Bài 1
Mk 5,1-4a; Lc 1,39-45
Chủ đề: Dung mạo Đấng Cứu Tinh: Người là Thiên Chúa làm người
* Mk 5,2-3: Đến thời, một phụ nữ sinh con… Người sẽ dựa vào quyền lực ĐỨC CHÚA…mà đứng lên chăn dắt dân Người.
* Lc 1,43: Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?
Chúng ta bước vào Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng. Chỉ còn vài ngày nữa là toàn thể Hội Thánh hân hoan cử hành phụng vụ tưởng niệm biến cố giáng sinh của Ngôi Lời Nhập Thể. Từ nay Thiên Chúa đã vĩnh viễn nên một với con người bất khả phân ly trong Đấng Emmanuel. Từ nay nhân loại vĩnh viễn có được niềm vui “Thiên Chúa – ở – cùng – chúng – ta”, ngay trong cuộc sống trần thế còn nhiều lo toan, trăn trở này.
Phần của Chúa, Chúa đang đến! Chúa đã đặt niềm vui và hạnh phúc vào trong tầm tay của chúng ta. Phần con người, chúng ta dựa vào đâu để nhận ra Thiên Chúa khi Người đến? Cần phải biết một vài nét dung mạo của Người; Rồi phải biện phân, hoán cải để có thể tiếp rước Người theo như lòng Người mong ước. Điều đó là tuyệt đối cần thiết! Vì kinh nghiệm của dân Itrael trong việc đón Đức Giêsu khi Người đến luôn là một bài học quý giá cho chúng ta. Dân Itrael đã bao đời đợi trông Đấng Mêsia đến; Họ đã được các ngôn sứ răn bảo, khuyên lơn kể cả ngăm đe để chuẩn bị tâm hồn, thể xác họ được ở trong tình trạng tốt nhất để tiếp rước Đấng Cứu Tinh khi Người đến; và toàn dân đã chân tâm, khắc khoải đợi trông. Thế nhưng khi Đức Giêsu đến ở giữa họ, họ đã không nhận ra Người; và khi Người tỏ mình ra cho họ, họ khước từ Người và chóp đỉnh là đã giết Người.
Trong các tuần trước, Tin Mừng làm nổi bật vai trò Tiền Hô, dọn đường của Gioan Tẩy Giả. Lúc ấy Đức Giêsu đã ba mươi tuổi rồi, Người chưa thi hành sứ vụ công khai thôi. Trọng tâm của Tin Mừng II C, III C Mùa Vọng không hướng trực tiếp về biến cố Giáng Sinh, nhưng nhấn tới tâm tình dân Chúa phải có để đón nhận Chúa đến nói chung trong cuộc sống thường ngày. Riêng Chúa Nhật IV C, ngày giáng sinh đã cận kề, Tin Mừng đưa chúng ta về lại những biến cố theo dòng lịch sử trước khi Đức Giêsu sinh ra tại Bêlem. Năm C thuật lại biến cố Đức Mẹ đi viếng bà Elisabet, qua đó dung mạo thần linh của Đức Giêsu được mặc khải. Mika cũng báo trước rồi trong bài đọc 1:
A/ Vài nét dung mạo của Đấng Cứu Tinh trong bài đọc 1:
1/ Mở đầu Mk 5,1 cho thấy nguồn gốc nhân loại của Đấng Cứu Tinh: Người được sinh ra từ ngôi làng quê nhỏ bé Bêlem_Eprata. Đây chính là cội nguồn của cậu MỤC ĐỒNG Đavit và là nơi mà Đavit được xức dầu phong vua (1Sm 16,1.4.13). Đavit được chọn làm vua trong tư cách là một MỤC TỬ CHĂN DẮT (Mk 5,3) đàn chiên Chúa. Người MỤC TỬ thì hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên (x. Ga 10,11) còn ông vua chính trị thì chỉ thống trị kẻ khác (x. Mc 10,42). Tiếc thay, người Do Thái chỉ thấy nơi Đức Giêsu dung mạo CON CỦA MỘT ĐAVIT VUA CHÍNH TRỊ nên đã không đón nhận Người.
2/ Cuối câu 5,1 Mikha cũng cho thấy Đấng Cứu Tinh có “nguồn gốc… từ thuở xa xưa”. Để hiểu được cách nói này, cần xem một chi tiết ở 5,2 “ĐỨC CHÚA sẽ bỏ mặc Itrael cho đến thời người SẢN PHỤ sinh con”. Theo tập tục Do Thái, “sinh” là quyền của đàn ông (x. Mt 1,1-17; St 10,1-32) thế mà ở đây Mikha chỉ nói tới “sản phụ sinh con”, không đề cập gì tới vai trò của người nam. Chi tiết này gợi lại lời hứa của Thiên Chúa trong St 3,15. Vậy “nguồn gốc từ thuở xa xưa” của Đấng Cứu Tinh là chính dự tính từ muôn đời của Thiên Chúa dành cho cả nhân loại. Đấng Cứu Tinh có cội nguồn thần linh.
