Bài 1
2 Sm 5, 1 – 3; Lc 23, 35 – 43
Chủ đề: Dung mạo vị Vua đích thực: sẵn sàng đón nhận mọi kẻ đến thần phục Người làm thần dân nước Người
* 2Sm 5, 3: Đavit lập giao ước với họ; Họ xức dầu phong Đavit làm vua Israel
* Lc 23, 42-43: “Khi nào vào nước của Ngài, xin nhớ đến tôi”…“Amen, hôm nay anh sẻ được ở với tôi trên thiên đàng”
Chúng ta bước vào Chúa nhật cuối cùng của năm Phụng Vụ, Chúa Nhật mừng lễ” Kitô vua”. Hội Thánh tuyên xưng” vương quyền của Đức Giê su” và thần phục Người. Phần Đức Giêsu, Người sẽ công khai biểu lộ uy quyền và đón nhận thần dân tín trung vào vương quốc Người.
Về mặt cơ cấu phụng vụ, lễ Kitô Vua được ĐGH Piô XI thiết lập vào năm 1925 nhằm tuyên xưng đức tin của Hội Thánh vào vương quyền tối thượng của Đức Giêsu trên vũ trụ, con người, gia đình và trên xã hội loài người. Ban đầu lễ cử hành vào Chúa Nhật cuối tháng 10 trước lễ Các Thánh Nam Nữ; Sau cuộc canh tân phụng vụ của công đồng Vatican II, lễ được đặt vào Chúa Nhật cuối năm phụng vụ. Việc thay đổi này nhằm làm nỗi bật lên một khía cạnh khác của Vị Vua Giê su: Người là ĐỨC CHÚA (kurios) (x. Monique Piettre, “comprendre la Parole, Annee C”, O.E.L.L 1987 p. 329). Thật vậy, con người hữu hạn Giê-su giờ đây tỏ mình ra cho Hội Thánh là Chúa tể dòng thời gian, Chúa tể của lịch sử. Chính Người mang lại cho lịch sử nhân loại ý nghĩa chung cuộc; Và giờ đây ngay trong hiện tại, Người điều khiển, dẫn dắt dòng lịch sử đi đến chỗ hoàn tất theo ý Cha (x. Ep 1, 10-11). Tuy nhiên, đó là cái nhìn cánh chung hướng về đích đến cuối cùng khi dòng lịch sử chấm dứt; còn trong hiện tại, giữa một thế giới mà sự dữ vẫn còn khoe nanh múa vuốt thì vương quyền của Đức Giêsu được biểu lộ ra như thế nào và đân Chúa thần phục người ra làm sao?
Các bài đọc năm C trình bày cho chúng ta 2 hình ảnh VUA xem ra mâu thuẫn nhau: Vua Đavit (bài 1) và vua Giê- su (Tin Mừng). Trong bài đọc 1, vua Đavit được thần dân đến cầu cạnh, biểu lộ ước muốn được thần phục qua việc lập giao ước trước nhan Chúa, rồi xức dầu tấn phong Đavit làm vua của họ. Còn trong bài đọc Tin Mừng, Vua Giê- su lại là một tử tội, bị chính thần dân của mình tố cáo và đóng đinh thập giá với bảng chữ viết treo trên đầu: “Đây là vua dân Do Thái “để mỉa mai, nhạo báng. Tuy nhiên bài đọc 1 và tin mừng đều kết thúc bằng việc cả hai vị Vua đều biểu dương vương quyền của mình qua việc chuẩn nhận lời khẩn cầu của thần dân, đón nhận họ vào vương quốc của mình.
Bài đọc 1 thuật lại biến cố Đavit được toàn dân, tất cả chi tộc của Israel, Bắc quốc đến gặp tại khép rôn và tôn ông làm vua của họ. Lúc đó Đavit chỉ mới là vua của Giuđa và đang trị vì ở Kheprôn (x.2 Sm 2, 4). Các chi tộc khác vẫn còn theo nhà Saolê và chiến tranh đã kéo dài giữa 2 bên (x. 2Sm 3, 1). Đến khi vị vua cuối cùng của nhà Saolê là Itbôsét bị ám sát (x. 2Sm 4) thì các kì mục Bắc quốc mới đến gặp Đavit và thương lượng nhận ông làm vua của họ. Họ đưa ra 3 lý do và cũng có thể nói là 3 điều để họ tôn nhận quyền vua của Đavit:
-
Đavit phải nhận họ có liên quan tộc hệ với mình, là bà con với nhau: “chúng tôi đây là cốt nhục của ngài”. Dù là vua, nhưng Đavit với họ vẫn là thân tộc: tất cả đều là con cháu của Abraham-Isaac-Giacob.
