Bài 1
Is 60,1-6; Mt 2,1-12
Chủ đề: Chư dân tiến dâng lễ vật thần phục Chúa khi được Chúa tỏ lộ vinh quang.
* Is 60, 2.6: Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa…chư dân kéo đến mang theo vàng với trầm hương và loan truyền lời ca tụng ĐỨC CHÚA.
* Mt 2,11: Họ vào nhà, thấy Hài Nhi…liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến.
Mầu nhiệm chính của Lời Chúa trong chu kỳ Giáng Sinh là mầu nhiệm Thiên Chúa tỏ mình cho nhân loại ngang qua thân phận làm người của Hài Nhi Giêsu. Hai nhân vật đầu tiên được biết về Mầu Nhiệm Hài Nhi Giêsu là MARIA và GIUSE, biết rõ ràng ngay cả trước khi Người được sinh ra. Tiếp sau là các người chăn chiên vùng Bêlem, vốn là những kẻ mọn hèn bị xã hội lẫn tôn giáo khinh chê, loại trừ. Rồi qua chứng từ của các người chăn chiên ấy, Tin Mừng giáng sinh được loan cho dân Chúa tản mác từ tứ phương đang kéo nhau về Bêlem để làm kiểm tra dân số theo lệnh hoàng đế La mã Augustô. Rồi khi họ quay về lại nơi họ đang sinh sống thì chắc chắn họ sẽ thuật lại điều mắt thấy tai nghe cho bà con lối xóm. Thế là ngay lúc vừa mới giáng trần thì Đức Giêsu Hài Nhi cũng đã tỏ mình cho chư dân rồi.
Hôm nay, qua một cung cách khác, Hài Nhi Giêsu lại tỏ mình ra cho DÂN NGOẠI qua các nhà chiêm tinh và cho cả hàng lãnh đạo Do Thái giáo lẫn cả dân thành Giêrusalem. Tiếc thay dân Chúa đã hững hờ trước tin vui thần linh, chỉ có dân ngoại là được hưởng niềm vui đón gặp Chúa đến. Theo tinh thần phụng vụ ngày lễ Hiển Linh, hôm nay chúng ta chỉ chiêm ngắm cách thức Thiên Chúa tỏ mình cho dân ngoại.
Trong bài đọc một, ngôn sứ Isaia loan báo ngày Chúa can thiệp cho dân được hồi hương: Chúa sẽ chiếu tỏa ánh sáng Chúa trên Giêrusalem, qui tụ chư dân về Giêrusalem để tôn thờ Chúa; Còn dân Chúa sẽ được hồi hương cách huy hoàng “con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông”. Tình cảnh hoàn toàn khác hẳn: lúc đi lưu đày thì bị xích xiềng, lôi kéo…lúc hồi hương lại được bồng bế, nâng niu đưa về. Niềm vui còn dâng cao hơn nữa khi nguồn phú quý, giàu sang của chư dân sẽ tuôn đổ về Giêrusalem từ biển cả, của cải muôn dân sẽ tuôn đến với thành đô cách dồi dào: lạc đà từng đàn che rợp đất mang theo vàng với trầm hương và loan truyền lời ca tụng ĐỨC CHÚA.
Như vậy cảnh lưu đày đau thương của Dân Chúa, thì khi đến thời Chúa ra tay can thiệp cứu vớt lại trở thành phương tiện Chúa bày tỏ vinh quang của Chúa cho dân lẫn cho dân ngoại.
Những hình ảnh được loan báo trong bài đọc một sẽ được ứng nghiệm vào thời điểm Đức Giêsu giáng thế khi các nhà chiêm tinh từ phương đông theo điềm lạ ánh sao đã tìm đến Giêrusalem, đem lễ vật đến tôn thờ vị Vua thiên sai là Đức Giêsu vừa giáng thế. Tiếc thay Giêrusalem đã không hoàn tất được sứ vụ mà Chúa đã kỳ vọng nơi thành. Thành đô đã hờ hững không nhận ra điềm lạ ánh sao; Rồi lại càng ơ hờ hơn nữa trước tin vui do các nhà chiêm tinh mang tới: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy Ngôi Sao của NGƯỜI xuất hiện trên phương đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người”. Thay vì vui mừng thì cả thành lại xôn xao bối rối như Hêrôđê bạo chúa.
