CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG-năm B

Bài 1

2Sm 7, 1 – 5.8b – 12.14a – 16; Lc 1, 26 – 38
Chủ đề: Một nét DUNG MẠO ĐẤNG MÊSIA: HẬU DUỆ NHÀ ĐAVIT.

* 2Sm 7, 12: Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi…Và Ta sẽ làm cho vương quyền nó vững bền.

* Lc 1,31: Này Bà sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai…Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng Đavit, tổ tiên Người.

Chúng ta đang ở vào Chúa Nhật thứ tư, Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng. Chúng ta sắp mừng đại lễ Giáng Sinh, Thiên Chúa làm người đến với chúng ta trong xác phàm nhân loại để mang lại cho chúng ta ơn cứu độ, cuộc sống mới, cuộc sống thần linh. Để giúp nhân loại có dấu chỉ nhận ra được Đấng Mêsia thiên sai khi Người đến, Thiên Chúa đã gởi tới những yếu tố báo trước, dọn đường. Chúa Nhật cuối Mùa Vọng năm B trình bày cho chúng ta một trong các yếu tố đó: Đức Mêsia là hậu duệ đích thực của vương triều Đavit, được Thiên Chúa cho thừa kế ngai vàng Tổ Tiên, và Thiên Chúa đoan hứa phù trợ cho vương quyền người ấy được muôn đời bền vững. Đó là dự tính từ muôn đời vủa Thiên Chúa và chắc chắn Người sẽ thực hiện.

Tuy nhiên, Thiên Chúa không làm một mình. Người luôn muốn mời gọi con người cộng tác vào công trình cứu độ ấy. Chúa muốn công trình của Chúa cũng là công trình của nhân loại. Vì thế Lời Chúa hôm nay cũng cho thấy THÁI ĐỘ ĐÁP TRẢ PHẢI CÓ TỪ PHÍA CỦA NHÂN LOẠI để ý định cứu độ từ muôn đời của Thiên Chúa trở thành một THỰC TẠI CỤ THỂ trong dòng lịch sử nhân loại, trở thành gia sản của chúng ta. Cụ thể, lời Chúa của Chúa Nhật Mùa Vọng 4B đưa ra hai dung mạo cộng tác viên trong công trình của Thiên Chúa: Đavit trong bài đọc một và Maria trong Tin Mừng: hai đấng đã phải từ bỏ dự tính riêng tư của mình để đón nhận dự tính từ muôn đời của Thiên Chúa trên cuộc đời của hai đấng, nhờ đó dự tính yêu thương của Chúa đang nở hoa, sinh trái như chúng ta đang thọ hưởng hôm nay.

Bài đọc 1 trích từ 2Sm, thuật lại việc vua Đavit khi đã được Chúa cho “yên cửa yên nhà” thì nảy ra ý định xây cho Hòm Bia của Chúa một ngôi đền. Vua đem ý định đó ngỏ cùng ngôn sứ Nathan. Dù chưa thỉnh ý Chúa, Nathan đã vội vã đồng ý với vua, có lẽ do thấy đó là một ý định tốt lành: “Tất cả những gì vua ấp ủ trong lòng, xin vua cứ đi mà thực hiện. Vì ĐỨC CHÚA ở với vua”.

Thế nhưng ý định tốt lành ấy lại không phải là Chúa mong đợi nơi Đavit. Nên qua một thị kiến, Chúa đã truyền cho Nathan phải nói lại cho Đavit biết dự tính của Thiên Chúa đối với vua và gia tộc vua. Đavit sẽ không xây Đền Thờ cho Hòm Bia Thiên Chúa, nhưng chính Thiên Chúa – Đấng đã từng phù trợ Đavit từ một mục đồng lên ngai vua – hứa sẽ lập cho Đavit một NHÀ; Nghĩa là khi Đavit mãn phần thì Thiên Chúa sẽ cho một người con do Đaivit sinh ra lên kế vị và Chúa hứa sẽ là Cha và kẻ kế vị Đavit sẽ là con và Chúa giữ vương quyền nó bền vững.

