Bài 1
Cv 4,32-35; Ga 20,19-31
Chủ đề: Một nền tảng khác giúp tin Đức Giêsu phục sinh:
CHỨNG TỪ CUỘC SỐNG CỘNG ĐOÀN
* Cv 4,32: Các tín hữu tuy đông nhưng chỉ có một lòng một ý.
* Ga 20,25: các môn đệ khác nói với Tôma: chúng tôi đã được thấy Chúa
Chúng ta bước vào Chúa Nhật II Mùa Phục Sinh. Chủ đề chính chắc chắn là hướng về Đức Giêsu Phục Sinh, cụ thể là những lần hiện ra của Người. Trong phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật II Phục Sinh, bài đọc Tin Mừng không thay đổi: Ga 20,19-31 được dùng chung cho cả ba năm ABC, nói về hai lần hiện ra của Đấng Phục Sinh cho các tông đồ cách nhau tám ngày: lần đầu chỉ có mười vị, Giuđa chết, Tôma vắng mặt; và lần hai có thêm Tôma. Cả hai lần đều là ngày thứ nhất trong tuần, vào thời điểm các tông đồ đang tụ họp đầy đủ, tại “nơi các môn đệ ở” (x.Cv 1,13a và so với Luca 22,12 thì đó là phòng Tiệc Ly). Mục đích của hai lần hiện ra này là thiết đặt những yếu tố cần thiết để những người không có cơ may gặp TRỰC TIẾP qua giác quan, con người Đức Giêsu Phục Sinh như các tông đồ và một số tín hữu tiên khởi, thì họ VẪN ĐƯỢC HƯỞNG TRỌN VẸN MỌI ÂN PHÚC CỦA MẦU NHIỆM PHỤC SINH NHỜ TIN: “Ai không thấy mà tin mới thật là có phúc” (Ga 20,29).
Còn bài đọc một thì thay đổi theo chu kỳ ABC. Tuy nhiên cả ba đều qui về cùng một chủ đề: CHỨNG TỪ CỦA ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN. Đời sống mẫu mực của cộng đoàn của các tín hữu tiên khởi nhờ tin vào Đấng Phục Sinh, một cộng đoàn hạnh phúc, Đó thực sự là một minh họa sáng ngời cho mối phúc mà Đấng Phục Sinh thiết lập cho những ai không được gặp Người qua giác quan: “Phúc thay ai không thấy mà tin”.
Vậy chính Đấng Phục Sinh đã thiết đặt thêm một yếu tố nữa để giúp nhân loại mọi thời có thể dựa vào đó mà tin chắc được rằng CHÚA ĐÃ PHỤC SINH. Đó là ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN, CHỨNG TỪ CỘNG ĐOÀN. Đó là yếu tố đầy thuyết phục, diễn ra ngay trước mắt mọi người. HẰNG NGÀY khiến họ phải đặt vấn đề, đến với cộng đoàn, tìm hiểu và cuối cùng là tin vào Đấng Phục Sinh và gia nhập cộng đoàn.
Thật vậy, trong Tin Mừng, mục đích hai lần hiện ra của Đấng Phục Sinh cho các môn đệ là để thiết lập những yếu tố cần thiết cho việc loan truyền đức tin và lưu truyền sức sống Phục Sinh cho muôn thế hệ. Bởi vì, Phục Sinh không là một kiến thức, đối tượng của một CÁI BIẾT DUY LÝ, THỰC DỤNG vào một biến cố lịch sử; Nhưng là một sức sống, một sự biến đổi tận căn thân phận con người: từ nay trong nhân loại đã có một con người đi vào trong vinh quang, sức sống thần linh, được thông phần thiên tính, chẳng những thế mà còn được tôn vinh là KURIOS ĐỨC CHÚA. Và sức sống, niềm tin ấy phải được lưu truyền cho muôn thế hệ để nhân loại mọi thời, từng người đều được ĐÍCH THÂN thông hiệp vào phúc lộc thần linh ấy. Chính vì thế, Đấng Phục Sinh đầy khôn ngoan và lòng thương xót bao la của Người, đã thiết lập những yếu tố cần thiết để việc lưu truyền sức sống thần linh của mầu nhiệm Phục Sinh được thực hiện cách hiệu quả.