Tuy nhiên phần Thiên Chúa, Chúa vẫn trung tín với dự tính từ ngàn xưa của Chúa: Người đã dùng truyền thống Do Thái giáo tức các Thượng Tế, kinh sư để truyền lại cho các nhà chiêm tinh lời sấm ngôn về Đấng Thiên Sai của Chúa: vua dân Do Thái sinh “tại Bêlem, miền Giuđê vì trong sách ngôn sứ có chép rằng…vì ngươi là NƠI vị lãnh tụ chăn dắt Itraen dân Ta sẽ ra đời”.
Phần Hêrôđê mặc dù đầy ác ý, nhưng trong bàn tay Thiên Chúa, ông cũng đã góp phần làm cho Lời Chúa đến được với các nhà chiêm tinh: chính ông, ngay trong đêm đã “triệu tập các thượng tế và kinh sư trong dân lại” để hỏi về nơi sinh của Hài Nhi Thần linh.
Như vậy không phải là ánh sao, mà yếu tố chính đưa các nhà chiêm tinh đến với Hài Nhi Vua là LỜI CHÚA, là truyền thống Kinh Thánh được Chúa trao cho các lãnh đạo Do Thái dù họ bất trung bất xứng. Các yếu tố khác: ngôi sao, truyền thống Do Thái, lòng nhiệt thành các nhà chiêm tinh và kể cả ác ý của Hêrôđê đều là công cụ Chúa dùng để mặc khải Mầu Nhiệm cho chư dân.
Và các nhà chiêm tinh khi về lại xứ sở mình, chắc chắn họ cũng sẽ loan tin mừng giáng sinh cho dân họ. Vậy ngay khi vừa chào đời, Hài Nhi đã loan tin mừng cho khắp chư dân. Mọi tín hữu hãy tin tưởng làm CỘNG TÁC VIÊN của Chúa.
Bài 2
“Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (Mt 2,11).
Hôm nay, Chúa Nhật thứ hai sau lễ Giáng Sinh 25/12, Giáo Hội Rôma mừng lễ Hiển Linh. “HIển Linh” là hiện ra, tỏ bày ra cho người khác thấy nét linh thánh, thiêng liêng. Từ này ban đầu mang ý nghĩa tổng quát ám chỉ toàn bộ mầu nhiệm Giáng Sinh, chứ không chỉ một biến cố là việc Đức Giêsu được sinh ra ở Bêlem. Trong truyền thống của Giáo Hội sơ khai, lễ này được gọi là ÉPIPHANIES (ở dạng số nhiều): ba biến cố mừng chung trong một lễ, Đức Giêsu tỏ mình ra cho ba đối tượng khác nhau. Đó là:
-
Các nhà chiêm tinh từ phương đông đến bái thờ Hài Nhi và dâng lên cho Người lễ vật tôn kính.
-
“Số sót lại” của Israel đang sám hối ăn năn, nghe lời Gioan Tẩy Giả, đến thú tội, sám hối và chịu phép rửa.
-
Các môn đệ của cộng đoàn thiên sai vừa được Đức Giêsu thành lập trong “Tuần khai mạc” theo Tin Mừng Gioan. (x.Comprendre la Parole, année B p.65.106; Théo, p.929c).
Về mặt lịch sử, từ thế kỷ IV, Giáo Hội Đông Phương mừng lễ này như là ngày Giáng Sinh của Đức Giêsu, vào ngày 6 tháng 1. Về sau khi lễ này lan qua Tây Phương thì dần dần ba biến cố trong lễ Épiphanies được tách ra thành ba lễ như lịch Công Giáo hiện đang có, với lịch trình có chút thay đổi không còn mừng vào ngày cố định 6/1 nữa: Chúa Nhật thứ hai sau ngày 25/12 là lễ Hiển Linh; Chúa Nhật tiếp đó là lễ Đức Giêsu chịu phép rửa của Gioan; Và ngay sau là Chúa Nhật II Thường Niên, năm C đọc Tin Mừng về Tiệc Cưới Cana.