Như vậy Chúa hủy bỏ dự tính dù là tốt của Đavit và buộc Đavit phải tuân theo dự tính của Người. Tuy nhiên qua dự tính ấy, Thiên Chúa hé cho thấy Đấng Mêsia của Thiên Chúa sẽ là một HẬU DUỆ của nhà Đavit. Nhưng bất ngờ là Đấng ấy lại sẽ là con của bác thợ Giuse và thôn nữ Maria.

Trong Tin Mừng, Luca thuật lại biến cố truyền tin. Nhìn theo chủ đề của Chúa Nhật 4B Mùa Vọng, ta thấy Đức Maria đã có một dự tính: cô đã “đính hôn với một người tên là Giuse thuộc hoàng tộc Đavit”. Thế nhưng Thiên Chúa đã có một dự tính từ muôn đời dành cho Maria lẫn Giuse; Và khi đến thời đến buổi, Thiên Chúa sai sứ thần đến truyền tin cho Maria: Xin cô thụ thai và sinh hạ một con trai, rồi đặt tên cho con trẻ là GIÊSU. Và điều gây khó khăn cho Maria là Con Trẻ ấy không phải là con của Giuse mà lại là “Đấng cao cả, được gọi là Con Đấng Tối Cao, và Con Trẻ ấy sẽ thừa kế ngai vàng Đavit tổ tiên Người”. Trước sứ mạng lạ lùng vừa được thiên sứ gợi lên, Maria đã thẳng thắn biện phân ý Chúa: “việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” Và thiên sứ đã trình bày đường lối của Thiên Chúa cho Maria: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà, vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”.

Một khi đã nhận ra Thánh Ý Thiên Chúa trên cuộc đời mình, Maria đã sẵn sàng từ bỏ dự tính riêng tư để công trình của Thiên Chúa được hoàn tất nơi mình. Nhờ thái độ phó thác, sẵn sàng từ bỏ ý riêng, nhờ hai tiếng xin vâng của Đavit và Maria, Đức Giê su đã nhập thể làm con loài người, làm người thừa kế Dòng tộc Đavit.

Đó là một dấu chỉ giúp loài người nhận ra Đấng Mêsia khi Người đến.

 

Bài 2

“Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu…ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavit, tổ tiên Người” (Lc 1,31.32b).

Chúng ta bước vào Chúa Nhật IV B Mùa Vọng. Chỉ còn vài ngày nữa là đến lễ Giáng Sinh. Mỗi tín hữu đều được mời gọi sống nơi bản thân mình niềm vui “có Chúa ở cùng” (x.Lc 1,28), niềm vui được “Chúa Giêsu ngự trị lòng ta _ luôn luôn”, niềm vui nhân tính của loài người tội lỗi lại trở nên ngai tòa của Ngôi Lời Thiên Chúa chí thánh đến ngự trị. Nhờ đó, con người của các kitô hữu được xem như là “đền thờ của Thiên Chúa” (x.1Cr 3,16-17).

Trong các Chúa Nhật trước, bài đọc Tin Mừng nhấn tới thái độ con người phải có để chuẩn bị đón Chúa đến. Nhưng làm sao đón đúng được nếu ta không biết Đấng đó là ai, dung mạo ra thế nào? Có dấu chỉ đặc biệt nào giúp nhận diện được Đấng ấy khi Người đến trần gian, hòa lẫn giữa khối người đang bị lôi cuốn vào nhịp sóng xô bồ của cuộc sống nhân gian?

Và một khi đã nhận được mặc khải về dung mạo của Người rồi thì nhân loại phải lo chỉnh sửa não trạng của mình để có thể đón nhận Người trong niềm vui đúng như Người mong muốn. Việc dân Do Thái thời của Đức Giêsu đã khước từ Người phải là một bài học cho chúng ta.

Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta về lại thời gian trước biến cố lịch sử giáng sinh, với sự kiện sứ thần truyền tin cho Trinh Nữ Maria tại Nadaret, ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã loan báo xưa: Thời Cánh Chung khai mở; Thiên Chúa đến viếng thăm dân Người, hoàn tất lời đoan hứa cùng bao tổ phụ; Đấng Đạp Đầu Rắn đã đến; Tuyệt vời hơn nữa, Thiên Chúa thực hiện điều vượt mọi mơ ước, tưởng tượng của con người: Đấng được sinh ra chính là Con Thiên Chúa. Nơi Người trời đất giao hòa, đất lưu đày sống xa nhan Chúa (x.St 3,23-24) giờ trở thành nơi Thiên Chúa vĩnh viễn ở cùng chúng ta.

