Bài 1
Xh 20,1-17; Ga 2,13-25
Chủ đề: Phải thờ phượng Chúa, tôn trọng sự thánh thiện của Người
* Xh 20,1-17: Chúa ban cho dân mười điều răn và dân phải thờ phượng Chúa bằng cách tuân giữ Luật ấy.
* Ga 2,16: Đức Giêsu thanh tẩy Đền Thờ “…đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”.
Giữa Thiên Chúa chí thánh, tinh tuyền và con người phàm hèn tội lỗi, có một vực thẳm ngăn cách sức người không thể vượt qua được (x.Xh 3,5-6; 19,21-20,19 …); Không ai nhìn thấy vinh quang Chúa mà còn sống (Xh 33,20), những ai được Thiên Chúa thương chọn mới được Người cho thấy những nét cụ thể mà Người đã dùng để biểu lộ vinh quang của Người thôi (x.Xh 3,2-3; 33,18-23…)
Chúa Nhật III B Mùa Chay trình bày cho chúng ta hai cách thức cụ thể mà Thiên Chúa đã dùng trong Cựu Ước để biểu lộ vinh quang thần linh của Người và để Người ngụ lại giữa Dân: đó chính là LỜI CHÚA tức là mười giới răn, Thiên Chúa đã ban cho Dân Chúa để trở thành cương lĩnh của cuộc sống; DÂN Chúa phải gìn giữ nghiêm chỉnh để biểu lộ lòng thần phục, tôn vinh Thiên Chúa. Điều này được thuật lại trong bài đọc một. Còn trong Tin Mừng, nơi Chúa biểu lộ vinh quang và ngụ giữa dân Người là ĐỀN THỜ. Đó là nơi con người đến cầu nguyện, gặp gỡ Chúa, kính tôn, thờ phượng Người.
Giữa mười LỜI CHÚA tức mười ĐIỀU RĂN và ĐỀN THỜ có sự liên hệ mật thiết với nhau: Trong thời gian Dân còn lưu lạc trong Hoang Địa, lúc còn trong thân phận lữ hành, mười LỜI CHÚA đồng hành với Dân trong một chiếc LỀU di động gọi là LỀU HỘI NGỘ (Xh 33,7-10), Dân có thể chiêm ngắm vinh quang Chúa nơi LỀU này (Xh 33,10); Và vinh quang Chúa xuất hiện hữu hình nơi Lều là hình thức Chúa dùng để điều động, đồng hành và hướng dẫn lộ trình, đường đi nước bước cho Dân tiến về Đất Hứa (x.Xh 40,36-38). Rồi khi Dân đã an cư trong Đất Hứa, thì Thiên Chúa đã bằng lòng để vua Salomon xây cho HÒM BIA LỜI CHÚA một ĐỀN THỜ. Từ đó Đền Thờ là nơi Chúa ngự, biểu lộ vinh quang và là nơi Dân đến tôn vinh thờ lạy Chúa, Chúa hứa đó là nơi Chúa ngự trị đến muôn đời (x.1V 8,13). Tuy nhiên, Thiên Chúa không bị nhốt trong Đền Thờ, nhất là khi con người tỏ ra bất xứng, lạm dụng Đền Thờ, biến Đền Thờ thành nơi buôn bán (Ga 2,16).
Nơi Đức Giêsu, sự liên kết giữa LỜI CHÚA và ĐỀN THỜ trở nên trọn hảo: Người chính là NGÔI LỜI THIÊN CHÚA và Thân Thể Người chính là Đền Thờ đích thực của Thiên Chúa. Nơi Đức Giêsu, Lời Thiên Chúa và Đền Thờ đan quyện nên một.
Trong bài đọc một, cách thức Thiên Chúa dùng biểu lộ vinh quang là LỜI CHÚA. Mười điều răn Chúa ban cho Dân chính là cách thức Chúa dùng để đồng hành, dạy dỗ, giáo dục đám nô lệ thành dân thánh của Chúa (x.Xh 19,5-6). Nhưng đó cũng là một GIAO ƯỚC, một đòi buộc. Đòi dân phải giữ Luật Chúa. Đó là cách tôn vinh thờ phượng Chúa mà Chúa mong đợi nơi dân Chúa.
Mười lời Chúa gồm ba lời nói về bổn phận đối với Chúa: 1. Chỉ thờ phượng một mình Chúa thôi; 2. Không được dùng TÊN Chúa cách bất xứng; 3. Giữ ngày Sabat. Còn bảy điều liên quan đến bổn phận của con người đối với nhau có thể chia làm hai nhóm:
-
Những việc làm biểu lộ ra bằng hành động: 4. Thảo kính cha mẹ; 5. Chớ giết người; 6. Chớ ngoại tình; 7. Chớ trộm cắp; 8. Bằng lời nói: Chớ làm chứng dối.
-
Những việc liên quan chỉ mới trong ý nghĩ: CHỚ THAM 9. Nhà cửa, đất đai; 10. Vợ con, tài sản kẻ khác.
