CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN – năm C

Bài 1

Is 62,1-5; Ga 2,1-11
Chủ đề: Niềm vui nên trọn nhờ được Thiên Chúa cứu giúp kịp thời.

* Is 62,4b: Vì ngươi sẽ được ĐỨC CHÚA đem lòng sủng ái và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi.

* Ga 2,7a.9a: “các anh hãy đổ đầy nước vào các chum đi” … và nước đã hóa thành rượu.

 Chúng ta bước vào Chúa Nhật thứ hai Mùa Thường Niên. Tuy nhiên chủ đề của bài đọc Tin Mừng hôm nay vẫn còn nằm trong ý hướng của Mùa Giáng Sinh: Thiên Chúa tỏ mình. Lễ Hiển Linh: Chúa tỏ mình cho chư dân mà các nhà chiêm tinh là đại diện; Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa: tỏ mình cho số còn sót lại của tuyển dân Cựu Ước; Và hôm nay: Chúa tỏ mình cho cộng đoàn thiên sai do Đức Giêsu thiết lập. Nhìn dưới khía cạnh lịch sử phụng vụ, ban đầu, Giáo Hội chưa có các lễ Giáng Sinh – Hiển Linh – Đức Giêsu chịu phép rửa riêng biệt như ngày nay; Tất cả được mừng chung trong một ngày, và dấu vết của chi tiết lịch sử này còn được Giáo Hội lưu truyền lại trong phần ĐIỆP CA của hai bài Thánh Ca Tin Mừng sáng lẫn chiều của phụng vụ các giờ kinh lễ HIỂN LINH:

“Ba phép lạ điểm tô một ngày thánh,

Cả cộng đoàn được hân hạnh mừng chung:

Ngày hôm nay Ngôi Sao lạ dẫn đường các hiền sĩ tới tận nơi máng cỏ.

Ngày hôm nay cả sáu chum nước lã

Đã biến thành rượu quý tiệc tân hôn. Ngày hôm nay trong dòng nước Giođan,

Đức Kitô để Gioan làm phép rửa”.

Việc cử hành ba biến cố trong một ngày được khởi sự khoảng thế kỷ IV bên Đông Phương. Về sau khi lễ này lan qua Tây Phương thì dần dần được tách làm ba lễ riêng biệt như hiện nay: ba lễ được cử hành trong ba Chúa Nhật liên tiếp với cấu trúc: Hiển Linh thuộc hẳn về Mùa Giáng Sinh – Lễ Đức Giêsu chịu phép rửa vừa là kết Mùa Giáng Sinh vừa là mở ra cho Mùa Thường Niên – và hôm nay thuộc hẳn về Mùa Thường Niên. Cấu trúc này làm nổi bật tính thống nhất của Mùa Giáng Sinh và Mùa Thường Niên: Mùa Giáng Sinh là Thiên Chúa tỏ mình trong Hài Nhi Giêsu; Mùa Thường Niên: Thiên Chúa tỏ mình qua sứ vụ công khai của Đức Giêsu; Rồi Mùa Chay: Thiên Chúa tỏ mình qua những tiêu cực của kiếp người: qua Thập Giá; Mùa Phục Sinh Chúa tỏ mình qua chiến thắng tử thần, tôn vinh nhân tính Đức Giêsu là CHÚA; nắm quyền bá chủ toàn thể vũ trụ và dòng lịch sử (Thăng Thiên). Trong tư cách đó, Đức Giêsu sai Thánh Thần xuống trên Giáo Hội để Giáo Hội tiếp tục công cuộc của Đức Giêsu cho đến tận thế… Dòng lịch sử sẽ hoàn tất khi Đức Giêsu quang lâm thu tóm mọi sự dâng lên Cha (lễ Kitô Vua).

Tuy nhiên khi được tách ra làm thành một lễ riêng, bài đọc Tin Mừng của Chúa Nhật II C Mùa Thường Niên lại được nối kết với bài đọc 1 là Is 62,1-5, đó là sấm ngôn loan báo cho dân Chúa rằng Thiên Chúa sẽ can thiệp khôi phục lại Giêrusalem, làm dung mạo thành đô nên rạng rỡ. Việc đổi đời này được diễn tả bằng những hình ảnh vay mượn từ kho tàng văn chương truyền thống nói về hôn nhân. Do đó, ở đây chúng ta sẽ đọc đoạn Tin Mừng Ga 2,1-11 theo hướng NIỀM VUI NÊN TRỌN nhờ có Đức Giêsu can thiệp cứu giúp kịp thời giải tỏa cái bế tắc “hết rượu” thành niềm vui “hưởng dùng rượu mới thiên sai”. 