Vậy “Hiển Linh” là từ ngữ thần học được dùng để ám chỉ những lần Thiên Chúa biểu lộ, hiển thị ra cho con người được thấy; Và rõ ràng nhất là lần Thiên Chúa đột nhập vào trong trần thế qua con người cụ thể Giêsu trong một giai đoạn lịch sử nhất định.
Hôm nay, Giáo Hội Rôma mừng lễ này vào Chúa Nhật II sau Giáng Sinh 25/12 hoặc vào Chúa Nhật ngay sau 1/1, do đó ngày mừng thay đổi; Còn Giáo Hội Đông Phương vẫn mừng vào ngày cố định 6/1.
Giáo Hội Rôma vì đã tách lễ này thành ba lễ, nên lễ hôm nay nhấn mạnh đến biến cố Hài Nhi Giêsu tỏ mình ra cho các nhà chiêm tinh dân ngoại và họ đón nhận Người như là Thần Linh nhập thể trong Hài Nhi là “vua dân Do Thái vừa giáng sinh”.
Trong bài suy niệm hôm nay, chúng ta cẩn thận đọc chăm chú Mt 2,1-12 để khám phá xem những yếu tố nào được Thiên Chúa sử dụng để tỏ mình ra cho các nhà chiêm tinh và được họ vui mừng đón nhận mặc khải đó.
-
Câu trả lời thuộc lòng, hời hợt:
Nhờ đâu các nhà chiêm tinh tìm gặp được Hài Nhi và vui vẻ thờ lạy Người, tiến dâng lễ vật quý giá?
Câu trả lời chúng ta thường nghe từ nhỏ kèm theo một lời khuyên bài đọc luân lý là: NGÔI SAO. Vậy, mỗi tín hữu chúng ta phải là một “ngôi sao sáng” để soi đường cho người khác đến với Đức Giêsu; Hoặc là chúng ta phải ngắm nhìn các “ngôi sao sáng” để biết đường đi đến với Đức Giêsu. Và thường là được khuyên phải hiểu “ngôi sao” theo nghĩa biểu tượng hơn là một hiện tượng thiên văn khoa học. Dầu vậy, “ngôi sao” vẫn không là tác nhân mặc khải chủ động, nó xuất hiện nhất thời và không có giá trị thường tồn. Nó chỉ là công cụ được Thiên Chúa sử dụng vào những thời điểm nhất định để làm dấu chỉ, cắm chặng các mốc, các thời điểm quan trọng của dòng lịch sử cứu độ.
Vậy vấn đề là chúng ta phải tỉnh táo đủ để nhận ra các dấu chỉ khi chúng xuất hiện, hiểu được ý nghĩa của chúng, theo gương các nhà chiêm tinh dân ngoại chứ đừng vô tâm hờ hững như dân thành Giêrusalem và các thượng tế, kinh sư. Và điều quan trọng nhất là phải can đảm từ bỏ cái an toàn, hạnh phúc đang có để chấp nhận lên đường, đối đầu với bao thử thách, bất trắc, vượt qua mọi chướng ngại để quyết tâm đi cho đến cùng. Đồng thời phải có một lòng tin mãnh liệt vào Thiên Chúa rằng một khi Chúa đã cho ra dấu chỉ thì Thiên Chúa chắc chắn sẽ đồng hành với ta đến cùng. Đừng nãn lòng bỏ cuộc vì lạc mất một dấu chỉ, vì phương tiện của Thiên Chúa là vô biên.
-
Câu trả lời theo Mt 2,1-12:
Đọc kỹ Mt 2,1-12, ta có thể nói ngay được rằng nếu chỉ dựa vào yếu tố “ngôi sao” thì các nhà chiêm tinh không thể nào tìm gặp được Đức Giêsu và có thể là khó lòng “triều bái Người” vì điều hiện ra trước mắt các vị ấy chỉ là một ngôi nhà tầm thường, một bà mẹ trẻ và một hài nhi. Nhiều yếu tố đan chéo vào nhau, liên hệ hỗ tương với nhau, ta cần biện phân khám phá để có được lời đáp trả chính xác.
-
Lời Chúa: ý định từ ngàn xưa của Thiên Chúa.
Tất cả mọi yếu tố liên quan tới Đấng Mêsia đều nằm trong ý định khôn ngoan từ xa xưa của Thiên Chúa, rồi Thiên Chúa hé mở từ từ theo dòng lịch sử. Do đó không một yếu tố lẻ tẻ nào có thể cho ra lời đáp. Cần sự phối hợp và sự phối hợp đó dựa trên Lời Chúa. Các nhà chiêm tinh dựa vào đâu để khi thấy “Ngôi Sao” xuất hiện đột ngột thì nhận ra ngay đó là “Ngôi Sao” ám chỉ vào vị vua của người Do Thái? Thật ra dấu chỉ “Ngôi Sao nhà Giacob” đã được Thiên Chúa báo trước tân từ thời Xuất hành do miệng một đạo sĩ dân ngoại là Bilơam phải chúc lành cho Israel theo lệnh Chúa: “Tôi thấy…một VÌ SAO xuất hiện từ Giacob, một VƯƠNG TRƯỢNG trỗi dậy từ Israel…” (x.Ds 24,17). Như vậy qua Lời Chúa, Thiên Chúa cũng cho dân ngoại biết trước và được tham gia vào đường lối của Người. Nhưng vua dân Do Thái sinh ra thì có liên can gì tới dân ngoại mà các nhà chiêm tinh từ phương đông phải bỏ mọi an toàn đang hưởng để lên đường dấn thân vào đường lữ hành xa xôi gian truân mà triều bái ông vua chỉ mới là một hài nhi? Thưa rằng lời sấm của Bilơam cũng báo trước vương quyền bao trùm hoàn vũ của vị vua này (x.Ds 24,17-24). Và vào thời điểm lời sấm được công bố thì Thiên Chúa đang phù trợ Israel “tiến như chẻ tre” hướng về Đất Hứa; Quyền lực của dân Chúa là vô địch, bất khả kháng cự (x.Ds 22,2-4).
Như vậy yếu tố mặc khải nền tảng là LỜI CHÚA. Lời Chúa hoạt động trong suốt dòng lịch sử để hoàn thành sứ mạng Thiên Chúa trao; Và vào những thời điểm đặc biệt, Thiên Chúa sẽ cho những dấu chỉ đặc biệt cắm chặng giúp dân Chúa định hướng. Sau thời Bilơam, Lời Chúa tiếp tục hoạt động trong dòng lịch sử để dần hiển lộ ra dung mạo của Đấng Thiên Sai. Ta có thể liệt kê vài nét chính:
-
Đấng Cứu Tinh đó sẽ là vị vua thuộc hoàng tộc Đavit (x.2Sm 7,12.18), kèm theo vài dấu chỉ đặc biệt để nhận ra Người.
-
Mẹ của Người là một Trinh Nữ, tên của Người là Emmanuel (Is 7,14).
-
Nơi Người sinh ra là làng quê Bêlem (Mk 5,1).
Chính vì thế nên khi Hài Nhi sinh ra ứng nghiệm các Lời Chúa phán xưa thì mọi người nhận ra Hài Nhi dù nghèo hèn đó là chính Đấng Thiên Sai.
