CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA – năm B

Bài 1

St 15,1-6.12,1 – 3; Lc 2,22-40

Chủ đề: TƯƠNG QUAN CHA MẸ – CON CÁI TRONG DỰ TÍNH CỦA THIÊN CHÚA: con cái là hồng ân của Chúa, nên ưu tiên thuộc về Người.

* St 21,2: Đúng vào thời kỳ Thiên Chúa đã hứa, bà Sara có thai và sinh cho ông Abraham một con trai khi ông bà đã già.

* Lc 2,23: Mọi con trai đầu lòng phải được thánh hiến dành riêng cho Thiên Chúa; Maria và Giuse đem con tiến dâng cho Thiên Chúa.

Trong cuộc sống của thế giới tục hóa như hôm nay, việc lập gia đình sinh con đẻ cái thường bị xem là công việc thuần túy mang tính nhân loại: thanh niên nam nữ tự ý chọn vợ gả chồng; việc sinh hạ con cái được xã hội ủng hộ là phải “KẾ HOẠCH HÓA” bằng mọi cách; và với tiến bộ của khoa học con người đã lầm tưởng rằng có thể “kỹ thuật hóa” việc thụ thai, sinh con theo ý riêng con người; Người ta chọn thời điểm sinh con theo ý muốn, chọn lựa phái tính của thai nhi; thậm chí có người còn ảo tưởng rằng nhân loại có thể tạo ra được những giống người thiên tài, siêu nhân theo ý mình muốn. Sự sống, cuộc đời của con người dần bị hạ xuống thành như một MÓN HÀNG mà con người có thể thao túng, chế tạo, xử lý theo ý muốn riêng tư của mình.

Hậu quả là nhân phẩm bị xúc phạm, bản thân con người thành như hàng hóa, cuộc sống gia đình hôn nhân bị thoái hóa thành hợp đồng chung sống làm ăn có kỳ hạn. Đương nhiên phải xảy ra đổ vỡ, các thành viên gia đình không còn gắn kết với nhau gây ra không biết bao nhiêu khổ đau cho nhân loại.

Lời Chúa của lễ Thánh Gia nhắc lại cho các tín hữu, nền tảng đức tin của cuộc sống gia đình: Hôn nhân, gia đình, con cái…trước tiên là HỒNG ÂN của Thiên Chúa. Do đó, mặc dù được Thiên Chúa trao ban cho tự do, quyền chọn lựa, trí khôn tài năng để biện phân, sáng tạo, quyết định, nhưng con người vẫn phải tôn trọng ý định Thiên Chúa trong cuộc sống gia đình và trong cuộc sống của từng thành viên trong gia đình. Hai điểm được lời Chúa năm B lưu tâm là: con cái là hồng ân Thiên Chúa ban cho cha mẹ (bài một); bổn phận cha mẹ là tuân giữ luật Chúa và dạy con tuân giữ như thế (Tin Mừng).

Bài đọc một là phần trích của hai đoạn văn cách xa nhau trong sách Sáng Thế: St 15,1-6 sau một thời gian đi theo Chúa, Abram được Chúa hiện ra nhắc lại lời Chúa đã hứa, khẳng định một cách mạnh mẽ sẽ ban cho ông một dòng dõi đông đúc như sao trời, như cát biển. Abram – lúc đó chưa được đổi tên – đã tin vào lời Chúa và Chúa đã coi ông là NGƯỜI CÔNG CHÍNH (15,1-6). Để củng cố lời hứa của mình, ngay sau đó Chúa đã kết một GIAO ƯỚC một chiều với Abram (St 15,7-18: chỉ một mình Thiên Chúa đi qua giữa lễ vật kết giao ước, còn Abram thì ngủ). Đoạn thứ hai của bài đọc một trích St 21,1-3, thuật lại việc Sara (lúc ấy Chúa đã đổi tên Abraham và Sara) sinh hạ Isaac đúng như lời Thiên Chúa đã hứa trước cho hai ông bà.

Cách sắp xếp như thế của bản văn phụng vụ làm nổi bật ý nghĩa: con cái trước tiên là HỐNG ÂN của Thiên Chúa.

Trong Tin Mừng năm B, lễ Thánh Gia, Luca thuật lại việc Giuse và Maria lên Đền Thờ Dâng con cho Chúa, để chu toàn tập tục Luật đã truyền.

Bản văn Lc 2,22-24 dường như đã đâu kết vào trong trình thuật này hai nghi thức khác nhau của luật Cựu Ước:

  • Lc 2,23 “mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh dành cho Chúa”: việc tiến dâng con đầu lòng cho Chúa (Xh 13,2) được cử hành vào ngày thứ 8 sau khi sinh (Xh 22,29).

  • Lc 2,24: Và để dâng của lễ theo luật Chúa truyền là “một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu” (Lv 12,1-8). Đây là luật liên quan đến việc thanh tẩy người mẹ sau sinh con, được thi hành 40 ngày sau khi trẻ được sinh ra nếu là trẻ nam và 80 ngày nếu là trẻ nữ.

Lucca đã nối hai nghi lễ khác nhau, dành cho hai đối tượng khác nhau…vào trong một dịp duy nhất và chỉ một ý nghĩa: DÂNG CON CHO THIÊN CHÚA. Và điều quan trọng là CẢ GIA ĐÌNH CHA MẸ một lòng, một ý giúp con mình chu toàn lệnh truyền của Thiên Chúa. Và chính khi ba Đấng khiêm tốn sống theo lệnh Chúa thì đó lại là dịp Thiên Chúa dùng để biểu lộ vinh quang thần linh của Hài Nhi cho những người chính tâm hằng khát khao mong đợi: hai cụ già Simêon và Anna đã hưởng trọn Niềm Vui được thấy Đấng cứu tinh.

Lạy Thánh Gia Thất, xin ban cho các gia đình Kitô hữu NIỀM VUI yêu mến Chúa, sẵn sàng tuân thủ luật Chúa, biến gia đình công giáo thành một chứng từ sống động loan báo Tin Mừng, một dấu chỉ đầy sức thuyết phục giúp tha nhân nhận ra vinh quang của Chúa ngay giữa cuộc sống nhân trần hôm nay. Amen

  Bài 2

St 15, 1-6; 21, 1-3
 Lc 2, 22-40

Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo Luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem để tiến dâng cho Chúa như đã chép trong Luật của Chúa…..(Lc 2, 22-23a)

LỄ THÁNH GIA THẤT B

ĐIỀU CHÚA MUỐN: Nhân loại khắc khoải đợi trông Chúa đến! Nhưng thực ra Thiên Chúa vẫn luôn đồng hành với nhân loại ngang qua “Lời Chúa trong lời nhân loại”, để hướng dẫn, chỉnh sửa, chuẩn bị con người biết đường mà đón rước Chúa khi Người đến.

Đồng hành với Mùa Vọng nhân loại, Thiên Chúa cũng từng phút đợi trông lời ĐÁP TRẢ HOÀN TOÀN PHÓ THÁC từ phía con người, góp phần cộng tác cùng Thiên Chúa để công cuộc từ ngàn xưa của Thiên Chúa được thực hiện, công cuộc mà Thiên Chúa hằng mơ ước. Ngay cả trước khi tạo dựng nên con người, Thiên Chúa đã có một khát vọng nóng bỏng về con người: con người phải là “hình ảnh của Thiên Chúa”. Mà Chúa là MỘT CỘNG ĐOÀN, một “CHÚNG TA”, nghĩa là một cộng đoàn ĐỒNG TÂM NHẤT TRÍ: “chúng ta hãy dựng nên con người giống hình ảnh chúng ta” (St 1, 26-27). Cộng đoàn tiên khởi do Chúa tạo nên ấy là MỘT GIA ĐÌNH (St 1, 27b). Gia đình lý tưởng theo như ý Chúa mới là tác phẩm tuyệt vời nhất của công trình sáng tạo, bởi vì “con người ở một mình thì không tốt” (St 2, 18).

Tiếc thay,  nhân loại đã không đón nhận LỜI CHÚA (lệnh cấm St2, 17), nên gia đình rơi vào tình trạng bất hạnh, công trình sáng tạo bị xáo trộn. May thay, Thiên Chúa không bỏ mặc con người; Chúa vẫn kiên trì tiếp tục công cuộc sáng tạo nên một gia đình nhân loại theo hình ảnh cộng đoàn Thiên Chúa: Chúa hứa hoàn tất cho kỳ được ơn cứu độ (St 3, 15).

Cùng với nhân loại, từng bước một, Thiên Chúa thiết kế, chỉnh sửa, tìm kiếm, xây dựng một gia đình nhân loại hạnh phúc, biết phó thác hoàn toàn, tuân phục dự tính của Thiên Chúa, biết đón nhận LỜI CHÚA vào trong gia đình mình và để LỜI CHÚA làm chủ gia đình mình. Và rồi suốt gần 2000 năm lịch sử, từ Abraham cho tới Maria, Thiên Chúa đã tìm được “CẶP ĐÔI HOÀN HẢO” tuyệt vời cho công trình của Thiên Chúa: đó là MARIA và GIUSE. Một “gia đình mẫu mực” theo đúng LUẬT Chúa; Một cặp đôi sẵn sàng phó thác vận mạng, tương lai của mình cho Chúa, sẵn sàng đón nhận ý Chúa, và chỉnh sửa dự tính của mình theo ý định của Thiên Chúa. Và NGÔI LỜI THIÊN CHÚA đã tìm được một GIA ĐÌNH đúng theo hình ảnh Chúa và Thiên Chúa đã vĩnh viễn ở cùng chúng ta. Một gia đình nhân loại đã trở thành nơi để mầm sống thần linh lớn lên thành nguồn ơn cứu độ cho nhân loại: THÁNH GIA THẤT.

Cần nhấn mạnh thêm rằng: Thiên Chúa muốn Ngôi Lời nhập thể làm người trong một gia đình, chứ không phải làm con của một phụ nữ đơn thân. Chính vì thế Thiên Chúa đã sắp đặt để Maria và Giuse đính hôn với nhau thành một gia đình đúng theo tinh thần Luật Môsê của Chúa (nên khi Maria thụ thai thì bà con láng giềng không hề có một lời dị nghị, xầm xì nào), sau đó Thiên Chúa mới sai sứ thần để gặp Maria, rồi gặp Giuse để mời hai đấng cộng tác với Người trong công trình Ngôi Lời nhập thể.

Chúa mời gọi hai vị trong tư cách cả hai đều đã là VỢ CHỒNG trên mặt pháp lý, nghĩa là trước mặt xã hội họ đã là một GIA ĐÌNH chính thức. Và chính trong gia đình đó, Ngôi Lời nhập thể làm người. Thật vậy, trong trình thuật truyền tin Lc 1,26-38, trước giờ chúng ta chỉ chú tâm đến phần nội dung sự kiện Lc 1,26-38 mà lãng quên hai câu đầu 26 và 27 rất quan trọng. Hai câu này cho thấy Maria và Giuse đã là một gia đình với người chồng là thành viên kế thừa của hoàng tộc Đavit. Vậy Maria đón nhận Ngôi Lời nhập thể vào cung lòng mình trong tư cách là một NGƯỜI VỢ đã có CHỒNG; Và Giuse cũng nhận được mộng báo thần linh trong tư cách là một người CHỒNG thuộc nhà Đavit “này Giuse con cháu Đavit đùng ngại đón Maria VỢ ÔNG về…”(Mt 1,20b).

Như vậy ngay từ nguyên thuỷ trong ý định của Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể được đón nhận không phải chỉ bởi một mình Maria như là một phụ nữ đơn thân mà đúng hơn là bởi cả một GIA ĐÌNH HỢP PHÁP trong đó tất cả thành viên nhất trí cùng nhau đón nhận.

Khổ thay trong việc làm Hang đá ngày nay nhiều nơi tưởng rằng chỉ có một mình Maria đón nhận Giêsu, nên trong hang đá hiện đại một số nơi VẮNG BÓNG tượng Giuse, có nơi còn mất luôn cả Đức Maria. Tội nghiệp Đức Giêsu “mồ côi” sớm quá, ngay lúc vừa chào đời (???)

Lễ Thánh Gia khôi phục lại vai trò trọng yếu của gia đình trong công cuộc nhập thể của Ngôi Lời: người được đón nhận bởi một GIA ĐÌNH NHÂN LOẠI đích thực. Giờ đây MẦM SỐNG THẦN LINH của Thiên Chúa đang hoà nhập chảy trong dòng máu nhân loại và trong THỂ CHẾ NỀN (gia đình) của nhân loại.

Mầu nhiệm Nhập Thể phải được đón nhận bởi một cộng đoàn, một GIA ĐÌNH. Và chỉ trong một GIA ĐÌNH, Ngôi Lời nhập thể mới thật sự là một con người trọn vẹn. Vì thế sau khi truyền tin thành công cho Maria, sứ thần phải vội vàng đi thuyết phục Giuse hãy lấy tư cách là CHỒNG thuộc NHÀ ĐAVIT, đón VỢ MÌNH và THAI NHI trong dạ Maria về nhà mình. Lúc đó Màu Nhiệm Nhập Thể mới thục sự hoàn tất.

Chủ điểm phụng vụ

          Lời Chúa của lễ Thánh Gia đương nhiên hướng về đời sống gia đình, mối tương liên giữa các thành viên trong gia đình với nhau và với Thiên Chúa. Lời Chúa năm B nhấn mạnh đến vai trò của cha mẹ trong tương quan với Thiên Chúa: con cái là hồng ân của Thiên Chúa ban cho cha mẹ (bài 1), nên bổn phận của cha mẹ là phải hết lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, giữ luật người cho bản than mình và cùng giúp con cái sống Luật Chúa

           Bài đọc 1 mở đầu bằng lời Chúa hứa ân thưởng cho Abram. Đáp lại là thái độ thất vọng của ông vì ông không có con nối dõi: ông nghĩ rằng người thừa kế ông là một gia nhân, vậy phần thưởng còn ý nghĩa gì cho ông? Nhưng Chúa hứa: người thừa kế sẽ là 1 người con do ông sinh ra và dòng dõi ông sẽ đông như sao trời, cát biển. Abram tin và Yavê coi ông là công chính. Một thời gian sau, bà Sara sinh Isaac đúng như lời Chúa hứa.

          Tin Mừng nhấn mạnh hơn đến bổn phận phải giữ luật Thiên Chúa của bậc cha mẹ trong tương quan với đứa con của mình. Khi đến thời gian phải thanh tẩy, Maria và Giuse đem Đức Giêsu lên đền thờ để thi hành bổn phận dâng con và lễ vật theo luật Chúa truyền. Trong lúc ông bà thi hành điều luật dạy, Thiên Chúa đã dùng những nhân vật Cựu Ước đại diện cho nỗi mong chờ của Israel – ông Simêon và bà Anna – mặc khải cho Maria thấy lần nữa căn tính cũng như sứ vụ thần linh của Đức Giêsu (Người là ơn cứu độ, là Ánh Sáng cho muôn dân, là vinh quang của Israel), đồng thời cũng hé mở mầu nhiệm thập giá (dấu bị người đời chống đối, lưỡi gươm đâm thâu).

 BÀI ĐỌC I : St 15,1-6 : 21,1-3

   Văn mạch

     Lịch sử cứu độ theo nghĩa hẹp khởi đầu bằng việc thiên Chúa gọi Abram: Người truyền cho ông lên đường bỏ quê hương đi đến đất Người sẽ chỉ cho và ban cho ông 3 lời hứa liên quan đến ĐẤT, DÒNG DÕI và PHÚC LÀNH (St 12,1-3). Abram vâng lệnh ra đi (12,4) và Thiên Chúa từng bước một thực hiện 3 lời hứa cho Abram.

Bỏ xứ ra đi, Abram trải qua nhiều thăng trầm: qua Ai Cập tưởng đâu mất vợ, Chúa đã giữ gìn lại còn làm ông thêm giàu có (12,10-20). Nhưng sự giàu có lại đưa đến sự chia tay với người cháu là Lót (13, 1-18), rồi Lót bị 4 vua bắt làm nô lệ, Abram đã đuổi theo chiếm lại (14,1-16), chiến thắng trở về được Melkisede CHÚC PHÚC (14, 17-24): lời hứa thứ 3 bước đầu đã được thực hiện. Giai đoạn làm quen coi như tạm xong. Chúa mời Abram đi thêm bước nữa, dấn thân sâu hơn vào trong mối tương giao với Người: kết giao ước. Chính trong khung cảnh này Abram bộc lộ nỗi khổ tâm tuyệt vọng của ông: lớn tuổi mà lại không con. Đáp lại, Chúa nhắc lại lời hứa và cụ thể là sẽ ban cho ông một mụn con từ đó sẽ xuất ra một dân đông đúc. Abram tin lời ấy và Chúa coi ông là công chính (15, 1-6). Để bảo đảm cho Lời hứa của mình, Chúa kết một giao ước với Abram, qua đó Người nhắc lại luôn lời hứa về ĐẤT (15, 7-18). Tiếp sau đó là một loạt biến cố củng cố thêm lòng tin của Abram: Ismael ra đời (16, 1-16) và khi cậu bé được 4 tuổi, Chúa lại kết một giao ước nữa với Abram và lần này Chúa ghi vào thân xác Abram và hậu duệ một dấu chỉ xác nhận họ thuộc về Thiên Chúa: cắt bì, rồi Chúa đổi tên hai vợ chồng thành Abraham và Sara, đồng thời điều chỉnh lại rằng Ismael không phải là đứa con Chúa hứa ban, đứa con của lời hứa là do Sara sinh ra (17, 1-27).

          Tình thân giữa Thiên Chúa và Abraham ngày càng đậm đà đến độ ông dám đứng ra điều đình xin cho thành Sôđôma khỏi án phạt của Thiên Chúa đã định (18,1-33) và Chúa đã nhận lời xin của Abraham. Tiếc thay Sôđôma quá tội lỗi không đáp ứng được điều kiện Abraham đã đưa ra để nài xin Chúa nên vẫn bị hủy diệt (19,1-38). Chương 20 thuật lại một lần nữa chuyện Abraham suýt mất vợ và Thiên Chúa phải can thiệp để giải cứu Sara. Đến chương 21, Isaac mới ra đời, lúc đó Abraham đã 100 tuổi, Sara 90 (17, 17.21,5).

          Bài đọc 1 là phần trích dẫn của hai đoạn cách xa nhau: đoạn một là phần đầu của chương 15 nói về việc Thiên Chúa nhắc lại lời hứa và đề nghị kết giao ước, sau đó hứa ban cho Abram một đứa con, đoạn hai là phần đầu chương 21 nói về việc ra đời của Isaac: Thiên Chúa hoàn tất lời hứa. Cách sắp xếp của bản văn phụng vụ làm nổi bật ý này: con cái là hồng ân của Thiên Chúa.

CẤU TRÚC và SUY NIỆM

  1. Dự tính của Thiên Chúa đối với Abram: 2 nhịp:

    • Nhịp 1: đi bước trước tới Abram cho ông biết thánh ý Người (St 15,1)

  • Đi bước trước: “phán với Abram trong một thị kiến”.

  • Nội dung:

  • Trấn an: “Abram, đừng sợ”.

  • hứa bảo vệ: “Ta là khiên thuẫn cho ngươi”

  • hứa ban phần thưởng lớn lao.

          Lúc này Chúa chưa đổi tên Abram. Mối tương giao giữa hai bên chưa bị ràng buộc. Theo Kinh Thánh, cho tới lúc này, Abram theo Chúa được lợi nhiều bề, không mất mát gì, lại được Chúa thực hiện một phần lời hứa CHÚC PHÚC  ngang qua Menkissêđê. Giờ đây Chúa muốn đưa Abram đi sâu hơn vào dự tính thần linh của Người: kết Giao Ước. Và Thiên Chúa đã đi bước trước đến tỏ bày ý định của Người cho Abram qua một thị kiến. Thị kiến là cách Thiên Chúa thường dung để bày tỏ ý định của Người cho các ngôn sứ (Is 1,1; Ed 1,1; Đn 7,1; 8,1…). Abram được trình bày như một ngôn sứ (Am 3,1 so với St 18, 17).

Đừng sợ: công thức thường gặp nơi các ngôn sứ, nhằm mục đích mời kẻ được gọi hãy tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa cho dù thực tế còn đầy u tối (Is 35,4; 43,1; Gr 30, 10-11…) Ở đây, Chúa biết trước âu lo của Abram và Người tạo dịp để ông bộc lộ ra tâm tư sâu kín ấy, từ đó Thiên Chúa đưa ông đi sâu hơn vào trong mầu nhiệm Thánh Ý Người.

          Ta là khiên thuẫn: lý do “đừng sợ” là vì Chúa bảo vệ. Lời này được bảo đảm bởi trình thuật đi trước: Abram thắng các vua, cứu Lot, được Menkisêđê chúc lành (St 14).

          Phần thưởng cho ngươi sẽ rất lớn: Sau khi nhắc lại việc đã trợ giúp Abram trong quá khứ và hiện tại, Chúa hướng đến tương lai: ít ra còn 2 lời hứa về dòng dõi và đất đai. Lời hứa này đã chạm vào nỗi đau sâu thẳm của Abram và ông ngỏ lời cùng Chúa (phân tích sau). Một khi Abram bộc lộ hết tâm tình, Chúa bước vào NHỊP  2 của việc tỏ ý định Người.

  • Nhịp 2: cụ thể hoá lời hứa; ban một đứa con và dòng dõi (St 15, 1-5)

  • Nỗi đau sâu kín của Abram (St 15,2-3)

  • Ông bộc lộ một thực tế: ra đi không con, người thừa kế là Eliede người Đamat

  • Ông như trách Chúa hàm ẩn một lời cầu xin: Chúa không ban cho ông một dòng dõi, một gia nhân sẽ thừa kế ông

  • Chúa nói rõ: kẻ thừa kế là một người do Abram sinh ra (4)

  • Sau đó Chúa đưa Abram ra ngắm sao trời và hứa: hậu duệ của ông sẽ đông như thế (5)

          “Không con”: ông già đã hơn 80 tuổi, tương đối giàu có, có uy tín, nhưng không con. Cái chết đang rình chờ; phần thưởng lớn lao nào ích gì! Chỉ mong một mụn con. Abram thất vọng vì ông nhìn theo nhãn giới nhân loại, hiểu “phần thưởng” theo nghĩa vật chất trước mắt. Còn Chúa, Người đang từng bước thực hiện dự tính lâu bền của Người đã nói cho Abram trong 12,1-3. Trong ch. 15 Chúa nhắc lại lời hứa dòng dõi (15,1-6) và đất (15,7-12,17-19), nhưng trong tinh thần phụng vụ lễ Thánh Gia Thất, bài đọc 1 chỉ nhắc lại phần dòng dõi.

          Một gia nhân, Eliede, sẽ thừa kế: theo các bản văn Asyri được khám phá ở Nouzi thì trong các trường hợp một người chết không con thì chính người tôi tớ đã được chọn sẽ thừa kế. Đối với người Sêmít, hậu duệ là của cải quý giá nhất: đứa con cho phép một người có được tuổi già hạnh phúc; đứa con là sự kéo dài của sự hiện hữu sau khi một người qua đời; đứa con là người sẽ lo hương hoả. Khi Abram bộc lộ hết tâm tình, Chúa đưa ông đi vào đường lối của Thiên Chúa bằng một lời hứa kép: ban cho một đứa con và tiếp đó là một hậu duệ đông đúc.

  1. Lòng tín thác của Abram (St 15,6)

  • Abram tin lời Chúa hứa

  • Chúa coi ông là người công chính

Trong lúc tưởng chừng là tuyệt vọng, không còn hy vọng gì theo nhãn giới nhân loại, Abraham vẫn tin vào Lời Chúa. Quá khứ theo Chúa, ông không mất gì, lại còn thêm tiền tài uy tín. Ông có cơ sở để tin: Chúa đã thực hiện bước 1, Chúa đã đồng hành với ông như 1 Đấng thành tín. Chính cái cảm nghiệm này về Thiên Chúa đã giúp Abraham tin dù về phía con người không còn chi hy vọng (Dt 11, 8-16). “Tin” ở đây là để Thiên Chúa thực hiện nơi mình những dự tính của Chúa dù cho lý trí nhân loại còn u tối, tuy vậy không phải là cuồng tín vì đã có những dấu chỉ trong quá khứ, đã có những cảm nghiệm đích thân về Thiên Chúa.

      Chúa coi ông là người công chính: rõ ràng, con người nên công chính không vì công nghiệp cá nhân mà vì TIN. Abram không làm gì cho Chúa, ông chỉ đó nhận tất cả trong lòng tin.

  1. Thiên Chúa thực hiện lời hứa (St 21,1-3)

  • Chúa viếng thăm bà Sara

  • Làm cho bà như lời đã hứa: sinh con

  • Abraham đặt tên con là Isaac

Cuộc viếng thăm thi ân cho Sara nhấn mạnh rằng con cái là hồng ân Thiên Chúa, mọi cuộc sinh nở là ân huệ Chúa ban. Tên Isaac có nghĩa là “đứa bé cười”, hoặc “cái cười của Thiên Chúa”. Tất cả nói lên niềm vui của Thiên Chúa lẫn của con người. Tên Isaac cũng là lối chơi chữ làm nổi bật lòng thành tín của Thiên Chúa dù con người có nghi ngờ (St 17,17-19; 18,12-15). CHính lòng thành tín của Thiên Chúa là cội nguồn niềm vui của con người.

  1. TÓM KẾT:

Thiên Chúa là Đấng trung tín, luôn tìm đủ mọi cách để thực hiện lời hứa vì ích lợi của con người. Trong lúc Abram tuyệt vọng vì tình trạng già cỗi của mình thì Thiên Chúa vẫn âm thầm từng bước một thực thi lời đã hứa, đưa Abram đi dần vào đường lối, vào sự thân tình với Người qua giao ước. Đáp trả lại tình yêu ấy, Abram đã vượt thắng được nỗi thất vọng của mình, tin vào dự tính, cách làm việc của Thiên Chúa; Vì thế Thiên Chúa kể ông là người công chính. Và người đã thực hiện lời hứa cho ông cách kỳ diệu. Vậy tất cả những gì Abram có được là hoa trái của lòng tín trung không suy suyển của Thiên Chúa và của lòng tin phó thác trọn vẹn của Abram.

          Trong tinh thần phụng vụ của lễ Thánh Gia, điểm đáng chú ý: con cái trước tiên là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa; và Thiên Chúa cũng đã có dự tính khi ban con cái cho cha mẹ. Vậy hãy sẵn sàng để cho Thiên Chúa dùng con cái mình theo ý Chúa và cũng phải giáo dục con mình theo hướng đó. Ý này được khai triển trong Tin Mừng qua việc Maria, Giuse dâng Đức Giêsu lại cho Thiên Chúa.

TIN MỪNG: LC 2, 22-40

Văn mạch

Sau khung cảnh thần hiện huy hoàng của đêm giáng sinh (2,1-20), Luca đưa Đức Giêsu về lại thân phận phàm nhân: 8 ngày sau, Người được cắt bì và mang tên Giêsu như sứ thần đã báo (2,21); đến thời gian phải thanh tẩy theo luật Môsê, Maria và Giuse đã đem dâng Đức Giê su vào đền thờ và chuộc lại bằng cặp chim (2,22-24). Trong dịp này, dung mạo cứu độ của Hài Nhi, cũng như con đường thập giá của Người và Mẹ Người được, qua cụ già Simêôn, Thiên Chúa mạc khải (2,25-35). Kế đó bản văn cho thấy Hài Nhi cũng tỏ mình cho những ai kiên trì cầu nguyện và chờ đợi mà bà Anna là đại diện (2,36-38). Sau đó ba Đấng về lại Nazarét sống đời ẩn dật trong tình yêu của Chúa (2,39-40). Trình thuật thời thơ ấu khép lại với biến cố năm Đức Giêsu 12 tuổi, đi hành hương Đền thờ dịp lễ Vượt Qua, lạc cha mẹ, nhưng qua đó đã mạc khải Người là Con Thiên Chúa phải ở lại trong nhà Cha Người (2,41-50), rồi Người theo cha mẹ về Nazarét sống vâng phục như 1 con người trong tình yêu Thiên Chúa (2,51-52).

          Tin Mừng trích thuật lại việc cha mẹ đem dâng Hài Nhi Giê su trong Đền Thờ theo Luật dạy, gặp cụ Simêon và cụ bà Anna; Sau đó về ẩn cư ở Nazarét cho đến khi cậu Giêsu lên 12 tuổi.

CẤU TRÚC VÀ SUY NIỆM

  1. Maria, Giuse dâng con cho Thiên Chúa (Lc 2, 22-24)

  • Khi đã đủ thời gian, đến ngày các Ngài phải được thanh tẩy theo luật Môsê, làm hai việc:

           – đem Đức Giêsu lên Giêrusalem tiến dâng cho Chúa theo luật Xh 13, 2

           – dâng lễ vật một cặp chim cho việc thanh tẩy: Lv 12, 8

         Trong trình thuật trên, dường như Luca đâu kết hai nghi thức khác nhau vào trong cùng một cảnh trí:

     – một là việc dâng tiến con đầu lòng cho Thiên Chúa (Xh 13, 2) được cử hành vào ngày thứ 8 sau khi sinh (Xh 22, 29). “Theo các bộ luật cổ nhất của Israel (Xh 22, 28 – 29; 234, 19-20) thì các con đầu lòng của người cũng như của súc vật đều thuộc về Yavê. Con vật đầu lòng thì được tiến dâng làm hy lễ (Đnl 15, 19-20), các tư tế được hưởng một phần (Ds 18, 15-18), trừ con lừa, có thể chuộc lại hay đánh gẫy gót nó (Xh 13, 13; 34, 20; Ds 18, 25), không thể dâng làm hy lễ vì nó là con vật ô uế. Nói chung các con vật ô uế khác cũng thế (Lv 27, 26-27). Con đầu lòng của loài người thì luôn luôn được chuộc lại (Xh 13, 13; 34, 19-20; Ds 3, 46-47; x. St 22)” (CGKPV “Ngũ thư” trang 198, nốt “i”).

    – hai là luật thanh tẩy người mẹ (Lv 12, 1-8). Việc này được thi hành 40 ngày sau khi trẻ sinh ra nếu là nam và 80 ngày nếu trẻ là nữ.

      Sau khi đâu kết lại, Lc còn sáng tạo cố ý đổi thay một vài chi tiết tinh tế so với bản luật Cựu Ước nhằm làm nổi bật lên ý thần học của mình:

    -Về luật dâng con đầu lòng; sau khi dâng hiến cho Chúa như luật dạy, lúc đầy một tháng tuổi, đứa trẻ sẽ được chuộc lại bằng năm đồng sequel (Ds 3, 47-48): tương đương 15 chỉ bạc: CGKPV; 18, 15-16). Luca không đề cập gì tới phần chuộc lại này và còn thay vào đó bằng nói đến việc dâng Đức Giêsu vào đền thờ như một người không bị quy luật Cựu Ước nào ràng buộc. Mặc dù không có luật buộc dâng con đầu lòng VÀO ĐỀN THỜ, nhưng Luca vẫn cố ý nói việc dâng Hài Nhi Giêsu vào đền thờ là phù hợp với lề luật (Luca 2, 23.27)

    – Luca 2, 22: “…HỌ (các Ngài) phải được thanh tẩy…” HỌ “ám chỉ ai”? vì luật thanh tẩy chỉ bắt buộc đối với người đàn bà thôi, cụ thể trong trường hợp này chỉ có một mình Đức Maria phải chịu thanh tẩy.

    – Rồi việc dâng các vật làm hi lễ đáng lẽ phải được gắn liền với việc thanh tẩy Đức Maria thì Luca lại nối kết với việc trình dâng Đức Giêsu.

    Vậy bận tâm của Luca không phải là chuyện “con đầu lòng” hay là “luật thanh tẩy”. Đó chỉ là cái khung được Luca mượn để làm nổi bật lên sự kiện chính là “dâng Đức Giêsu vào đền thờ” dù đây không hề có luật buộc; và dĩ nhiên là qua việc tiến dâng này Luca mời ta đi sâu hơn vào huyền nhiệm Đức Giêsu:

  • Người là Thượng Tế tối cao của giao ước mới:

       Để diễn tả việc tiến dâng Đức Giêsu vào Đền Thờ, Luca đã cố ý sử dụng từ “paristemi” là động từ được Cựu Ước dùng cách đặc biệt khi nói về các tư tế và Lêvi túc trực trước Thánh Cung (Đnl 17, 12; 18,5). Hôm nay Đức Giêsu được cha mẹ đem lên Giêrusalem “parastesai” cho Thiên Chúa ( đây là thì aorist infinitif của paristemi” =  “để tiến dâng”). Luca đã để cho Hài Nhi đóng vai trò của các tư tế đến túc trực trước nhan Thiên Chúa, Người là Thượng Tế tối cao của Giao ước mới.

Động từ này còn có nghĩa là tiến dâng một của lễ nào đó như được dùng trong Rm 12, 1: “Vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyênh nhủ anh em tiến dâng (parastesai) thân mình làm của lễ sống động cho Thiên Chúa”. Vậy Đức Giêsu cũng chính là lễ tế vì Người được cha mẹ đem đến đền thờ là để dâng cho Thiên Chúa.

Tóm lại với động từ này, Luca trình bày Đức Giêsu vừa như là vị tư tế dâng lễ, vừa như là hy lễ được tiến dâng. Người là Đấng “Mêsia – tư tế”.

  • Người là chính Thiên Chúa ngự vào đền thờ của mình:

Các tác giả các sách Tin Mừng thường chọn dùng một đơn vị thời gian nào đó tương ướng với một đơn vị thời gian trong Cựu Ước nhằm làm nổi bật tính liên tục giữa hai giao ước, và sự hoàn tất của Tân Ước đối với những gì đã được loan báo trong Cựu Ước. Ở đây là con số 70:

Thời gian liên tục, từ lúc truyền tin cho Dacaria đến lúc dâng Đức Giêsu vào Đền Thờ là 490 ngày:  Từ truyền tin cho Dacaria đến truyền tin cho Maria là sáu tháng (180 ngày); Từ tiếng “Xin vâng” đến hạ sinh Đức Giêsu tính tròn là chín tháng (270 ngày); rồi theo sách Lêvi  (Lv 12, 3) thì 40 ngày sau là dâng Đức Giêsu vào đền thờ. 490 ngày = 7 tuần. Con số gợi lên hai lời ngôn sứ:

  • Giêrêmia 25, 11-12: Sau 70 năm lưu đày. Chúa sẽ viếng thăm trừng phạt Babylon và cứu dân. Thực ra dân chỉ lưu đày từ 587 – 538. Nhưng nếu tính từ lúc đền thờ bị phá huỷ năm 587 (hàm ý Chúa không hiện diện nữa với dân) cho đến lúc khánh thành đền thờ thứ hai năm 515 (hàm ý Chúa trở lại với dân) thì con số tròn là 70 năm.

  • Dn 9, 21- 24: sau 70 tuần, Israel sẽ phải được thanh tầy khỏi lỗi lầm và Nơi Cực Thánh sẽ được thánh hiến lại. Con số mang tính biểu tượng.

Vậy sau 70 năm (hoặc tuần) là thời gian thi ân, thời gian Thiên Chúa đến và tái ở lại với dân. Nhưng dấu chỉ nào sẽ giúp nhận ra Người khi Người đến? (x. Mt 3, 1): Yave sẽ sai sứ giả đi trước dọn đường trước mặt Người; Đối với Luca, sứ giả ấy chính là Gioan dù còn là thai nhi hay mới sinh, ông đã là dọn đường cho Đức Giêsu (Lc 1, 44, 76), rồi sau đó Luca giới thiệu Hài Nhi Giêsu đột ngột tới Đền thờ dù luật không hề buộc. Vậy rõ ràng Luca ám chỉ Hài Nhi Giêsu  qua việc được cha mẹ tiến dâng, chính là CHÚA ngự đến Đền Thờ của mình.

Ngoài ra dung mạo thần linh của Đức Giêsu còn được biểu lộ qua lời cụ già Simêon.

  1. Lời sấm của Simeon (x. Lc 2, 29-32)

 * Vui mừng xin Chúa được ra đi (chết)

 * Lý do: Đây cũng cho thấy vài nét dung mại của Đức Giêsu.

Vì đã được thấy Hài Nhi Giêsu. Người là”         

  • Ơn cứu độ Chúa dành cho muôn dân )30 – 31)

  • Ánh sáng soi đường cho Dân Ngoại (32)

  • Vinh quang của Israen dân người (32 b).

Tin Mừng hôm nay quá phong phú. Chỉ tạm chiêm ngắm vài nét dung mạo Đức Giêsu. Cụ Simeon vui mừng xin được chết vì đã được thấy Đức Giêsu. Giờ đây cái chết không là án phạt của tội, không còn là do xa cách Thiên Chúa nữa. Đây là cái chết bình an vì có Chúa trong vòng tay. Vậy sự xuất hiện của Hài Nhi được dâng tiến cho Chúa đã làm thay đổi ý nghĩa của cái chết.

       Ánh sáng soi đường cho dân ngoại:  Vọng lại Is 42, 6 b. Đây là dung mạo Người Tôi Trung trong bài 1 và 2. Dung mạo Người Tôi Trung của Yavê  chỉ hiện rõ nét trong Đức Giêsu.

     Vinh quang Israel dân Người:  Tước hiệu này mang một ý nghĩa đặc biệt. Nó gợi lại Xh 40, 34: “Đám mây che phủ Lều Hội Ngộ và vinh quang Yavê tràn đầy Nhà Tạm”. Đây là việc “vinh quang” đi vào Cung Thánh và “Vinh Quang” đây chính là CHÚA . Vậy qua cách nói ám dụ này. Luca một lần nữa khẳng định Hài Nhi là Thiên Chúa. Và chính vì thấy Thiên Chúa nên Simêon nghĩ đến cái chết theo quan điểm Cựu Ước nhưng giờ đây cái chết không là đáng sợ nữa mà là niềm vui.

  1. TÓM KẾT

          Theo cách trình bàu của Luca, Maria và Giuse đã biết rõ Đức Giêsu là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa (1, 35). Người không hề bị quản thúc bởi bất cứ Luật Lệ nào. Tuy nhiên Hai Đấng vẫn trung tín thực thi bổn phận của mình, cũng như của con mình đối với Thiên Chúa. Và chính khi Ba Đấng nép mình hoàn thành Lề Luật thì lúc đó Thiên Chúa biểu lộ vinh quang tỏ mình ra cho những ai khát khao mong đợi.

Trong tinh thần phụng vụ lễ Thánh Gia, chúng ta chú trọng đến bổn phận của bậc làm cha mẹ: chính bản thân phải tuân giữ luật Chúa và giúp cho con cái mình hoàn tất tốt đẹp bổn phận đối với Chúa dù còn thuở sơ sinh. Chính khi cha mẹ, con cái làm những việc tưởng chừng là đơn sơ ấy thì cả gia đình đã góp phần tích cực làm chứng nhân biểu lộ vinh quang của Chúa. Nhờ đó Chúa thông ban ơn cứu độ cho mọi người.

MẦU NHIỆM GIÁNG SINH và GIA ĐÌNH

Đọc kỹ lại bài đọc Tin Mừng lễ đêm Giáng sinh Lc 2,1-14, chúng ta thấy rằng điều Thánh Luca giới thiệu TRƯỚC TIÊN là một GIA ĐÌNH

  • Trước nhất là “người cha gia đình”: Giuse (Lc 2,4)

  • Kế tiếp là “người ông đã thành hôn”, vợ Maria (2,5)

  • Sau cùng Đức Giêsu mới xuất hiện (2,7)

Và nhóm người đầu tiên được Chúa tỏ mình (dĩ nhiên Maria và Giuse là ưu tiên 1 rồi) là các người chăn chiên

Và qua bài đọc Tin Mừng Lễ Rạng Đông (Lc 2,15-20) thì điều mà các người chăn chiên gặp là 1 GIA ĐÌNH (2,16: “…họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng HÀI NHI đặt trong máng cỏ). Không có GIA ĐÌNH này thì không có mầu nhiệm nhập thể, cũng như không có biến cố giáng sinh như đang được mừng kính.

Vậy mà khi nói đến Giáng sinh thì chúng ta thường chỉ qui chiếu tất cả vào SỰ KIỆN Đức Giêsu được sinh ra đặt trong MÁNG CỎ, mà quên mất CỘI NGUỒN nhân loại của Người. Cội nguồn mà Chúa Cha chuẩn bị từ 2000 năm lịch sử và còn cả thời gian trước đó nữa; rồi dần trở thành 1 thể chế trong Israel: GIA ĐÌNH.

Thật vậy:

  • Chúa tạo dựng nhân loại trước tiên là 1 gia đình (St 1,27; 2,18)

  • Chúa duy trì, tái tạo nhân loại cũng qua 1 gia đình (St 6,18)

  • Việc Thiên Chúa tuyển chọn dân riêng cũng mở đầu bằng gọi Abram, nhưng thực ra là gọi cả 1 gia đình (St 12,1-5, đặc biệt xem c.5)

Và Thiên Chúa đã muốn xây dựng lịch sử cứu độ của Người trên cái nền tảng “gia đình” đó. Một trẻ được sinh ra mà không có gia đình thì không thể thành người trọn vẹn được. Lời Chúa trong phụng vụ Lễ Thánh Gia B hôm nay, Lc 2,22-40, cho thấy vai trò giáo dưỡng, rèn luyện tập tục giúp trẻ hội nhập xã hội, biết tôn trọng Luật Lệ, nối kết với truyền thống nhân loại…của gia đình hầu giúp một hài nhi dần có đủ điều kiện để LÀM NGƯỜI một cách trọn vẹn.

Thêm nữa, Tin Mừng hôm nay còn cho thấy rằng qua gia đình, qua vai trò, nhiệm vụ làm mẹ, làm cha của Maria và Giuse mà Hài Nhi đã hé mở cho “số sót lại” của dân Chúa nhận ra được Căn Tính thần linh của Người:

     – Luật lệ, tập tục, Đền Thờ Do Thái giáo trở nên dấu chỉ, cầu nối giúp nhân loại (Simêon và Anna là đại diện) nhận ra, khám phá được dung mạo thần linh, Cứu Chúa của Hài Nhi Giêsu ngay khi đang cùng cha mẹ thi hành luật lệ truyền thống của tiền nhân.

     – Nhưng đoạn Tin Mừng này cũng cho thấy mầu nhiệm Thập Giá. Và Thập Giá không chỉ là phần riêng của Đức Giêsu mà là chung cho tất cả những ai thuộc về gia đình (nghĩa rộng) của Người:

  • Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà

  • Ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta?

  • Này là con của Bà! Này là Mẹ của con!

    Vậy chóp đỉnh của ơn cứu độ không chỉ là cá nhân được cứu mà là GIA ĐÌNH ĐOÀN TỤ:

    Thiên Chúa là Cha: Lạy Cha chúng con ở trên trời (Mt 6,9)

      Đức Giêsu là anh em với nhân loại: hãy đi gặp: ANH EM Thầy” (tôus adêlphôus môu: Ga 20, 17)

    Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em (Ga 20, 17)

      Riêng trong chu kỳ Giáng Sinh, sợi chỉ đỏ xuyên suốt mầu nhiệm Giáng Sinh từ “Hang Đá” cho đến biến cố” dâng Đức Giêsu vào Đền Thờ” là mầu nhiệm Thiên Chúa tỏ mình qua Hài Nhi Giêsu:

  • Maria và Giuse là tuyệt vời trọn vẹn: Hai Đấng luôn có mặt cùng với Đức Giêsu từ “Hang Đá” đến “Đền Thờ”

      Còn lại trong từng biến cố riêng rẽ, Đức Giêsu Hài Nhi tỏ mình cho từng đối tượng khác nhau: cho các người chăn chiên; cho các lữ khách về lại Bêlem để khai hộ tịch theo lệnh của Hoàng Đế Rôma; Các nhà chiêm tinh; Ông Simêon và Bà Anna. Tuy nhiên, trong các trường hợp riêng đó, Đức Giêsu không hề tỏ mình ra như một cá nhân riêng rẽ mà như một thành viên trong một gia đình (x. Lc 2, 16.22; Mt 2, 11)

      Trong Mt 2, 11 không thấy nói đến Giuse! Trong sách Tin Mừng thứ nhất, Matthêu muốn giới thiệu nhân loại mới: Ađam mới là Giêsu, Eva mới là Maria.

Và nhân loại mới này đã được nhân loại cũ mà Giuse là đại diện (nhân loại mới Maria – Giêsu là vô nhiễm, vô tì tích; Còn Giuse vẫn mang nơi phận người của mình toàn bộ dấu vết ô nhơ của nhân loại cũ như tất cả mọi con người khác) mở lòng ra đón nhận về NHÀ mình theo ý Chúa (x. Mt 1, 18-25, đặc biệt câu 1, 24). Nhân loại mới này ( Giêsu và Mari) đang ở trong  một “NHÀ” và họ thấy…(Mt 2, 11: không nói đến Giuse). Giuse khiêm tốn ẩn mình trong “NHÀ”  là nơi cưu mang , che chở cho “vợ – con” trong thực tại ở Bêlem trước mắt.

              “Nhà” này là của ai?

      So với Mt 1, 24: sứ thần truyền tin cho Giuse phải đón Maria là vợ về “NHÀ” của ông, hiểu là “nhà” ở Nazaret; Còn “nhà” ở đây là tại Bêlem . Tuy nhiên, Bêlem mới là quê hương thật của Giuse nên ông mới trở về đó để khai hộ tịch.

         Vậy hiểu theo nghĩa biểu tượng thì “NHÀ” này là của Giuse, là nơi che chở, cư trú cho Maria và Giêsu. Vậy Giuse là chủ nhà, đại diện nhân loại cũ nhân loại cũ đón nhận nhân loại mới vào NHÀ mình (Mt 1, 24) và giờ đây “nhà” của Giuse lại là nơi tạm trú an toàn cho nhân loại mới trên con đường lữ hành và ở nơi “nhà” đó nhân loại mới (Giêsu + Maria) đã đón tiếp “muôn dân” (các nhà chiêm tinh) đến tôn thờ Hài Nhi và dâng lễ vật thần phục.

           Trong ngôn ngữ Việt Nam, phong phú về các ý nghĩa biểu tượng, từ “NHÀ” có thể ám chỉ “người phối ngẫu” = nhà tôi; “Tổ ấm” tức gia đình; Và cũng có thể hiểu là “nhà Giáo Hội”.

          Vậy từ nay, trong một gia đình, Gia đình hai quê “Bêlem – Nazaret” đã là nơi Liên Kết nhân loại cũ (còn vương vết tội nguyên) và nhân loại mới (hoàn toàn tinh tuyền) nên Một. Và cái gène tinh tuyền của nhân loại mới sẽ lớn dần lên và thánh hóa nhân loại cũ cùng nhau tiến về “Trời mới Đất mới” (Kh 21, 1). Thiên Chúa hoàn tất công trình Sáng Tạo và Cứu Độ của Người.

Frère Pierre Đình Long FSC

 * gène (tiếng Pháp) = gene (tiếng Anh) = đơn vị yếu tố di truyền trong nhiễm sắc thể.