Những yếu tố được thiết lập trong lần hiện ra thứ nhất là: – ban ơn bình an – cho thấy dấu vết của thập giá – sai đi làm sứ vụ – Thổi hơi trao ban Thánh Thần – ban quyền tha tội, cầm giữ. Những yếu tố này sẽ khai triển trong lễ Hiện Xuống ABC. Ở đây chú trọng hơn đến lần hiện ra thứ hai, đặc biệt cho Tôma
Trong lần hiện ra thứ nhất, Tôma vắng mặt, khi ông trở về, Nhóm mười làm chứng: “chúng tôi đã được thấy Chúa”, nhưng Tôma không tin chứng từ đó của mười tông đồ.
Ông đòi kiểm chứng thực nghiệm, đặt tay vào vết đinh trên thân Chúa. Và tám ngày sau, cũng vào ngày thứ nhất trong tuần, cũng tại phòng Tiệc Ly, Đấng Phục Sinh hiện ra cho Nhóm mười một, có mặt Tôma. Người đáp ứng mọi đòi hỏi của Tôma: mắt thấy, tai nghe, miệng đối thoại và Đấng Phục sinh mời Tôma kiểm chứng, đặt tay vào các vết thương của Người. Và Đấng Phục Sinh quở trách Tôma: “đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Tôma kinh hoàng và chỉ còn biết sấp mình tuyên xưng “Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con”. Vậy tin Đức Giêsu Phục Sinh không phải là kiểm chứng mà là THỜ LẠY NGƯỜI LÀ CHÚA. Rồi Đức Giêsu kết luận bằng một mối phúc: PHÚC THAY AI KHÔNG THẤY MÀ TIN”. Đấng Phục Sinh đòi Tôma phải tin vào lời chứng của cộng đoàn tông đồ. Tuy nhiên cũng phải TRÁCH Nhóm mười: chứng từ của họ quá yếu vì sau khi gặp Đức Giêsu, họ vẫn nhát đảm, đóng cửa khiến lời chứng của họ thiếu sức thuyết phục. Trong khi đó, ở bài một, cộng đoàn tín hữu tiên khởi dù không hề biết, không tiếp xúc với Đấng Phục Sinh, nhưng họ đã tin lời rao giảng và chứng từ của các tông đồ và đem ứng dụng vào cuộc sống khiến cuộc đời họ trở thành CHỨNG TỪ SỐNG lôi cuốn kẻ khác tin vào Đấng Phục Sinh. Vậy chính nhờ lời rao giảng tông truyền và CHỨNG TỪ CỘNG ĐOÀN TÍN HỮU mà nhân loại mọi thời được hưởng mối phúc của Đấng Phục Sinh “PHÚC CHO AI KHÔNG THẤY MÀ TIN”.
Bài 2
“Chúng tôi đã được thấy Chúa”…Tôma đáp: “…nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh…tôi chẳng có tin”… Đức Giêsu bảo: “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,25.29).
Hôm nay, Chúa Nhật II Mùa Phục Sinh, ngày kết thúc tuần bát nhật phục sinh. Tuần bát nhật này được mở đầu và kết thúc bằng hai đoạn Tin Mừng đều của tác giả Gioan và được chọn cố định đọc chung cho cả ba năm ABC.
Hai đoạn văn này có một điểm chung. Và điểm chung này lại không tìm thấy ở bất kỳ bản văn nào khác nói về sự phục sinh của Đức Giêsu. Điểm chung được cả hai bài đọc Chúa Nhật I và II Mùa Phục Sinh qui hướng về đó là: để có thể tin nhận được Đức Giêsu đã phục sinh thì việc chứng kiến bằng giác quan trực tiếp theo lối thực nghiệm là hoàn toàn không cần thiết. Hai bản văn được viết đặc biệt cho chúng ta là những người không thể nào tiếp xúc được với Đấng Phục Sinh lịch sử bằng giác quan con người. Thật vậy Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Phục Sinh khẳng định: người môn đệ Chúa yêu đã THẤY và TIN ngay lúc Đấng Phục Sinh chưa hiện ra cho bất kỳ ai; Và Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Phục Sinh kết thúc bằng lời chúc phúc của chính Đấng Phục Sinh: “phúc thay những người KHÔNG THẤY mà TIN” (Ga 20,29)
Từ chỗ xác tín rằng không cần kiểm chứng thực nghiệm, không cần tiếp xúc trực tiếp bằng giác quan để tin rằng Đức Giêsu đã phục sinh, sẽ nẩy sinh ra một câu hỏi tiếp: vậy những yếu tố nào là chính yếu giúp cho những người không có cơ may tiếp xúc bằng giác quan với Đấng Phục Sinh, có thể dựa vào đó mà tin rằng Đức Giêsu đã phục sinh?