Bài đọc 1 là sấm ngôn gởi cho dân Chúa, mặc dù đã hồi hương, nhưng lại đang nản lòng vì thấy Đền Thờ đổ nát, Giêrusalem hoang tàn… bao khó khăn đang vây bủa. Ngôn sứ nhân danh Thiên Chúa, ngỏ lời an ủi khích lệ dân:

  • Thiên Chúa đã cứu dân khỏi lưu đày thì Người cũng không bỏ quên dân đâu! Chắc chắn Thiên Chúa sẽ can thiệp thay đổi số phận của Giêrusalem. Cuộc đổi đời ngoạn mục này được diễn tả bằng những hình ảnh thân quen, truyền thống. Hình ảnh thứ nhất là

  • Chúa đặt cho Giêrusalem một tên mới: theo Kinh Thánh, đổi tên là đổi đời. CHÚA đổi tên thành đô nghĩa là Chúa sắp đưa Giêrusalem vào một vận hội mới tràn trề niềm vui và hy vọng như Chúa đã đổi tên Abraham và Sara (St 17) rồi sau đó cho hai ông bà hạ sinh Isaac trong lúc tưởng chừng là tuyệt vọng. Vậy đối với Giêrusalem, cụ thể là gì?

  • Tình trạng điêu tàn, đổ nát của Giêrusalem khiến cho thành đô bị gọi tên là “đồ bị ruồng bỏ”, “phận bạc duyên đơn”. Hình ảnh một cô gái già, ế chồng ấy, từ nay được Chúa thương ra tay trợ giúp đã đổi đời trở thành “Ái khanh lòng Ta hỡi”, “duyên thắm chỉ hồng”.

Bất hạnh trở thành hồng ân! Điều Thiên Chúa hứa trong Cựu Ước, Đức Giêsu sẽ làm nên hiện thực. Tin Mừng thuật lại chuyện “Tiệc cưới Cana”. Niềm vui của cặp hôn phối có nguy cơ trở thành bất hạnh: HẾT RƯỢU. Và nguy cơ ấy càng khốc hại khi các nhân vật chủ chốt trong bữa tiệc là: cô dâu chú rể, ông quản tiệc đều không hay biết sự cố này. May thay: nhờ Mẹ Maria nhạy cảm, yêu thương, trách nhiệm nhận lấy cái khốn cùng của kẻ khác làm như là của mình nên nài xin Đức Giêsu; nhờ Đức Giêsu dù “giờ chưa tới” vẫn sẵn sàng can thiệp làm DẤU LẠ; Và cũng phải kể là nhờ các GIA NHÂN dễ bảo trước các lệnh truyền của Mẹ và của Đức Giêsu. Đôi hôn phối được cứu mà không hay biết! Niềm vui nên trọn nhờ Đức Giêsu tỏ mình. Và còn hơn nữa Niềm vui của đôi hôn phối còn là niềm vui lớn lao hơn nhiều của đoàn môn đệ: Họ nhận ra ý nghĩa của dấu lạ, nhận ra vinh quang mà Đức Giêsu muốn tỏ hiện và HỌ TIN VÀO NGƯỜI. Đó mới là Niềm Vui, sự đổi đời chính yếu: Tin và trở thành môn đệ Đức Giêsu.

Thiên Chúa vẫn còn can thiệp từng phút giây vào cuộc đời tín hữu và mọi người để niềm vui nhân loại được trọn vẹn! Đáp trả của chúng ta là gì?

  • Thờ ơ, vô tâm như cô dâu chú rể, cứ muốn “dzô 100%” mà không biết rượu đã hết

  • Hay ý thức, đón nhận, Tin và trở thành môn đệ chân chính của Đức Giêsu?

Người môn đệ chân chính của Chúa là người luôn tin có Chúa ở cùng, luôn sống trước sự hiện diện của Chúa; luôn tin rằng Chúa đang điều khiển dòng lịch sử; luôn tin vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa can thiệp đúng lúc vì ơn cứu độ nhân loại. Do đó luôn lắng nghe và sẵn sàng “Người bảo gì cứ việc làm theo”.

Bài 2

Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo (2,5) … người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu (2,9) … Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người (2,11).

