CHÚA NHẬT III MÙA CHAY – năm C

Bài 1

Xh 3,1-8a.13-15; Lc 13,1-9

Chủ đề: LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA được bày tỏ qua việc Thiên Chúa tỏ mình và can thiệp giải cứu.

* Xh 3,7.8: Ta biết các nỗi đau khổ của Dân Ta. Ta xuống giải thoát chúng… “Ta là Đấng Hiện Hữu” (3,1b).

* Lc 13,8.9a: Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái.

Chúng ta bước vào Chúa Nhật III Mùa Chay. Lời Chúa mời gọi chúng ta chiêm ngắm LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA đối với những người tội lỗi đang bị khổ đau, trầm luân do những sai trái chính mình gây ra. Thiên Chúa tìm đủ cách để kéo nhân loại ra khỏi những bất hạnh đó. Trong khi đó, cũng là phận người yếu đuối như nhau, thế nhưng khi đứng trước những bất hạnh của tha nhân thì con người lắm khi lại có những cái nhìn thiếu cảm thông, thậm chí còn xét đoán, kết án nữa: “hắn bị quả báo”, “bị trời phạt” … Với tầm nhìn như thế, nhân loại đã làm cho nỗi bất hạnh của mình tăng thêm. Chính vì thế lòng thương xót của Chúa cũng mời con người hãy nhìn cái khổ của tha nhân như một lời cảnh tỉnh: hãy xét mình và sám hối kẻo chính mình rồi cũng sẽ rơi vào tình cảnh bất hạnh vì những sai phạm của bản thân mình. Tuy nhiên Thiên Chúa không mị dân, Người đầy thương xót nhưng không dung dưỡng tội ác, Thiên Chúa công minh; hơn nữa tình yêu Thiên Chúa là vô biên nhưng cuộc sống con người là có hạn kỳ; Do đó phải tận dụng, thời gian Chúa ban ở thế trần này để cảm thông với tha nhân, sám hối cho bản thân và trở về cùng Thiên Chúa. Tính cách CẤP BÁCH của việc phải HOÁN CẢI cũng là một nét chủ đề của Chúa Nhật này.

Bài đọc 1 trích từ trình thuật nói về ơn gọi của Môsê trong sách Xh 3 – 4. Thiên Chúa trung tín với lời Người đã hứa với các tổ phụ, từng bước một Chúa thực hiện lòng thương xót của Người đối với Dân Chúa, Chúa đã sử dụng ngay chính vua, triều đình Ai Cập, cái ác tâm của họ để hoàn tất dự tính cứu độ của Người. Trước tiên, Chúa đã dùng cô công chúa Ai Cập cứu sống, nuôi dưỡng Môsê; Rồi Chúa đào tạo tinh thần Do Thái cho ông qua tay người mẹ ruột của ông (x. Xh 2,7-9: vừa được công khai nuôi con, dạy con lại còn được trả lương, đường lối Thiên Chúa quả là tuyệt vời), lại cho Môsê được thừa hưởng nền giáo dục dành cho một hoàng tử Ai Cập. Thiên Chúa đã chuẩn bị đầy đủ những gì cần thiết để Môsê sẽ là lãnh đạo cứu dân. Thế nhưng Môsê đã phạm một sai lầm (ông đã LÉN – “nhìn trước nhìn sau” – giết một tên Ai Cập đang ức hiếp một người Do Thái: Xh 2,12) khiến ông rơi từ địa vị của một hoàng tử xuống thân phận của một tên tội phạm và phải trốn chạy vào sa mạc. Ông lầm tưởng rằng có thể dùng địa vị, dũng lực của cá nhân ông để cứu dân ông. Ông đã lầm to và chút xíu nữa là bị đốn bỏ. Ẩn náu vào sa mạc, bao nhiệt huyết tiêu tan, Môsê đã an phận ở rể trong gia đình một tư tế người Madian. Nhưng lòng thương xót của Thiên Chúa lớn hơn mọi sai trái của con người: Thiên Chúa vẫn kiên trì thực hiện dự tính của Người. Khi mọi sự tưởng chừng đã rơi vào quên lãng – Môsê lập gia đình và an cư nơi nhà vợ – thì Thiên Chúa đột ngột đến gặp Môsê, mời gọi ông, vực ông dậy, giúp ông thực hiện ước mơ “giải cứu dân”, nhưng bằng ĐƯỜNG LỐI CỦA CHÚA. Bài đọc 1 thuật lại cuộc gặp gỡ đổi đời này.

