CHÚA NHẬT LỄ ĐỨC MARIA MẸ THIÊN CHÚA

Bài 1

Ds 6, 22 – 27; Gl 4, 4 – 7; Lc 2, 16 – 21
Chủ đề: Maria Mẹ Thiên Chúa: đó là dự tính của chính Thiên Chúa

* Gl 4, 4: Khi thời gian tới hồi viên mãn Thiên Chúa đã sai Con mình tới sinh làm con một người phụ nữ

* Lc 2, 21: Giêsu là tên mà sứ thần đã đặt cho Người khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.

   Năm nay lễ Giáng Sinh 25/12 rơi vào Chúa Nhật, do đó ngày lễ “Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa” cử hành vào ngày 1/1 cũng rơi vào Chúa Nhật. Như vậy Lễ Thánh Gia (cử hành vào Chúa Nhật ngay sau ngày 25/12) và Lễ Mẹ Thiên Chúa bị chồng lên nhau.

   Theo lịch phụng vụ thì lễ Mẹ Thiên Chúa là bậc lễ TRỌNG, còn lễ Thánh Gia là bậc lễ KÍNH nên phải cử hành lễ Mẹ Thiên Chúa; Còn lễ Thánh Gia sẽ được dời vào 1 ngày nào đó trong tuần.

   Niềm tin “Maria là Mẹ Thiên Chúa” đã có trong cộng đoàn các tín hữu từ những thế kỷ đầu của Kitô giáo. Nhưng đến năm 428, Thượng phụ giáo chủ Constantinope là Nestorio đã phủ nhận tước hiệu này vì ông cho rằng Đức Giêsu có 2 ngôi vị: Ngôi Vị Thần Linh là Ngôi Lời Thiên Chúa; và ngôi vị nhân loại là con người Giêsu; Hai ngôi vị này liên kết với nhau trong hữu thể Giêsu; Và Đức Mẹ chỉ sinh ra ngôi vị Giêsu hoàn toàn tách biệt với ngôi vị Thiên Chúa, nên không thể gọi Maria là “Mẹ Thiên Chúa” được.

   Thánh Xirilô thành Alexandria và Công Đồng chung thứ III họp tại Ephêsô đã chống lại thuyết đó và tuyên xưng đức tin vào năm 431: “Ngôi Lời đã làm người khi kết hợp trong ngôi vị mình một thân xác do một linh hồn làm cho sống động”, nghĩa là Ngôi Lời đã đảm nhận nhân tính của Giêsu làm của Người. Từ đó SGLHTCG số 466 khẳng định điều mà công đồng Ephêsô năm 431 đã công bố: “Đức Maria thật sự trở thành Mẹ Thiên Chúa qua việc Con Thiên Chúa làm người trong lòng Mẹ”.

    Để làm rõ hơn điều Công Đồng Ephêsô đã tuyên tín, Công Đồng chung thứ IV họp tại Canxêđônia năm 451 tuyên bố: Đức Giêsu chỉ có duy nhất MỘT NGÔI VỊ THẦN LINH, nhưng có 2 bản tính Thiên Chúa và nhân loại; “Hai bản tính không lẫn lộn, không thay đổi, không phân chia, không tách biệt” (sđđ số 467).

    Như vậy, Đức Giêsu đích thực là một Ngôi Vị thần linh, Người thật là Thiên Chúa. Và theo ý Cha, khi thời gian tới hồi mãn, Thiên Chúa đã sai con mình tới sinh làm con một người phụ nữ … (Gl 4, 4). Người phụ nữ đó chính là Maria (Lc 1, 20 – 33). Đó là dự tính từ muôn đời của Chúa Cha.

   Maria thật sự là Mẹ Thiên Chúa! Chính Sách Tin Mừng cũng khẳng định như thế: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Maria … vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1, 35). Và bà Elisabet tràn đầy Thánh Thần cũng đã tuyên xưng “bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1, 43).

  Vậy Hài Nhi được Maria cưu mang trong lòng là Con Thiên Chúa, là Đức Chúa. Maria thật sự là MẸ THIÊN CHÚA.

