CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

CHÚA GIÊSU PHỤC SINH HIỆN RA VỚI CÁC TÔNG ĐỒ.
(Lc 24,35-48)

    Hai môn đệ trên đường về Emmau, buồn bã, chán nản, lầm lũi bước, mộng vàng tan mây, nhọc nhằn lê gót chân buồn đường dài. (Ban nhạc Alleluia CSsR). May thay, có một người khách lạ đồng hành. Sau phút sơ giao, người khách lạ cảm thông hai ông, rồi bắt đầu từ Mô sê và các ngôn sứ, dựa vào Kinh Thánh, giải thích về Đức Giê su Ki tô (Lc 24,27). Đến khi đồng bàn với hai ông, người khách lạ bẻ bánh và trao cho hai ông. Mắt họ liền mở ra, họ nhận ra Đức Ki tô Phục Sinh, nhưng Người liền biến mất. (Lc 24, 30-31).

      Phấn khởi, vui mừng và không thể hoãn cái niềm vui to lớn này lại được, ngay lúc ấy hai ông đứng dậy quay về Giê ru sa lem (Lc 24,33),  líu lo kể lại cho 11 tông đồ. Các vị này cũng khoe là Chúa đã chỗi dậy thật rồi.(Lc 24,33). Hai bên còn đang vui vẻ trao đổi thì Chúa  Giê su hiện ra đứng giữa các ông.

     Cùng một sự việc, một biến cố có thể do hai người tường thuật hai cách khác nhau, tùy theo quan điểm hay góc nhìn của từng người. Đó là trường hợp của Gio an và Luca. Hai thánh sử đều tường thuật việc Chúa Ki tô Phục sinh hiện ra, ban bình an và củng cố niềm tin cho các tông đồ. Gioan nhấn mạnh việc các tông đồ phải nối tiếp sứ mệnh Thầy đã nhận lãnh nơi Cha. Thầy thổi hơi, ban Thánh Thần và ban quyền tha tội.(Ga 20,19-23). Cũng một sự việc đó nhưng Luca thuật lại với giọng văn dân dã hơn. Chúa đi guốc trong bụng các tông đồ. Khi còn ở với các ông, đã nhiều lần Chúa nói về công cuộc Tử Nạn Phục Sinh của Ngài. Khi thì bóng gió: phá đền thờ này đi, trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại, hay như Gio na trong bụng cá 3 ngày, lúc thì rõ ràng minh bạch Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lạị. (Lc24,46).  Chúa biết tỏng, ngay cả hôm nay Chúa sống lại đứng giữa các ông, các ông vẫn chưa tin, vẫn kinh hồn bạt vía, tưởng là ma (Lc 24,37). Sau khi chúc bình an cho các ông, Ngài trách các ông sao hoảng hốt, ngờ vực (Lc 24,38). Rồi Ngài cho các ông xem và rờ vào chân tay và các thương tích của Ngài (Lc 24,39).

     Sau đó Chúa hỏi ngay: Ở đây anh em có gì ăn không? (Lc 24,41). Chuyện ăn uống là chuyện thiết thực và thiết yếu của mọi sinh vật. Có thực mới vực được đạo.Nghèo đói quá cũng khó sống đạo. Như lời bài thánh ca: Con không xin Chúa sang giầu, cũng đừng để con quá nghèo…Vì nếu quá đói nghèo, con sẽ liều trộm cắp , làm ô danh Chúa Trời.(Trao dâng thân phận. Dao Kim). Người ta thường biểu lộ tình cảm với nhau bằng và trong những dịp ăn uống. Cách đây một thời gian, chúng tôi về thăm quê hương miền Bắc, có ngày chúng tôi phải ăn đến 5, 6 bữa. Nhóm nào, gia đình nào cũng muốn mời ăn. Gia đình nào không được đáp ứng, quay ra giận. Không phải vô cớ mà Chúa Giê su lập phép Thánh Thể trong khung cảnh bữa Tiệc Ly. Thánh lễ hằng ngày của chúng ta là một bữa tiệc: tiệc Lời Chúa và tiệc Mình Máu Chúa.

     Trong bản thể nhân loại, Đấng Phục Sinh đã cầm khúc cá nướng và ăn trước mặt các ông .(Lc 24,43).Phê rô cũng làm chứng điều này. (Cv10,41). Chúa muốn chia sẻ và cũng muốn chứng tỏ cho các ông Ngài là người thật, không phải là ma.

     Sau khi trấn an các ông, Chúa mới dẫn giải Kinh Thánh và mở trí cho các ông hiểu về Đức Ki tô, để các ông rao giảng và làm chứng về Ngài.

     Nguyện cho chúng ta vững tin vào Chúa Ki tô Phục Sinh.

Nguyễn Đức Lân