Tin Mừng Chúa Nhật I ABC Mùa Phục Sinh đã gợi cho ta vài yếu tố:
-
NGÔI MỘ TRỐNG: “ngôi mộ” là dấu chỉ của sự chết, nhưng đối với các tông đồ Phêrô và môn đệ Chúa yêu thì đó lại trở nên dấu chỉ KHƠI GỢI LÊN SỰ SỐNG giúp họ NHỚ LẠI và HIỂU LỜI CHÚA.
-
LỜI CHÚA: đây là yếu tố chính. Việc Đức Giêsu phải chết và sống không phải là một điều gì đột ngột úp chụp xuống các tông đồ: họ đã từng nghe Đức Giêsu lúc sinh tiền, nói NHIỀU về vấn đề này nhưng họ không chịu tin, không để tâm đến mà thôi. Giờ đây đứng trước ngôi mộ trống ngăn nắp, an bình, họ chợt nhớ lại và hiểu những lời trước đây Thầy mình đã nói và họ TIN (nên nhớ là cả ba lần Đức Giêsu loan báo Thập Giá và Phục Sinh trong Tin Mừng nhất lãm đều là những mặc khải riêng cho các tông đồ mà thôi)
-
LÒNG YÊU MẾN (của Mađalêna lẫn của người môn đệ Chúa yêu) là yếu tố chủ quan đến từ kẻ tin giúp đưa họ đến được với các yếu tố khách quan trên và hiểu ý nghĩa của chúng, nhờ đó họ tin.
Ngày hôm nay, đối với nhân loại mọi thời:
-
LỜI CHÚA: ngày nay Lời Chúa đã có đó. Vấn đề là các tín hữu có đọc, thấm nhuần Lời để Lời khắc ghi trong tim, đến khi có sự cố thì Lời hiển hiện lên trợ giúp. Đồng thời phải nhiệt tâm loan báo Lời cho thế giới, cho những ai chưa nghe biết Lời. Người ta chưa biết Lời mà cứ rao giảng Chúa đã Phục Sinh thì khó lòng lôi cuốn người ta vào đức tin được.
-
Đời sống theo đức tin của người tín hữu chính là NGÔI MỘ TRỐNG cho thế giới hôm nay. Việc các tín hữu dám chọn sống theo các giá trị Tin Mừng (vốn là ngu si, là chết đối với trần thế) lại trở thành dấu chỉ của sự sống loan báo Nước Trời, loan truyền Phục Sinh, đặc biệt ĐỜI TU và CÁI CHẾT của các Tử Đạo. Thật vậy, KHIẾT TỊNH, NGHÈO KHÓ, VÂNG LỜI, PHỤC VỤ, HY SINH MẠNG SỐNG là chết đi cho thế giới này lại trở nên NGUỒN SỐNG cho thế giới này.
-
Cuối cùng là LÒNG MẾN của tín hữu đối với Đức Giêsu, đối với những gì đã nói trên: Giữa thế giới đang ở trong đêm đen, đang lãng quên Lời Chúa, một thế giới đã nói rằng Thiên Chúa chết rồi, Thiên Chúa chỉ còn là một NGÔI MỘ…thì các tín hữu có đủ lòng mến như Mađalêna, đang đêm, một mình dám dấn thân đến với “NGÔI MỘ”? Và khi khám phá ra đó là “NGÔI MỘ TRỐNG” thì có đủ lòng mến như “người môn đệ Chúa yêu” để Lời Chúa mà ta tiếp xúc mỗi ngày, mỗi dịp đặc biệt, trồi hiện lên giúp ta an bình nhận ra rằng Chúa đã phục sinh, Chúa đang sống và đang điều khiển thế giới?
Và chứng từ của kẻ tin lại càng thuyết phục hơn nếu đó không chỉ là chuyện cá nhân mà là chứng từ của cả một cộng đoàn đồng tâm nhất trí. Đó là yếu tố mà Lời Chúa của Chúa Nhật II Mùa Phục Sinh bổ sung thêm.