3/ Sứ mạng của Đấng Cứu Tinh là MỤC TỬ CHĂN DẮT và quyền lực của Người không chỉ là “thống lãnh Itraen” (5,1) mà còn “trải rộng ra đến tận cùng cõi đất” (5,3).
B/ Qua bài đọc Tin Mừng, ta biết Đấng mà bài đọc 1 nói đến chính là Đức Giêsu! Sau lời “xin vâng”, Đức Maria thụ thai “Ngôi – Lời – Nhập – Thể”. Trong tư cách là một người mẹ như thế, Đức Maria đi thăm bà Elisabet. Cuộc gặp gỡ giữa hai bà mẹ đặc biệt Maria và Elisabet mặc khải cho chúng ta dung mạo “vừa là Chúa, vừa là người” của Đức Giêsu.
1/ Về mặt trần gian, Đức Giêsu là “con của một sản phụ” là Maria: Người nhập thế, nhập thể rồi thành hình trong dạ mẹ ở Nadaret – sinh ra ở Bêlem – nhưng lớn lên trưởng thành cũng ở Nadaret. Người ta không ngừng lầm lẫn về cội nguồn trần thế của Đức Giêsu vì chi tiết trên.
2/ Về cội nguồn thần linh của Đức Giêsu, chi tiết mặc khải là lời chào của bà Elisabet. Nhờ được tràn đầy Thánh Thần do thai nhi Gioan ra dấu (Lc 1,41), Elisabet đã nhận ra Thai Nhi trong lòng Maria là Thiên Chúa, và cất lời ca tụng “bởi đâu, tôi được Thân Mẫu CHÚA viếng thăm… (1,43). Chúa đã tỏ mình, nhưng chỉ trong lòng Tin chúng ta mới nhận ra được dung mạo Chúa đang ở giữa ta và được tràn đầy chân phúc (x. Lc 1,45)
Lời Chúa IV C Mùa Vọng cho ta thấy dung mạo “CHÚA – NGƯỜI” của Đức Giêsu. Xin Thánh Thần Chúa đến trong ta, khơi dậy đức tin để ta đón tiếp Đức Giêsu trong Mầu Nhiệm Giáng Sinh như Thiên Chúa đã yêu thương bày tỏ cho chúng ta.
Bài 2
Được tràn đầy Thánh Thần. Bà Êlisabet kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1,41-43).
Chúng ta đang bước vào Chúa Nhật IV, chỉ còn vài ngày nữa là chúng ta đón mừng đại lễ Giáng Sinh. Thiên Chúa đã đến viếng thăm và cứu chuộc dân Người. Người sẽ ngự giá mây trời mà đến, được Thiên Chúa trao ban quyền lực, vinh quang bao trùm toàn cõi thế (Đn 7,13-14). Lòng mong đợi Đấng Mêsia ngự đến của Dân Do Thái được các ngôn sứ nuôi dưỡng bao đời đã gầy dựng nên trong trí não, ước mơ của họ một vị minh vương đầy uy dũng, quyền năng… Và như thế thì việc Người ngự đến – một vị vua Trời Đất hạ cố đến với phàm nhân thấp hèn – chắc chắn phải được diễn ra cách tráng lệ, rầm rộ, hoành tráng xứng với uy linh của Người. Dân của Người sẽ được vinh quang, các kẻ thù sẽ bị hạ nhục. Cái tầm nhìn giới hạn, phàm phu tục tử ấy chỉ đưa tới một sự đổi vị trí: kẻ làm chủ bị thất thế sẽ trở nên tôi tớ; còn tôi tớ vào lúc đắc thủ nhảy lên vị trí cầm đầu thống trị. Và tình trạng lại càng rối rắm, tàn bạo hơn; Vì ai cũng chỉ muốn giữ lấy cái lợi cho mình bằng cách đè đầu, bóc lột kẻ khác. Rốt cuộc trần thế càng bị đắm chìm trong tối tăm tội lỗi. Lời Chúa hôm nay đính chính lại cho chúng ta một vài nét của Vị Vua sắp ngự đến. Người đúng là Vua Trời, Vua vũ trụ, nhưng trước nhất là Vua các tâm hồn. Tuy nhiên phương thức Người dùng để biểu lộ quyền uy của Người là “Tình Yêu” chứ không là “bạo lực”. Người không đến để thiết lập một thể chế mới; Người đến đề nghị mọi người thay đổi tầm nhìn, thiết đặt một mối tương giao mới dựa trên “dự tính của Thiên Chúa”, dựa trên một sự thật đã bị con người lãng quên: “con người là hình ảnh của Thiên Chúa”. Và một khi tầm nhìn đã được canh tân, mối tương giao đã được cải thiện thì lối sống, phương thức hoạt động, cung cách ứng xử với nhau chắc chắn sẽ tốt đẹp. Nếu chúng ta nhìn người đối diện như kẻ thù (hoặc như anh em) ta sẽ đổi thay ngay lối ứng xử.
Về mặt chuẩn bị từ phía con người, hai Chúa Nhật II và III mời ta:
– a/ nhìn vào con người tội lỗi, thiếu sót của mình và thay đổi bản thân quay về với Thiên Chúa.
