CHÚA NHẬT I PHỤC SINH – năm B

Bài 1

Cv 10,34a.37-43; Ga 20,1-9
Chủ đề: Lời Chúa là nền tảng giúp tin rằng Đức Giêsu đã phục sinh

* Cv 10,40a.43a: ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Đức Kitô trỗi dậy… Tất cả các NGÔN SỨ đều làm chứng về Người.

* Ga 20,9: ông đã thấy và ông đã tin. Thật vây… theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết.

ĐỨC GIÊSU ĐÃ SỐNG LẠI THẬT RỒI. Halleluia!

Thần chết đã vĩnh viễn bị khuất phục. Từ nay nọc độc, quyền lực của Tử Thần không còn khống chế được nhân loại nữa. Và còn hơn thế nữa, một con người trong nhân loại đã đi vào vinh quang thần linh, được tôn vinh là CHÚA (Pl 2,11).

“Tử Thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! Hỡi Tử Thần, đâu là chiến thắng của ngươi?” (1Cr 16,54 x.Is 25,8; Hs 13,14). Chiến thắng của Đức Giêsu là chiến thắng toàn diện, nhân tính cả xác lẫn hồn được hồi sinh, giao hòa lại với Thiên Chúa mà còn được thông phần thiên tính với Thiên Chúa. Và đây cũng là sự phục sinh CHO TOÀN THỂ NHÂN LOẠI chứ không phải chỉ cho một cá nhân; Và là phục sinh nhân tính chứ không phải chỉ phục sinh thân xác. Thật vậy, xưa kia, trong Vườn Eđen, Ađam, Eva ăn trái cấm, nhưng họ đâu có chết theo kiểu “hết thở”, “tim ngừng đập”, nhưng là bị loại trừ ra khỏi nhan Thiên Chúa. Đức Giêsu là Ađam mới (Rm 5,18-19) qua phục sinh đã đưa nhân tính của Người và toàn thể nhân loại về lại với Ba Ngôi Thiên Chúa; và còn hơn nữa, PHỤC SINH còn là tôn vinh nhân tính, cho được thông phần thiên tính kết hợp mật thiết với Ba Ngôi trong Đức Kitô.

Từ đó TIN vào Đức Giêsu Phục Sinh không phải là công việc riêng chỉ của lý trí đón nhận, cho là thật một biến cố, một sự kiện thuộc thế giới tự nhiên; không phải là chứng minh được sự kiện bằng một kiểm chứng khoa học thực nghiệm.

Vì vậy, LỜI CHÚA, khi nói về Phục Sinh không hề có chủ ý mô tả sự kiện, nhưng mà qua những nét tưởng chừng là mô tả, Lời Chúa mời chúng ta – tín hữu – khám phá ra cái ẩn tàng bên trong những trình thuật: ĐIỀU GÌ LÀ NỀN TẢNG giúp nhân loại MỌI NƠI, MỌI THỜI đều có thể dựa vào đó để nhận ra và Tin Đức Giêsu đã phục sinh; Và Niềm Tin Phục Sinh phải là một kinh nghiệm đích thân, biệt vị của từng người.

Trong chiều hướng đó, đoạn Tin Mừng được chọn lọc trong Chúa Nhật I Mùa Phục Sinh cho cả ba năm ABC, không hề đề cập đến những lần hiện ra của Đức Giêsu vốn là yếu tố có giá trị nhất ủng hộ cho việc Người đã sống lại. Chúa Nhật I ABC Mùa Phục Sinh trích đọc Ga 20,1-9, không hề có sự hiện diện của Đức Giêsu trong đoạn trích này. Bản văn chỉ cho chúng ta thấy một ngôi mộ trống, viên đá lấp cửa mồ đã được lăn qua một bên, trong mồ không có xác Đức Giêsu, chỉ còn lại băng vải liệm để ở đó và khăn che đầu Đức Giêsu được cuộn lại ngay ngắn, xếp để riêng ra một nơi. Mọi sự ngăn nắp, mang dáng vẻ bình an.

Lần lượt có mặt tại ngôi mộ chỉ có ba nhân vật:

  1. Bà Maria Macđala ra mộ từ lúc trời còn tối. Mục đích chỉ là để viếng mộ, than khóc, níu kéo thêm giây phút được ở gần người thân. Bà đi tìm một XÁC CHẾT với những tình cảm hoàn toàn mang tính phàm nhân. Do đó, lúc tranh tối tranh sáng, từ xa thấy tảng đá lấp mồ lăn qua một bên, bà đã hốt hoảng loan ra một tin do bà tưởng tượng: xác Đức Giêsu bị trộm mất. Nghe tin dữ, Phêrô và môn đệ Chúa yêu vội vàng chạy ra mộ. Người môn đệ Chúa yêu chạy nhanh hơn ra tới mộ trước, nhưng không vào. Phêrô đến sau nhưng chạy luôn vào ngôi mộ trống.

  2. Phêrô là người đầu tiên có mặt trong lòng ngôi mộ, thấy tận mắt hiện trường. Ông là chứng nhân đầu tiên. Sự ngăn nắp của ngôi mộ bác bỏ việc xác bị đánh cắp.

  3. Người thứ hai vào lòng mộ là “môn đệ Chúa yêu”. Tuy nhiên kết quả nơi ông thật bất ngờ: bản văn chỉ ghi gọn “ông đã thấy và ông đã tin”. Lúc đó Đức Giêsu chưa hiện ra cho ai cả. Vậy dựa vào đâu ông ấy tin? LỜI KINH THÁNH.

Thật vậy đứng trước ngôi mộ trống ngăn nắp, HAI ông mới HIỂU lời Kinh Thánh rằng “Theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết” nên TIN Chúa đã Phục Sinh.

Trong bài đọc một, Công Vụ kể lại việc Phêrô rao giảng về Đức Giêsu Phục Sinh cho gia đình Cornêliô. Chính lời rao giảng và chứng từ của Phêrô đặt nền tảng trên LỜI CÁC NGÔN SỨ đã là yếu tố giúp Cornêliô tin rằng Đức Giêsu đã phục sinh.

