Bài 1
2Sb 36,14-16.19-23; Ga 3,14-21
Chủ đề: Những bất trung của con người và hậu quả
Phần Thiên Chúa vẫn luôn tha thứ.
* 2Sb 36,14.19: các thủ lãnh của các tư tế và dân chúng mỗi ngày một thêm bất trung bất nghĩa… và rồi quân Canđê đốt Nhà Thiên Chúa, triệt hạ tường thành Giêrusalem…
* Ga 3,17: Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người được cứu.
Lời Chúa của Chúa Nhật IV B Mùa Chay nhấn mạnh đến Tình Yêu tha thứ của Thiên Chúa đối với nhân loại. Người kiên trì thực hiện dự tính cứu độ yêu thương ấy, bất chấp tội lỗi, sự cứng lòng, phản trắc, chối từ từ phía con người. Tuy nhiên về phía phàm nhân, con người không dễ dàng nhận ra được tình yêu ấy, nhất là khi phải đối đầu với những tai ương, những trắc trở, gian truân trong đời. Những lúc ấy chúng ta dễ dàng đổ lỗi cho Chúa “Trời không có mắt!” hoặc trách Chúa sao quá nặng tay trong việc sửa phạt. Cái nhìn nặng tính cách luân lý ấy đã là một thứ chướng ngại cản trở ta nhìn ra được dung mạo đầy yêu thương của Thiên Chúa trong những lúc tăm tối của cuộc đời. Thực ra, điều mà chúng ta quen gọi là “án phạt” thì vẫn phải có trong phương pháp giáo dục con người: lắm khi nhà giáo dục phải lấy biện pháp mạnh để cảnh cáo, thức tỉnh môn sinh, nhất là để ngăn chận đừng để cái hậu quả tồi tệ nhất xảy ra. Có thể ví đó như là một cuộc phẫu thuật bó buộc để cứu lấy sinh mạng bệnh nhân. Dù hành vi phẫu thuật là có tính áp đặt, có thể gây ức chế, phản kháng… nhưng động cơ là yêu thương, mục đích là để cứu sống. Tuy nhiên khi ĐANG TRONG NGHỊCH CẢNH, nạn nhân khó lòng nhận ra được tấm lòng yêu thương ẩn tàng bên trong những điều bất hạnh ấy.
Lời Chúa hôm nay mời gọi nhân loại, nhất là tín hữu Chúa, khám phá ra, rồi đón nhận Tình Yêu của Thiên Chúa ẩn tàng trong dòng lịch sử lắm khi đượm nhiều nét sầu thương, bi thảm. Lời Chúa vạch ra cái căn nguyên sâu thẳm của những bất hạnh đời người, đồng thời chỉ ra phương thế khắc phục: đó là THỜ LẠY THÁNH Ý, Đường Lối giáo dục của Chúa để nhận ra được Tình Yêu Chúa đang hồi phục chữa lành ta ngay cả trong lúc đang phải chịu những hậu quả nặng nề của tội lỗi.
Bài đọc một là bảng tóm lược lịch sử Israel, dưới cái nhìn đức tin, từ cuối thời quân chủ cho đến lúc Kyrô, vua Ba Tư, ban sắc chỉ cho dân Chúa được hồi hương. Mục đích của việc xem lại các “thước phim” đó là nhằm mở mắt Dân Chúa nhận ra được đâu là cội nguồn của các khổ đau mà họ phải chịu, đồng thời cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa đối với họ cho dù nặng tay phạt họ. Cội nguồn của mọi khốn đốn là tội của Israel từ vua quan, tư tế đến dân chúng: tất cả… “chúng mỗi ngày một thêm bất trung bất nghĩa, học theo thói ghê tởm của chư dân và làm cho Nhà Đức Chúa… ra ô uế”. Tuy vậy, Thiên Chúa vẫn yêu thương, kiên nhẫn sai sứ giả là các ngôn sứ, nhiều lần nhiều cách, đến nhắc nhở, cảnh cáo… nhưng họ vẫn làm ngơ, lại còn giễu cợt sứ giả Chúa. Họ đang lao vào dòng thác diệt vong mà không biết. Thiên Chúa phải dùng biện pháp mạnh để lay tỉnh họ. Chiếc roi Chúa dùng chính là quân Canđê để triệt hạ Đền Thờ đã ô uế, bắt vua dân đi đày. Thế nhưng tiếng nói cuối cùng của Chúa mãi là TÌNH YÊU. Chúa thứ tha, và dùng Kyrô vua Ba Tư giải thoát họ khỏi Babylon giúp họ hồi hương và xây lại Đền Thánh. Lúc ấy, dân Chúa mới nhận ra tội lỗi của mình và tình yêu vô biên của Chúa.
Trong Tin Mừng, Tình Yêu dung thứ cứu độ của Thiên Chúa được Đức Giêsu mặc khải trực tiếp “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”. Đường lối thứ tha cứu độ của Chúa cũng đầy bất ngờ: Thiên Chúa dùng công cụ để phạt tội nhân biến thành nên phương tiện cứu độ. Thật vậy, “con rắn đồng” trong sách Ds 21,6-9, “Thập giá” của Đức Giêsu trong Tân Ước vốn là công cụ dành để phạt tội nhân. Thế nhưng một khi Thiên Chúa thứ tha thì công cụ án phạt đó lại trở nên hồng ân cứu độ: “như ông Môsê đã giương cao Con Rắn Đồng trong sa mạc. Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”.