Phần Thiên Chúa, Người đã hoàn tất mọi lời hứa! Nhưng đáp trả từ phía con người thì sao? Thuở ban đầu, trong vườn Eđen, Ađam và Eva đã chối từ dự tính của Thiên Chúa…Và nhân loại đã bị đuổi ra khỏi Eđen, sống xa Thiên Chúa…May cho nhân loại, Thiên Chúa đã thứ tha, tìm cách hồi phục con người. Từ giữa lòng nhân loại tội lỗi đó, Thiên Chúa đã lọc lựa, gầy dựng và tạo dựng được một tạo vật tuyệt vời sẵn sàng đáp “xin vâng” với Chúa, nơi tạo vật này ơn Chúa luôn được đón nhận đầy tràn chan chứa. Nơi tạo vật này, tình yêu Thiên Chúa luôn ngự trị, ý định Thiên Chúa luôn thể hiện và được Thiên Chúa chọn để làm ngai toà cho Con Thiên Chúa ngự đến! Thiên Chúa đã xuống tận chốn bùn nhơ trần thế để tìm “ĐÓA SEN” “ĐẦY ÂN SỦNG”.

Tin Mừng hôm nay cho thấy cách thức, vào giai đoạn chót, Thiên Chúa hoàn tất công trình cứu độ của Người như thế nào: Biến cố truyền tin cho Maria. Thiên Chúa di chuyển “vườn Eđen” từ thiên cung đến cung lòng Trinh Nữ Maria (x.Lc 1,26-38); Cánh đồng Bêlem trở thành cung điện thiên quốc nơi triều thần thánh trên trời tụ họp ca tụng Thiên Chúa (x.Lc 2,8-14).

  1. Bối cảnh cuộc truyền tin (Lc 1, 26-27):

  • Thời điểm: 6 tháng sau cuộc truyền tin cho Dacaria. Một dấu lạ chấn động toàn dân cho thấy Thiên Chúa đang ra tay can thiệp mạnh để cứu dân: bà Ysave già nua, son sẻ đã mang thai được 6 tháng.

  • Sự kiện lịch sử: Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến làng quê vô danh, truyền sứ điệp thần linh thời cánh chung cho một cô thôn nữ tên Maria.

  • Cô vẫn còn là trinh nữ, nhưng đã đính hôn với một người tên Giuse.

  • Giuse, chồng của cô, thuộc dòng tộc vua Đavit. Cách nói đó hàm ý rằng Giuse đang là người thừa kế chính thức, hợp pháp của hoàng tộc Đavit. Ông đang nắm trong tay mọi lời hứa thiên sai mà Thiên Chúa đã kết giao với Abraham, với vua Đavit (x.Mt 1,1-17).

  • “đã đính hôn”: theo phong tục Do Thái, khi đồng ý đính hôn với nhau thì đôi nam nữ chính thức đã là vợ chồng với đầy đủ quyền lợi và bổn phận theo Luật Môsê với tất cả phúc lành của Chúa. Con cái họ sinh ra trong giai đoạn đính hôn này là hợp pháp. Vì thế cả làng Nadaret không có lời dị nghị nào khi thấy Maria có thai. Chỉ một người mang nỗi khổ không nói nên lời là Giuse vì ông biết thai nhi đó không phải là con của ông.

Chi tiết trên cho thấy rằng Maria đã có một dự tính cho cuộc đời cô. Cô đang chuẩn bị sống một cuộc đời hôn nhân bình thường như bao thiếu nữ Israel thời đó. Đó là dự tính trước mắt của Cô. Nhưng còn Thiên Chúa?

  1. Diễn tiến biến cố Truyền Tin (Lc 1,28-38).

Đoạn văn này không phải là một tích truyện lịch sử mà là một soạn tác văn chương theo “thể văn truyền tin” nhằm chuyển tải một sứ điệp thần học: những gì được thuật lại trong bản văn là Thánh Ý từ ngàn đời của Thiên Chúa; Nay Thiên Chúa bắt đầu thực hiện trong dòng lịch sử, và Maria, người được truyền tin chính là đối tượng mà Chúa chọn để cộng tác với Chúa thực hiện dự tính thần linh được mặc khải trong cuộc truyền tin.