Trong Tin Mừng: nơi chốn Thiên Chúa bày tỏ vinh quang và cũng là nơi mà con người đến để thờ phượng, tôn vinh Thiên Chúa là ĐỀN THỜ. Mặc dù vào thời của Đức Giêsu thì trong Đền Thờ không còn hai BIA ĐÁ LỜI CHÚA nữa, nhưng đó vẫn là nơi linh thánh, nơi Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau. Thế nhưng Dân Chúa đã coi thường vinh quang Thiên Chúa; Họ không tôn vinh thờ phượng Chúa như Lời Chúa đã dạy; Họ đã biến Đền Thờ thành nơi buôn bán: việc dâng lễ vật, cúng tiền cho Chúa bị biến thái thành dịch vụ kinh doanh. Sự linh thánh của Đền Thờ không còn nữa, mục đích để Đền Thờ được xây nên đã mất thì Đền Thờ không còn lý do tồn tại. Đức Giêsu mặc khải một ĐỀN THỜ MỚI: đó là nhân tính được tôn vinh của Người sau khi chịu khổ hình thập giá và phục sinh: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây lại”. Từ nay, với Thập Giá và phục sinh, Đức Giêsu vừa là Đền Thờ, là lễ vật, là Thượng Tế; Người biểu lộ vinh quang và Tình Yêu của Thiên Chúa; Đồng thời Người cũng tôn vinh Thiên Chúa, thờ phượng Thiên Chúa thay mặt toàn thể nhân loại cách hoàn hảo. Chỉ trong Đức Giêsu, ta mới thờ Chúa cách PHẢI ĐẠO.
Bài 2
“Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” … Đền thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây chính là thân thể Người (Ga 2,19.21).
Chúng ta bước vào Chúa Nhật III B Mùa Chay. Lời Chúa mời tín hữu tiếp tục suy gẫm về chủ đề CHIẾN ĐẤU. Chiến đấu để làm mới lại những ân huệ Chúa ban đã bị bụi bặm thời gian và nhiều yếu tố khác làm ra hoen ố, rỉ sét, giảm sút (lắm khi mất luôn) sức sống thần linh, khiến con người chỉ còn sống theo hình thức, đua đòi khoe khoang những hào nhoáng bên ngoài. Do đó “canh tân, đổi mới” là một trong những nét mà Giáo Hội khích lệ con cái mình hãy chiến đấu để đạt được trong Mùa Chay.
Thật vậy, sau ba thế kỷ bị bách hại, Giáo Hội bắt đầu bước vào giai đoạn hưng thịnh, được đế quốc Rôma nhìn nhận ưu đãi; Do đó được tự do giữ đạo, truyền bá niềm tin và diễn tả ra bằng những hình thức, nghi lễ huy hoàng. Các hình thức đạo đức cũng được phát huy và lan rộng đa dạng khắp các giáo đoàn.
Lễ Phục Sinh biến thành một đại lễ, với bốn mươi ngày chuẩn bị gọi là Mùa Chay. Đây là thời gian Giáo Hội thôi thúc, hướng dẫn đoàn con hãy lo sám hối, đổi mới não trạng, canh tân cuộc sống qua phụng tự lẫn những việc đạo đức: ăn chay, bố thí, cầu nguyện. Giáo Hội quyết noi gương Chúa của mình (Đức Giêsu) CHIẾN ĐẤU quyết liệt suốt bốn mươi ngày trong hoang địa chống lại những mãnh lực sự dữ luôn tìm cách ngăn trở, chống lại sứ mạng của Người. Như vậy các Kitô hữu được khuyến khích giũ bỏ những mê muội, đờ đẫn của mình và đổi mới lại đức tin, khơi bùng lại sức sống thần linh. (x. Theo Nouvelle encyclopedie catholique p.924 a,b)
Trong Tin Mừng Chúa Nhật I B Mùa Chay, Đức Giêsu đã chiến đấu đạp đầu “Rắn” đem lại cho nhân loại sự tự do, hồi phục nhân phẩm để có thể tự quyết được về vận mạng của mình mà không còn bị khống chế bởi ma quỷ và mãnh lực sự ác hay sợ hãi nào.
Qua Chúa Nhật II B, các môn đệ được đào tạo để chiến đấu chọn con đường Thập Giá, trong xác tín đó là Ý Cha, là con đường đưa tới vinh quang đích thực: đừng để rơi vào cơn cám dỗ bám víu vào cái vinh quang nhất thời mà quên đi phận làm người, quên đi con đường Thập Giá.
Tin Mừng hôm nay tiếp tục mời gọi các kẻ tin hãy tiếp tục chiến đấu: chiến đấu để đổi mới, để canh tân, làm rực sáng lại đức tin, hồi phục lại sức sống thần linh ẩn tàng trong các giáo điều (mười điều răn trong bài đọc một), trong các cơ chế (Đền Thờ trong Tin Mừng) của kitô giáo, nhưng lâu ngày đã bị bụi bặm thời gian trần thế bám vào làm hoen ố, rỉ sét, nguy cơ trở thành một mớ lề luật, một khối cơ cấu nặng nề không ai vác nổi (x.Cv 15,10; Mt 23,1-32). Cần phải có ơn Chúa trợ giúp để chiến đấu, biện phân, nhận ra trong cuộc sống và trong đức tin, đâu là những yếu tố đến từ Thiên Chúa, đâu là những cặn bã, uế tạp của trần thế bám vào làm biến chất đức tin.