Vậy thập giá vốn là công cụ của án phạt, Nó cho thấy sự tàn bạo khủng khiếp của tội, hậu quả hủy diệt của lỗi phạm con người; Nhưng rồi Tình Yêu Thiên Chúa đã biến thập giá ấy thành con đường cứu độ cho tội nhân nào tin vào Đức Giêsu, tin vào Tình Yêu Thiên Chúa. Vậy hãy can đảm nhìn ra lỗi phạm của mình; Hãy can đảm đón nhận những hậu quả do lỗi phạm gây ra đừng trốn chạy, chắc chắn, cuối cùng, trong Đức Kitô, chúng ta sẽ gặp được Thập giá hồng ân đưa kẻ tin đến ơn cứu độ.
Bài 2
… “Con Người sẽ phải được giương cao… Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,14.16)
Chúng ta bước vào Chúa Nhật IV B Mùa Chay. Từ đầu Mùa Chay cho tới giờ, màu tím bao trùm khắp nơi trong các nghi thức phụng vụ. Màu tím nói lên tâm tình dốc lòng sám hối, thú nhận tội lỗi của Giáo Hội và của con cái mình. Tuy nhiên Mùa Chay không là một hành trình sầu thảm, thất vọng của một phạm nhân đang chờ đem ra xét xử; mà là sự trỗi dậy, quyết tâm quay về với Cha của người con, dù nhận ra lầm lỗi của mình cũng như những hậu quả khốc hại, vẫn xác tín rằng Cha mình là Đấng giàu lòng thương xót luôn mở rộng vòng tay đón nhận mọi người cùng khốn và nâng đỡ họ. Nơi Thiên Chúa không có án phạt, mà chỉ có thứ tha. Cái mà loài người tội lỗi chúng ta gọi là “án phạt” thật ra chỉ là sự khước từ đến cùng tình yêu tha thứ của Thiên Chúa. Cửa nhà Cha, bàn tiệc của Cha luôn mở rộng đón mời và Cha luôn sẵn sàng “năn nỉ” mọi người con vào sum họp; Chỉ kẻ không đón nhận Tình Cha mới phải đứng bên ngoài (x.Lc 15,1-32).
Để khơi lại niềm hy vọng, tâm tình tích cực của Mùa Chay, Giáo Hội trong Chúa Nhật IV đã thay thế lễ phục màu tím bằng màu HỒNG, mời gọi các tín hữu đang ăn năn sám hội, hãy MỪNG VUI LÊN (Laetare) vì được Chúa quy tụ về, được Chúa tha thứ ủi an (ca nhập lễ Chúa Nhật IV Chay). Vì thế Chúa Nhật này còn được gọi là Chúa Nhật Áo Hồng, Chúa Nhật vui tươi, do mở đầu ca nhập lễ là lời mời LAETARE = “hãy vui lên” (x. “Từ điển Công Giáo Phổ Thông” từ ngữ “Chúa Nhật Áo Hồng”).
Đây chưa phải là niềm vui trọn vẹn, niềm vui đã đạt được mức hoàn thiện; nhưng là niềm vui ngay giữa cơn thử thách, chiến đấu gian nan vì nhận ra lỗi phạm của mình, biết mình đáng tội nhưng đồng thời cũng nhận biết mình được thứ tha: Vui vì cảm nghiệm đích thân rằng tình yêu thương xót của Chúa lớn hơn tội phạm của mình. Do đó có động lực hơn, hăng hái hơn quay về cùng Thiên Chúa.
Thật vậy, Thiên Chúa có một dự tính yêu thương với toàn thể tạo vật mà Chúa đã dựng nên: Chúa xót thương hết mọi người, chờ đợi họ ăn năn hối cải, vì mọi loài đều là của Chúa; Chúa yêu sự sống, đầy lòng khoan dung, vì thế ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ, Chúa cảnh cáo, nhắc nhở giúp họ nhận ra lỗi lầm, để họ bỏ điều ác mà tin vào Thiên Chúa (x.Kn 11,23-12,2). Đọc lại dòng lịch sử cứu độ, ta thấy Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, mặc dù cũng có nhiều lần Chúa đánh phạt nặng tay, nhưng chung cuộc vẫn là vì ơn cứu độ cho con người (x.Is 4,4-5); Chúa sửa phạt nhưng không bao giờ để con phải chết (x.Tv 118,18). Thiên Chúa luôn kiên trì thực hiện dự tính cứu độ của Người bất chấp tội lỗi, sự cứng lòng của con người. Chúa luôn yêu thương con người bằng một tình yêu kiên trung, tha thứ vô điều kiện. Tình yêu đó luôn có sáng kiến đưa ra những phương thế thích hợp vào từng giai đoạn lịch sử, kể cả đánh phạt, để rồi tiếng nói cuối cùng luôn là giải cứu, thứ tha, hồi phục, nâng cao.