ĐỨC CHÚA lôi cuốn Môsê đến với Chúa bằng một cuộc thần hiện: bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu hủy. Người tỏ cho ông biết Người là Thiên Chúa siêu việt: “chớ lại gần”; nhưng cũng là Thiên Chúa thân quen: “Thiên Chúa của cha ngươi” (Xh 3,5-6); Người là Thiên Chúa gần gũi: thấy, cảm thông các đau khổ của dân và Người đến giải cứu dân: đem khỏi Ai Cập, đưa về Đất Hứa (3,7-8a). Và Chúa cho Môsê biết Người đã chọn ông làm khí cụ cho công cuộc của Người. Để bảo đảm cho việc thành công của sứ mạng, Chúa đưa Môsê đi sâu vào tình thân với Người qua việc mặc khải cho ông TÊN của CHÚA: “Ta là Đấng Hằng Hữu”. Tên đó là nơi cậy dựa đến muôn đời của Dân Chúa.

Trong Tin Mừng, Đức Giêsu mặc khải lòng thương xót của Thiên Chúa qua ba yếu tố:

1/ Từ hai sự kiện nóng mang tính thời sự: Philatô xử tử vài người Galilê; và chuyện tai nạn sập tháp Silôê đè chết một số người.

2/ Đức Giêsu đưa ra lời khuyên: đừng xét đoán các nạn nhân; nhưng hãy xét mình và xem đó là lời Thiên Chúa cảnh cáo chính bản thân mình HÃY LO SÁM HỐI.

3/ Và kết thúc bằng một dụ ngôn cho thấy lòng thương xót của Thiên Chúa đối với Dân.

*Israel được ví như “cây vả” đã đến thời buổi mà không sinh hoa trái.
*Chủ, là Thiên Chúa, quyết định chặt bỏ.
*Nhưng người làm vườn, là Đức Giêsu, nài xin chủ hoãn việc đốn bỏ lại một năm.
*Chủ đồng ý. 

Đó là lòng thương xót của Thiên Chúa! Tuy nhiên lòng thương xót của Thiên Chúa không nuông chiều sự ác: Chúa hoãn hạn kỳ phạt là để DÂN SINH TRÁI, nếu không thì vẫn phải chặt bỏ.

Sứ điệp khá rõ: với sự xuất hiện của Đức Giêsu, hạn kỳ cuối cùng đã tới, thời giờ còn rất ngắn (một đời người), tình huống cấp bách lắm rồi. Hãy mau lo HOÁN CẢI, hãy sinh hoa trái như Chúa chờ mong.

Lời Chúa mời ta: – Đừng xét đoán tha nhân – Hãy mau nhận ra sai trái của mình và lo SÁM HỐI KỊP THỜI – Cụ thể là hãy để cho LÒNG THƯƠNG XÓT của Chúa SINH HOA KẾT TRÁI nơi con người chúng ta.

Bài 2

“… nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy (c.5) … Đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái mà không thấy, vậy anh chặt nó đi… (c.7) … Nhưng người làm vườn đáp: Thưa ông xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới… may ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông chặt nó đi (cc. 8.9).

Mùa Chay bước vào tuần thứ ba. Lời Chúa hôm nay gợi nhắc lại cho chúng ta những nét tiêu cực trong thân phận con người tội lỗi: đó là khổ đau, bất hạnh luôn rình rập chụp xuống đầu tội nhân. Bất hạnh do thiên nhiên, do bạo lực, do ganh tỵ ác ý của kẻ khác. Tất cả đều đưa nhân loại đến chỗ chết, đến hủy diệt. Phải làm gì trước những sự kiện không sao né tránh được đó?

*Phần Thiên Chúa, Người không bỏ mặc con người. Người đã tìm đến với con người tận nơi bùn nhơ mà họ đang bị chìm ngập trong đó vô phương thoát khỏi, để đề nghị với họ con đường giải thoát. Trong lúc dân đang tuyệt vọng chờ bị diệt vong, còn Môsê là thân tội phạm sống lây lất qua ngày trong nghề chăn chiên cho bố vợ, thì Thiên Chúa đã tỏ bày LÒNG THƯƠNG XÓT của Người đối với họ dù họ không còn đủ sức để nhớ tới Chúa, để chạy đến kêu cầu: Thiên Chúa đã thấy rõ cảnh khổ cực… đã nghe tiếng kêu than… Ta biết các nỗi đau khổ của dân và Ta XUỐNG giải thoát chúng. Thiên Chúa đã đi bước trước, rời thiên cung, XUỐNG tận đáy bùn nhơ mời dân đang đắm chìm để kéo họ lên. Rồi để đưa dân vào trong mối tình thân của Người, Thiên Chúa còn tỏ lộ danh thánh Người cho họ. Đó là cách Thiên Chúa tỏ lòng thương xót trong bài 1.

Còn trong Tin Mừng, lòng thương xót Chúa đạt mức chóp đỉnh trong con người Đức Giêsu: Thiên Chúa đã yêu thế gian đến độ tặng ban Con Một… để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ (x. Ga 3,16a.17b). Và trong thân phận một phàm nhân, đứng trước những bất hạnh của tha nhân, Đức Giêsu kêu mời những người đương thời hãy hoán cải, đổi mới cái nhìn để thay vì xét đoán tha nhân thì hãy xét mình hầu hy vọng thoát được những tai họa, bất hạnh do chính tội lỗi của bản thân mình gây nên.

*Phần con người: trong tinh thần Mùa Chay năm C, lời Chúa tiếp tục mời tín hữu chiến đấu.

– Chiến đấu với bản thân để nhận ra rằng những bất hạnh, khổ đau mà chúng ta đang chịu là hậu quả của những tội nghiệt của bản thân.

– Chiến đấu để không tuyệt vọng trước thực trạng đau thương đang khống chế cuộc sống nhân loại, vì nhận ra rằng Thiên Chúa yêu thương không bỏ mặc con người, lòng thương xót quan phòng của Người đang từng bước giải cứu chúng ta. Nhờ vậy nhận ra được những phương dược chữa lành Chúa đang gửi đến ẩn tàng trong những đắng cay của khổ đau, bất hạnh (thuốc đắng dã tật).

– Chiến đấu để biết cảm thông với tha nhân và sẵn sàng trợ lực khi thấy họ đang ngập lặn trong những tình cảnh khốn cùng; Không vội lên án, gán tội, chụp mũ cho tha nhân theo lối nhìn nhân quả tức thời ngay nơi trần thế này, để rồi bản thân thỏa mãn với những bình an phù du đang được hưởng trước mắt.

Kể từ khi tổ tông sa ngã, khổ đau, bất hạnh là những tai họa gắn liền với thân phận tội lỗi phàm nhân, từng bước hủy diệt dần nhân phẩm và sinh lực của con người. Nhưng Thiên Chúa đầy lòng thương xót luôn tìm đủ mọi cách để khắc phục các hậu quả, cứu chuộc con người. Thế mà nhân loại tội lỗi, khi đứng trước những nỗi cùng khốn của tha nhân thì hoặc là dửng dưng, vô cảm, mặc kệ nó đó không phải là chuyện của tôi; hoặc là có những thái độ, lời nói phán xét gây thêm khổ đau cho tha nhân.

Lời Chúa hôm nay mời gọi các tín hữu hãy chỉnh sửa lại lối sống sao cho phù hợp với lòng nhân lành, thương xót của Thiên Chúa để làm giảm bớt khổ đau bất hạnh cho cuộc sống và nhất là để giúp tha nhân lẫn bản thân sinh hoa kết quả lành thánh tạo hạnh phúc cho đời ngay nơi trần thế này và nhất là cho đời sau vĩnh phúc.

BÀI ĐỌC I: Xh 3,1-8a.13-15

Bài đọc 1 là một trích đoạn từ tổng thể Xh 3 – 4 nói về ơn gọi của Môsê. Sự việc diễn ra tại núi Khoreb (tức Sinai). Lúc đó Môsê đang là một người chăn chiên cho bố vợ, trong tư cách là một phạm nhân giết người đang chạy trốn Pharaô truy sát ông. Trước đó, ông là một hoàng tử Ai Cập, nhờ sự can thiệp diệu kỳ của Thiên Chúa vào cuộc đời ông:

Thiên Chúa đã cứu ông khỏi bàn thay diệt chủng của Pharaô (Xh 1,22), được mẹ ruột của mình công khai nuôi dưỡng (Xh 2,8-9) trong tình huống tất cả trẻ sơ sinh nam Do Thái đều phải bị ném xuống sông Nil theo lệnh của Pharaô; Ông được công chúa Ai Cập nhận làm con (Xh 2,10). Thế là Môsê được hưởng một nền giáo dục đầy đủ về dân tộc và tôn giáo của mình từ tay mẹ ruột ngay từ bé, đồng thời hưởng một nền giáo dục cao của một hoàng tử Ai Cập. Thiên Chúa đã chuẩn bị cho Môsê những điều đó để sau này ông đủ năng lực lãnh đạo dân và giúp dân tuân giữ Lề Luật Chúa.

Môsê yêu dân tộc ông và muốn cứu họ khỏi ách Pharaô. Ông muốn dùng sức riêng của mình, ông tưởng rằng với uy quyền của một hoàng tử, ông có thể cứu dân: ông vội vã sử dụng bạo lực, lén lút giết rồi dấu xác đi, một tên Ai Cập đang hiếp đáp một người Do Thái (Xh 2,12).

Rồi ông cũng lầm tưởng rằng uy quyền của ông, thiện chí của ông có thể hòa giải được các xung đột của dân ông (Xh 2,13), thế nhưng ông không lường trước được dòng máu vô ơn của những con người nô lệ đã ăn sâu vào trong huyết quản của người Do Thái sau 400 năm nô lệ: ông bị chính kẻ đã được ông bênh vực phản bội khi ông khuyên can y (Xh 2,14). Thế là câu chuyện lén lút giết tên Ai Cập bị lộ. Pharaô truy sát ông. Từ một hoàng tử, ông trở thành tội phạm, phải trốn chạy vào hoang địa xứ Madian (Xh 2,15). Và rồi ông an phận ở lại xứ Madian, cưới vợ, trở thành người chăn súc vật cho bố vợ, lang thang dẫn chiên đi tìm nơi có cỏ, có nước, có điều kiện sống được… để nuôi đàn gia súc. Bao nhiêu dũng khí, hoài bão cứu dân tiêu tan, không còn gì lại nơi ông (Xh 3,1).

Thế nhưng Thiên Chúa đã dùng giai đoạn này để đào tạo Môsê năng lực sống, tồn tại và vượt qua hoang địa để sau này dẫn dân băng qua nơi cằn cỗi này cách an toàn về đến Đất Hứa. Chính trong khung cảnh tưởng chừng là tuyệt vọng như thế, Thiên Chúa đã NHỚ LẠI giao ước của Người với các tổ phụ Abraham, Isaac, Giacob (Xh 2,24). Người đã đến với Môsê, vực dậy tinh thần của ông và tỏ danh thánh cho ông rồi trao cho ông sứ mạng giải cứu dân. Lần này là với sức lực của Chúa, không chỉ cứu một người mà cứu toàn dân và qua dân này là cứu cả thế giới.

1/ Cuộc thần hiện: Thiên Chúa tỏ mình (Xh 3,1-6)

*Thiên Chúa là Đấng Linh Thánh (3,2-5), tự sức mình, con người không thể nào tiếp cận với Thiên Chúa được, nhất là từ sau khi nguyên tổ sa ngã, con người trốn Thiên Chúa, không dám đến gần Người. Biết thế, Thiên Chúa đi bước trước hạ cố tìm đến gặp con người. Chúa dùng những hình ảnh ấn tượng để lôi cuốn con người đến với Chúa: “Thiên sứ Yavê hiện ra với Môsê trong đám lửa từ giữa bụi gai”, tức thì ông được lôi cuốn bởi hiện tượng lạ “thấy bụi gai cháy bừng mà không bị thiêu rụi” (3,2); Ông thắc mắc và tò mò đến xem (3,3).

Nhưng Thiên Chúa đã gọi đích danh ông và cấm ông đến gần: “Môsê, Môsê” (c.4), “chớ lại gần, cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là đất thánh” (c.5).

  • Thiên sứ Yavê: cách nói Do Thái, tránh đụng chạm trực tiếp đến uy danh Thiên Chúa. Đó chính là Thiên Chúa đang hiện diện.

  • Bụi cây cháy”: “lửa” là một cách diễn tả biểu tượng của việc Thiên Chúa hiện diện; đồng thời cho thấy Thiên Chúa thánh thiêng siêu việt, con người không thể tự sức tiếp cận được (x. St 15,17; Xh 19,8; Đnl 4,12…)

  • Bụi cây cháy mà không bị thiêu rụi: nói lên Thiên Chúa muôn đời tự hữu, bất di bất dịch. Qua cảnh tượng lạ lùng và an bình này (thay vì sấm sét gây sợ hãi), bước đầu Thiên Chúa lôi cuốn kẻ được chọn tìm đến với Người.

  • Môsê, Môsê”: Thiên Chúa gọi đích danh. Cái tên được đặt cho ông khi được cứu khỏi nước sông Nil; cái tên đưa ông lên địa vị hoàng tử Ai Cập; cái tên đã gây ra sai lầm chết người; cái tên mà có lẽ giờ đây đối với ông đã là quá khứ buồn, ông muốn quên đi… Nhưng Thiên Chúa đã đến và nhắc lại để tỏ cho ông biết ý định Thiên Chúa qua cái tên đó. Thật vậy, trong Kinh Thánh, gọi ai đích danh là một cách Thiên Chúa tỏ mình cho người đó để mời cộng tác, trao cho sứ mạng (1Sm 3,10; Ga 20,16; Cv 9,4). Như vậy Thiên Chúa cho thấy Người hoàn toàn làm chủ mọi tình huống lẫn con người của Môsê.

  • Nơi ngươi đang đứng là ĐẤT THÁNH”: nơi nào Thiên Chúa chọn để bày tỏ sự hiện diện hữu hình của Người, đó là nơi thánh như Hòm Bia, Đền Thờ… Phàm nhân không thể tùy tiện, tự ý tiếp cận được.

Cởi dép ở chân ra: bắt ai phải đi chân trần (x. G 12,17-19) hàm nghĩa buộc kẻ ấy phải thần phục sự khôn ngoan và quyền lực của mình (x. G12,13.16).

Tất cả các chi tiết trên hàm ý rằng Chúa sắp mặc khải đường lối giải phóng của người cho Môsê, một đường lối khác xa với lối hành động xốc nổi của Môsê trước kia. Người muốn ông phải thần phục đường lối đó nên Người đã đến hé mở cho ông thấy vinh quang linh thánh siêu việt của Người.

*Nhưng Thiên Chúa cũng là Đấng gần gũi hoạt động cụ thể trong dòng lịch sử (3,6)

“Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Abraham, của Isaac, của Giacob”. Yavê không xa lạ đối với Môsê và dân Do Thái. Người là Đấng đã lập giao ước cụ thể với các tổ phụ. Người trung tín, trước sau như một nên giờ này Người đến cứu dân.

Chi tiết “Thiên Chúa phải nhắc Người là Thiên Chúa của các tổ phụ” còm hàm chứa một thực tế đáng buồn nơi dân: dường như thời gian ngụ nhờ ở Ai Cập, Israel chẳng còn nhớ đến Thiên Chúa của cha ông mình: Họ đã chạy theo các thần Ai Cập và chẳng mặn mà với Lời Chúa, với đường lối cứu độ Thiên Chúa đề ra cho họ; nhưng Thiên Chúa đã vẫn trung tín với giao ước cùng Abraham (St 15) mà ra tay cứu họ khỏi Ai Cập (x. Ed 20,7-10). Do đó, trước khi cứu họ khỏi nô lệ phần xác, Thiên Chúa muốn giải phóng trước họ ra khỏi cơn u mê “không biết Chúa là ai”, nhất là đưa họ vào mối tương giao thân tình mà Người đã ký kết với cha ông họ. “Biết Chúa” là bước đầu của giải phóng, của tự do đích thực.

2/ Mục đích việc Thiên Chúa tỏ mình

Là để ra tay thực hiện hoàn tất lời Người đã hứa với Abraham: ban một dòng dõi và một thuở đất (St 15,5-18: bài đọc 1 tuần trước MC II C) cho dù đến lúc này sau 400 năm ngụ nhờ bên Ai Cập và làm nô lệ, người Do Thái không còn nhớ tới giao ước Thiên Chúa đã ĐƠN PHƯƠNG ký kết với Abram. Qua hành động này Thiên Chúa tỏ mình là Đấng Trung Tín, Nhân Hậu, Đầy Lòng Thương xót. Thiên Chúa chắc chắn sẽ hoàn tất điều Người đã hứa bất chấp mọi đáp trả từ phía đối tác.

*Mặc khải dự tính cứu độ hoàn tất lời hứa với Abram (3,7-8):

Ở St 12,2a; 15,4-5, Thiên Chúa đã hứa ban cho Abram một dòng dõi. Giờ đây đã đến lúc Chúa biến lời hứa thành sự thật: con cái Israel đã nên đông đúc, hùng mạnh (Xh 1,7) đến độ vua Ai Cập phải gọi họ là một dân (Xh 1,9) chứ không chỉ là một gia đình nhỏ có 70 người (St 46,27.31; 47,12). Tuy nhiên do lòng ganh tỵ của Pharaô, họ bị đàn áp trở thành một đám đông nô lệ hỗn tạp có nguy cơ bị diệt chủng (Xh 1,14.22). Yavê thấy tất cả những sự việc đó và Người ra tay can thiệp:

  • DÂN TA”: đám nô lệ, vô tổ chức ấy lại được Thiên Chúa gọi là “Dân Ta” tức là “dân của Thiên Chúa”. Chúa khẳng định họ chính là dòng dõi mà Chúa hứa ban cho Abram. Chúa đã xem họ là “Dân Ta” từ trước khi kết giao ước Sinai với họ, ngay khi họ chỉ là một đám nô lệ không có tương lai, đang sống lãng quên Thiên Chúa của cha ông, không biết Người là ai (sau này Phaolô cũng có một cảm nghiệm tương tự: Rm 5,6-8), chính vì thế mà sau này dù dân có vi phạm giao ước Sinai thì Chúa vẫn kiên trì tha thứ vẫn đeo đuổi hoàn tất ý định cứu độ của Người.

  • Thiên Chúa ra tay hành động: để diễn tả sự can thiệp cứu độ của Chúa, bản văn sử dụng năm động từ trình bày Thiên Chúa hành động như một con người (Như nhân hóa Thiên Chúa): Thiên Chúa “thấy”, “nghe”, “biết”, “xuống giải thoát”, “đưa lên miền đất tốt tươi”. Các động từ trên diễn tả lòng thương xót, quan phòng của Thiên Chúa đối với dân, quyết tâm giải phóng họ, xây dựng họ thành một dân rồi ban cho họ Đất Hứa.