– b/ khía cạnh đổi thay được chú ý là: đạo đức (sửa đường lối cho ngay…), tương quan xã hội nhân bản (chúng tôi phải làm gì?)
– c/ mục đích là để bản thân được hưởng ơn cứu độ (Lc 3,6) được tránh khỏi sự phán xét công minh của Thiên Chúa (Lc 3,17).
– d/ Dung mạo của Đấng Mêsia là Vị Thẩm Phán công minh và nghiêm khắc.
Còn Lời Chúa tuần này mời ta:
– a’/ nhìn vào dự tính của Thiên Chúa được biểu lộ qua lời hứa trấn an, củng cố đức tin cho dân, trong bài đọc một: Đấng Mêsia sẽ tới với vài chi tiết về dung mạo của Người.
– b’/ khía cạnh phải đổi thay: không nhấn mạnh đến phương diện đạo đức, nhân bản, xã hội… nhưng nhấn mạnh thái độ phải có từ phía con người là: niềm tin vào lời Chúa hứa, phó thác tất cả cho Người (x. Lc 1,38.45).
Minh họa: điều quan trọng không nằm ở chi tiết “chúng ta làm được gì?” (cha xem đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha chẳng khi nào sai lệnh… để rồi dựa vào cái làm được đó mà trách cha: Lc 15,29); nhưng là chúng ta có tạo được nơi bản thân một mối tương quan hợp nhất mật thiết nên một với Thiên Chúa đến độ sống điều Cha mong ước: “cái gì của Cha đều là của con” (Lc 15,31). Thay vì tự mình đánh giá mình bằng cách dựa vào những gì mình làm được thì Lời Chúa của Chúa Nhật Mùa Vọng IV C mời ta dựa vào dự tính của Thiên Chúa rồi xem coi mình đã để Thiên Chúa hoàn tất dự tính đó tới mức độ nào rồi nơi ta. Chúng ta có để Thiên Chúa làm chủ cuộc đời mình theo gương Mẹ Maria hay không (Lc 1,38 lời tung hô Tin Mừng Halleluia).
– c’/ Mục đích của nỗ lực đổi thay không vì để được một cái gì đó để rồi không khéo sẽ bị cám dỗ đòi sở hữu như một ông chủ (so với c/ ở trên). Mục đích chỉ là để Chúa hoàn tất nơi ta các dự tính của Chúa. Mục đích là đi vào mối tương giao mới mà Chúa đề nghị: với Mẹ là thụ thai Đấng Cứu Thế; với chúng ta là làm con: sống kinh lạy Cha ngay tại thế.
– d’/ Dung mạo của Đấng Mêsia trong Chúa Nhật IV C là “Mục Tử chăn dắt dân” chứ không là “Thẩm Phán xét xử”. Người không đem đến sợ hãi mà là bình an hòa bình.
BÀI ĐỌC I: Mk 5,1-4a
Mika có lẽ hoạt động dưới hai triều vua: vua Akhaz (736-716) vô đạo; và vua Êdêkia (716 – 687) là ông vua đạo đức; Như vậy là ông hoạt động cùng thời với ngôn sứ Hôsê (Bắc quốc) và ngôn sứ Isaia (Nam quốc). Trong khi Isaia hoạt động trong môi trường cung đình tiếp xúc với vua quan thì Mika hoạt động nhiều hơn trong môi trường công chúng.
Chứng kiến cảnh Samari sụp đổ vào năm 721, dù trước đó rất hùng cường dưới triều Yơrôbôam II (783-743); Đồng thời cũng thấy được Chúa cứu nước Giuđa thời ông vua đạo đức Êdêkia khỏi tay hoàng đế Sennakerib năm 701; nên Mika đã không ngừng lên tiếng cảnh cáo Giuđa về các tội luân lý, tôn giáo. Từ quan chí dân, từ tư tế đến các ngôn sứ biến chất, tất cả đều bị ông nặng lời cảnh cáo, kèm theo lời ngăm đe loan báo án phạt của Thiên Chúa (Mk 1,2 – 3,12; Mk 6,1 – 7,10).
Tuy nhiên án phạt không bao giờ là tiếng nói chung cuộc của ngôn sứ; Do đó giữa những lời tuyên án luôn có những sấm ngôn đoan hứa hồi phục, tái thiết xen kẽ vào (Mk 4,1 – 5,14; 7,11-13).
Trích từ lời hứa hồi phục, bài đọc 1 lấy lại giáo lý về “Số Sót lại” được phác họa trong Amos, và về việc loan báo vị vua hòa bình sẽ sinh ra tại Bêlem – Ephrata, Đấng ấy sẽ chăm sóc đoàn chiên của Yavê đồng thời cũng mang lại bình an cho toàn cõi đất.
1/ Cội nguồn của Vị Thống Lãnh Israel trong dự tính Thiên Chúa (c.1)
a/ Sinh quán: là Bêlem. Một làng quê nhỏ bé đến độ trong Gs 15,21-61 của bản Hipri không nhắc đến tên khi Giôsuê chia đất cho chi tộc Giuđa với danh sách các thành. Làng cách Giêrusalem 9 Km về phía nam, là quê hương của Đavit (1Sm 16,1-13).
