“…Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ.
…Họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất” (Lc 24,30-31).
Tin Mừng của Chúa Nhật III A Mùa Phục Sinh có cùng chủ đề chính như hai Chúa Nhật trước: việc được tiếp xúc thể lý trực tiếp với Đấng Phục Sinh hoàn toàn không cần thiết để có thể tin rằng Người đã sống lại. Đó là tin mừng lớn cho các tín hữu mọi thời, mọi nơi là những người không hề được tiếp xúc với Đức Giêsu lịch sử. Và cũng xin nhắc lại: tin Đức Giêsu phục sinh không cốt yếu là lý trí chấp nhận sự kiện Đức Giêsu thập giá, đã an táng trong mồ, nay trỗi dậy mà là thay đổi mối tương giao với Người tôn thờ nhìn nhận Người là CHÚA (x.Lc 24,35), là Thiên Chúa của tôi (x.Ga 20,28).
Cũng như Tin Mừng của hai Chúa Nhật trước, Tin Mừng hôm nay gợi lên một số yếu tố để trấn an các tín hữu mọi thời không hề gặp trực tiếp Đức Giêsu lịch sử, rằng họ vẫn có đủ điều kiện để xác tín chắc chắn Người đã phục sinh và hưởng trọn vẹn hồng ân phục sinh:
-
Yếu tố thứ nhất theo thứ tự trong Tim Mừng hôm nay là DẤU CHỈ: ở đây không còn là Ngôi Mộ Trống nữa mà là chứng từ của “các bà” và của “vài người trong nhóm chúng tôi” (x.Lc 24,22-24). Một chút lưu ý: trong Tin Mừng Luca, Đấng Phục Sinh không hề hiện ra cho các bà; Các bà tới mồ chỉ gặp “hai người đàn ông y phục sáng chói” báo tin cho họ Chúa đã phục sinh bằng cách gợi cho họ nhớ lại “điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Galilê” về Thập Giá và phục sinh, và các bà đã “NHỚ LẠI điều Đức Giêsu đã nói” (x.Lc 24,3-8). Các bà đã làm chứng, tiếc thay các tông đồ cho là “chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin” (24,9.11).
-
Các dấu chỉ ấy phải được đón nhận và hiểu dưới ánh sáng của Lời Chúa. Thật vậy các Sách Tin Mừng đều nhất trí rằng việc tin Đức Giêsu đã phục sinh không phải là hoa trái của những kiểm chứng giác quan theo cách hiểu của khoa học thực nghiệm. Đó là hoa trái của những DẤU CHỈ được lưu truyền phối hợp với việc các kẻ tin đọc ra được ý nghĩa ẩn tàng bên trong các dấu chỉ đó. Lưu ý: dấu chỉ không phải là bằng chứng; và dấu chỉ phải dựa trên nền tảng là Lời Kinh Thánh.
Đức Giêsu phục sinh không phải chỉ là một biến cố lịch sử; Nó chính là căn nguyên, cội nguồn, mẫu mực và là đích tới cho toàn nhân loại và cho cả vũ trụ nữa. Cũng như cội nguồn tổ tiên chúng ta cách đây vài ngàn năm, chắc chắn không ai có một bằng chứng lịch sử chính xác: tên tuổi, nơi chốn…Nhưng nhờ dấu chỉ lưu truyền là chính sự hiện hữu của chúng ta hôm nay dựa trên một Ý ĐỊNH CỦA THIÊN CHÚA là nam, nữ phải kết hợp với nhau sinh con đẻ cái cho tràn mặt đất (x.St 1,28-29). Do đó chúng ta tin chắc mình có tổ tiên dù không kiểm chứng thực nghiệm được.
Theo Lc 24,4-5.25 tác nhân giúp nhớ, hiểu lời Chúa là “thiên thần” và “Đức Giêsu phục sinh” đang đồng hành với các đối tượng đang trong cơn thất vọng.