   Cử hành lễ này vào cuối tuần Bát Nhật Giáng Sinh, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta sự liên kết bất khả phân ly giữa Mẹ với Đức Giêsu, “Con – Thiên Chúa làm – người”; Từ đó nhận ra vai trò duy nhất, bất khả thay thế của Mẹ trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa: Vai trò làm Mẹ Đức Giêsu là Ngôi – Lời – nhập thể – làm – người”, là “Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật”.  Do tầm quan trọng lớn lao của Mẹ, nên việc kính nhớ Mẹ là Mẹ Thiên Chúa được Giáo Hội đề cao, đòi buộc phụng vụ ngày hôm nay không được phép cử hành nghi lễ nào khác làm lu mờ, hoặc một cách nào đó làm giảm tính cách trọng thể của lễ này. Vì thế, lễ Thánh Gia thường cử hành vào Chúa Nhật ngay sau lễ Giáng Sinh, phải nhường quyền ưu tiên cho lễ Mẹ Thiên Chúa nếu 1/1 rơi vào Chúa Nhật sau lễ Giáng Sinh như năm nay.

   Trong chiều hướng đó, phụng vụ Lời Chúa hôm nay, đặc biệt trong Tin Mừng và bài đọc 2 đều qui về chủ đề vai trò làm Mẹ Thiên Chúa của MARIA.

    Tin Mừng kể lại sự kiện các người chăn chiên tin lời các thiên thần đi đến Bêlem để chiêm ngắm “Tin Mừng trọng đại”, để nhận diện “Đấng Cứu Độ là Kitô ĐỨC CHÚA” (Lc 2, 10 – 11). Sự kiện họ thấy trước mắt chỉ là 1 gia đình nghèo có Mẹ là Maria, Cha là Giuse và HÀI NHI là Con được đặt nằm trong máng cỏ. Bấy nhiêu thôi cũng đủ làm cuộc đời họ thay đổi: họ trở về trong vui mừng tôn vinh Thiên Chúa.

   Sự kiện bình thường ấy đã được Phaolo chiêm niệm nhận ra ý nghĩa thần linh và chia sẻ cho chúng ra trong thư Galat, được chọn làm bài đọc 2: Hài Nhi trong máng cỏ chính là Con Thiên Chúa, theo Ý Cha đã thực sự trở thành con một phụ nữ, đó là Maria. Việc Con Thiên Chúa làm con Maria còn kéo theo hoa trái tuyệt vời hơn nữ cho toàn vũ trụ: tất cả nhân loại được đầy thần khí Thiên Chúa dám gọi Thiên Chúa là ABBA – Cha trở thành nghĩa tử Thiên Chúa. Đó chính là PHÚC LÀNH cao cả nhất mà Thiên Chúa dành cho nhân loại, đã được báo trước trong bài đọc 1.

     Mừng Maria là Mẹ Thiên Chúa cũng là mừng ơn gọi được làm con Thiên Chúa của chúng ta. Hãy tạ ơn, tán dương Chúa đã chọn Mẹ làm Mẹ “Con – Thiên Chúa – làm – người” và qua Người Con đó, Thiên Chúa cho ta ơn được làm con Chúa, được tràn đầy Thánh Thần, được đồng thừa tự với Đức Kitô, được gọi Thiên Chúa là Cha (Rm 8, 15 – 17).

Bài 2

   Đến Bêlem, các mục đồng gặp cả bà Maria, và ông Giuse và Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này … Bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy suy đi nghĩ lại trong lòng (Lc 2, 16, 17.19).

    Hôm nay Hội Thánh long trọng mừng kính lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. “Mẹ Thiên Chúa” là danh hiệu Hội Thánh dành cho Đức Maria, Đấng đã được Thiên Chúa tuyển chọn trao cho sứ mạng cưu mang và sinh hạ Đức Giêsu; Đấng mà đức tin Công Giáo tuyên xưng là Đức Kitô, là Con Thiên Chúa, là Đức Chúa (x. Lc 2, 11; Mc 1,1; Ga 20, 31). Công đồng Êphêsô đã chính thức phê chuẩn danh hiệu này vào năm 431 và “Maria Mẹ Thiên Chúa” trở nên 1 tín điều của đức tin Công Giáo.