Đó chính là NIỀM VUI mà Thiên Chúa mang đến cho chúng ta. Niềm vui nhận ra được những sai trái của mình; Niềm vui dám chấp nhận những hậu quả do những sai trái đó gây ra; và chóp đỉnh là Niềm Vui biết mình được thứ tha, hồi phục. Để có được niềm vui đó, chúng ta phải CHIẾN ĐẤU: chiến đấu để can đảm nhận mình là tội nhân; CHIẾN ĐẤU để sẵn sàng đón nhận mọi hậu quả của tội, mọi cách sửa dạy của Chúa (xem gương Đavit); và CHIẾN ĐẤU để ơn tha thứ của Thiên Chúa “bám rễ” được trong tâm hồn ta, sinh hoa kết trái.
Bài đọc một là một minh họa rõ nét về NIỀM VUI và về cuộc CHIẾN ĐẤU mà chúng ta vừa gợi lên ở trên. Nhìn vào giai đoạn lịch sử của dân Chúa được Sách Sử biên niên thuật lại trong bài đọc một, chúng ta nhận ra được trong đó dung mạo bất tín trung, lì lợm của chính mình; Đồng thời cũng nhận ra được tình yêu săn đón kiên trì của Thiên Chúa luôn tìm đủ mọi cách để cứu chúng ta:
-
2Sb 36,14-16 là bảng tóm lược những bất tín, bất trung của dân Chúa. Nét tiêu biểu được Sách Sử biên niên nêu ra là làm Nhà ĐỨC CHÚA ra ô uế. Đền Thờ là hồng ân Chúa ban để dân đến đó thờ phượng Chúa đã bị dân làm biến chất trở thành nơi tạo dịp cho họ phạm tội (x.Ga 2,14-16). Và họ càng đáng tội hơn là vì Thiên Chúa đã “không ngừng sai sứ giả của Người đến cảnh cáo họ”, nhưng họ vẫn coi thường lòng thương xót của Chúa đối với họ và đối với Đền Thờ. Họ không thú nhận những sai trái của họ; Trái lại còn chìm sâu trong sai lầm, phạm thượng, xúc phạm đến Chúa bằng những lời nhạo cười chế giễu các ngôn sứ của Chúa. Họ đã không chiến đấu để nhận ra tội phạm của mình, họ ở lì trong nẻo đường bất hảo.
-
2Sb 36,19-21: cần phải thức tỉnh họ khỏi cơn mê đưa tới diệt vong. Chúa đã dùng quân Canđê (tức Babylon) làm cây roi buộc dân phải thức tỉnh. Cũng như Môsê đã đập vỡ Hòm Bia khi dân ở Sinai đã thờ lạy Bò Vàng, Thiên Chúa giờ đây cũng hủy diệt Đền Thờ đã bị dân làm ra ô uế, mục nát, phải san bằng mọi sai trái, nhưng để rồi sẽ cho xây dựng lại. Cuộc đánh phạt toàn diện, đớn đau, nhưng cần thiết để phục hồi lại cho dân ân huệ lớn lao được chọn làm dân riêng, dân tư tế của Chúa.
-
2Sb 36,22-27: nhưng tiếng nói chung cuộc của Chúa không bao giờ là án phạt, đó chỉ là đợt tẩy luyện để làm lại. Án phạt lưu đày chỉ kéo dài năm mươi năm. Đến năm 538 TCN, Thiên Chúa đã dùng vua Ba Tư ngoại đạo để biểu lộ lòng thương xót của Chúa đối với dân, tha thứ cho dân để họ được quay về lại quê hương, tái thiết lại Đền Thờ.
Tiếc thay dân Chúa đã không biết CHIẾN ĐẤU để biến cuộc tẩy luyện, tu sửa ấy thành ra NIỀM VUI đích thật và bền vững. Họ vẫn cứ “ngựa quen đường cũ” và vòng luẩn quẩn cứ thế lập lại: lòng thương xót của Chúa ban lại cho dân Đền Thờ thứ hai, thế nhưng rồi dân lại biến Nó thành nơi buôn bán, chợ búa; Thế là Nó lại bị hủy diệt. Và lần này để khắc phục tính bất thường của con người, Con Thiên Chúa làm người đã ban cho dân mới của Chúa một Đền Thờ vĩnh cửu; đó chính là Thân Thể Người (x.Ga 2,21) là nơi mà nhân loại mọi nơi, mọi thời thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và sự thật, là nơi Thiên Chúa hiện diện và tỏ mình cách tuyệt vời, trọn hảo cho nhân loại. Đó là niềm vui của dân mới của Thiên Chúa, thế nhưng lòng thương xót Chúa còn lớn lao hơn nữa, Người muốn mỗi tín hữu chúng ta cũng phải là Đền Thờ của Chúa (x.1Cr 3,16-17). Vậy phải không ngừng chiến đấu để giữ vững hồng ân và niềm vui thần linh đó.
