St 15, 5-12. 17- 18; Lc 9, 28b- 36
Chủ đề: Loan báo trước vinh quang PHỤC SINH tiềm ẩn trong Thập Giá. Củng cố đức tin cho người được tuyển chọn.
-
St 15,12b.18b và 6 : Một nỗi kinh hoàng, một bóng tối dày đặc ập xuống trên Abram. Hôm đó ĐỨC CHÚA phán: “ Ta ban cho dòng dõi ngươi trên đất này” Abram TIN ĐỨC CHÚA.
-
Lc 9, 31.35: Môsê và Êlia hiện ra… nói về cuộc xuất hành Đức Giêsu sắp hoàn thành tại Giêrusalem…Và từ đám mây có tiếng phán: “ Đây là Con Ta… hãy vâng nghe Lời Người”.
Mùa Chay là mùa chiến đấu! Chiến đấu trong tư cách là thành viên của cộng đoàn, theo đường lối Chúa để đón nhận được vinh quang phục sinh mà Đức Giêsu sẽ ban cho cộng đồng Dân Chúa, cho nhân loại. Được hưởng vinh quang phục sinh, được làm con cái Chúa, ai cũng được ước mơ và không dại gì từ chối khi được ban tặng. Nhưng để lãnh nhận được hồng ân thần linh nói trên và biến nó thành gia sản của mình thì phải đi lộ trình thập giá và bước qua ngưỡng cửa sự chết trong xác tín và tự nguyện: “ Vinh quang của ta là thập giá Đức Ki-tô”. Điều đó thì ai cũng sợ! Phêrô đã hăng hái tuyên tín “ Thầy là Đức Ki-tô con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16); Ông đã hùng hổ thề sống chết theo Thầy (x. Ga 13,37 và song song); Thế nhưng khi đụng phải thập giá, ông đã ngăn cản Đức Giêsu (Mt 16,22); Ông đã chối Thầy đến 3 lần. Thập giá không phải là lời tuyên tín trên môi miệng, không là liều chết chiến đấu bằng gươm giáo, bạo lực; Nhưng thập giá của Đức Giêsu là thập giá của Tình Yêu. Nếu không có sự tự nguyện phó thác, nếu không được thúc đẩy bởi tình yêu, bởi lòng khao khát thực thi ý Cha (x.Ga 4,34; 17,4-5) thì thập giá chỉ là một thất bại và còn tệ hơn nữa, chỉ là một án phạt. Đối với Đức Giêsu, Thập giá là Ý Cha (x. Ga 18,11; Mt 26,39 và song song) và Cha không thay đổi ý định; Do đó trong dòng lịch sử cứu độ, để khích lệ những người được Chúa chọn, vào những thời điểm quan trọng, Chúa cho họ nếm cảm được phần nào vinh quang phục sinh để nâng đỡ, củng cố họ theo đường thập giá: MỘT THẬP GIÁ yêu thương, tự nguyện trong tâm tình thờ lạy Ý Cha trên cuộc đời mình và trên toàn thể nhân loại; MỘT THẬP GIÁ loại trừ hận thù, cho tình yêu lên ngôi; MỘT THẬP GIÁ biến cái chết là án phạt, hủy diệt, trở thành phương thế hữu hiệu giúp “ cởi bỏ con người cũ, mặc lấy con người mới trong Đức Ki-tô”. Đó là nét chính trong ý nghĩa Lời Chúa hôm nay: Thiên Chúa hé lộ vinh quang thần linh cho những kẻ được chọn để củng cố họ trong đường lối của Chúa.
Bài đọc 1 trích từ sách Sáng thế, thuật lại việc Thiên Chúa ký một giao ước với ông Abram ( lúc này chưa đổi tên) để củng cố đức tin của ông vào lời hứa của Người hầu tiếp tục hành trình theo Chúa. Lúc đó Abram là ông già khoảng 80 tuổi, không con… càng theo Chúa thì ông càng già đi mà con cái đâu chưa thấy, nên ông buồn và tỏ bày nổi lòng cho Chúa: “ Lạy Đức Chúa… Chúa sẽ ban cho con điều chi ? Con ra đi
( theo Chúa) không con cái… Chúa lại không ban cho con một dòng dõi” ( x.St 15,2-3). Đáp lại, Chúa bảo ông hãy nhìn lên trời và đếm bao nhiêu ngôi sao và nói “ dòng dõi của ngươi sẽ đông đúc như thế” ( St 15,5). Abram đã tin và Chúa coi ông là công chính. Vậy con người nên công chính là nhờ ĐỨC TIN, sau này Phaolô xác tín như thế ( x.Gl 2,16). Để củng cố thêm đức tin cho ông, Thiên Chúa kết với ông một giao ước bằng cách biểu lộ vinh quang thần linh qua hình ảnh lò lửa rực cháy thiêu đốt lễ vật kết giao ước. Biến cố này đã nâng đỡ đức tin cho Abram, giúp ông theo Chúa đến cùng để chứng kiến được vinh quang phục sinh: sinh Isaac; Và còn hơn thế nữa: cặp vợ chồng tưởng là tuyệt tự lại trở thành cội nguồn một dân đông đúc… khai mở một giai đoạn mới của lịch sử cứu độ.
Tin Mừng thuật lại biến cố Hiển Dung theo Luca. Phêrô vừa tuyên xưng Đức Giêsu là “ Đấng Ki- tô của Thiên Chúa” thì ngay sau đó Đức Giêsu loan báo biến cố thập giá. Vậy con đường Đức Giêsu chọn, và cũng là Ý Cha, để biểu lộ Người là Đấng Mêsia, là Con Thiên Chúa, chính là ĐƯỜNG THẬP GIÁ. Thực tế nghịch thường này là khó chấp nhận theo suy tư hạn hẹp của phàm nhân. May cho nhân loại là trong xác phàm Đức Giêsu đã đón nhận Ý Cha (Mt 26, 39). Nhưng còn đoàn môn đệ thì sao? Cần phải có một cái gì đó gây ấn tượng mạnh giúp các ông kiên vững khi biến cố Thập Giá đến. Đức Giêsu ĐÃ HIỂN DUNG.
Trong Luca, ba môn đệ chỉ tham dự chút xíu vào biến cố Hiển Dung lúc Môsê và Êlia từ giã ra đi, vì trước đó các ông NGỦ. Nhưng chút xíu đó cũng quá đủ để các ông cảm thấy hạnh phúc và dám bỏ tất cả để được ở lâu trong hạnh phúc đó: “ chúng con xin làm ba lều…”. Đó không phải là mục đích. Mục đích của biến cố là lời của CHA: Con người Giêsu bình thường như bao con người khác đang ở với các môn đệ chính là CON CHA, là chính Thiên Chúa HÃY VÂNG NGHE LỜI NGƯỜI! Hãy can đảm theo Người đến cùng trên đường Thập Giá: Chỉ có Thập giá Đức Giêsu mới đưa ta tới vinh quang thần linh bất diệt.
Frère Đình Long FSC