-
Yếu tố thứ ba giúp dọn đường, dọn cõi lòng tin nhận Đức Giêsu đã phục sinh là TẤM LÒNG THÀNH: dám chân tâm bộc lộ nỗi niềm, những hi vọng, ước mơ, rồi những thất vọng của mình, dám bày tỏ lập trường của mình trước biến cố (x.Lc 24,19-24).
-
Và phải biết phục thiện nhận mình yếu đuối: “các anh chẳng hiểu gì cả…các anh chậm tin” (24,25); rồi kiên trì lắng nghe lịch sử cứu độ “từ Môsê và tất cả ngôn sứ” với óc biện phân, chọn lựa, “giải thích…những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (x.Lc 24,27). Nhờ sự chân tâm ấy mà Lời giải thích Kinh Thánh mới “bừng cháy lên” trong họ (24,32). Tuy nhiên đến đây vẫn CHÚA ĐỦ đối với hai môn đệ Emmau. Họ chỉ mới nhận ra Đức Giêsu là người bạn đồng hành đáng kính phục, tinh thông Kinh Thánh. Họ cảm thấy gắn bó và muốn ở lâu hơn với Người.
-
Họ NÀI ÉP mời Người lưu lại dùng bữa với họ: khi về tới quê nhà, tưởng rằng đó là an toàn, đó là lúc ý định “bỏ cuộc, bỏ Thầy” của họ đạt tới đỉnh cao, thì ngay lúc ấy là “trời đã xế chiểu”, sắp vào “đêm tối” (so với trường hợp Giuđa trong Ga 13,30b). Đêm đến! Mất định hướng! Bế tắc! May thay, họ còn một chút bám víu vào Người theo tục lệ hiếu khách của người Do Thái: đón tiếp, mời dùng bữa.
-
Để Đức Giêsu làm chủ: họ là chủ, lẽ ra họ phải làm nghi thức bẻ bánh, chúc tụng. Thế nhưng ở đây, Đức Giêsu lại làm vai trò ấy và họ cũng đồng ý (x.Lc 24,30). Và chính trong vai trò người chủ, Đức Giêsu đã “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ”. Hình ảnh làm họ sực nhớ lại cử chỉ của Thầy Giêsu khi làm phép lạ nuôi 5.000 người (x.Lc 9,16). Thế là mắt đức tin của họ bừng mở ra và họ NHẬN RA NGƯỜI. Nhưng đồng thời cũng lúc ấy, cặp mắt xác thịt của họ không còn nhìn thấy “người bạn đồng hành” nữa.
-
Yếu tố chóp đỉnh: Bí Tích Thánh Thể: theo đoạn Tin Mừng hôm nay, yếu tố chính “mở mắt” đức tin hai môn đệ là cử chỉ bẻ bánh. Như ở số sáu đã nói, cử chỉ ấy giúp hai môn đệ nhận ra “người quen”: Đấng Phục Sinh, với vị Thầy mà họ đã từng theo nghe Người rao giảng; với Đấng chịu đóng đinh đã làm họ thất vọng đến bỏ cuộc (24,20) chỉ là một.
Rồi khung cảnh của việc bẻ bánh hôm nay gồm: – nhắc lại lời Chúa từ Môsê và tất cả ngôn sứ – Rồi giải thích ứng dụng vào Đức Giêsu (24,27); nhờ đó lòng các ông bớt chậm tin (so với 24,25) – Tiếp đó Người mới “bẻ bánh”. “Bẻ bánh” lúc đó trở thánh mầu nhiệm đức tin: hai ông nhận ra Người. Rõ ràng Luca muốn gợi lại việc cử hành bí tích Thánh Thể (vào thời điểm sách Tin Mừng Luca được viết thì đã được cử hành rộng rãi trong các cộng đoàn tín hữu kitô giáo tiên khởi).
Như vậy, sứ điệp mà Luca muốn gởi tới cho các tín hữu mọi thời là chính khi cộng đoàn tín hữu họp lại cử hành Thánh Thể, lắng nghe lại Lời Chúa trong dòng lịch sử cứu độ, được chọn lọc giảng giải thì – mỗi lần như thế – mắt đức tin của họ lại được khai mở thêm. Chẳng những họ nhận ra Đức Giêsu đã phục sinh mà chính họ cũng được thông phần sức sống phục sinh ngay trong hiện tại đang còn trong trần thế của cuộc đời họ; Cho nên dù màn đêm đã xuống họ vẫn lên đường quay về nơi mà họ đã thất vọng bỏ cuộc để làm chứng nhân cho TIN MỪNG PHỤC SINH, làm chứng cho mối tương giao mới mẻ mà họ vừa khám phá: Thầy Giêsu – Đấng chịu đóng đinh – Đấng Phục Sinh là MỘT và còn hơn thế nữa: NGƯỜI LÀ CHÚA. Đó cũng là kinh nghiệm của Nhóm Phêrô đang còn ở Giêrusalem: CHÚA đã hiện ra…Họ nhận ra CHÚA.
Và nếu chúng ta đọc hai đoạn Tin Mừng tiếp sau thì sẽ càng nhận rõ sứ điệp của Luca: yếu tố chính để tin là LỜI CHÚA mà là LỜI CHÚA ĐƯỢC ỨNG NGHIỆM NƠI ĐỨC GIÊSU (x.Lc24,44). Và vai trò của các môn đệ mọi thời là phải RAO GIẢNG – LÀM CHỨNG về điều đó cho nhân loại mọi thời.
Thật vậy, hai nhóm Phêrô ở Giêrusalem và nhóm hai môn đệ Emmau đều đã được THẤY Chúa và đang thi đua để kể cho nhau về kinh nghiệm nhận ra Chúa của mình, thì đột ngột Đấng Phục Sinh hiện ra “đứng giữa họ và bảo: Bình an cho anh em” thì họ lại “kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy MA”. Đấng Phục Sinh trách họ yếu tin “lòng còn ngờ vực” (24,38). Rồi Người lại cho thấy tận mắt các vết thương, tay được rờ vào thân xác Người: “cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt…”. Và Luca đưa ra một kết luận khác lạ: “các ông vẫn chưa tin” và lý do là “vì mừng quá” (Lc 24,41).
Vậy trong những bản văn khác khảo sát trước đây thì KIỂM CHỨNG THỂ LÝ KHÔNG ĐƯA TỚI ĐỨC TIN. Còn lần này, NIỀM VUI CÓ LẠI ĐƯỢC ĐIỀU TƯỞNG CHỪNG ĐÃ MẤT VĨNH VIỄN cũng không đưa tới được đức tin, mà có khi còn gây cản trở (như trường hợp Macđala khi vui mừng nhận ra Chúa thì lại rơi vào cơn cám dỗ muốn lưu giữ Đức Giêsu lại trong trần thế giới hạn này: x.Ga 20,17a).
Niềm vui trần thế ấy phải được thăng hoa thành NIỀM VUI PHỤC SINH nghĩa là niềm vui phải đưa tới chỗ đón nhận và thi hành sứ mạng Chúa giao (x.Ga 20,17b). Để có được sự thăng hoa niềm vui ấy, các yếu tố nền để tin được Luca nhắc lại: – Lời Chúa; – được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu; – được Đức Giêsu giúp mở trí để hiểu (24,44-46) – và chóp đỉnh là Đấng Phục Sinh trao cho họ sứ mạng: rao giảng; mời người ta sám hối; và làm chứng nhân (24,47). Tóm lại, yếu tố chính là để gặp được Đấng Phục Sinh mọi thời là:
-
Lời Chúa; 2. Dấu chỉ: đó là chứng từ tông truyền được biểu lộ qua thi hành sứ mạng; 3. Và bí tích.
Đó là niềm vui nhận ra được rằng:
-
Luôn có Chúa ở cùng.
-
Luôn có Chúa đồng hành.
-
Và luôn có “Chúa Giêsu ngự trị lòng ta” nhờ Lời Chúa, hiệp thông cộng đoàn, và Thánh Thể.
Frère Pierre Đình Long FSC