Bài đọc Tin Mừng đưa chúng ta đến chóp đỉnh của tình yêu tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa. Đứng trước tội phạm của con người, thay vì dựa vào Luật, vào Giao Ước Sinai để hủy diệt dân, Chúa vẫn kiên trì thứ tha, và điều mà ngay trí tưởng tượng của con người cũng không sao nghĩ tới là “để cứu người tôi tớ, Chúa đã ban tặng chính Con Yêu Dấu” (Bài Exultet, “công bố Tin Mừng Phục Sinh”). Tuy nhiên Thiên Chúa không mị dân, không ép buộc con người, cho dù là ép buộc bằng tình yêu. Bài đọc Tin Mừng cũng trình bày rõ ràng vai trò quyết định của tự do của con người. “Được cứu” hay “bị lên án” là kết quả của việc mỗi người đáp trả lại trước lòng thương xót thứ tha của Thiên Chúa: ai tin thì được cứu độ, ai không tin thì đã bị lên án rồi (x.Ga 3,17-18). Một “vườn Eđen mới” được đặt ra trước mặt MỖI NGƯỜI: “AI TIN” hay “KHÔNG TIN”. Không còn đổ lỗi được nữa cho hai nguyên tổ Adam, Eva. Lỗi nguyên tổ đó đã được Thiên Chúa thứ tha rồi qua việc ban tặng Con Một, xuống thế tìm đến với nhân loại không để xét xử, lên án, mà là để thế gian nhờ Con Một của Người mà được cứu độ. Một cuộc chiến đấu trực diện, đích thân đang được đặt ra trước mặt TỪNG NGƯỜI, trước mặt mỗi “AI” cá vị. Như vậy NIỀM VUI mà Thiên Chúa mang đến cho nhân loại cách rộng rãi, không trừ ai, được Tin Mừng hôm nay đặt ra trước mắt mọi người và TỪNG NGƯỜI. Mùa Chay mang đến cho nhân loại NIỀM VUI: mỗi người thực sự làm chủ vận mạng của mình. Đó là NIỀM VUI của kẻ can đảm CHIẾN ĐẤU sống theo sự thật và vì thế mọi việc công chính họ đã làm đều được tỏ lộ ra cho mọi người được thấy và được Thiên Chúa ân thưởng.
Chủ điểm phụng vụ
Thiên Chúa có một dự tính yêu thương đối với con người và Người kiên trì thực hiện dự tính cứu độ ấy bất chấp tội lỗi, chối từ từ phía con người. Thật vậy, suốt dòng lịch sử, Thiên Chúa luôn yêu thương con người bằng một tình yêu kiên trung, tha thứ nhưng không. Tình yêu ấy luôn có sáng kiến đưa ra những phương thế thích hợp vào từng giai đoạn lịch sử, kể cả đánh phạt, để rồi tiếng nói cuối cùng luôn là giải thoát cứu độ.
Bài đọc 1 là bản tóm lược lịch sử Israel từ cuối thời quân chủ cho đến lúc Kyrus ban sắc chỉ hồi hương. Nội dung xoay quanh các ý chính: dân bội phản bất trung; Thiên Chúa vẫn yêu thương luôn sai sứ giả đến cảnh cáo, nhưng dân không nghe coi thường lời ngôn sứ; Hậu quả là Chúa nổi giận dùng dân Canđê đánh phạt dân, bắt dân đi lưu đày để dân nhận ra giá trị lời của các ngôn sứ. Nhưng rồi tình yêu Thiên Chúa lại thứ tha: Thiên Chúa đã dùng bàn tay vua Ba Tư giải cứu khỏi ách Babylon và tạo điều kiện tốt đẹp để dân hồi hương. Phần còn lại là dân phải biết nghe lời cảnh cáo và hãy tiến lên trong tin tưởng Chúa hướng về Đất Hứa.
Trong Tin Mừng tình yêu tha thứ của Thiên Chúa được biểu lộ qua Người Con được giương cao để ai tin vào Người thì được sống muôn đời. Dự tính của Thiên Chúa là sai Con đến để cứu chứ không để lên án. Tuy nhiên Lời Chúa cũng nhắc nhở phần đóng góp của con người là quan trọng để mỗi cá nhân được hưởng ơn cứu độ do Người Con mang đến: nếu tin thì được cứu, còn không tin thì bị lên án rồi. Án đó là đã chuộng điều xấu, thích tối tăm hơn ánh sáng.
BÀI ĐỌC I: 2Sb 36,14-16.19-23
Văn mạch
Có thể 2 cuốn Sử biên niên được biên soạn vào khoảng thế kỷ IV TCN, sau thời dân được hồi hương từ đất lưu đày. Mặc dù được ưu đãi, sống tự trị theo luật riêng mình, nhưng Israel không là quốc gia độc lập. Để đạt được điều ấy, tác giả Sử biên niên cho rằng dân phải triệt để tuân thủ luật Chúa, vâng nghe lời các tư tế và quy hướng tất cả về đền thờ Giêrusalem trong niềm chờ mong “Con vua Đavit”. Theo tác giả Sử biên niên, lịch sử đích thực của dân Thiên Chúa và vận mạng của dân này nằm trong vương triều và dòng họ vua của nhà Đavit; Ngoài ra ông còn cho rằng toàn bộ tổ chức phụng tự là đều do vua Đavit quy định. Chính vì thế ông không đả động gì đến vương quốc phía Bắc kể từ khi ly khai, ông chỉ nói tới nhà Đavit; Và các biến cố tiêu cực của triều vua này cũng được ông bỏ qua.
Nội dung sách Sb trải dài từ cuộc sáng tạo cho đến thời hồi hương sau lưu đày và được chia làm 4 phần chính:
* 1Sb 1-9; các bảng gia phả từ Adam, qua 12 chi tộc Israel cho đến vua Đavit.
* 1Sb 10-29: Vương triều Đavit, từ khi Saolê qua đời cho đến khi Đavit tạ thế
* 2 Sb 1-9: vương triều Salomon
* 2 Sb 10-36: Lịch sử chỉ của Giuda từ lúc Salomon băng hà cho tới lưu đày Babylon, không lâu trước cuộc hồi hương về lại Giêrusalem.