Như vậy KINH THÁNH là yếu tố chính giúp nhân loại mọi thời tin vào Mầu Nhiệm Phục Sinh của Đức Giêsu; Kèm theo KINH THÁNH là một số yếu tố khác khơi gọi lòng tin: đối với các tông đồ, đó là ngôi mộ trống, đối với các tín hữu mọi thời thì đó là CHỨNG TỪ và LỜI RAO GIẢNG TÔNG TRUYỀN về Đấng Phục Sinh. Hãy tiếp xúc với Lời Chúa để tin, rồi biến cuộc sống mình thành lời rao giảng, chứng từ tiếp nối truyền thống tông đồ làm cầu nối cho muôn thế hệ có điểm tựa vững chắc mà tin rằng Đức Giêsu đã Phục Sinh.

Bài 2

“…Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20,8b-9).

Chúa đã sống lại rồi! Halleluia.

Một bầu khí tưng bừng, mới mẻ bừng lên với đèn hoa, nhạc rực rỡ trong phụng vụ, nhất là lời tụng ca Halleluia, đã vắng bóng tuyệt đối trong phụng vụ, suốt 46 ngày Mùa Chay, nay được vang lên dồn dập như một điệp khúc hào hùng của bài ca chiến thắng Thần Chết. Còn nữa, phụng vụ còn mang thêm một sinh lực mới: thời gian chờ đợi của Cựu Ước đã qua rồi, tất cả khát vọng trong âu lo, mỏi mòn của Cựu Ước nay được Thiên Chúa cho no thỏa trong sự phục sinh của Đức Giêsu: bài đọc một trích từ các sách Cựu Ước nay được thế bằng bài đọc trích từ sách Công Vụ Tông Đồ. Giáo Hội ý thức mình là Israel mới, đích thực mà Thiên Chúa đã đoan hứa từ ngàn xưa cho các tổ phụ. Niềm vui dâng cao. Giáo Hội cất lời ngợi khen nói lên lời tri ân cảm mến “CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI THẬT! Halleluia”.

Đó là nền tảng của đức tin Kitô giáo và còn là cội nguồn mọi phúc lộc trên trời dưới thế của chúng ta: “nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy thì… đức tin của anh em cũng ra trống rỗng… lòng tin của anh em thật là hão huyền và anh em còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong… và chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người.” (1Cr 15,14-19). Tất cả tín hữu kitô đều xác tín như thế, nhưng nếu có ai hỏi: “phục sinh” là gì? Chắc là không ít người lúng túng.

Một cách dễ dãi, nhiều người trong chúng ta thường đơn giản hóa mầu nhiệm nền tảng của đức tin vào một sự kiện, một biến cố vật chất: phục sinh là sự sống lại của một con người đã chết, nghĩa là trở về lại với cuộc sống cũ nơi trần gian và từ đó dẫn đến cái nhìn sai lầm về đời sau là trở về lại cuộc sống hạnh phúc của Ađam, Eva ở Vườn Địa Đàng trước khi hai ông bà sa ngã: vẫn phải vâng lệnh Chúa, lo làm vườn, ăn trái cây và cả phải tiếp tục sinh con đẻ cái. Chính vì thế, nhóm Xađốc mới bịa ra câu chuyện “một bà cưới bảy ông” để tranh luận về vấn đề sự sống lại với Đức Giêsu (x.Mt 22,23-32). Thật ra trong dự tính của Thiên Chúa, phục sinh là hồi phục lại một mối tương quan đã bị con người phá vỡ do không tin, nghi ngờ tình yêu của Thiên Chúa. Thật vậy ngay từ thuở khởi đầu công trình sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Thiên Chúa lại ban cho con người Cây Trường Sinh để rồi từng bước một, trong Đức Kitô, sẽ nâng con người lên ngang hàng với Thiên Chúa, cho làm nghĩa tử để sẽ được giống Đức Giêsu “ai thấy Thầy là thấy Cha” (x.Ep 1,3-5; Ga 14,9). Tiếc thay Ađam, Eva đã sa ngã, nên tương quan giữa Thiên Chúa với con người bị con người đơn phương cắt đứt, và hậu quả nhãn tiền trước mắt là phải chết. Phần Thiên Chúa, Người vẫn không bỏ cuộc, vẫn cứ tiếp tục công cuộc của Người: phục sinh chính là thời điểm Thiên Chúa hoàn tất trọn vẹn dự tính của Người nơi một con người – giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi – là Đức Giêsu. Công trình Thiên Chúa hoàn tất nơi Đức Giêsu sẽ được Thiên Chúa hoàn tất cho toàn thể, từng người nhân loại. Đức Giêsu là “hoa quả đầu mùa” mở đầu cho một vụ mùa bội thu là toàn thể nhân loại sẽ được thông phần thiên tính với Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu (x.Cr 15,20.24) (Xin xem thêm trong bài Chủ đề).

Trong suốt dòng lịch sử cứu độ, Thiên Chúa không ngừng từng bước một nâng cao con người lên đến hàng địa vị làm con Thiên Chúa. Thật vậy, bên đất Ai Cập, dân Do Thái chỉ là một đám nô lệ đang bị đe dọa có nguy cơ tuyệt chủng vì Pharaô ra lệnh giết tất cả các con trai sơ sinh. Nhưng rồi Thiên Chúa đã can thiệp mạnh cứu đám nô lệ đó ra khỏi tay diệt chủng của Pharaô; dẫn đưa họ vào sa mạc, ban cho họ Lề Luật làm họ nên một dân tộc làm thành cái nôi để đón tiếp Con Thiên Chúa nhập thể làm một con người giữa lòng dân tộc họ. Để rồi khi Đức Giêsu làm người, Người tuyển chọn từ giữa đám dân nổi tiếng cứng đầu cứng cổ ấy một nhóm người, đào tạo tinh luyện họ trở thành “BẠN HỮU” của Người, mặc khải cho họ biết Thánh Ý Chúa Cha (x.Ga 15,15) chuẩn bị ban cho họ hồng ân tuyệt vời nhất mà Thiên Chúa đã có từ khi tạo thành vũ trụ, ban cho họ ơn LÀM CON THIÊN CHÚA. Thật vậy, sau khi phục sinh, Đức Giêsu đã hiện ra cho bà Maria Mađalêna và căn dặn bà: hãy đi gặp ANH EM của Thầy và bảo họ: “Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17b.18a). Với việc phục sinh, Đức Giêsu hiển lộ thần tính là Con Thiên Chúa của Người; và trong tư cách “Con Thiên Chúa” đó, Đức Giêsu gọi môn đệ là “ANH EM = Brothers = Frères” của Người và gọi họ là con của Cha như Người. Vậy qua phục sinh, một con người trong nhân loại của chúng ta có tên là Giêsu đã được tôn vinh là “CHÚA = Kurios”, là Con Cha và Người có năng lực thông chia cho nhân loại quyền làm “Con” đó của Người. Vì thế khi gặp các môn đệ, bà Mađalêna không nói “tôi đã thấy THẦY” mà tuyên xưng rằng “Tôi đã thấy CHÚA = Kurion”.

Vậy chủ yếu của mầu nhiệm phục sinh không phải là thân xác phải chết của chúng ta sẽ sống lại và trở về lại cuộc sống cũ cho dù là cuộc sống của Vườn Địa Đàng đi nữa, mà là đưa nhân loại vào tương quan CHA – CON với Thiên Chúa và trở thành ANH EM với Đức Giêsu và VỚI NHAU. Cuộc nhận nhau là ANH EM con cùng một Thiên Chúa là Cha, đó là SỰ PHỤC SINH của Đức Giêsu; Mà Phục Sinh là một biến cố lịch sử chỉ diễn ra một lần. Vậy bằng cách nào mà nhân loại mọi thời, mọi nơi dựa vào đâu để có thể nhận ra được rằng Đức Giêsu thật sự đã phục sinh? Đó là những lần Đấng Phục Sinh hiện ra cho một số người?

Thật ra đó không phải là yếu tố căn bản. Bởi vì số người được gặp Đấng Phục Sinh  rất ít, trong khi đó niềm tin vào Đấng Phục Sinh  là chung cho mọi tín hữu mọi nơi, mọi thời trên thế giới. Mẹ Giáo Hội, qua phụng vụ Lời Chúa hôm nay, mời ta đi vào trung tâm lòng tin Kitô Giáo, đồng thời cho thấy yếu tố nền tẳng của niềm tin ấy: đó chính là Lời Chúa kèm theo một dấu chỉ.

     Trích đoạn Tin Mừng  hôm nay đã cho ta thấy lòng tin của người môn đệ Chúa yêu và căn nguyên của niềm tin ấy. Dấu chỉ cho ông là ngôi mộ trống và những băng vải liệm được để riêng ra với khăn che đầu. Dấu chỉ ấy khiến ông nhớ lại và hiểu lời Kinh Thánh đã từng nói về việc phục sinh của Đức Giêsu. Nhờ đó ông đã tin mặc dù ông chưa được Đấng Phục Sinh  hiện ra cho gặp gỡ. Chính Lời Chúa kèm một dấu chỉ bên ngoài là ngôi mộ trống đã là căn nguyên, cội nguồn lòng tin của người môn đệ Chúa yêu.

     Bài đọc 1 thuật lại chứng từ, lời rao giảng của Phêrô để đưa gia đình Cornêliô đi vào lòng tin vào Đức Giêsu. Dấu chỉ ở đây chính là chứng từ tông truyền của Phêrô; và nền tảng Lời Chúa đó là “tất cả các ngôn sứ làm chứng về Người…”. Niềm tin vào Lời Chúa kèm theo chứng từ tông truyền là nền tảng đức tìn cho mọi thế hệ sau này vào Mầu Nhiệm Phục Sinh của Đức Giêsu.

BÀI ĐỌC I: Cv 10, 34a.37-43

Văn mạch

     Công vụ chương 10 nói về việc những người dân ngoại đầu tiên – Cornêliô, đại đội trưởng Rôma và gia đình – được Phêrô, tông đồ

trưởng, đón nhận vào Giáo Hội. Sự can thiệp rõ ràng của Thiên Chúa qua những thị kiến: một cho Phêrô (Cv 10,9-16) và một cho Cornêliô (10,18) và nhất là qua việc thông ban Thánh Thần cách công khai cho tất cả mọi người có mặt tại nhà Cornêliô (cc.44-45) đã phá tan sự kỳ thị của những người Do thái đi theo Phêrô lúc ấy (cc.46-48). Hố ngăn cách giữa Do thái và dân ngoại đã được Thánh Thần san lấp, từ nay không còn phụ thuộc nữa vào các tập tục kiêng cữ sạch dơ (12-16), vào phép cắt bì (44-48). Với Đức Giêsu, thời đại ơn cứu độ phổ quát đã khởi sự: tất cả mọi người không trừ ai, nếu ăn ở ngay lành và thật lòng kính sợ Chúa (33-38) đều được quyền gia nhập vào cộng đoàn dân Chúa qua việc tin nhận Đức Giêsu và chịu phép Rửa (x.CGKPV Tân Ước ấn bản 1995 trang 532 nốt “p”).

          Bài 1 là trọng tâm của chương 10. Đây là bài rao giảng của Phêrô dọn lòng cho cả nhà Cornêliô tin vào Đức Giêsu Phục Sinh và đón nhận phép Rửa. Phêrô tóm tắt toàn bộ sứ vụ của Đức Giêsu từ lúc Người bắt đầu sứ vụ công khai cho đến khi sống lại và thiết đặt các chứng nhân cho Người. Phêrô đã đưa lời Ngôn sứ và chứng từ chính bản thân để thuyết phục rằng Đức Giêsu thực sự đã phục sinh và Người là cội nguồn của niềm tin cứu độ. Cornêliô đã tin và gia nhập Kitô giáo. Đây có thể được coi là kinh Tin kính của cộng đoàn tín hữu tiên khởi, bao gồm những điều thiết yếu để được lãnh nhận phép rửa gia nhập Giáo Hội. Danh từ chuyên môn gọi là Kerygma.

CẤU TRÚC và SUY NIỆM

          Về cấu trúc, bài giảng này như là một dàn bài tổng quát của một dạng sách Tin Mừng nguyên thủy: các tác giả Nhất Lãm đã dựa theo dàn bài này để khai triển thành sách Tin Mừng của mỗi vị.

1.Sứ vụ của Gioan (Cv 10,37)

  • Dọn đường: Làm phép rửa, rao giảng.

  1. Sứ vụ công khai của Đức Giêsu (Cv 10, 37 a. 38-39)

  • Khởi sự từ Gali lê (37a)

Được Thiên Chúa xức dầu tấn phong làm Ngôn Sứ (38a so Is 61, 1)

gợi lại việc Đức Giêsu chịu phép rửa Gioan. Người được Thiên Chúa tuôn tràn Thánh Thần tấn phong làm Mêsia. Thực ra Người đã tràn đầy Thánh Thần ngay từ lúc tượng thai trong lòng Trinh Mẫu và đã thi ân giáng phúc cho con người rồi: cho Gioan và bà Elisabet. Lúc chịu phép rửa là mặc khải công khai cho toàn dân.

  • Thi hành sứ vụ Mêsia – Vua(38b)

– Thi ân giáng phúc

– Giải phóng thần dân khỏi ách kiềm chế của ma quỉ

– Căn nguyên quyền năng của Người: Thiên Chúa ở cùng

“thi ân giáng phúc”: hình ảnh mượn từ việc các vua Rôma khi đi kinh lý: thường ân xá cho các tù nhân, ban tặng tiền của cho người nghèo, ân thưởng cho thần dân có công. Cách nói này ám chỉ Đức Giêsu chính là Mêsia – Vua (x. Lc 3, 22b) đang ngự thăm thần dân và thi thố quyền năng ban phúc cho dân mình.

  • Các tông đồ là chứng nhân về những sự kiện và ý nghĩa ấy (39)

các tông đồ làm chứng cho Đức Giêsu không chỉ giới hạn trong sự phục sinh, nhưng bao hàm tất cả sứ vụ lịch sử của Người: từ khởi đầu đi loan báo Tin Mừng cho tới khi về trời. Đây là tiêu chuẩn để chọn một tông đồ thế chỗ cho Giu đa (Cv 1, 21-22).

  1. Chóp đỉnh của sứ vụ (Cv 10, 39b-42)

  • Thập giá: “Họ đã treo Người lên…” “Họ” tức là Người Do Thái (so với 10, 36; xem thêm 2, 23; 3, 13-15; 13, 28).

  • Phục sinh và hiện ra (40):

          -ngày thứ ba

“ngày thứ ba”: lần duy nhất xuất hiện trong Công vụ, nhưng gặp nhiều trong Tin Mừng: Mattheu 16, 21; 17,23; 20,19; 27,64; Lc 9, 22; 18,33; 24, 7.46. Đây là công thức cổ điển trong lời giảng và đức tin Kitô giáo, và được đưa vào trong Kinh Tin Kính (x. 1Cr 15, 4)

Không nên hiểu cách nói này theo nghĩa đen của số học, nhưng hiểu theo nghĩa biểu tượng. Thật vậy cách nói này vọng lại nhiều điển tích Cựu Ước:

Sáng thế 22, 4: ngày Abraham phải hiến tế Isaac, nhưng rốt cuộc Isaac khỏi chết, mở ra một tương lai xán lạn cho Abraham.

Hôsê 6, 2: sau thời gian đánh phạt, cảnh cáo, “ngày thứ ba” là ngày Thiên Chúa tha thứ , hồi phục Isrel. Hình ảnh hồi sinh này được Êdêkiel và Mattheu 27, 52-53 lấy lại.

Giona 2, 1: sau ba ngày trong bụng cá, Giona phải đi rao án phạt cho Ninivê, nhưng trong thực tế, lời đó lại là nguyên cớ cho Ninivê được tha thứ, cứu.

Vậy “ngày thứ ba” hàm ý thời điểm cứu độ đã đến rồi, Thiên Chúa hoàn tất mọi điều đã được báo trong Cựu Ước, ân huệ cánh chung đã được thông ban.

-“Thiên Chúa đã đánh thức Người dậy và cho Người trở nên hữu hình, nhìn thấy được” (dịch sát).

          “làm chỗi dậy”, “đánh thức dậy” là kiểu nói cố truyền (x. Đn 12, 1-3), diễn tả sự can thiệp quyết liệt chung cuộc của Thiên Chúa giải thoát vĩnh viễn những ai thuộc về Người. Động từ này diễn tả tác động từ tư thế nằm sang đứng hay từ tình trạng ngủ sang thức. Vậy cách trình bày này nhấn mạnh: -với Đức Giêsu, Thiên Chúa đã thực hiện mức cao nhất lần can thiệp chung cuộc – Đức Giêsu đó chính là Đấng mà người đương thời với Người đã gặp, thấy, sờ…được, Người đã chết nhưng nay đang sống với chính cái thân xác mà trước đó mọi người đã biết. Cách nói “Thiên Chúa đánh thức…và cho…” còn nhấn mạnh đến vai trò hoàn toàn chủ động của Thiên Chúa: Cha là cội nguồn tất cả, ngay cả việc Đức Giêsu hiện ra cũng là tác động của Cha. Lối nói này phù hợp với suy nghĩ của người Do Thái: Thiên Chúa Yavê là cội nguồn mọi sự; và cũng cần thiết khi rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại: vì họ chưa biết Yavê là ai và là niềm tin vào Đức Giêsu phục sinh không được làm lu mờ vai trò Thiên Chúa Cha.

  • Thiết đặt các chứng nhân (41-42)

 – Đối tượng chính của những lần hiện ra: “chúng tôi” là những chứng nhân được Thiên Chúa tuyển chọn từ trước (nhắc lại vai trò chủ động của Thiên Chúa) ; đồng thời cũng là những người được Đấng Phục Sinh chọn qua việc tỏ mình cho họ thấy : ở đây nhắc lại Lc 24,36-43.

Cách nói trên ám chỉ các tông đồ (x. Cv 1,21-22; Ga 15,27). Chi tiết “ăn uống” càng nhấn mạnh rằng thân xác Đấng Phục Sinh chính là Đấng đã bị treo thập tự.

– Mục đích việc thiết đặt: Rao giảng và làm chứng. Nhưng ở đây việc làm chứng lại tập trung vào vai trò “làm thẩm phán để xét xử kẻ sống và kẻ chết”

“xét xử” là đặc quyền của Thiên Chúa: “đó là mục tiêu chính trong chức vụ thẩm phán tối cao của Người (x.ĐNTHTK “Phán xét” C.Ư 1,1). Như vậy Đức Giêsu trao cho các tông đồ sứ mạng làm chứng rằng Người chính là Thiên Chúa nhờ dấu chỉ Người đã phục sinh.

  1. Ý nghĩa biến cố Giê su trong dòng lịch sử cứu độ (Cv 10,43) :

  • Đức Giêsu, nhất là Thập Giá, phục sinh là điểm đến của mọi lời ngôn sứ (43a)

  • Người là đối tượng của đức tin và cội nguồn ơn tha tội (43b)

“nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa hoàn tất nọi lời hứa trong Cựu Ước, do đó từ nay chỉ cần tin vào Đức Giêsu là nhân loại đã có thể hưởng trọn vẹn mọi phúc lành chung cuộc của lịch sử cứu độ ở mức cao nhất. Khía cạnh ngôn sứ được nhấn mạnh ở đây là “ơn tha tội nhờ lòng tin”:Rm 1,17; 9,33; 10,13…

  1. TÓM KẾT:

Để chuẩn bị đón nhận gia đình Cornêliô (đại diện toàn thể dân ngoại) vào Giáo Hội, Phêrô  đã công bố những nét thiết yếu của đức tin Kitô giáo. Đó là mầu nhiệm Đức Giêsu mà trọng tâm là thập giá và phục sinh, từ đó nhận ra Người là ĐỨC CHÚA, Thẩm phán chung cuộc, tối cao. Mầu nhiệm này cũng được tiền định loan báo cho muôn dân nhờ các tông đồ là những chứng nhân đã được Thiên Chúa tuyển chọn từ trước cho họ được đồng hành với Đức Giêsu từ đầu sứ vụ cuả Người cho đến phục sinh thăng thiên. Về phía nhân loại, để hưởng trọn ơn cứu độ, chỉ cần TIN vào Đức Giêsu đúng theo chứng từ tông truyền. Toàn thể những điều ấy đã nằm trong dự tính của Thiên Chúa được tỏ lộ qua các ngôn sứ.

TIN MỪNG: Ga 20,1-9

Văn mạch:

          Sứ vụ công khai cũng như cuộc sống trần thế của Đức Giêsu như khép lại với thập giá và với nấm mồ đóng kín. Mọi sự tưởng chừng là chấm dứt. Nhưng với các môn đệ, vẫn còn một chút gì đó bám víu, dù rất mong manh: lúc sinh thời Đức Giêsu đã nhiều lần loan báo rằng sau thập giá, ngày thứ ba Người sẽ sống lại.

          Đức Giêsu đã phục sinh! Mặc dù không ai chứng kiến sự kiện phục sinh, niềm tin vào sự kiện ấy không ngừng gia tang. Mọi sự bắt đầu với sự việc các bà ra viếng mộ và khám phá ra ngôi mộ trống vào tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần sau ngày thập giá. Tiếp sau đó là những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh cho những ai Người muốn, đặc biệt là các tông đồ để thiết đặt các chứng nhân cho việc Người đã phục sinh. Tin Mừng thứ 4 kể lại 4 lần hiện ra của Đấng Phục Sinh sau biến cố khám phá ngôi mộ trống: hiện ra cho Maria Macđala- cho nhóm 11 thiếu Tôma- cho nhóm 11 đặc biệt cho Tôma- và lần hiện ra cuối cùng tại biển hồ Tibêria để trao quyền mục tử cho Phêrô.

          Tin Mừng hôm nay là trình thuật về ngôi mộ trống bắt đầu phần nói về Tin Mừng Phục Sinh.

Trọng tâm của bản văn Ga 20,1-9 xoáy vào một sự kiện khách quan là ngôi mộ đã an táng Đức Giêsu. Xoay quanh một ngôi mộ đó có ba nhân vật hữu hình: Maria Mađalêna, Phêrô và “người môn đệ Đức Giêsu thương mến”. Trong tương quan với ngôi mộ, ba nhân vật trên có ba phản ứng khác nhau. Và một nhân vật không xuất hiện hữu hình, chỉ hiện diện qua phản ứng của ba nhân vật kia, nhưng thực sự đang làm chủ, làm mọi tình tiết trong bản văn có ý nghĩa, đó là Đức Giêsu. Chính phản ứng của ba nhân vật sống, trước ngôi mộ, trước một người tưởng đã chết đã mặc khải cho chúng ta yếu tố nào là nền, là căn bản mà người đọc phải có để có thể khám phá ra được rằng Đức Giêsu đã thực sự Phục Sinh.

  1. BỐI CẢNH CỦA SỰ CỐ :

 Đức Giêsu đã phục sinh! Mặc dù không ai chứng kiến tận mắt sự kiện, nhưng niềm tin Chúa đã phục sinh không ngừng gia tăng. Mọi sự bắt đầu với sự việc các bà sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần ra viếng mộ Chúa và khám phá xác Chúa không còn trong mộ nữa. Điều gì đã xảy ra ?

  • Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần lúc trời còn tối : Cả bốn sách Tin Mừng đều đồng ý thời điểm khám phá ra sự cố “ngôi mộ trống” là vào buổi sáng sớm, ngày thứ nhất trong tuần, tuy nhiên cách diễn tả của mỗi sách đều có chút khác biệt. Tin Mừng thứ tư có thêm “trời còn tối”. Cái bóng tối còn sót lại ấy trước khi ánh sáng bừng lên, gợi lại St 1,1: Thiên Chúa bắt đầu công trình sáng tạo bằng cách chấm dứt cái “tối tăm trên mặt uông mang” và dựng nên ánh sáng. Chính vào lúc chuyển đổi từ đêm qua ngày này đã xảy ra một cuộc biến đổi ý nghĩa của thực tại “ngôi mộ”.

“Ngôi mộ” vốn là biểu tượng của sự chết (đi đôi với chi tiết bóng đêm còn sót lại), giờ đã trở thành dấu chỉ loan báo phục sinh, sự sống mới (đi đôi với chi tiết ngày mới đang tới).

Với Thập Giá và Phục Sinh của Đức Giêsu, cái chết không còn là điểm chấm dứt của thân phận loài người nữa mà trở thành ngưỡng cửa bước vào cuộc sống mới. Với ngôn ngữ biểu tượng của Tin Mừng thứ tư, cụm từ “sáng sớm lúc trời còn tối” diễn tả một tạo thành mới đang hình thành, một nhân loại mới sẽ sống vĩnh cửu nhờ Đức Tin. Chi tiết “ngày thứ nhất trong tuần” cũng gợi lên bước khởi đầu của công trình sáng tạo mới. Dòng lịch sử cứu độ lật sang chương mới, dù vẫn còn chút bóng tối, nhưng ngày đã lên ngôi.

  1. NGÔI MỘ” VÀ MARIA MACĐALA

Với lòng biết ơn (được Chúa trừ khỏi bảy quỷ và trở nên môn đệ Đức Giêsu : x.Lc 8,1-3), Maria Mađalêna đã ra mộ để than khóc theo tục lệ muốn kéo dài giây phút gần gũi với người thân đã chết (x.Ga 11,31). Tuy nhiên lòng mến đó của bà còn quá nặng tình cảm nhân loại, nó giam hãm bà trong phạm trù giác quan, trần thế : đối với bà Đức Giêsu là một người thân đã chết ; bà ra mộ là để tìm, than khóc một thây ma, để níu kéo một cách tuyệt vọng mối dây liên hệ đã đứt đối với một người đã chết. Vì thế khi thấy tảng đá lấp cửa mộ lăn qua một bên, thì thay vì bình tĩnh đến gần xem sự việc thế nào, bà lại vội vã loan đi một cái tin thất thiệt do đầu óc hoảng loạn của bà tưởng tượng ra: người ta đã lấy mất xác Chúa rồi! Đúng là tâm trạng hoảng loạn : gọi Người là Chúa mà lại ứng xử với Người như một xác chết. Chính vì thế khi Đấng Phục Sinh hiện ra cho bà, bà không sao nhận ra được (20,16-17).

Các chi tiết trên cho thấy tiếp xúc giác quan không đưa con người đến chỗ tin nhận rằng Đức Giêsu đã Phục Sinh. Đối với bà, lúc ra mộ, ngôi mộ vẫn là dấu chỉ của sự chết và bà lập luận mọi sự theo cái nhìn “chết” đó. Cần phải có một đổi thay tương quan để nhận ra Chúa đã Phục Sinh.

  1. NGÔI MỘ TRỐNG” VÀ HAI MÔN ĐỆ

Theo cách trình bày của Tin Mừng thứ tư, bà Macđala không hề thấy “ngôi mộ TRỐNG”, ban đầu bà chỉ thấy “tảng đá lấp cửa mộ lăn qua một bên”, liền chạy đi loan báo cái “tâm trạng hoảng loạn của mình”; lần sau, khi “hai môn đệ lại trở về nhà” thì bà mới đến nhìn vào mộ và thấy “hai thiên thần mặc áo trắng” ngồi trong mộ và bà không hề thấy các khăn vải liệm như hai môn đệ đã thấy (20,12).

Vậy người đầu tiên nhìn thấy ngôi mộ TRỐNG là môn đệ Chúa yêu, nhưng ông chỉ nhìn từ bên ngoài nhìn vào thôi; Còn người đầu tiên chứng kiến Ngôi Mộ TRỐNG ngay tại hiện trường với tất cả những chi tiết quan trọng chính là PHÊRÔ.

Trước dấu chỉ tại hiện trường : mọi chi tiết dùng để liệm xác Đức Giêsu đều được tháo cởi ra và xếp lại ngay ngắn để đúng vị trí (20,6-7), thì giả thiết xác bị đánh cắp không thể đứng vững. Tuy nhiên theo suy luận thuần lý thì hiện trường cũng chưa là lý chứng thuyết phục rằng Chúa đã sống lại. Nhưng đối với những ai đã từng gắn bó với Đức Giêsu, được Người loan báo nhiều lần về cái chết và phục sinh của Người thì tất cả đều trở thành DẤU CHỈ làm họ nhớ tới LỜI CHÚA và Lời Chúa khơi lên lòng tin. Giờ này NGÔI MỘ TRỐNG trở thành dấu chỉ LOAN BÁO SỰ SỐNG, dấu chỉ khơi gợi lên lòng tin nhờ NHỚ LẠI và HIỂU LỜI KINH THÁNH (20,9).

  1. BÀI HỌC CHO MÔN ĐỆ MỌI THỜI

Điều gì làm người môn đệ Chúa yêu tin rằng Chúa đã phục sinh?

Bản văn nói rất rõ : khi ông THẤY và TIN thì Đấng Phục Sinh chưa hiện cho bất kì ai. Vậy việc tiếp xúc thể lý qua giác quan là hoàn toàn không cần thiết để TIN (không phải là chấp nhận một sự kiện mà là đi vào một tương quan mới ). Bản văn được viết cho chúng ta là những người không thể nào tiếp xúc thể lý trực tiếp với con người Giêsu. Các yếu tố bản văn gợi lên cho ta là :

  • Lòng mến chân tình của con người đối với nhau : Lòng mến và biết ơn của Mađalêna đến với Đức Giêsu, dù còn nặng tình cảm nhân loại, đó là yếu tố mở đầu cho việc khám phá ra “NGÔI MỘ TRỐNG”.

  • Ngôi mộ trống: là dấu chỉ của sự chết, sự phân ly. Giờ đây đã trở thành yếu tố QUY TỤ, nơi HẸN cho những ai yêu mến Đức Giêsu. Ngôi Mộ Trống đã bứng họ ra khỏi cái tê liệt do sự chết của Đức Giêsu gây ra : TẤT CẢ CÙNG CHẠY! Chạy đi đâu ? chạy đến NGÔI MỘ TRỐNG và khám phá nét kì diệu của Ngôi Mộ này. Dấu chỉ sự chết đã thành DẤU CHỈ CỦA SỰ SỐNG. Cuộc sống trung thành của các tín hữu với Lời Chúa dạy, nhất là cuộc đời và cái chết của các ĐẤNG TỬ ĐẠO mọi thời chính là “Ngôi Mộ Trống” cho toàn nhân loại.

  • Lời Chúa: yếu tố quyết liệt để khám phá ra rằng Đức Giêsu đã phục sinh dù Người chưa hiện ra là NHỚ và HIỂU LỜI CHÚA. Vậy tín hữu phải thường xuyên tiếp xúc với Lời Chúa để thấm nhuần Lời Chúa vào cuộc sống của mình, có như thế thì khi gặp biến cố, Lời Chúa mới chợt đến giúp ta hiểu và sống Lời Chúa vào những trường hợp cụ thể nhất. Người môn đệ phải nhiệt tình tiếp xúc với Lời Chúa và hết lòng loan Lời Chúa cho mọi người cho dù – như Phaolô – hoàn cảnh có thuận tiện hay không (x. Tm 4,3; 1Cr 9,16).

Biết và hiểu Lời Chúa chính là nền tảng để nhân loại mọi nơi, mọi thời có thể tin vào Đức Giêsu phục sinh dù không gặp Người trực tiếp.

CẤU TRÚC và SUY NIỆM

  1. Sự kiện tiên khởi: tảng đá lấp cửa mộ bị lăn qua một bên (Ga 20,1-2)

* Thời điểm: ngày thứ nhất trong tuần, sáng sớm lúc trời còn tối

Cả 4 cuốn Tin Mừng đều đồng ý thời điểm khám phá ra ngôi mộ trống là “vào buổi sáng sớm, tuy nhiên cách diễn tả có chút đặc biệt. Tin Mừng 4 lại còn thêm “trời còn tối”. Cái bóng tối còn sót lại ấy trước khi ánh sáng bừng lên, gợi lại St 1,1: Thiên Chúa bắt đầu công trình sáng tạo bằng cách chấm dứt cái “tối tăm trên mặt uông mang” và dựng nên ánh sáng. Tin Mừng 4 sử dụng nhiều chỉ tiết trong St 1: x. Ga 1,1 và nốt c; 1,19-2,11 nốt t của CGKPV, Tân Ước. Thật vậy chính vào lúc chuyển đổi từ đêm qua ngày này đã xảy ra một cuộc biến đổi ý nghĩa của thực tại “ngôi mộ”: NGÔI MỘ (vốn là biểu tượng của sự chết, đi đôi với bóng đêm còn sót lại) giờ trở thành DẤU CHỈ LOAN BÁO Phục Sinh (sự sống mới, đi đôi với ngày mới đang tới). Với thập giá và Phục Sinh của Đức Giêsu, cái chết không còn là điểm chấm dứt của thân phận loài người nữa mà trở thành ngưỡng cửa bước vào cuộc sống mới. Với ngôn ngữ biểu tượng của Tin Mừng 4, cụm từ “sáng sớm lúc trời còn tối” diễn tả một tạo thành mới đang thành hình, một nhân loại mới sẽ sống đời sống mới nhờ TIN.

Chi tiết “ngày thứ nhất trong tuần” cũng gợi lên bước khởi đầu của công trình sáng tạo mới. Dòng lịch sử cứu độ lật sang chương mới: dù vẫn còn chút bóng tôi (“lúc trời còn tối”) nhưng ngày đã lên ngôi, với mầu nhiệm Phục Sinh, ngày đã thắng thế tuyệt đối chờ giây phút Quang Lâm lúc hoàn toàn không còn bóng tối nữa (x. Kh 21,4; 22,5)

* Người khám phá sự kiện: Maria Macđala (sđd 481 b)

* Sự kiện: “thấy tảng đá lăn qua một bên”

* Phản ứng: “Bà LIỀN chạy về báo tin…” với nội dung xác Chúa đã bị đánh cắp. Theo bản văn dường như bà không đến nhìn vào mộ lúc này.

Khác với Nhất Lãm: Mc 16,1; Lc 24,1 (ướp xác); Mt 28,1 (viếng mộ); trong Tin Mừng 4, bà ra mộ để than khóc theo tục lệ muốn kéo dài giây phút gần gũi với người thân đã chết (x. Ga 11,31). Việc làm này biểu lộ lòng quý mến sâu xa của bà đối với Đức Giêsu, nhưng còn quá nặng tình cảm nhân loại, nó giam hãm bà trong phạm trù giác quan, sự kiện, suy luận chủ quan ngay cả khi gặp Chúa: x. 20,15, cản trở bà đi tới cái nhìn đức tin để nhận ra ý nghĩa của sự kiện.

  1. Khám phá ra Ngôi mộ trống (Ga 20,3-7)

Theo cách trình bày của Tin Mừng 4, Maria không phải là người đầu khám phá ra Ngôi Mộ Trống, bà chỉ thấy “tảng đá lăn qua một bên” và “LIỀN chạy về báo tin” vì suy luận cho là xác Chúa bị đánh cắp. Người đầu tiên thấy Ngôi Mộ Trống TẬN MẮT là người môn đệ Chúa yêu và sau đó ông TIN. Người đầu tiên vào tận mộ và chứng kiến từng chi tiết quang cảnh bên trong mộ là Phêrô: ông là chứng nhân tỏ tường, chi tiết của sự kiện.

  • Phản ứng trước tin ấy: Phêrô và người môn đệ Chúa yêu cùng CHẠY ra mộ

Trước biến cố cả 3 nhân vật đều CHẠY mặc dù chưa nắm bắt được ý nghĩa của sự việc đó. Điểm chung là sự việc này đã kéo họ ra khỏi nhịp điệu lê lết của nỗi thất vọng ê chề do thập giá đang trì kéo họ lại. Họ được vực dậy và được dẫn tới TIN.

Diễn tiến:

  • môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô nên tới mộ trước

  • ứng xử: không vào mộ, chỉ đứng bên ngoài ngó vào, thấy cách chung chung: băng vải còn đó nhưng không còn xác Đức Giêsu.

  • đến sau nhưng Phêrô vào thẳng trong mộ và thấy mọi chi tiết: băng vải liệm để riêng, khăn che đầu cuộn lại XẾP riêng ra.

Tại sao người môn đệ Chúa yêu không vào mộ ngay? Có thể có nhiều lối giải thích. Tuy nhiên đó là chuyện phụ. Điều Tin Mừng muốn nói: chính Phêrô là người thứ nhất chứng kiến toàn bộ, chi tiết Ngôi Mộ Trống trong tình trạng nguyên tuyền của nó, hàm ý chứng từ của ông sẽ là nền tảng, là trung thực nhất. Phêrô là người đầu tiên có mặt tại hiện trường. Ông là chứng nhân số một. Với những gì Phêrô chứng kiến: vải liệm và  khăn che đầu được để riêng, xếp cẩn thận, đúng vị trí thì cách giải thích xác Chúa bị trộm phải bị loại bỏ. Theo lý trí tự nhiên, cảnh tượng này thật khó giải thích. Nhưng đối với những ai gắn bó với Đức Giêsu thì đây đúng là một lời nhắc nhở họ nhớ lại những gì Đức Giêsu đã nói trước kia và những lời Kinh Thánh đã chép. Tất cả trở thành DẤU CHỈ khơi gợi lòng tin.

  1. Dấu chỉ và Lời Chúa căn nguyên của Đức Tin (Gioan 20, 8-10).

Dấu chỉ: người môn đệ Chúa yêu vào mộ, ông đã thấy và đã tin.

          NGÔI MỘ TRỐNG không thể là bằng chứng của sự kiện Đức Giê-su đã phục sinh. Đó chỉ là một dấu chỉ. Để nắm bắt được sứ điệp cần hiểu ý nghĩa ẩn phía sau  dấu chỉ ấy. Đối với người môn đệ Chúa yêu, NGÔI MỘ TRỐNG  quả là dấu chỉ cần thiết: Nó thức tỉnh ông khỏi mây mù thập giá, nó nhắc ông nhớ lại và làm ông hiều Lời Kinh Thánh. Từ đó ông mới nghiệm ra rằng quả thật Chúa đã sống lại và ông đã TIN. Tin ngay cả trước khi Đức Giê-su hiện ra cho thấy. Tin Mừng 4 đã khẳng định: Việc gặp, thấy Đức Giê-su Phục Sinh bằng xác phàm hoàn toàn không cần thiết để Tin. Tác giả đã trải nghiệm điều mà sau này ông tổng quát hoá cho mọi người “ phúc cho ai không thấy mà tin”.

  • Nhớ và hiểu Lời Chúa: Điều thiết yếu để tin (câu 9).

          Lòng mến thuần tuý nhân loại như của Maria chưa thể đưa con người tới đức tin, vì lòng mến đó cũng bị giới hạn bởi thân phận con người. Cần phải nhờ tới ánh sáng của Kinh Thánh chiếu soi hướng dẫn thì lòng mến của con người mới có thể gặp được chân lý, mới nhận ra được ý nghĩa của sự kiện và tin. Giờ đây, nơi người môn đệ Chúa yêu: lòng mến, dấu chỉ NGÔI MỘ TRỐNG và Lời Kinh Thánh quyện lẫn vào nhau đưa ông tới đức tin, giúp ông vượt qua bóng đen của cái chết, nhận ra rằng Đức Giê-su ĐÃ PHỤC SINH, bước vào buổi “Tân Niên” của sáng tạo mới dù mắt phàm ông chưa được thấy Người hiện ra.

  • Trong niềm tin, các ông trở về nhà.

  1. TÓM KẾT

          Dù là Chúa Nhật PHỤC SINH ngay sau đêm canh thức, nhưng ta không hề thấy ĐẤNG PHỤC SINH xuất hiện trong Tin Mừng hôm nay; cũng không thấy nói tới trực tiếp việc Đức Giêsu hiện ra cho những người được chọn từ trước. Tin Mừng chỉ thoáng đề cập đến ĐẤNG PHỤC SINH ngang qua một lời Kinh Thánh “ Đức Giê-su phải trổi dậy từ cõi chết”

          Tin Mừng muốn nhấn mạnh đến LÒNG TIN – tin rằng ĐỨC GIÊ SU đã thực sự phục sinh dù không gặp Người theo thể lý – và điều kiện cần có để tin. Việc gặp gỡ thể lý hay được ĐẤNG PHỤC SINH  hiện ra cho thấy hoàn toàn không cần thiết để tin. Yếu tố để tin chính là: – lòng mến của một người môn đệ. – một dấu chỉ: Ở đây là NGÔI MỘ TRỐNG. – và nhất là phải nhớ lại và hiểu lời Kinh Thánh.

          Trình thuật này rõ ràng được soạn thảo cho những người không gặp được trực tiếp ĐẤNG PHỤC SINH. Tin Mừng khẳng định rằng tín hữu mọi thời, mọi nơi vẫn có đủ phương tiện cần thiết để nhận ra được ĐẤNG PHỤC SINH đang sống và tin vào Người như người môn đệ Chúa yêu: dấu chỉ là chứng từ tông truyền thay cho NGÔI MỘ TRỐNG, còn Lời Chúa thì luôn có đó. Phần còn lại là lòng mến của chúng ta.

 Frère Pierre Đình Long FSC