CHÚA NHÂT I MÙA VỌNG – năm A

“ Anh em hãy canh thức… hãy sẵn sàng vì lúc anh em  không ngờ thì Con Người sẽ đến” ( Mt 24, 42a . 44)

Mùa phụng vụ mới lại bắt đầu với Chúa nhật 1 Mùa Vọng. Phụng vụ Lời Chúa của ca ba năm A B C đều hướng về thời điểm cánh chung, lúc Thiên Chúa can thiệp quyết liệt để hoàn tất công trình  sáng tạo và cứu độ của Người. Theo cái nhìn của các sách Tin Mừng, đó là ngày Đức Giêsu quang lâm, trở lại dương thế lần thứ hai trong tư cách là ĐỨC CHÚA, thâu tóm vạn vật dâng về cho Cha (x.1Cr 15, 20 – 28) . Tuy nhiên thời điểm chính xác của Quang lâm, cách thức Quang Lâm diễn ra vẫn là một ẩn số, bí mật của riêng Chúa Cha (x. Mc13, 32). Tính cánh BẤT NGỜ của biến cố Quang Lâm và lời mời gọi phải có thái độ thế nào trong hiện tại cho thích hợp trong khi chờ ngày ấy đến là nét đặc trưng của Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng.

Việc đưa chủ đề quang lâm vào ngay đầu Mùa Vọng nhằm xác định ý nghĩa chính của Mùa phụng vụ này : đây là thời gian Giáo Hội sống lại niềm khát khao chờ mong Chúa đến lần thứ nhất, qua đó canh tân lòng nhiệt thành  ráo riết chuẩn bị đón rước Chúa đến lần thứ hai (X. GLHTCG 524). Yếu tố chính là CHÚA ĐẾN ! Việc con người chờ chỉ là hệ quả của việc Chúa đã đến rồi ; rồi Người thăng thiên và loan báo sẽ trở lại (x. Cv 1, 9 – 11).

Thật vậy trong ngôn ngữ của Giáo Hội tiếng La Tinh, Mùa Vọng được gọi là ADVENTUS  có nghĩa là “ sự đến”. Tên gọi này ám chỉ việc Đức Giêsu  đã đến trần gian trong Mầu Nhiệm Nhập Thể. Vậy cội nguồn của Mùa Vọng trước tiên không phát xuất từ một ước vọng nào đó từ phía con người, nhưng đó là hệ quả của một thực tại đến tử Thiên Chúa. Người đến để hoàn tất lời hứa  cứu độ của Thiên Chúa đối với hai nguyên tổ : Người là “ Đấng Đạp Đầu Rắn” ( x.St 3,15).

Vậy tâm tình đón chờ, khát khao mà chúng ta sống trong Mùa Vọng phải là một thực tại thần linh, phát xuất từ Thiên Chúa. Cách sống và đáp trả cũng là mặc khải của Người. Nếu chúng ta không chỉnh sửa các khát vọng của ta theo đường lối Chúa thì sẽ có nguy cơ sa lầy như dân Do Thái : họ đã hết lòng mong đợi Đấng  Mesia đến, thế nhưng khi Đấng ấy đến thì họ đã khước từ, đóng đinh Người, vì họ đã “ vẽ”  ra một Đấng Mêsia theo các ước mơ phàm trần của họ. Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng ta vài đường hướng giúp chúng ta sống Mùa Vọng theo Ý Chúa    và thực sự vui mừng hân hoan ra đón Chúa khi Người quang lâm.

Bài đọc 1, Isaia mô tả thời thiên sai là một thời bình an sum họp. Thành Thánh Gierusalem sẽ là nơi muôn dân qui tụ để sống niềm vui cánh chung ấy. Tuy nhiên yếu tố nào là chính yếu tạo nên sự qui tụ ấy ? và qui tụ để nhắm đến mục đích gì ? Đó mới là trọng tâm của bài đọc 1 :

  • Lên nhà Thiên Chúa để Người dạy ta biết lối của Người

  • Để bước theo đường Người chỉ vẽ

  • Để nghe Thánh Luật ban xuống, lời Chúa phán truyền

  • Để tuân phục phán quyết, phân xử của Chúa

Vậy yếu tố chính yếu, thu hút tạo nên cuộc qui tụ là LỜI CHÚA. Mục đích chính của cuộc qui tụ là để mọi người lắng nghe Lời  Chúa , thấm nhuần, sống và thi hành. Vậy dấu hiệu đặc trưng của thời Mêsia, thời cánh chung là Lời Chúa được đón nghe và thi hành tích cực. Lời Chúa trở thành chuẩn mực, lẽ sống , kim chỉ nam cho mọi suy tư , chọn lựa, sinh hoạt của nhân loại.

Vậy để đón Chúa quang lâm cách chủ động, để sống Mùa Vọng theo lòng Chúa ước mong thì việc đầu tiên là đọc , suy gẫm, sống Lời Chúa.

Qua Tin Mừng, thái độ phải có được Matthêu nhấn mạnh là phải CANH THỨC. Đối với biến cố Quang Lâm, mọi toán tính đối phó nhất thời đều vô ích. Nghĩa là chúng ta phải sống niềm khát khao đón chờ Chúa đến trong từng giây phút của cuộc sống hiện tại. Chúng ta phải bắt chước ông Nôê, “đóng tàu” mỗi ngày , bảo trì, tu sửa con tàu đời mình mỗi ngày cho dù chưa thấy triệu chứng, điềm báo gì sẽ có lụt. Có như vậy thì khi lụt chợt đến ta mới có hy vọng thoát nạn.

Việc Nôê đóng tàu, rồi tìm qui tụ về vô số sinh vật… đâu phải là công việc làm trong một sáng một chiều ; nó phải diễn ra công khai trong một thời gian lâu dài. Thế nhưng tất cả mọi người như đui mù trước sự việc lớn lao, lạ thường ấy. Họ cứ ăn uống, cưới vợ lấy chồng, nghĩa là họ bị nhốt trong các đam mê khoái lạc trần thế được biểu tượng qua hai hình ảnh “ăn uống” “cưới vợ lấy chồng”. Chính thái độ hững hờ, vô tâm ấy  đã khiến cơn lụt trở thành bất ngờ đối với họ.

Dấu chỉ luôn luôn có ! Vấn đề là phải làm sao đọc được ý nghĩa.

 Vậy canh thức là phải từng bước một, mỗi ngày, nhờ Lời Chúa để thanh luyện con người mình khỏi các đam mê trần tục.

 Matthêu  còn kể thêm dụ ngôn hai người đàn ông đang làm ruộng chung, và hai phụ nữ đang xay bột cùng một cối xay ; bề ngoài không gì phân biệt được , thế nhưng khi quang lâm đến , mọi sự phơi bày rõ ràng, kẻ được cứu và người bị phạt : hai số phận khác nhau. Vậy để mình được cứu thì trong hiện tại phải sống ngay chính, không che đậy giả hình. Vậy vấn đề không phải là biết  ngày  giờ  để đối phó, nhưng là chân thực sống từng giây phút hiện tại , chu toàn bổn phạn của người con, người môn đệ Chúa, để khi Quang Lâm đến mọi điều thiện hảo ta làm sẽ được Chúa tuyên dương (x. 1Tx 5,23).

Hình ảnh “canh phòng kẻ trộm đêm” cảnh cáo các tín hữu, dừng vì thấy ngày quang lâm chậm đến mà lơi lỏng sống như không có quang lâm hoặc tự dối mình là Quang Lâm sẽ không chụp bất ngờ trên tôi. Mặc dù không biết Quang Lâm đến lúc nào, nhưng phận người chắc chắn phải chết, nên các tín hữu phải sống.

Như ngày Quang Lâm sẽ đến  ngay trong cuộc đời mình. Phải làm sao mỗi ngày sống  của chúng ta  đều ở trong tư thế sẵn sàng nghênh đón Chúa mỗi ngày  thì Quang Lâm không còn là một biến cố bất ngờ đối với ta nữa. Mùa Vọng nhắc ta cách đặc biệt là mỗi ngày hãy dọn nhà ở tư thế sẵn sàng đón Chúa ghé thăm. Đó là những người nghèo mà chúng ta phải giúp đỡ : vì xưa Ta đói các ngươi cho ta ăn. Như vậy ta có thể sống Quang Lâm mỗi ngày.

Frère Pierre Đình Long FSC