Mc 13,33-37
Chúa nhật trước, lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ đã kết thúc phụng vụ năm A. Hôm nay chúng ta bước sang phụng vụ năm B. Mở đầu là chúa nhật thứ nhất mùa vọng.
Mùa vọng có hai chiều kích: một là tưởng niệm Đức Giêsu Con Thiên Chúa nhập thể làm người, sinh bởi Trinh Mữ Maria. Hai là chờ mong Chúa trở lại trong vinh quang để “phán xét kẻ sống và người chết”, như chúng ta vẫn tuyên xưng trong kinh Tin Kính.
Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta mở rộng tâm hồn khao khát, đón chờ Chúa, và giúp cho chúng ta gặp gỡ Ngài.
Con người phải khao khát, đón chờ Chúa.
Người đời mọi nơi, mọi thời đều hướng về chân lý. Người Kitô hữu luôn hướng về Thiên Chúa, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống.(Ga 14,6) Ngài cũng là nguồn mạch của sự thánh thiện: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh (Lv 19,2).
Cuộc sống trần gian là hành trình tìm kiếm Thiên Chúa. Con người chỉ tìm được bình an đích thực, khi gặp được Thiên Chúa, như lời thánh Augustinô: “Lạy Chúa, tâm hồn con khắc khoải, cho đến khi nào được an nghỉ trong Chúa mà thôi”.
Con người không thể sống, mà không có Thiên Chúa.
Tình trạng xã hội hôm nay cho thấy rõ điều này: khi con người chối bỏ Thiên Chúa, thì cuộc sống tràn lan bạo lực chém giết, tệ nạn xã hội, lừa đảo dối trá, đạo lý suy đồi.
Mùa Vọng giúp chúng ta gặp được Chúa, là Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài có thể thỏa mãn những khát vọng thâm sâu của nhân loại và của cá nhân mỗi người.
Dân Israel đã từng mong đợi Đấng Cứu Tinh:
“Xin Ngài xé trời mà ngự xuống”. (Is 63,19).
Tin Mừng Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng cũng kêu gọi tỉnh thức cầu nguyện.
Người Việt chúng ta nói: Cuộc đời có một gang tay,
ai hay ngủ ngày còn có nửa gang. (ca dao).
Ai không tỉnh thức là mất nửa đời người.
Chúng ta giống như người đầy tớ được ông chủ trao phó cho coi sóc tài sản. Người đầy tớ đóng vai quản lý, phải luôn tỉnh thức và trung thành, cần mẫn với công việc.
Chúa như ông chủ đi vắng. Người để ta tự do sắp đặt việc nhà. Người giao trách nhiệm cho mỗi chúng ta trông coi gia đình và công việc mình. Ta phải có bổn phận sinh lợi thành 5 nén, thành 10 nén.(Lc 19,16-18).
Lời Chúa mời gọi chúng ta tỉnh thức, mong đợi Chúa giáng lâm lần thứ hai: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến.” (Mc 13,33).
Chúa còn nhấn mạnh: “Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức.”(Mc 13,27).
Bóng đêm cuộc đời rất đa dạng, làm chúng ta mê man say ngủ, không thể mở mắt nhìn ra Chúa. Những bóng đêm tội lỗi ghìm chặt chúng ta trong u mê mịt mờ. Những bóng đêm danh vọng ru ta ngủ quên trong vinh quang hào nhoáng. Những bóng đêm xác thịt ru ta vào giấc mộng đam mê, lạc thú. Những bóng đêm ích kỷ đẩy đưa ta vào thói quen khinh khi, Mackeno. Những bóng đêm tiền tài ru ta trong giấc mộng phú quý, vinh hoa.
Say đắm trong những giấc mộng đời khiến ta chẳng nghe được tiếng Chúa.
Tỉnh thức không có nghĩa là cứ ngồi đó mà chờ đợi. Tỉnh thức là bắt tay vào hành động.Tỉnh thức phải có tính cách chủ động.
Sau năm 1976, khi đại chủng viện Kon Tum bị đóng cửa, Đức Cha Trần Thanh Chung khuyên các chủng sinh: Chúng con ra về chờ đợi, nhưng không phải ngồi một chỗ chờ đợi, mà hãy chờ đợi bằng cách tìm việc Chúa mà thi hành. Đó mới là tinh thần chờ đợi tích cực.
Mùa vọng nhắc nhở chúng ta tìm kiếm và chờ đợi Chúa. Đồng thời mùa vọng cũng nhắc chúng ta tỉnh thức cầu nguyện mong đợi giờ Chúa đến.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con luôn tỉnh thức, cầu nguyện để đón chờ và nhận biết Chúa đang đến với chúng con trong mọi tình huống cuộc đời mỗi ngày.
Nguyễn Đức Lân