CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN – năm B

Bài 1

Đnl 18,15-20; Mc 1,21-28
Chủ đề: Dung mạo ngôn sứ của Đấng Mêsia.

* Đnl 18,18: Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ và Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy.

* Mc 1,22-24: Đức Giêsu giảng dạy như một đấng có uy quyền… Người là đấng Thánh của Thiên Chúa.

Lời Chúa IV B Mùa Thường Niên hé cho ta thấy một nét của DUNG MẠO ĐẤNG MÊSIA. Trong thân phận giới hạn của kiếp làm người, không một hình ảnh, dung mạo phàm nhân nào có thể  diễn tả đầy đủ căn tính của Đấng Thiên Sai. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn yêu thương, tôn trọng con người bằng cách dùng ngay những hình ảnh giới hạn đó để đến với con người, tiếp cận và mặc khải dự tính của Chúa cho con người.

Điều Chúa mong đợi nơi chúng ta không là chúng ta nắm bắt được Thiên Chúa bằng sự hiểu biết của lý trí chúng ta; Chúa không để chúng ta “nhốt” Chúa trong những KHÁI NIỆM, hình ảnh phàm nhân của ta. Điều Chúa khát khao chờ đợi nơi ta là qua những hình ảnh được mặc khải còn đầy giới hạn đó Chúa muốn chúng ta đi vào tương quan biệt vị (relation personnelle) giữa Thiên Chúa với con người, giữa Thiên Chúa với TỪNG NGƯỜI.

Một hình ảnh mà Lời Chúa hôm nay muốn sử dụng để đưa dân Chúa đi vào tương quan thân tình với Người: đó là hình ảnh NGÔN SỨ.

Trong Kinh Thánh, Ngôn Sứ là tiếng nói của Thiên Chúa, Lời của Ngôn Sứ chính là Lời Chúa: khi sấm ngôn đã được Chúa trao cho họ, họ bị buộc phải công bố không thể trốn chạy (Giôna); họ không được tùy tiện nói những gì mà Chúa không truyền nói cho dù là điều tốt (2Sm 7,1-5…)…

Trong Israel, dân có thể bầu chọn vua, tư tế, nhưng với Ngôn Sứ thì không. Nếu vì lý do nào đó vắng bóng Ngôn Sứ thì chỉ còn cách là CHỜ, cầu nguyện, nài xin Chúa nối lại tương giao với dân bằng cách ban Ngôn Sứ (x.1Mcb 4,44-46). (x.ĐNTHTK “Sứ ngôn” Cựu Ước I.3). Ngôn Sứ là đối tượng của lời hứa, hoàn toàn là ơn huệ nhưng không của Thiên Chúa.

Bài đọc một trích từ khối văn chương Đnl 17,14-18,22 đề cập đến ba chức vụ lãnh đạo trong thể chế “quân chủ thần quyền” của dân Chúa: vương đế, tư tế và ngôn sứ. Phần được phụng vụ, bài đọc một, đề cập đến là phần nói về các ngôn sứ.

Đối với người Do Thái, Môsê được coi là cội nguồn của phong trào ngôn sứ Israel; Ông là ngôn sứ đặc biệt không ai sánh bằng (Đnl 34,10) Ông là trung gian nói lại cho dân những gì Chúa phán dạy và dân không thể nghe thấy Chúa trong vinh quang thần linh của Người mà còn sống được (x.Đnl 5,22-31). Ông chính là khuôn mẫu của VỊ NGÔN SỨ thời cánh chung mà Chúa hứa ban cho dân. Chúa sẽ đặt Lời của Chúa nơi miệng VỊ NGÔN SỨ ấy và Vị ấy sẽ nói lại cho dân tất cả những gì mà Chúa đã truyền cho Vị ấy (Đnl 18,18).

Hình ảnh VỊ NGÔN SỨ vĩ đại ấy được ứng nghiệm nơi con người của ĐỨC GIÊSU, vì Người giảng dạy có quyền năng trong LỜI NÓI lẫn trong VIỆC LÀM (x.Lc 24,19; Mt 16,14; Lc 7,16…). Thật vậy, mở đầu bài đọc Tin Mừng hôm nay, Maccô trình bày Đức Giêsu dưới những đường nét của một ngôn sứ vĩ đại: từ nội dung cho đến cách giảng dạy, Người trổi vượt hơn các bậc thầy, kinh sư của dân Chúa: “Người giảng dạy như một ĐẤNG CÓ THẨM QUYỀN chứ không như các kinh sư” (Mc 1,22), “giáo lý lại mới mẻ” (1,27). Các kinh sư chỉ dám lập lại y chang những gì họ nhận được từ người xưa, lắm khi lập lại cứng ngắc vô hồn, còn Đức Giêsu giảng dạy như Đấng lập luật: “còn Ta, Ta bảo…” (x.Mt 5,21-48).

Đức Giêsu đúng là VỊ NGÔN SỨ mẫu nực mà Thiên Chúa đã hứa ban thời cánh chung, vì Người giảng dạy UY QUYỀN không chỉ trong LỜI NÓI, mà còn trong cả việc làm. Thật vậy, phần thứ hai của bài đọc Tin Mừng, Đức Giêsu xuất hiện là Đấng có uy quyền trên cả ma quỷ: Người có khả năng sai khiến thần ô uế (c.25) kể cả có thể tiêu diệt được chúng (24a). Người chính là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (c.24b) nghĩa là chính VỊ NGÔN SỨ mà Thiên Chúa đã đoan hứa từ ngàn xưa (x.bài một: Đnl 18,15.18) nay đã xuất hiện.

Chỉ có điều đáng tiếc là trong lúc ma quỷ nhận ra Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa thì nhân loại là những kẻ được Người tới giải cứu lại chưa nhận ra Người. Họ chỉ kinh ngạc bàn tán với nhau: “giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh.” (c.27)

Lạy Đức Giêsu Nadaret, xin mở mắt chúng con nhận ra Người là “VỊ NGÔN SỨ”, là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” đang đồng hành với chúng con và biết thờ lạy Người trong từng phút giây của cuộc sống.

Bài 2

Người giảng dạy như một đấng có thẩm quyền… Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền…ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh” (Mc 1,22.27).

Sau vụ Gioan bị nộp, Đức Giêsu lộ diện công khai rao giảng khai mở triều đại mới: thời chờ đợi đã qua, giờ đây là thời viên mãn, Triều Đại Nước Thiên Chúa đã tới gần (Mc 1,14), hãy giã từ tâm trạng hắt hiu chờ đợi, hãy sám hối, đổi đời đón nhận Tin Mừng do Đức Giêsu mang tới, Tin Mừng đó chính là con người và sứ điệp của Người (1,14). Nhận ra và tôn thờ căn tính thiên sai và thần linh nơi con người Giêsu thuộc làng quê Nadaret.

Ngay sau lời công bố tổng quát như là bản tuyên ngôn khai mở triều đại (1,15) Đức Giêsu bắt đầu các hoạt động cụ thể của Người. Việc đầu tiên là “thành lập nội các” tức là cộng đoàn thiên sai nền tảng. Đó sẽ là thành phần nòng cốt để xây dựng và củng cố Triều Đại Thiên Chúa. Họ là những con người được đích thân Thiên Chúa, được vị vua của Triều Đại mời gọi. Và từ đó, đối với họ, một bậc thang giá trị mới đã hình thành cho cuộc đời họ. Công cuộc của Triều Đại là ưu tiên tuyệt đối, là lẽ sống của đời họ, không một cái gì ở trần thế này được gây cản trở, làm trì trệ công cuộc rao giảng, xây dựng Nước Trời.

Việc tiếp theo là những hành vi giải thoát: lời rao giảng “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” của Đức Giêsu không là lời nói suông nhưng được bảo chứng bằng những hành vi đầy quyền năng: Người có quyền năng trấn áp được sự dữ đang khống chế, làm khổ nhân loại qua các phép lạ TRỪ QUỶ và CHỮA LÀNH mọi thứ bệnh. Một khi đã được giải thoát, con người mới thực sự tự do để đáp lại lời mời gọi, dạy dỗ của Đức Giêsu. Từ lúc sa ngã trong Vườn Địa Đàng, nhân loại đã rơi vào tình trạng “nghe lời Rắn” nên đã bị Ma Qủy khống chế, đã rước Qủy về làm vua của mình (trường hợp tương tự sau này trong vụ án Đức Giêsu: các Thượng Tế nhận kẻ thù của dân tộc là César làm vua của mình để loại Đức Giêsu ra khỏi cuộc đời chúng: Ga 19,15c) và như thế là con người mất quyền tự chủ, chỉ còn sống lây lất qua ngày dưới ách nô lệ nghiệt ngã chờ ngày bị “diệt chủng” (x.Xh 1,22). May thay, Thiên Chúa không bỏ mặc nhân loại cho sự dữ, Thiên Chúa can thiệp: Sự xuất hiện của Đức Giêsu với lời tuyên bố “Triều Đại Thiên Chúa đã tới gần”, kèm theo những hành vi trừ quỷ và các phép lạ là thời điểm triều đại của Ma Qủy đã chấm dứt. Tuy nhiên Ma Qủy không bao giờ chịu thua, Hắn vẫn lồng lộn “rảo quanh tìm mồi để cắn xé” (x.1Pr 5,8), nhưng Hắn không còn uy hiếp được nhân loại nữa vì nọc độc của Hắn đã bị vô hiệu hóa nhờ “Con Rắn Đồng” đã được giương cao. Ai gắn bó với Đức Giêsu thì chiến thắng được Ma Qủy. Đức Giêsu đã hồi phục phẩm giá của nhân loại, đã ban cho con người năng lực thần linh để vượt thắng các mưu mô ma quỷ. Đó là việc Đức Giêsu đã thực hiện cho nhân loại. Còn phần của từng cá nhân thì sao? Dòng lịch sử còn tồn tại thì cuộc chiến chưa chấm dứt. Mỗi cá nhân phải tiếp tục chiến đấu để ân huệ Chúa ban cho nhân loại trở thành gia sản của từng người chúng ta.

Sau lời rao giảng chung cho mọi người: Tin Mừng của Thiên Chúa đã tới, Đức Giêsu kêu gọi toàn dân cách chung “Thời kỳ đã mãn, Nước Thiên Chúa đã tới gần, Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Đức Giêsu chọn gọi bốn môn đệ tiên khởi, chọn gọi đích danh. Điều Đức Giêsu mời mọi người, giờ đây được đề nghị cho bốn môn đệ. Và các ông đã nhanh chóng trở thành cộng tác viên của Người.

Ngay sau đó, Marcô trình bày một ngày hoạt động của cộng đoàn thiên sai. Công việc của Đức Giêsu trong ngày này là: giảng dạy (1,21-22); Trừ quỷ (1,23-28); chữa lành, giải cứu (1,29-34). Bài đọc Tin Mừng của Chúa Nhật IV B Mùa Thường Niên trích hai phần giảng dạy và trừ quỷ trong hoạt động “một ngày mẫu” của Đức Giêsu.

  • Đức Giêsu và các môn đệ…Ngay ngày Sabat (1,21-22)

Việc làm đầu tiên của CỘNG ĐOÀN thiên sai (có Đức Giêsu và môn đệ hoạt động chung), được Marcô chọn làm “một ngày mẫu” của Đức Giêsu là một NGÀY SABAT, và công việc của cộng đoàn thiên sai này là giải cứu toàn diện con người:

  • Trước tiên là giải cứu tâm hồn, giải cứu tinh thần của người ta bằng LỜI GIẢNG DẠY. Lời gảng dạy của Người làm người nghe sửng sốt và lôi cuốn sự chú ý của người nghe hơn cả phép lạ. Yếu tố làm người nghe chú ý đến lời giảng dạy của Đức Giêsu là vì tư cách của Người khi giảng dạy. Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền (1,22.27). Theo Tin Mừng Nhất Lãm, vào đầu sứ vụ, Đức Giêsu chưa tỏ lộ công khai căn tính thiên sai của Người, ai muốn hé lộ ra Người đều ngăn cấm (1,25). Tuy vậy, người nghe vẫn nhận ra uy quyền của Người qua lời giảng dạy và qua tư cách của Người khi giảng dạy: “Người giảng dạy như một người có thẩm quyền chứ không như các kinh sư (1,22) …; giáo lý thì mới mẻ, lời của Người hàng phục được quỷ ma, buộc chúng phải tuân lệnh (1,27). Quả thực với lời của Đức Giêsu một cái gì đó mới mẻ đã khởi đầu. Đức Giêsu hành động với uy quyền của một lãnh tụ tối cao: chỉ với lời nói, Người đã công bố Triều Đại Nước Thiên Chúa đến, chỉ một lời mời “hãy theo Ta”, người được gọi đã răm rắp tuân theo “LẬP TỨC” (1,18); chỉ với một tiếng quát, Người đã trục xuất thần ô uế khỏi bệnh nhân. Vậy lời của Người làm chủ dòng lịch sử, làm chủ vận mạng từng con người và giải thoát con người khỏi ách chế ngự quỷ ma. Công việc tuyệt vời trên, Đức Giêsu làm chung với các môn đệ.
  • Tiếp đó là trừ quỷ. Qua phép lạ này (1,23-26), Đức Giêsu đã giải phóng con người khỏi ách khống chế của ma quỷ. Với lời đầy thẩm quyền của Đức Giêsu, quyền thống trị của mà quỷ trên nhân loại đã bị đập tan; Qủy buộc lòng phải thúc thủ nhận ra rằng triều đại của Nó đã chấm dứt. Triều đại của Thiên Chúa đã tới, dòng lịch sử đã lật sang trang mới; Đấng uy quyền hơn Thượng Tế, kinh sư, biệt phái đã xuất hiện; Giáo lý mới mẻ cũng đã được đề ra: “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng … còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết …” (x.Mt 5,21-48). Vậy vấn đề của khán thính giả là thái độ phải có là gì trước con người Giêsu, trước Triều Đại; trước Giáo Lý mới mẻ mà Người mang đến. Trừ quỷ là dấu chỉ rõ ràng là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa trần gian (x.Mt 12,27-28).
  • Và việc làm cuối cùng trong ngày Sabat mẫu này là CHỮA LÀNH mọi bệnh tật: cho cá nhân (Mc 1,29-31) và cho toàn dân (Mc 1,32-34). Phần cuối này sẽ được đọc vào Tin Mừng Chúa Nhật tới V B Mùa Thường Niên. 

Hôm nay chúng ta chỉ mở rộng bài suy niệm trên vài chi tiết trong đoạn Mc 1,21-28 thôi.

  • Ngay ngày Sabat

Điều đáng lưu ý trong đoạn Tin Mừng hôm nay là chi tiết “Ngày Sabat”. Theo Luật Do Thái, đó phải là ngày nghỉ, mọi người chỉ đến hội đường để tôn thờ Thiên Chúa. Thế nhưng trong đoạn Tin Mừng hôm nay, ngày Sabat này là một ngày Đức Giêsu và môn đệ bận rộn suốt ngày cho tới tối mịt. Ngoài việc rao giảng, còn các việc khác như trừ quỷ, chữa lành đều là những việc cấm làm trong ngày Sabat (x.Mc 2,23-24; 3,2). Vậy mà cộng đoàn thiên sai đã bù đầu cả ngày trong các việc cấm ấy ( so Mc 3,20). Thế nhưng lạ lùng thay, không thấy ai bắt tội, chỉ trích gì Đức Giêsu về các việc làm sai trái ấy.

Lúc Đức Giêsu xuất hiện là lúc dân thành capharnaum đang tụ họp pại với nhau ở hội đường để thờ phượng Thiên Chúa trong ngày Sabat. Vậy mà giữa bầu khí linh thiêng ấy, thần ô uế đã nhập vào một người và quậy phá. May thay lúc đó Đức Giêsu có mặt và âm mưu của Qủy đã bị chận đứng. Thần ô uế đã bị lộ diện và bị trục xuất. Đức Giêsu đã tạo ra lại bầu khí thánh thiêng cho hội đường và cho ngày Sabat; Dân được vui hưởng lại niềm an bình thờ phượng Chúa.

Như vậy, Đức Giêsu đã hồi phục lại cho ngày Sabat ý nghĩa đích thực của nó: đó là ngày Thiên Chúa hoàn tất công trình sáng tạo và Chúa thấy mọi sự đều tốt đẹp. Hội Đường đang trong cơn sóng giớ, Hội Đường đang bị vấy bẩn bởi sự hiện diện của thần ô uế, cho nên người ta chưa thể “nghỉ” được. Vậy khi trừ quỷ, Đức Giêsu đã trả lại cho ngày Sabat nét tinh tuyền phải có của ngày ấy. Mỗi lần trừ quỷ hay chữa lành là Đức Giêsu đang củng cố cho triều đại Thiên Chúa đang tới, tất cả đều là những chuẩn bị thiết thực cho ngày ThiêN Chúa hoàn tất chung cuộc công trình của Người để toàn thể vũ trụ được hưởng sự nghỉ ngơi vĩnh cửu trong Chúa, được hưởng ngày Sabat trọn vẹn của Triều Đại Thiên Chúa.

Vậy hoa trái đầu tiên của “Triều Đại Thiên Chúa đến” là thanh luyện các cơ chế, luật lệ để chuẩn bị cho ngày Đức Giêsu đặt mọi sự dưới chân Thiên Chúa. Chính trong ý nghĩa đó mà các tác giả các sách Tin Mừng thường để Đức Giêsu làm phép lạ trong ngày Sabat. Và ở đây người ta còn ủng hộ, thán phục việc Đức Giêsu làm.

  • Dung mạo thần linh của Đức Giêsu trong phép lạ trừ quỷ.

Ở đây không có ai đến xin Đức Giêsu trừ quỷ, Đức Giêsu cũng không chủ động tấn công. Nhưng chỉ với sự hiện diện của Người mà thôi cũng đủ để vạch mạch thần ô uế và làm Nó kinh hãi vì thời điểm quyền lực của Nó bị tiêu diệt, vô hiệu hóa đã điểm (Mc 1,24a). Nó nhận ra Người là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” nghĩa là Đấng nắm giữ quyền năng của Thiên Chúa. Và ở đây lại một lần nữa, Marcô nhấn mạnh Đấng đó chính là con người Giêsu Nadaret” (x,Mc 1,9; 1,24). Marcô luôn nhắc nhở một cơn cám dỗ, con người thường vấp phạm là tách quyền năng thần linh của Người ra khỏi thân phận phàm nhân của Người. Thần ô uế khi la to lên “ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa” cũng là nhắm mưu đồ đó. Chính vì thế khi chưa đến thời buổi, Đức Giêsu cấm không cho quỷ công khai quảng bá rộng rãi căn tính thần linh của Người. Bằng một lệnh truyền ngắn gọn gồm hai nhịp: “câm đi: và “hãy xuất khỏi người này”, Đức Giêsu đã chặn đứng mưu đồ tỏ lộ sớm trước thời hạn căn tính thần linh của Người, đồng thời đuổi quỷ ra khỏi nạn nhân và thanh luyện hội đường. Và lời của Người được thành sự ngay tức khắc

Qua cách trình bày “phán một lời”, “tức thì có”, Marcô đã kín đáo hé lộ dung mạo thần linh của Đức Giêsu ở đây. Đức Giêsu đang dùng quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa để giải cứu con người, thể chế tôn giáo khỏi sự thống trị của quỷ. Người khôi phục tất cả. Thiên Chúa đang hoàn tất phần của Chúa trong Đức Giêsu. Phần còn lại là thái độ đáp trả của chúng ta như thế nào?

Trong ngày hoạt động mẫu này, Đức Giêsu được hoàn toàn ủng hộ. Việc Người làm trong ngày Sabat này không bị coi là vi phạm luật mà là một niềm vui, một dấu chỉ mời người ta suy nghĩ và tỉnh ngộ “mọi người đều kinh ngạc đến độ bàn tán với nhau: Thế nghĩa là gì?…” (Mc 1,27). Ít ra cho đến giờ phút đó, đám dân đen đã nhận ra được ý nghĩa việc Đức Giêsu làm nên đồng tình ủng hộ (x.Mc 1,28).

Frère Pierre Đình Long FSC