CHÚA NHẬT LỄ THĂNG THIÊN NĂM C

Lc 24,46-53

Phiến đá in dấu chân Chúa Giêsu trước khi Người về trời

Ngày 12-4-1961, Yuri Gagarine, người Nga, trên phi thuyền Vostok 1, đã là người đầu tiên bay vào không gian. Theo nhiều tài liệu thì, khi về lại trái đất, ông đã nói Tôi không thấy ở trên này có Chúa nào cả. 

         Với mắt thường, nếu được bay vào không gian như Gagarine, có lẽ chúng ta cũng sẽ phát biểu như ông. Kinh thánh thường diễn tả Trời như nơi Thiên Chúa ngự. Xa giá Người là trời cao mây thẳm (Đnl 33,26). Thiên Chúa ngự trên trời. (Gv 5,1).Chúng ta đọc Lạy Cha chúng con ở trên trời. Chúng ta tin Chúa Giê su bởi trong kẻ chết mà sống lại, lên trời…

          Ngày 20-7-1969, cùng với phi thuyền Apollo 11, Neil Armstrong và Aldrin, người Mỹ, là những người đầu tiên bước chân lên mặt trăng, Trước đó 7 tháng, vào đêm Giáng sinh, 24 tháng 12 năm 1968, phi hành đoàn của Apollo 8 đã đọc sách Sáng Thế khi họ quay quanh Mặt trăng. Các phi hành gia Bill Anders, Jim Lovell và Frank Borman ra khỏi quỹ đạo trái đất và bay chung quanh Mặt trăng, đã đọc thuộc lòng từ câu 1 đến câu 10 của câu chuyện về sự sáng tạo từ Kinh thánh King James. (KJV phiên bản KT Tin Lành). Anders đọc câu 1–4, Lovell câu 5–8, và Borman đọc câu 9 và 10. Phải chăng, với con mắt đức tin, họ đã thấy Chúa, khi họ đang bay trên trời.

        Nói lên trời, chỉ là cách diễn tả Chúa Giêsu vào vinh quang cùng với Chúa Cha để thống trị loài người, thống trị vũ hoàn. Như thế thì Ngài đã lên trời từ khi Ngài phục sinh, nghĩa là cách đó 40 ngày. Trong thời gian này, nhiều lần Ngài hiện ra để an ủi, để củng cố niềm tin các môn đệ. Hôm nay là ngày cuối cùng Ngài hiện diện hữu hình nơi trần thế. Ngài ra đi để ban Đấng Bảo Trợ cho môn đệ, cho Giáo Hội:  “Và đây, chính Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa” (Lc 24,49). Giáo Hội bắt đầu sứ mạng làm chứng nhân cho Chúa Kitô: 

“…Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này.” (Lc 24,47-48). 

Bây giờ, anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem trong khắp các miền Giuđêa, Samari và cho đến tận cùng trái đất”. (Cv 1,8).

          Sau những năm tháng ở bên Thầy, được học hỏi, được huấn luyện, nay các môn đệ được nhận lãnh Thánh Thần và được sai đi rao giảng khắp nơi.

         Chúa Giêsu về trời, nhưng Người muốn các môn đệ- tức là Giáo Hội- phải nối tiếp sứ mạng cứu độ của Người. Chúa về trời không phải là xa cách chúng ta, nhưng là ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.

        Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã giải thích biến cố quan trọng này như sau: Chúa lên trời không phải là bỏ chúng ta, nhưng Người hiện diện cách khác, mới mẻ hơn, với chúng ta trong Chúa Thánh Thần. Người ở cùng chúng ta luôn mãi cho đến tận cùng. Và Người muốn mỗi người chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận hồng ân Thánh Thần của Người để làm chứng cho Người trong môi trường chúng ta sinh sống.

       Thực thế, khi còn ở dưới trần gian, mang thân phận con người, Chúa chịu giới hạn bởi không gian và thời gian, nay trong vinh quang của Thiên Chúa Cha, Người luôn cận kề Giáo Hội mọi nơi, mọi lúc; chúng ta có thể kêu cầu Người bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu.              

       Rao giảng thôi chưa đủ, còn cần làm chứng. Vì thế, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nhận định rằng: “Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dậy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng”.( Evangelii Nuntiandi  – Loan báo Tin Mừng-, đoạn 41).

        Sống mầu nhiệm Chúa lên trời, người tín hữu không phải chỉ đăm đăm nhìn trời để nuối tiếc, nhưng là đi vào thế giới, vào môi trường mình đang sống để làm chứng cho Chúa, để giới thiệu Chúa cho tha nhân. Sống chứng nhân là xây dựng nước trời ngay trong cuộc sống, ngay trong gia đình, ngay trong môi trường sống của mình. 

       Lệnh truyền của Chúa vẫn mang tính thời sự và dành cho mọi tín hữu: Hãy đi giảng dạy muôn dân: Euntes ergo docete omnes gentes. Đó cũng là khẩu hiệu của Chủng Viện Thừa Sai Kontum. Khẩu hiệu đã nung nấu tinh thần truyền giáo của bao nhiêu thế hệ chủng sinh trong suốt 85 năm qua.

         Tóm lại, khi chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu lên trời là chúng ta tin rằng Chúa đã Tử nạn-phục sinh và siêu vượt trên thế giới  này.  Sau khi phục sinh, Người đã đi vào thế giới mới của Thiên Chúa. 

          Tuyên xưng Chúa lên trời, chúng ta còn tràn trề hy vọng sẽ được về với Thầy: “ Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14,3).

           Lạy Chúa, xin cho mọi người chúng con vững tin vào mầu nhiệm Chúa lên trời và biết ý thức ra đi rao giảng Tin Mừng.

                                          Nguyễn Đức Lân