-
Trích đoạn Tin Mừng Chúa Nhật II B Mùa Phục Sinh thuật lại hai lần Đức Giêsu phục sinh hiện ra cho “Nhóm Mười Hai” (câu 24a) tức là Nhóm được tuyển chọn đặc biệt chứ không phải chỉ là môn đệ cách chung. Với Nhóm nền tảng này – trong Tin Mừng Nhất Lãm gọi là TÔNG ĐỒ – Đấng Phục Sinh thiết lập các cấu trúc cơ bản để Giáo Hội sau này có thể tiếp tục sứ mạng của Đức Giêsu tại thế. Vậy nền tảng của đức tin lẫn cơ chế của Giáo Hội được đặt nền trên Nhóm Mười Hai dù lúc Đấng Phục Sinh hiện ra cho họ chỉ còn mười (lần một) và mười một (lần hai) (so sánh với Mt 16,18-19 và Mt 18,18). Theo Tin Mừng Gioan, hai lần hiện ra này cho Nhóm Mười Hai là để chuẩn bị phương tiện hoạt động, chuẩn bị sứ vụ tương lai của Giáo Hội.
-
Cả hai lần đều hiện ra vào “ngày thứ nhất trong tuần”: vào thời Tin Mừng thứ tư được soạn thảo (khoảng cuối thế kỷ I công nguyên) thì các tín hữu Kitô giáo đã hình thành một tập tục phụng vụ là họp nhau vào ngày thứ nhất trong tuần ở một nơi được qui định để cử hành nghi lễ bẻ bánh. Chính trong bầu khí CỘNG ĐOÀN PHỤNG VỤ như thế, mầu nhiệm phục sinh được loan truyền, được đón nhận và được tuyên xưng. Mầu nhiệm phục sinh thâm sâu hơn là một kiến thức thuần lý của trí tuệ một cá nhân. Phục sinh là cho toàn nhân loại trong tư cách là cộng đoàn dân Chúa.
-
Các cửa đều đóng kín (c.19 và 26), nơi các môn đệ đang ở (đúng hơn là đang tụ tập để cử hành lễ bẻ bánh hoặc các nghi lễ phụng vụ kitô giáo): chi tiết này vọng lại một bối cảnh thời Tin Mừng thứ tư được soạn thảo: Do Thái giáo bách hại các tín hữu kitô giáo và đuổi ra khỏi Hội Đường bất kỳ ai dám tôn vinh danh Đức Giêsu (x.Ga 9,22; 12,42; 16,2; 19,38; Cv 5,40; 9,2…). Thêm nữa, các kitô hữu tiên khởi phần lớn đến từ Do Thái giáo; Rồi vì nhu cầu phải cử hành lễ bẻ bánh, và để tránh người Do Thái theo dõi, các tín hữu tụ họp tại các nhà riêng, nay nhà này, mai nhà khác (x.Cv 2,46) nên bản văn chỉ nói trống là “nơi các môn đệ đang ở”
-
Tuy nhiên c.19 lại thêm “vì các ông sợ người Do Thái”. Tại sao lại còn sợ người Do Thái trong khi các môn đệ “đã THẤY và đã TIN”? Đó là vì lòng tin chưa đủ mạnh để vượt thắng những đe dọa, các áp lực hầu dám nói lên chân lý mà mình đã biết rõ cho mọi người cách minh bạch. Thật vậy cụm từ “vì sợ người Do Thái” chỉ xuất hiện hai lần trong Tin Mừng thứ tứ: ở đây và nơi cha mẹ anh mù trong Ga 9,22.
Từ chỗ tin một sự kiện cho chỉ riêng cá nhân mình đến chỗ dám bỏ mọi an toàn bản thân để dấn thân làm chứng nhân cho sự kiện đó là cả một vực sâu khoảng cách mà sức tự mình, con người khó lòng vượt qua được. Tin Đức Giêsu phục sinh không chỉ là vấn đề chấp nhận bằng lý trí một sự việc thuần lý cho cá nhân mình; Mà là phải loan truyền, thông chia một sức sống mới cho toàn nhân loại, cho mọi thế hệ tương lai, cho đến tận cùng trái đất. Điều đó đòi buộc tín hữu phải là CHỨNG NHÂN đến độ phải hi sinh mạng sống. Phải chờ Chúa Thánh Thần!