-
Vua có bổn phận phải bảo vệ thần dân, dẫn đầu trong các cuộc chiến “…chính ngài chỉ huy các cuộc hành quân của Israel”. Họ nhắc lại những chiến công hiển hách của Đavit đã làm dưới triều Saolê để bảo vệ họ. Họ mong vua phải tiếp tục công trình đó.
-
Chính Chúa đã chọn vua để chăn dắt Israel. Điều đó đã hàm ý “làm vua” là ơn gọi Chúa trao, chứ không phải là quyền lực dùng để thống trị.
Đavit chấp thuận, lập giao ước với họ và họ đã xức dầu nhận Đavit là vua.
Còn Tin Mừng thì mặc khải vị vua chân chính, đích thực là chính Đức Giêsu.
Tuy nhiên trong năm C, Luca cho chúng ta thấy một nghich lý: nơi chốn Đức Giêsu biểu lộ quyền vua chính là TRÊN CÂY THẬP GIÁ. Hai chi tiết mà Luca dùng để biểu lộ quyền năng của Đức Giêsu trên cây Thập Giá là:
-
“Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Đây là vua dân Do Thái”. Chi tiết mà kẻ thù nghịch dùng để giễu cợt, mỉa mai, thì đó lại là phương thế vị Vua Vũ Trụ dùng để biểu lộ vương quyền. Một vương quyền không để thống trị, đè bẹp kẻ khác mà là để cứu, để phục những ai nhìn nhận quyền vua của Người.
-
Thật vậy, tên trộm lành đã nhìn nhận, thần phục vương quyền đó: “ông Giêsu ơi, khi nào ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi”. Và ngay tức khắc, Đức Giêsu biểu lộ vương quyền hữu hiệu của Người: “Quả thật (Amen), tôi nói với anh, hôm nay anh được ở với tôi trên thiên đàng”.
So sánh với 3 điều kiện mà dân Bắc quốc Israel đặt ra cho Đavit thì Đức Giêsu quả là vị vua mẫu mực:
* Qua thập giá Đức Giêsu đã nhận chúng ta là cốt nhục của Người, vì đã nhập thể đảm nhận nhân tính, chịu chung hậu quả của phận làm người tội lỗi với ta.
* Qua thập giá, Đức Giêsu đã liều thân bảo vệ, giải cứu chúng ta.
* Đó là Ý Cha mà Người luôn tuân phục.
Phần chúng ta để hưởng được vinh phúc vào trong Nước của Người, được làm thần dân của Người, hãy can đảm tôn thờ vương quyền Thập Giá: nhận mình tội lỗi, bất xứng để rồi khiêm tốn nài xin, phó thác tất cả vào lòng thương xót Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin dẫn chúng con vào Nước của Người qua con đường Thập Giá!
Bài 2
“Đây là vua người Do Thái” (c.38b) … Ông Giêsu ơi khi ông vào Nước của ông xin nhớ đến tôi! Và Đức Giêsu nói với anh ta: Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng (23, 42b.43)
Tên gọi của Chúa Nhật 34 thường niên, cuối năm phụng vụ, cũng đã nói lên khá rõ chủ đề phụng vụ hôm nay: Lễ Chúa Giêsu vua vũ trụ. Lời Chúa mời gọi chúng ta chiêm ngắm vương quyền của Chúa Giêsu. Các bài đọc năm C trình bày cho chúng ta 2 hình ảnh “vua” xem ra mâu thuẫn nhau. Cả hai đều là “vua” dân Do Thái: nhưng một người thì được thần dân đến cầu cạnh, rồi xức dầu tấn phong thần phục; còn người kia lại là một tử tội bị đóng đinh thập giá với bảng chữ viết treo bên trên đầu “đây là vua người Do Thái” đầy nét nhạo báng. Tuy nhiên 2 bài đọc phụng vụ đều được kết thúc bằng việc 2 vị vua biểu dương vương quyền của mình: đón nhận thần dân.
Bài 1: Đavit đã nhận lời đề nghị của các chi tộc chấp nhận làm vua trên họ và kết giao ước với họ, bằng lòng để họ xức dầu tấn phong tôn vương.
Tin Mừng: trên thập giá, bất chấp mọi hình thức nhạo báng, Đức Giêsu đã công khai biểu lộ vương quyền ngang qua tấm bảng đầy vẻ nhạo báng mà người ta treo trên thập giá, qua lời tuyên xưng của tên trộm sám hối và nhất là qua lời xác nhận của Đức Giêsu đón nhận anh ta “hôm nay”, được vào Nước của Người.
BÀI ĐỌC I: 2 Sm 5,1-3
Đavit là vị vua thứ hai của Israel. Ông được truyền thống dân Chúa coi là vị vua mẫu mực, là hình ảnh tiên báo của vị Mêsia – Vua của Thiên Chúa.
Khi vị tiền nhiệm của ông là Saul vi phạm lệnh biệt hiến trong cuộc chiến với quân Amalek, Thiên Chúa quyết định loại bỏ vua này và sai Samuel đến Belem xức dầu phong vương cho Đavit, con trai út của Ysai, lúc ấy chỉ là một thiếu niên đang chăn cừu cho cha ở ngoài đồng. Nhưng con đường đi đến vương quyền của Đavit thật đầy chông gai do bởi lòng ganh tị, hận thù của Saul; luôn truy đuổi tìm truy sát hại Đavit. Mặc dù vậy, ông này vẫn một lòng trung tín, tôn trọng Saul, người đã được Chúa xức dầu.
Chỉ sau khi Saul tử trận trong cuộc chiến với Philitinh tại Gilboa, Đavit mới xuất hiện như 1 thủ lãnh, 1 vua. Tuy nhiên vương quyền của ông chỉ mới được Giuđa nhìn nhận (2 Sm 2,4). Còn các chi tộc phía bắc, dưới sự điều động của Abner, tướng đạo binh của Saul, vẫn trung thành với Ishbaal, hậu duệ vua cũ (2 Sm 2,8-11). Mãi đến 7 năm sau, nội bộ phía bắc bị chia rẽ: Ishbaal và Abner nghi ngờ, hiềm khích nhau dẫn đến cái chết của 2 người này. Không còn thủ lãnh và lúc ấy miền bắc vẫn còn là thuộc địa của Philitinh (x. 1 Sm 31,7), do đó các kỳ mục Israel đã chạy đến Đavit là vua của họ và Đavit đã kết ước với họ trước nhan Yavê (2 Sm 5,1-3). Bài đọc 1 là trích đoạn cuối cùng vừa nói trên.
1/ Các yếu tố Israel đưa ra để xin Đavit làm vua của họ (5, 1-2)
* Nơi chốn: Hebron
-
(nơi mà Đavit đã theo ý Đức Chúa đến để được người Giuđa tôn vương: 2 Sm 2,1-4)
* Các đối tác: “toàn thể các chi tộc Israel” với “Đavit”
Trong đoạn văn chỉ nói trổng “Đavit” không có từ “vua” đi trước tên. Lời lẽ trong bản văn cho thấy các chi tộc đến với Đavit không phải với tư cách của những người bại trận, cầu lụy, nhưng là những lời tính toán mang dáng dấp thương lượng bình đẳng với Đavit. Các chi tộc đưa ra những tương quan, những nghĩa vụ mà Đavit phải thực hiện hơn là nói tới quyền thống trị theo thể chế quân chủ đời. Quan niệm về vua ở Israel khác hẳn với các quốc gia khác.
* Những nét đặc thù của “vua” theo Israel
-
Vua dân là tộc hệ của nhau: “chúng tôi đây là cốt nhục của ngài” (c.1)
“cốt nhục” là cách nói diễn tả tình bà con, họ hàng cùng huyết tộc: St 2,23; 29,14; Tl 9,2. Những người cùng tộc hệ phải có bổn phận hỗ trợ nhau, nhất là những ai có vai vế lớn – vua quan là cha mẹ dân – càng phải có trách nhiệm nuôi nấng, dạy dỗ, bảo vệ những kẻ thuộc về mình. Như vậy các chi tộc Israel đến thương lượng với Đavit trong tư cách là bà con, là “cốt nhục” nhau với tất cả những trách nhiệm và quyền lợi đối với nhau. Và theo truyền thống, tất cả Israel đều coi mình là huyết nhục, xương thịt của Abraham, Isaac và Giacob.
-
Vua là người cầm đầu các cuộc chiến, bảo vệ dân: “…chính ngài chỉ huy các cuộc hành quân của Israel (c. 2a)”
Họ nhắc lại những chiến công hiển hách của Đavit dưới triều Saul. Điều này hàm ý là Đavit đã từng vào sinh ra tử để bảo vệ Israel. Vậy giờ đây họ đến với Đavit cũng là trong tâm tình và ước vọng đó, và cũng có thể coi đó như là điều kiện nữa: Đavit hãy tiếp tục là người bảo vệ dân trước mọi kẻ thù. Đối với Israel, vua phải là người đi đầu trong các cuộc xuất chinh, chiến đấu vì quyền lợi của dân (x. 1 Sm 8,20); vua phải bảo đảm sự thịnh vượng cho toàn dân và làm cho sự công chính ngự trị trong vương quốc (Tv 45,4-8; 72,1-7…). Qua 2 nét trên, vua chính là “Gôen” của dân.
-
Vua phải là người được Chúa chọn để chăn dắt và lãnh đạo dân (c.2b)
Vua của Israel không thuần túy là 1 thể chế chính trị như các lần quốc, đó là một đặc sủng do Thiên Chúa ban tặng: vua là người được Chúa chọn, được xức dầu, được thần khí Chúa chiếm đoạt và thúc đẩy làm những việc Chúa muốn: Đnl 17, 14 -20.
Đọc Kinh Thánh, ta nhận thấy Đavit hội đủ các điều kiện trên: ông là người Israel; ông đã từng vào sinh ra tử cùng Saul và dân ngay lúc còn là một cậu bé chăn cừu để chống kẻ thù Philitinh (Goliat), và sau này khi thống nhất giang sơn, ông làm quốc gia nên hùng mạnh, dân sống hạnh phúc, thái bình; Còn việc được Chúa chọn thì quá rõ: ngay khi Saul còn tại vị, Chúa đã sai Samuel xức dầu tấn phong ông và ông đã được đầy tràn thần khí của Thiên Chúa (x. 1Sm 16, 12b – 13b).
Những điểm trên đem áp dụng vào Đức Giêsu còn đúng hơn nữa:
-
Với nhập thể, Đức Giêsu quả thật trở nên cùng “cốt nhục” nhân loại với chúng ta, là trưởng tử của đàn em đông đúc.
-
Với thập giá, Người đã đi đầu trong cuộc chiến triệt hạ kẻ thù hung dữ nhất của nhân loại là quỷ ma, tội lỗi; và với phục sinh, Người bảo đảm mọi hạnh phúc cho dân.
-
Người địch thật là Đấng Kitô của Thiên Chúa, Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn, đẹp lòng Thiên Chúa mọi đàng, Đấng tràn đầy Thần Khí và hơn nữa còn tuôn ban Thần Khí cho môn đệ.
Trong chiều hướng trên, chúng ta mừng lễ Đức Giêsu vua vũ trụ có nghĩa là chúng ta nhìn nhận rằng Người là cội nguồn và cùng đích mọi ân huệ mà chúng ta và toàn thể tạo thành đã, đang và sẽ thọ hưởng với tất cả lòng biết ơn và thần phục nhất là đối với con đường Thập Giá.
-
Đavit: Vua toàn cõi Israel (5,3).
* Các đối tác: “Toàn thể các KỲ MỤC Israel” với “VUA Đavit”
Trong câu 3, xuất hiện 3 chữ VUA. Việc ký giao ước diễn ra giữa các thủ lãnh của NƯỚC Israrel với cá nhân của VUA Đavit. Vậy đây là một liên minh riêng giữa Đavit với các chi tộc phía bắc hơn là sự thống nhất giữa 2 miền Bắc và Nam. Vậy điểm nối kết và giải phóng dân tộc chính là con người Đavit chứ không phải là công trình thương lượng giữa 2 miền. Mặt khác khi các chi tộc miền bắc đến với cá nhân của Đavit (c1: không có tước vua đi trước tên Đavit) và sau đó các thủ lĩnh, kỳ mục của họ nhận Đavit là VUA, dường như các chi tộc phía bắc muốn nói rằng họ chỉ công nhận vương quyền của Đavit trên họ, chứ chứ muốn sát nhập với Giuđa và cũng chẳng hứa sẽ tùng phục các người kế vị Đavit (vì thiếu 3 yếu tố họ đưa ra ở các câu 1 – 2). Vậy vương quyền họ công nhận là chỉ dành riêng cho Đavit và không có tính chia sẻ và truyền ngôi.