     Như vậy danh xưng “Maria, Mẹ Thiên Chúa” là hoa trái của một tín điều nền tảng của đức tin kitô giáo, một tín điều liên quan mật thiết tới Đức Giêsu: Người vừa là Thiên Chúa thật, vừa là con người thật. Hai bản tính bất khả phân ly được kết hợp bền vững, vĩnh cửu trong một Ngôi Vị thần linh duy nhất (x. GLHTCG 466). Trong hữu thể duy nhất Giêsu bao gồm cả bản tính Thiên Chúa trọn vẹn cùng với bản tính nhân loại trọn vẹn với hồn và xác, nhưng chỉ là 1 ngôi vị thần linh.

   Trên bình diện ngôn ngữ, danh xưng “Mẹ Thiên Chúa” phát xuất từ một danh từ hi lạp THÊÔTÔKÔS. Từ này không có trong các bản văn Tân Ước, lần đầu tiên xuất hiện trong một tài liệu của thánh giáo phụ hi lạp Hippolitô (+ 235) ở Rôma (x. An – phông – sô Bốt – sa “Từ điển Đức Mẹ” 1998, trang 373). Trong Lc 1, 43, bà Êlisabet có chào Đức Maria là “Mẹ Thiên Chúa” nhưng trong tiếng hi lạp là “he meter tôu kuriôu, chứ không là Thêôtôkôs.

    Trong tiếng hi lạp, “thêôs” = “Thiên Chúa”; “tôkôs” = “hành vi sinh con”, hoặc “các mà được sinh ra”, từ đó có thể hiểu là “đứa con” hay “chồi non”. Hai từ trên ghép lại có thể hiểu là “Đấng được sinh ra là Thiên Chúa”, như thế thì người sinh ra “Đấng ấy” là “Mẹ Thiên Chúa” (x. Từ điển Công Giáo “Mẹ Thiên Chúa”). Vậy điểm cốt lõi của vấn đề chính yếu là ở nơi con người Đức Giêsu: Người vốn là Thiên Chúa thật (Pl 2, 6), nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, đã được Thiên Chúa sai xuống trần, sinh làm con 1 người phụ nữ (Gl 4,4).

    Vậy ơn gọi làm “mẹ của Đức Giêsu” của Maria không phát xuất từ một dự tính của nhân loại, của đôi hôn phối mà là 1 sáng kiến lạ lùng từ ngàn đời của chính Thiên Chúa dành cho Maria và qua Mẹ, cùng dành cho toàn thế giới “tin mừng cho tòan dân” (Lc 2,10). Và khi đến thời đến buổi, Thiên Chúa mời Maria cộng tác trong vai trò “làm mẹ của Con của Người”. Và điều đó diễn ra NGAY TỨC KHẮC, lúc mà Maria đáp “này đây tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi theo như lời nói của sứ thần (Lc 1,38). Và mầm sống mà Maria đón nhận vào lòng mình là Con Thiên Chúa, là Kitô – Đức Chúa. Vậy người con do Maria sinh ra đã là Thiên Chúa ngay từ lúc đầu thai vào lòng mẹ. Mẹ thật là thêôtôkôs = Mẹ Thiên Chúa.

   Kỳ công tuyệt vời ấy, Thiên Chúa đã từng bước một thực hiện trong dòng lịch sử nhân loại: nhân tính tội lỗi, mục nát, phải chết, của con người đã được Ngôi Lời thần linh kết hợp nên một cách bền vững và vĩnh viễn để từ từ thông chuyển sức sống thần linh, thấm nhiễm dần vào nhân tính, tẩy sạch các vết nhơ, chữa lành các yếu tố mục nát, để rồi cuối cùng được hoàn toàn thông phần thiên tính, thân xác con người sẽ được phục sinh vào ngày “Đức Giêsu – Chúa” quang lâm.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay gợi lại vài giai đoạn của công trình kỳ diệu đó của Thiên Chúa.