Bài đọc một là trích đoạn Xh 20,1-17: nội dung là mười Lời của Giao Ước được Thiên Chúa ban cho dân Israel qua trung gian Môsê tại núi Sinai. Mục đích của ân huệ thần linh này là để Israel trở thành dân tư tế, dân riêng của Thiên Chúa (x.Xh 19,5-6). Với Giao Ước này, họ hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Thế nhưng qua dòng lịch sử, các tập tục, các lối ứng xử phàm nhân do họ bịa thêm vào, đã biến Giao Ước mười lời thành bộ luật gồm sáu trăm mười ba điều khoản, mà khốn thay, không phân biệt đâu là khinh đâu là trọng, cào bằng tất cả đến độ toàn dân qua bao thế kỷ cũng không rõ “điều răn nào là lớn nhất?” (Mt 22,36), “điều răn nào đứng đầu?” (Mc 12,28). Họ đã ù lì, đờ đẫn để cho bụi bặm thời gian, những uế tạp của môi trường xã hội của dòng lịch sử bám vào, che lấp mất tinh thần của Luật, biến Luật Chúa thành những gánh nặng chất lên vai dân, không ai gánh nổi (x.Lc 11,46): Việc thờ phượng, ngợi khen Thiên Chúa chỉ còn là những lời giả dối đầu môi chót lưỡi (x.Mc 7,6b-7); Những lời Chúa nhằm giúp chu toàn bổn phận đức ái đối với tha nhân, chữ hiếu đối với cha mẹ đã bị chúng “phù phép” thành những rào cản kiên cố ngăn chận tình người, thành “mồ mả tô vôi” chôn vùi đạo hiếu (x.Mc 7,8-13; Mt 23).
Như vậy, hồng ân được Thiên Chúa trao ban để giúp Israel trở thành dân tự do, triển nở lại bị họ làm thành hủ hóa, biến chất nên xiềng xích trói buộc họ. Vì tình yêu, Thiên Chúa phải can thiệp khôi phục lại giá trị của Giao Ước: ngay khi vừa nhận Luật, họ đã vi phạm Giao Ước, thế là “Bia Đá” bị phá hủy (x.Xh 32,19b); Rồi Chúa vẫn trung tín ban “Bia Đá” mới (x.Xh 34,1), vẫn đưa dân vào Đất Hứa, kiên trì giáo dục họ theo tinh thần Giao Ước, và còn ban cho họ Đền Thờ. Thế nhưng dân vẫn cứng lòng đi lạc xa đường lối Chúa. Thế là với biến cố lưu đày, Chúa thu hồi lại “Bia Lề Luật”, phá hủy Đền Thờ … Chúa thu hồi “Bia Đá” nhưng Chúa KHÔNG HỦY BỎ GIAO ƯỚC! Thiên Chúa hứa sẽ thực hiện một kỳ công: ghi khắc Luật, Giao Ước của Chúa vào con tim bằng thịt của nhân loại (x.Gr 31,31-34). Lời Chúa trở nên huyết mạch, lẽ sống cho nhân loại. Trên cái nền “mười lời” đó, đến thời Tân Ước, Đức Giêsu giáo huấn về con đường nên hoàn thiện của Người (x.Mc 10,19; Mt 19,18-19; Lc 18,20: đó là phần thứ hai của “mười lời” nói về bổn phận đối với tha nhân). Rồi Đức Giêsu canh tân “mười lời” đó bằng một lời mời triệt để: bán tất cả những gì đang có, cho người nghèo, rồi đến theo tôi (x.Mc 10,21 và //). Để đáp trả được yêu sách đó phải CHIẾN ĐẤU, dám từ bỏ tất cả để theo Đức Giêsu. Vậy phải CHIẾN ĐẤU để từ bỏ con người cũ nô lệ của tội, của sự dữ; Rồi CHIẾN ĐẤU để sống theo Luật Chúa, sống như một dân tự do, dân riêng của Chúa; Nhưng đó chưa phải là cùng đích: cái đích là THEO Đức Giêsu nghĩa là phải CHIẾN ĐẤU đừng để bị ràng buộc bởi các điều tốt lành cuộc bộ mà mình đã tích lũy được, để hoàn toàn thanh thản không gì bận vướng nhẹ nhàng theo Đức Giêsu.
Tin Mừng hôm nay thuật lại một phản ứng khá bất ngờ của Đức Giêsu, đã từng tự xưng là Đấng “có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (x.Mt 11,29). Cả bốn sách Tin Mừng đều thuật lại sự việc Đức Giêsu đánh đuổi các con buôn ra khỏi Đền Thờ, Người muốn khôi phục lại sự trang nghiêm, linh thánh của nơi thờ phượng Thiên Chúa, muốn đưa nền phụng tự Do Thái giáo tới mức tốt đẹp hơn. Biến cố này cũng là dấu chỉ mang tính ngôn sứ, báo trước sẽ có “Đền Thờ” mới, có nền phụng tự mới thay thế cái cũ đã bị biến chất, xuống cấp.
Chỉ có Tin Mừng thứ tư đặt biến cố này vào đầu giai đoạn hoạt động công khai của Đức Giêsu, diễn ra vào dịp lễ Vượt Qua thứ nhất lúc Đức Giêsu khởi sự sứ vụ. Sau “tuần lễ khai mạc”, hoạt động rộng mở từ nam ra bắc, khá thành công, Đức Giêsu đã kêu gọi, qui tụ được cộng đoàn thiên sai (x.Ga 1,19-51) đồng thời hé mở cho các ông thấy dấu chỉ của Nhiệm Cục cứu độ mới: Nước hóa thành Rượu (x.Ga 2,1-12). Qua đó, Đức Giêsu đã tỏ mình là Đấng phải đến để đổi mới mọi sự: thay thế Đền Thờ cũ; thay thế lễ vật chiên bò, tiền bạc; thay thế cả hệ thống lãnh đạo, hàng tư tế của Giao Ước cũ… bằng chính con người của Người. Đây là cuộc đổi mới toàn diện, canh tân tận căn. Cuộc đổi mới toàn diện đòi hỏi có tầm nhìn bao quát, dũng cảm và lòng can trường nhiệt thành sẵn sàng CHIẾN ĐẤU, chiến đấu tới cùng.
Chủ điểm phụng vụ:
Qua lời Chúa hôm nay, Thiên Chúa tỏ bày sự thánh thiện của Người cho dân và qua đó Chúa muốn đưa dân Người bước vào 1 mức độ cao hơn trong nhiệm cục cứu độ. Dĩ nhiên Thiên Chúa cũng muốn con người phải tôn trọng đường lối của Chúa: Người ngăm đe, phạt, điều chỉnh khi dân có sai phạm.
Trong bài 1, sự thánh thiện của Chúa được biểu lộ qua 10 Lời, đặc biệt trong 3 lời đầu Chúa cho thấy Người là Thiên Chúa duy nhất, không có hình ảnh tạo vật nào có thể diễn đạt được Người; và ngày thứ bảy, ngày của Chúa là ngày thánh. Qua các lệnh ấy, Thiên Chúa đã nâng đám nô lệ thành một dân có kỷ cương luật lệ. Và Chúa muốn dân phải tuân giữ điều luật đã được ban, bằng không dân sẽ phải lãnh chịu những hậu quả tương xứng.
Nơi Tin Mừng, sự thánh thiện của Thiên Chúa ẩn ngự trong Đền Thờ đã bị dân Chúa xúc phạm. Đức Giêsu đã khôi phục lại bầu khí thánh thiêng ấy qua hành vi dẹp bỏ những gì đã biến Đền Thờ thành nơi chợ búa. Ngang qua hành vi ấy, Đức Giêsu đưa dân Chúa vào một tương quan thâm sâu, đích thực hơn với Thiên Chúa: ĐỀN THỜ THẬT chính là thân xác của Người. Và đi xa hơn nữa, Tin Mừng còn báo trước mầu nhiệm thập giá và phục sinh của Đức Giêsu.
Từ đó lộ ra chủ đề ẩn tàng của Chúa Nhật 3 Mùa Chay: Giao ước. Mười điều răn là giao ước cũ được Thiên Chúa kết ước với dân xưa qua Môsê; Nay trong Đức Giêsu, Thiên Chúa kết một giao ước mới qua thập giá và phục sinh của Đức Giêsu.
BÀI ĐỌC I: Xh 20,1-17
Văn mạch
Bằng quyền năng siêu việt, Đấng Thánh của Israel đã cứu dân ra khỏi tay Ai Cập, vượt qua Biển đỏ khô chân trong khi chiến xa Ai Cập bị vùi trong lòng biển (Xh 13,17-15,21), Thiên Chúa tiếp tục biểu lộ sự thánh thiện quyền năng ra tay bảo vệ dưỡng nuôi dân trong hành trình sa mạc, từng bước thuyết phục dân, để dân tự nguyện đồng tình trở thành dân Chúa, từ đám nô lệ thành một dân tư tế, thánh thiện của Thiên Chúa: Tại Mara, chặng đầu đường sa mạc, Chúa đã làm nước đắng ra ngọt (15,22-27); nuôi dân bằng Manna và chim cút (16,1-36). Tại Rơphidim, Chúa cho nước vọt ra từ tảng đá giải khát dân (17,1-7), rồi cùng chiến đấu với dân đánh tan quân Amalek kẻ thù truyền kiếp của dân sau này (17,8-16); Ngang qua bố vợ là Gitrô, Chúa giúp Môsê bước đầu tổ chức cơ cấu cai trị dân cách hợp lý (18,1-27). Đến chương 19, dân tới núi thánh Sinai. Tại đây Chúa đến đề nghị kết giao ước với dân, sau khi dân thỏa thuận, Chúa bày tỏ vinh quang thánh thiện của Người qua các lệnh chuẩn bị trước khi kết ước (19,1-15) và qua cuộc thần hiện (19,16-25 và 20,18-21); tiếp đến là Chúa ban nội dung của 10 lời kết ước (20,1-17).
Bài 1 chính là nội dung của 10 lời kết ước. Với giao ước này, đám nô lệ ô hợp đã trở thành một dân nhờ có luật Thiên Chúa nối kết họ lại. Họ là dân tư tế và thánh thiện của Thiên Chúa. Dân được nâng lên một mực độ cao hơn trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
CẤU TRÚC và SUY NIỆM
-
Yavê tỏ mình (Xh 20,1-2)
-
Tỏ lộ thánh danh: tên của Thiên Chúa của dân là YAVÊ
-
Tương quan với dân: đã đưa dân ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ.
Đấng sắp kết ước với dân cũng chính là đấng đã hiện ra cho Môsê trong bụi gai bốc cháy (3,15) và đó cũng là Thiên Chúa của các tổ phụ Abraham, Isaac, Giacob. Điều này hàm ý chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, Người trung tín với dự tính ban đầu của Người và giờ đây Người đẩy dự tính ấy tiến thêm một bước.
Đối với Israel, đây là kinh nghiệm đầu tiên về Thiên Chúa của họ; Người là Thiên Chúa giải thoát, Thiên Chúa cứu độ. Cụ thể Người là Đấng đưa họ ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh Nô Lệ khỏi bị diệt chủng. Chính từ kinh nghiệm cơ bản này mà từng bước họ nhận ra rằng Thiên Chúa của họ, Thiên Chúa của Môsê, Thiên Chúa của tổ phụ và rồi Thiên Chúa tạo hóa chỉ là MỘT. Chính trong tư cách Thiên Chúa duy nhất này mà Người ban giao ước cho dân. Đấng đã cứu khỏi nô lệ không muốn họ lại rơi vào nô lệ mới nên ban Luật gìn giữ họ.
-
Các luật “cấm” liên quan đến Thiên Chúa (Xh 20, 3-7)
-
Không được có thần nào khác ngoài Thiên Chúa (3)
-
Không được tạc tượng (4)
-
Không được phủ phục trước các hình tượng đó để cúng tế chúng
Lý do: Thiên Chúa hay ghen. Phạt 3,4 đời nhưng nhân nghĩa đến ngàn đời (5-6)
-
Không được dùng danh Thiên Chúa cách bất xứng vì Chúa không dung tha tội đó (7).
Ở đây không có thời giờ chú giải từng giới răn; chỉ nhìn tổng quát. Điểm chính phần này là đặt đối nghịch nhau: một bên là Yavê, bên kia là ngẫu thần. Câu 4 cho thấy ngẫu thần chỉ là sản phẩm từ gỗ đá do con người chế biến ra mà thôi, chỉ một mình Yavê là Thiên Chúa thật. Từ đó hệ quả là cấm CÚNG TẾ các ngẫu thần vì đó là biểu lộ bên ngoài của hành vi thờ phụng. Từ CÚNG TẾ và NÔ LỆ trong tiếng Do Thái có cùng gốc là “abad ám chỉ “sự phục dịch”, “dịch vụ”. Vậy việc cúng tế các ngẫu thần đồng nghĩa với việc quay trở về lại với tình trạng nô lệ. Chúa không muốn dân Chúa rơi lại tình trạng cũ. Cách tốt nhất để giữ mãi tình trạng tự do là tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất là Yavê.
Không được dùng danh Chúa cách bất xứng: Chúa mặc khải Danh là để dân kêu cầu thờ phượng Chúa (3,15b) chứ không dùng để phục vụ ý đồ của mình: thề thốt, diễu cợt, thách thức…
-
Các luật “phải giữ” (Xh 20, 8-12)
3.1. Hãy nhớ ngày Sabat, coi đó là ngày thánh
-
Việc phải giữ: không làm việc gì
Đối tượng: con trai, con gái, tôi tớ nam, nữ, gia súc, ngoại kiều.
-
Lý do: bắt chước Thiên Chúa trong công cuộc sáng tạo
3.2. Hãy thờ cha, kính mẹ
-
Mục đích: sống lâu trong vùng đất Yavê Thiên Chúa ban cho ngươi (c.12)
Từ “Sabat” có liên hệ với một từ gốc có nghĩa là “ngưng việc, “nghỉ việc”. Vậy ngày Sabat là ngày nghỉ hàng tuần để thánh hiến cho Yavê theo gương Người đã nghỉ ngày đó sau khi hoàn tất công trình sáng tạo. Ở đây động lực “nghỉ” mang tính phổ quát và tôn giáo. Còn ở Đnl 5, 15 thì mang tính quốc gia và xã hội. Ở đây “nghỉ ngày Sabat” tương đương với một lời tuyên xưng đức tin: tin vào Thiên Chúa sáng tạo trời đất; Và khi thực thi theo gương Chúa, con người thật là “hình ảnh của Thiên Chúa”, nghỉ ngày Sabat là một cách thể hiện ơn gọi làm người, làm hình ảnh Chúa. Vào thời lưu đày, “nghỉ ngày Sabat” là một nét giúp người Do Thái giữ bản sắc dân tộc và tôn giáo của mình.
Đối tượng được hưởng ngày lễ nghỉ này là mọi người. Đây thực sự là một ngày vui, một lễ hội mang tính nhân ái: trong ngày này ít ra là trên bình diện “nghỉ”, tất cả mọi người đều bình đẳng và gia súc cũng được hưởng niềm vui với con người. Thiên Chúa, vạn vật và con người hài hòa trong ngày ấy. Thật đẹp!
Vậy ý nghĩa nghỉ ngày Sabat thật hay; tiếc thay theo dòng thời gian, óc nệ luật đã biến ngày lễ đầy ý nghĩa tốt đẹp này thành một sự thúc ép, gò bó, gánh nặng cho con người.
Thờ cha kính mẹ: không chỉ là chuyện hiếu thảo giữa cá nhân con cái với cha mẹ. Liên kết với các điều trên, giới răn này còn mang ý nghĩa tôn giáo. Thật vậy, đức tin là đón nhận từ thế hệ đi trước; Thiên Chúa cũng tự mặc khải là Thiên Chúa của Apraham, Isaac, Giacob. Vậy thảo kính cha mẹ là nghe lời dạy dỗ của cha mẹ và như vậy gia đình trở nên cái nôi vững chắc của đức tin. Mà trung thành trong đức tin thì chắc là được ở bền lâu trong đất hứa đúng theo Lời Chúa trong Đnl 30, 20.
-
Các luật “cấm” liên quan đến con người (Xh 20, 13-17)
* Không giết người, ngoại tình, trộm cắp, làm chứng gian hại người.
* Không ham muốn…..bất cứ vật gì của người ta.
Đây là những vấn đề luân lý đạo đức phổ quát không riêng gì cho Do Thái giáo, Kitô giáo. Chúng là nền tảng của một xã hội an hòa, có giá trị cho mọi người, giá trị nhân bản. Tuy nhiên qua thập giới, Thiên Chúa đảm nhận các điều tốt này làm lệnh truyền của Người, do đó ai vi phạm là xúc phạm đến Chúa, và sẽ bị Chúa xét xử, còn ai tuân thủ thì phần thưởng họ cũng nâng cao: là chính Chúa.
-
TÓM KẾT:
Qua Thập điều, Yavê biểu lộ cho Israel thấy Người là Đấng Thánh trổi vượt trên mọi sự, là Thiên Chúa duy nhất; đồng thời cũng là Đấng thân thương gần gũi dân, đã đi vào lịch sử dân qua những kỳ công đã thực hiện cho dân trong quá khứ. Giờ đây Yavê muốn gắn kết hơn với dân qua giao ước để đưa dân đi sâu hơn vào chương trình cứu độ của Chúa. Thập giới đóng vai trò đó: đám nô lệ, ô hợp nay trở thành dân tư tế, dân riêng của Chúa. Để hồng ân này được vững bền và sinh hoa trái tốt, dân Chúa phải tôn thờ duy một mình Yavê thôi. Và đức tin ấy sẽ chi phối, hướng dẫn toàn bộ cuộc sống tôn giáo, nhân bản của dân Chúa. Nhờ đó mọi hành vi của kẻ tin đều có giá trị cứu độ nhờ gắn bó với Yavê, được Người đảm nhận toàn bộ việc làm của kẻ tin làm của Người.
Trong tâm tình Mùa Chay, Giao Ước thập điều là bước dọn đường cho Giao Ước tuyệt vời hơn trong thập giá và phục sinh của Đức Giêsu.
TIN MỪNG: Ga 2, 13-25
Văn mạch
Sau tuần lễ đầu tiên của cuộc sáng tạo mới (Ga 1, 19-2,12) mà chóp đỉnh là tiệc cưới Cana: Đức Giêsu chính là Đấng khai mạc nhiệm cục mới đã thay thế nước tẩy rửa bề ngoài bằng rượu tân hôn cánh chung. Chính trong tư cách ấy, Đức Giêsu đến Giêrusalem vào dịp lễ vượt qua, thanh tẩy đền thờ, mặc khải Đền Thờ đích thực và giao ước trong thập giá phục sinh của Người (2, 13-22); Tiếp đến là một bảng tóm kết trình bày kết quả tổng quát của những hoạt động của Đức Giêsu chung quanh dịp lễ vượt qua: nhiều kẻ tin vào Người vì thấy các dấu lạ, nhưng Người lại không tin họ vì Người thấu suốt tâm can (2, 23-25). Tiếp đó là một loạt mặc khải những thể hiện của nhiệm cục mới: phải tái sinh lại bởi ơn trên qua cuộc đối thoại với Nicôđêmô (ch3); Nước hằng sống và phụng tự mới trong thần khí và sự thật qua cuộc gặp gỡ với phụ nữ Samari bên giếng Giacob (ch4); và phần này kết thúc với dấu lạ thứ hai Đức Giêsu làm tại Cana chữa cho con trai viên cận vệ nhà vua (4, 46-52).
Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giêsu thanh tẩy Đền Thờ dịp lễ Vượt Qua và mặc khải Đền Thờ đích thực cũng như giao ước trong thập giá và phục sinh của Người.
CẤU TRÚC VÀ SUY NIỆM
-
Khung cảnh của biến cố (Ga 2,13-14)
* Thời, nơi: gần lễ Vượt Qua, tại Đền Thờ
* Đức Giêsu lên Giêrusalem dự lễ, thấy người ta buôn bán và đổi tiền trong đền thờ.
Trong các dịp lễ hành hương, cũng như các dịp tế tự khác, việc dâng lễ vật lên Thiên Chúa là điều thiết yếu. Lễ vật dâng Chúa phải tinh tuyền, không tì vết (Lv 22, 20-24; Đnl 15,21). Trong các dịp lễ hành hương, đường xá xa xôi dễ làm con vật hiến tế bị ốm đau, tì vết. Vì vậy nảy sinh dịch vụ bán lễ vật hiến tế ngay tại Đền Thờ. Vào thời Đức Giêsu trong cộng đồng Do Thái có lưu hành 2 loại tiền: tiền đế quốc có hình và huy hiệu hoàng đế, đó là tiền ô uế không dùng trong phụng tự được; và tiền Do Thái dùng nội bộ. Vì vậy cần dịch vụ đổi tiền để chi dụng vào công việc phụng tự, tôn giáo. Đây là những dịch vụ béo bở mang lại nhiều lợi nhuận cho các tư tế tại Giêrusalem. Dần dần các lợi nhuận thương mại đã làm lu mờ nét linh thánh. Đức Giêsu đến tu chỉnh lại.
Theo “chú giải Phúc Âm Chúa Nhật” các mùa năm B thì “việc khách hành hương phải dâng hy lễ (1 con bò hay 1 con chiên đối với kẻ giàu, 1 bồ câu đối với người nghèo) và nạp nửa đồng tiền thuế cho đền thờ, đã gây ra một cảnh bán buôn trâng tráo. Hàng quán của các lái buôn chiên bò dựng ngay dưới trụ hành lang, và bàn của những người đổi bạc đặt ngay ngoài trời đã làm cho khuôn viên đền thờ trở thành một cái chợ lớn kiểu đông phương. Thay vì chống lại sự tục hóa này, các tư tế đã xem đó là một nguồn lợi quý giá.
“Trong đền thờ”: en tôi hiêrôi: sân dành cho dân ngoại. Đền thờ đúng nghĩa gồm Nơi Thánh và Nơi Cực Thánh thì gọi là naos.
-
Phản ứng của ĐGS (Ga 2, 15-17)
-
Hành động: lấy dây làm roi, đuổi bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ,đổ tung, lật nhào bàn ghế các người đổi tiền
-
Giải thích hành động qua lời xua đuổi các kẻ bán bồ câu: “đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”
-
Động lực hành động: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Cháu mà tôi đây phải thiệt thân”
Trong suốt tuần khai mạc, dung mạo thiên sai và thần linh của Đức Giêsu được tỏ lộ qua các tước hiệu Kitô học. Chính trong tư cách là Đấng hoá nước thành rượu, Đấng khai mạc nhiệm cục mới mà Đức Giêsu đã vào Giêrusalem và can thiệp vào việc thanh tẩy Đền Thờ. Việc Đức Giêsu xuất hiện đột ngột vói những hành vi sấm sét mà không có ai có thể kháng cự lại được làm gợi nhớ sấm ngôn Ml 3, 1-3: “bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm đi vào Thánh Điện của Người. Kìa vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến… ai chịu nổi ngày Người đến? Ai đứng được khi Người xuất hiện?_ Người như lửa của thợ luyện kim…; Người sẽ thanh tẩy con cái Lêvi…”. Đức Giêsu đang thực hiện việc thanh tẩy con cái Lêvi, Người là Chúa Thượng đến trong Thánh Điện của Người.
Hành động này còn hoàn tất lời sấm “ngày ấy sẽ không còn lái buôn trong nhà Đức Chúa các đạo binh nữa” (Dcr 14,21). Vậy nơi Đức Giêsu, thời Thiên Chúa can thiệp quyết liệt thanh luyện, thay thế nền phụng tự cũ đã tới rồi.
Nhà Cha tôi: qua lời này Đức Giêsu tỏ lộ mình là Con Thiên Chúa. Với tất cả phân tích trên đây, ta thấy Đức Giêsu chính là chủ nhân Đền Thờ, của tế tự đến xét xử các quản lý bất trung. Từ đó hành vi của Đức Giêsu là một tiên báo: Đền Thờ sẽ bị phá huỷ, các tư tế của giao ước cũ sẽ không tồn tại nữa (biến cố năm 70); các hy tế bằng máu chiên bò sẽ được thay thế bằng một lễ dâng tinh tuyền. Ý này sẽ được đề cập tới ở cc 20-22.
Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây SẼ thiệt thân: nhờ Lời Chúa, các môn đệ nhân ra động lực, ý nghĩa của hành động Đức Giêsu. Tv 69,10 thuộc về nhóm các Tv nói về Người công chính đau khổ, vì lo việc Chúa mà Người Công Chính phải gánh lấy khổ đau. Điều này hàm ý cử chỉ ở đây của Đức Giêsu sẽ là căn nguyên của những đau khổ của Người. Động từ “thiệt thân” được Gioan sửa lại thì tương lai “SẼ” để ám chỉ thập giá sau này của Đức Giêsu, cũng như vinh quang phục sinh của Người. Điều Người phá đổ trong dịp Vượt Qua thứ nhất này sẽ được Người thay thế: Người vừa là tư tế mới, hy lễ mới và Đến Thờ mới.
-
3. Phản ứng của người Do Thái và mặc khải của Đức Giêsu (Ga 2, 18-22)
-
Cật vấn đòi dấu lạ: “ông lấy dấu lạ nào…?”
-
Lời đáp: “… cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội 3 ngày tôi xây dựng lại”.
-
Hiểu lầm của người Do Thái: “Đến Thờ này phải mất 46 năm…”.
-
Giải thích của tác giả sách Tin Mừng: Đến Thờ mà Chúa Giêsu nói đây là thân xác Người
-
Ý nghĩa của mặc khải đối với các môn đệ: sau phục sinh các ông mới hiểu lời hôm nay của Đức Giêsu. Kết quả: tin vào Thiên Chúa và lời Đức Giêsu.
Việc làm chấn động của Đức Giêsu nhanh chóng tới tai các thủ lãnh phụ trách Đền Thờ. Họ bị sốc và bị kích động bởi hành vi đột xuất, khác thường và có tính chất cách mạng của Đức Giêsu. Đứng trên quan điểm của họ, việc buôn bán các con vật để dâng lễ và đổi tiền là để phục vụ cho việc tôn thờ Thiên Chúa, thi hành Luật Môsê. Giờ đây Đức Giêsu đuổi đi, phá đổ tất cả. Dựa vào đâu mà Đức Giêsu làm như vậy, Người không phải là tư tế cũng chẳng có trách vụ nào trong Đền Thờ, trong việc tế tự. Rồi Người còn gọi Đền Thờ là “nhà của Cha tôi”, hàm ý tự xưng Người là Con Thiên Chúa, nghĩa là Người tự có quyền bính thần linh và đã hành động nhân danh quyền đó. Chính vì thế, các thủ lãnh Đền Thờ cật vấn Người đòi Người đưa ra một dấu lạ từ trời để minh chứng cho họ thấy là Người có quyền làm như vậy.
Dấu lạ từ trời có nghiã là dấu lạ đến từ Thiên Chúa. Các luật lệ, tập tục hiện hành là do Môsê được Thiên Chúa ủy nhiệm làm ra và quyền của ông được Thiên Chúa đóng ấn bằng dấu lạ từ trời: Manna (Xh 16, 1-16). Đức Giêsu giờ muốn làm cách mạng? Hãy cho một dấu lạ!
“Các ông phải phá hủy đền thờ…” trong hiện tại, Đức Giêsu chưa cho một dấu lạ nào. Nhưng trong tương lai sẽ có. Dấu lạ đó sẽ dựa vào chính thái độ của người Do Thái đối với Đức Giêsu: Phá hủy Đền thờ. Tin Mừng thứ 4 hay dùng lối nói lưỡng nghĩa: Đức Giêsu nói một đàng, các thính giả lại hiểu theo nghĩa khác. Ở đây người Do Thái hiểu đền thờ là ngôi nhà bằng gỗ đá nên đã phản kháng lại bằng một sự kiện lịch sử: Đến lúc đối thoại với Đức Giêsu thì ngôi đền đã xây được 46 năm mà chưa xong, làm sao Đức Giêsu có thể chỉ trong ba ngày xây dựng lại; trong khi đó, điều Đức Giêsu muốn ám chỉ là thân xác Người nghĩa là ngay trong lễ Vượt Qua khởi đầu sứ vụ, Đức Giêsu đã loan báo thập giá và phục sinh và những điều này sẽ ứng nghiệm vào lễ Vượt Qua cuối đời của Người.
Khi Người từ cõi chết sống lại, các môn đệ nhớ lại… ngay lúc đó các môn đệ cũng chẳng hiểu. Sự việc chỉ nên tỏ tường sau ngày Phục Sinh. Đối với Đức Giêsu thập giá không có gì là bất ngờ. Người hành động như vậy thì hậu quả thập giá là không thể tránh. Tuy nhiên bằng ngôn ngữ ẩn dụ, Người nói trước tất cả ở đây để làm dấu chứng hầu sau này khi thập giá xảy ra, các môn đệ không hoảng sợ, nhưng tin vào Người.
-
Kết thúc: Lòng tin đích thực (Ga 2, 23 – 25)
-
Có nhiều kẻ tin vào Người vì trong dịp lễ Vượt Qua, Người có làm nhiều dấu lạ.
-
Đức Giêsu không tin họ vì Người hiểu thấu tâm can của họ.
Trong Tin Mừng thứ tư, dấu lạ đưa tới lòng tin. Nhưng ở đây dường như dân Do Thái chỉ bám vào dấu lạ chứ chưa thực sự tin ( nghĩa là dám phó thác trọn vẹn, dấn thân) vào Người. Người biết rõ lòng họ nên không thể tin họ (nghĩa là mặc khải hết ngay lúc này cho họ, không thể chiều theo ý họ).
-
TÓM KẾT
Tin mừng hôm nay mặc khải Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là chủ nhân đích thực của Đền Thờ. Người đến thanh tẩy Đền Thờ và đưa nền tế tự lên tầm mức trọn hảo của nó. Đền Thờ cũng như lễ vật mới chính là Đức Giêsu được thực hiện qua thập giá và phục sinh. Từ nay, lễ vật chiên bò, Đền Thờ gỗ đá không còn là trung tâm quy tụ mà chính là Đức Giêsu thập giá và phục sinh.
Dấu lạ giúp nhận ra việc thay đổi này từ Thiên Chúa là mầu nhiệm, biến cố thập giá và phục sinh. Đây là giao ước mới trong máu Đức Giêsu làm hoàn chỉnh giao ước xưa Thập điều do Thiên Chúa ký kết ở Sinai qua Môsê. Mười Lời chỉ đạt được ý nghĩa, tầm vóc thật sự của chúng trong sự liên kết và hướng tới Đức Giêsu.
Phần tín hữu chúng ta, nhờ liên kết với Đấng Phục Sinh, thân xác chúng ta được trở nên Đến Thờ của Chúa Thánh Thần (1Cr 3, 16-17; 6-19). Đừng biến nó thành nơi buôn bán nhưng thành công cụ của giao ước qua đó Thiên Chúa ngự giữa loài người, gặp gỡ loài người.
Frère Pierre Đình Long FSC