  • Dự tính của con người: là con người của thời đại, Maria sống như một con người bình thường với bao mơ ước đơn sơ của một cô thôn nữ. Cô đã chọn sống đời gia đình và đã đi tới quyết định chung cuộc: ĐÍNH HÔN. Và Thiên Chúa cũng đồng ý với chọn lựa đó: Maria – Giuse và Giêsu đã lập thành một gia đình gương mẫu. Và ơn cứu độ của Thiên Chúa phát xuất từ GIA ĐÌNH: cha mẹ con này chứ không từ một người hay cộng đoàn những người độc thân hiến thánh. Chỉ có cách thức sống đời gia đình là được thăng hoa: tất cả ba thành viên đều dâng hiến và hướng tất cả về việc hoàn tất dự tính của Thiên Chúa trên mình.

  • Dự tính của Thiên Chúa: dự tính TRƯỚC MẮT của Maria là thế, nhưng Thiên Chúa đã có TỪ MUÔN ĐỜI một dự tính vĩ đại cho cô: “…Bà sẽ đạp đầu ngươi (Rắn) = ipsa conteret (x. Nguyễn Thế Thuấn – “Kinh Thánh” trang 9 nốt 15). Dự tính đó giờ được mặc khải tỏ tường cho cô qua cuộc Truyền Tin. Thiên Chúa mời cô chỉnh sửa dự tính riêng, nhỏ bé, tức thời của cô để đảm nhận làm của mình dự tính thần linh vĩnh cửu của Chúa. Việc đảm nhận này là yếu tố nhân loại quyết định cho việc Ngôi Lời nhập thể trong Đức Giêsu.

  • Diễn tiến của mặc khải: theo đúng trình tự thể văn “truyền tin”:

  • Sứ thần Chúa hiện đến (Lc 1,28a).

  • Lời chào với tên gọi mới được Chúa đặt cho (Lc 1,28b).

  • “Mừng vui lên”: lời chào thiên sai, mời dân Chúa, mời người được nghe truyền tin vui lên vì thời điểm Thiên Chúa đến viếng thăm, cứu dân tới rồi (x. Xp 3,14; Dcr 9,9; Ge 2,23).

  • “Đầy Ân Sủng”: đây là tên mới của Maria, tên đã có từ muôn đời trong Ý Chúa nay được tỏ hiện. Cái tên nói lên bản chất của cô: ĐẦY ÂN SỦNG. Nơi nào ân sủng Thiên Chúa tràn đầy nơi đó tội không bén mảng tới được (nền tảng thần học của hồng ân “vô nhiễm nguyên tội”). Điểm tuyệt vời nơi Maria là hồng ân “đầy ân sủng” này, cô đã giữ được trọn vẹn, suốt đời.

  • “Chúa ở cùng Bà”: “Chúa là “hô kurios” tức Yavê Thiên Chúa. Ý tưởng này làm rõ nét ý trên “đầy ân sủng”! “Ân sủng” gì? Ân sủng ở đây là có Chúa ở cùng. “Có Chúa ở cùng” là ơn huệ lớn nhất mà Thiên Chúa trao ban cho kẻ được chọn, bảo đảm chắc chắn rằng sứ vụ họ nhận sẽ thành công (x.Xh 3,12; Đnl 31,8; Gs 1,5; Tl 6,12…). Vắng bóng Chúa, không có Chúa ở cùng thì dù là Vườn Địa Đàng cũng thành nơi sa ngã (x.Sh 3,1-7); Còn có Chúa ở cùng thì dù là hỏa lò, hay hầm sư tử đều là nơi những kẻ tin ca tụng Chúa (x.Đn 3,46-50; 6,17-23).

Ba cụm từ trên là ba thành ngữ nặng ký nhất để diễn tả niềm vui thời cánh chung, nay cùng một lúc được đệ trình lên một thôn nữ đã đính hôn… Phải chăng đã đến lúc Thiên Chúa mạnh tay can thiệp xoay chuyển dòng lịch sử theo ý của Người? Và khí cụ Người dùng là cô thôn nữ làng Nadaret tên Maria? Đúng vậy! Với thiếu nữ này, Thiên Chúa là Emmanuel, vĩnh viễn ở cùng chúng ta.

  • Phản ứng của Maria (1,29): Maria chắc chắn biết Kinh Thánh, cô hiểu ý nghĩa của lời chào; Cô biết mình là người được Thiên Chúa chọn vào công trình cánh chung của Chúa. Vì thế cô bối rồi vì thấy mình bất xứng, nhỏ bé biết lấy gì để đáp lại lời mời của Chúa đây?

  • Sứ thần trấn an và mặc khải dự tính, đường lối của Thiên Chúa (1, 30-33) “XIN ĐỪNG SỢ”! Đó là công thức Kinh Thánh thường dùng để mặc khải cho những ai được Chúa tuyển chọn rằng chính Chúa sắp can thiệp quyết liệt để nâng việc thực thi ơn cứu độ lên một tầm cỡ mới, cao hơn, và lần này là chung cuộc. Người nghe lời trấn an chính là đối tượng Thiên Chúa chọn cộng tác với Người hoàn thành dự tính vào ngay trong thời điểm hiện tại (x.St 46,3; Gs 1,9; Tl 6,23…)

Ngay sau lời trấn an là mặc khải dự tính của Thiên Chúa, trong cuộc truyền tin này là chuyển trao sứ mạng …Ở đây Thiên Chúa nhờ Maria thụ thai, sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Đó là chuyện thường tình, và vào thời đó còn là một may mắn, một phúc lành của Thiên Chúa, đối với một người nữ đã đính hôn chọn cuộc sống đời hôn nhân. Tuy nhiên theo ý nghĩa của văn thể truyền tin thì việc thụ thai phải thành sự ngay tức khắc, trong khi đó Maria đang là một trinh nữ, như vậy bằng cách nào sứ điệp thần linh sẽ được thực hiện? Thắc mắc ấy sẽ được mặc khải lên một mức cao hơn.

  • Thánh Thần Chúa sẽ ngự xuống trên Bà…(1,35a): chính Thiên Chúa sẽ đích thân can thiệp bằng Thần Khí của Người. Lời giải thích này gợi lại cách thức Thiên Chúa làm việc trong công trình sáng tạo: Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ bằng Thần Khí và Lời. Lời mời gọi một thọ tạo cộng tác để Ađam mới xuất hiện.

Dung mạo của Ađam mới (1,31-33.35b): Người vừa là một con người mang tên Giêsu, vừa là Con Đấng Tối Cao. Nơi Người, Thiên Chúa hoàn tất những lời đã đoan hứa cho các tổ phụ, đặc biệt cho nhà Đavit và cho cả nhân loại nữa (gia phả theo Luca). Người là Con Thiên Chúa (x.Lc 3,38).

  • Ban dấu chỉ (1,36): một trình thuật theo văn thể truyền tin thường được kết thúc bằng một dấu chỉ ấn tượng, có thể kiểm soát được, nhằm xác nhận sứ điệp vừa công bố thực sự đến từ Thiên Chúa. Dấu chỉ ở đây là việc bà Ysave son sẻ, già nua đã có thai được sáu tháng; và sứ thần còn khẳng định thêm bằng một lời quả quyết: “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. Lời đó gợi lại kỳ công Chúa đã làm cho Sara – sinh Isaac – lúc bình minh của lịch sử cứu độ (x. St 18,14a). Abraham và Sara tin vào Lời Chúa và đã có được Isaac.

  • Thuận theo dự tính Chúa: Xin vâng: trước hai dấu chỉ, một ở thời xa xưa, một trong hiện tại, Maria đã tuân phục Ý Chúa. “Này tôi là tôi tá Chúa”: đây là lời dâng hiến khiêm hạ nói lên niềm vui được Chúa thương mời làm người cộng tác, vì thế Maria sẵn sàng từ bỏ dự tính riêng và nài xin Thiên Chúa “ước gì Người thực hiện nơi tôi theo như lời sứ thần”. Nơi Maria ý Cha thể hiện trọn vẹn. Noi gương Mẹ, để sống trọn Mùa Vọng, các tín hữu hãy “thờ lạy Thánh Ý, dự tính của Thiên Chúa trong mọi sự đối với bản thân mình” (Gioan La San).

Frère Pierre Đình Long FSC