Chúa nhật trước, tuần thứ nhất mùa chay, phụng vụ cho chúng ta thấy Chúa Giêsu bị cám dỗ về nhiều phương diện. Cám dỗ cũng luôn hiện diện trong kiếp nhân sinh của chúng ta. Thử thách hay cám dỗ có thể vùi dập chúng ta nhưng thử thách cũng cần thiết để chúng ta thanh luyện mình, nếu chúng ta vượt thắng được thử thách, chúng ta sẽ đạt tới vinh quang. Sang tuần thứ hai mùa chay hôm nay, phụng vụ cho chúng ta thấy hình ảnh vinh quang của Chúa Giêsu.
Cả ba Tin Mừng nhất lãm đều tường thuật biến cố Chúa hiển dung. Mt 17, 1-8, Mc 9,2-10 và Lc 9,28-36, gần như có chung một lược đồ: Chúa hiển dung sau khi Phêrô tuyên xưng: Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúahằng sống (Mt 16,16) và sau khi Chúa loan báo cuộc Thương Khó lần thứ nhất (Mt 16,21),cũng như những điều kiện để đi theo chúa.(Mt 16,24).
Chúa Giêsu tỏ vinh quang đích thực của Người cho các môn đệ. Trước đây, sự kiện này được gọi là “biến hình”, ngày nay người ta gọi là Chúa hiển dung nghe thanh lịch, nhẹ nhàng hơn. Cả ba Tin Mừng đều tường thuật là trên núi, nhưng không trình thuật nào xác định núi đó tên gì. Sự xác nhận núi Tabor, nơi Chúa Giêsu hiển dung là do Origen ở thế kỷ thứ 3. Và cũng được thánh Cyril thành Jerusalem và thánh Jêrôme nói đến trong thế kỷ thứ 4.
Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, đem theo các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao, (Mt 17,1) để các ông được thấy vinh quang của Chúa. Đây cũng là ba môn đệ mà Chúa Giê-su chọn đi theo Chúa, khi Người cho con gái ông trưởng hội đường sống lại ( Mc 5,37). Cũng chính ba môn đệ này sẽ được Chúa Giê-su đem theo riêng với Người vào vườn Ô-liu, khi Người cầu nguyện trước lúc bị bắt.(Mt 26,37).
Cả ba vị là tông đồ thân tín của Chúa, là cột trụ của Giáo Hội tương lai (Gl 2,9).
Chắc hẳn, cũng như đại đa số dân chúng thời đó, các tông đồ cũng mong đợi một đấng Messia đến giải phóng dân, cụ thể là thoát ách thống trị của Rôma. Dẫu theo Thầy đã lâu, chứng kiến những phép lạ, những lần Thầy chữa bệnh hay cho người chết sống lại… nhưng chẳng thấy Thầy đề cập gì đến giải phóng, có khi còn nhấn mạnh Người phải đi Jerusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng đế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại (Mt 16,21). Các ông bán tín bán nghi, đã có lúc thắc mắc, chúng con bỏ mọi sự mà theo thầy, chúng con được gì?(Mt 19,27)
Thì đây chính là lúc Thiên Chúa đánh tan mối nghi ngờ, củng cố niềm tin cho các ông, cho các ông nếm trước vinh quang phục sinh của Người. Cho các ông thấy rằng cuộc Tử Nạn là con đường Người phải đi qua để đạt đến vinh quang.
Việc Chúa biến hình ban cho các môn đệ niềm hy vọng vào vinh quang Phục Sinh. Niềm hy vọng này sẽ giúp các môn đệ can đảm chấp nhận cuộc khổ nạn thương đau và cái chết tủi nhục của Thầy chí thánh.
Và rồi có ông Môsê, đại diện Lề Luật và ông Êlia, đại diện các ngôn sứ, xuất hiện và đàm đạo với Chúa. Hai nhân vật VIP này là phát ngôn của Cựu ước, giới thiệu Đức Kitô của Tin Mừng cho 3 tông đồ thân tín.
Và kìa các ông thấy ông Môsê và ông Elia hiện ra đàm đạo với Người”(Mt 17,3).
Qua việc Chúa biến hình, Phụng vụ Lời Chúa hôm nay khuyên chúng ta sống khiêm nhường và biến đổi chính mình. Biến đổi, canh tân chính là mục đích của Mùa Chay.
Chúa biến hình vinh quang để chúng ta cũng biết biến đổi.Theo thánh Phao-lô, “Chúa có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người”(Pl 3,21).
Vẫn theo Thánh Phaolô:
“Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,22-24).
Nếu muốn được hạnh phúc, vinh quang, ta luôn phải biến đổi . Đây là điều kiện để được chung phần vinh quang với Chúa Giêsu.
Lịch sử Giáo Hội cho thấy có biết bao vị thánh đã biến đổi đời mình: một Phêrô, một Phao lô, một Madalena, một Augustinô…Một Phaolô Hạnh, quê Tân Triều, Biên Hòa đã từng nắm đầu cả băng xã hội đen, nhưng đã tử đạo ngày 28 tháng năm 1859, là một trong số 117 vị tử đạo tại Việt Nam. Gần đây ở Việt Nam có một đại ca, đã từng chơi ma túy, đã từng vào tù ra khám, nhưng cuối cùng đã quyết biến đổi, đã bỏ lại tất cả để đi cai nghiện, vào dòng Thiên An, Huế, làm tu sĩ, làm linh mục và còn mở trung tâm giúp các thanh thiếu niên cai nghiện, sát bên thánh địa La Vang, Huế. Đó là linh mục Trần An. Ngài đổi lại là Tràn Ân. Bốn chữ T xăm trên các ngón tay: Tiền,Tình,Tù,Tội được đổi lại là Tình Thương Tràn Trề. Đây chính là những mẫu gương điển hình về những cuộc biến hình trong Giáo Hội xưa và nay.
Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con phải vâng nghe Con yêu dấu của Chúa; xin lấy lời hằng sống nuôi dưỡng đức tin của chúng con, nhờ vậy, cặp mắt tâm hồn chúng con sẽ trong sáng để nhìn thấy vinh quang Chúa tỏ hiện trong cuộc đời chúng con. (Lời nguyện đầu lễ).