Các chi tiết và cách hiểu trên làm nổi bật và rất phù hợp với việc xem Đavit là hình ảnh tiên trưng cho Đức Giêsu, Đấng duy nhất là VUA đích thật, sẽ thực hiện sự hiệp nhất và giải cứu toàn thể vũ trụ trong chính con người của Người.
* VUA Đavit lập giao ước với họ
Phần mình, Đavit chấp thuận giữ những điều họ yêu cầu ở các câu 1 – 2; phần họ, các chi tộc phía bắc tôn nhận Đavit làm vua của họ. Không thấy để cập đến 2 miền Bắc và Nam thống nhất. Dường như Đavit là vua 2 miền hơn là vua một nước thống nhất. Thật vậy, đến thời Salomon, Giuđa và các chi phía bắc có 2 quy chế khác nhau (x. 1V 4,7.19b). Chính đó là một nguyên do làm Israel lại bị tách ra làm 2 thành 2 nước sau khi Salomon qua đời.
Vậy vương quyền của Đavit thật là đặc biệt: nó là quan hệ giữa người với người nhìn nhận nhau và ý thức bổn phận đối với nhau hơn là được biểu thị thành thể chế hữu hình. Thật ra, nước của Đavit chỉ hiệp nhất vào thời của ông mà thôi, vì ngay thời Salomon, mầm chia rẽ đã xuất hiện (x. 1V 11, 26 – 39). Đây cũng là nét tiên báo vương quyền của Đức Giêsu: Người là vua của lòng người chứ không của một thể chế, tên trộm lành là 1 minh họa.
* Trước nhan ĐỨC CHÚA
Việc nhìn nhận nhau và kết ước được bảo đảm, đặt dưới sự bảo trợ của Thiên Chúa. Do đó một khi rời xa Thiên Chúa, giao ước giữa họ sẽ bị phá vỡ, vương quyền thống nhất bị đe dọa: cuối đời vua Salomon là một minh họa.
* Rồi họ xức dầu tấn phong Đavit làm vua Israel.
(Nghi thức công khai nhìn nhận quyền vua của đấng đã được xức dầu. Xức dầu lần này không phải để ban ân sủng mà để công khai nhận và làm lộ rõ ân sủng đã có sẵn nơi Đavit.
-
Tóm kết
Các chi tiết của bài đọc I phản ánh lại những nét đặc trưng của thể chế quân chủ thần quyền độc đáo của dân Chúa: vua vừa là người được Thiên Chúa chọn để chăn dắt dân theo đường lối Chúa, vừa là người được toàn dân nhìn nhận. Trong lịch sử Israel, có lẽ chỉ có mỗi một mình Đavit là người duy nhất đáp ứng đầy đủ những điều kiện này. Chính vì thế ông đã trở thành vị vua mẫu mực cho mọi thời của người Do Thái và là hình ảnh tiên trưng cho vị Mêsia – Vua của Thiên Chúa.
Với những đòi hỏi được nêu trong bài đọc I, tước “VUA VŨ TRỤ” mà chúng ta dùng để tôn vinh Đức Giêsu, không còn bị hiểu lầm với tước vua của chế độ quân chủ phong kiến. Bởi vì vương quyền của Người là độc đáo, duy nhất: phát xuất từ Thiên Chúa để hướng dẫn mọi sự đi vào đường lối của Thiên Chúa, quy tụ tất cả về cho Chúa hầu hưởng trọn chân phúc mà Thiên Chúa đã hứa ban tặng cho con cái Người.
TIN MỪNG: Lc 23, 35 – 43
Tin Mừng cứu độ của Luca đang đi tới đỉnh cao: Đức Giêsu đã bị trao nộp, bị xử án, bị vác thập giá, đi tới Đồi Sọ và chịu đóng đinh giữa 2 tên gian phi (23, 33). Nhưng chính trong những giây phút bi thảm nhất ấy của kiếp người, ơn tha thứ được biểu lộ tỏ tường vô điều kiện (23, 24). Trước tình yêu tha thứ ấy, đáp trả của con người như thế nào? Bất chấp những nhục mạ, chế giễu (23, 35 – 39), ơn cứu độ vẫn trổ sinh hoa trái: Tên gian phi hối cải đã nhận ra vương quyền của Đức Giêsu, đã xin Người nhớ đến y khi vào Nước của Người và đã được Vua thập giá nhận lời (40, 43). Sau khi biểu lộ quyền vua, Đức Giêsu tắt thở trong tâm tình hoàn toàn phó thác cho Cha (44 – 46). Cái chết tuân phục ấy đã mở ra đường sống cho nhân loại: căn tính Đức Giêsu được nhìn nhận và nhiều người đã sám hối (47 – 49).
Bài đọc I trích đoạn Đức Giêsu bị các thủ lãnh Do Thái và lính Rôma nhục mạ nhưng chính trong hoàn cảnh ấy Người đã biểu lộ vương quyền qua việc chuẩn nhận tên gian phi sám hối vào Nước Người.
-
Cơn cám dỗ cuối cùng dành cho VUA thập giá (Lc 23, 35 – 39).
Với bản án phía trên đầu Đức Giêsu (38), lời bọn lính (37) và của tên gian phi sám hối (42), Luca khéo léo mặc khải Đức Giêsu thật là VUA, nhưng là vị vua thập giá. Rồi 3 lời thách thức nhạo báng của các thủ lãnh (35b), của bọn lính (37) và của tên gian phi cứng lòng, gợi lại 3 cơn cám dỗ Đức Giêsu phải chịu lúc khởi đầu sứ vụ công khai: dù đã bại trận, tên Đối Thủ truyền kiếp của Thiên Chúa vẫn còn nuôi hy vọng và đe dọa tìm dịp khác (x. Lc 4, 13). Giờ đây hắn trở lại và đang tuyệt vọng dốc toàn lực lần cuối mong dụ Đức Giêsu bước ra khỏi thập giá. Lại thất bại! Thất bại vĩnh viễn! Còn Đức Giêsu âm thầm, im lặng tỏ lộ vương quyền thập giá của mình để cứu độ những ai sám hối, tin.
* Thái độ của dân chúng: “Đứng NHÌN”
“NHÌN” gợi lại Dcr 12, 10 – 14: vào ngày Chúa giải cứu Giêrusalem, dân chúng sẽ được ơn hoán cải, “ngước NHÌN lên Chúa” than khóc tội mình. Đây là thái độ thinh lặng kính cẩn của dân được hoán cải nhờ hồng ân Chúa, báo trước việc họ sám hối ở 23, 48. Vậy với thập giá Đức Giêsu, thời can thiệp dứt khoát để cứu dân Người đã tới, Thiên Chúa hoàn tất lời hứa cứu độ chung cuộc. Luca nhìn “đám đông” với thiện cảm: 3, 10 – 14.
*Cơn cám dỗ: các lời nhạo báng thách thức
– Của các thủ lãnh: hả hê nói với nhau nhạo báng Đức Giêsu (c. 35b)
– Của bọn lính khi đưa dấm cho Người uống (c.36)
Đức Giêsu quả thật đã cứu được các kẻ khác qua các phép lạ, Người quả thật là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”: 2, 26; là “người được tuyển chọn”: 9, 35; là “vua dân Do Thái” kế vị Đavit 1, 32-33; hơn nữa Người là Con Thiên Chúa: 4,3.9; 9,35. Vậy Người hãy dùng quyền năng thiên sai và thần linh của mình để rời khỏi thập giá đi.
-
Lời ghi trên tấm bảng kết án: “Đây là vua người Do Thái”
Trong Luca, đây là lý do duy nhất các thủ lãnh đưa ra để đòi giết Đức Giêsu (23, 2.3 và chú thích q, CGKPV Tân Ước). Vậy ở đây tước hiệu này mang màu sắc chính trị. Chính cách hiểu mập mờ hàm hồ ấy đã là nguyên do của bản án và những lời chế giễu. Tuy nhiên. Thiên Chúa đã tương kế tựu kế dùng chúng như là những phương tiện để mặc khải vương quyền của Đức Giêsu và cách thức mà Người chọn để biểu lộ vương quyền ấy.
-
Lời khích bác của 1 tên gian phi: (c.39)
Cũng có 2 ý như các lời trên: căn tính Đức Giêsu và tự cứu; rồi thêm “và cứu cả chúng tôi với”. Sự hiện diện của 2 tên gian phi làm ứng nghiệm lời Kinh Thánh “Người bị liệt vào hạng phạm pháp” (Is 53, 12) mà Đức Giêsu đã báo trước trong buổi Tiệc Ly (22, 37)
Lời thách thức “…cứu cả chúng tôi nữa” của tên gian phi này quả là một cơn cám dỗ ghê gớm đối với Đức Giêsu. “Cứu kẻ khác” nhất là kẻ lên tiếng kêu cầu, đó không phải là sứ vụ chính yếu mà Đức Giêsu đã nhận từ Thiên Chúa đó sao? Trước kia, những lời van xin như thế đều được đáp cứu, giờ đây nếu Người không cứu vớt kẻ khốn cùng van xin thì liệu Người có còn là Đấng Mêsia của Thiên Chúa nữa không?
Nét gian ngoa của cơn cám dỗ này là bóp méo cái nhìn về sứ mạng cứu vớt của Đấng Mêsia: đó phải là 1 sự thể hiện ý Cha; Thế nhưng trong trường hợp này, việc cứu vớt tên gian phi được gắn liền với việc “tự cứu mình” bằng quyền năng thiên sai; rời khỏi Thập Giá, điều này ngược với ý Cha. Cái gian ác của cơn cám dỗ này là dùng 1 sự kiện đột xuất chóng qua, thoáng nhìn thì có vẻ phù hợp với sứ vụ thiên sai, để đẩy Đức Giêsu đi lệch khỏi cái dự tính muôn đời của Cha. Vậy phải sáng suốt biện phân sao cho mọi công việc ta làm đều nhằm thể hiện ý định từ muôn đời của Cha chứ không nhằm hoàn tất một công cuộc cụ thể nào. Tóm lại, Đức Giêsu đúng là Vua, là Mêsia .., tuy nhiên Người thể hiện quyền bính theo đường lối của Thiên Chúa, nghĩa là trên thập giá.
-
Biểu lộ vương quyền: (Lc23, 40-43)
Vương quyền Đức Giêsu được biểu lộ qua việc hoán cải tên gian phi và nhận y vào Nước Người.
2.1 Cải hóa tên gian phi qua việc giúp y:
* Biện phân phải trái đưa đến lòng kính sợ Thiên Chúa: lời trách tên gian phi kia (40)
* Thành tâm nhận mình sai trái, vui lòng nhận hình phạt không chạy trốn hậu quả của những sai trái mình (41a)
Ơn cứu độ do Đức Giêsu mang tới là ơn nhưng không, tuy nhiên phần con người phải nhận ra thực tại ấy, mở lòng và đón nhận. Thái độ trái ngược nhau của 2 tên gian phi là một minh họa:
Tên gian phi 1 không chịu nhận thực tại của mình là kẻ tội lỗi đáng chịu án phạt như vậy. Y chạy trốn trách nhiệm và những hậu quả do tội gây ra rồi đổ qua Đức Giêsu đòi Người làm 1 phép lạ xí xóa tất cả. Y chỉ đòi quyền lợi mà không chịu nhận trách nhiệm. Và vì không tin nên những đòi hỏi của y biến thành lời chế giễu.
Tên gian phi 2, trái lại, đã nhận ra thực tại của mình khi cùng chịu đóng đinh với Đức Giêsu. Từ đó trong y nảy sinh lòng kính sợ Chúa; chấp nhận mọi hậu quả trong tinh thần trách nhiệm không trốn chạy;
để rồi cuối cùng nhận ra Đức Giêsu vô tội, cái chết của Người có một cái gì đó huyền nhiệm nên y đã ngỏ lời kêu xin.
* Nhận ra Đức Giê su là VUA và kêu cứu: “Ông Giê su ơi, khi ông vào NƯỚC CỦA ÔNG, xin nhớ đến tôi”.
(kêu cứu với tên Giê su không kèm một tước hiệu Kitô học nào: nhấn mạnh nhân tính với hình phạt thập giá trước mắt. Chính Thập Giá mặc khải Giêsu là Vua.
“NƯỚC của ông”: tuyên xưng Giê su thật là VUA.
“Nhớ đến”: động từ dùng cho Thiên Chúa khi muốn nói Người sắp can thiệp cứu vớt: St 8, 1; 9, 15; 19, 29; 30, 22; Xh 2, 24; 6, 5; Lv 26, 42 – 45; Tv 106, 45.
“Xin nhớ đến” là lời dân Chúa cầu xin lòng thương xót Chúa trước các lỗi phạm của dân: Tv 103, 14; 115, 12; 136, 23; hoặc là để xin Chúa thực thi điều đã hứa: 132, 1.
Trong thực tế, tên gian phi không thể nhận ra căn tính thần linh của Đức Giêsu lúc này được, nhưng Luca khi viết bản văn này là có ý đó. Vậy đây là cao điểm của lời tuyên xưng đức tin của nhân loại tội lỗi đang trong cảnh khốn cùng mà tên gian phi là đại diện. Y tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu là Mêsia và là Vua trong chính lúc mà mọi sự xem ra như đã sụp đổ. Cái chết của Đức Giêsu không phải là điểm chấm hết, cáo chung của sự nghiệp Giêsu; đây là buổi đăng quang, công khai mặc khải vương triều thập giá.
2.2. Biểu lộ vương quyền: nhận tên gian phi sám hối vào Nước Người (23, 43)
* “Amen”: quả thật
Lời khẳng định long trọng, dứt khoát. Điều sắp nói là một chân lý mặc khải.
* “Hôm nay”
Ơn cứu độ do Đức Giêsu mang tới luôn là một cái gì hiện tại. Ngay giờ phút này, trên thập giá, Đức Giê su khai mạc vương triều cứu độ. Việc này được thực hiện ngay tức khắc, tại chỗ chứ không là việc tương lai: đợi sau Phục Sinh hoặc ngày thế mạt.
* “Anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng”.
“ở với tôi”: đây là một điều then chốt của ơn cứu độ do Đức Giêsu mang đến: có Thiên Chúa ở cùng. Đức Giêsu là Emmanuel, chỉ cần đón nhận Người, ở với Người là đủ. Hạnh phúc được hứa ban cho tên gian phi chính là được sống thân tình với Đức Giê su, Đấng mà y đang chia sẻ số phận với Người trên Thập Giá. Chính ngay tại Thập Giá, y được hứa thiên đàng dù tư cách của y lúc đó là một tội phạm đang thụ án. Thiên đàng là “ở với Đức Giê su”.
Như vậy, qua hành động đón nhận tên gian phi vào thiên đàng, Đức Giê su đã trả lời cho các lời thách đố, chế giễu của các đối thủ: Người đích thật là Đức Kitô, là Vua, là Đấng đáp cứu nhân loại khổ đau; nhưng không phải bằng cách cứu họ khỏi cái chết, đau khổ tạm thời nghĩa là miễn cho họ phận làm người, mà là bằng cách đảm nhận làm của mình tất cả hệ lụy của phận người ấy kể cả khổ đau, cái chết như là một chặng đường phải vượt qua để đi đến sự sống và hạnh phúc đích thật trong Nước Trời.
-
Tóm kết
Ngang qua hình ảnh giễu cợt, mỉa mai, hàm hồ về ý nghĩa: trên đầu một tử tội lại treo tấm bảng ghi “Vua dân Do Thái”, và ngang qua những phản ứng trái nghịch nhau của những hạng người khác nhau có mặt lúc đó, Tin Mừng mời gọi ta chiêm ngắm một vị vua kỳ lạ: đăng quang và biểu lộ quyền vua trên thập giá khổ hình. Lời Chúa mời ta suy gẫm đường lối ngược đời này của Chúa, lối hành động vâng phục của Đức Giêsu. Chính qua cái chết thập giá , Đức Giêsu làm lời Kinh Thánh nên hoàn tất và từ đó, tâm tư con người được bộc lộ ra tỏ tường. Cuộc phán xét chung cuộc của vị vua Mêsia đã được báo trước từ lâu nay đã thể hiện trọn vẹn nơi đây, hôm nay. Tuy nhiên Luca chỉ nhấn mạnh tới khía cạnh CỨU. Chính trên thập giá, Đức Giêsu biểu lộ vương quyền cứu thần dân bằng cách giúp họ tin tưởng vượt qua cái chết thể xác để cùng Người tiến vào Nước của Người. Hãy suy phục và thờ lạy Vua Giê su, vua Thập giá.
INRI = JESUS
NazaRenus
Rex
JudaeoRum
Frère Pierre Đình Long FSC