Bài 1 là trích chương cuối của 2 Sb gồm 3 ý: sự bất trung bất nghĩa của dân; Chúa dùng quân Canđê đánh phạt; Sắc chỉ vua Kyrus loan báo ơn giải cứu.
CẤU TRÚC và SUY NIỆM
-
Sự bất trung bất nghĩa của Giuda (2Sb 36,14-16)
-
Tất cả từ thủ lãnh, tư tế đến dân đen đều bất trung bất nghĩa làm nhà Yavê ra ô uế.
-
Sự nhẫn nại của Yavê trước lỗi phạm của dân: không ngừng sai sứ giả đến cảnh cáo dân.
-
Lý do động lực: vì Chúa thương xót dân và vì Thánh Điện của Người.
-
Lòng chai đá của dân trước ân tình của Chúa:
– nhạo cười sứ giả
– khinh thường Lời Chúa.
– chế giễu ngôn sứ.
Đây là tình trạng của Israel vào những triều đại cuối của thời quân chủ kể từ sau cái chết của ông vua đạo đức Giôsigiahu. Về mặt chính trị, Giuđa bị kẹt giữa hai gọng kềm là Ai cập và Babylon. Con của Giôsigiahu là Giơhôakhát lên ngôi, nhưng chỉ 3 tháng thì bị Nơkhô vua Ai Cập bắt đày qua Ai Cập (năm 609) và đặt người anh của Giơhôakhát lên ngôi lấy tên là Giơhôgiakim. Vua này trị vì được 11 năm (609-598) thì bị Nabucodonosor hạ bệ bắt đi đày qua Babylon. Người con lên kế vị là Giơhôgiakhin (năm 598), trị vì được 3 tháng 10 ngày rồi cũng bị điệu đi đày Babylon. Người chú của vua được đế quốc cho lên kế vị lấy tên Xitkigiahu, trị vì 11 năm (598-587). Nhưng rồi ông này lại nổi loạn chống vua Babylon (2V 24, 20b). Hậu quả là đền thờ bị hủy diệt, ông bị đâm mù mắt và đi đày (2V 25,7) chấm dứt triều Đavit.
Còn về tôn giáo, sách Sử biên niên chỉ gói gọn các triều này trong một câu: “Vua đã làm điều dữ trái mắt Yavê” (2Sb 36, 5b.9b.12a). Đó là nguyên do của mọi tai họa giáng trên đầu Giuđa.
Không ngừng sai sứ giả: trong giai đoạn bát nháo này, Thiên Chúa gửi đến nhiều ngôn sứ cảnh cáo dân: Xôphônia, Nakhum, Habacuc và nhất là Giêrêmia và Êdêkien. Các vị thét vào tai dân: đừng ảo tưởng về việc Giêrusalem sẽ tồn tại, nếu không lo hoán cải. Tiếc thay vua dân đã chẳng nghe và họ đối xử với các ngôn sứ theo ý họ.
Coi thường Lời Chúa, bạc đãi ngôn sứ: điển hình nhất là Giêrêmia. Vua Giơhôgiakim đã đốt cuốn sách ghi lại các sấm ngôn của Giêrêmia sau khi nghe, rồi còn truyền lệnh bắt Baruc và Giêrêmia nữa (Gr 36,21-26). Các thủ lãnh không muốn nghe lời cảnh cáo của ông nên tìm cách giết ông (Gr 38,4-6)…. Còn tại đất lưu đày, số phận Êdêkien cũng không khá gì hơn (Ed 2,6).
-
Hậu quả của lòng chai đá: án phạt (2Sb 36, 16b.19-21)
-
Cơn thịnh nộ của Yavê: trừng phạt dân đến vô phương cứu chữa (16b)
-
Phương tiện Chúa dùng: quân Canđê tiêu hủy Giêrusalem; bắt dân đi đày Babylon làm nô lệ.
-
Thời gian phạt: đến thời vương quốc Ba Tư ngự trị (20b)
-
Tất cả là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmia: đất đai sẽ được hưởng bù ngày Sabat: 70 năm.
Trong phần một, ta thấy Yavê vì thương xót Giuđa, muốn gìn giữ Đền Thờ ở mãi giữa dân, thế nhưng dân chẳng màng tới tình yêu Chúa; họ cứ tiếp tục làm Đền Thờ ra ô uế (14), sống bất trung bất nghĩa, cư xử tệ bạc với các ngôn sứ của Chúa. Do đó Yavê đã đổi đường lối sư phạm để dạy dân: phạt. Và phương tiện Chúa sử dụng chính là quân Babylon: Đền Thờ bị san bằng, dân đi đày, không còn vua quan, tế tự nữa. Nghĩa là những gì mà dân do thoái hóa, đã dựa vào đó để phạm tội thì Thiên Chúa dẹp bỏ hết. Chỉ còn ngôn sứ là tiếng nói của Chúa vẫn còn ở với dân. Chính trong cảnh mất tất cả ấy, dân mới khám phá ra cái làm cho Đền Thờ, tế tự ra có ý nghĩa là Lời Chúa, Lời ngôn sứ, tuân giữ Lề Luật. Và họ đã tìm ra được phương thức mới để thờ phượng Chúa đích thực: họp nhau lại ngày Sabat để nghe Lời Chúa trong Lề Luật và ngôn sứ, tiền thân của thể chế Hội Đường của thời Đức Giêsu.
70 năm: cách tính trên con số, có 2 lối giải thích:
* Tính từ đợt lưu đày đầu tiên, Giơhôakhat bị Nơkhô đày qua Ai Cập năm 609 cho tới khi chấm dứt thời lưu đày 538.
* Tính từ lúc Đền Thờ bị hủy diệt 587 cho tới lúc tái thiết khánh thành Đền Thờ thứ hai 515.
-
Chiếu chỉ của Vua Kyrus: Thiên Chúa thứ tha (2Sb 36, 22-23)
-
Thời điểm: năm thứ nhất triều vua Kyrus
-
Chúa thực hiện sấm ngôn của Giêrêmia, tác động trên Kyrus thúc vua ra chiếu chỉ ân xá.
-
Nội dung chiếu chỉ:
– Yavê đã ban cho vua mọi vương quốc dưới đất.
– Trao cho vua sứ mạng tái thiết cho Chúa một ngôi NHÀ tại Giêrusalem xứ Giuđa.
– Vậy cho phép dân Chúa hồi hương; chúc lành: Chúa ở cùng với họ; và khích lệ họ hãy tiến lên…
Phạt chỉ là lối sư phạm nhất thời. Đường lối, dự tính Thiên Chúa không thay đổi: Người ra tay giải cứu: việc sử dụng một vua dân ngoại để cứu dân cho thấy Chúa là Chủ Tể lịch sử, Chủ Tể muôn loài; và việc dân được cứu là không do công nghiệp của dân. Tất cả đều là hồng ân. Vậy phải mở lòng đón nhận lắng nghe lời Chúa.
Thật vậy, nội dung chiếu chỉ cho thấy Vua Kyrus nhìn nhận Yavê như là Chủ Tể của vũ trụ đã trao vương quyền cho ông và ông có trách nhiệm phải tái thiết Đền Thờ theo lệnh Yavê. Và với tư cách đó ông chúc lành, khích lệ dân hồi hương tái thiết Đền Thờ.
Xin Thiên Chúa của họ ở với họ là lời chúc lành truyền thống của Kinh Thánh: “Thiên Chúa ở cùng”. Đây là bảo đảm chắc chắn: sứ vụ sẽ thành công.
Phần còn lại của dân sẽ là hãy tiến lên, đón nhận hồng ân tha thứ và làm lại, bước vào một giai đoạn mới của lịch sử cứu độ.
-
TÓM KẾT:
Diễn biến lịch sử của Giuđa trong giai đoạn chung quanh biến cố lưu đày (609-538) được gói gọn trong một công thức: tội-phạt-thứ tha. Tất cả đều do lòng thương xót của Thiên Chúa thực hiện vì phần rỗi con người; từ đó con người được mời gọi sám hối đọc ra được ý nghĩa của biến cố lịch sử và hưởng ơn cứu độ.
Có tội thì phải phạt. Đó là một phương thức cảnh tỉnh chữa lành, “thuốc đắng giã tật”: điều Thiên Chúa muốn là qua đau khổ, dân Chúa học biết con đường hoán cải. Nếu dân nhớ lại Lời Chúa, Người sẽ thứ tha và thực hiện ơn cứu độ.
Trong Mùa Chay, bài 1 nhắc ta sự khẩn cấp phải luôn quay về cùng Thiên Chúa là Đấng luôn sẵn sàng thứ tha và cứu độ. Và cho dù ta không nhận ra rõ ràng sự can thiệp trực tiếp của Thiên Chúa để thưởng phạt trong từng biến cố lịch sử, thì bài 1 cũng nhắc cho các kẻ tin rằng toàn bộ lịch sử là 1 lịch sử thánh mà Thiên Chúa là Chủ. Đối với những ai đọc được ý nghĩa “dấu chỉ thời đại” thì tất cả lịch sử đều là lịch sử cứu độ. Và dấu chỉ lớn nhất, giá trị mọi thời là Thập Giá, nơi Con Người được giương cao.
TIN MỪNG: Ga 3, 14-21
Văn mạch
Trong khung cảnh lễ Vượt Qua thứ nhất của cuộc đời rao giảng công khai của Đức Giêsu, Tin Mừng 4 mời chúng ta chiêm ngắm Đức Giêsu là Đấng khai mở và đưa nhân loại bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn chung cuộc của lịch sử cứu độ, ngang qua một loạt những hoạt động của Người trải dài từ Bắc xuống Nam qua Samari:
-
Trong ngày cuối của tuần lễ khai mạc tại Galile, Đức Giêsuđã làm nước hoá thành rượu tân hôn, loan báo nhiệm cục mới, đạo lý mới mà Người sẽ mang tới (2,1-11)
-
Tại Giêrusalem, qua việc đánh đuổi các con buôn thanh luyện Đền Thờ, Đức Giêsu mạc khải Đền Thờ là Thân xác của Người (2,13-22).
-
Trong cuộc đối thoại ban đêm với Nicôđêmô, Đức Giêsu mời gọi phải tái sinh vào cuộc sống mới trong Thần Khí (3,1-21).
