CHÚA NHẬT III MÙA CHAY-năm A

Xh 17,3-7; Ga 4,5-42

Chủ đề: Nước hằng sống: quà tặng của Thiên Chúa

          * Xh 17,6: Từ TẢNG ĐÁ, nước sẽ chảy ra cho dân uống.

          * Ga 4, 14: Đức Giêsu nói: “Ai uống nước tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa vì nước tôi cho sẽ trở nên nơi người ấy một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời.”

          Lời Chúa trong phụng vụ Chúa Nhật III A và IV A Mùa Chay hướng về bí tích RỬA TỘI: các bài đọc được chọn nhằm chuẩn bị cho các dự tòng đón nhận phép Rửa vào lễ Vọng Phục Sinh: Hai chủ đề được đề cập tới là NƯỚC (III A) và ÁNH SÁNG (IV A). Nước và Ánh Sáng là hai yếu tố quan trọng trong nghi thức cử hành phép Rửa.

          Chủ đề Chúa Nhật III A Mùa Chay là NƯỚC HẰNG SỐNG.

          Nước là yếu tố thiết yếu, tuyệt đối cần thiết cho sự sống, sự tồn tại và phát triển của muôn loài. Không có NƯỚC thì con người, thú vật phải chết đã đành, mà kể cả cây cỏ, đất đai cũng phải chết khô, cằn cỗi, nứt nẻ không sinh ra sự sống được.

          Để nói lên chân lý: Thiên Chúa là nguồn sống cả xác lẫn hồn của chúng ta, Lời Chúa hôm nay vay mượn hình ảnh biểu tượng là NƯỚC, với tất cả tầm quan trọng của NƯỚC trong tương quan với cuộc sống con người.

          Bài đọc một trích từ Sách Xuất Hành: Dân Chúa sau khi vượt Biển Đỏ, đang tiến về núi Sinai. Trong những bước đầu tiên trong hành trình sa mạc, Chúa đã dưỡng nuôi dân bằng việc hóa nước đắng ra ngọt (Xh 15,22-27), ban Manna và chim cút (16,1-36). Thế nhưng dân Chúa vẫn cứng lòng chưa chịu TÍN THÁC vào Thiên Chúa. Bài đọc một hôm nay thuật lại chặng đường tiếp theo: tại Rơphidim, dân Chúa lại thiếu nước. Thay vì có thái độ, phản ứng chừng mực, tín thác thì dân đã GÂY SỰ với Môsê (Xh 17,2), thử thách Chúa, đòi Môsê cho nước (Xh 17,2); họ qui tội cho Môsê đã dẫn họ ra khỏi Ai Cập để phải chết khát (Xh 17,3); họ đòi ném đá ông (17,4c). Môsê kêu cứu Chúa và Chúa đã can thiệp chỉ cho Môsê cách tìm ra nước cho dân. Chúa bảo Môsê: “cầm lấy cây gậy mà ngươi đã dùng để đập xuống sông Nil…đập vào tảng đá (trên núi Khoreb). Từ tảng đá, nước sẽ chảy ra cho dân uống”. Thiên Chúa quả thật là MẠCH NGUỒN, SUỐI MÁT đồng hành, giải khát dân đưa dân vượt sa mạc về tới Đất Hứa.

          Tin Mừng thuật lại cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và người đàn bà Samari – bên bờ giếng Giacob. Và một sự biến đổi kỳ diệu đã xảy ra nơi người đàn bà này: nơi bà đã có “mạch nước hằng sống” trào vọt ra, bà trở thành chứng nhân cho Đức Giêsu, bằng chính cuộc đời tội lỗi của bà. Diễn tiến của cuộc biến đổi linh thiêng ấy:

  • Đức Giêsu đang mệt, khát, ngồi nghỉ bên bờ giếng Giacob. Một người đàn bà Samari đến giếng kín nước.

  • Đức Giêsu đi bước trước, mở đầu cuộc gặp gỡ bằng một hành vi của người THỌ ƠN: “Chị, cho tôi xin chút nước uống” (c.7)

  • Rồi từng bước một, Đức Giêsu dẫn bà từ “cái khát thể xác” đến “nỗi khao khát thiêng liêng”; từ “nước vật chất hữu hạn” tới “nước hằng sống”. Đồng thời tỏ mình cho bà nhận ra Người chính là Mạch Suối Nước Hằng Sống, uống rồi không khát nữa và có được sự sống đời đời (cc 13-14). Và rồi có sự thay đổi vị trí, vai trò: người đàn bà trở thành người thọ ơn và Đức Giêsu thành người ban ơn (c.15).

  • Điều tiên quyết để nhận được ơn Nước Hằng Sống của Đức Giêsu: phải nhận ra con người thật của mình. Bà chỉ thú nhận sự kiện “Tôi không có chồng”; Đức Giêsu mời bà đi sâu vào vấn đề: “bà đã có năm đời chồng, còn người đang sống với bà không phải là chồng bà” (cc. 17-18).

  • Dám chấp nhận sự thật về đời mình và nhờ Đức Giêsu giúp, bà nhận ra Người là NGÔN SỨ (c.19). Bà đã bắt đầu TIN vào Đức Giêsu Ngôn Sứ.

  • Từ đó bà bày tỏ ưu tư về Đấng Mesia, về phụng tự cho Đức Giêsu.

  • Đức Giêsu đưa bà vào sự thật “Thờ Cha trong Thần Khí và sự thật” (c.24) và Người chính là Đấng Mêsia (cc.25-26).

    Bà được đổi mới! Bà không đi tìm nước giếng Giacob nữa: “bà để vò nước lại” (c.28) vì bà đã gặp “Mạch Nước Hằng Sống” và thành chứng nhân cho Người. Bà không ngần ngại dùng chính cuộc đời không mấy tốt đẹp của bà để làm chứng từ lôi cuốn dân thành Sykhar đến cùng Đức Giêsu.

    Nơi bà đã có Mạch Nước Hằng Sống vọt ra cho Bà và tha nhân: Đó là Đức Giêsu Kitô.

Frère Pierre Đình Long FSC