Dòng lịch sử vẫn trôi đều và tiến về cùng đích đã được định hướng, Giáng Sinh đã là một biến cố lịch sử. Việc vui mừng tưởng niệm biến cố đó hằng năm cũng vừa trôi qua. Tuy nhiên Mầu Nhiệm Giáng Sinh, mầu nhiệm Thiên Chúa tỏ mình, hiển linh cho nhân loại vẫn còn đang và mãi tiếp diễn. Tiếp diễn cho đến tận thế. Và phương thức tỏ mình, hiển linh vẫn là qua thân phận làm con người, Chúa tiếp tục tỏ mình qua cộng đoàn môn đệ mà Người đã thiết lập lúc sinh tiền. Để thực hiện được công cuộc tỏ mình, hiển linh huyền diệu ấy, Ngôi Lời Thiên Chúa đã đảm nhận kết hiệp nên một bất khả phân ly với nhân tính con người Giêsu. Nhờ sự kết hợp huyền diệu giữa Ngôi Lời và nhân tính Giêsu mà Thai Nhi Giêsu (lúc Đức Mẹ đi viếng bà Elisabet), rồi Hài Nhi (Giáng Sinh), rồi cậu thiếu nhi Giêsu 12 tuổi, rồi chàng thanh niên Giêsu trạc tuổi 30, đến sông Giođan chịu phép rửa của Gioan như một tội nhân, rồi tiếp đó là nhà giảng thuyết Giêsu, con bác thợ mộc lại loan báo một giáo lý mới mẻ kèm theo những dấu lạ chỉ có thể đến từ Thiên Chúa, rồi cuối cùng lại bị kết án là tên tử tội Giêsu, rồi Đấng Phục Sinh đã từng bước một, thích hợp với từng giai đoạn, tỏ mình và ban ơn cứu độ cho thế giới.

Như vậy ngang qua và nhờ nhân tính của Đức Giêsu mà vinh quang thần linh của Thiên Chúa được tỏ lộ trọn vẹn và ơn cứu độ thế giới được hoàn tất.

Nhưng rồi Đức Giêsu thăng thiên! Người không còn hiện diện hữu hình giữa chúng ta nữa. Vậy “con – người – Chúa – Giêsu” sẽ tiếp tục công cuộc mà đã được Người khởi công trong Mầu Nhiệm Nhập Thể như thế nào?

Người tiếp tục trong Nhiệm Thể của Đức Kitô toàn thể, nghĩa là Thân Thể huyền nhiệm có Đức Giêsu phục sinh là Đầu, Giáo Hội và các tín hữu là thân và có Chúa Thánh Thần như hồn sống (Từ điển Công Giáo – “Chúa Thánh Thần, Đền Thờ”).

Chính vì thế, một trong những sứ vụ chính yếu của Đức Giêsu trong giai đoạn rao giảng công khai là tuyển chọn, đào tạo, tỏ mình ra cho nhóm môn đệ, tẩy luyện, ban quyền…, tuôn đổ Thánh Thần trên họ, đồng hóa Người với họ, “ở lại trong họ”, hiệp nhất với họ… biến họ thành chi thể trong Nhiệm Thể của Người. Chính trong tư cách là Thân Thể của Đức Kitô – toàn – thể, đoàn môn đệ là Đức Kitô nối dài tiếp tục công cuộc tỏ mình, hiển lộ vinh quang Thiên Chúa cho toàn nhân loại.

Lời Chúa của Chúa Nhật II C Mùa Thường Niên, Đức Giêsu tiếp tục hiển linh qua cuộc sống công khai: tất cả mọi lời Người dạy, mọi việc Người làm đều bày tỏ vinh quang Thiên Chúa và đem lại ơn cứu độ cho con người. Việc đầu tiên Đức Giêsu nghĩ tới là tìm người kế thừa sứ vụ: chọn và đào tạo môn đệ (x. Mc 1,16-20) để họ kế nghiệp Người (Mc 3,14-15). Người biến đổi các ông tận căn từ một ngư phủ trở nên người đi chinh phục kẻ khác về cho Chúa (Mc 1,17). Kế hoạch dài lâu là như thế, nhưng trước mắt, Đức Giêsu cần phải tỏ mình để họ tin vào Người. Và dĩ nhiên khi được Thiên Chúa tỏ mình và tin thì cuộc đời người được chọn sẽ đổi thay. Trong Chúa Nhật II C Mùa Thường Niên, yếu tố chung cho cả hai bài đọc được Lời Chúa chọn để diễn tả việc Thiên Chúa tỏ mình và làm đổi thay số phận người được chọn là hình ảnh về HÔN NHÂN:

BÀI ĐỌC I: Is 62,1-5

Trong lúc dân bị lưu đày khổ nhục, Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến an ủi khích lệ dân, những hình ảnh tương lai đẹp như mơ làm dân tràn trề hy vọng: “hoang địa biến thành hồ ao, đất khô nên mạch nước dồi dào” (Is 41,18b); “lỗ châu mai tường thành, Ta xây bằng hồng ngọc… tường trong lũy ngoài toàn đá quý. Con cái ngươi Yavê dạy dỗ, chúng sẽ được vui hưởng thái bình” (Is 54,12-13); “Đến cả đi… dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng, đến mua rượu mua sữa không phải trả đồng nào” (Is 55,1) … Thế nhưng khi vua Ba Tư cho hồi hương; Về đến Palestin, thực tế trước mắt không lý tưởng như lúc ở Babylon nghe Isaia đệ nhị loan báo: thực tế, Giêrusalem điêu tàn, dân cư kém cỏi, nghèo nàn, thưa thớt có cả dân ngoại lẫn lộn vào, đất đai bị bọn thực dân chiếm, nhất là người Samari, Đền Thờ là một đống đổ nát; Rồi việc tái thiết gặp khó khăn, bị chống phá, lại còn hạn hán… Những điều đó đã nảy sinh những ý tưởng, thái độ tiêu cực trong đám hồi hương: họ bỏ bê việc chung, rút lui về lo cho cá nhân gia đình rồi còn than trách Chúa nữa (x. Is 58,3; 59,1.13). Chính trong bối cảnh như vậy, Isaia đệ tam xuất hiện phân tích nguyên do, tình hình rồi loan báo sứ điệp hy vọng, ngày Giêrusalem được tỏa sáng.

Is 62 là một phần những lời loan báo hy vọng đó. Bằng những hình ảnh truyền thống, đặc biệt những câu được trích làm bài đọc 1, Is 62, 1-5 mô tả vẻ huy hoàng của Giêrusalem vào thời được cứu chuộc.

1/ Thiên Chúa tỏ mình làm Israel nên vinh quang (62,1)

Đây là lời trần tình của Chúa nhằm giúp dân hiểu được phần nào dự tính của Thiên Chúa cũng như cách hành động của Người hầu kiên tâm vững tin cho dù thực tế trước mắt vẫn còn nhiều khốn khó.

*“Tôi sẽ không nín lặng”: trong lịch sử cứu độ, có những lúc Thiên Chúa thinh lặng như không có mặt: hoặc đó là lúc Thiên Chúa tập con người sống trưởng thành, tập sử dụng tự do như trường hợp Adam; hoặc đó là lúc Chúa đang chuẩn bị cho một cuộc can thiệp mạnh hơn để hồi phục và đưa dòng lịch sử cứu độ lên một mực độ cao hơn. Vậy sự nín lặng không phải là đường lối chung cuộc của Thiên Chúa; Chúa không hề bỏ mặc dân, nhưng sẽ can thiệp bày tỏ ý định của Người để cứu dân.

*“Tôi nghỉ yên sao đành” Thiên Chúa luôn làm việc (Ga 5,17). St 2,2 cho thấy rằng Thiên Chúa chỉ nghỉ ngơi khi công trình sáng tạo cơ bản hoàn tất. Ở đây dân Chúa còn trong cảnh lưu đày, việc cứu dân chưa xong, lẽ nào Thiên Chúa “nghỉ”. Chúa sẽ làm việc “cho tới khi” nghĩa là cho đến lúc công trình cứu độ hoàn tất, dân Chúa được cứu, được giải thoát mới thôi.

*“Vì lòng mến Sion… Giêrusalem”: động lực của việc làm, của sự can thiệp giải cứu là lòng mến, là tình yêu của Thiên Chúa đối với Israel. Vì động lực phát xuất từ chính Tình Yêu của Thiên Chúa, cho nên việc Israel được giải cứu là chắc chắn. Và Chúa biểu lộ quyết tâm đó qua cách nói “cho tới khi”. Điều Chúa muốn là làm cho “đức công chính” và “ơn cứu độ” của Giêrusalem, của Sion được sáng lên như “hừng đông”, như “ngọn đuốc”.

*“Đức công chính”, “ơn cứu độ” của Giêrusalem không phải là công đức Israel lập được để Chúa phải “trả công” cho dân. Đó chính là tình yêu tha thứ, bao dung của Chúa trước thái độ nhận lỗi, trách nhiệm và các hậu quả của tội mình (xem thái độ của tên trộm lành) rồi nỗ lực sám hối, phó thác cho tình yêu tha thứ của Chúa. Chúa coi những nỗ lực đó là “công nghiệp” (xem Is 40,10 trong bài suy niệm “lễ Chúa Giê su chịu phép rửa” C tuần trước).

Trong đường hướng trên với cái nhìn của Tân Ước, cách nói “đức công chính và ơn cứu độ của Israel rực sáng…” không gì khác hơn là việc Đức Giêsu được ban xuống và tỏ mình ra cho nhân loại, đặc biệt qua Giáo Hội. Thời gian “thinh lặng”, “nghỉ ngơi” tạm thời của Thiên Chúa chỉ là những chuẩn bị cho cú nhảy vọt lên mực độ cao hơn của ơn cứu độ mà chóp đỉnh là ban tặng Con Một, Đức Giêsu: nơi Người, Thiên Chúa nói tiếng “THA THỨ” một cách dứt khoát, phục hồi trọn vẹn “hình ảnh Thiên Chúa” nơi nhân tính chúng ta, còn ban cho Thần Khí, quyền làm con Thiên Chúa và cuối cùng đưa tất cả công trình sáng tạo vào trời mới đất mới.

