Lc 22,14-23,56
Hôm nay Chúa Nhật Lễ Lá, cùng với Giáo Hội, chúng ta bước vào Tuần Thánh để tưởng niệm Cuộc tử nạn, cuộc thương khó của Chúa Giêsu.
Chúng ta được mời gọi nhìn lên Thánh giá để cảm nhận lòng xót thương của Thiên Chúa. Thánh giá là một mầu nhiệm mà chúng ta không thể hiểu được. Làm sao có thể lý giải được việc Thiên Chúa chịu đau khổ và chịu chết? Làm sao hiểu được một Thiên Chúa quyền năng lại chấp nhận chịu bắt bớ, hy sinh và chết một cách nhục nhã trên cây thập giá? Quyền năng Thiên Chúa ở đâu nơi thập giá?
Câu trả lời duy nhất, ngắn gọn và bao quát, đó là vì yêu thương.
Xin mạn phép chia sẻ bài suy niệm của cha Nguyễn Văn Nghĩa, giáo phận Ban Mê Thuột.
…Chắc hẳn anh chị em bà con lương dân, khác đạo sẽ thấy lạ tai với cụm từ “thương khó”, một cụm từ không mấy phổ thông. Lần giở các trang từ điển tiếng Việt, tôi không tìm thấy cụm từ ấy.Thế nhưng, hầu như Kitô Hữu Công giáo nào khi nghe đến cuộc thương khó, cũng hiểu ngay đó là Cuộc Tử Nạn của Chúa Giêsu. Cụm từ “cuộc thương khó” được dịch bởi từ La ngữ “Passio” mà nguyên nghĩa là chịu đau khổ. Anh ngữ và Pháp ngữ đều dịch là “Passion”, cũng một nội hàm. Không hiểu vì sao khởi đi từ nghĩa gốc là “chịu đau khổ” thì từ Passion theo thời gian, có lẽ bắt đầu từ thế kỷ XII, lại có thêm nghĩa là dục vọng, một dục vọng mãnh liệt vượt mức bình thường, thành sự đam mê, thành “yêu say đắm”. Có mối tương quan gì chăng giữa các nghĩa của các từ ngữ này, bản thân không được rõ nhưng cũng xin mạo muội chia sẻ đôi tâm tình về cuộc khổ nạn của Chúa chúng ta, nhân sự gợi ý của hai ngữ nghĩa ấy. Chúa Giêsu chịu khổ nạn, vì con người đam mê, yêu say đắm. Và vì đam mê, yêu say đắm con người, nên Chúa Giêsu chịu khổ nạn.
1.Chúa Giêsu chịu khổ nạn vì con người đam mê, yêu say đắm bản thân mình. Vấn đề là ở đối tượng của sự đam mê hay yêu say đắm. Con người đã theo chước cám dỗ mà hướng chiều sự say mê vào chính bản thân mình. Biết sự lành sự dữ là một ước muốn chính đáng và hợp lý với loài có trí khôn. Tuy nhiên khi lấy bản thân mình, lấy lợi ích của mình để làm thước đo lành dữ thì quả là một sai lầm to lớn. Vì say đắm chính mình nên con người đã đặt danh dự, chức phận, lợi ích của mình lên trên hết. Những gì có lợi cho tôi, làm cho tôi vinh dự, giúp tôi thăng tiến quyền chức đã trở thành điều lành theo quan điểm của tôi.
Các nhà Kitô học cũng như các chuyên gia Thần Học Thánh Kinh đã phân tích các nguyên nhân phía nhân loại, gây ra cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Trong các nguyên nhân ấy cần phải kể đến tham vọng quyền bính của nhóm 12, mà đặc biệt là của tông đồ Giuđa. Sự thường, đi liền sau quyền bính chính là lợi lộc. Ngoài ra chúng ta cũng cần kể đến tham vọng quyền bính của những người lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ. Tổng trấn Philatô đã biết rõ: “chỉ vì ganh tị mà họ nộp Người” (Mt 27,18).
Một sự say đắm “quy ngã”, nghĩa là hướng về bản thân mình, rất dễ dẫn đến những điều tồi tệ cho tha nhân và cho cả bản thân. Quá yêu mình thì người ta sẽ dễ coi thường tha nhân. Quá xem trọng lợi ích của mình thì người ta cũng dễ bị cám dỗ tìm cách hạn chế hay xâm phạm lợi ích của kẻ khác. Để bảo vệ quyền chức của mình, người ta cũng dễ sẵn sàng hạ bệ kẻ khác bằng mọi cách thế, kể cả thủ đoạn.
2.Vì yêu say đắm con người nên Chúa Giêsu đã chịu khổ nạn. Vừa đặt câu hỏi lại vừa trả lời, tác giả Thánh vịnh cho ta hay:
Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo,
muôn trăng sao Chúa đã an bài,
thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến,
phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm?
Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy,
ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên,
cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo,
đặt muôn loài muôn sự dưới chân” –
(Tv 8,4-7).
Ngoài câu trả lời: vì Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8) thì chúng ta không thể trả lời cách đầy đủ cho câu hỏi tại sao Thiên Chúa yêu con người đến thế. Nhưng chúng ta lại biết rõ “cái thế này”:” Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16) .Chúng ta còn thấy sự đắm say này qua việc con Thiên chúa làm người đã tự nhận làm con của loài người (Son of Man- Fils de l’Homme). Đó là Đấng mà xưa ngôn sứ Đaniel qua thị kiến đã thấy “ngự giá mây trời mà đến đến” (Đn 7,13).
Sự đắm say của Chúa Giêsu mang tính “quy tha” nghĩa là hướng về người khác. Là Người Con Một, Người luôn hướng về Chúa Cha bằng sự hiệp thông, mến yêu, vâng phục. Vào trần gian, làm “con của loài người”, ý định của Người là “không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người. (Mt 20,28).
Tình yêu thì không có biên giới. Đã yêu thì không chấp nhận sự nửa vời. Và có thể nói say đắm là điểm tới của yêu thương. Đã đắm say thì có sự khổ nạn. Vấn đề đặt ra là hướng của sự đắm say là bản thân hay tha nhân. Khi ta say đắm bản thân thì ta sẽ gây đau khổ cho kẻ khác và ta lại hủy hoại chính bản thân mình. Ngược lại khi ta đắm say tha nhân thì ta sẽ đón nhận khổ đau để tha nhân được cứu sống, được hạnh phúc và chính ta cũng sẽ được sống, triển nở và sống dồi dào.
Người ta thường gọi các thánh là những người “điên”. Có lẽ chữ “điên” hơi mang dáng vẻ hàm hồ và dễ bị ngộ nhận. Thiết nghĩ nên gọi các Ngài là những vị yêu Chúa, yêu tha nhân cách say đắm. Như thế ngoài những vị đã được Hội Thánh tuyên phong thì đã có và đang có nhiều vị thánh không tên, những người đang yêu đồng loại cách đắm say. Họ đang dõi bước theo chân Chúa Giêsu, Đấng đã từng phán: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác Thập Giá mình hàng ngày mà theo”. (Lc 9,23). Với những vị đó, theo cách nói của thánh Augustinô, thì thì “ bài thương khó” dù rằng khó và rất khó nhưng vẫn dễ thương, vì đã được thương rồi.
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa -Ban Mê Thuột