“Ephrata” được thêm vào để phân biệt Bêlem của Đavit với một làng khác trùng tên ở chi tộc Davulun (Gs 19,15); nhưng ngữ nghĩa của “Ephrata” là “phong nhiêu”, “trù phú” (x. Nouveau dictionnaire biblique – “Ephrata”) khiến ta có thể nghĩ đến một nghĩa biểu tượng: mặc dù nhỏ bé, nhưng Bêlem thật là giàu sang phú túc vì đã cung cấp cho Israel (và cả nhân loại nữa) hai vị thống lãnh: Đavit và Đấng Mêsia.
*Vị thủ lãnh gốc Bêlem trước tiên là ám chỉ Đavit (1Sm 16,1b). Ông này được Thiên Chúa tuyển chọn, xức dầu (Mêsia là Đấng được Thiên Chúa xức dầu) để làm vua dân Chúa thay thế Saolê thất sủng. Nhờ đó Bêlem đã trở nên lớn lao, vì từ đó vị thủ lãnh kiệt xuất, mẫu mực nhất của Israel đã xuất thân. Điều Thiên Chúa đã thực hiện cho Đavit trong quá khứ là hình ảnh báo trước, là một bảo chứng cho sự xuất hiện của Đấng Mêsia trong tương lai, và cũng là một dấu chỉ giúp nhận ra Mêsia khi Người xuất hiện: Người là Đavit mới, nhưng là “Đavit – Mục Tử” (1Sm 17,34-35), vì được gắn liền với Bêlem chứ không với “Đavit – vua” gắn liền với Giêrusalem. Đấng “Mêsia – Mục Tử” sẽ chăn dắt họ (5,3) chứ không cai quản thống trị họ.
Theo nhãn giới của Mika, ơn cứu độ không đến từ thủ đô là nơi đầy dẫy những bất công, kiêu căng, đồi bại: các thủ lãnh ăn hối lộ, các tư tế chỉ lo kiếm tiền, các ngôn sứ tuyên sấm giả dối… (Mk 3,9-12). Là dân quê, Mika không chịu nổi những tệ nạn của lối sống thị thành ấy. Chúa đã dùng kinh nghiệm sống đó của Mika để kết tội Giêrusalem là cội nguồn của mọi tội lỗi của Giuđa (Mk 1,5), chắc chắc sẽ bị đánh phạt (1,12) và phá hủy (3,12). Do tội lỗi, Nó đánh mất đi vinh quang là “kinh thành của Đavit” (2Sm 5,7.9). Tuy nhiên đừng quên là Giêrusalem trở nên “kinh thành của Đavit” là nhờ chiến tranh (2Sm 8-9), và suốt dòng lịch sử, Nó luôn là nơi tranh chấp quyền lực của các đế quốc, lẫn các tiểu quốc (Nouveau D.B “Jérusalem” III. p.658). Vậy Giêrusalem không còn xứng đáng là kinh thành bình an, nơi xuất phát Vị Vua Hòa Bình, nên Thiên Chúa đã đưa Đavit về lại cội nguồn dân dã, nơi Chúa đã chọn và xức dầu cho ông khi ông còn là một mục tử (1Sm 16). Vị Vua Thiên Sai, vua hòa bình sẽ là “mục tử chăn dắt” dân trong bình an (bài đọc 1).
*Cội nguồn thần linh của Vị Thủ Lãnh Israel:
Tuy nhiên Thiên Chúa đã cho Mika thấy nơi Vị Thủ Lãnh Mục Tử làng Bêlem ấy một cái gì đó vượt xa hơn là Đavit: “Nguồn gốc của Người có từ thuở trước, từ thuở xa xưa” (c.1).
“Từ xa xưa” = yemê’ôlam (Hipri) có nhiều cách hiểu tùy văn mạnh:
-
Is 63,9.11 hiểu về thời Môsê, Giôsuê.
-
Amos 9,11; Mk 7,14 thì hiểu về thời Đaivit
Vì vậy nhiều người chọn hiểu cụm từ trên theo nghĩa giới hạn, nghĩa là nguồn gốc của Vị Thủ Lãnh thiên sai chỉ cần tìm lên đến Đavit – Abraham là đủ (x. Mt 1,1).
Tuy nhiên theo Đnl 32,7-8 và rõ hơn là theo Cn 8,22-23, cụm từ diễn tả sự tiền hiện hữu trước khi vũ trụ được tạo thành. Vậy với văn mạch đoạn ta đang đọc, thêm với các lý chứng và nhất là với mặc khải chung cuộc trong Đức Giêsu (x. Ga 1,1-3; Cl 1,16-17; Dt 1,2.8-10) ta có thể kết luận rằng cách nói “Từ xa xưa” muốn nói đến nguồn gốc của Vị Thủ Lãnh vượt trước cả khi công cuộc sáng tạo được khởi đầu: Người (Đấng Mêsia = Vị Thủ Lãnh) có cội nguồn vĩnh cửu, thần linh. (x. Bible annotée AT 9 pp.154-155).
Như vậy Vị Thủ Lãnh (Mêsia) có nguồn gốc kép: vừa là hậu duệ của Đavit phát xuất từ Bêlem, vừa có cội nguồn “từ xa xưa”. Và khi Đức Giêsu xuất hiện, mầu nhiệm cội nguồn kép của Đấng Mêsia được giải bày. Và đó cũng là điều mà Đức Giêsu nêu lên để chấm dứt mọi tranh luận với các thủ lãnh Do Thái giáo ở Giêrusalem (x. Mt 22,41-46 và song song).
2/ Đường lối hành động của Thiên Chúa (c.2)
Như vậy Thiên Chúa hứa sẽ cho xuất hiện Đấng Mêsia, Vị Cứu Tinh từ làng Bêlem. Và Thiên Chúa cũng mặc khải cách Người hành động:
*“Chúa sẽ bỏ mặc Israel”: cách nói trên làm ta có cảm giác Thiên Chúa dỗi hờn trước tội lỗi, sự cứng lòng của dân nên Người bỏ mặc không lo lắng cho dân nữa. Và thực sự một số biến cố lịch sử xảy ra trong thời Mika làm sứ vụ khiến dân có thể nghĩ như thế: năm 721, Samari thất thủ, dân miền bắc bị vua Assyri bắt đi lưu đày Ninivê; Rồi năm 701, Sennakêrib lại vây hãm Giêrusalem với những lời khiêu khích, lăng mạ nặng nề, xúc phạm cả đến Thiên Chúa (x. 2V 18; Is 36).
Tuy nhiên khi đọc kỹ lịch sử thánh ta sẽ nhận ra cung cách hành động của Thiên Chúa trước những đáp trả thất thường từ phía con người: mỗi khi sự cứng lòng từ phía con người lên chóp đỉnh, Thiên Chúa dành IM LẶNG vì lúc đó “tai nhân loại” đã điếc rồi. “Im lặng” không vì giận hờn, nhưng là để chuẩn bị cho những can thiệp quyết liệt hơn, nâng dòng lịch sử cứu độ lên tầm mức cao hơn (Đó như là những “dấu lặng” hoặc những lúc bè chính im tiếng trong dàn đại hòa tấu: chúng cũng là thành phần không thể thiếu để làm nổi bật chủ đề bản nhạc). Thiên Chúa không bao giờ bỏ dự tính cứu độ của Người, nhưng lắm khi Chúa phải tạm im lặng nhượng bộ vì lợi ích ơn cứu độ chung cuộc cho con người.
*“Cho đến thời Người sản phụ sinh con”: một lối nói ẩn dụ hàm ý rằng điều đã hứa chắc chắn là phải được thực hiện thôi, cũng như một sản phụ đã mang thai rồi thì bình thường việc sinh con là điều chắc chắn phải đến.
Lối nói đó cũng còn có thể hiểu theo nghĩa biểu tượng như là một lời khích lệ trấn an trong cơn khủng hoảng: sau giai đoạn mang thai, sinh nở khổ đau thì tiếp ngay đó là niềm vui lớn lao vì một sinh linh mới đã chào đời.
Như vậy câu hai là một lời khẳng định, trấn an, mời dân Chúa đang cơn khổ sầu hãy vững tin rằng chắc chắn Thiên Chúa sẽ hoàn tất điều Người đã hứa. Hãy nài xin Thiên Chúa mau hoàn tất nơi ta dự tính của Người; Đừng vì khổ đau, sợ hãi ta lại có những phản ứng sai lầm cản trở, làm chậm lại tiến trình cứu độ. Lúc đó lại trách Chúa không giữ lời hứa. Nhưng đối với kẻ tin thì cho dù loài người có tráo trở đến đâu đi nữa thì Thiên Chúa vẫn cứ hoàn tất công trình của Người.
3/ Hoạt động của Đấng Mêsia và hoa trái (cc.3-4a)
Hoạt động chính của Đấng Mêsia được trình bày ở đây là “quy tụ các anh em còn sống sót của mình trở về” để rồi “chăn dắt họ”, bằng phương thế là cậy dựa vào quyền lực và uy danh Yavê mà thôi.
“Chăn dắt”: công việc của mục tử hơn là của vua. Hình ảnh gợi lên mối tương quan thân tình giữa mục tử và đàn chiên. Chi tiết này phối hợp với chi tiết “Bêlem – Ephrata” ở câu 1, làm ta nhớ đến Đavit – mục tử: ông dám liều mạng với thú dữ để bảo vệ đàn chiên; dám đương đầu với Gôliat để rửa nhục cho dân Chúa chỉ với lòng tín thác cậy dựa vào Chúa mà thôi (1Sm 17,34-36). Và Đavit dám làm các điều đó như là một anawim – là người cậy dựa vào Thiên Chúa mà thôi – (1Sm 17,37a.45). Và cuối cùng là Đavit đã thống nhất sơn hà, cho dân an cư lạc nghiệp. Hơn nữa, danh tiếng, uy quyền của ông bao trùm trên các chư hầu chung quanh. Rõ ràng câu 3 mượn hình ảnh của Đavit để miêu tả hoạt động của “người con” do “sản phụ” sinh ra tức Đấng Mêsia.
“Chính Người là sự bình an” (LXX): “hòa bình” gợi lên tên của vua Salomon. Trong tiếng Hipri, “hòa bình” chỉ “sự an lạc của cuộc sống thường ngày, trạng thái con người sống hòa hợp với thiên nhiên, với chính mình, với Thiên Chúa”; “hòa bình không chỉ là không có chiến tranh mà còn là ổn định, hài hòa, đầy đủ, sung túc, hạnh phúc” (ĐN TH TK “Hòa bình” I,1.4). Thời vua Salomon là chóp đỉnh hòa bình. Uy tín vua lẫy lừng khắp thế giới.
Tóm lại, Mika đã dùng hình ảnh của thời hoàng kim Đavit – Salomon để phác họa vài nét họat động và phúc lộc của triều đại Mêsia. Và dĩ nhiên là tầm cỡ của triều đại ấy bao trùm khắp vũ trụ và vĩnh tồn. Trong đức tin, chúng ta xác tín rằng chính Đức Giêsu là Đấng đã đến khởi sự công trình hoàn tất ấy, tuy nhiên để sớm đạt tầm mức viên mãn, Người mời và chờ mong sự cộng tác của con người. Chúa và chúng ta đang trên con đường đi tới đích, đang cùng nhau sống Mùa Vọng.
TIN MỪNG: Lc 1,39-45
Ngay sau khi được truyền tin và đón nhận “Ngôi – Lời – nhập – thể” tượng thai trong lòng mình, Maria ngay tức khắc vội vã lên đường đi thăm bà Êlisabet. Và cuộc gặp gỡ chào hỏi ngắn ngủi giữa hai bà mẹ độc đáo này (một là bà già son sẻ, một là trinh nữ) đã là nội dung của trình thuật được phụng vụ dùng trong Chúa Nhật IV C Mùa Vọng. Thật ra cuộc gặp gỡ giữa hai bà mẹ chỉ là cái phông làm nổi bật lên cuộc gặp giữa hai người con: dưới ngòi bút của Luca, ngay từ khi còn trong lòng mẹ, hai người con đã biểu lộ ra căn tính và sứ mạng của mình. Cuộc gặp gỡ giữa hai thai nhi này thật là đỉnh cao của việc trao ban và đón nhận trọn vẹn ơn cứu độ.
1/ Bà Maria đi thăm viếng bà Elisabet (Lc 1,39-40)
Đây là cuộc đi thăm viếng lạ kỳ cho thấy sự can thiệp của Thiên Chúa vào dòng lịch sử nhân loại đã đạt tới đỉnh điểm. Thật vậy, trong Kinh Thánh
-
Việc một người đàn bà lớn tuổi, vô sinh, son sẻ lại thụ thai rồi sinh con là một dấu chỉ chắc chắn báo trước việc Thiên Chúa đang can thiệp mạnh để đưa dòng lịch sử nhân loại đi vào quỹ đạo lịch sử cứu độ qua hài nhi, con của người mẹ son sẻ đó.
-
Lần này lại thêm một trường hợp độc nhất vô nhị, có vẻ như ngược với lý lẽ bình thường nhưng đã được Kinh Thánh loan báo trước (x. Is 7,14): một trinh nữ thụ thai. Đây là sự can thiệp độc nhất, vô tiền khoáng hậu của Thiên Chúa để định hướng luôn cách dứt khoát cho dòng lịch sử nhân loại.
Ngay khi còn là thai nhi, hai người con này đã hiển lộ ra đường lối của Thiên Chúa đối với mình qua cuộc gặp bên ngoài của hai người mẹ. Điều độc đáo ấy được Luca mô tả như sau:
*“Trong những ngày ấy” đây là thuật ngữ Kinh Thánh dùng để nói lên sự can thiệp trọng đại củaThiên Chúa vào dòng lịch sử để phán xét thế gian và cứu rỗi những người tin tưởng (xem Mùa Thường Niên XXXIII B Tin Mừng 1/Bài Suy Niệm). Trong Lc 1,39, đây là thời điểm ngay sau biến cố Truyền Tin: Ngôi Lời đã tượng thai trong lòng trinh nữ. Chính trong tình trạng đã khởi sự làm mẹ, Maria đã đi thăm bà chị Elisabet. Vậy đây không là cuộc thăm viếng bình thường mà là dự tính từ muôn đời của Thiên Chúa sẽ được chính Chúa thực hiện “vào những ngày ấy” mà Chúa đã định.
*Việc Maria đi thăm bà chị họ được Luca mô tả:
– “được làm chỗi dậy” = ana-stasa là động tính từ aoriot 2 của động từ an-istemi còn có thể dịch là phục sinh. Luca dùng động từ này để diễn tả việc Thiên Chúa cho Đức Giêsu sống lại (x. Cr 2,24; 13,34). Vậy cách dùng đó ở đây hàm ý Thiên Chúa thực hiện trước nơi Maria ơn cứu độ do sự phục sinh của Đức Giêsu mang lại cho nhân loại.