Phần con người phải chiến đấu để cùng với Chúa hoàn tất ý định, đường lối của Thiên Chúa trên cuộc đời mình. Cụ thể phần Môsê phải vượt được tính khí tự nhiên của mình, hồi phục lại dũng khí, khắc phục tâm trạng buông xuôi, cầu an… để đảm nhận trách nhiệm mà Chúa sắp trao ban. Phần dân Chúa cũng phải gột rửa dòng máu nô lệ mà họ đã sống 400 năm qua để xứng đáng là dân tự do của Chúa; Phải chiến đấu thắng vượt những ràng buộc ở Ai Cập: củ hành, củ tỏi, chuẩn bị con người mình để làm chủ Đất Hứa tự do.

*Mặc khải Thánh Danh (3,13-15)

Sau khi bày tỏ cho Môsê biết ý định muốn cứu dân, Yavê sai Môsê về lại Ai Cập gặp Pharaô và dân để nói lại ý định của Chúa cho họ rồi dẫn dân ra khỏi Ai Cập đi thờ phượng Thiên Chúa (3,10-12: không đọc trong bài đọc 1). Môsê sợ hãi đưa ra thắc mắc trong tương quan với dân: làm sao dân tin được rằng Chúa thật sự có hiện ra với ông?

  • Nếu họ hỏi con: “Tên Đấng ấy là gì? Thì con trả lời sao đây?” (3,13)

Biết tên là biết được người. Đối với người Do Thái, đó cũng là bằng chứng Môsê đã thực sự gặp được Chúa và được Người trao cho sứ mạng; Vì “tên” là dấu cho biết sự hiện hữu của một người; Kẻ không tên đồng nghĩa như là không có mặt trên cõi đời này (x. Gv 6,10), không tên là không có giá trị gì cả (x. G 30,8).

Trong tương quan với thần linh, biết tên của thần là để kêu cầu. Không kêu lên được tên của thần thì không nài xin gì được cả, sẽ không được thần lưu ý tới. Vậy Thiên Chúa cho ai biết tên là sắp tỏ vinh quang, uy quyền cho người ấy (x. Xh 9,16; Gs 7,9; 9,9…). Thiên Chúa tỏ lộ Thánh Danh cho Israel qua Môsê có nghĩa là Thiên Chúa nhớ tới dân, kêu mời và cho phép dân cầu khẩn nhân danh Người; đồng thời cho thấy Người sắp ra tay cứu họ qua trung gian Môsê.

  • ehyeh ‘asher ‘ehyeh (Xh 3,14) đó là tên mà Thiên Chúa mặc khải cho Môsê để từ nay dân Chúa sẽ thờ lạy và cầu xin Người với danh ấy. Dịch sát chữ: “Ta là Đấng Ta là”. Có thể tạm hiểu như sau: “Chúa là Chúa”; Ngôn từ khái niệm nhân loại không thể diễn tả được; Tự sức con người không thể vươn tới, nắm bắt Người được. Tuy nhiên Thiên Chúa đã tỏ mình như “Đấng Ta là Ta” thì Người sẽ ban ơn giúp cho nhân loại giới hạn có được khả năng thông hiệp, đi vào tương quan với Người, nhận ra được Người phần nào như Người muốn mặc khải vào thời điểm Người định trong hiện tại; Và chính trong tương quan, trong chừng mực vừa được Chúa tỏ mình cho biết ấy mà con người sẽ phụng thờ Chúa, điều chỉnh cuộc sống sao cho phù hợp với những gì vừa được Chúa thương mặc khải.

*Chiến đấu: qua việc mặc khải Thánh Danh, Thiên Chúa đưa dân vào một tương quan mới, thân tình hơn với Thiên Chúa. Ân tình này của Thiên Chúa đòi hỏi con người, dân Chúa phải thay đổi lối sống, tư cách, sao cho xứng đáng với ơn Chúa đã thương ban. Đây là cuộc chiến đấu cam go vì phải “thay máu”: tẩy cho hết dòng máu nô lệ 400 năm Ai Cập ra khỏi huyết quản của dân để biến họ thành dân tư tế, dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa (x. Xh 19,5-6).

TIN MỪNG: Lc 13,1-9

Đức Giêsu đang trên đường tiến về Giêrusalem để hoàn tất sứ vụ Thập Giá. Trong Luca, khối văn chương nói về “hành trình lên Giêrusalem” khá lớn từ 9,51 – 18,28; Nội dung gồm nhiều chủ đề khác nhau, Tin Mừng hôm nay nằm trong khối nhỏ 12,54 – 13,9 gồm một số giáo huấn liên quan đến chủ đề phải lo mau hoán cải, khẩn trương lên vì hạn kỳ phán xét đã cấp bách lắm rồi:

  • Lời kêu gọi phải biết nhận xét những dấu chỉ của thời hiện tại (Lc 12,54-56).

  • Sự cần thiết phải giải quyết cho ổn thỏa những vấn đề còn đang tranh chấp, phải cố gắng hòa giải, đừng chờ đợi cho đến khi ra tòa kẻo sẽ bị xét phạt (Lc 12,57-59).

  • Lời giải thích hai sự kiện thời sự và mời gọi tự xét để hối cải kịp thời (13,1-5)

  • Dụ ngôn “cây vả không ra trái”: hạn kỳ cuối cùng sắp đến rồi, hãy mau lo hoán cải (13,6-9).

Tin Mừng hôm nay trích đọc hai tiểu đoạn cuối. Theo văn mạch của sách Tin Mừng Luca thì chủ điểm là lời mời hoán cải vì thời giờ đã cấp bách lắm rồi; Nhưng theo phụng vụ thì chủ đề nghiêng về lòng nhân hậu của Thiên Chúa: dời hạn kỳ đốn bỏ và tạo điều kiện thuận lợi để “cây vả” có được cơ may trổ sinh hoa trái.

1/ Lời cảnh cáo phải lo sám hối (13,1-5)

*Cùng lúc ấy”: cụm từ này cho thấy Tin Mừng hôm nay gắn kết với trích đoạn đi trước, có cùng văn mạch, cùng chủ đề: phải biết nhận định cho đúng các dấu chỉ thời đại và phải có thái độ đáp trả lại sao cho thích hợp.

Cụ thể, trong Tin Mừng hôm nay: khi thấy kẻ khác bị tai hại thì đừng vội suy diễn độc đoán rằng họ có tội nhiều, nặng hơn kẻ khác và nhất là an tâm cho rằng mình thoát nạn là vì mình trong sạch, vô tội, hoặc nghĩ rằng đã có kẻ khác chịu tội làm “con dê tế thần” rồi thì tôi vô can. Lời Chúa bác bỏ lối suy luận đó và đưa ra bài học: các biến cố như là “hồi chuông cảnh báo”, hãy lo soi tâm hồn mình vào tấm gương Lời Chúa để nhận ra những sai trái của mình rồi lo hoán cải kẻo sẽ cùng phải chịu chung một số phận như thế. Luca đưa ra hai hình ảnh minh họa.

Dựa vào hai biến cố thời sự bi thảm vừa xảy ra, Đức Giêsu điều chỉnh lại quan niệm về “liên hệ nhân quả tức thời” vốn được người đương thời tin như thế: việc quả báo sẽ xảy ra tức thời tỏ tường, ngay tức khắc (xem chuyện ông Gióp). Đức Giêsu dạy: đừng vội xét đoán kẻ khác, trái lại hãy tự vấn lương tâm và sửa đổi đời sống theo chuẩn mực là Lời Chúa.

*Một vụ án trấn áp bạo loạn (13,1-3)

Sự kiện (c.1): người ta đến kể lại cho Đức Giêsu một vụ án. Philatô tử hình một số người Galilê “làm cho máu họ đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng”. Chắc là những người Galilê này hành hương lên Giêrusalem thi hành nghĩa vụ tôn giáo. Nhưng rồi họ đã lợi dụng tình thế xách động gây rối loạn bạo động. Do đó, đội binh La Mã trấn đóng ở đồn Antonia gần Đền Thờ đã can thiệp và tàn sát họ.

Thái độ đáp trả của Đức Giêsu (1,2-3): Đức Giêsu không đặt trọng tâm vào sự kiện xảy ra, cũng không bận tâm đến việc xét đoán luân lý các nạn nhân. Người chú tâm đến hậu ý của các người cung cấp thông tin: họ cho rằng các nạn nhân là đáng tội; còn họ thì vô tội, vô can…. Đức Giêsu lợi dụng sự kiện để dạy họ về ơn cứu độ: “phải hối cải” (mêtanoêô = thay đổi ý kiến, não trạng) bằng không tất cả sẽ phải chết hết như thế vì tội của chính mình.

Đức Giêsu đã lái một biến cố thời cuộc qua lãnh vực lương tâm tôn giáo để kêu mời thính giả sám hối. Người đến không để giải quyết những vấn đề chính trị cụ thể, nhưng là chỉ dạy cho nhân loại con đường về lại với Thiên Chúa.

Như vậy Đức Giêsu đã lợi dụng một biến cố thời sự để thức tỉnh dân Chúa và kêu mời sám hối, đồng thời mặc khải ý nghĩa của dòng thời gian nhất là thời điểm hiện tại mỗi người đang sống: với sự hiện diện của Người, thời chung cuộc đã bắt đầu, hạn kỳ là cấp bách không thể lần lữa được nữa, phải sinh hoa trái thôi nếu không muốn bị đốn bỏ.

Đức Giêsu không từ chối mọi hệ lụy giữa tội lỗi và hình phạt. Người chỉ phủ nhận những suy diễn lệch lạc của đám đông: họ cho rằng những kẻ bị giết là những tên tội lỗi, xấu xa nhất; Và khi bọn đó đã đền tội rồi, thì như vậy có nghĩa là cơn thịnh nộ của Thiên Chúa cũng đã qua và do đó, họ, những người còn đang sống cứ an tâm, ỷ lại, không cần thay đổi hoán cải gì cả.

Cái nhìn hạn hẹp trong một biến cố được Đức Giêsu khai triển thành một lời cảnh báo có giá trị cho toàn lịch sử nhân loại: mọi người đều là tội nhân trước Thiên Chúa! Tấm gương trước mắt như là một dấu loan báo cuộc xét xử chung thẩm của Thiên Chúa. Vậy mọi người phải nhìn lại cuộc đời mình dưới ánh sáng Lời Chúa, rồi lo ăn năn sám hối, tận dụng thời gian Chúa còn gia hạn nhẫn nại đợi chờ, để hối cải hầu được Chúa xót thương trong ngày phán xét chung thẩm.

*Một tai nạn (13,4): Luca thường kể liên tục nhau hai hoặc ba câu chuyện tương tự nhau về cấu trúc lẫn ý tưởng để làm nổi bật sứ điệp mà ông muốn truyền đạt (ví dụ Lc 15; Lc 17,34-36): trong vụ trấn áp bạo loạn, Luca nói tới người Galilê; còn ở đây ông đề câp đến dân Giêrusalem. Vậy toàn dân (toàn thế giới) đều được mời phải sám hối.

2/ Dụ ngôn “cây vả không sinh trái” (13,6-9)

*Hiện trạng của “cây vả” (13,6-7a): được trồng trong vườn nho. Nông dân xứ Palestin thường trồng xen cây ăn trái trong vườn nho, nhất là cây vả vì loại đất vườn nho hạp với loại cây này. Như vậy ở đây dụ ngôn hàm ý rằng chủ đã tạo điều kiện thuận lợi, tốt nhất để cây vả sẽ cho năng suất cao (Comprendre la Parole C p.59).

Thế nhưng cây vả trong dụ ngôn đã làm chủ thất vọng: liên tiếp ba năm nó không sinh trái. Con số “3” mang tính biểu tượng: cây vả này thực sự có vấn đề tự nơi bản thân nó, chứ không do thời tiết thất thường hay một tác nhân nào khác đến từ bên ngoài. Chính vì không chịu sinh trái nên sự hiện diện xanh tốt của nó lại là một tai hại cho đất: choáng chỗ, làm hao tổn sinh lực dưỡng chất của đất, cản trở cây khác phát triển. Do đó chủ quyết định chặt bỏ.

*Lòng nhân hậu của chủ: chấp nhận lời đề nghị hoãn một năm việc đốn chặt của người làm vườn. Dụ ngôn phản ánh mối tương quan nhiều sóng gió giữa Thiên Chúa và Israel trong dòng lịch sử cứu độ:

– “Cây vả” ở vài nơi trong Cựu Ước tượng trưng cho Israel (x. Ge 1,7) hoặc là Israel không sinh trái (x. Gr 8,13).

– “ông chủ” là chính Thiên Chúa

– “người làm vườn” là Đức Giêsu

– “một năm” là thời gian đủ để một cây bình thường có thể đơm bông sinh trái. Nhưng ở đây, đó cũng là hạn kỳ tối hậu được đưa ra để cảnh báo con người không thể lần lữa, ỷ lại, chần chừ được nữa: thời giờ cấp bách lắm rồi, hãy mau lo hoán cải.

* “May ra” nó sinh trái: mặc dù được người làm vườn chăm sóc đầy đủ, nhưng anh ta không thể “buộc” cây phải sinh trái. Sinh trái là công việc của cây. Thật vậy động từ “làm ra trái” trong tiếng hi lạp là “Poiese” ở dạng subjonctif hàm nghĩa “hy vọng”, “ước mong” chứ không khẳng định, dám chắc.

Vậy phần của “cây vả” là phải chiến đấu:

  • Chiến đấu với thời gian cấp bách

  • Chiến đấu vượt thắng những chai lì của bản thân để nhận ra và đón lấy những chăm sóc tận tình của người làm vườn.

  • Lòng nhân hậu của Thiên Chúa là vô biên, nhưng đời người là giới hạn. Phải chiến đấu để ý thức rồi chấp nhận thân phận thọ tạo để rồi thần phục, thờ lạy Thánh Ý Thiên Chúa trong mọi sự đối với tôi và với thế giới.

Frère Pierre Đình Long FSC