Cv 1, 1-11 (ABC); Lc 24, 46 -53 (C).
Chủ đề: Đức Giêsu thăng thiên tiến vào cảnh vực, vinh quang của Thiên Chúa.
* Cv 1,9: Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người.
* Lc 24,51: Đang khi chúc lành cho các môn đệ, thì Đức Giêsu rời khỏi các ông và được đem lên trời.
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Đức Giêsu Thăng Thiên. Trong năm C, phụng vụ Lời Chúa bài đọc 1, lẫn Tin Mừng đều nói trực tiếp đến biến cố thăng thiên. Cv 1,9 viết: “Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người khiến các ông không còn thấy Người nữa”. Còn Lc 24,51 thì nói “Người rời khỏi các ông và được đem lên trời”. Theo cách diễn tả trên của Luca, chúng ta có cảm giác Đức Giêsu đang “chuyển hộ khẩu”: rời bỏ nơi ở DƯỚI ĐẤT để đi đến một chốn nào đó ở TRÊN TRỜI. Thực ra, với biến cố lịch sử phục sinh, Đức Giêsu không còn bị “nhốt” trong phạm trù không gian, thời gian nữa. Người có thể hiện diện cùng một lúc ở khắp mọi nơi. “Trời” không phải là một khái niệm địa lý, mà là cách Kinh Thánh dùng để diễn tả nơi Thiên Chúa ngự trị, cảnh vực thần linh: “Lạy Cha chúng con, ở TRÊN TRỜI”. Đức Giêsu lên trời có nghĩa là Người đi vào cảnh vực của Thiên Chúa. Từ nay trong nhân loại xác phàm của chúng ta đã có được MỘT CON NGƯỜI được hội nhập mật thiết, bất khả phân ly vào mầu nhiệm thần linh Ba Ngôi Thiên Chúa. Trong tương quan với vụ trụ, qua biến cố thăng thiên, Đức Giêsu công khai tuyên bố quyền LÀM CHÚA của Người trên toàn thể tạo thành.
Như vậy, qua Thăng Thiên, Đức Giêsu không rời bỏ thế gian, Người chỉ THAY ĐỔI TƯ CÁCH, CÁCH THỨC HIỆN DIỆN. Thật vậy, khi “rời bỏ” Cha để nhập thể, Ngôi Lời vào trần thế một mình; Thế nhưng giờ đây, khi thăng thiên, Ngôi Lời mang theo nhân tính Giêsu về với Cha. Điều đó muốn nói rằng, từ nay quyền năng thần linh của Giêsu bao trùm toàn vũ trụ. Qua nhân tính của mình, Đấng Phục Sinh quy tụ toàn thể tạo thành và dâng lên Cha tất cả. Vậy Thăng Thiên không chỉ là vinh quang cá nhân Giêsu mà là vinh quang cho toàn thể nhân loại: Đức Giêsu như là hao quả đầu mùa dâng lên Cha…sau đó, theo thứ tự mỗi người chúng ta cũng lần lượt đi vào vinh quang đó cùng với Đức Kitô để chung cuộc “Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự” (x. 1Cr 15,22-24.28). Lúc đó chúng ta sẽ nên như Người “sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến” (x.1Cr 15,49). Trong đức tin, Hội Thánh biết rằng mình đã dự phần vào sự hiện trị này rồi, mặc dù trong một thời gian, Hội Thánh còn phải tiếp tục chiến đấu.
Bài đọc 1 và Tin Mừng của lễ Thăng Thiên C đều cho thấy Đức Giêsu đi vào trong vinh quang của Thiên Chúa. Với quyền năng thần linh ấy, từ nay Đấng Thăng Thiên không hề vắng mặt nhưng Người luôn đồng hành cách vô hình với đoàn môn đệ, bảo đảm cho sứ vụ của họ sẽ thành công.