2/ Số phận đổi thay (62,2-3): một khi được Thiên Chúa tỏ mình, Israel nhận ra và hiểu được đường lối, ý nghĩa các hành động của Chúa đối với mình, thì ngay lập tức vận mạng dân Chúa đổi thay:

*Đối với bản thân: những gì trước giờ dân vẫn coi như là “hình phạt” thì nay khám phá ra rằng đó là cách thức Thiên Chúa đang tẩy luyện, chữa lành; Những gì là đọa đày, ô nhục, là “vòng kim cô” … thì khi được Chúa tỏ mình đó lại chính là, dưới con mắt tha thứ của Chúa, “công lao lập được”, là “đức công chính”, là “ơn cứu độ” của dân.

*Đối với chư dân: những gì Chúa thực hiện cho dân, Chúa đều làm công khai trước mắt chư dân và còn sử dụng chư dân như công cụ để huấn luyện, sửa dạy dân Chúa: Chúa dùng đế quốc Babylon để cảnh cáo, sửa dạy dân, Chúa dùng đế quốc Ba Tư để hồi phục dân, xây lại Thánh Điện…

Trong suy niệm mầu nhiệm Giáng Sinh ta đã thấy vua quan, hoàng đế, các biến cố tốt xấu… Augustô – Hêrôđê – Quiriniô đều là công cụ của Chúa để “lời ngôn sứ được ứng nghiệm”

Việc đổi đời đó còn được Kinh Thánh diễn tả bằng một cách thức truyền thống: đổi tên, một tên mới do Chúa đặt cho.

*Đối với Thiên Chúa: khi được Chúa tha thứ, tỏ mình dân trở nên vinh quang của Chúa: là “ngọc miện huy hoàng”, là “mũ triều thiên vương giả” được Chúa nâng niu, tự hào đem ra “trang điểm” cho chính Chúa.

Trong Tin Mừng Luca chắc không có “mũ triều thiên”, “ngọc miện” nào trang điểm lộng lẫy cho “Vua Thập Giá” bằng tên tử tội treo bên hữu Người: chính Y đã tỏ lộ ra cho toàn thế giới và kéo dài mãi đến ngày Tận Thế, thấy được quyền vua tuyệt đối, tức thời, hiệu quả của Đức Giêsu Thập Giá.

3/ Được mang tên mới (62,4-5) một dấu chỉ nữa cho thấy Thiên Chúa không thể nào bỏ dân được biểu lộ qua việc “đổi tên” và “kết hôn ước”:

Tình yêu bao dung, tha thứ của Thiên Chúa đã đưa con người vào một tương quan mới, được biến đổi tận căn: kẻ “đồ bị ruồng bỏ” giờ trở thành “Ái Khanh lòng Ta”; kẻ “phận bạc duyên đơn” giờ nên “duyên thắm chỉ hồng”.

Tuy nhiên Thiên Chúa vẫn cần nơi con người một đáp trả: tôn trọng HÔN ƯỚC.

Tóm lại, bằng nhiều cách diễn đạt khác nhau, bài đọc 1 cho thấy rằng Thiên Chúa đã tỏ lộ cho Sion biết mối chân tình và dự tính yêu thương của Chúa đối với dân. Đối với Chúa, dân luôn là quý giá. Chúa đã khai sáng mọi sự trong tình yêu thì cũng sẽ kết thúc trong tình yêu. Thiên Chúa tiếp tục tỏ mình là Thiên Chúa tình yêu, tìm đủ mọi cách để nối lại “hôn ước” và mời gọi dân Chúa, sống ngay giây phút hiện tại ơn gọi “hiền thê” của Chúa, trở thành niềm hân hoan cho Thiên Chúa của mình. Đó là số phận đích thực mà Chúa dành cho dân; Đó là vị trí huy hoàng Chúa dành cho dân trong tim Chúa và đó cũng là phương thức Chúa dùng để tỏ lộ cho cả chư dân vinh quang thần linh của Chúa.

TIN MỪNG: Ga 2,1-11

Đức Giêsu đã bắt đầu sứ vụ công khai rao giảng Tin Mừng. Thiên Chúa tiếp tục hiển linh, tỏ mình qua con người Giêsu, giờ đây đang là một “rabbi” (x. Ga 1,49) dạy dỗ dân chúng. Trong Tin Mừng Gioan, việc đầu tiên chiếm hết mối bận tâm của Đức Giêsu trong tuần lễ khai mạc là thiết lập cộng đoàn môn đệ của thời thiên sai. Người cho họ theo sát Người ngay từ đầu sứ vụ; Rất sớm ban cho họ dấu chỉ thiên sai (Tiệc cưới – Nước hóa rượu) để họ tin vào Người. Cả tuần đầu (có thể so sánh với Tuần Sáng Tạo trong St 1), Đức Giêsu lo thiết lập cộng đoàn mới, nền tảng cho mọi công cuộc sau này của Người.

Tin Mừng hôm nay là ngày cuối của tuần khai mạc ấy, Đức Giêsu đưa cộng đoàn thiên sai Người vừa thành lập đi vào nhiệm cục mới: Tiệc tân hôn với dấu lạ đổi thay bản chất sự vật, nước hóa thành rượu (báo trước Bữa Tiệc Ly cuối đời dương thế của Người – cũng là một phép lạ biến đổi bản chất sự vật – rượu biến thành MÁU: Tiệc Thánh Thể).

Đức Giêsu hiển linh sớm công việc của “Giờ”, nhờ đó đôi tân hôn số phận thoát cảnh ngặt nghèo, niềm vui thăng hoa; các tông đồ trở thành cộng đoàn đức tin. Không thể quên được vai trò chuyển cầu và lòng tin của Mẹ Maria. Và nhất là, mọi thực khách được quy tụ lại trong bữa tiệc cưới đó – dù biết hay không – đều được hưởng dùng ơn huệ do Đức Giêsu hiển linh.

1/ Khung cảnh nền của trình thuật (2,1-3a)

*Tiệc cưới, trong Kinh Thánh, là hình ảnh biểu tượng thường được dùng để ám chỉ bữa tiệc cánh chung. Thật vậy, “bối cảnh tiệc cưới nối kết đoạn văn này với đề tài đã được Cựu Ước biết đến về hôn nhân giữa Thiên Chúa với dân Người (x. Is 62,1-5: bài đọc 1); Gioan Tẩy Giả cũng giới thiệu Đức Giêsu như là vị hôn phu (Ga 3,29); Ngoài ra Đức Giêsu cũng tự xưng mình như là vị hôn phu (Mc 2,19; Mt 9,15; Lc 5,34) và Người mô tả Nước Trời dưới hình ảnh một bữa tiệc cưới (Mt 22,1-14). Cuối cùng Sách Khải huyền còn dùng đề tài này để nói lên việc kết thúc kỷ nguyên này và việc xuất hiện của kỷ nguyên tương lai (Kh 19,7-9; 21,2, so sánh Ep 5,22 tt)” (xem chú giải Phúc Âm Chúa Nhật C Mùa Thường Niên trang 14-15).

Như vậy ngang qua dấu lạ trong tiệc cưới, Tin Mừng thứ tư công bố thời thiên sai đến rồi, bắt đầu với Đức Giêsu. Đó là cách trình bày của Gioan, tương đương với cách nói “Triều đại Thiên Chúa đã tới gần” trong Nhất Lãm (Mc 1,15//)

*Ngày thứ ba: thuật ngữ gợi nhớ ba biến cố Cựu Ước: Abraham khỏi hiến tế Isaac (St 22,11.12.17-18), Sấm ngôn của Hs 6,2; Chuyện ngôn sứ Giona được cá nhả ra (Gn2,11) (xem thêm phần suy niệm MTN XXII A). Vậy chi tiết “ngày thứ ba” này hé mở mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh (thứ 6, thứ 7, ngày hiện ra): nhân tính Đức Giêsu hiển linh trọn vẹn vinh quang thần linh cho môn đệ, tôn vinh Thiên Chúa, đưa nhân loại bước vào kỷ nguyên mới, nhân loại thoát ách tội lỗi và tử thần. 

Trong Tin Mừng Gioan, đây là ngày cuối trong tuần lễ khai mạc, thiết lập cộng đoàn thiên sai; Điều đó gợi lại ngày Thiên Chúa hoàn tất công tình sáng tạo (St 2,1-2). Đó là ngày Thiên Chúa hiển lộ trọn vẹn vinh quang thần linh đưa mọi sự đến chỗ hoàn tất, Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự.

*Thiếu rượu: tiệc cưới bao gồm ăn uống, múa nhảy, giải trí kéo dài trong bảy ngày, đôi khi kéo dài gấp đôi, tụ tập lại – thường là ở bên nhà chồng – hết thảy bà con họ hàng (Xavier Léon – Dufour “Dictionnaire du NT” p.62). Nếu không lường trước mọi phát sinh thì có thể bị thiếu rượu. Lúc ấy thật là mất mặt, bất hạnh.

Hạnh phúc, danh dự, niềm vui của đôi tân hôn và hai họ được cứu, đổi mới nhờ sự hiện diện của Đức Giêsu, Mẹ Maria và cộng đoàn thiên sai giữa họ.

2/ Phản ứng của Đức Mẹ và Đức Giêsu (2,3b-5)

*“Họ hết rượu rồi”: Đức Mẹ xin Đức Giêsu can thiệp giúp đôi hôn phối,

– Về mặt nhân bản, Đức Mẹ thật nhạy cảm, quan tâm đến nhu cầu của kẻ khác, biết đặt mình vào vị trí của tha nhân, dám đảm nhận trách nhiệm, coi sự thiếu sót như là của mình (Adam, Eva có tội lại chối) rồi tìm cách giải cứu.

– Về mặt thần học: với biến cố Truyền Tin và thời thơ ấu của Đức Giêsu, Mẹ cũng biết con mình là ai rồi, nên Mẹ cũng mong con biểu lộ quyền năng để cứu đời. Tác giả sách Tin Mừng tứ tư đã khai thác cách khéo léo các yếu tố của 1 đám cưới tự nhiên để xen vào các ý tưởng mặc khải về căn tính thần linh của Đức Giêsu, về bữa tiệc cánh chung. Và theo văn mạch, câu 5 cho thấy là Mẹ tin rằng Đức Giêsu nhận lời: Mẹ đúng là “người nghèo của Thiên Chúa”: ANAWIM, là người chỉ có Thiên Chúa là nơi cậy dựa duy nhất.

Tuy nhiên cách thức mà Đức Giêsu can thiệp cứu giúp, và ý nghĩa báo trước nhiệm cục mới của ơn cứu độ thay thế cho Giao Ước cũ thì chắc chắn là vào thời điểm tiệc cưới, Mẹ không thể biết. Chính Đức Giêsu đã hé mở qua lời Người đáp ở câu 4 và cách làm biến nước lã thành rượu (thay vì làm phép lạ “hóa rượu không cạn như trong Ga 6 hóa bánh ra nhiều hay như Elia cho hũ bột không cạn, bình dầu không vơi…) thay đổi bản chất sự vật mới hé mở cho ta biết kỷ nguyên mới đã khởi sự.

*“Này người phụ nữ” = “gunai” (2,4 so với 19,26): ở đây Đức Giêsu không xưng hô “Mẹ – Con” mà gọi Đức Mẹ là “hỡi người phụ nữ”; Cách gọi này được Đức Giêsu lập lại khi trao phó người môn đệ Người yêu cho Mẹ lúc Người đang bị treo trên Thập Giá (Ga 19,26). Trong Tin Mừng Gioan, Đức Mẹ xuất hiện chỉ hai lần: tại tiệc cưới Cana, cuối tuần khai mạc sứ vụ; và ở chân Thập Giá kết thúc tuần Thương Khó, cuối đời Đức Giêsu; và đều được Đức Giêsu gọi là “hỡi người phụ nữ”.

Vậy hai biến cố “tiệc cưới Cana” và “Thập Giá” liên kết chặt chẽ với nhau: trong “tiệc cưới”, Mẹ đã nài xin Đức Giêsu cứu giúp nhân loại (cô dâu, chú rể và mọi người tham dự tiệc cưới đó); rồi trên Thập Giá, Đức Giêsu TRAO LẠI cho Đức Mẹ một nhân loại đã được Người chữa lành và biến thành “môn đệ Chúa yêu”.

Và cách gọi trên cũng gợi lại St 2,23: Adam gọi người nữ là “người phụ nữ”, là “người đàn bà”. Vậy là đã rõ, khi gọi Mẹ là “người phụ nữ” trong mạch văn “tuần khai mạc” và trên Thập Giá, Tin Mừng thứ tư muốn mặc khải Đức Giêsu là Adam mới và Đức Mẹ là Eva mới: như vậy nhân loại và mọi sự được phục hồi trong Đức Giêsu, Adam mới với sự cộng tác của Eva mới: giờ đây khai mạc với dấu lạ “nước hóa rượu” (rồi trong Tiệc Ly: rượu thành MÁU), Thiên Chúa hoàn tất phần của Người nơi con người Đức Giêsu mà chóp đỉnh là Thập Giá và Phục Sinh, để rồi cuối cùng cũng trong Đức Giêsu, mọi sự sẽ được qui tụ tất cả lại trong ngày cánh chung. Tuy nhiên tại tiệc cưới Cana thì:

*“Giờ con chưa đến”: “giờ” ở đây ám chỉ thời điểm Thập Giá và Phục Sinh. Đúng! “Giờ” đó chưa đến. Nhưng việc chuẩn bị mọi mặt để khi “Giờ” đó đến thì cộng đoàn thiên sai có thể đón tiếp cách chủ động là cần thiết và còn có thể nói là cấp bách nữa. Sự thật phũ phàng đã chứng minh điều đó: dưới chân Thập Giá chỉ còn lại “người môn đệ Chúa yêu”.

Nên dấu lạ này bên ngoài là giúp đôi hôn phối, nhưng thực chất là nhắm vào đoàn môn đệ. Thật vậy kết cục của dấu lạ không nhắm vào các thực khách đám tiệc (họ chẳng biết gì) mà là cho đoàn môn đệ: “các môn đệ đã tin vào Người” (c.11).

Vậy điều chính yếu là các môn đệ phải tin vào Đức Giêsu, nhận ra căn tính thần linh của Người khi Người tỏ mình kể cả qua những phút giây ngặt nghèo nhất, để họ sau này sẽ là chứng nhân và mọi người, mọi thế hệ, mọi nơi đều có thể dựa vào đức tin của họ mà tuyên tín “lạy CHÚA của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28b), nhờ đó mà được sống (Ga 20,30-31).

*“Người bảo gì các anh cứ việc làm theo” 

Mẹ không biết Đức Giêsu sẽ can thiệp như thế nào! Mẹ cũng không lạm quyền làm mẹ để can thiệp vào chương trình của Đức Giêsu. Mẹ chỉ chia sẻ lại cho các gia nhân KINH NGHIỆM ĐÍCH THÂN của Mẹ trong tương quan với ý định của Thiên Chúa: trước đường lối lạ lùng của Chúa, Mẹ phó thác bằng lời đáp “tôi đây là NỮ TỲ của Chúa, Xin Chúa CỨ LÀM CHO TÔI như lời Sứ Thần nói” (Lc 1,38), Rồi năm Chúa 12 tuổi, Mẹ chưa hiểu ý Chúa thì Chúa mặc khải… và Mẹ đã “ghi nhớ những điều ấy trong lòng” (Lc 2,51).

Trong tương quan với nhân loại khổ đau, khốn khó, Mẹ không tự ý giải quyết vấn đề theo tầm nhìn của Mẹ. Vai trò của Mẹ là THẤY rồi CHUYỂN CẦU và nhất là nâng đỡ giúp nhân loại biết PHÓ THÁC HẾT cho Chúa như Mẹ: Mẹ ơi, xin giúp và dạy đoàn con biết noi gương Mẹ “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.

Nhờ lời chuyển cầu và hướng dẫn của Mẹ nên các gia nhân đã dám làm một việc xem ra là “bất kính”: múc nước lạnh dùng để rửa tay mà đem cho người quản tiệc nếm.

3/ Dấu lạ đầu tiên (2,6-11)

Đối với người Do Thái, các nghi lễ thanh tẩy là một trong những luật cốt yếu của việc sống đạo (x. Mc 7,3-4). Sáu chum được nói tới trong trình thuật là được dùng đựng nước để khách mời khi đến sẽ rửa chân (ám chỉ là được mời và được đón tiếp), và rửa tay trước khi ăn, nhập tiệc. Dung lượng của chum là khoảng 2 hoặc 3 “mêtretas” = “thùng”, mỗi “thùng” khoảng 40 lít.

*Hãy đổ đầy nước vào sáu chum đi! Và họ đổ đầy tới miệng (2,7)

“Đổ đầy” hàm ý sự thay đổi tận căn và toàn diện.

Để phép lạ xảy ra, phần đóng góp của các gia nhân không nhỏ: họ tin lời dặn của Mẹ và vâng phục Đức Giêsu cách mau chóng, vô điều kiện. Nhìn lại lịch sử nhân loại: Adam đã làm hư tất cả vì không tin vào lệnh Chúa. Để tái thiết, Thiên Chúa cần lòng tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa từ phía con người. Trong trình thuật này, người đầu tiên biểu lộ niềm tin là Mẹ Maria; Rồi Mẹ truyền niềm tin đó cho các gia nhân và họ cũng đã tin vô điều kiện; Rồi kết quả chung cuộc là cả đoàn môn đệ đều TIN.

Trong Tin Mừng Gioan, mọi sự khởi đầu với lời mời gọi hãy tin (Ga 1,12), rồi các môn đệ đã tin (Ga 2,11), rồi trải qua bao sóng gió, tối tăm của Thần Chết, cuối cùng kẻ cứng lòng nhất trong môn đệ cũng đã TIN (Ga 20,28). Để rồi từ các môn đệ ấy, niềm tin lan tỏa khắp thế giới.

*Dấu lạ: Nước hóa thành rượu. Các dấu lạ khác chỉ là hồi phục, chữa lành hoặc tăng số lượng; bản chất sự vật không thay đổi. Còn ở đây “nước” không còn là nước nữa mà là rượu. Mỗi loại có công dụng, ý nghĩa khác nhau. 

Đây chỉ là dấu lạ mờ nhạt báo trước hai cuộc biến đổi khác làm đổi thay bộ mặt trái đất và nâng nhân tính con người lên ngang bằng Thiên Chúa trong Đức Kitô.

Đó là trong Thánh Thể: rượu thành MÁU CHÚA; bánh thành THỊT MÌNH CHÚA.

Rồi với mầu nhiệm phục sinh, nhân tính Đức Giêsu được tôn vinh là ĐỨC CHÚA.

Rồi nhờ liên kết với Người, chúng ta cũng được thông phần thiên tính, được làm con Thiên Chúa, đồng thừa tự với Đức Giêsu (Rm 8,15-17).

Frère Pierre Đình Long FSC