-
Truyền thống tôn giáo:
Ngôi Sao chỉ đưa được các nhà chiêm tinh đến Giêrusalem rồi biến mất. Lúc này mới thấy rõ hơn nhiệt tâm và lòng đạo đức của các nhà chiêm tinh: Họ tìm cách giải đáp bế tắc. Với suy luận thường tình, con vua thì phải sinh ra ở cung điện, vì thế họ tìm đến với Hêrôđê để tìm hiểu “vua dân Do Thái vừa mới sinh hiện ở đâu?”. Thật là một tin kinh hoàng đối với ông vua bạo ác và tham quyền lực này. Nhưng vốn là tay chính trị cáo già, y che đậy dã tâm và từng bước thực hiện mưu đồ. Y triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại và hỏi cho biết Đức Kitô phải sinh ra ở đâu? Và y đã tìm được câu đáp từ đám “tham danh hám lợi” này. Chính đám này trở thành kẻ chỉ điểm để Hêrôđê biết nơi sinh của Đức Giêsu và tìm giết Người, khi họ đem Lời Chúa ra để thông tin cho Hêrôđê biết về lai lịch, gốc gác của Đức Kitô. Bọn họ, có thể nói, là kẻ gián tiếp DÙNG LỜI CHÚA để truy sát Đức Giêsu và giết các Thánh Anh Hài. Họ là những người được Thiên Chúa và truyền thống tôn giáo trao cho vai trò mục tử chăn dắt dân Chúa: họ thông thạo Kinh Thánh, có đủ quyền lực và phương tiện trong tay, lẽ ra họ phải là người đầu tiên nhận ra dấu chỉ “Ngôi Sao” và là người hân hoan loan báo tin vui cho dân Chúa. Thế mà họ lại không biết chút gì về điềm lạ Ngôi Sao xuất hiện. Và cái vô tâm, vô trách nhiệm của họ lại càng đáng trách hơn khi được vua Hêrôđê hỏi về nơi sinh của Đức Kitô, họ không tỏ ra có một chút quan tâm nào: không hỏi gì về “Ngôi Sao”, không thắc mắc tại sao Hêrôđê lại hỏi câu đó vào lúc đêm khuya như thế này; Họ chỉ trả lời như cái máy cho xong chuyện rồi rút lui như kẻ bàng quan trước tin vui cả thể cho toàn dân: vua thiên sai, Đấng Cứu Tinh đã đến. Tệ hơn nữa, họ trở nên công cụ, cánh tay nối dài của Hêrôđê làm kẻ chỉ điểm để bạo vương biết đường mà tìm giết Đức Giêsu.
Họ là những người gìn giữ, lưu truyền các truyền thống tôn giáo của Israel cách chính thức và hợp pháp, dù họ vô tâm bất xứng. Matthêu cố ý trình bày sự vô tri của Hêrôđê và dân cả thành Giêrusalem về nơi sinh của Đức Giêsu: vua và dân chỉ biết “bối rối”, “xôn xao” (Mt 2,3). Chính nhờ Nhóm Thượng Tế, kinh sư này – là đại diện cho truyền thống tôn giáo – mà Lời Chúa mới lộ rõ nét là “ánh sáng soi đường” tỏ tường dẫn lối các nhà chiêm tinh đến tận Bêlem. Lưu ý: sau khi biết Lời Chúa nhờ các người giữ truyền thống tôn giáo là Thượng Tế, kinh sư thì Ngôi Sao lại xuất hiện và lần này trở thành ánh sáng dẫn đường chính xác đưa các nhà chiêm tinh đến với Đức Giêsu.
Như vậy là LỜI CHÚA và TRUYỀN THỐNG TÔN GIÁO mới là yếu tố chính dẫn đường cho những ai thiện tâm đến với Chúa. Những gia bảo ấy, Chúa ban phát suốt dòng lịch sử đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách để thực sự là ÁNH SÁNG soi dẫn kẻ tin. Ngôi Sao chỉ là công cụ hữu ích nhưng nhất thời được Chúa ban vừa đủ, đúng lúc giúp ta ứng dụng Lời Chúa và Truyền Thống vào cuộc sống mà đi tìm Chúa suốt đời ta.
Tuy nhiên nhìn thái độ vô tâm, vô trách nhiệm của các Thượng Tế và Kinh sự, và nhất là hậu quả kinh hoàng họ gây ra cho Đức Giêsu và dân Bêlem, các tín hữu phải biết sợ hãi đừng để mình rơi vào tình cảnh đáng sợ, đáng nguyền rủa đó. Ngày hôm nay, tín hữu chúng ta đã có Lời Chúa, đã có truyền thống tôn giáo là Giáo Hội và hơn nữa còn có đủ phương tiện để học hỏi, chúng ta cần nhìn vào gương các nhà chiêm tinh để rút bài học tích cực cho mình.
-
Tinh thần đức tin và lòng nhiệt thành của các nhà chiêm tinh: