Bài 1
Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Lc 22,14 – 23,56
Chủ đề: Thánh giá cứu độ của Đức Kitô.
* Is 50,5: là ý định của ĐỨC CHÚA trên Người Tôi Tớ “ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng đã mở tai tôi… tôi không cưỡng lại, chẳng tháo lui”.
* Pl 2,8: là sự tự nguyện vâng phục của Con: “Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây Thập Tự”.
* Lc 23,34.56: hóa giải ác ý của ma quỷ và ác nhân bằng tình yêu tha thứ mang lại ơn cứu độ: “xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”; “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”.
Chúng ta bước vào Tuần Thánh với nghi thức rước lá nghênh đón Đức Giêsu như là Đấng Mêsia. Tuy nhiên đỉnh cao của phụng vụ Lời Chúa Lễ Lá là thánh giá cứu độ của Đức Kitô. Đối với cái nhìn của người đời thì thập giá là hậu quả của một cuộc chiến thất bại, là một tủi nhục, là kết thúc không có hậu của cả cuộc đời của một con người hết mình xây dựng tình yêu và công lý nhằm đem lại ân phúc, ơn cứu độ cho dân mình và cho cả thế giới. Nếu thế thì Thập giá chắc chắn không thể mang lại ơn cứu độ, vì nó hủy diệt tất cả những nỗ lực tốt đẹp cả đời của con người. Nhưng thập giá lại là nền tảng của đức tin Kitô giáo (x. 1Cr 1,24; Mt 16,24 …). Nhờ Đức Giêsu, “Thập giá không còn là một sự nhục nhã nữa, nhưng thành một đòi buộc và là một tước hiệu của vinh quang, trước tiên đối với Đức Kitô, tiếp đó là đối với Kitô hữu chúng ta” (ĐN TH TK “Thập Giá”). Yếu tố nào đã làm cho thập giá của Đức Kitô nên cội nguồn ơn cứu độ như thế. Lời Chúa trong Thánh lễ Lễ Lá cho ta một câu đáp.
1/ Mưu đồ của Satan: điểm cốt lõi của mưu đồ Satan nằm ở điểm này: đẩy cho công cuộc của Đức Giêsu đi trệch đường lối của Cha. Nhìn thoáng qua thì mưu đồ của Satan dường như nhắm vào Đức Giêsu: gây cho Người tủi nhục, khổ đau rồi chết trên thập giá. Nhưng tất cả những cái đó không đẩy Đức Giêsu đi ra khỏi đường lối của Cha: cuối cùng Người đã “phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Đối tượng mà Satan nhắm vào để đẩy công cuộc cứu độ của Đức Giêsu đi trệch đường lối Cha chính là CÁC MÔN ĐỆ. Môn đệ là những người được Đức Giêsu chọn kế tục Người để mang ơn cứu độ đến tận cùng thế giới (x. Cv 1,8). Satan không còn hy vọng gì đánh thắng được Đức Giêsu nữa khi Người cầu nguyện xin cho Ý Cha được thể hiện (x. Lc 22,42). Giờ đây để phá hoại công trình của Người thì chỉ còn nhắm vào CÁC MÔN ĐỆ: cắt đứt các ông ra khỏi Ý Cha và Đức Giêsu.
Cuộc thương khó chính yếu của Đức Giêsu không nằm ở những khổ đau, đòn vọt mà ở chỗ Người thấy các môn đệ có nguy cơ đi lạc hướng. Xin điểm qua vài nét theo trình thuật của Luca:
– Riêng theo Luca, ngay trong bàn Tiệc Ly, sau khi hưởng dùng bí tích Thánh Thể do Đức Giêsu thiết lập (22,19-20), các môn đệ còn tranh nhau ai là người lớn nhất (22,24). Nguy cơ nội bộ chia rẽ, đám môn đệ đi tìm vinh quang trần thế là rất lớn.
– Sự thiếu khiêm tốn, không lường được những yếu đuối của mình nơi Phêrô cũng là điều làm Đức Giêsu âu lo. Ông quả quyết sẽ trung thành, nhưng rồi ông đã chối Thầy. Và theo Luca, đó là mưu đồ của Satan: Hắn xin được sàng các môn đệ như sàng gạo (22,31).
– Thái độ muốn dùng con đường bạo lực để giải quyết vấn đề (22,50) cũng là một cám dỗ làm môn đệ đi xa con đường của Đức Giêsu (22,51).
– Theo Luca, lời mời tỉnh thức cầu nguyện, Đức Giêsu nói chung cho cả nhóm Mười Hai chứ không riêng gì cho Phêrô – Giacôbê – Gioan (Lc 22,39-40). Thế nhưng tất cả các ông đều NGỦ (22,45-46).
Các môn đệ đã hoàn toàn thất bại, đi xa đường lối Chúa! Đức Giêsu chết rồi thì cho dù Người có phục sinh, thăng thiên đi nữa thì ai kế tục công trình?
May thay, “Thập Giá của Đức Giêsu” là công cuộc của Chúa, thế nên tự nơi “Thập Giá của Đức Giêsu” đã có mầm sự sống và có thần lực vô hiệu hóa mọi mưu đồ của Satan: các khổ đau, cái chết của Đức Giêsu đã phục hồi môn đệ.
2/ Dự tính của Thiên Chúa và sự tự nguyện của Đức Giêsu:
Ngay từ lúc nhân loại vừa sa ngã, Thiên Chúa đã tha thứ và hứa phục hồi bằng cách ban cho một Đấng đạp đầu Rắn. Và trong suốt dòng lịch sử, Thiên Chúa thực thi công cuộc cứu độ đó. Đến thời Isaia đệ nhị, dung mạo Đấng đạp đầu Rắn dần xuất hiện: đó là Người Tôi Trung. Người Tôi Trung được Chúa đào tạo thành người “nâng đỡ những ai rã rời kiệt sức”. Phương tiện Chúa muốn Người Tôi Trung sử dụng là Lời nói và sự đau khổ của mình. Và Người Tôi Trung đã chấp nhận đường lối đó của Thiên Chúa trên cuộc đời mình vì tin tưởng Thiên Chúa phù trợ. Lúc mặc khải vừa hé mở thì dung mạo thật khó hiểu. Thế nhưng khi Đức Giêsu xuất hiện với sự tự nguyện đi con đường Thập Giá thì mọi sự nên rõ ràng. Đó là điều được đề cập trong bài đọc 2: Đức Giêsu chính là Đấng đạp đầu Rắn, Người vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng TỰ NGUYỆN theo Ý Cha đi trọn kiếp làm người, vâng lời cho đến chết… Chính lúc Người tắt thở trên Thập Giá, người ta nhận ra Người là Thiên Chúa (x. Mc 15,39). Lúc đó Thiên Chúa hoàn tất dự định yêu thương cứu độ, cho Người phục sinh. Nhờ đó Thập giá không còn là ngõ cụt nữa mà là ngưỡng cửa đưa nhân loại vào cuộc sống thần linh. Cuối cùng ra điều Chúa hoàn tất là tình yêu cứu độ, nhờ Đức Giêsu tự nguyện làm theo Ý CHÚA.
Bài 2
Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời (Lc 19,38) … Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào Thập Giá (Lc 23,33) … “Đây là Vua người Do Thái” (Lc 23,38) … “Người này đích thực là người công chính” (Lc 23,47).
Chúng ta bước vào tuần lễ cuối cùng của Mùa Chay. Phụng vụ gọi đây là Tuần Thánh, bắt đầu từ Chúa Nhật Lễ Lá đến hết đêm Vọng Phục Sinh. Các cử hành phụng vụ trong Tuần Thánh diễn tả ĐỒNG THỜI hai mặt của Mầu Nhiệm Vượt Qua – cuộc thương khó và cuộc Phục Sinh – của Chúa Kitô (Từ điển Công Giáo, “Tuần Thánh”).
Theo các trúc phụng vụ hiện nay thì Mùa Chay kết thúc sau giờ kinh trưa Thứ Năm Thánh trước Lễ Tiệc Ly, Rửa chân. Phần còn lại của ngày Thứ Năm, rồi Thứ Sáu và Thứ Bảy là Tam nhật Vượt Qua, còn gọi là Tam Nhật Thánh, là khoảng thời gian Hội Thánh cử hành phụng vụ để tưởng niệm việc Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể, việc Người chịu chết và sống lại vinh hiển.
Tuy nhiên cách tính mốc thời gian của người Do Thái hơi khác chúng ta: đối với họ, bắt đầu một ngày mới không phải là giờ “Zêrô” mà là giờ “thứ 12” tức 18 giờ của chúng ta. Vì vậy Tam Nhật Thánh diễn ra trong ba ngày tính từ Lễ Tiệc Ly chiều thứ năm (theo dương lịch nhưng lại bắt đầu ngày thứ sáu theo lịch Do Thái; x. Ga 14,30) đến kinh chiều II của ngày lễ Chúa Nhật Phục Sinh (Sđd “Vượt Qua, Tam Nhật”).
1/ Phụng vụ lời Chúa của Tuần Thánh được sắp xếp như sau:
Mở đầu và kết thúc các bài đọc của cả Tuần Thánh là hai bài đọc Tin Mừng nói về việc Đức Giêsu biểu lộ vinh quang thần linh: bài đọc Tin Mừng trước khi kiệu lá; và bài Tin Mừng về “Ngôi mộ trống” (Đêm Vọng Phục Sinh). Còn các bài đọc ở trong suốt Tuần Thánh đều hướng về Thập Giá. Thật vậy:
*Lễ Lá: phụng vụ Lời Chúa mở đầu bằng việc trích đọc đoạn Tin Mừng nói về việc Đức Giêsu vinh quang tiến vào Giêrusalem và được dân đón rước như Đấng Mêsia. Nhưng khi vào nhà thờ rồi thì Lời Chúa hướng về Thập Giá:
– Bài đọc 1: trích Is 50,4-7 bài ca thứ ba hướng về Người Tôi Trung của Thiên Chúa: Thiên Chúa đã có dự tính, đường lối đào tạo Người Tôi Trung làm ngôn sứ cho Người (50,4-5a); Đáp lại, Người Tôi Trung tự nguyện đón nhận mọi khổ đau, bất công vì Chúa (50,5b-7).
– Bài đọc 2: Pl 2,6-11, Đức Giêsu tự nguyện vâng phục Ý Cha cho đến nỗi bằng lòng chết trên Thập Giá và được Cha tôn vinh.
Cả hai bài đều nói lên dự tính của Cha và sự tự nguyện của Con.
– Tin Mừng là bài Thương Khó, Mathêu (A), Marcô (B), Luca (C).
*Thứ hai: Is 42,1-7. Đây là bài ca thứ nhất nói về Người Tôi Trung. Thiên Chúa giới thiệu dung mạo Người Tôi Trung và cho thấy ý định của Thiên Chúa đối với Người Tôi Trung.
Tin Mừng đọc Ga 12,1-11: Maria xức dầu thơm vào chân Đức Giêsu, hành vi báo trước việc mai táng Người. Đức Giêsu giải thích như thế. Nét tự nguyện đón nhận Thập Giá của Đức Giêsu nổi bật.
*Thứ ba: Is 49,1-6 là bài ca thứ hai nói về Người Tôi Trung. Người Tôi Trung nói về ơn gọi của mình, nói về dự tính của Thiên Chúa đối với mình. Ý Cha và sự tự nguyện của Con được báo trước.
Ga 13,212-38: Đức Giêsu báo trước việc Người bị nộp và bị chối từ, nhưng cũng khẳng định rằng đó là “giờ” mà Người và Cha được tôn vinh.
*Thứ tư: Is 50,4-9a lấy lại bài đọc 1 của Lễ Lá, thêm vào câu 8 và 9a.
Mt 26,14-25, Giuđa gặp các thượng tế để nộp bán Đức Giêsu.
*Thứ năm: Xh 12,1-8.11-14 Yavê truyền cử hành lễ Vượt Qua, báo trước Tiệc Vượt Qua của Đức Giêsu (Ý Cha)
1Cr 11,23-26 nhắc lại nghi thức lập phép Thánh Thể
Ga 13,1-15: rửa chân cho môn đệ
Bài đọc 2 và Tin Mừng nói lên sự tự nguyện của Đức Giêsu.
*Thứ sáu: Is 52,13 – 53,12 nói về Người Tôi Trung bài ca thứ tư. Tiên báo kế hoạch của Thiên Chúa đối với Người Tôi Trung: sẽ được tôn vinh sau khi chịu khổ nhục.
Dt 4,14-16; 5,7-9, Đức Giêsu tự nguyện chịu khổ nhục để học biết thế nào là vâng phục.
Tin Mừng là bài Thương Khó theo Gioan.
2/ Ý nghĩa
Ý tưởng nổi bật của Thập Giá trong phụng vụ Lời Chúa Tuần Thánh là sự tự nguyện của Đức Giêsu và ý định từ muôn đời của Chúa Cha.
*Ý định của Cha là gì?
Là dựng nên vũ trụ này tốt đẹp, hạnh phúc và đã có như vậy (St 1). Riêng đối với con người, Thiên Chúa không muốn con người chỉ là một thọ tạo như bao thọ tạo khác: Thiên Chúa muốn con người là “hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,27), thay mặt Người trông coi vũ trụ (St 1,28), có hồn sống là “hơi thở” của Chúa (St 2,7b). Và cuối cùng khi thời gian viên mãn, Chúa còn cho thấy Người muốn con người được làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu (x. Ep 1,4-6). Nhưng Thiên Chúa không muốn ép buộc con người: Thiên Chúa ban tự do; Thiên Chúa muốn tất cả những gì Thiên Chúa trao ban phải được nhân loại TỰ NGUYỆN đón nhận trong tâm tình thờ lạy, tri ân. Khi mọi sự diễn ra suôn sẻ đúng dự tính của Thiên Chúa thì tất cả đều “RẤT TỐT ĐẸP”…
*Vậy đau khổ, sự dữ bởi đâu mà có? Vì con người, tới một lúc nào đó, tưởng rằng mình đã lớn rồi, không cần đến tình yêu quan phòng ân cần của Thiên Chúa nữa. Đúng lúc đó, một “tiếng xúi giục từ bên ngoài” chợt vang lên kết hợp với một tiếng từ nội tâm chỗi dậy làm con người đâm ra nghi ngờ Tình Yêu của Thiên Chúa (x. St 3,1-6). Rồi giống như đứa con thứ trong Lc 15,12, con người đòi Thiên Chúa “chia gia tài”, muốn tách rời Thiên Chúa, muốn tự lập, không còn muốn sống ân tình nên một với Chúa “mọi sự của Cha là của con”. Nói cách khác, con người muốn khước từ dự tính tốt đẹp của Thiên Chúa trên đời mình. Muốn sống một cuộc sống không có Thiên Chúa trong đời mình.
Rồi con người sống cuộc đời vắng bóng Thiên Chúa, trốn tránh Thiên Chúa với tất cả những hệ lụy kèm theo. Và còn khốn cùng hơn nữa là “Tên Xúi Giục”, “Kẻ Cám Dỗ”, “Tên Dối Trá, Lừa Đảo” cùng tay sai của Nó luôn bao quanh, che mắt, đẩy con người ngày càng xa đường lối của Thiên Chúa, những ân huệ phúc lành Chúa ban dần tiêu tán. Con người rơi xuống đáy bùn nhơ chỉ chờ diệt vong.
*Còn phần Đức Giêsu? Người đâu có tội!
Do tách rời khỏi Thiên Chúa, con người bị sự dữ thống trị; Khổ đau, chết chóc gắn liền với số phận con người. Nhưng còn Đức Kitô?
Người là Trưởng Tử, là Con Ngoan của Thiên Chúa Cha. Người sống đúng theo dự tính của Cha: “Mọi sự của Cha đều là của Con” (Ga 16,15 so với Lc 15,31). Trong tâm tình đó Đức Giêsu khôi phục lại tương quan “em của con” đối với nhân loại, kéo theo HOA TRÁI (chứ không là hậu quả) là “mọi sự của em là của Anh”: Người đảm nhận luôn thân phận, mọi hệ lụy của nhân tính loài người, một nhân tính đã bị hư hỏng.
Với lập trường dứt khoát đó, Đức Giêsu đến tận đáy bùn nhơ, đồng hành với “cậu em”, nói lại cho em về Cha, cho em thấy những sai lầm của em, vạch mặt mưu mô của Qủy… Việc hoán cải này thật không dễ. Thêm nữa, Qủy thấy công trình, mưu đồ của Nó bị đe dọa, Nó sẽ không ngừng gia tăng trói buộc “cậu em” đồng thời tìm đủ mọi cách để ngăn cản và triệt hạ Đức Giêsu.
Điều căn bản là Đức Giêsu phải giúp nhân loại quay về với Cha trong tư cách, phẩm giá là một NGƯỜI CON TỰ NGUYỆN, nhận ra Tình Yêu của Cha, của Anh, tất cả chung niềm vui sum họp gia đình. Tuyệt đối không dùng quyền năng để ép buộc em vì tôn trọng tự do của cậu em và tôn trọng đường lối của Thiên Chúa. Đức Giêsu hoàn toàn ý thức và tự nguyện đảm nhận mọi hệ lụy đó để cứu nhân loại. Đó là Thập Giá của Đức Giêsu.
*Công trình của Cha: Người đứng ra đảm nhận “thi công” là Đức Giêsu, nhưng công trình là của Cha. Để Đức Giêsu hoàn tất được công trình cách hoàn mỹ, Cha phải hoạt động suốt dòng lịch sử: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ (hiền nhân …) nay Thiên Chúa phán cho chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2). Và công trình này còn tiếp tục cho đến tận thế.
Vậy yếu tố đưa đến ơn cứu độ không phải là khía cạnh hung tàn kinh hoàng đáng sợ của Thập giá án phạt mà là thái độ tự nguyện đón nhận đường lối của Thiên Chúa vào cuộc đời mình của Đức Giêsu làm cho thập giá án phạt thành nơi tha thứ: “xin Cha tha cho họ…” (Lc 23,34) và là nơi Người khai mở vương triều đón nhận thần dân sám hối vào Nước Trời: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với Tôi trên thiên đàng” (Lc 23,43).
*TẠM KẾT:
– Thiên Chúa chỉ có một ý định, một đường lối duy nhất: tạo dựng một vũ trụ tốt lành; Muốn con người hạnh phúc và hoàn toàn tự do thể hiện được hồng ân, phẩm giá, tư cách mà Thiên Chúa thương ban: vừa là “hình ảnh của Thiên Chúa” , vừa là “bá chủ của vũ trụ”; Để rồi cuối cùng: trong và nhờ Đức Kitô được đi vào chóp đỉnh phúc lộc là được làm con Thiên Chúa. Tất cả đều hài hòa, không có bóng dáng sự dữ vì Lời Chúa tác sinh và điều phối nhịp nhàng tất cả: Chúa phán “hãy có”, tức thì mọi sự “có” giống như Chúa muốn.
– Thế nhưng, đến một thời điểm trong dòng lịch sử, đột nhiên lộ diện một dung mạo chống đối Thiên Chúa. Chúng được gọi là “ma quỷ”, vốn là thiên thần sáng láng, cũng là thọ tạo của Thiên Chúa, nhưng đã khước từ Thánh Ý Thiên Chúa trên chúng nên đã tự đánh mất bằng cách dụ dỗ làm con người đi trệch đường lối của Thiên Chúa trên các thọ tạo (x. GLHTCG 391-393). Thế là nghi ngờ, xáo trộn, bất ổn … bắt đầu xuất hiện giữa con người, giữa các thọ tạo của Thiên Chúa.
– Cuộc tâm chiến của con người: bị tác động bởi lời xuyên tạc của Rắn, trong con người nẩy sinh mầm mống nghi ngờ ý định Thiên Chúa, rồi nhìn các tạo vật Chúa ban với một cái nhìn lệch lạc: “Trái Cấm” đem lại sự chết thì con người lại nhìn thành trái khôn ngoan đem lại sự sống; Rồi đồng lõa với nhau vi phạm lệnh Chúa (St 3,6).
Thế là mọi tương quan tốt đẹp đều đổ vỡ. Sự dữ hiện nguyên hình! Thập giá án phạt, thập giá khổ đau xuất hiện.
– May thay Thiên Chúa Đấng Công Chính (ho dikaios: Tv 129,4; Br 2,9/ he dikaiosune: Đn 9,7.14; 2,6; Tv 71,2; Tv 116,5), Người luôn trung tín với những gì Người đã dự tính và miệt mài theo đuổi: Người vẫn coi “con người là hình ảnh củaThiên Chúa”; vẫn tiếp tục hoàn thành kế đồ ban cho con người “quyền làm con Thiên Chúa” trong Đức Kitô. Để giúp đỡ con người mà không xâm phạm đến quyền tự do, đến ý thức tự nguyện của họ, Con Thiên Chúa đã đảm nhận lấy thân phận làm người, nhận hết vào mình mọi nợ nần, oan nghiệt của nhân loại để CỨU CHUỘC nhân loại, để làm nhân loại tỉnh ngộ.
Và cuộc chiến trường kỳ đã dựng nên “BA CÂY THẬP GIÁ” trên Núi Sọ (Golgotha: hy lạp Calvariô: la tinh). Nhìn từ bên ngoài thì cả ba đều là thập giá án phạt, biểu tượng của sự dữ, đưa những tội nhân bị treo trên đó đi vào cõi chết, tiêu diệt. Nhưng trong thực tế, đó là sự chiến thắng chung cuộc của Tình Yêu Thiên Chúa, sự hồi phục trọn vẹn nhân tính, sự hoàn thành dự tính của Cha.
Thập Giá là nơi Thiên Chúa hoàn tất lời hứa “đạp nát đầu Rắn” trong St 3,15; là nơi mà mọi mưu đồ của Qủy bị vạch mặt, nơi mà nọc độc của Rắn bị vô hiệu hóa; Tử Thần bị đánh bại vĩnh viễn (x. 1Cr 15,54-55).
– Phần Đức Giêsu, khi tự nguyện đón nhận Thập Giá, Người đã đổi mới pháp trường Golgôtha thành
-
Nơi công bố ơn tha thứ của Thiên Chúa (x. Lc 23,34)
-
Nơi biến thập giá nên ngai vàng, nơi biểu lộ vương quyền (23,38); nơi Tân Vương đón nhận thần dân quy phục vào Nước của Người (23,43);
-
Nơi Người xé toang bức màn ngăn cách giữa Thiên Chúa và con người (23,45b);
-
Nơi mà phẩm tính nhân loại phục hồi toàn diện: “con người này là người công chính” (= dikaios: đúng là hình ảnh Thiên Chúa = ho dikaios); cũng là nơi mà con người hưởng trọn vẹn ơn làm con Thiên Chúa (x. Mc 15,39).
– Phần còn lại là hai thập giá án phạt dành cho hai tử tội đáng phạt. Đó là biểu tượng gắn liền với phận người tội lỗi chúng ta. Tuy nhiên Thập Giá cứu độ của Đức Giêsu đang hiện diện cụ thể trước mắt họ, ơn tha thứ đã được Đức Giêsu công bố. Tuy nhiên Thiên Chúa vẫn tôn trọng tự do của từng cá nhân. Với Thập Giá tự nguyện của Đức Giêsu, từ nay nhân loại đã được chuộc về lại cho Thiên Chúa, nhân tính đã được hồi phục; Nhưng còn phần của từng cá nhân, tự do của mỗi người vẫn giữ vai trò quyết định cho số phận mỗi người.
Vậy phụng vụ Tuần Thánh nhắc lại cho chúng ta ý nghĩa thâm sâu của Mầu Nhiệm Thập Giá. Nếu Thập Giá chỉ là hậu quả của tội thì nó chỉ là án phạt cho con người và không bao giờ đưa ta tới ơn cứu độ. Thập giá án phạt, khổ đau vốn gắn liền với thân phận nhân loại tội lỗi và điểm tới của nó là hủy diệt. Cội nguồn của ơn cứu độ chính là dự tính yêu thương của Thiên Chúa, là lòng trung tín của Chúa quyết hoàn tất tốt đẹp cho con người và vũ trụ dự tính yêu thương của Người. Phương thức Thiên Chúa dùng là đảm nhận “món nợ của nhân loại” làm của Người rồi tha thứ, tạo điều kiện cho con người hồi phục. Chóp đỉnh của tình yêu khoan dung tha thứ ấy chính là Thập Giá Đức Giêsu.
KIỆU LÁ: Lc 19,28-40
Phụng vụ Lời Chúa Tuần Thánh bắt đầu bằng một trích đoạn Tin Mừng nói về việc Đức Giêsu long trọng tiến vào thành Giêrusalem trong tư cách là Đấng Mêsia và muốn cho đám đông nghênh đón Người như thế (Lc 19,40). Căn tính thiên sai, căn tính thần linh của Người, trước đây vẫn được Người che dấu thì nay công khai bày tỏ và muốn cho mọi người biết. Các chi tiết trong trích đoạn này cho thấy Đức Giêsu làm chủ mọi tình huống và tất cả là để mọi người nhận ra vinh quang củaNgười. Đức Giêsu hé trước công khai như thế là vì “chìa khóa” giải mã căn tính của Người sắp xuất hiện, không cần che đậy nữa: đó là Thập Giá – Đức Giêsu đích thực là Mêsia, là Con Thiên Chúa, nhưng chỉ qua Thập Giá thì nhân loại mới nhận ra vinh quang cách trung thực. Trích đoạn “kiệu lá” trình bày trước cái đáp số vinh quang. Cả Tuần Thánh sẽ là “bài giải”: đường Thập Giá. Vài chi tiết cho thấy vinh quang Đức Giêsu.
