CHÚA NHẬT MÙA CHAY 5C

CHÚA NHẬT MÙA CHAY 5C

“Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua để lao mình về phía trước” (Pl 3, 13b).

          Tuần trước, Chúa Nhật 4 C Mùa Chay, đã cho chúng ta thấy tình yêu xót thương vô bờ bến của Cha và niềm vui lớn lao của người con được Cha tha thứ, đón nhận. Đó là niềm vui bùng phát lúc được Cha ôm hôn, lúc được mặc trở lại áo mới, dép mới, nhẫn mới, lúc nhập tiệc mừng…Nhưng rồi thái độ của người anh cả…! Trong thân phận mỏng dòn, hèn yếu, mặc cảm…- thêm ma quỷ luôn rình rập quấy phá – chỉ cần có một chút trục trặc lộ ra thôi thì niềm vui được thứ tha có thể bị khựng lại, và có khi còn rơi vào nguy cơ mất luôn niềm vui vừa chớm nở. Bài dụ ngôn “Tình Cha” chưa đưa ra kết luận. Sau bữa tiệc mừng, đứa con hoang đàng có chịu ở lại vĩnh viễn trong Nhà Cha hay không? Ở lại trong tâm trạng nào? Xin làm công như nó đã toan tính lúc trở về, hay nhận làm con như Cha mong đợi? Rồi nó phải ứng xử ra sao với các gia nhân, và nhất là với người anh cả.

          Cái mặc cảm tội lỗi có thể sẽ bùng phát trở lại cách dữ dội, kèm theo lòng tự ái, nhất là có Quỷ luôn rình “đổ xăng vào lửa”, sự đổ vỡ có thể xảy đến. Những sai lầm, tội lỗi quá khứ sẽ trỗi dậy, dày vò, hành hạ tội nhân và niềm vui được tha thứ vừa lóe lên có nguy cơ dập tắt.

Lời Chúa của Chúa Nhật 5C mời chúng ta ĐỪNG TIẾC NUỐI hoặc ÂN HẬN DAY DỨT QUÁ ĐÁNG khi nhìn lại quá khứ. Đừng nhìn lại Nửa Vời tức là chỉ nhìn một giai đoạn nào đó trong quá khứ rồi bị một số biến cố nào đó trong giai đoạn đó thao túng khiến ta mất quân bình, mất sáng suốt đưa ra những quyết định nóng vội, mang tính đối phó nhất thời. Chúa muốn ta nhìn lại TẬN NGUỒN của cuộc đời chúng ta: tất cả chúng ta tự cội nguồn đều LÀ CON THIÊN CHÚA. Những lầm lỗi sau đó có thể làm ta suy sụp, mất địa vị… nhưng không mất bản chất LÀ CON.

          Điều Cha muốn hồi phục cho chúng ta là bản tính, phẩm chất làm con và giúp ta sống xứng đáng như một người con ngoan. Mọi thứ khác đều chỉ nhất thời, “LÀ CON”, “LÀM CON” mới là vĩnh cửu.

          Còn trong dòng lịch sử, Thiên Chúa mời chúng ta mở mắt nhìn những gì Chúa đang làm trong hiện tại để từng bước trở thành cộng tác viên của Người. Gương Thánh Phaolô trong bài đọc 2 là một điển hình: trong một giai đoạn của cuộc đời, Phaolô đã là kẻ bắt đạo tàn bạo. Nhưng một khi đã được Chúa hoán cải, ông không hề mắc cảm khi nhìn về quá khứ, vì ông không dừng lại ở thời kỳ ông bắt đạo mà ông nhìn về tận nguồn ơn gọi của ông, ông nói: Chúa đã gọi ông ngay từ trong lòng mẹ (Gl 1.15). Và một khi đã nhận ra lòng Chúa thương xót mình, Phaolô không để quá khứ tội lỗi khống chế ông; Trái lại ông đã dùng những sai trái đó làm bằng chứng giúp kẻ khác nhận ta tình yêu Thiên Chúa đối với ông và qua ông đối với dân ngoại. Ông đã lao vào tương lai với tất lòng nhiết thành của một NGƯỜI CON: trong hiện tại, với kinh nghiệm bản thân, ông chia sẽ “tôi chỉ chú ý đến một điều là quên đi chẳng đường đã qua để lao mình về phía trước” (bài đọc 2). Hãy sống ơn gọi là thọ tạo mới trong Đức Kitô vì CÁI CŨ ĐÃ QUA RỒI (x. 2Cr 5, 17-18

          Còn bài Tin Mừng thuật lại việc Đức Giêsu tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang. Chị cũng thoát được án của người đời, nhờ sự can thiệp của Đức Giêsu. Nhưng phần chị? Sau đó chị phải làm gì? Vì chị thật sự có phạm tội! Để ơn tha thứ chị vừa được hưởng trong hiện tại trở thành một ơn huệ vĩnh viễn trong đời chị thì chị phải nghe Lời Đức Giêsu: “Thôi, chị cứ về đi, và từ nay ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA. Món “nợ gốc” đã được tha, nhưng nếu cứ “ngựa theo đường cũ” thì…? Người Kitô hữu phải làm ơn tha  thứ của Chúa thành một thực tại vĩnh viễn nơi mình; Để đến  phiên mình, khi gặp người tội lỗi, mình biết đem ơn tha thứ Chúa đã ban, giúp đỡ tội nhân hưởng ơn tha thứ của Chúa. Đừng nhìn quá khứ để cứ mãi trách mình là tội nhân; hãy nhìn về tương lai mà sống tình CON THẢO HIẾU.

Frẻre Đình Long FSC