Chính trong tình trạng “được Thiên Chúa làm cho chỗi dậy”, Maria lên đường; Mẹ trở thành môn đệ kiểu mẫu, đầu tiên, người thừa sai thứ nhất đem Tin Mừng đến cho kẻ khác (Đức Giêsu đang tượng thai trong lòng Mẹ). Ở đây người được đón nhận Tin Mừng là Gioan và Elisabet.
-
“với sự vội vã” = spoude: diễn tả sự nôn nóng thúc đẩy từ bên trong: nột khi đã nhận được Tin Mừng, không thể nào giữ riêng cho mình được, phải nhanh chóng chia sẻ, loan báo đi thôi! “Spoude” hàm chứa sự nôn nóng, nhiệt thành, cho thấy trong lòng Maria như có một cái gì đó thúc đẩy không sao cưỡng lại được, không thể chần chừ được, phải lên đường loan báo tin vui ngay tức khắc.
Hai nét trên nơi Maria gợi nhớ lại tình cảnh của hai môn đệ làng Emmau, sau khi nhận ra Đức Giêsu đã phục sinh trong Lc 24,33: hai ông “được làm chỗi dậy” = ana-stantes (a2, ptc, mas, pl) ngay vào giờ đó, họ tức khắc quay về Giêrusalem bất chấp mệt mỏi, đêm tối, đường xa để loan báo tin vui Chúa đã sống lại.
Vậy động lực thúc đẩy Maria lên đường không phải vì tò mò nghi hoặc (không biết lời sứ thần có thật không), cũng không nhằm ý chính là giúp bà Elisabet, nhưng là vì niềm vui ơn cứu độ cho toàn dân: trong lòng Maria đã tràn đầy Tin Mừng, đã có Thiên Chúa ngự trị nên phải thông chia ngay tức khắc niềm vui, chia sẻ ngay Tin Mừng ấy cho kẻ khác cũng đang mong chờ.
*Nơi đến: chỉ nói chung chung là “miền núi”, vào nhà ông Dacari. Theo truyền thống có từ thế kỷ VI, nơi này được đồng hóa với làng Ain-Karim, cách Giêrusalem khoảng 6,5 Km về hướng tây. Vậy đi bộ từ Nazaret đến đó cũng phải mất đến ba hoặc bốn ngày đường.
“Vào nhà ông Dacari nhưng lại chào bà Elisabet”:
-
“Nhà Dacari”: biểu tượng cho ngôi nhà Cựu Ước, nơi ở của những người công chính, thật lòng mong đợi Đấng Cứu Thế (x. Lc 1,6). Nhờ vậy, nơi đó trở thành sân khấu tốt để vở kịch Tân Ước được mở màn. Nơi đây diễn ra cuộc gặp gỡ giữa hai phụ nữ, một già, một trẻ cùng đang mang thai trong một tình trạng đặc biệt: son sẻ/ trinh nữ đang chào chúc nhau.
Thực ra đó là cuộc gặp gỡ giữa hai người con và qua đó, hai người con thực hiện sứ mạng Thiên Chúa đã dự định cho cả hai: Gioan thi hành sứ vụ tiền hô giới thiệu Đấng Mêsia cho mẹ mình; còn Đức Giêsu giải cứu thanh tẩy Gioan, ban Thánh Thần cho Elisabet.
2/ Vị tiền hô giới thiệu Đấng Mêsia và lời ca ngợi Maria của Elisabet (1,41-45)
*Hài Nhi trong bụng Elisabet nhảy mừng và bà được tràn đầy Thánh Thần:
Gioan đã thi hành vai trò tiền hô ngay khi còn trong dạ mẹ. Thật vậy, chính nhờ việc cảm nhận được thai nhi nhảy mừng trong dạ mình mà bà Elisabet đã nhận ra rằng Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người trong thai nhi đang dần hình thành trong dạ Maria. “Niềm vui” là một dấu chỉ cho thấy thời thiên sai đã tới (Xp 3,14; Is 12,6…).
Thời thiên sai đã đến còn được củng cố bằng một dấu chỉ khác:
Thần Khí được tuôn dư tràn cho người thế (x. Ge 3,1-5; Cv 2,17-21); Và chính trong sự tràn đầy Thánh Thần mà bà Elisabet cũng trở thành ngôn sứ ca khen Maria “có phúc”, và qua ngôn từ của bà, Thiên Chúa đưa con người vào một mối phúc mới: “Phúc cho những ai tin rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện tất cả những gì Người đoan hứa” (x. Lc 1,45).
*Và trong đoạn văn ngắn ngủi này Thiên Chúa đã thực hiện hai dấu chỉ mà Người hứa trong Cựu Ước cùng một lúc: “niềm vui” và “ơn Thánh Thần” đan kết với nhau nên một. Thật vậy Maria, Gioan và Elisabet đều tràn đầy niềm vui; và cả ba cùng đầy tràn Chúa Thánh Thần. Chính vì thế mối phúc “phúc cho những ai tin” ngay tức khắc đã phát sinh hiệu quả tức thời và tại chỗ:
– Thai nhi Gioan nhờ đầy Thánh Thần nên đã vui mừng ra dấu hiệu cho mẹ mình là Elisabet biết có “Thân Mẫu Chúa đến với tôi”. Gioan đã thi hành sứ vụ tiền hô lúc còn trong dạ mẹ.
– Elisabet đầy niềm vui và Thánh Thần đã nhận ra Chúa đến với mình qua Cô em họ nên được đón nhận ngay ơn cứu độ, tha thứ mà Chúa mang tới: bà trở thành ngôn sứ; Còn con của bà, Gioan thai nhi, được thứ tha hồi phục tình trạng nguyên tuyền (x. Xp 3,14-15; Yavê đã rút lại án phạt, địch thù của ngươi Yavê đã đẩy lui: Thai nhi được tha án phạt tội nguyên tổ và được giải cứu khỏi quyền lực mà quỷ, tội lỗi). Vì thế Em tỏ bày niềm vui (Xp 1,14), không còn sợ hãi vì đã nhận ra có Chúa đến nhà (Xp 3,16-17) và còn hơn nữa Em còn chia sẻ niềm vui cho mẹ, giúp mẹ nhận ra ơn cứu độ đã tới (Lc 1,44).
– Còn phần Maria? Mẹ vốn đã tràn đầy Thánh Thần rồi lúc Truyền Tin thụ thai Giêsu; Hồng ân lớn lao đó giờ đây được công bố qua lời chúc mừng của bà chị họ; Còn niềm vui của Mẹ được nói lên trong bài Magnificat.
3/ Chân phúc nơi Mẹ Maria
Tất cả mọi phúc lộc của vũ trụ đều phát xuất từ Thiên Chúa: trước tiên là từ dự tính yêu thương của Người đối với toàn thể công cuộc tạo thành; Kế đến Thiên Chúa công chính, luôn tín trung sẽ tìm đủ mọi cách để hoàn thành cho kỳ được dự tính đó cho vũ trụ và con người; Tuy nhiên Thiên Chúa không độc đoán: Người cũng muốn “hình ảnh của Thiên Chúa” cũng cộng tác vào công trình hoàn tất dự tính của Thiên Chúa, mỗi người trong vị trí mà Thiên Chúa mời gọi, đề nghị với họ. Để rồi cuối cùng sự cộng tác mà Thiên Chúa đề nghị với mỗi người, dù lớn dù bé, đều góp phần độc đáo của mình vào công trình chung cho toàn nhân loại: tất cả đều nên Con Thiên Chúa, “hình ảnh Thiên Chúa” nên hoàn thiện nơi tất cả những ai đón nhận cộng tác với Chúa. Nơi Mẹ:
*Chúa chọn Mẹ cộng tác: “Em được chúc phúc hơn mọi phụ nữ…”, đó là một lời đã được dùng trong Cựu Ước để chúc mừng hai phụ nữ là Giaen (Tl 5,24) và Giuđitha (Gđt 13,18) đã dũng cảm, mưu trí giết chết tướng giặc giải cứu dân Chúa khỏi ách ngoại bang. Vậy khi áp dụng câu đó cho Maria, Luca muốn nói rằng Maria là ngưỡi nữ hoàn hảo nhất được Thiên Chúa chuẩn bị để thực hiện kỳ công lớn lao nhất của Người qua người nữ (St 3,15).
*Chúa hoàn tất dự tính của Chúa nơi Maria và Gioan: biến cô thôn nữ thành “Hoàng thái hậu” = Mẹ Vua: “Bởi đâu Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi”. Dự tính của Chúa đã thành sự nơi Maria. Thai Nhi trong dạ Maria là KURIOS = Chúa. Chúa đến giải thoát dân, đem niềm vui cho dân: Thai nhi Gioan đã vui mừng vì nhận ra Chúa đến với mình, cứu mình. Em được giải cứu: lời hứa St 3,15 Chúa thực hiện nơi Maria lúc Truyền Tin và cho Thai nhi Gioan khi Maria đi viếng Elisabet.
*Cội nguồn phúc lành nơi Maria: dĩ nhiên đó là ơn Chúa: Chúa cho, nhưng con người phá hủy thì sao? Trong St 3, tất cả đều đã xáo trộn vì Adam + vợ không tin vào Lời Thiên Chúa. Nay Maria đã TIN rằng “Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với Em”. Đó chính là CỘI NGUỒN PHÚC LỘC nơi Maria mà Luca muốn gởi cho ta trong đoạn Tin Mừng này.
Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục hoàn tất công trình của Chúa cho vũ trụ và cho từng người chúng ta. Hãy bắt chước Maria: “xin Chúa thực hiện nơi ta dự tính của Chúa”; Hãy tin “Chúa hoàn tất nơi ta mọi điều Chúa nói”.
Frère Pierre Đình Long FSC