Thật vậy cả 2 bài đọc đều nói Đức Giêsu lên trời NGAY TRƯỚC MẮT đoàn môn đệ. Các ông tận mắt chứng kiến Người lên trời, “có đám mây quyện lấy Người” đưa vào cảnh vực thần linh (x.Lc 24, 50-52; Cv 1,9). Chi tiết này gợi lại việc tiên tri Elisa được tận mắt nhìn thấy thầy mình là Elia được rước về trời, nên ông đã được nhận lãnh trọn vẹn Thần Khí của thầy mình như ông đã khao khát (x. 2V 2,9-15). Như vậy khi thấy Đức Giêsu lên trời NGAY TRƯỚC MẮT, đoàn môn đệ của Đức Giêsu có được một bảo chứng chắc chắn rằng họ sẽ được lãnh nhận TRÀN ĐẦY CHÚA THÁNH THẦN của Đấng Phục Sinh để tiếp tục cách hiện quả sứ vụ mà Đấng Phục Sinh trao phó cho họ. Và đến lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần hiện xuống trên đoàn môn đệ.
Tuy nhên giữa hai bài đọc cũng có những nét khác biệt rõ ràng. Chi tiết dễ thấy nhất, đó là THỜI ĐIỂM Chúa lên trời: 40 ngày sau biến cố Đấng Phục Sinh hiện ra (bài đọc 1), hoặc là ngay trong ngày Người hiện ra cho các môn đệ (Tin Mừng)?
Thật ra khi Đức Giêsu đã phục sinh và được tôn vinh là CHÚA thì mọi giới hạn về thời gian lẫn không gian đều không thể cầm giữ được Người: Người đã lên trời cả hồn lẫn xác ngay khi phục sinh. Chúng ta đừng quên rằng Mt 27,54b và Mc 15,39 đã tuyên xưng Đức Giêsu là CON THIÊN CHÚA ngay khi Người gục đầu tắt thở. Thêm nữa, biến cố phục sinh không ai chứng kiến được, người phàm chỉ biết được là nhờ những lần Người hiện ra cho thấy. Do đó 40 ngày mang ý nghĩa biểu tượng: đó là thời gian cuối cùng Người còn hiện diện hữu hình dành riêng cho các tông đồ (x. Cv 1,2b) nhằm củng cố đức tin của các ông vào biến cố phục sinh, đồng thời căn dặn, bổ sung những điều cần thiết để chuẩn bị các ông đón nhận Thánh Thần và thi hành sứ vụ như những con người trưởng thành, tự đảm nhận trách nhiệm sau khi Người thăng thiên (x. Cv 1,2b -5).
Còn Tin Mừng thì nhấn mạnh tới khía cảnh khác: Đấng Phục Sinh đang lúc thăng thiên đã đưa tay CHÚC LÀNH cho đoàn môn đệ gồm Nhóm 11, các bạn hữu và 2 môn đệ làng Emmau (x. Lc 24,33). Chi tiết này gợi lại việc Dacaria ở đầu Tin Mừng Luca, sau khi tế lễ trong Cung Thánh đi ra đã không chúc lành được cho dân chúng vì bị câm (x. Lc 1,19 -22). Điều mà tư tế Cựu Ước, Dacaria không làm được thì nay Đức Giêsu, TƯ TẾ MỚI với hi lễ thập giá, phục sinh, Thăng Thiên đã hoàn tất. Từ nay mọi nguồn mạch phúc lành của dân và cho dân Chúa đều phát xuất từ Đấng Phục Sinh thăng thiên.
Với thăng thiên, Đức Giêsu đã long trọng khai mạc quyền làm CHÚA của Người trên toàn vũ trụ (x. Pl 2,10-11); Người đi về Nhà Cha để dọn chỗ cho chúng ta (x. Ga 14,2); Người mở đường đưa nhân tính vào sự hiệp thông mật thiết với thiên tính Thiên Chúa (1Cr 15,23.24.28). Đó là Tin Mừng mà mọi tín hữu phải xác tín và công bố cho toàn thế giới theo lệnh Đấng Phục Sinh thăng thiên.
Frères Đình Long FSC