* Đức Giêsu đi đầu, tiến lên Giêrusalem (19,28):
Đức Giêsu biết là Người lên Giêrusalem để hoàn tất sứ mạng Cha trao qua con đường Thập Giá (x. Lc 9,31.51; 13,33; 18,31-33), thế nhưng Người vẫn “đi đầu”. Đó là thái độ can đảm, không nhụt chí nói lên quyết tâm đầy ý thức chọn theo Ý Cha. Trong tương quan với đám đông nhất là môn đệ, Người là người hướng đạo trên con đường Thập Giá, là người đầu tàu cho các môn đệ; và đối với các biến cố, Người hoàn toàn ở thế chủ động; khi vào Giêrusalem Người điều khiển mọi biến cố theo như ý Người.
* Đức Giêsu truyền lệnh và mọi sự diễn ra đúng như thế (19,30-34)
Đức Giêsu hoàn toàn chủ động, Người sắp xếp mọi sự và tất cả diễn tiến theo đúng như Người đã chỉ định. Một cách kín đáo Luca gợi lại việc an bài của Thiên Chúa trong công trình sáng tạo: Chúa phán: “hãy có…”, tức thì có! Đức Giêsu vào Giêrusalem để chuẩn bị cho công cuộc sáng tạo mới (Mầu Nhiệm Phục Sinh: Đức Giêsu là Trưởng Tử, người đầu tiên từ cõi chết sống lại), cho công cuộc phục hồi toàn diện và thăng hoa nhân tính: con người này là “người công chính” (Lc 23,47b); là “Con Thiên Chúa” (Mc 15,39).
* Đức Giêsu cưỡi trên lưng con lừa con: chi tiết này gợi lại sấm ngôn Dcr 9,9, loan báo vị “Vua – Mêsia” sẽ đến trong hình hài của một nhân vật khiêm tốn và hòa bình. Người không đến như trang chiến binh uy hùng trên lưng chiến mã mà khiêm nhu trên lưng “lừa con”.
Đó là con lừa con “chưa ai cưỡi bao giờ” (c. 30): chi tiết này gợi lại Ds 19,2 “Tất cả mọi con vật được chỉ định hiến tế cho Thiên Chúa thì không được sử dụng vào bất kỳ công việc thông dụng nào khác vì nó đã được chỉ định cho Thiên Chúa, CŨNG VẬY, con lừa con của Đức Giêsu, của vị “Vua – Mêsia” phải là một con lừa mà chưa ai cưỡi” (x. Panoles sur le chemin C p.80).
Mở rộng ra thì lễ vật đầu mùa phải dâng cho Thiên Chúa. Vì là người đầu tiên cưỡi con lừa này nên nó chưa có yên, do đó các môn đệ mới lấy áo mình phủ lên lưng lừa làm yên cho Đức Giêsu cưỡi.
*Dân chúng “trải áo trên đường” gợi lại 2V 9,13; Và lời tung hô của đám đông và môn đệ cũng nhắc lại 1V 1,40 nói lên thái độ ủng hộ tôn vinh vua. Đức Giêsu chính là vị vua phải đến, Người đang khải thắng ngự về kinh đô của mình và được thần dân chúc tụng.
Về lời ca tụng của các môn đệ, Luca nhấn mạnh tính cách long trọng tôn vinh và ý nghĩa đặc biệt của việc làm này: trong Matthêu và Marcô chỉ nói dân chúng “reo hò”, còn Luca thì diễn tả “lớn tiếng CA TỤNG THIÊN CHÚA”, và còn thêm “vì mọi phép lạ họ được thấy” (c. 37). Chi tiết này cũng góp phần làm đậm nét hơn dung mạo thần linh của Đức Giêsu, qua các phép lạ, Người chính là “Vị Vua – Mêsia” đến thi ân giáng phúc cho dân Người.
*“Kurios cần đến nó” (con lừa con)
Trong Luca danh từ “Kurios” được dùng đến 40 lần, gán cho Đức Giêsu. Nhưng những lần đó là do kẻ khác nói về Người, hoặc thân thưa với Người, hoặc dùng trong một chuyện kể. Chỉ lần duy nhất trong trình thuật kiệu lá này, Đức Giêsu tự xưng mình là “Kurios”.
Vậy Đức Giêsu qua cuộc tiến vào thành Giêrusalem này muốn hé lộ trước vinh quang thần linh của Người mà Người sẽ hiển lộ rõ ràng khi phục sinh.
*Lời tán dương: “chúc tụng Đức Vua … Bình an trên cõi trời cao” … được Luca dùng để thay thế hai lần tiếng reo hò “Hosanna” trong Mt 21,9 và Mc 11,9-10.
“Hosanna” là tiếng hi lạp, phát xuất từ gốc tiếng Do Thái là “Hosianna”, có nghĩa là “cứu đi nào!”. Trong bối cảnh lễ Vượt Qua của người Do Thái đang sôi sục muốn dành lại độc lập từ tay người Roma, một đám rước đông đảo đang tiến vào Giêrusalem với tiếng reo hò “bốc lửa”: “Cứu đi nào!” dễ có nguy cơ gây nên những âm hưởng chính trị đưa tới bạo động (x. Chú giải Phúc Âm Chúa Nhật C trang 277), nên Luca đã loại bỏ từ “Hosanna” và thay lại bằng lời tán dương an bình: “Chúc tụng Đức Vua…! Bình an trên trời”: Đức Giêsu chính là Đức Vua phải đến nhưng không phải là một Mêsia chính trị như người ta mong đợi, nhưng Người đến như một vị vua khiêm hạ đã được ngôn sứ báo trước (Dcr 9,9); Rồi từ chỗ đáy khiêm hạ ấy Thiên Chúa đã tôn vinh Người đến độ trời, đất, âm phủ đều thần phục cung bái Người (Pl 2,6-11). Trình thuật kiệu lá này là một trình thuật tiên báo việc Đức Giêsu sẽ được tôn vinh, nâng lên đích thực của ngày phục sinh.
BÀI THƯƠNG KHÓ: Lc 22,14 – 23,56
Bài Thương Khó quá dài, ý nghĩa phong phú, không thể suy gẫm hết mọi khía cạnh. Ở đây chỉ xin giới hạn vào chủ đề của năm C: Mùa Chay là Mùa Chiến đấu. Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều nói tới cuộc chiến mở đầu sứ mạng công khai của Đức Giêsu; Tuy nhiên chỉ có Luca kết thúc trình thuật đó bằng ý tưởng: quỷ chưa bỏ cuộc, “Qủy bỏ đi chờ đợi thời cơ” (4,13b). Qủy đã đeo bám Đức Giêsu suốt sứ mạng công khai của Người, tìm đủ mưu mô đề đẩy Người đi lạc xa đường lối Chúa. Và trận chiến quyết định đã diễn ra trên Thập Giá.
1/ Tấn công Đức Giêsu lần cuối:
*Qủy tái xuất hiện:
Chỉ có Luca mở đầu trình thuật Thương Khó bằng chi tiết: “Xatan đã nhập vào Giuđa” (22,3). Thời cơ mà quỷ chờ đợi đã đến, hắn tái xuất hiện qua những nét tiêu cực của các môn đệ để tấn công Đức Giêsu, và điều động những ác ý của con người để “tìm mọi cách” (so với Lc 4,13a) để loại Đức Giêsu cho kỳ được.
Luca đã trình bày việc các thượng tế kinh sư tìm thủ tiêu Đức Giêsu (22,2); việc Giuđa bán Thầy, Phêrô chối Thầy, các tông đồ không hiểu ý Thầy (tranh vị trí số 1: 22,24; tưởng Chúa dạy giải quyết bằng bạo lực 22,36.38), để rồi cuối cùng bỏ Thầy một mình trên thập giá, tất cả đều là công cuộc của Xatan (22,3.31) là giờ của quyền lực tối tăm (22,53).
Thật vậy, ác ý của Thượng tế, kinh sư thì quá rõ; Riêng phần các môn đệ: trong suốt sách Tin Mừng của mình, Luca rất ít nói đến các khuyết điểm của các tông đồ, đặc biệt trong tương quan với ba lần báo thập giá:
– Sau lần 1, không có đoạn Phêrô cản Đức Giêsu và bị mắng là Xatan.
– Sau lần 2, các môn đệ không tranh cãi nhau: Lc 9,46 chỉ nói “một câu hỏi chợt đến với các ông” thôi.
– Sau lần 3, không có lời xin được ngồi hai bên tả hữu của hai con Dêbêđê và cũng không có ganh tỵ của 10 vị kia.
Tất cả tiêu cực môn đệ như được Luca dồn hết vào thời điểm quyết liệt này khi “giờ đã đến” (22,14): nhập vào Giuđa (22,3); sàng sảy các môn đệ nhất là Phêrô (22,31); ngay trong bàn tiệc ly các ông mới “cãi nhau sôi nổi xem ai… lớn nhất” (22,24) và Đức Giêsu xác nhận đó là công trình của Xatan: hắn xin sàng sảy các môn đệ (22,31).
*Xin được sàng anh em: hàm ý Thiên Chúa vẫn là chủ động. Chi tiết này gợi lại chuyện Xatan xin sàng sảy ông Gióp (G 1,9-12; 2,4-6) để xem đức tin của ông vào Thiên Chúa có đích thực hay không. Với các môn đệ, Chúa cho Xatan sàng sảy là để tinh luyện lòng tin của các ông khỏi những hứng khởi, ảo tưởng về bản thân (22,33); tẩy khỏi các ông đầu óc thống trị (22,25-26); toan dùng bạo lực để giải quyết vấn đề (22,38.49-51 – câu 23,36 Chúa nói phải chuẩn bị để chiến đấu trước thập giá; các ông lại hiểu lầm là sắp đánh nhau, nên chữ “đủ rồi” là để cắt đi sự hiểu lầm ấy: x. CGKPV Tân Ước 1994 trang 368 h, l).
Thực tế ban đầu môn đệ đã thua cuộc: chối Thầy, bán Thầy; nhưng nhờ các can thiệp, cầu nguyện của Đức Giêsu (22,32), cuối cùng môn đệ cũng vượt được giới hạn của mình: Phêrô đã hối hận ăn năn (22,61-62) và chắc chắn sẽ chiến thắng vì Đức Giêsu đã hứa (22,28-30; 22,32).
*Bữa Tiệc Ly trong Luca, khía cạnh tự nguyện chủ động của Đức Giêsu rõ nét hơn trong Mt và Mc. Để chuẩn bị ăn Lễ Vượt Qua, Đức Giêsu chủ động sai Phêrô và Gioan đi dọn chỗ Lc 22,8, còn trong Mt 26,17 và Mc 14,12 thì môn đệ đến hỏi trước Đức Giêsu định ăn lễ ở đâu. Và cũng chỉ có Luca nhấn mạnh đến tâm tình chủ động của Đức Giêsu: “khao khát mong mỏi ăn Lễ Vượt Qua này với các môn đệ trước khi chịu khổ hình” (22,15).
Vậy cuộc tấn công cuối cùng của quỷ, biểu lộ qua ác ý của các thủ lãnh tôn giáo, qua những cái nhìn lệch lạc đưa tới bội phản của môn đệ…, cũng không qua được thánh ý của Cha và được Đức Giêsu tự nguyện chủ động đón nhận, rồi biến tất cả thành phương thế cứu độ dọn đường cho bàn tiệc cánh chung trong Nước Thiên Chúa.
2/ Dứt điểm: ba lời của Đức Giêsu trên thập giá:
Trong sa mạc, quỷ đã thất bại hoàn toàn nhưng nó chưa bỏ cuộc (4,1-13). Và rồi nó gặp lại Đức Giêsu trên thập giá, nhưng không dám đối đầu trực diện với Người, nhưng xúi đàn em khích bác Đức Giêsu với cùng một âm mưu: tìm cách đẩy Đức Giêsu đi trệch khỏi con đường thi hành ý Cha qua ba lời khích. Đây là một biến thể của ba cơn cám dỗ sa mạc. Và bằng ba lời cuối cùng trên thập giá, Đức Giêsu đã dứt điểm cuộc chiến: phó thác tất cả cho Cha. Từ nay quỷ chỉ còn đánh du kích lẻ tẻ dụ dỗ cá nhân nhẹ dạ; Còn đối với Đức Giêsu và nhân loại, quỷ hoàn toàn thất bại. Ơn cứu độ đã hoàn tất.
a/ Cám dỗ 1: nếu ông là con Thiên Chúa hãy biến đá thành bánh (4,3)
Thách thức 1: nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa thì hãy cứu mình đi (23,35)
Lời 1 trên thập giá: xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm (23,34)
Thách thức một lập lại cơn cám dỗ 1: dùng quyền năng thiên sai thần linh để thỏa mãn những nhu cầu, dù cấp thiết, nhưng riêng tư của mình. Lời đáp thực ra được Đức Giêsu nói lên trước khi bị thách thức, nội dung là một lời khẩn nài Cha tha thứ cho những kẻ đối xử ác với Người với lý do là họ không biết việc họ làm: họ không biết rằng quỷ dùng họ làm công cụ tấn công Đức Giêsu. Vì thế tội họ có thể tha được nếu ý thức ra cái sai của họ (Phêrô, trộm lành, dân chúng hưởng được tha thứ này ngay trước mắt). Như vậy thay vì dùng quyền năng để thỏa đáp nhu cầu cá nhân, Đức Giêsu đã dùng quyền làm con để nài xin Cha tha thứ, phục vụ ơn cứu độ tha nhân, giải cứu nhiều người khỏi bàn tay của quỷ.
b/ Cám dỗ 2: “tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị… nếu ông bái lạy tôi” (4,6).
Thách thức 2: “nếu ông là VUA thì cứu mình đi…” (23,37).
Lời 2 trên thập giá: “quả thật, hôm nay anh được ở với tôi trên thiên đàng” (23,43)
Thách thức và cám dỗ lạm dụng quyền Vua tích lũy, tìm lợi cho mình, đón nhận quyền từ quỷ. Lời đáp của Đức Giêsu cho thấy Người là VUA, nhưng không nhận từ quỷ mà nhận từ Cha qua việc vâng ý Cha (22,42) và quyền vua được dùng để cứu thần dân sám hối chứ không tìm thoải mái cho bản thân mình. Hai từ Amen (quá thật) và Hôm nay cho thấy quyền vua của Đức Giêsu là tuyệt đối và kết quả là có ngay. Trên Thập giá Người hiển thị điều đã dạy môn đệ trong bữa Tiệc Ly: làm đầu là phục vụ, phục vụ ơn cứu độ tha nhân.
c/ Cám dỗ 3: thử thách Thiên Chúa bằng cách đòi Người biểu lộ quyền năng (4,10-12)
Thách thức 3: ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy cứu mình và cứu tôi với (23,39)
Lời 3 trên Thập giá: con phó thác hồn con trong tay Cha (23,46)
Kẻ không tin đòi thử thách Chúa, đòi dấu lạ để tin, nhưng thật ra là để thỏa mãn các khát vọng của mình. Tên trộm dữ đòi Đức Giêsu thi hành quyền năng cứu độ bằng con đường thách thức Thiên Chúa. Đáp lại Đức Giêsu phó thác tất cả trong tay Cha.
Với 3 lời Đức Giêsu trên thập giá, toàn bộ mưu đồ của Xatan bị phá sản. Nhân loại đã được phục hồi. Từ nay ai tin và gắn bó với Đức Giêsu sẽ được cứu.
Frère Pierre Đình Long FSC