Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật thứ 3 phục sinh năm C cho chúng ta nghe Tin Mừng Ga 21,1-19. Đoạn Tin Mừng có 19 câu nhưng chuyển tải nhiều nội dung khác nhau:
– Mẻ cá kỳ lạ ( 21,1-8). – Bữa ăn sáng với Chúa Giêsu phục sinh.(21,9-14) – Chúa trao sứ mệnh mục tử cho Phêrô.(21,15-17) – Chúa nói về tương lai của Phêrô. (21,18-19)
1.Mẻ cá kỳ lạ.( 21,1-8).
Sau nhiều năm tháng đi theo Thầy Giêsu, các môn đệ những tưởng Thầy sẽ khôi phục nước Israel. Nhưng cuối cùng, người ta đã bắt, đã hành hạ và đã giết Thầy.Thầy đã được chôn cất cẩn thận. Coi như chấm hết. Nhưng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc, các bà ấy ra mồ sáng sớm và bảo rằng Người vẫn sống.(Lc 24,22-23). Đấng Phục Sinh cũng đôi lần hiện ra với các môn đệ(Ga 20, 19-29). Nhưng cũng chỉ có vậy thôi, các ông vẫn bán tín bán nghi và lúc này phải trở về với cuộc sống thường nhật của mình là nghề chài lưới.
Simon Phêrô cùng với 6 môn đệ khác đi đánh cá, nhưng họ vất vả cả đêm mà không được gì. Sáng sớm có người trên bãi biển nói: Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá (Ga 21,6).Cũng lạ, nghề của chàng là lưới cá, vậy mà sao lại nghe người lạ xúi dại, thả lưới giữa ban ngày ban mặt, đêm khuya còn chưa ăn ai. Nhưng thật kỳ diệu: các ông thả lưới xuống nhưng không sao kéo lên nổi vì lưới đầy những cá. (Ga 21,6): 153 con. Không biết các ông có đếm từng con không, nhưng theo các nhà vạn vật học Hy Lạp thì có 153 giống cá khác nhau. Theo các nhà chú giải Kinh Thánh thì lưới của các tông đồ quy tụ được mọi gia đình nhân loại trong một Giáo Hội duy nhất.
Mẻ cá lạ lùng đã giúp các ông nhận ra Thầy mình. Gioan nhận ra Chúa đầu tiên: “Chúa đó” (Ga 21,7). Cũng như trước ngôi mộ trống, Gioan đã thấy và ông đã tin.(Ga 20,8). Gioan là môn đệ Chúa yêu. Nếu như thông thường, tình yêu như trái phá, con tim mù lòa (Trịnh Công Sơn) thì nơi Gioan, tình yêu lại có đôi mắt thông suốt, giúp ông nhận ra Thầy trước tất cả những người khác.
Với sự chỉ dẫn của Chúa Giêsu các tông đồ đã làm được điều kỳ diệu.
Thực vậy, có lần Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ:Không có Thầy các con chẳng làm được gì. (Ga 15,5).
Trong Thánh Vịnh 127 chúng ta cũng thường hát:
Ví như Chúa chẳng xây nhà, Thợ nề vất vả cũng là uổng công. Thành kia mà Chúa không phòng giữ, Uổng công người trấn thủ canh đêm. (Tv 127,1)
2.Bữa ăn sáng với Chúa Giêsu phục sinh.(21,9-14)
Biết rằng các ông mệt mỏi suốt đêm mà không được gì, Chúa Giêsu đã chuẩn bị bữa ăn sáng cho các ông: Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. (Ga 21,9)
Chúa Giêsu cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá Người cũng làm như vậy.(Ga 21,13). Câu này làm chúng ta nhớ lại lời Chúa Giêsu khi người hóa bánh và cá ra nhiều để cho dân chúng ăn no.(Ga 6,11). Phải chăng trình thuật cũng liên tưởng đến bữa Tiệc Ly, đến tiệc Thánh Thể.
3.Chúa trao sứ mệnh mục tử cho Phêrô.(21,15-17).
Sau khi các ông ăn sáng xong, Chúa Giêsu hỏi ông Simon Phêrô: Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không? (Ga 21,15).
Việc làm của con người trong xã hội, nhất là trong Giáo Hội cần phải được xây dựng trên nền tảng Tình Yêu, phải xuất phát từ lòng yêu mến trước hết.
Thánh Augustinô nói: Cứ yêu đi rồi sau đó muốn làm gì thì làm. Tình yêu phải có trước đã, để rồi từ đó con người đưa ra những hành động.
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu cũng nói: không có tình yêu, các hành vi dù sáng chói nhất cũng không đáng kể gì .
Chúa không hỏi: anh có bằng đại học không? có bằng tiến sĩ không?.
Chúa hỏi tới ba lần Anh có mến thầy không. Ba lần là tuyệt đối.(Thánh, thánh, thánh có nghĩa là rất thánh). Chúa có ý hỏi anh có tuyệt đối yêu mến Thầy không. Chúa hỏi tới ba lần, ngoài ý muốn nhắc nhở đến ba lần lầm lỡ, chối Thầy, Chúa còn muốn nhấn mạnh phải yêu mến hết lòng, yêu mến hơn những người khác.
Phêrô còn cảm kích về tình yêu của Thầy hơn nữa. Vì, được yêu trong khi mình trung thành, chung thủy đã là chuyện bình thường, đàng này, ngay khi mình phản bội, chối Thầy, Thầy vẫn yêu thương, tín nhiệm. Một hồng ân bao la. Sau này, ông phải thú nhận:
“Tình yêu che phủ muôn vàn tội lỗi” (1 Pr 4,8).
Phaolô cũng nhận định Lòng Mến là tối cần, ngài quả quyết:
“Giả như tôi nói được hết các thứ tiếng của nhân loại và các Thiên thần…có được đức tin đến chuyển núi dời non… và nộp cả thân xác để chịu thiêu, mà không có đức mến thì cũng chẳng ích gì cho tôi…” (1Cr. 13, 1-3)
Chúa ủy thác cho Phêrô sứ mệnh chăn dắt đoàn chiên của Chúa: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Ga 21,17).
Mục Tử là một chủ đề rất quen thuộc trong Kinh Thánh. Nhiều người Do Thái sống du mục bằng nghề chăn nuôi súc vật. Hình ảnh người mục tử rất gần với họ. Họ nhận Thiên Chúa là Mục Tử của họ. (Tv 23).Trong Tân Ước Chúa Giêsu xác quyết: Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi. (Ga 10,14). Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên(Ga 10,11)
4.Chúa nói về tương lai của Phêrô. (21,18-19).
Chúa nói trước về cái chết của Phêrô: “ Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” (Ga, 21,18).
Anh sẽ phải dang tay ra …Lời này chắc hẳn ám chỉ đến khổ hình thập giá cuối đời của Phêrô.
Trong tác phẩm Quo vadis (giải Nobel văn chương 1905), Nhà văn Sienkievich viết:
Khi ra khỏi cổng thành Roma, Phêrô gặp một người đang vác thập giá đi vào thành. Ông lên tiếng hỏi: “Quo vadis?”nghĩa là “Người đi đâu đó?”Người ấy trả lời: “Thầy đi vào Rôma để cho người ta đóng đinh một lần nữa”. Ông chợt hiểu, vội vàng quay lại Rôma. Ông sống với các tín hữu sắp chịu cực hình để an ủi họ và giúp họ giữ vững niềm tin… Về sau, chính ông cũng bị đóng đinh ngược, đầu quay xuống đất, theo lời ông xin, vì nghĩ mình không xứng đáng được đóng đinh như Thầy.
Lạy Chúa, xin cho chúng con vững tin vào mầu nhiệm phục sinh. Xin cho chúng con tín thác nơi Chúa trong mọi tình huống cuộc đời.