-
Cuối cùng, qua cuộc gặp gỡ với người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacob, Đức Giêsu ban cho Nước Hằng Sống và đưa vào phụng tự mới thờ Chúa trong Thần Khí và sự thật (ch4).
Tin Mừng hôm nay trích phần cuối (cc 14-21) của cuộc đối thoại với Nicôđêmô ở chương 3, nói về sự sống mới, vĩnh cửu được Thiên Chúa trao ban cho kẻ tin ngang qua thập giá Đức Giêsu. Đó là dấu hiệu của tình yêu Thiên Chúa đối với thế gian để cứu độ những ai tin vào Đức Giêsu.
CẤU TRÚC và SUY NIỆM
-
Tình yêu Thiên Chúa (Ga 3,14-16)
Để hiểu được trích đoạn Tin Mừng hôm nay, cần tìm hiểu văn mạch gần của nó. Đức Giêsu đang đối thoại với Nicôđêmô, Người mời ông đi vào cuộc sống mới bằng cách phải sinh ra trở lại bởi ơn trên (3,3) và Thần Khí (3,5). Nicôđêmô đã không hiểu (3,4-9) và Đức Giêsu phải giải thích:
– “Sinh lại bởi ơn trên”, đó là công cuộc của Thần Khí, Đấng hoạt động nơi ta, biến đổi ta ngang qua việc làm cho ta được sinh ra bởi “nước”, nghĩa là bởi bí tích rửa tội (3,5-8).
– Phần con người, phải lấy đức tin mà đón nhận. Đó chính là điều mà Thiên Chúa dự tính làm cho ta ngay ở trần thế này. Đó là tình yêu bao la của Thiên Chúa đối với trần gian và Đức Giêsu là Đấng từ trời xuống, biết được ý định của Thiên Chúa, mạc khải cho ta biết. Điều này vượt quá kinh nghiệm và lý trí nhân loại nên phải mở lòng tin đón nhận (3,10-13).
Trong cụ thể, Thần Khí Thiên Chua thực hiện điều trên như thế nào? Phần “1” của Tin Mừng chính là câu đáp.
Con Người…được giương cao…điều trước tiên mà con người có thể thấy được nhãn tiền ngay tại thế này là “Đức Giêsu được giương cao”. Trong Tin Mừng 4, thuật ngữ này được quy chiếu về việc Đức Giêsu bị treo trên thập giá được trình bày như một lễ đăng quang, một cuộc hiển linh của Đức Ki tô Vua. Thật vậy trong Nhất Lãm tấm bảng trên đầu Đức Giêsu đều ghi là “bản án”, nghĩa là Đức Giêsu bị kết án với tội danh”vua dân Do Thái”; trong khi đó Tin Mừng 4 không có từ “bản án”này mà chỉ ghi “Giêsu Nazaret, vua dân Do Thái”. Và hậu ý tác giả Tin Mừng 4 quá rõ khi chú thích thêm “Các thượng tế của người Do Thái nói với Philatô: “xin ngài đừng viết: “Vua dân Do Thái”, nhưng viết tên này đã nói: Ta là vua dân Do Thái” (Ga 19,21). Hậu ý đó là: Đức Giêsu đích thực là Vua- Mêsia khi Người bị giương cao trên thập giá. Nhiều chi tiết khác của Tin Mừng 4 cho thấy cuộc thương khó và thập giá là nơi Đức Giêsu tỏ lộ vinh quang (x. Ga 18,5-6; 19,13 và nốt “g” CGKPV Tân Ước).
Như Môsê giương cao…ở đây việc Đức Giêsu “được giương cao” lại được đặt song song với chuyện “con rắn đồng” trong sa mạc ở Ds 21,4-9. Do đó việc tìm hiểu ý nghĩa câu chuyện trong Cựu Ước sẽ giúp hiểu rõ hơn thuật ngữ “Đức Giêsu được giương cao”: cách nói của Ds 21,8 dễ làm người đọc hiểu nhầm rằng ai bị rắn cắn cứ việc ngó lên Rắn đồng là được lành, nghĩa là “Rắn đồng” có quyền năng chữa lành; Và trong thực tế, Israel đã đi vào con đường sai lầm ấy, khi vào đất Canaan, họ dâng hương thờ kính Rắn đồng (2V 18,4). Các hiền nhân thời sau suy tư kỹ hơn mới nhận ra ý nghĩa đúng: không phải Rắn đồng cứu mà là Thiên Chúa, đó là dấu chỉ của lòng nhân hậu và quyền năng của Thiên Chúa (Kn 16, 6-7 và nốt “c” CGKPV các sách Giáo huấn 593). Như vậy qua hình ảnh so sánh, Tin Mừng thứ tư muốn khẳng định Con Người được giương cao trên thập giá là dấu chỉ ơn cứu rỗi và sự sống cho loài người. Đó là phần Đức Giêsu, còn chúng ta phải làm gì “để được sống muôn đời?”
Để ai tin…: phần chúng ta là phải “tin vào Người (ĐGS)”, nghĩa là xác tín rằng thập giá không chỉ là dấu chỉ mà còn là chính ơn cứu độ, là sự sống đời đời cho nhân loại. Tin Mừng thứ tư trình bày cái chết của Đức Giêsu là một việc “trao Thần Khí”, nghĩa là qua cái chết của Người, Đức Giêsu thông ban Thần Khí cho nhân loại (x,Ga 7,39) để thực hiện công cuộc tạo thành mới (CGKPV Ga 19,30 “p”). Chính Thần Khí này sẽ tái sinh họ, thực hiện cho họ việc “sinh ra lần nữa bởi ơn trên” (3,3).
