CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG ABC

Cv 2,1-11; Ga 20,19-23

Chủ đề: Thánh Thần được trao ban cho đoàn môn đệ, và các hoa trái của hồng ân Thánh Thần.

*Cv 2,4: Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho.

*Ga 20,22b.23a: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha.

  Hôm nay Giáo Hộ mừng kính trọng thể lễ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG. Hồng ân Thánh Thần mà Chúa Cha đã hứa ban và được Đấng Phục Sinh nói tới (x. Cv 1,4) nay được công khai thực hiện cho Nhóm Môn Đệ tiên khởi và diễn ra tỏ tường trước mắt toàn dân Do Thái lẫn dân ngoại đang có mặt tại Thành Giêrusalem mừng lễ NGŨ TUẦN theo luật Môsê. Lễ Ngũ Tuần Do Thái là lễ dân Chúa tưởng niệm việc Chúa ban cho họ lề luật, thiết lập giao ước với Dân tại núi Sinai. Biến cố Thiên Chúa hiện xuống núi Sinai kết Giao Ước với Dân qua Môsê diễn ra vào NGÀY THỨ 50 kể từ ngày 14 Nishan là ngày sát tế chiên Vượt Qua cử hành đại lễ Vượt Qua ngay tại đất Ai Cập (x. Xh 12, 6-11).

   Lễ Phục Sinh và Hiện Xuống của kitô giáo được thực hiện trong khung cảnh hai lễ Vượt Qua và Lễ Ngũ Tuần của người Do Thái. Việc đặt song song hai biến cố của Tân Ước là  Phục Sinh và trao ban Thánh Thần với hai biến cố Cựu Ước là Vượt Qua và trao ban luật Giao Ước  tại núi Sinai, vừa cho thấy tính liên tục, kế thừa, vừa cho thấy sự trổi vượt hơn hẳn của kitô giáo so với Do  Thái  giáo: Chiên vượt qua chỉ đưa người Do Thái ra khỏi Ai Cập nô lệ; Đó chỉ là hình bóng báo trước mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô – Chiên Vượt Qua vẹn toàn – đưa TOÀN THỂ NHÂN LOẠI, qua nhân tính Đức Giêsu vĩnh viễn chiến thắng Thần Chết-vào trong sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa.

  Luật Sinai là những văn tự được khắc trên hai Bia Đá, từ nay được thay thế bằng Thần Khí là luật sống được khắc vào con tim mỗi người (x. Gr 31,33; 2Cr 3,3). Văn tự đưa tới chết chóc, Thần Khí mới làm cho sống (2Cr 3,6).

   Lời Chúa của lễ Hiện Xuống hướng vào hai điểm chính:

1/Thánh Thần được trao ban cho đoàn môn đệ.
2/ Các hoa trái của hồng ân Thánh Thần.

  Năm B chúng ta đã đề cập tổng quát đến cả hai điểm trên. Năm C này nhấn mạnh hơn một số chi tiết của điểm 1: Hồng ân Thánh Thần được trao ban cho đoàn môn đệ.

  Theo Tin Mừng Ga 20,19, thời điểm trao ban Thánh Thần là chiều ngày thứ nhất trong tuần, ngay sau lúc khám phá ra ngôi mộ trống và người môn đệ được Chúa yêu đã tin rằng Thầy mình đã phục sinh dù Người chưa hiện ra cho ai. Người trao ban Chúa Thánh Thần là đích thân Đấng Phục Sinh;  Đối tượng được trao ban là nhóm mười môn đệ (Ga 20,24: Giuđa Itcariot đã chết; Tôma vắng mặt); Cách thức Đấng Phục Sinh sử dụng để trao ban Thánh Thần là THỔI HƠI: “Người thổi hơi vào các ông và bảo: anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Chi tiết “thổi hơi” gợi lại công trình tạo dựng nên con người Adam thành một sinh vật đầy sức sống (x. St 2,7). “Thổi hơi” cũng gợi lại công cuộc tái tạo, hồi sinh dân Israel qua thị kiến của Edêkien: ĐỨC CHÚA dùng Thần Khí đem Edêkien đến một thung lũng đầy xương cốt, rồi hỏi ông: “Hỡi con người (Chúa gọi Edêkien là “con người”), liệu các xương này có hồi sinh được không?… Và ĐỨC CHÚA đã truyền lệnh cho Edêkien “…tuyên sấm đi, hỡi con người! Ngươi hãy nói với thần khí… hỡi thần khí hãy đến THỔI VÀO những người đã chết này cho chúng được hồi sinh” … và đám xương khô đã được thần khí nhập vào, trở nên một quần đảo lớn đông vô kể (x. Ed 37,4-10).

   Qua cụm từ “Thổi hơi vào các môn đệ” Thánh Thần được mặc khải như là hồn sống, sinh lực của Giáo Hội: Chúa Thánh Thần như là linh hồn của Giáo Hội (GLHTCG 797). Nhờ “hơi thở thần khí”, Giáo Hội trở thành Nhiệm Thể sống động, có Đấng Phục Sinh là Đầu và Thánh Thần là linh hồn linh hoạt, nhờ đó Giáo Hội mới tiếp tục và hoàn tất được sứ mạng của CHA mà Đấng Phục Sinh trao phó (x.Ga 20,21).

   Trong bài đọc 1, sách Công Vụ Tông Đồ đã dùng thể văn thần hiện để diễn tả biến cố Hiện Xuống qua những hình ảnh truyền thống quen thuộc trong Kinh Thánh, vay mượn từ hai lần Thiên Chúa hiện ra cho Môsê và cho Elia đều diễn ra ở Núi Sinai: Đó là LỬA (x. Xh 19,18) và GIÓ (x. 1V 19,11-12). Thời điểm Thánh Thần ngự xuống là lễ Ngũ Tuần Do Thái, tức 50 ngày sau phục sinh. Đối tượng được trao ban, thoạt nhìn tưởng rằng chỉ có đoàn môn đệ tiên khởi (x. Cv 1, 12-15) được hưởng nhờ hồng phúc Thánh Thần (x.Cv. 2,1-4), nhưng thật ra, tất cả những người đạo đức của dân Cựu Ước đang từ khắp nơi quy tụ về Giêsusalem để dự lễ Ngũ Tuần  đều cảm nhận được biến cố và được thông phần ơn huệ Thánh Thần; họ được Thần Khí lôi cuốn đến nơi các tông đồ đang cư ngụ (c.6), nghe các tông đồ loan báo những  “kỳ công của Thiên Chúa” bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình (cc.7-11). Chi tiết đó hàm ý rằng cuộc chia rẽ do vụ Tháp Babel gây ra (x.st 11,6-8), nay được Chúa Thánh Thần khắc phục. Thời hoạt động của Giáo Hội và Chúa Thánh Thần bắt đầu.

  Qua Giáo Hội tông truyền, Chúa Thánh Thần được trao ban rộng rãi cho các tín hữu nhờ bí tích Thêm Sức. Ước mong mọi tín hữu biết mở rộng tâm hồn cho Chúa Thánh Thần để Người biến chúng ta nên chi thể của Nhiệm Thể Đức Kitô và trở nên công cụ, thừa tác viên hữu hiệu loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho nhân thế.

Frères Đình Long FSC