Bài 1
Nkm 8,2-4a.5-6.8-10; Lc 1,1-4; 4,14-21
Chủ đề: Phải công khai công bố Lời Chúa.
* Nkm 8,8: Ông Et-ra và các thầy Lêvi đọc rõ ràng và giải thích sách Luật của Thiên Chúa.
* Lc 4,17.21: Đức Giêsu đọc sách Isaia và bắt đầu nói với dân thành Nadaret: “Hôm nay đã ứng nghiệm Lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.
Lời Chúa của Chúa Nhật III C Mùa Thường Niên đề cập đến một nghĩa vụ trọng yếu luôn mang tính thời sự trong đức tin Kitô giáo: đó là việc phải công khai rao giảng Lời Chúa. Nói mà không sợ quá lời rằng công giáo là một đạo đặt nền tảng đức tin của mình trên Lời: Lời của Thiên Chúa. Thật vậy, chính lời Thiên Chúa sáng tạo nên vũ trụ (x. St 1; Ga 1,3); Chính Lời Chúa đã tạo nên dòng lịch sử và lịch sử cứu độ: Lời Chúa chọn gọi Abraham (St 12,1-3), Lời Chúa nhập thể trong ngôn ngữ nhân loại náu ẩn trong hai Bia Đá của Giao Ước Sinai để đồng hành, soi dẫn, làm chuẩn mực cho dân Chúa (x. 1Pr 1,10-12; 2Pr 1,19-21). Và chóp đỉnh của mặc khải là Lời Chúa đã trở thành xác phàm trong con người Giêsu (Ga 1,14), Lời Chúa đến để chiếu soi trần gian, khơi dậy lòng tin và ban cho những ai tin và đón nhận Lời quyền làm con Thiên Chúa (Ga 1,9.12). Và sau khi hoàn tất sứ vụ ở trần thế, trước khi về Trời, Lời vẫn tiếp tục hoạt động cứu độ qua các môn đệ qua việc trao cho họ quyền, sứ mạng để biến đổi thế gian nên môn đệ của Lời (Mt 28,19-20). Cuối cùng, số phận chung cuộc của mỗi con người là tùy vào thái độ của người ấy có đối với Lời: “ai nghe những Lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành thì ví được như người khôn xây nhà trên đá…” (x. Mt 7,24-27). Thế nhưng như Phaolô đã khẳng định: để tin thì phải được nghe mà để nghe thì phải có người đi rao giảng (x. Rm 10,14-17).
Do đó việc lắng nghe, đón nhận Lời Chúa, rồi tiếp theo là TIN, rồi đi rao giảng, công bố công khai Lời Thiên Chúa là bổn phận buộc của những ai là môn đệ của Đức Kitô lúc thuận lợi cũng như lúc không thuận lợi (2Tm 4,2) và thánh Phaolô xác tín “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16).
Vậy bổn phận đối với Lời Chúa là một nét đặc thù, tiêu biểu của cộng đoàn dân Chúa. DÂN CHÚA là một cộng đoàn được triệu tập lại những con người để lắng nghe Lời Chúa, để được giải thích, am hiểu Lời Chúa, để tin rồi đón nhận hầu được đổi mới, được hưởng niềm vui hạnh phúc do Lời Chúa mang đến. Riêng đối với thành phần lãnh đạo dân Chúa, họ còn thêm bổn phận phải rao giảng Lời Chúa, khích lệ dân đón nhận, tin và đem Lời Chúa ra thực thi. TÍNH HIỆN TẠI của Lời Chúa cũng được nhấn mạnh khi cả hai bài đọc đều nói tới cái “HÔM NAY” của biến cố: “Hôm nay là ngày thánh hiến cho Thiên Chúa…” (Nkm 8,10); “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21)
Bài đọc 1 thuật lại việc tư tế Et-ra và tổng trấn Nơ-khe-mi-a tập họp cộng đoàn dân Chúa lại để LẮNG NGHE LỜI CHÚA. Lần tập họp này nhắm đến TOÀN THỂ DÂN CHÚA: cả đàn bà, trẻ em đến tuổi khôn cũng được quy tụ để nghe Lời Chúa. Cộng đoàn dân Chúa là cộng đoàn gồm những con người BÌNH ĐẲNG TRƯỚC LỜI CHÚA. Tất cả đều được NGHE, được giải thích và được hưởng niềm vui do Lời Chúa mang lại.