BÀI ĐỌC I: Ds 6, 22-27

   Đoàn người nô lệ Do Thái, vừa được Chúa giải cứu ra khỏi ách nô lệ, diệt chủng của Ai Cập, vượt Biển Đỏ và tiến về núi Sinai. Họ chưa là 1 dân, chỉ là 1 đám ô hợp, không có kỷ luật, dòng máu nô lệ đang còn ngập tràn trong huyết quản của họ.

    Nhưng rồi, tại núi Sinai, Yavê đã kết Giao Ước với họ, ban cho họ Luật, MƯỜI LỜI biến đổi họ thành 1 dân có kỷ cương tổ chức. Và tuyệt vời hơn cả là họ được nên gần gủi với Chúa, họ được Chúa đồng hành cách hữu hình dưới dạng thức HÒM BIA; Yavê chia sẻ thân phận lữ hành bấp bênh như họ trong 1 chiếc lều: LỀU HỘI NGỘ. Lúc này Yavê thật là một “Thiên – Chúa – ở – cùng – dân” (hình ảnh báo trước việc Thiên Chúa sẽ hoàn tất trong Đúc Giêsu đối với nhân loại: “Thiên – Chúa – ở – cùng – ta”).

   Với Luật Giao Ước, trong tư cách là người đồng hành hữu hình, cùng chung một thân phận với dân trong một TÚP LỀU, Yavê đang từng bước một “lọc máu”, thanh luyện đám ô hợp thành một dân. Thật vậy, người Do Thái đã có lề luật, bắt đầu tổ chức quy củ: trong 12 tháng dừng chân ở Sinai (xem CGKPV “Ngũ Thư” trang 372 nốt “c”), dân đã được kiểm tra dân số (Ds 1, 4), được tổ chức thành đội ngũ, có hệ thống đi vào nề nếp (Ds 5, 1 – 10.10). Sau khi được tổ chức thành 1 dân, trong tư cách mới này, dân tiếp tục cuộc hành trình tiến về Đất Hứa, giai đoạn 2 từ Sinai tiến về Qadesh (sđd 344 nốt “y” và “a”).

   Bài đọc 1 trích từ chương 6, nội dung chính gồm những luật lệ liên quan tới đời sống ở doanh trại (sđd 355 “g”). Phần phụng vụ trích đọc là cuối chương 6 (Ds 6, 22 – 27). Đây là công thức chúc lành mà Yavê ra lệnh cho Môsê phải truyền lại cho Aharon và con cháu ông ấy phải nói khi chúc lành cho dân Israel (Ds 6, 22 – 23).

  1. Nội dung của lời chúc lành (6, 24 – 26)

     Lập lại 3 lần lời nguyện chúc: “Nguyện Yavê”. Những hồng ân kèm theo sau lời nguyện chúc ấy là những gì Yavê sẽ thực hiện cho dân: chúc lành, gìn giữ (c. 26); tươi nét mặt, dễ thương (c. 25); ghé mắt nhìn, ban bình an (c.26)

  Những gì mà Yavê thực hiện đó, có thể được coi là những nét cụ thể mặc khải cho dân 1 phần dung mạo của Yavê: Yavê là Đấng chúc lành… Đấng dủ thương…Đấng ban bình an cho dân.

  1. Ý nghĩa của lời chúc lành (6, 27).

   Đối với người Israel, “tên” biểu thị đặc nét của một con người. Đặt để tên thần linh trên ai, ở đây là đặt để danh Yavê trên dân, đồng thời công bố danh của Người có nghĩa là hiến thánh dân cho Yavê, biến đồi dân thành sở hữu của Yavê, Yavê phải bảo vệ dân và cung cấp cho dân mọi sự. Ba lần lập lại tên của Yavê với những thuộc tính kèm theo của Người hàm ý là một lời tuyên xưng đức tin của dân: nhờ Người mà muôn vật được tạo thành; Người phán và liền có (St 1).

   Nhờ lập lại danh Yavê 3 lần, dân ý thức mình là dân của Giao Ước mang danh Yavê (x. Is 43, 7; Gr 15, 16). Nhờ có giao ước, phúc lành được hứa ban cho dân (x. Đnl 7, 13-14; 28, 1-14) (Sđd 362, “t”) và lời hứa ấy chắc chắn sẽ được thể hiện.

  1. Tóm kết:

Một lần nữa, THIÊN CHÚA tỏ bày Tình Yêu bao la của Người đối với chúng ta, ngang qua những lời chúc lành của Chúa đối với dân Do Thái. Yavê THIÊN CHÚA muốn làm người bảo trợ, làm người chúc lành vĩnh viễn cho dân. Để thực hiện điều đó với dân Cựu Ước (mặc khải còn giới hạn), Yavê đã đồng hành với dân qua Hòm Bia, đảm nhận sẻ chia kiếp lữ hành bấp bênh rày đây mai đó trong 1 túp lều giống như dân.

Đó là hình ảnh báo trước việc Thiên Chúa sẽ làm khi thời gian viên mãn: thân phận phàm nhân yếu hèn của chúng ta đã được Chúa chọn làm nơi để Chúa ở cùng, đông hành với chúng ta cho đến ngày tận thế, Chúa bảo trợ chúc lành cho nhân loại trong con người Giêsu. Trong Người những lời hứa phúc lành trong Cựu Ước được thành sự trọn vẹn.

TIN MỪNG: Lc 2, 16-21

Xem trong bài Suy Niệm Lễ Giáng Sinh Rạng Đông (tuần trước) và thêm phần bổ sung câu 21.

  1. Hài Nhi chịu cắt bì và dược đặt tên Giêsu (c 21a)

Để trở thành một con người trọn vẹn, việc được sinh ra bởi 1 người mẹ thì chưa đủ. Con người phải có gia đình, tổ tiên, xã hội, tôn giáo, cơ chế…

Trong lễ Rạng Đông 25/12, chúng ta đã thấy Đức Giêsu đảm nhận trọn vẹn nhân tính nhờ người Mẹ Maria. Trong lễ “Thêôtôkôs” hôm nay, Đức Giêsu được hội nhập trọn vẹn vào cộng đồng nhân loại qua việc cắt bì, được đặt tên. Đức Giêsu hoàn toàn trở nên 1 thành viên trong cộng đồng nhân loại như chúng ta.

  1. Cội nguồn thần linh của tên Giêsu

Tên “Giêsu” không do cha mẹ trần gian đặt. Tên này cho thấy gốc gác thần linh của Hài Nhi: tên này đến từ trời, do sứ thần đặt, trước khi Hài Nhi được sinh ra (Mt 1,21), và hơn nữa tên đó còn đã được Chúa định sẵn trước khi Maria đáp lời “Xin vâng” (Lc 1,31 so với 1,34).

 Vậy Hài Nhi do Maria sinh ra là 1 con người trọn vẹn về mặt nhân tính, cơ chế, xã hội, tôn giáo loài người; Nhưng Người cũng thật sự có cội nguồn thần linh, Ngôi Vị Thiên Chúa. Maria đích thật là thêôtôkôs.

BÀI ĐỌC II: Gl 4, 4 – 7

   Trong các cuộc hành trình truyền giáo của Phaolô, ông đã nhiều lần đến miền Galat rao giảng Tin Mừng và thành lập giáo đoàn. Đa số các tín hữu ở đây là gốc dân ngoại. Họ đã mau mắn đón nhận nét giáo lý chính mà Phaolô dạy cho họ là “con người được trở nên công chính, được cứu độ là nhờ tin vào Đức Kitô, chứ không phải nhờ làm những gì Luật dạy (Gl 2, 16). Thuở ban đầu họ không biết gì về Luật Do thái, họ được lãnh nhận Thần Khí trở nên con cái Chúa là nhờ lòng tin vào Đức Kito chứ không vì tuân giữ các điều Luật Do thái (Gl 3, 2).

   Thế nhưng khi Phaolô phải xa rời họ để tiếp tục con đường loan báo Tin Mừng, thì một số tín hữu Kitô giáo nhưng gốc Do thái đã đến gây hoang mang khi rao giảng rằng các tín hữu Galat cần phải chịu cắt bì và tuân giữ Luật Do thái; đồng thời họ cũng hạ uy tín, chê bai và không công nhận Phaolô là tông đồ. Phaolô đã viết thư cho các giáo đoàn Galat để biện minh cho mình (x. Gl 1, 11 – 24) và khẳng định rằng ơn công chính hóa đặt nền tảng trên đức tin vào Đức Kitô chứ không dựa vào Lề Luật (Gl 3, 23 – 29). (x. Từ điển Công Giáo, “Galatia giáo đoàn”)

    Bài đọc 2 là 1 trích đoạn từ “phần Giáo Thuyết” của bức thư (chương 3 và 4), Phaolo đang hùng biện: vay mượn từ ngữ luật pháp Rôma để so sánh “quyền hạn Luật Môsê đối với dân Israel” và “quyền hạn của người giám hộ (paidagogôs) đối với người thừa kế vị thành niên”. Như người cha có toàn quyền quyết định thời gian giám hộ cho con cái, thì Thiên Chúa cũng hoàn toàn tự do ấn định thời hạn Luật cai trị và khai mạc thời ân sủng, thời tự do trong Đức Kito và Thánh Thần (CGKPV “Tân Ước” 1995 trang 757 nốt “b”)

   Bài đọc cho thấy cách Thiên Chúa thực hiện lạ lùng dự tính ấy (Gl 4, 4). Và khi chiêm ngắm đường lối hành động lạ lùng đó của Thiên Chúa, Giáo Hội nhận răng “người phụ nữ” đó là Maria và ‘Con của mình (Thiên Chúa)” là Đức Giêsu.  Chúng ta đã có thêm một nền tảng Kinh Thánh từ Phaolo để tuyên xưng: Maria = thêôtôkôs

Như vậy theo bài đọc 2 lễ “Mẹ Thiên Chúa”, thơ Galat xác định việc Con Thiên Chúa nhập thể làm con một người phụ nữ là ý định từ muôn đời của Thiên Chúa, chỉ cần “Khi thời gian tới hồi viên mãn” là Thiên Chúa thực hiện dự tính của Người.

          Và theo Galat 4,5 thì dự tính thần linh ấy không bị khép kín trong tương quan riêng tư giữa Đức Giêsu, Con Thiên Chúa và Người Nữ Đầy Ân Phúc, mà là mở ra cho toàn thể nhân loại mọi nơi, mọi thời: Thiên Chúa chọn Maria làm Mẹ của Con Chúa là để cho nhân loại nhờ Đấng vừa là Con Thiên Chúa vừa là con của người nữ theo ý Chúa mà toàn thể nhân loại được đưa vào tương quan cha – con với Thiên Chúa, được tràn đầy Thánh Thần Chúa, dám gọi Thiên Chúa là “Abba”, “Cha ơi”. Như vậy tình huynh đệ giữa các tín hữu với nhau và với Đức Giêsu nhờ có Thiên Chúa là CHA, giờ được tô đậm thêm, rõ nét hơn nhờ có chung một người mẹ: điều đó đã được Đức Giêsu thiết lập trên Thập Giá: “này là Mẹ của con” (Ga 19,27).

          Nhờ Thiên Chúa hoàn tất dự tính của Người mà “một con người như chúng ta” đã là phương thế để “Thiên Chúa vĩnh viễn ở cùng chúng ta” và nhờ đó một người nữ mọn hèn đã được Chúa đưa vào vinh quang “Mẹ Thiên Chúa”; Và cũng nhờ đó mà toàn thể nhân loại được Chúa dẫn vào một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên Thánh Thần, con người dám goi Thiên Chúa là CHA.

          Như vậy Tin Mừng Luca, cùng với thơ Galat đều khẳng định rằng Đấng được Maria sinh ra chính là Kitô – Đức Chúa, là Con Thiên Chúa. Vậy Maria thực sự là thêôtôkôs – Mẹ Thiên Chúa. Đó là ý định từ muôn đời của Thiên Chúa.

Frère Pierre Đình Long FSC