Còn trong hiện tại, Đấng Phục Sinh phải can thiệp củng cố đức tin còn non kém của các ông (câu 20), thiết lập các cơ chế nền tảng nâng đỡ các ông trong sứ vụ tương lai LÀM CHỨNG NHÂN (các câu 21-23). Những điều này sẽ được phụng vụ Lời Chúa lập lại vào Chúa Nhật Hiện Xuống ABC (Ga 20,19-23). Do đó trong bài suy niệm hôm nay chúng ta chú tâm đến Ga 20,24-31.
-
Đấng Phục Sinh hiện ra cho Nhóm Mười Một, cách riêng cho Tôma
-
Không rõ vì lý do gì, trong lần Đấng Phục Sinh hiện ra cho Nhóm Mười thì Tôma vắng mặt. Ông chẳng những không thấy về thể lý của Đấng Phục Sinh mà còn chịu một thiệt thòi lớn hơn nhiều là không nhận, chứng kiến được QUYỀN LÀM CHÚA của Đấng Phục Sinh được biểu lộ ra qua sứ mạng Người trao cho Nhóm Mười: quyền sai các môn đệ đi NHƯ CHÚA CHA (c.21); quyền sáng tạo THỔI HƠI TRAO BAN THÁNH THẦN (c.22); QUYỀN THA TỘI (c.23).
Thực ra Nhóm Mười cũng chưa có phản ứng gì trước việc Đấng Phục Sinh tỏ bày uy lực thần linh của Người như thế. Nhóm Mười còn ngỡ ngàng thụ động chưa hiểu thấu, chưa nhận ra được QUYỀN CHÚA TỂ (la seigneurie) của Người trên trần gian và trên lịch sử (GLHTCG 450) (x.Mt 28,12; Kh 11,15). Cái đánh động họ lúc nhìn thấy Đấng Phục Sinh hiện ra cho thấy các vết đinh là được tiếp xúc thể lý với người Thầy mà họ cứ ngỡ rằng đã chết, hóa ra giờ đang sống. Chính vì thế mà họ chỉ có thể thông truyền cho Tôma điều mà họ cảm nghiệm: “chúng tôi đã ĐƯỢC thấy Chúa”. Nhóm Mười không nói gì đến những dặn dò của Đức Giêsu ở các câu 21-23.
-
“ĐƯỢC thấy Chúa” không phải là sứ điệp chính mà Đấng Phục Sinh trao cho các môn đệ làm sứ mạng. Điều các ông phải làm chứng là loan báo CHÚA QUYỀN TỐI CAO của Người trên toàn vũ trụ, cả trời lẫn đất. Chính vì thế Đấng Phục Sinh cần phải hiện ra cho họ thêm một lần nữa giúp họ nhận ra CHÚA QUYỀN của Người. Và lần này để hội nhập Tôma vào quyền bính mà Người đã trao cho Nhóm Mười, thì Đấng Phục Sinh đã tạo điều kiện để chính miệng Tôma – coi như là thay anh em – tuyên xưng CHÚA QUYỀN của ĐỨC GIÊSU. Ông gọi ĐỨC GIÊSU (câu 26b) là “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”: “HÔ KURIÔS MÔU KAI HÔ THÊ ÔS.MÔU”.
-
Quá trình đi đến đức tin của kẻ cứng lòng tin
-
Cứng lòng tin: Tôma không tin lời chứng của Nhóm Mười, ông đòi phải kiểm chứng thực nghiệm. Cái sai lầm của Tôma (và của cả chúng ta) là tưởng lầm rằng đức tin là một năng lực của trí tuệ phàm nhân, là sản phẩm của những nỗ lực tìm kiếm của con người. Tại sao không tin?
Trước tiên vì họ chưa nhận ra QUYỀN CHÚA TỂ của Đấng Phục Sinh như chúng ta đã phân tích ở trên. Do đó chứng từ của họ chỉ dừng lại ở sự kiện Đức Giêsu sống lại và hiện ra cho họ được thấy. Việc được nhìn thấy một người chết sống lại (như trường hợp Ladarô) liệu có mang lại được ích lợi gì cho bản thân và cho nhân loại? Rồi thái độ “tự nhốt mình” trong ngôi nhà – cho dù đã được gặp Đức Giêsu – đã khiến cho các lời chứng của họ không đủ mạnh để thuyết phục được Tôma. Nếu phục sinh chỉ là thấy người chết sống lại thì việc đòi kiểm chứng thực nghiệm là hoàn toàn hợp lý. Tôma đòi kiểm chứng thực nghiệm.