Phần của hàng lãnh đạo: tư tế Et-ra, các Lêvi, họ đảm nhận trách vụ rao giảng, đọc, giải thích Lời Chúa cho dân; Đồng thời khích lệ dân, hướng dẫn dân có thái độ đáp trả thích hợp, giúp dân hiểu đúng sứ điệp Lời Chúa để dù đau buồn vì thấy mình đã sống sai Lời Chúa dạy thì vẫn nhận ra được niềm vui “Hôm nay dân được thánh hiến cho Thiên Chúa” nhờ Lời Chúa. Lời Chúa vạch tội nhưng là để thứ tha, hồi phục và ban sự sống.
Tin Mừng thuật lại phần đầu việc Đức Giêsu về thăm Nadaret. Đó là ngày Sabat: ngày dân Chúa họp nhau lại Hội Đường để NGHE Lời Chúa. Đức Giêsu được trình bày như là người lãnh đạo, chủ tọa buổi đọc và giải thích Lời Chúa này. Đoạn Lời Chúa được chọn đọc là Is 61,1-2 nói về Đấng Mêsia sẽ đến và sứ vụ giải cứu cả thể xác lẫn tinh thần của Người. Điểm nhấn là “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo”, “công bố một năm hồng ân của Chúa”. Điểm ăn khớp với bài đọc 1: tất cả mọi thành phần Dân Chúa đều được lắng nghe Lời Chúa không loại trừ ai.
HÔM NAY, chúng ta – các tín hữu Đức Giêsu – đang là Dân Chúa. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tìm cách tụ họp nhau lại, lắng nghe Lời Chúa rồi tin, rồi đón nhận để cuối cùng làm người rao giảng, công khai công bố Lời Chúa tùy theo địa vị của mình.
Bài 2
Đức Giêsu mở sách ngôn sứ Isaia, gặp đoạn chép rằng: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn… công bố một năm hồng ân của Chúa….” (Lc 4,18a.19) … Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe (4,21).
Chúa Nhật III C Mùa Thường Niên hướng suy tư chúng ta về chủ đề LỜI CHÚA, Bài đọc 1 lẫn Tin Mừng đều đề cập đến việc Lời Chúa được tôn vinh giữa cộng đoàn. Dân chúng đang tụ họp lại với nhau để CÙNG NHAU Lắng nghe lời, CÙNG NHAU chia sẻ, tìm hiểu; rồi cùng nhau đón nhận, sám hối; CÙNG NHAU hưởng niềm vui do Lời Chúa mang lại.
Điểm chính cả hai bài đọc đều nhấn mạnh là TÍNH CỘNG ĐOÀN của việc lắng nghe Lời Chúa, khía cạnh phụng vụ cộng đoàn được đề cao. Việc tập họp, được triệu tập lại để lắng nghe Lời Chúa và để Lời Chúa soi dẫn cuộc sống là một nét đặc thù của cộng đoàn dân Chúa.
Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh cộng đoàn dân Chúa là một cộng đoàn cầu nguyện, đặc biệt là CÙNG NHAU cầu nguyện qua những nghi thức phụng vụ. Cần phải nhấn mạnh ý tưởng trọng yếu đó; bởi vì Thiên Chúa không dựng nên nhân loại là những cá nhân riêng rẽ và cũng không chỉ cứu riêng một ai. Trong ý định của Thiên Chúa tất cả chúng ta đều thuộc về một Cây Nho duy nhất “cùng ở lại trong” nhau (x. Ga15,5); Đó là điều kiện tiên quyết để chúng ta tồn tại, rồi sinh hoa trái (Ga 16,6). Chúng ta còn là Nhiệm Thể Chúa Kitô (x.1Cr 12,12-21), tất cả các chi thể đều liên đới hỗ tương hữu cơ với nhau, tác động trên nhau, cùng vui cùng buồn (1Cr 12,25-26).
Khi nói đến cầu nguyện, chúng ta dễ bị rơi vào cơn cám dỗ cho rằng đó là việc riêng tư, chuyện nhu cầu, tình cảm cá nhân. Lời Chúa hôm nay đánh thức chúng ta dậy: khi sinh ra, trước khi là một tín hữu thì ta đã là thuộc về một cộng đoàn đức tin. Chính cộng đoàn đức tin này mới đưa ta hội nhập vào dân Chúa, vào Nhiệm Thể Chúa Kitô. Và cũng chính nhờ cộng đoàn này mà chúng ta mới lớn lên, đạt tầm vóc viên mãn trong Thiên Chúa. Không hề xem thường khía cạnh riêng tư, biệt vị của cầu nguyện cá nhân, nhưng Lời Chúa hôm nay mời chúng ta ý thức lại tầm quan trọng, mà cầu nguyện cá nhân không thể bù đắp được, của cầu nguyện cộng đoàn nhất là cộng đoàn phụng vụ.