Cha đã yêu thế gian…việc giương cao Đức Giêsu và tái sinh bởi Thần Khí là công cuộc của Cha, là tình yêu vô bờ của Cha đối với thế gian. Việc “ban Con Một” gợi lại một hậu cảnh Cựu Ước: Abraham đã dâng lại Isaac, là con một yêu dấu của ông cho Thiên Chúa, và sự dâng tặng đó đã được Thiên Chúa biến thành nguồn mạch phúc lành cho muôn dân nước (St22,18). Vậy việc ban Đức Giêsu là cội nguồn cứu độ cho thế gian, Đức Giêsu chính là “món quà” lớn, quý giá nhất Thiên Chúa ban tặng thế gian. Chỉ cần thành tâm đón nhận “Món Quà” này, cách trọn vẹn từ Nhập Thể đến thập giá, thì sẽ được sự sống đời đời của sự phục sinh ngay trong hiện tại. Đó là chủ ý của phần tiếp theo.
-
Tính lưỡng diện, biện chứng của tình yêu Cha: cứu độ và lên án (Ga 3,17-21)
-
Xác định lại cách Thiên Chúa biểu lộ tình yêu: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian”.
-
Ý nghĩa, mục đích việc ban Con: không để lên án thế gian mà là để cứu nhờ người Con ấy (17)
-
Kết quả mang tính lưỡng diện của tình yêu Thiên Chúa trong hiện tại: tùy đáp trả của con người.
-
Tích cực: ai tin vào Con thì không bị lên án
-
Tiêu cực: kẻ không tin thì bị lên án RỒI. Vì không tin bào danh Con Thiên Chúa (18).
-
Lập luận biện chứng khai triển nội dung bản án: sự đối kháng không khoan nhượng giữa ánh sáng và bóng tối
-
Ai làm điều xấu thì sợ ánh sáng, thích bóng tối vì ánh sáng phơi bày điều xấu.
-
Ai sống theo sự thật thì đến với ánh sáng để thiên hạ thấy việc họ làm.
“ Không phải để lên án” (17) sau đó lại nói “thì bị lên án rồi” (18). Thiên Chúa mâu thuẫn? Không! Tình yêu, dự tính Thiên Chúa bất biến. Tuy nhiên Thiên Chúa tôn trọng tuyệt đối tự do mà Thiên Chúa đã ban cho con người (Chúa muốn ta sống với Chúa như con cái, không như nô lệ). do đó, về phía con người, tình yêu Thiên Chúa mang tính lưỡng diện, nghĩa là kết quả của tình yêu ấy nơi mỗi người sẽ tùy thuộc vào sự chọn lựa tự do của người ấy. Vậy trong hiện tại, con người đang sống dưới ách tội lỗi, còn đang thời kỳ lữ hành ở thế gian chưa vào Đất Hứa; Thiên Chúa muốn giải cứu và ban sự sống đời đời ngay tại thế bằng hồng ân tha thứ, gởi Con Một đến trao ban sự sống thần linh ngay trong hiện tại trần gian thay vì kết án. Đó là điều Thiên Chúa thực hiện nơi Đức Giêsu, đặc biệt qua Thập giá của Người. Tuy nhiên hoa trái cứu độ còn tùy thuộc vào sự tự do chọn lựa tin hay không tin vào Con Thiên Chúa. Vậy “từ chối tin vào Đức Giêsu là đã bị luận phạt thực sự rồi. Tuy nhiên ở đây không phải là một án phạt do một quan tòa tuyên phán ra để trừng trị một tội phạm, song là một tình trạng xuất phát từ sự lựa chọn của con người khi đối diện với hồng ân nhưng không của Thiên Chúa. Chẳng phải Thiên Chúa tuyên phán và bắt con người phải hư vong, song chính con người tự kết án lấy họ (“Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật – các Mùa Thường Niên Năm B)
“ RỒI” Hàm ý việc được cứu hay bị án là diễn ra ngay tại thế này, đây là một thực tại hiện tại tùy vào thái độ của ta tin hay không tin vào Đức Giêsu.
Nguyên do của án phạt/ được cứu: hình ảnh minh họa: Thái độ trước ánh sáng. Án phạt nhắm vào sự cứng tin của con người trước Ánh Sáng là Đức Giêsu “ từ khi Thiên Chúa dưới sự thúc đẩy của tình yêu phổ quát của Người (16) ban tặng nhưng không cho mọi người hồng ân sự sống thì việc xét xử đã được thiết lập trong lịch sử và còn được thi hành hôm nay (Sđd). Ai làm điều xấu thì không đến cùng Ánh Sáng vì sợ công việc xấu xa của họ bị lột trần. Chính sự hung ác của con người đã làm nên cái nền tối tăm và tội lỗi cho lòng cứng tin của họ. Còn ai hành động trong sự thật thì đến cùng Ánh Sáng để thiên hạ thấy việc họ làm là đến từ Thiên Chúa. Điều ấy diễn ra ngay HÔM NAY.
-
TÓM KẾT: