Vọng, chúng ta thường nghĩ rằng chúng ta chờ mong Chúa đến. Cách nói đó dễ kéo chúng ta rơi vào cơn cám dỗ cho rằng chính con người đóng vai trò chủ động: công cuộc, ước mơ là của chúng ta và Chúa đến chỉ là để làm công việc của ông “Thần đèn” thực hiện những gì ta sai bảo theo ý muốn của riêng ta. Chúng ta quên mất rằng tổ tông chúng ta, sau khi sa ngã, đã sợ hãi, trốn tránh Thiên Chúa; Chính Chúa phải đi bước trước tìm đến gặp tổ tông để giúp các vị khắc phục hậu quả và chữa lành tội lỗi.
Vậy động cơ thúc đẩy Chúa đến với chúng ta là vì Chúa công chính, tín trung với dự tính ban đầu của Người: Chúa thấy “hình ảnh của Thiên Chúa” nơi tội nhân bị lem luốc, méo mó, không còn hình dạng là con người nữa nên Chúa đến để chỉnh sửa lại. Cũng như dân Chúa biết mình khổ, biết sẽ diệt vong nhưng vô phương tự mình khắc phục, chỉ biết “kêu trời”, “thở than”, “cam chịu” … May thay Thiên Chúa đã nghe, đã thấy, đã nhớ lại Giao Ước với Abraham, Thiên Chúa biết phương thức khắc phục, Thiên Chúa có phương dược chữa lành (x. Xh 2,23-25; 3,7-10). Như thế, Chúa đã có một dự tính từ muôn đời và đến thời đến buổi thì Người can thiệp để hoàn tất. Thế nhưng nhân loại luôn bị cơn cám dỗ rình rập; nghi ngờ dự tính yêu thương của Thiên Chúa, muốn biến Chúa thành một ngẫu tượng, một “ông thần đèn” đến để ta sai bảo. Và hậu quả của cái nhìn sai lạc ấy – hãy nhìn gương dân Do Thái – là chờ Chúa đến để rồi giết Chúa: khắc khoải chờ mong Chúa hai ngàn năm; ở với Chúa hơn ba mươi năm; được Chúa trực tiếp giảng dạy, chỉ bảo… cuối cùng giết Chúa:
Vậy hãy thanh luyện động cơ chờ Chúa đến: chờ Chúa đến để lắng nghe và làm theo Ý Chúa, chứ không để đòi Chúa thỏa mãn các dự tính của mình. Nguy hiểm của cơn cám dỗ là ở chỗ này: chúng ta thật lòng biết mình có tội; chúng ta chân tâm sám hối muốn trở về với Chúa…; Nhưng chúng ta bị rơi vào cơn cám dỗ muốn giải quyết vấn đề theo kiểu của mình, theo kiểu của “thằng con hoang đàng”, đòi sám hối, về với Cha để “làm thuê”.
Mùa Vọng mời chúng ta về với Chúa để làm con, để nhận lại áo mới, dép mới, nhẫn mới dù ta còn dơ bẩn… Và Chúa muốn, ngay trong hiện tại của trần thế này chúng ta hãy vui hưởng Tình Cha, vào bàn tiệc hồi phục quyền làm con theo lệnh Cha, theo những gì Cha đã xếp đặt từ lâu.
-
Điểm thứ ba, chúng ta cần suy gẫm: mục đích Chúa đến là gì? Chúa đến trần gian còn đầy tội lỗi này là để hoàn thành ý định yêu thương của Chúa ngay tại thế này. Chúa dạy chúng ta phải dọn dẹp, chuẩn bị, sửa đường, khai lối… là mời chúng ta hãy sẵn sàng CỘNG TÁC với Chúa để xây dựng Nước Trời (Chúa sẽ đem tới khi Người đến) tại thế mà nơi trước tiên phải xây dựng là cõi lòng của mỗi người. Chúa không hề đòi chúng ta phải xây dựng một trần thế thật hoàn thiện để khoe với Chúa. Đó là điều không thể được với thân phận và năng lực của con người.
Không ý thức được mục đích Chúa đến, nhân loại dễ rơi vào nguy cơ chia đàn xẻ lẻ, mạnh ai nấy vẽ ra một vương quốc cho riêng mình để rồi khi Chúa đến thì từ chối gia nhập làm thần dân Nước Trời vì mỗi người đã có một “vương quốc” mà mình là “vua”. Coi chừng kẻo rơi vào cơn cám dỗ “biệt phái”: họ sống tốt, giữ luật nghiêm túc thật lòng nhưng họ đã xây nên một “vương quốc vụ luật” theo kiểu họ; Kết quả là họ từ chối vào Vương Quốc do Đức Giêsu mang tới, lại còn cản trở kẻ khác vào (Mt 23,13).
Mùa Vọng là một lời Chúa nhắc nhở chúng ta hãy dán chặt đôi mắt của mình vào Tình Yêu quan phòng bao la của Thiên Chúa để:
– Nhận ra sai trái, tội lỗi của mình
– Tin vào tình yêu tha thứ của Thiên Chúa, đón nhận phương dược chữa lành do Chúa mang đến và đề nghị tặng ban cho ta
– Trong xác tín Chúa ĐANG TỪNG BƯỚC hoàn tất nơi con người tội lỗi của ta công cuộc cứu độ tuyệt vời của Chúa.
Hãy bắt chước tên trộm lành:
– Đăm đăm nhìn Đức Giê su trên thập giá, nhận ra Người vô tội
– Từ đó nhận ra mình thật sự có tội và đáng phạt
– Nhưng cũng nhận ra tình yêu tha thứ của Người (x. Lc 23,34)
– Nên dám phó thác CHỜ ĐỢI phán quyết chung cuộc của Người “ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi” (Lc 23,42)
Và điều tuyệt vời của mầu nhiệm Mùa Vọng – Giáng Sinh không dừng lại ở chỗ “xin Chúa nhớ” mà Người đã đi tới cùng: ĐẾN ở cùng chúng ta.
BÀI ĐỌC I: Br 5,1-9
Sách Barúc là một trong 7 sách thuộc đệ nhị qui điển của giới công giáo. Do Thái giáo không nhận nó vào trong bộ Kinh Thánh TaNaK của họ. Sách này mang tên là Baruc (Br 1,1.3.8). Tuy nhiên các chuyên gia Kinh Thánh nhất trí rằng Baruc (thư ký của Giêrêmia) không thể nào là tác giả của sách này được, vì ông này bị đưa sang Ai Cập cùng với Giêrêmia (x. Gr 43,6-7) nên không thể đọc sách cho vua Giơcôngia (Giơhôgiakhin) đang lưu đày ở Babylon được (x. Br 1,1-3). Thực ra sách Baruc là một tập hợp những bản văn hỗn hợp đến từ nhiều nguồn, nhiều tác giả khác nhau rồi sau đó san định lại.
Cách chung, tạm đồng ý sách được soạn thảo khoảng giữa 300-70 tcn. Sách được viết cho các người Do Thái đang tản mác khắp nơi. Tác giả khuyến khích họ trung thành với Thiên Chúa, Đấng đã tuyển chọn họ và ban đất hứa cho họ, cùng với Lề Luật, Đền Thờ… Vì vậy lòng họ luôn hướng về Thành Thánh, khắc khoải chờ mong ngày đoàn tụ thờ phượng Chúa, đúng theo luật Môsê, tại Đền thờ. Trong khi chờ Chúa thực thi hồng ân đó, họ dù đang sống tha hương, giữa lòng dân ngoại, phải luôn tin tưởng và sống Lề Luật, sự khôn ngoan mà Chúa đã ban cho dân họ. Đó là phương dược tuyệt hảo giúp họ giữ vững căn tính dân tộc lẫn tôn giáo giữa bao cám dỗ, lôi cuốn trong đất lưu đày hoặc trong nơi họ đang bị phân tán.
Đối với Do Thái giáo, phải sống xa Đất Hứa, xa Đền Thờ, không được trực tiếp tham dự các nghi thức phụng tự thờ phượng Thiên Chúa tại Thánh Điện… là những thiệt thòi nhức nhối, như là đang sống trong bóng đêm, trong tang chế… Họ khắc khoải mong ngày sum họp toàn dân tại Giêrusalem và thờ lạy Thiên Chúa trong Thánh Điện.
Baruc nhắc cho dân: vì tội của họ mà họ phải bị phạt (4,5-9a); Nhưng phạt chỉ là giải pháp tạm thời giúp dân tỉnh thức; Thiên chúa cứu dân biến sầu đau thành niềm vui, ban chọ họ hạnh phúc là chính Chúa (4,17-29); Niềm vui, hạnh phúc được gieo cho họ ngay lúc họ còn trong tình trạng bất hạnh, thiệt thòi. Chúa mời họ thay đổi não trạng, tin vào lời hứa của Chúa và thể hiện lối sống mới ngay trong những khổ đau hiện tại (4,30 – 5,9). Một phần của đoạn cuối này được chọn làm bài đọc 1.
Bài đọc 1 gồm 2 lời hứa Chúa ngỏ cùng Giêrusalem là Chúa sẽ can thiệp thay đổi vận mạng của dân, chính vì thế Chúa muốn và chờ đợi dân hãy biểu lộ niềm vui của người được đầy ân sủng ngay lúc thực tại bên ngoài vẫn chưa thấy gì đổi thay. Mùa vọng, Thiên Chúa mời ta tín thác để Chúa từng bước một thực hiện nơi chúng ta điều Chúa hứa bất chấp nghịch cảnh trước mắt.
1/ Lời hứa 1: Chúa cho đổi đời (Br 5,1-4)
*“Cởi bỏ”, “Mặc lấy” (c.1); “khoác vào mình”, “đội trên đầu” (c. 2) là những động từ gợi lên việc thay đổi y phục. Theo Kinh Thánh, y phục biểu tượng cho nhân cách của người mang nó; Y phục được coi như dấu chỉ của nhân vị trong đồng nhất tính và cá biệt tính của nó (ĐN TH TK “Y phục”). Cởi y phục tang chế để mặc lấy ánh vinh quang… nói lên sự thay đổi tốt đẹp, số phận được thăng hoa.
*Các cụm từ: “ánh vinh quang vĩnh cửu” (c.1), “áo choàng công chính”, “triều thiên vinh quang” nói lên số phận huy hoàng, hạnh phúc trường tồn của Giêrusalem. Nhưng hạnh phúc đó không phải là hoa trái của công nghiệp con người, chúng không là sản phẩm của phàm nhân, trần thế mà là ân huệ nhưng không đến từ Thiên Chúa. Thật vậy:
– “ánh vinh quang vĩnh cửu” là do “Thiên Chúa ban cho ngươi” (c.1)
– “áo choàng công chính” là “của Thiên Chúa” (c.2)
– và “triều thiên vinh quang” là do “Đấng Vĩnh Hằng ban tặng” (c.2)
*Vậy cội nguồn của sự đổi đời, của sự khao khát đợi trông bắt nguồn từ dự tính, lời hứa của Thiên Chúa. Và con người chờ Chúa đến để Chúa hoàn tất lời hứa của Người nơi chúng ta. Mùa Vọng không phải là mùa chúng ta ngồi “vẽ ra” những mơ ước phàm tục rồi nài xin Chúa đến làm “ông thần đèn” nghe lời ta sai bảo.
*Và phần Chúa, Chúa cũng mong đợi nơi ta một điều: hãy để Thiên Chúa làm chủ cuộc đời ta. Cụ thể trong bài đọc 1 hôm nay, đó là “cởi bỏ đi áo tang khổ nhục”. Chúa mời gọi chúng ta điều gì?
Khi Chúa đưa ra lời hứa trên thì dân Chúa vẫn còn ở trong tình trạng cùng khốn: khốn về mặt thể xác, khốn về mặt tâm linh và cùng khốn cả trong niềm tin, trong tương quan với Thiên Chúa. Người ta tưởng rằng Chúa đã bỏ nhân loại, đã bỏ dân rồi; người ta chỉ sống cho qua ngày cái kiếp nô lệ, tìm an thân được chút nào hay chút nấy và cuối cùng là diệt vong: diệt vong cả thể xác lẫn nhân cách, không còn ý thức mình là con người có phẩm giá, nhân vị nữa. Đúng là đang sống trong bầu khí tang chế, cái chết đang bao trùm, thống trị.
Khi lời hứa của Chúa vang lên thì thực trạng vật chất trước mắt chưa thay đổi được ngay đâu. Nhưng vấn đề là sự ý thức về tự do, nhân vị, vị trí của mình trong chương trình của Thiên Chúa đã chỗi dậy trở lại, đã bắt đầu hồi phục: Cởi bỏ khỏi não trạng của mình cái tầm nhìn bị Thần Chết khống chế và hồi sinh ơn gọi “hình ảnh Thiên Chúa” nơi ta.
Lời Chúa hứa khôi phục lại niềm tin, Chúa giải phóng tâm hồn trước. Giải phóng bằng cách mời tin vào lời hứa của Chúa (đừng quên một nét căn bản của tội nguyên tổ là nghi ngờ lời Chúa phán).
*Một dấu chỉ khác của đổi đời là Chúa “đổi tên” Giêrusalem. Tên mới cũng đến từ Thiên Chúa, là tên do Chúa đặt cho (c.4). Khi đặt tên mới cho thành là Chúa hứa sẽ can thiệp thay đổi vận mạng của thành, đồng thời việc đổi tên cũng hàm chứa một đợi trông của Chúa nơi thành, và đó cũng là sứ mạng Chúa trao cho thành: bình an và vinh quang Chúa ban cho thành, thành phải giữ gìn, phát huy để chúng được vững bền mãi mãi bằng cách “sống công chính” và “có lòng kính sợ Thiên Chúa”.
2/ Lời hứa 2: quan phòng, tôn vinh (Br 5,5-9)
Chúa hứa sắp can thiệp thực hiện kỳ công và mời Giêrusalem hãy sẵn sàng để chiêm ngắm và đón nhận:
*HỨA: “Kìa xem, con cái ngươi từ đông sang tây tụ họp về theo lời Đấng Thánh đã truyền dạy” (c.5); Và tư cách lúc Thiên Chúa đưa chúng về lại với ngươi là chúng sẽ được xem như hoàng tộc: “chúng được kiệu đi vinh quang rực rỡ khác chi một ngai vàng” (c.6)
Đó là điều Thiên Chúa hứa cho Giêrusalem là sẽ làm cho con cái lưu lạc của thành khi trở về: lúc đi thì như tội nhân, lúc về được đón như thành phần của hoàng gia. Hãy nhìn vào “đứa con hoang đàng” (Lc 15,22-24) và “tên trộm lành” (Lc 23,43) mà hiểu và tin vào Lời Chúa hứa.
Và Thiên Chúa cũng hứa tạo những điều kiện thuận lợi nhất để cho lộ trình trở về của con cái Giêrusalem được an bình hạnh phúc (5,7-9).
*Điều Chúa mong đợi nơi Giêrusalem (Br 5,5a)
– “Hãy vùng lên”: ngược lại với tư thế “cúi đầu, khòm lưng, khúm núm” của kẻ lưu đày, tù nhân, nô lệ, không thể ngẩng cao đầu của thời xa xưa. Này Giêrusalem được mời gọi đứng thẳng người lên tức là được hồi phục phẩm vị, tự do (Is 47,1) (CGKPV – “Các Sách Ngôn Sứ”, 1996 trang 177 nốt “b”, “c”)
– “Đứng ở nơi nao…” trước tiên là để nhìn thấy được con cái trở về ngay từ xa…; Và dám đứng nơi cao mọi người đều thấy cũng là thái độ của người tự do, có vị thế.
Vậy thái độ “vùng lên”, “đứng ở nơi cao” là cách diễn tả khác của cách nói “cởi bỏ áo tang”.
Bài đọc 1 hôm nay nhắc lại cho chúng ta dự tính của Thiên Chúa và những gì Chúa hứa thực hiện cho chúng ta; Đồng thời mời chúng ta tin tưởng phó thác, kiên trì chờ giây phút Chúa hoàn tất công trình bằng sự cộng tác nhỏ bé, hoán cải mỗi ngày của chúng ta theo đường lối Chúa. Thiên Chúa đang từng bước một hoàn tất công trình vĩnh cửu của Người. Mỗi người chúng ta hãy là cộng tác viên tích cực của Chúa vào từng thời điểm Chúa kêu mời, để những “cái chấm” nhỏ bé, tốt đẹp của chúng ta được Chúa sử dụng và nối kết với nhau tạo nên đoạn thẳng cứu độ của Người.
TIN MỪNG: Lc 3,1-6
Trong Mùa Vọng, Tin Mừng Chúa Nhật II và III của cả ba năm ABC đều hướng về sứ vụ của Gioan Tẩy Giả. Lúc đó thì Đức Giêsu cũng đã ba mươi tuổi rồi, Người đã xuất hiện, hòa nhập vào với đám đông. Và sứ mạng của Gioan không là chuẩn bị cho biến cố giáng sinh mà là đang mở ra cho sứ vụ công khai của Người.
Trong sứ vụ công khai, Đức Giêsu sẽ đem tới một giáo lý mới, một tinh thần mới; Nếu không được chuẩn bị cẩn thận trước thì sợ rằng người nghe sẽ khó lòng đón nhận được. Như vậy, cũng giống như trong bài đọc 1, trước khi Đức Giêsu ban “rượu mới” cho chúng ta, Người đã mời gọi chúng ta hãy thay “bầu da mới”. Phải có con người mới, tinh thần mới thì mới đón nhận được giáo lý mới, sức sống mới mà Đức Giêsu mang đến.
Vậy việc Gioan kêu mời dân hãy dọn đường cho Chúa là một chuẩn bị cho Chúa đến trong cuộc sống thường ngày. Thật vậy, trong suốt ba năm đi rao giảng, Đức Giêsu, dù là Thiên Chúa nhưng Người đã đến với dân Người như là con bác thợ, con bà Maria, là bà con lối xóm với dân làng Nadaret, là công dân của xứ Palestin, thuộc địa Roma… Người cũng ăn uống ngủ nghỉ, tiếp xúc với mọi người, có đầy đủ cảm xúc phản ứng như một con người lành mạnh, bình thường. Cuộc sống thường nhật của kiếp người trong mọi biến cố đều là nơi Chúa đến, là điểm hẹn Chúa gặp gỡ chúng ta.
Vậy Mùa Vọng không chỉ là chờ Chúa đến trong Giáng Sinh, trong Quang Lâm nhưng quan trọng hơn đó là Mùa giúp tín hữu ý thức lại và nhận ra Chúa đã đến rồi và đang đến trong từng chi tiết, từng biến cố của cuộc sống thường nhật của kiếp nhân sinh. Mùa Vọng là mùa tập luyện để khám phá ra rằng thực sự “Thiên Chúa (đang) ở cùng chúng ta” mọi nơi mọi lúc, tập nhận ra rằng chốn lưu đày này là nơi Chúa đến gặp và ban ơn cứu độ cho chúng ta.
Động cơ Người đến là để biến trần gian tội lỗi này thành triều đình thiên quốc, nơi mà đoàn thiên sứ đến ngợi ca tôn vinh Thiên Vương giáng thế (Lc 2,11-14).
Và với mục đích là trao ban cho ai tin, thần phục Người quyền làm con Thiên Chúa (Ga 1,12) ngay trong giây phút hiện tại này, lúc còn đang sống nơi trần thế. Người đến dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Abba = “Cha”. Người đến biến trần gian đang bị hận thù, ganh tị, bạo lực khống chế (x. St 4,6-8; St 4,23-24) trở thành một gia đình tất cả mọi người đều là anh em. Người đến để đồng hành trợ lực giúp từng người có thể hoàn tất được ơn cứu độ cá nhân mình ngay tại thế này qua sự kết hợp nên một với Giêsu và với nhiệm thể Giêsu.
Người đến để mở ra cho chúng ta một tầm nhìn mới đối với mọi sự: thời gian vẫn cứ trôi, quy luật vũ hoàn vẫn cứ chuyển vận, nhưng dưới cái nhìn của đức tin, người công giáo phải nhận ra Chúa hiện diện, cách thức Chúa đang điều khiển dòng lịch sử, định hướng cho mọi biến cố để từ đó có những thái độ đáp trả thích hợp như ý Chúa.
Bài đọc Tin Mừng hôm nay là một cách thức mà Gioan Tẩy Giả đưa ra để chuẩn bị lòng dân đón nhận con người và sứ điệp của Đức Giêsu trong từng phút giây của sứ vụ của Người.
1/ Khung cảnh lịch sử của sứ vụ Gioan (Lc 3,1-2a)
Về chi tiết lịch sử, địa lý có thể tham khảo CGKPV “Tân Ước” 1995 trang 262 các nốt s, t, u, v, x).
Mặc dù bản văn đang khảo sát, suy niệm chỉ đề cập đến sứ vụ của Gioan Tẩy Giả, nhưng Luca đã đặt sự kiện vào trong tầm cỡ toàn đế quốc (nhắc tới triều hoàng đế Roma: Tibêriô), bao trùm cả đời (nhắc tới ba tiểu vương Hêrôđê, Philipphê, Lyxania đang chia nhau cai trị xứ Palestin và vùng phụ cận), lẫn đạo (tên hai thượng tế Khanna và Caipha), khiến ta phải hiểu là Luca muốn hướng độc giả về Đức Giêsu: dân đế quốc hay dân thuộc địa, dân do thái hay dân ngoại, lãnh vực đạo hay đời, tất cả đều nằm trong vòng ơn cứu độ của Đức Giêsu.
2/ Sứ vụ của Gioan (Lc 3,2b-3)
*“Có lời Thiên Chúa phán”: sứ vụ của Gioan có cội nguồn thần linh, chính Thiên Chúa đã phán trao sứ vụ cho ông. “Có lời Chúa phán” là công thức quen thuộc trong sách các ngôn sứ, diễn tả việc Chúa chọn một người nào đó làm ngôn sứ cho Người (x. Gr 1,4-11; Ed 1,3…). Trong bối cảnh ngôn sứ vụ đã tắt lịm từ lâu, việc Gioan xuất hiện với những nét đặc thù của một ngôn sứ đã làm bừng lên niềm khát vọng chờ mong Đấng Mêsia của dân Chúa. Chúa đã lên tiếng trở lại sau thời gian dài thinh lặng, Chúa đã nối lại tương quan với dân qua việc tái ban lại tiếng nói của ngôn sứ. Phải chăng thời Mêsia đã tới?
*“Trong hoang địa…” cụm từ gợi lại giai đoạn bốn mươi năm sa mạc của thời xuất hành. Thời ân tình nồng ấm giữa Thiên Chúa với Dân, thời ban tặng kết thân Giao Ước, thời đào tạo huấn luyện dân thành người tự do trước khi trao ban Đất Hứa.
Chúa gọi dân “trong hoang địa” hàm ý muốn nối lại ân tình sẵn sàng tha thứ. Đólà dấu chỉ lạc quan cho đoàn dân đang mong đợi. Tuy nhiên để ân tình được nối kết trọn vẹn, phần của dân cũng phải có thái độ đáp trả tương ứng.
*“…Sám hối…” điều được Gioan mời gọi đáp trả ở đây là “chịu phép rửa bày tỏ lòng sám hối”.
“Sám hối” = mêtanoias có nghĩa là thay đổi hoàn toàn con người từ nội tâm đến cách sống, chuyển hướng hoàn toàn, quay về với Thiên Chúa. Một mặt sám hối là từ bỏ nếp suy nghĩ của mình để tin vào Thiên Chúa. Mặt khác là từ bỏ tội lỗi để sống theo lòng tin (CGKPV Sđd trang 61 nốt “m”). Thái độ này rất phù hợp với ý nghĩa Mùa Vọng: chờ Chúa đến để Người hoàn tất nơi ta dự tính của Người.
Không nhất thiết là phải có tội mới sám hối. Tất cả những gì nơi ta mà chưa phù hợp ý Chúa là phải sám hối chỉnh sửa như Đavit phải từ bỏ ý định chính mình xây cho Chúa một Đền Thờ.
Vậy sống đúng tâm tình Mùa Vọng là để ta càng ngày càng giống Chúa hơn, là để Chúa hoàn thiện “hình ảnh Chúa” nơi con người ta NGAY TẠI THẾ này.
*“Chịu phép rửa”: Sám hối nội tâm phải được biểu lộ ra bên ngoài bằng một nghi thức CỘNG ĐOÀN. Chúng ta không sám hối một mình riêng lẻ mà là trong tư cách thành viên cộng đoàn.
Về nghi thức “phép rửa” (x. CGKPV Sđd 263 “b”).
Phép rửa của Gioan không tha được tội: nó chỉ là dấu chỉ bên ngoài của lòng sám hối; Nó giúp người ta ý thức, nhìn nhận mình là tội nhân, can đảm xưng thú tội lỗi và khao khát được Chúa thứ tha. Nó giúp cho thụ nhân sẵn sàng mở lòng ra cho ơn cứu độ nhưng không của Thiên Chúa ban tặng qua Gioan Tẩy Giả và sau này là qua Đức Giêsu.
-
Ý nghĩa của sứ vụ Gioan (Lc 3, 4-6)
*Có tiếng người hô trong hoang địa: lối nói này ám chỉ ông Gioan, ông từ nhỏ đã sống trong hoang địa cho đến ngày xuất hiện thi hành sứ vụ (Lc 1, 80). Cuộc đời của ông được Luca có ý trình bày như là công cuộc tỏ tường của Thiên Chúa: từ thụ thai, hạ sinh, đặt tên, sống ẩn dật và giờ đây là xuất hiện thi hành sứ vụ. Cuộc đời, sự nghiệp của ông đều là ý định của Thiên Chúa, ứng nghiệm lời ngôn sứ. Việc ông làm, cách thức ông ứng xử, nội dung ông rao giảng đều là công trình của Thiên Chúa. Dân sám hối, chờ Chúa đến hàm ý rằng phải bỏ đi các dự tính riêng tư, để cho lòng mình mở rộng sẵn sàng đón cái mới do Chúa mang đến qua Gioan.
* Hãy chuẩn bị (sắp xếp) con đường của Đức Chúa, hãy làm cho ngay thẳng những lối đi của Người (Lc 3,4b).
Người Sêmít cổ thời sống đời du mục. Trong cuộc sống của họ thì đường, lối hẻm, đường mòn đóng một vai trò thiết yếu. Thành thử không lạ gì khi họ sử dụng ngữ vựng đó để nói về đời sống tôn giáo và luân lý, và cách dùng được duy trì trong ngôn ngữ hi bá (ĐN TH TK “Đường”). Chúa mặc khải cho họ: “Đường lối Ta chẳng phải là đường lối của cá ngươi” (Is 55,8) vậy vấn đề chính là phải nhận ra đường lối của Thiên Chúa và bước theo.
Vậy cách nói của Lc 3,4b là lời cảnh cáo và mời dân hãy
-
Nhận ra đường lối Chúa
-
Chỉnh sửa (chuẩn bị, làm cho thẳng) đường lối mình theo Chúa
-
Đừng bắt chước cha ông cứ lấy đường lối con người làm chuẩn rồi trách Chúa “đường lối của Chúa Thượng không ngay thẳng” (Ed 33, 17-20).
Vậy một lần nữa Lời Chúa nhắc: hãy dẹp bỏ đi những gì không phù hợp với đường Chúa (cho dù tốt: như Đa vit muốn xây Đền Thờ) và để Thiên Chúa hoàn tất nơi ta dự tính của Thiên Chúa.
Đó chính là sống Mùa Vọng theo Ý Chúa.
Tóm lại, qua Mùa Vọng, Lời Chúa giúp mỗi tín hữu biết khao khát đợi trông theo kiểu của Chúa; Rồi sẵn sàng đón Chúa đến nhà mình, dâng tất cả những gì mình đang có cho Chúa để Chúa biến đổi cuộc đời tối tăm đầy tham vọng trần thế của chúng ta trở thành kho chứa ân sủng của Thiên Chúa, trở nên một trạm trung chuyển nhận lãnh thiên ân rồi vui vẻ chuyển trao lại cho tất cả những ai “ghé trạm”, hoặc tổ chức phân phát đi để giúp mọi người thiếu thốn.
Mùa Vọng là để Chúa hoàn tất đường lối của Người nơi ta; đồng thời giúp Chúa hoàn tất công cuộc Chúa nơi mọi người. Noi gương Mẹ: “xin Chúa thực hiện nơi tôi điều Chúa muốn” và rồi Mẹ đã đem Chúa đến cho mọi người.
Frère Pierre Đình Long FSC