-
Giải pháp trường cửu của Đấng Phục Sinh: từ những yếu đuối, sai lầm của Tôma lẫn của Nhóm Mười, Đấng Phục Sinh đã tạo nên những yếu tố mới làm nền tảng cho đến muôn đời giúp cho bao thế hệ nhân loại không được tiếp xúc thể lý với Đấng Phục Sinh vẫn có đủ điều kiện để tin và hiểu đúng mầu nhiệm phục sinh.
Trong câu chất vấn Tôma (c.27), Đấng Phục Sinh đưa ra cho ông ba mệnh lệnh:
-
Hãy đặt tay vào các vết đinh: hãy kiểm chứng để rồi xác tín rằng: Thầy, Đấng Phục Sinh, là Đấng mà anh em đã theo làm môn đệ suốt ba năm, Đấng đã chết trên thập giá, không có chuyện mạo nhận, tráo người.
-
Đừng cứng lòng nữa: mời hoán cải nội tâm, đừng cố chấp, ở lì trong sai trái, khép lòng lại trước sự thật. Phục Sinh là một ân huệ thần linh Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại, không phải để con người nghi ngờ kiểm chứng như một biến cố phàm trần, nhưng để kết nối lại mối tương quan với Thiên Chúa, với ơn gọi làm người, là hình ảnh của Thiên Chúa.
-
Nhưng hãy tin: Tin điều gì? Theo văn mạch, đó là tin vào điều mà Nhóm Mười làm chứng. Ở đây, Đấng Phục Sinh đang từng bước một giúp Tôma nâng cao nội dung của chữ “TIN”. Nội dung không phải chỉ là tin rằng Nhóm Mười đã thấy Chúa nữa, nhưng hãy tin bằng cách đem ra thực hành những gì mà Đấng Phục Sinh căn dặn Nhóm Mười trong lần hiện ra trước. (câu 21-23) nghĩa là thuần phục quyền CHÚA tối cao của Đức Giêsu.
-
Đáp trả của Tôma: ông đã làm đúng theo đúng mệnh lệnh Chúa, với ý nghĩa chữ “TIN” đã được nâng cao như ý Chúa:
-
Tôma không kiểm chứng thực nghiệm
-
Sự cứng lòng của ông tan chảy như băng tuyết gặp lửa, không còn giọng điệu khiêu khích
-
Ông thuần phục QUYỀN CHÚA của Đấng Phục Sinh qua lời tuyên tín: Giêsu là Giavê là Thiên Chúa của ông.
Đấng Phục Sinh đã thành công! Qua lời tuyên tín của Tôma hàm ý tất cả tông đồ đoàn, tất cả những ai tin vào lời chứng tông truyền của Giáo Hội đều tuyên nhận Quyền Chúa Tối Cao của Đức Giêsu.
-
Mối Chân Phúc của Tin Mừng thứ tư:
Trong tư cách là Giavê, là Thiên Chúa với quyền Chúa tối cao đã được các môn đệ tôn nhận, thờ lạy, Đấng Phục Sinh công bố mối phúc “Phúc thay ai không thấy mà tin”. Như vậy tiếp xúc giác quan là không cần thiết để tin rằng Đức Giêsu đã phục sinh. Lời Chúa hôm nay bổ sung thêm hai yếu tố để “không thấy vẫn tin”:
-
Sự hiệp nhất của cộng đoàn phụng vụ trong ngày thứ nhất trong tuần
-
Chứng từ của các tông đồ, chứng từ tông truyền của Giáo Hội
Những điều này đã được cộng đoàn tiên khởi thể hiện (x.Cv 2,42.44.46) và kết quả là kẻ tin ngày càng gia tăng dù không gặp được Đức Giêsu thể lý.
Từ nay, nhân loại mọi thời nhờ những gì Đấng Phục Sinh thiết lập hôm nay, đều có thể đích thân tiếp xúc với Đấng Phục Sinh mà không cần giác quan kiểm chứng. Với Quyền Chúa Tối Thượng của Người, Đấng Phục Sinh ở mãi, đồng hành cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Lòng thương xót và quyền năng của Đấng Phục Sinh đang bao phủ chúng ta. Phải chăng đó là một lý do mà Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã chọn ngày này là Chúa Nhật kính nhớ lòng thương xót Chúa.
Frère Pierre Đình Long FSC