CÙNG NHAU cầu nguyện trong CÙNG một nghi thức phụng vụ nói lên điều này: chúng ta ý thức mình “thuộc về” một cộng đồng, có cùng chung một cuộc sống, một số phận. Cùng nhau ý thức nhận mình là tội nhân trước mặt Chúa, CÙNG biết mình được thứ tha, CÙNG NHAU sám hối và CÙNG NHAU hưởng niềm vui của Chúa, trong Chúa (bài đọc 1).
Nhờ hiệp nhất trong cộng đoàn đức tin, CÙNG NHAU cầu nguyện như thế, các thành phần dân Chúa chia sẻ với nhau cảm nghiệm về Thiên Chúa. Lời Chúa hôm nay đề cập đến môi trường chia sẻ là cộng đoàn phụng vụ, và nội dung nền để chia sẻ là Lời Chúa: bài đọc 1, đó là Lề Luật; Còn Tin Mừng, đó là lời ngôn sứ, cụ thể là Is 61,1-2.
BÀI ĐỌC 1: Nkm 8,2-4a.5-6.8-10
Bài đọc 1 trích từ Sách Nơkhemia, thuật lại việc tư tế Et-ra và quan tổng trấn Nơkhemia tập họp dân Chúa lại để lắng nghe Lời Chúa. Khi đã được nghe và giải thích Lời Chúa, dân đã nhận ra những sai phạm của mình, đã sám hối than khóc. Tuy nhiên các thành phần lãnh đạo cùng với Et-ra và Nơkhemia đã khuyên nhủ, ủi an họ: Luật vạch tội phạm, buộc dân thú tội không phải để điều tra, bới móc rồi kết án mà là để nhận ra căn bệnh hầu chữa lành, cứu sống; Do đó khi đã nhận ra mình là tội phạm thì cũng hãy can đảm đón nhận đường lối giải quyết của Thiên Chúa (x. Lc 15,22-24), vui mừng an hưởng ơn thứ tha của Thiên Chúa. Chúa buộc tội nhân phải nhận lỗi không có nghĩa là Người đem tro trấu bôi lên mặt Hối nhân để bắt đền, bôi xấu, hạ nhục, nhưng chính là để gỡ bỏ ra khỏi mình những vết tích, những chấn thương hầu có thể thay lại bằng những cái mới mẻ, chữa lành đã được Chúa dọn sẵn; Vì thế sách Nơkhemia gọi thời điểm dân sám hối, khóc tội ăn năn là ngày vui, “ngày thánh hiến cho Đức Chúa, là Thiên Chúa của anh em” (Nkm 8,9.10).
Với biến cố lớn tập họp toàn dân lại như thế này, rồi nhất trí đồng tâm nghe Luật, tuyên bố giữ Luật… canh tân triệt để… Đây được xem là thời điểm khai sinh Do Thái giáo (x. CGKPV “Kinh Thánh” 2011, Nkm 7,72 nốt “x”). Vào thời điểm này, Dân đã hồi hương, Đền Thờ đã được tái thiết, tường thành Giêrusalem cũng đã xây dựng lại (x. Nkm 6,15 và nốt “m”). Mọi sự tạm ổn định, Nơkhemia đưa dân về an cư tại Giêrusalem, kiểm tra lại dân số (x. Nkm 7,1.4-5.72b). Một giai đoạn mới của lịch sử dân Chúa mở ra, toàn dân tụ họp lại lắng nghe Lời Chúa, cam kết giữ Luật của Người, mỗi người đích thân đảm nhận trách nhiệm, nhận lấy Giao Ước mà cha ông họ đã ký kết với Thiên Chúa làm của mình. Mỗi cá nhân, mỗi thế hệ phải nhắc lại và nhận làm của mình một cách tự do và ý thức Luật Chúa đã ban cho cha ông.
Giáo Hội Công Giáo tiếp tục truyền thống tốt đẹp nay trong lời tuyên xưng đức tin vừa cá nhân vừa cộng đoàn thì đọc lớn tiếng Kinh Tin Kính trong Thánh lễ mỗi Chúa Nhật và lập lại cách long trọng vào đêm Canh Thức Phục Sinh.
1/ Công bố sách Luật (8,2-3):
*“Dân xin ông Et-ra là kinh sư đem Sách Luật Môsê ra” (c.1)
Câu một này không trích đọc trong phụng vụ. Tuy nhiên nó cho chúng ta thấy nổi bật lên tính tập thể, cộng đoàn của cái khát vọng lắng nghe Lời Chúa. Nó phát xuất từ một nhu cầu cộng đoàn hợp nhất “muôn người như một tụ họp lại…” xin ông Et-ra…; Động cơ thúc đẩy phát xuất từ nội tâm chứ không hề bị một áp lực bên ngoài nào tác động. Chi tiết này cho thấy tâm hồn dân Chúa đã sẵn sàng trước khi tai nghe Lời Chúa. Nội tâm có sẵn sàng hoán cải thì Luật mới mang lại được lợi ích thiết thực.
*Thời điểm công bố: “ngày 1 tháng 7”:
Theo lịch xưa của người Do Thái, khi chưa bị lưu đày, còn ở trong xứ Palestin thì ngày 1 tháng Tishri là ngày đầu năm của họ, vào mùa thu: tháng 9/10 dương lịch.
Khi lưu đày Babylon, họ sử dụng lịch Babylon, thì tháng đầu năm là tháng Nishan (tháng 3/4 dương lịch), tháng Tishri đầu năm của lịch cổ trở thành tháng thứ 7 trong năm lịch Babylon.
Tuy nhiên khi sử dụng lịch Babilon thì các tư tế đã tôn giáo hóa nó: tháng Nishan được coi là tháng đầu năm vì đó là lệch của Yavê truyền như thế để kỷ niệm ngày Chúa cứu dân khỏi Ai Cập (x. Xh 12,2) biến họ thành dân tự do, khai sinh dân Chúa.
Được hồi hương, 1 -7 theo lịch Babylon trở lại thành ngày “đầu năm” “Rosh ha – Shana”. Vào đầu năm mới, dân Chúa ý thức và tự nguyện xin được nghe Lời Chúa, bước vào giai đoan mới: giai đoạn được hướng dẫn và vui sống bằng chính Luật Chúa, khởi đầu bằng nghi lễ công bố Lời Chúa vào “ngày Minh Niên”. Tháng 7 lịch Babylon gọi tên là tháng Tishri (dịch là: “khởi đầu”)
Ngoài ra tháng Tishri là tháng của lễ hội:
-
10 -7 là lễ Xá tội (kippour): Lv 16,29; 23,27; 25 ,9
-
15 -7 lễ Lều, kéo dài một tuần: Lv 23,34.39-41.
Như vậy tháng Tishri là tháng hồng ân, mọi sự đều tốt đẹp: đầu tháng mừng được nghe Lời Chúa; rồi tiếp sau là mừng được Chúa thứ tha xóa tội; cuối cùng là lễ lều mừng mùa thu hoạch tốt đẹp. Một kỷ nguyên mới bắt đầu!
*Nơi cử hành nghi thức là quảng trường trước Cửa Nước nằm ở vị trí đông nam của Đền thờ, bên ngoài khuôn viên cấm kỵ của người Do Thái. Do đó tất cả mọi thành phần dân Chúa đều có thể đến tham dự. Thật vậy,
*Đối tượng của cuộc tập họp nàylà TOÀN DÂN, được biểu lộ qua cách nói “gồm đàn ông, đàn bà và tất cả trẻ em tới tuổi khôn”.
-
Trẻ em tới tuổi khôn có lẽ là 10 tuổi; Trẻ em Do Thái lên 5 đã đến trường học ở ngay tại các hội đường… đến 10 tuổi, các em rời bỏ nhà trường để bắt đầu học nghề, thông thường nhất là với cha mình (X. Léon. Dufour Sđd p.65). Tuổi này chưa buộc phải giữ Luật.
-
Còn các phụ nữ, theo tập tục Do Thái, họ không được sinh hoạt dân sự bình đẳng với người nam, không thể làm chứng trước tòa án, không được tố tụng hay kháng án, không được thừa kế chồng mình (Sđd p.50,b). Về tôn giáo, “không được tham dự chính thức vào việc phụng tự …không thi hành chức vụ tư tế…không buộc giữ luật hành hương… người vợ không được kể vào số những người phải giữ cách nhiệm nhặt ngày Sabat….” (ĐNTHTK “NỮ” C.Ư 2).
Thế nhưng trong nghi thức kết Giao Ước hôm nay, toàn dân đều được tụ họp một cách bình đẳng để lắng nghe Luật và tự nguyện cam kết giữ Luật. Chi tiết đó gợi lại hai lần kết giao ước trước, tạo nên những bước ngoặc quan trọng trong việc hình thành tuyển dân và cắm mốc cho lịch sử cứu độ:
-
Giao Ước Sinai biến đám nô lệ sinh ra ở Ai Cập diệt chủng thành dân Chúa.
-
Giao Ước tại Sikem (Gs 24) do Nhóm dân, thế hệ sinh ra trong Sa mạc lặp lại Giao Ước Sinai sau khi chiếm và chia phần Đất Hứa.
-
Và lần này, một thế hệ hậu duệ mới của dân Chúa, sau thời gian thanh luyện lưu đày đã tuyên lại cùng một Giao Ước, và được coi như ngày khai sinh Do Thái giáo.
Từ nay, tất cả đời sống tôn giáo sẽ dựa vào Lề Luật được ông Et-ra tuyên đọc hôm nay; Và giai cấp kinh sư sẽ trở thành những người lãnh đạo tinh thần của dân Do Thái. Sau ngày đọc sách Luật, họ sẽ cử hành Lễ Xá Tội (10/7) và Lễ Lều (15-21/7), cam kết sống theo Lề Luật. Tất cả làm thành một cuộc tuyên lại Giao Ước (x. CGKPV- “Các Sách Lịch Sử” trang 706 nốt “x”). Điều đáng lưu ý là trong cả ba lần kết Giao Ước trên thì toàn dân đến tuổi khôn cả nam lẫn nữ đều bình đẳng trước Luật Chúa.
2/ Nghi thức (8. 4a. 5-6 .8)
Bản văn mô tả nghi thức thật đơn giản nhưng rất trang trọng và cung kính phát xuất từ tận đáy lòng của cộng đoàn đang hiệp nhất đồng tâm nhất trí (8,1a). Những cử chỉ rập ràng của toàn dân không phải do tập luyện nghi thức mà đó là hoa trái tự phát của niềm tin thống nhất.
*Diễn tiến:
-
Chủ sự Et-ra đứng lên một bục cao dành sẵn cho nghi lễ (c.4a)
-
Et-ra mở sách ra
-
Cộng đoàn liền đứng lên (c.5)
-
Et-ra chúc tụng Chúa Yavê
-
Cộng đoàn giơ cao tay đáp lại “Amen” (c.6a)
-
Rồi sấp mình xuống đất mà thờ lạy Yavê (c.6b)
-
Et-ra và các Lêvi đọc, giải thích Luật
-
Cộng đoàn hiểu lời đọc (c.8)
Nghi thức này khác với phụng vụ ở Đền Thờ. Nghi thức cử hành ở Đền Thờ chủ yếu là sát tế hiến dâng lễ vật. Còn ở đây, chủ yếu là thờ lạy và lắng nghe LỜI CHÚA. Dân phủ phục thờ lạy Yavê, nhưng hình thức Người chọn hiện diện hữu hình giữa dân giờ đây không là Hòm Bia mà là một CUỐN SÁCH.
Trong bản văn có một nét bất nhất: ở câu 3 chỉ có một mình Et-ra đọc sách, còn ở câu 8 thì có cả các Lêvi cùng đọc và giải thích. Có lẽ Et-ra, một mình đọc bản văn bằng tiếng Hipri và các Lêvi dịch ngay trực tiếp qua tiếng Aram kèm với những lời giải thích. Có thể đây là bước mở đầu cho việc ra đời của bản dịch Targum sau này (CGKPV – Sđd 706 “c”)
“Targum” có nghĩa là “NÓI”. Toàn thể TaNak = “Kinh Thánh Bộ Do Thái” (trừ một số nhỏ viết bằng tiếng Aram) đều được viết bằng tiếng Hipri cổ là tiếng nói của dân Do Thái tại Canaan trước lưu đày. Lưu đày trở về, tiếng Aram dần lấn át tiếng Hipri trong cuộc sống giao dịch hằng ngày và dần dần dân không hiểu được tiếng Hipri nữa. Do đó trong đời sống tôn giáo, phụng vụ khi đọc bản văn Kinh Thánh bằng tiếng Hipri thì phải có người thông ngôn trực tiếp (dĩ nhiên có kèm lời giải thích ít nhiều) ra tiếng Aram. Ban đầu là “dịch nói”, sau mới dần gom lại rồi chuyển thành văn viết là bản dịch Targum.
3/ Ý nghĩa việc công bố Luật: ngày hoan lạc (8,9-10)
*Phản ứng của dân khi nghe công bố Luật là “khóc lóc” (c.9c) khóc vì hối hận ăn năn thấy mình đã không tuân giữ Luật Chúa; Và cũng khóc do sợ hãi vì những lời đe phạt như được ghi trong Lv 26; Đnl 27-28, làm họ khiếp sợ, nhất là bài học từ các biến cố lịch sử gần đây vẫn còn hậu quả sờ sờ trước mắt.
*Giải thích ý nghĩa của Luật: tuy nhiên toàn thể ban lãnh đạo đã giải thích an ủi dân: hôm nay đọc Luật ra không phải là để luận tội, nhưng đọc ra là để khai mở thời hồng phúc thứ tha mời dân dựa vào Lời Chúa vừa mới ban hành làm chuẩn mực để hoán cải. Một thời đại, một kỷ nguyên mới bắt đầu với “ngày thánh hiến cho Thiên Chúa”. Hôm nay là ngày vui!
Như vậy trong hành trình theo Chúa và nên dân con của Chúa, đối với người Do Thái, Luật là hồng ân, niềm vui, làm cuộc đời họ nên tươi sáng, giúp họ thể hiện được ơn gọi của mình.
Vấn đề còn lại là dân có trung tín, kiên cường “thờ lạy Thánh Ý Chúa trên cuộc đời mình” hay không?
Nghi thức này là tiền thân của việc đọc sách và giải thích Kinh Thánh trong hội đường Do Thái sau này. Và nghi thức phụng vụ Lời Chúa trong Thánh Lễ Công giáo cũng được gợi hứng từ nghi thức này.
TIN MỪNG: Lc 1,1-4; 4,14-21
Bài đọc Tin Mừng của Chúa Nhật III C Mùa Thường Niên được cấu thành bởi hai đoạn không liên tục nhau:
-
Phần 1 (1,1-4) là lời tựa mở đầu sách Tin Mừng Luca, tác giả trình bày cho người đọc về đối tượng độc giả, phương thức biên soạn và mục đích của Sách Tin Mừng thứ ba.
-
Phần 2 (4,14-21) là trích đoạn Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ rao giảng của Người, và theo Luca, việc đó diễn ra ở Nadaret, là nơi Đức Giêsu đã sống suốt giai đoạn ẩn dật trước khi xuất hiện thi hành sứ vụ công khai.
Việc Người làm đã gây ra những phản ứng trái ngược nhau nơi dân Nadaret: Khởi đầu là thán phục, nhưng rồi cuối cùng lại chống đối và muốn giết Đức Giêsu (Lc 4,22-30). Trích đoạn này sẽ được dùng làm bài đọc Tin Mừng Chúa Nhật sau.
Trích đoạn hôm nay dừng lại ở câu 21, chỉ đề cập đến việc Đức Giêsu công bố Lời Chúa, thái độ háo hức chờ nghe Người giải thích, chia sẻ của đám dân Nadaret và tạm dừng ở lời Đức Giêsu xác nhận: hôm nay lời Kinh Thánh ứng nghiệm. Sự cắt ngang đột ngột đó, là nhằm làm nổi bật chủ đề của phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật III C Mùa Thường Niên: phải công khai công bố và chia sẻ Lời Chúa.
1/ Lời tựa của Sách Tin Mừng thứ ba (1,1-4)
Luca bày tỏ ý muốn viết thêm một sách Tin Mừng nữa (câu 3) dù rằng trước đó cũng đã có người viết ra rồi những điều có liên quan đến Đức Giêsu (câu 2). Tác phẩm mà Luca sắp viết có những đặc điểm sau:
*Đối tượng (c.1) là “ngài Thêôphilô đáng kính”: đây là cách nói trang trọng khi ngỏ lời với bậc quyền cao theo lối viết của các nhà văn Hi lạp thời bấy giờ. Thêôphilô có lẽ là một nhân vật có tên tuổi, địa vị trong xã hội thời Luca. Nhân vật này có thể là một dự tòng đang tìm hiểu kitô giáo hoặc là một tân tòng; Cũng có thể tên này là đại biểu cho lớp độc giả hy lạp trí thức mà Luca nhắm tới.
*Nội dung (câu 1 và 2) của tác phẩm là “những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta”. Đó chính là những lời dạy dỗ, mặc khải của Đức Giêsu và những biến cố liên quan đến đời sống và sứ mạng của Người. Về những sự việc đó, trước Luca, đã có người soạn thảo thành ra các bản tường thuật rồi, chắc là ám chỉ sách Tin Mừng Marcô. Ngoài ra Luca còn có thêm một số nguồn tài liệu nữa mà ngày nay chúng ta không được biết rõ vì không có văn bản để lại.
*Một đặc nét của tác phẩm: đó là tính TÔNG TRUYỀN của những điều đã được viết ra (c.2): so với Cv 1,21-22 và nốt “y” trong CGKPV “Tân Ước” 1995 trang 501, thì các yếu tố ở câu 2 hàm ý nói tới truyền thống tông đồ. Vậy Luca sắp viết ra các chứng từ tông truyền cho dù ông không phải là chứng nhân nhãn tiền, cũng không là môn đệ của Nhóm Mười Hai, về biến cố Đức Giêsu.
“Tôi cũng vậy”: cách nói này hàm ý Luca muốn viết một cuốn Tin Mừng theo hướng tông truyền nói trên và ông muốn trình bày các sự kiện chính xác theo lối các sử gia thời bấy giờ để không ai bắt bẻ hay hoài nghi được.
*Phương thức thực hiện “Cẩn thận tra cứu đầu đuôi”: Luca đã khởi công từ một cuộc sưu tập tài liệu. Ông làm công việc truy tầm, chọn lọc, thuật lại các chứng từ, sứ điệp tông truyền.
“Tuần tự viết ra”: “tuần tự” ở đây là theo thể thức văn chương và giảng huấn, chứ không phải là theo thứ tự thời gian kiểu biên niên.
*Mục đích: cuốn sách này được viết ra để kính tặng Thêôphilô, giúp ông này thấy rằng giáo huấn ông đã lãnh nhận là một cái gì vững chắc về mặt cứu độ và có thể cũng có mục đích hộ giáo nữa; Cũng có thể nhằm mục tiêu sau đây không được ghi ra trong giấy tờ: đó là, theo thói tục người xưa, tác giả thầm mong Thêôphilô giúp phổ biến cuốn sách.
(Phần 1 này xem CGKPV. “Tân Ước” 1995 các nốt trang 245).
2/ Vài nét dẫn nhập vào sứ vụ công khai (14,14-15)
*Động lực hành động: “được tràn đầy Thần Khí” (4,14a)
Một lần nữa Luca nhấn mạnh, chính trong tư cách một con người “tràn đầy Thần Khí” mà Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ: Đức Giêsu đã được đầu thai vào lòng Mẹ nhờ Thần Khí; trong phép rửa ở sông Giodan lại được Thần Khí ngự xuống tấn phong Mêsia; chính Thần Khí ấy lại đưa Đức Giêsu vào sa mạc đập tan mưu đồ của Qủy dữ. Vậy nhờ Thần Khí tuôn tràn, Thời Thiên Sai đã khai mạc với Đức Giêsu là Đấng tràn đầy Thần Khí.
Lời của Torah (Luật) mở ra kỷ nguyên Do Thái giáo; Lời của Đức Giêsu và Thần Khí mở ra kỷ nguyên Kitô giáo. Thời cánh chung đã tới!
*Tư cách hành động: tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng (câu 14)
“Vùng” ở đây là Galilê và phụ cận: theo Nhất Lãm, Galilê là nơi Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ, ứng nghiệm lời ngôn sứ (Mt 4,12-17; Mc 1,14-15). Tất cả mọi chi tiết trong sứ vụ của Đức Giêsu đều là cách thức thể hiện ý định từ ngàn xưa của Thiên Chúa. Việc xuất hiện thi hành sứ vụ tại Galilê của Đức Giêsu là dấu chỉ cho thấy thời cánh chung tới rồi (Ý nghĩa của cách nói “ứng nghiệm lời ngôn sứ”).
“Tiếng tăm của Người” ám chỉ điều chi? Theo Luca, trước chương 4, Đức Giêsu chưa làm gì cả ngoài việc đến sông Giodan chịu phép rửa, được Thần Khí ngự xuống, và được “tiếng từ trời” nhận là Con. Vậy “tiếng tăm đồn ra” ở đây chắc là nói đến những dấu chỉ thời thiên sai đã được tỏ lộ khi Đức Giêsu chịu phép rửa: đó là sau khi Gioan mạnh mẽ làm chứng rằng ông không phải là Đấng Mêsia thì người ta dồn chú ý vào Đức Giêsu; Và những nét phong phú về dung mạo của Người dần dần xuất hiện: Người là “Đấng mạnh hơn”, “Đấng đang đến”, “Đấng rửa trong Thánh Thần và lửa”, “Đấng cao trọng hơn Gioan”… Vậy dân chúng đồn rằng Người là Đấng Mêsia. Rồi trong Lc 4,16-21, chính Đức Giêsu cũng xác định như vậy. Tiếc thay, việc Người tỏ mình ra cho các người đồng hương đã bị họ khước từ vì nhiều lý do (Lc 4,23-30: sẽ thấy trong Tin Mừng tuần IV C Mùa Thuường Niên).
*Phương thức biểu lộ: giảng dạy (4,15)
Ở đây Luca không nói tới phép lạ. Với Luca, yếu tố chính giúp đưa con người đến hoán cải là CHÍNH TIN MỪNG, là LỜI CHÚA hơn là phép lạ. Thật vậy, ở phần kết của Tin Mừng, chính nhờ Lời Chúa mà các môn đệ nhận ra Đức Giêsu đã phục sinh (Lc 24,6-8: các bà; Lc 24,27-32: hai môn đệ làng Emmau; Lc 24,44-45: các tông đồ).
Tự vấn: hôm nay chúng ta đã có Lời Chúa. Lời Chúa đã thực sự là Tin Mừng cho ta chưa? Chúng ta có thao thức nghe giảng Lời Chúa, rồi rao giảng Lời Chúa, xem đó như là trung tâm và cùng đích cho mọi hoạt động của ta chưa? Hay đang còn đi tìm một cái gì khác?
3/ Khai mạc sứ vụ (4,16-21):
*Nơi chốn: “Đức Giêsu đến Nadaret nơi Người sinh trưởng” (4,16a): Trước mắt người đời, Đức Giêsu là dân Nadaret: cha mẹ Người là kiều dân ở đó đã lâu; Việc Người sinh hạ tại Bêlem chắc ít ai lưu tâm vì Đức Giêsu đã sống và lớn lên ở Nadaret. Đây là lối trình bày Tin Mừng theo Luca: Đức Giêsu thi hành sứ vụ từ gần đến xa: bước khởi đầu gần nhất là nơi chôn nhau cắt rốn; Rồi đến vùng phụ cận là Galilê; Xa dần, lên tới Giêrusalem; Và chóp đỉnh là đến tận cùng trái đất.
*Tiếp nối truyền thống: “ngày Sabat, Đức Giêsu vào hội đường và đọc Sách Thánh” (4,16b). Nghi thức này có lẽ bắt đầu từ thời Et-ra (xem bài đọc 1): từ thời lưu đày, dân không còn Đền Thờ, không còn tế tự… người ta phải thích nghi tìm một lối sống đạo mới; Và thể chế “hội đường” ra đời: mỗi tuần, ngày Sabat, người ta họp nhau lại tại một nơi quy định để cùng đọc, cùng nghe, cùng chia sẻ Lời Chúa; Thể chế này vẫn tiếp tục về sau kể cả khi Đền Thờ được xây dựng lại.
Đối với Đức Giêsu, đây có thể là ngày hưu lễ đầu tiên mà Người lên tiếng công khai trong hội đường sau khi “tiếng tăm của Người được đồn ra khắp vùng”. Theo tập tục bấy giờ, sau khi nghe SÁCH LUẬT, Đức Giêsu tiến lên ra mắt công chúng bằng cách đọc 1 bài từ SÁCH NGÔN SỨ và cho một giải thích ứng dụng. Vì đã có chút tiếng tăm nên tất cả cử tọa chăm chú chờ nghe Người.
Vậy việc đầu tiên Đức Giêsu làm là một việc tiếp nối truyền thống tiền nhân. Người đến không để hủy bỏ lề luật mà là hoàn tất (Mt 5,17).
*Và kiện toàn lời Chúa hứa (4,18-21): Đức Giêsu đọc Is 61,1-2 rồi công bố: HÔM NAY, lời ấy ứng nghiệm vào con người Đức Giêsu (c.21).
So lời Đức Giêsu đọc trong hội đường Nadaret (Lc 4,18) với sấm ngôn Is 61,1 thì rõ ràng Đức Giêsu là Đấng đầy Thần Khí, là Mêsia. Nhưng Luca 4,19 thì chỉ trích nửa sấm ngôn Is 61,2: Đức Giêsu chỉ trích đọc phần “công bố năm hồng ân” còn phần nói về “ngày báo phục” thì không đọc.
Vậy với sự xuất hiện của Đức Giêsu, thời cánh chung đã tới, tuy nhiên trong hiện tại thì khía cạnh nổi bật là HỒNG ÂN, thời vui mừng thánh hiến cho Thiên Chúa như trong bài đọc 1. Hãy mở rộng lòng để đón nhận hồng ân ấy. Hồng ân ấy thì không gì khác hơn là chính con người Đức Giêsu đang hiện diện với chúng ta HÔM NAY, mọi ngày, cho đến tận thế. Hãy đón hận Người và loan báo Người cho muôn dân (Mt 28,18-20).
Frère Pierre Đình Long FSC